Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

09/12/2017

Ngày ra đi của huyền thoại Johnny Hallyday

Tuấn Thảo

Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, nước Pháp đánh mất cùng lúc hai gương mặt yêu quý : thần tượng nhạc rock Johnny Hallyday và nhà văn Jean d’Ormesson, một trong những thành viên trứ danh của Hàn Lâm Viện Pháp. Trường hợp này cũng đã từng xẩy ra vào tháng 10/1963 : văn hào Jean Cocteau từ giã cõi đời chưa đầy một ngày sau huyền thoại Édith Piaf.

legende1

Johnny Hallyday nhân đợt biểu diễn tại Stade de France năm 2009. Reuters /Philippe Wojazer

Một bên là nhà văn, một bên là ca sĩ. Mỗi người tỏa sáng trong một lãnh vực, thế nhưng cái chết của họ hầu như vào cùng một thời điểm khiến cho giới hâm mộ càng thêm bàng hoàng ngẩn ngơ thương tiếc.

Trong trường hợp của Johnny, ông qua đời ở tuổi 74, sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Trong suốt thời gian trị bệnh, Johnny vẫn không hủy bỏ các buổi biểu diễn (cùng với Jacques Dutronc và Eddy Mitchell trong nhóm Les Vieilles Canailles). Ông cũng giữ liên lạc với các fan thông qua các mạng xã hội, thường xuyên nói về các dự án ghi âm trong tương lai thay vì than vãn về bệnh tình.

Mọi người đều biết ông đang lâm bệnh nhưng ít ai lại nghĩ rằng Johnny sẽ ra đi nhanh và sớm đến như vậy. Tuy không hẹn, nhưng các fan cùng rủ nhau tập hợp, đốt nến tưởng niệm trước nhà của nam ca sĩ ở vùng ngoại ô Marne La Coquette. Giới hâm mộ hát hò những bản nhạc quen thuộc trong đó có các bài như Que Je T’aime, L’envie, Le Pénitencier, Noir C’est Noir, Vivre Pour le Meilleur hay là Retiens la Nuit như thể họ muốn giữ lại cho nhau nguyên một đêm thâu.

Kể từ đêm hôm 05/12 rạng sáng hôm 06/12/2017, niềm cảm xúc hầu như vô bờ của giới hâm mộ tràn ngập các kênh thông tin cũng như các mạng xã hội qua hình ảnh, tin nhắn, clip video. Hầu hết các đài truyền hình cũng như phát thanh đều đã đảo lộn chương trình để tưởng niệm Johnny và chính vào những giây phút ấy, ta mới chợt hiểu cái tình thương mà đại đa số người Pháp dành cho Johnny.

Dù thích hay không, những bài hát của Johnny đã trở nên hết sức gần gũi với công chúng, những bài hát gắn liền với những khoảnh khắc trong cuộc sống của họ, xuyên qua nhiều thế hệ để rồi sống mãi trong lòng khán thính giả. Khi được hỏi, khá nhiều người hâm mộ cho biết họ đã lớn lên với các bài hát của Johnny, vì thế họ xem ông như là người trong gia đình.

Sự nghiệp của Johnny Hallyday trải dài trong gần 6 thập kỷ, tính từ những đĩa hát đầu tay ghi âm vào năm 1960, với phong cách vay mượn từ Elvis Presley. Lúc sinh tiền, Johnny đã ghi âm hơn 1.000 ca khúc, bán hơn 100 triệu đĩa hát, đoạt 10 giải thưởng âm nhạc Pháp Victoires de la Musique (chỉ thua có Alain Bashung với 12 giải Victoires). Nhưng về số lượng khán giả thì không có nghệ sĩ Pháp nào có thể sánh bằng Johnny, trong đời ông đã thực hiện 183 vòng lưu diễn, thu hút tới 28 triệu lượt khán giả.

Nổi danh ban đầu với phong trào nhạc trẻ tại Pháp những năm 1960, Johnny Hallyday sau đó đã hát rất nhiều thể loại : rhythm and blues, rock, soul, pop, folk, country, reggae và kể cả nhạc nhẹ qua các chương trình truyền hình Maritie và Gilbert Carpentier cũng như qua các bản song ca với thần tượng tóc vàng Sylvie Vartan (một thời là vợ của ông 1965-1980). Trong suốt sự nghiệp của mình, Johnny Hallyday liên tục đổi mới hình ảnh qua việc hợp tác trong nhiều năm với nhiều tác giả khác nhau : mỗi tác giả ghi dấu một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp của Johnny.

Đầu những năm 1970, nhà văn kiêm phóng viên Philippe Labro qua việc chuyển ngữ các bản nhạc blues rock Anh Mỹ giúp Johnny xây dựng hình ảnh của một nghệ sĩ phản kháng, thoát khỏi cái hình ảnh hơi ngây ngô ban đầu của thần tượng nhạc trẻ (l’Idole des Jeunes). Hai tác giả Jean Renard & Gilles Thibault chuyên sáng tác cho Jonny những bản slow rock cực kỳ ấn tượng. Cuối những năm 1970, tác giả Michel Mallory cũng như nhà sản xuất Eddie Vartan (anh ruột của Sylvie Vartan) tạo hình ảnh của một Johnny dũng mãnh cứng rắn qua trang phục và phong cách biểu diễn gần giống với các nhóm nhạc metal hay hard rock, trên các sân vận động khổng lồ, hay trên những sân khấu cực kỳ hoành tráng.

Kể từ giữa những năm 1980 trở đi, hai tác giả Michel Berger và Jean-Jacques Goldman mỗi người đã sáng tác nguyên một album cho Johnny. Nhờ tìm ra được những giai điệu và ca từ thích hợp, họ đã nâng tài năng diễn xuất cũng như uy tín của Johnny lên một tầm cao mới. Tuy mỗi tác giả có một phong cách riêng, nhưng Berger và Goldman đã thành công trong việc giới thiệu Johnny dưới một góc nhìn mới : đằng sau vầng hào quang sáng chói của một ngôi sao hàng đầu, thấp thoáng những mảnh vỡ nội tâm của một người đàn ông, tình thương của công chúng bù đắp cho bao thiếu vắng có từ thời thơ ấu của Johnny.

Dù có hát nhạc gì chăng nữa, Johnny vẫn giữ nguyên cung cách của một nghệ sĩ nhạc rock, bởi vì ông không chỉ biểu diễn trên sân khấu mà còn hành xử ở ngoài đời như một rocker, đâu đó rock không chỉ đơn thuần là một thể loại âm nhạc mà còn là một phong cách sống. Về tài năng, Johnny trụ vững được lâu nhờ lối trình bày dũng mãnh và sinh động. Tác giả Aznavour (từng viết bài Retiens la Nuit cho Johnny và bản La Plus Belle pour Aller Danser cho Sylvie) nói rằng Johhny không chỉ hát bằng chất giọng mà lại dùng toàn thân để diễn đạt.

Về kỹ thuật luyện thanh, Johnny có âm vực của một tenor nhưng khi hát những nốt cao nhất ông lại không bao giờ dùng cách hát chẻ giọng óc mà luôn dùng toàn bộ giọng ngực. Nhờ chất giọng thiên phú này, mà Johnny có thể tập trung toàn bộ nội lực vào cột hơi rắn chắc đầy đặn để rồi phóng toàn bộ sức mạnh ấy về phía trước. Điều đó giải thích vì sao khán giả thường có cảm tưởng Johnny hát gằn giọng (và thậm chí cường điệu) trong khi đó lại là cách hát tự nhiên của ông. Chất giọng trời ban ấy giúp cho Johnny trở thành rocker số một của Pháp và hầu như không có đối thủ trong suốt nửa thế kỷ.

Về điểm này, ca sĩ Line Renaud ‘‘mẹ đỡ đầu’’ của Johnny trên sân khấu nói rằng : bà đã có gần 90 năm tuổi đời và 70 năm tay nghề nhưng trong suốt sự nghiệp, bà chưa thấy nghệ sĩ nào được người Pháp yêu quý bằng Johnny. Một mối quan hệ mà theo bà được xây dựng trên sự chân tình : Johnny sống hết mình cho công chúng và nghiệp diễn. Chính cũng vì thế mà với thời gian, Johnny trở thành một trong những gương mặt thân quen nhất, một phần trong đời sống của họ.

Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nước Pháp lại đánh mất cùng lúc hai gương mặt tiêu biểu : nhà văn Jean d’Ormesson đồng thời là một trong những thành viên nổi tiếng của Hàn Lâm Viện. Người Pháp thường gọi họ là ‘‘Immortels’’ Những vị bất tử. Còn trong trường hợp của Johnny, lúc sinh tiền ông đã là một huyền thoại trong lòng người mến mộ. Ngày Johnny nói lời vĩnh biệt, cũng là ngày mà tượng đài Hallyday trở nên bất diệt.

Tuấn Thảo

Nguồn : RFI, 09/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 862 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)