Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

15/02/2018

Tết, nghĩ về chuyện ăn uống của người Việt !

Việt Dân

Trong tiếng Việt, hai động từ ăn và uống được sử dụng rất đa dạng và chính yếu. Thời xưa, xã hội ta thuần nông nghiệp nên cái ăn, cái mặc đầy đủ là chuyện hiếm. Các cụ suy nghĩ thường trực vì miếng cơm, manh áo nên hai động từ ăn và uống dường như diễn đạt nhiều cảm xúc đến như vậy. "Ăn cây nào rào cây ấy", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "ăn cơm chúa, múa tối ngày", "uống nước nhớ nguồn", "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau", "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp"...

anuong1

Mâm cỗ ngày Tết - Ảnh minh họa

Cái ăn dường như là một sự ám ảnh và là tiền đề cho cách ứng xử của cá nhân đối với các mối quan hệ trong xã hội. Cho đến gần đây, xã hội Việt Nam đã có thể tạm đi qua những khủng hoảng vì cái ăn, cái mặc nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người thì vẫn còn bị ám ảnh bởi chuyện này và xem nó là hợp lý, là sự thể hiện của bản thân, là lý tưởng để dẫn đến hành động chung.

Một cô người mẫu sống trong sự giàu sang và xa hoa mà chỉ một số ít người mới dám mơ tới cũng nói một suy nghĩ rất tự nhiên "không có tiền thì cạp đất mà ăn à ?". Trong nhiều cuộc tranh luận về những vấn đề chung của xã hội, nhiều người vẫn viết hay nói "thôi lo chuyện nhà mình đi, lo cơm, áo, gạo, tiền cho vợ, cho con ! Lo mấy chuyện này có ăn được không ?". Một số người can đảm hơn thì sau một hồi bàn luận nghiêm túc, chuẩn bị đi đến những vấn đề không thể né tránh liền bị cái tâm tính nó kéo lại "thôi mình bàn mấy chuyện quốc gia đại sự này khó quá ! Lo chuyện kiếm tiền cậu ạ !"...

Hai động từ ăn và uống được thể hiện sinh động và nhiều cảm xúc như vậy phần nào lý giải tâm tính, tư duy bao trùm lên xã hội ta. Ngày thường là vậy, đến mùa lễ lộc thì nó bị khuếch đại lên quá mức. Đầu tiên tôi nói về cái bánh chưng, món ăn truyền thống và phải có trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình Việt. Bánh chưng với nhân chính là gạo nếp được nén chặt trong khuôn, thêm ít thịt heo, đậu xanh... Món này ăn nhanh ngán và thực sự rất lâu đói. Chỉ vài chục năm trước thôi, miếng bánh chưng ngày tết vẫn là nỗi khao khát, sự thèm thuồng của nhiều người Việt. Nó phần nào lý giải ông, bà ta sống thiếu thốn như thế nào.

Trong "Chuyện Ngõ Nghèo" của tác giả Nguyễn Xuân Khánh có vẽ lên một cách chân thực bối cảnh xã hội miền Bắc thời những năm 80. Trích : "Giá cả hàng hóa của Hà Nội leo thang vùn vụt. Tôi ghi chép lại đây những con số đầy ý nghĩa với cuộc sống gia đình tôi : Su hào, một đồng một củ - Khoai lang, 22 đồng một yến (...) - Rau muống lợn 1 đồng 5 hào một mớ. (...) Ôi chao toàn tiền là tiền. Tiền tiêu như rác, một nắm bèo cũng có giá. Trong khi đó, lương tôi được hơn 60 đồng, lương vợ tôi 70 đồng. (...) Chỉ những con số ấy cũng đủ biện hộ cho công việc nuôi lợn, mê say lợn của tôi. Con lợn của tôi là tất yếu, là con đường cứu sống gia đình tôi".

Phong trào người người, nhà nhà nuôi lợn, vật giá leo thang, nghề đồ tể thống trị, sách bán vài ba hào chỉ đủ mua bèo cho lợn ăn... Người ta bị ám ảnh vì cái ăn, cái mặc và bần cùng hóa tư tưởng vì nó.

Cho đến gần đây thôi, tôi vẫn cảm thấy cái tâm tính đó không dứt đối với nhiều người Việt. Cứ dịp tết đến hay lễ hội, người ta phải phô trương cái ăn, cái mặc thể hiện qua sự thừa mứa và lãng phí những ngày tết. Đi đâu, gặp nhau người ta cũng bắt ép nhau uống và ăn. Bây giờ còn có thêm tiết mục hát karaoke. Dường như người Việt ta không thể diễn đạt những suy nghĩ, những nỗi niềm để hiểu nhau và biết yêu thương nhau hơn. Thay vào đó chúng ta lấp đầy những khoảng trống bằng men say của rượu, của bia, làm cái bao tử phải hoạt động liên tục bằng hoạt động ăn, uống kéo dài mấy giờ đồng hồ. Chưa đủ, chúng ta lại kết hợp thêm màn tra tấn lỗ tai bằng karaoke. Ba món kết hợp lại với nhau thì thời gian đâu mà suy nghĩ, mà thảo luận nữa. Nên mới có chuyện anh em, bè bạn cao hứng ép nhau uống rồi gọi là "anh em tốt, bạn bè tốt" xong lời ra, tiếng vào lại giải quyết vấn đề bằng nắm đấm.

Một điều đáng buồn là đến nay và ngay cả trong tầng lớp khá giả thì vẫn còn không ít người xem miếng ăn, đồ uống là để thể hiện bản thân, đẳng cấp và sự thành đạt. Những chai rượi đắt tiền, những con vật nằm trong danh sách đỏ vẫn là ước mơ của một số người. Trong thực tế, giá trị của mỗi con người không nằm ở miếng ăn và những chai rượi ngoại. Giá trị đó đôi khi được ghi nhận và tôn vinh từ những việc làm cụ thể và mang tính nhân văn như sự chia sẻ, bao dung, tình yêu con người và thiên nhiên…

Cũng không phải các cụ ta không nhận ra điều đó ! "Miếng ăn là miếng nhục", "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "bầu ơi thương nấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "một miếng khi đói bằng cả gói khi no"...

Thôi thì chúc anh, chị em thân hữu ngày tết bình an, sức khoẻ và tinh thần để tiếp tục cuộc vận động đẩy lùi sự cồn cào và ham muốn của cái bao tử, nâng cao suy nghĩ với đồng bào ta, với lực lượng 47 và những con lợn trong trại gia súc của George Orwel (1984)...

Việt Dân

(15/02/2018)

Quay lại trang chủ
Read 776 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)