Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 07 mars 2020 19:00

Cái tôi và văn hóa nhân sĩ !

Chris Hedges là một học giả có tiếng của nước Mỹ. Ông viết rất nhiều sách với chủ đề chính là đời sống chính trị Mỹ đang dần bị xói mòn bởi sự thống trị của đồng tiền (corporate capitalism), văn hóa người nổi tiếng (celebrity culture) và chủ nghĩa trọng người thành đạt (meritocracy). Ông cho rằng nước Mỹ đang dần tiến tới một trạng thái ảo giác, xa rời khỏi thực tại. Số lượng người Mỹ không đi đến nhà thờ ngày càng giảm nhưng không có nghĩa họ là những người vô thần (atheist). Trái lại, người dân đang bị gây nghiện và đam mê bởi những thứ văn hóa đại chúng định hình bởi những người nổi tiếng xuất hiện trong hầu hết thời gian giải trí của họ. Người dân Mỹ đang dần theo thuyết đa thần, mà những người nổi tiếng là hình mẫu ẩn sâu trong khao khát của họ.

chris1

Chris Hedges là một học giả có tiếng của nước Mỹ.

Những người nổi tiếng này là những người tích cực cổ súy cho chủ nghĩa trọng người thành đạt. Theo đó, bất kể thực tại của bạn như nào, chỉ cần bạn cố gắng thì bạn sẽ đạt đến trạng thái hạnh phúc. Những câu chuyện điển hình thành công, hiểu theo nghĩa là danh vọng và sự thành đạt, đều có thể đạt được bất kể xuất thân của bạn là ai. Nếu bạn không đạt được thì có là do bạn chưa đủ cố gắng hoặc bạn không đủ tốt.

Các ý niệm liên đới, các giá trị đạo đức bị bỏ qua bởi thứ văn hóa này, thay vào đó người ta chỉ có thể đánh giá qua lăng kính một người thành công hay không dựa vào sự giàu sang, thành đạt, hay mức độ nổi tiếng của người đó. Chắc hẳn nhiều bạn không lạ gì các chương trình truyền hình thực tế, trong đó những người tham gia một thử thách sẵn sàng dùng đủ mưu mẹo, đâm chọt sau lưng nhau dù có thể trước đó họ xem nhau như bạn bè để chiến thắng ? Giải thưởng là một vé đi vào đại lộ danh vọng giống như những người giám khảo đang đứng trước họ và phán xét họ. Không làm gì có tình yêu, sự bao dung, liên đới, tình bạn hay lòng thủy chung ? Đó là những thứ làm cho con người yếu ớt, chỉ có sự nổi tiếng, là trung tâm của sự chú ý mới đáng xem trọng. Nghĩa là cái tôi phải được thả nổi ? Tôi không quan tâm đến người khác nghĩ gì, tôi sống và theo đuổi những gì mình cho là đúng để đạt được sự thành công.

Dần dần xã hội Mỹ đi vào trạng thái ảo giác và chia rẽ hơn lúc nào hết. Những người nổi tiếng chính là hình mẫu của họ. Chính trị dần chuyển thành một màn trình diễn mà trong đó những mưu mẹo, sự thao túng, đâm lén đồng đội sau lưng được ca tụng và được xem như phẩm chất cần có của một người lãnh đạo. Lãnh đạo dần dần nhường chỗ cho quyền lực thuần túy. Sự liên đới hay ý niệm đồng bào dần dần bị lấn át bởi một thứ chủ nghĩa bộ lạc. Người ta sẽ chia ra thành những nhóm người ủng hộ đồng tính, phá thai, công giáo cực hữu… Các cuộc thảo luận chính trị tại Mỹ ở trình độ cao nhất dần dần chuyển sang những cuộc tranh cãi, tấn công lẫn nhau.

Giải thích nào ?

Chủ nghĩa cá nhân đang dần bị bóp méo sang chủ nghĩa vị kỉ. Cái tôi là cái cần được khai sáng thì lại được nâng lên thành một vẻ đẹp thuần khiết, mà mỗi người phải giữ gìn lấy nó. Có lẽ nước Mỹ là bài học lớn cho những nước khác vì bao năm qua đã để thả nổi bản năng tự do của con người một cách quá đáng, để rồi ảnh hưởng sang cả đời sống chính trị Mỹ.

Tôi nghĩ về trường hợp của Việt Nam hiện tại, người dân bị xao nhãng và quá chú tâm đến những chương trình giải trí mà quên đi thực tại là chúng ta vẫn đang bị kìm kẹp và thống trị bởi một chế độ độc tài tai hại. Nhưng tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi nó ?

Văn hóa nhân sĩ cũng có nhiều cái độc hại giống như văn hóa người nổi tiếng. Các giải pháp luôn đến từ bên trong, ví dụ như cố gắng nâng cao dân trí ? Chỉ cần bạn cố gắng thì bạn sẽ tốt hơn, và nếu nhiều người cố gắng thì xã hội Việt Nam sẽ đi đến thay đổi. Đây là một ảo giác tách con người khỏi hiện tại, nhất là khi chúng ta đều đồng ý với nhau rằng Đảng cộng sản đang độc quyền và kiểm soát phần lớn các phương tiện trong xã hội. Làm sao mà một người bình thường có thể tốt lên nếu hàng ngày, hàng giờ bị mê hoặc bởi những thông tin của Đảng cộng sản, những chương trình giải trí, phim ảnh… Và tại sao lại đòi hỏi nhiều người cố gắng để đạt đến trạng thái như mình ? Có phải nguyên nhân sâu xa là vì người nhân sĩ xem mình ở vị trí trung tâm của sự thay đổi chứ không phải là họ đang đóng góp một phần vào tiến trình thay đổi ?

Mấy chục năm đã trôi qua, Việt Nam hiện đang có một bối cảnh rất thuận lợi để chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình. Đảng cộng sản cũng không còn là một đảng độc tài tư tưởng nữa, họ chỉ thuần túy là một tập đoàn cầm quyền khư khư giữ quyền lực vì lợi ích vật chất cho bản thân họ.

Nếu từ bỏ được văn hóa nhân sĩ để dồn năng lực vào một cố gắng chung, tức vào việc phát triển một tổ chức chính trị nghiêm túc thì nhất định họ, Đảng cộng sản Việt Nam, sẽ phải chuyển giao quyền lực khi chính họ phải tự bắt buộc làm tác nhân thay đổi.

Việt Dân

(7/3/2020)

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=285172792462115&set=gm.1154182044926617&type=3&theater&ifg=1

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Nhìn lại phong trào dân chủ ở Việt Nam trong năm 2018 – nửa đầu năm 2019, các hoạt động biểu tình và những hoạt động trên không gian mạng của các nhóm, những nhân vật tranh đấu được nhiều người biết đến đều sút giảm so với khoảng thời gian trước đó. Điều này đưa đến một vài nhận định bi quan về khí thế tranh đấu giảm dần và tương lai bất định của cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam.

suynghi1

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Nhiều người không khỏi bâng khuâng vì năm 2018 cũng là năm mà Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thể hiện sự bạo ngược và xấc xược của nó, khi đã tuyên bố những bản án rất nặng cho những người anh em tranh đấu cho dân chủ, tự do trong Hội Anh Em Dân Chủ như Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Túc… và nhiều người mắc nạn, những cuộc bắt bớ, cưỡng chế khác. Thế nhưng, sự xúc động trong phong trào dân chủ vẫn chưa thể lan tỏa nhiều như nó vốn dĩ phải nên có.

Có cần lo lắng về sự im lặng này không ?

Trái với nhận định có phần bi quan của nhiều người, tôi cho rằng đây là một giai đoạn tĩnh lặng cần thiết cho cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam. Nó cho chúng ta thời gian suy tư cần thiết để nhận diện ai là ai, phương pháp tranh đấu như thế nào là hiệu quả, ý nghĩa thực sự của cuộc vận động dân chủ là gì... Dần dần, những khuôn mặt quen thuộc trong phong trào và cả những thế hệ dấn thân mới sẽ tiến dần đến một sự đồng thuận về việc đấu tranh chính trị có tổ chức và nhằm thể hiện cho lẽ phải, công lý. Các hoạt động bề nổi, ồn ào sẽ được thay thế bằng những cố gắng xây dựng tổ chức dân chủ đứng đắn. Đi xa hơn là liên minh giữa các tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc để làm đối trọng, gây áp lực lên chính quyền Cộng sản Việt Nam cai trị hiện tại.

Nhưng khi bàn đến việc xây dựng tổ chức dân chủ, lộ trình và phương thức tranh đấu, điều khẩn cấp hiện nay là cần phải từ bỏ thái độ đấu tranh nhân sĩ và ngừng đổ lỗi cho sự thụ động của quần chúng Việt Nam.

Theo tôi, đây là một suy nghĩ luẩn quẩn và thiếu lương thiện của những vị nhân sĩ, hay một cách gọi khác là những trí thức khoa bảng ở Việt Nam. Trong giới hạn bài viết này, tôi mạn phép đưa ra một số nhận định và ý kiến đóng góp.

Bối cảnh thế giới và bối cảnh Việt Nam

Năm 2018 được bàn tán nhiều như là năm "đốt lò" của phe ông Trọng. Tiền thân của chiến dịch này là một sự học tập theo chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của phe ông Tập Cận Bình trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Có thể phe đảng của ông Trọng, cũng như nhiều người ban đầu tin rằng đây là một cố gắng thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại đảng nhưng càng ngày nó càng bộc lộ rõ ràng đây chỉ là một sự thanh trừng giữa các phe phái trong Đảng với nhau. Phe đảng của ông Trọng chiếm ưu thế, nên ông ấy phải "mang củi tươi" đi đốt phe ông Dũng thất thế.

Chúng ta có thể rút ra kết luận rằng một đảng độc tài, để duy trì ách độc tài của nó lên xã hội và người dân, logic trước hết là phải duy trì độc tài trong chính nội bộ của nó. Qua từng thời kì, có thể nhãn quan của những người trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam tranh giành vì những lợi ích khác nhau, nhưng nó sẽ luôn là một nhóm nhỏ áp đặt sự thống trị, chuyên chế lên toàn bộ những người còn lại. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng – một cựu quan chức cộng sản, cũng từng phát biểu : "Các đồng chí cứ bảo bắt, nhưng bắt hết thì lấy ai mà làm".

Đảng cộng sản không còn chất keo ý thức hệ để gắn kết hay khủng bố các thành viên trong Đảng với nhau nữa, nó chỉ còn tồn tại bằng sự chia chác lợi ích vật chất mà thôi. Điều này rất đúng với nhận định trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về bốn điều kiện cần và đủ của một cuộc cách mạng Dân Chủ :

"Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể".

Thêm vào đó, tham nhũng hoành hành như "ghẻ ngứa" theo lời ông Trọng, cũng nằm trong logic tự nhiên của một chế độ độc tài mafia. Như trong bài viết "Một cách nhìn về tham nhũng" của ông Nguyễn Gia Kiểng :

"Nhưng trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình ? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Ðồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu. Như vậy tham nhũng cũng là hậu quả tự nhiên của chế độ độc tài toàn trị vì nó là phản ứng đề kháng trước bạo quyền chính trị. Muốn chống tham nhũng thì phải trả lại cho xã hội dân sự những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, nghĩa là phải quyền lực hóa (empower) người dân. Nghĩa là phải có dân chủ".

Thêm vào đó, khi bàn đến chống tham nhũng và tham nhũng, là một vấn đề liên hệ đến đạo đức quốc gia, điều không thể có và còn bị cố gắng làm cho xấu đi dưới chế độ cộng sản hiện tại. Cuộc chiến chống tham nhũng hay "đốt lò" của ông Trọng, có thể bắt bớ rất nhiều người, kể cả những chức vụ cao như những ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, gần đây là các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… thì cũng chỉ thể hiện một sự phân rã phải đến, ngày một nhiều hơn của một nhóm người thỏa mãn với nhau trong lợi ích vật chất để rồi dẫn đến bất mãn vì sự chia chắc không đồng đều. Họ dùng chủ nghĩa Mác Lenin lỗi thời và nhân vật Hồ Chí Minh ra làm bình phong che chắn cho chế độ (Điều mà theo tôi, là rất thô bỉ mà các chế độ cộng sản đều đã áp dụng. Nhất là ở một nước như Việt Nam, người chết phải được quyền an táng mồ mả đàng hoàng).

Vì thế, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng chỉ là một chuyển tiếp tự nhiên từ một chế độ độc tài ý thức hệ sang một chế độ độc quyền chia chác quyền lợi kiểu mafia. Nhưng lịch sử và kinh nghiệm trên nhiều quốc gia cũng đã chứng minh, không thể nào cải tổ được một chính quyền tham nhũng ngoài cách thay thế nó.

Có nhiều vị nhân sĩ cảm thấy hồ hởi về điều này, từ đó đưa ra những nhận định chủ quan, cho rằng có thể cải tổ được chế độ này hay chế độ cộng sản cũng có người này, người kia ! Họ làm cho người dân bối rối và những ai thực sự muốn dấn thân cho đất nước một cách lương thiện cảm thấy lúng túng, nhất là khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức hay chưa có đủ thời gian để suy tư về bản chất của chế độ độc tài. Thái độ "ngồi trong lều" rồi tùy vào tính thời sự và từng thời điểm để chọn phe là một thái độ rất sai, nếu không muốn nói là một sự từ nhiệm đối với bổn phận quốc gia. Trong lúc đất nước đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài, bổn phận của mỗi người là phải đóng góp vào một thành công chung cho phong trào dân chủ. Tôi sẽ trở lại phân tích về kiến thức, nhận thức giữa quần chúng và nhân sĩ ở Việt Nam sau.

Bối cảnh thế giới

Năm 2018 cũng được biết đến như một năm chao đảo của các định chế dân chủ bởi một làn sóng "chủ nghĩa dân túy" quét qua.

Một cách vắn tắt về chủ nghĩa dân túy, nó lợi dụng một tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm.

Từ Hoa Kì với tổng thống Donald Trump, với những phát ngôn, quyết định và những cái tweet gây ngỡ ngàng đối với cộng đồng thế giới cho đến những hành động, lời nói như những gã gangster của tổng thống Philipine Duterte, ông Jair Bolsonaro tại Brasil, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, các mollah tại Iran, v.v.

Những tổng thống hay lãnh đạo dân túy đều sử dụng một đặc tính ngôn ngữ chung : Giản dị nhiều lúc thiếu hẳn đi sự trang nhã và chuẩn mực cần có trong vai trò lãnh đạo quốc gia, những hành động ngắn hạn mà không dựa trên một dự án lớn hay một viễn kiến nào cả, khiêu khích và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi… Hệ quả tự nhiên là họ bài bác toàn cầu hóa, nhập cư, sẵn sàng tuyên bố gây chiến một cách hung hăng nếu cần.

Tệ hơn, ở những xã hội dân chủ phương Tây, nhất là Hoa Kì, những tiến bộ về nhân quyền và sự hội nhập trong toàn cầu hóa thu hẹp dần khoảng cách về nghề nghiệp, cơ hội hay chỗ đứng của con người không phân biệt thuộc sắc tộc, màu da nào. Sự chuyển dịch này dẫn đến sự lo lắng có thật về một đa số người da trắng ở Mỹ cảm thấy họ đang dần dần bị bỏ lại, dần trở thành thiểu số trước những thành phần khác. Thay vì được giải thích một cách lương thiện, hỗ trợ họ vươn lên trong những lĩnh vực, ngành nghề mới thì làn sóng dân túy quét qua mũi họ, dấy lên lòng đố kị và khơi gợi lên nguyên do của sự thụt lùi ám chỉ vào những sắc dân khác, rõ nét nhất là những người nhập cư, những người di dân khốn khổ từ những vùng khác vượt mọi hiểm nguy tìm đến Hoa Kì với mong muốn tìm được một tương lai tốt đẹp hơn.

Liên hệ đến vụ xả súng vào nhà thờ Christchurch ở New Zealand của tên sát nhân Brenton Tarrant, nhuốm màu sắc thù hận người Hồi giáo cũng như cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, dù ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, thì nó cũng là tấm gương phản chiếu lên chủ nghĩa dân túy.

Đặc tính của những tổng thống, lãnh đạo dân túy hay những người ủng hộ họ là tất cả các ngôn ngữ thảo luận, dù ở hình thái chửi rủa hay dẫn chứng, đều không thể thảo luận vì họ đã kết luận luôn rồi chứ không cần lý luận. Người ta chỉ có thể lý luận khi có đủ sự trấn tĩnh và đặt nền tảng trên những giá trị chung như lương thiện, sự thật, lẽ phải, tình đồng bào, tình anh em, liên đới quốc gia… Nhưng ngôn ngữ thảo luận của những người dân túy là ngôn ngữ nội chiến. Nó phân biệt lằn ranh rõ ràng giữa ta và địch, giữa tầng lớp này và tầng lớp khác, giữa tả và hữu… chứ nó không muốn vượt lên trên lằn ranh đó để mưu tìm ra một giải pháp chung, đúng đắn cho bối cảnh xã hội. Những bài học từ thế chiến thứ 1, thế chiến 2, hay sự bùng lên của chủ nghĩa cộng sản… đều bắt nguồn tự những sự phẫn nộ có thật, đưa lên những lãnh đạo dân túy hay đảng dân túy dần dà biến thành độc tài, toàn trị đã dẫn đến cái chết của nhiều triệu nhân mạng và những thương tổn, tâm lý lên xã hội mãi không thể lành.

Rất may là ngày nay dân chủ và nhân quyền đã có nội dung vững chắc và cũng được khẳng định như là tiến bộ chung của nhân loại, chứ không phải chỉ là của riêng phương Tây hay Châu Á. Thời đại của chủ nghĩa ý thức hệ đã chấm dứt. Những biến động, trục trặc trong thời đại toàn cầu hóa đặt ra những câu hỏi lớn lên tính liên đới của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, trách nhiệm của loài người đối với biển đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… là có thực, và làn sóng dân túy quét qua dù làm chao đảo các định chế dân chủ, dù có thể ảnh hưởng lên đà tiến của làn sóng dân chủ trong một giai đoạn, nhưng cần thiết để cho nhân loại xét lại, làm mới, thảo luận lại những vấn đề lớn đang được đặt ra.

Từ những biến cố xảy ra ở thế giới và trong nước, phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam có cơ hội để thảo luận, suy tư, sắp đặt lại các vấn đề, nhìn rõ hơn những tai hại của chế độ tổng thống, của chủ nghĩa tự do phóng khoáng quá đề cao tự do theo đuổi đam mê cá nhân, mà lãng quên hay đặt nhẹ sự liên đới xã hội. Những người tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam cũng có cơ hội hiểu sâu sắc thêm ý nghĩa của việc làm chính trị. Làm chính trị không phải chỉ là để tranh giành quyền lực, tranh quyền đoạt lợi, lôi kéo được sự chú ý của đám đông mà là một cố gắng bền bỉ thăng tiến những giá trị đạo đức, lẽ phải trong xã hội.

Tôi xin trích dẫn lại một khái niệm giản dị của câu hỏi "chính trị là gì và làm chính trị để làm gì ?" :

Chính trị là cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội đồng thời nâng cao trình độ tinh thần và vật chất của xã hội. Chính trị là đạo đức ứng dụng (la politique est l'éthique appliquée, politics is applied ethic) vì thế không thể gian trá.

Làm chính trị là cố gắng giành lấy - hoặc giữ lấy - quyền lực để thực hiện một dự án chính trị. Sự tranh giành - hay cố giữ - quyền lực này chỉ có ý nghĩa nếu có một dự án chính trị đúng đắn. Nếu không hoạt động chính trị chỉ là vớ vẩn, nhảm nhí.

Ngay cả khi đã có một dự án chính trị đúng đắn, người làm chính trị cũng phải rất cảnh giác trước cám dỗ lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, nghĩa là dùng thủ đoạn bất chính để giành chính quyền để thực hiện một lý tưởng đẹp.

Một lý tưởng cao đẹp phải được phục vụ bằng những phương tiện xứng đáng với nó. Phương tiện xấu làm bẩn lý tưởng.

Bình thường vẫn có thể thành công bằng những phương tiện trong sáng, kẻ sử dụng bá đạo trước hết là kẻ thiếu bản lĩnh. Tương tự như kẻ đánh lén vì võ nghệ kém.

Chữ "chính trị" không có trong ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc trước khi tiếp xúc với phương Tây. Nó được đặt ra để dịch chữ "politics" đã có từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng đó là cách dịch phiến diện, ẩu tả. Politics có nghĩa là việc của thành phố, hay "việc chung", bởi vì vào thời đó mỗi thành phố là một nhà nước. Nếu khi mới tiếp nhận khái niệm chính trị người ta dịch politics là "việc chung" hay "việc nước" thì các trí thức khoa bảng sẽ khó có thể nói "tôi không thích việc chung" hay "tôi không thích việc nước" mà không thấy ngượng, hoặc ít ra không dám nói một cách hãnh diện như thế.

Tại sao phải bàn về chủ nghĩa dân túy nhiều như vậy ? Xin trả lời điều này không thừa chút nào. Chế độ cộng sản, các chế độ độc tài, theo một cách gọi khác, là một thứ chủ nghĩa dân túy ở hình thái cao nhất. Tuy nhiên khi bàn về chủ nghĩa dân túy, nhiều gương mặt trí thức khoa bảng, nhân sĩ ở Việt Nam hay nhiều cuộc thảo luận đặt ra không khác gì một phiên tòa kết tội cho thể chế dân chủ. Họ viện dẫn những khó khăn của các thể chế dân chủ, so sánh với qui mô kinh tế và các chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, Việt Nam…

Dần dà, họ tương đối hóa các giá trị đạo đức hay nhân quyền, chỉ còn xoay quanh vấn đề kinh tế, để đưa ra những ý kiến biện luận cho các chế độ độc tài sáng suốt hay thể chế dân chủ. "Mèo trắng hay mèo đen đều bắt được chuột", chế độ độc tài, hay độc tài sáng suốt, hay thể chế dân chủ đều có những điểm hay, điểm dở. Người dân nên chấp nhận nó và tìm những giải pháp cá nhân, dần dà xã hội sẽ tốt lên, của cải và sự giàu có sẽ tăng lên.

Đây là một ý kiến không lương thiện và thể hiện sự thiếu hụt kiến thức của những nhân sĩ, trí thức khoa bảng phò chế độ. Một mặt, họ đổ lỗi cho quần chúng và dân trí thấp nên không xứng đáng có dân chủ, mặt khác, họ vuốt ve chính quyền để cuối cùng tạo ra sự tiện lợi về mặt vật chất và an toàn trong tinh thần cho chính cá nhân họ. Họ vẫn nghĩ là họ quan trọng, kiến thức của họ đúng đắn và được đề cao, đằng nào thì họ cũng sẽ có chỗ đứng vinh quang trong bất kì chế độ nào. Đây là những biện luận và suy nghĩ rất sai về kiến thức và thể hiện dáng đứng nô lệ của nhóm người này.

Thứ nhất, họ bỏ qua những giá trị đạo đức và quyền con người. Độc tài hay dân chủ, trong một chế độ, cần nhìn vào chiều sâu trong nội dung của nó theo từng giai đoạn để phân tích đúng, sai. Dân chủ và sinh hoạt dân chủ đạt được và giữ được vừa dễ vừa khó. Nó dễ bởi vì nó thể hiện, và là biểu hiện rõ nét nhất cho quyền con người, lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội. Nhưng nó khó bởi vì đó là những giá trị nằm trong tâm hồn con người, còn những giá trị vật chất thể hiện đơn giản nhất qua kinh tế…

Nguyên do phát triển kinh tế là nhờ tự do và quyền con người càng ngày càng được đảm bảo. Nhưng nếu chỉ nhận xét hời hợt hoặc quan sát không đầy đủ, người ta sẽ dễ lẫn lộn giữa cái nào là nguyên nhân và kết quả. Việc gìn giữ dân chủ và sinh hoạt dân chủ ổn vững, và thăng tiến vừa là một cố gắng thay đổi văn hóa và tâm lý xã hội, vừa là một yếu tố kĩ thuật trong việc chọn lựa thể chế dân chủ đúng đắn nhất. Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra đề nghị "Thế chế dân chủ đại nghị" kèm theo những giải thích cô đọng về tính ưu việt của nó trong việc đảm bảo dân chủ ổn vững.

Nói đến đây, càng chứng tỏ sự đáng trách lên những trí thức khoa bảng, nhân sĩ ở Việt Nam. Do một tật nguyền, một di sản nhọc nhằn của văn hóa Khổng giáo đè nặng lên tâm hồn và trí tuệ, nên nhiều người chỉ học để biết chứ không học để hiểu. Bằng cấp quan trọng hơn những giá trị họ đóng góp cho xã hội. Những tiêu chuẩn hình thức quan trọng hơn khi phán xét một nội dung, một cuộc thảo luận, một ý kiến chứ không hề dựa vào tính đúng, sai của nó. Họ chỉ là một cây gậy mà chế độ độc tài hay độc tài đảng trị sử dụng để roi vọt lên quần chúng, nhân dân. Cậy gậy không hề biết đau, nó chỉ hả hê với kiến thức hạn hẹp của mình, cho rằng quần chúng Việt Nam kém cỏi, dân trí thấp nên chưa thể xứng đáng có dân chủ.

Quần chúng Việt Nam chín muồi đến mức độ nào ?

Tuyệt đại quần chúng Việt Nam, kể cả đa số những đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, đều đồng tình rằng chế độ này là một tai hại cho Việt Nam và để có tương lai, Việt Nam cần phải tiến về một thể chế dân chủ đa nguyên càng sớm càng tốt.

Những anh xe ôm, bác tài xế, chị bán rau, anh nhân viên văn phòng, kỹ sư, công nhân hay những công chức làm việc trong chế độ… dù thể hiện ngôn ngữ dưới nhiều hình thức khác nhau, họ đều mong muốn một cuộc sống của họ ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, tình trạng kẹt xe không còn nữa, y tế tốt hơn, con cái họ không phải ở trong những nhà trọ quá chật hẹp và gửi trong những nhà trẻ không được đảm bảo, cơ sở giáo dục xuống cấp cả về nội dung và vật chất như hiện tại. Họ đều cùng mong mỏi không khí, nước lành sạch hơn và không phải đọc những nhức nhối, suy đồi, tệ nạn xảy ra trong xã hội cập nhật theo những dòng tin thời sự hàng phút, hàng giờ như lúc này nữa… Họ có thể không dùng những ý niệm phức tạp để bộc lộ, diễn tả suy nghĩ của mình về xã hội nhưng chính họ lại là những người cảm nhận rõ nét những bất công xảy ra trong xã hội này.

Họ đồng ý rằng xã hội này phải tốt hơn, tình tự dân tộc và giềng mối xã hội phải được khôi phục chứ không thể suy yếu và rục muỗng như hiện nay. Họ nhìn gần và cảm nhận chính những bế tắc trong đời sống cá nhân của họ và người thân. Còn những nhân sĩ, trí thức khoa bảng cho rằng họ nhìn rất xa hơn quần chúng nhân dân Việt Nam. Nhưng một người tin rằng mình nhìn xa vô tận cũng như một người mù vì không nhìn thấy được người ngồi bên cạnh mình, những sự việc và diễn biến xảy ra trong chính xã hội mình.

Cần phải bình tĩnh nhận định, đây là bế tắc chung của xã hội, và không làm gì có một giải pháp cá nhân nào để giải quyết được vấn đề chung này cả. Mỗi người luồn lách theo cách của mình, một lớp váng nhỏ có thể vươn lên thành công hơn tuyệt đại đa số bất lực, nghèo khổ, những đó cũng chỉ là những thành công cá nhân ngắn hạn và đầy bất trắc. Điều này đúng với cả tầng lớp quyền thế và doanh nhân tư bản đỏ trong xã hội này. Chúng ta có thể thấy những vụ bắt bớ, thanh trừng đến cả những nhân vật được hưởng nhiều đặc lợi nhất trong chế độ, để rồi đến cuối cùng khi đứng trước một phiên tòa giả dối, họ cũng tuyệt vọng vì bị tước đi những quyền căn bản nhất của con người.

Cần phải có một giải pháp chung cho xã hội. Phải khẩn cấp khôi phục lại niềm tin, xây chắc những nội dung và giải pháp của một thể chế dân chủ trong tương lai để thuyết phục quần chúng Việt Nam. Muốn làm được điều này, điều trước hết và trên hết là cần phải phát triển tổ chức chính trị. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn cố gắng vận động và đóng góp vào phong trào dân chủ Việt Nam theo cách này. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi cũng nằm trong cố gắng đó. Tranh đấu chính trị luôn luôn là tranh đấu giữa các tổ chức chính trị với nhau.

Bàn đến điều này, thiết nghĩ chúng ta cũng cần đặt một dấu giáng lên sức mạnh và vũ khí tranh đấu của phong trào dân chủ. Trước một chế độ cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị, dù phân rã nghiêm trọng, họ vẫn nắm trong tay những phương tiện hàng trăm tỷ đô la, nhiều nhà tù và lực lượng công an, quân đội… Trong cuộc tranh đấu này, phe đối lập dân chủ yếu hơn trong mọi phương tiện khác nhưng chúng ta giành được một sức mạnh vô địch là lẽ phải và cái đúng. Thay vì tốn nhiều thời giờ vào những việc làm hình thức và những tranh cãi không đi đến một kết quả nào ngoài việc gây sứt mẻ niềm tin giữa những người anh em với nhau, giữa quần chúng nhân dân đang mệt mỏi và rã hàng vì những bất công thách đố hàng ngày thì mỗi chúng ta, nên tự đặt ra những câu hỏi căn bản về đạo đức cho chính mình. Chỉ cần mỗi người nhìn thấy sức mạnh của lẽ phải và đạo đức và thực tâm ứng dụng nó vào trong suy nghĩ và hành động, thì khí thế của phong trào dân chủ và việc xây dựng tổ chức dân chủ đối lập có tầm vóc sẽ được xoay chuyển, thúc đẩy đi lên rất nhanh.

Làn sóng dân chủ vẫn đang tràn tới, vì nó là ưu tư chung của loài người trong hành trình tìm đến tự do và sự tôn trọng cho chỗ đứng của cá nhân trong xã hội. Dù trải qua nhiều biến động, đầu năm 2019 đang xảy ra nhiều biến động có lợi cho phong trào dân chủ toàn cầu. Nhìn từ Venezuela, Algeria, Thái Lan, Sudan… người dân đều xuống đường trong khí thế thay đổi về một thể chế dân chủ, một chính quyền dân sự đứng đắn.

Nhiều người lại bàn về một khí thế của "Mùa xuân Ả Rập" hay cách mạng màu. Sự nóng vội này càng thể hiện sự chín muồi trong tâm lý quần chúng ở Việt Nam. Nhưng nếu có một bài học lớn phải rút ra và phải được suy tư thường trực, đó là "Một cơ hội chỉ thực sự là một cơ nếu nó được chuẩn bị một cách đầy đủ". Dân chủ chỉ là phương tiện, còn cứu cánh là xây dựng một Việt Nam tự do, hạnh phúc, liên đới, xinh đẹp hơn…

Chúng ta cần phải xây dựng tổ chức chính trị đúng nghĩa, qui tụ được những đội ngũ thành viên có bản lĩnh, quyết tâm và đạo đức dân chủ đúng nghĩa. Để khi cơ hội và biến chuyển xã hội thuận lợi xảy ra, chúng ta có thể lãnh đạo quần chúng, đối trọng với chế độ cộng sản, gây áp lực lên họ để cuộc chuyển hóa về dân chủ xảy ra trong tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, bất bạo động và ít gây những thiệt hại về người và vật chất nhiều nhất. Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều bài học đau thương trong lịch sử mới đây thôi, chúng ta cần đoạn tuyệt với bạo lực để cố gắng hàn gắn với nhau, hòng tạo ra một tương lai mới đáng mong ước hơn.

Tôi xin phép đưa ra một kết luận cho bài viết này, những mong bạn đọc sẽ bỏ qua sự dài dòng trong nội dung. Ắt hẳn, mỗi người Việt Nam đều cảm nhận được sự sâu sắc khó lý giải khi định nghĩa hay hình dung về tổ quốc. Dù sự sâu sắc đó nhiều khi chỉ là cay đắng hay một sự uất nghẹn không chửi được ra thành tiếng, thì nó cũng thể hiện một tình cảm lớn nào đó trong quá khứ dẫn đến nỗi đau của ngày hôm nay. Nó giống như khi bạn yêu một điều gì đó nhưng bạn cảm thấy bị phản bội vậy.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, trong một bài phỏng vấn, có bộc bạch khi được hỏi định nghĩa về tổ quốc như sau :

"Tôi không nghĩ như thế, tôi nghĩ Tổ Quốc là bạn với tôi, là con tôi, là cha tôi, là tổ tiên tôi, là những người thành công, cũng như những người thất bại - là tất cả chúng ta trong suốt dòng lịch sử. Đó là Tổ Quốc !

"Đáng lẽ chúng ta yêu nước trước hết là yêu đồng bào. Chúng ta phải thể hiện lòng yêu nước đó bằng cách yêu quý, khoan dung với người đồng bào của chúng ta. Trái lại trong dòng lịch sử, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "giết người" chống chúng ta, chúng ta nhân danh Tổ Quốc để "buộc tội", để "bỏ tù", có khi để xử tử tội phản quốc. Nhưng chúng ta không nhân danh Tổ Quốc để mà tha thứ, để mà hàn gắn với nhau, để quý trọng nhau.

"Theo tôi từ nay trở đi nếu có một điều chúng ta phải suy nghĩ lại, nhân tiện nói về Tổ Quốc, tôi nghĩ rằng chúng ta phải quan niệm Tổ Quốc là một tình yêu trước hết, chứ không phải là một sự thù hận".

Thảm kịch ngày hôm nay đang xảy ra với đất nước là sự cai trị như một lực lượng chiếm đóng của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính nó, cũng góp phần vào việc thô bỉ hóa những khái niệm về mặt tình cảm như tổ quốc, quốc gia, đồng bào, tình anh em… đối với nhân dân Việt Nam, phá vỡ đi những giềng mối dân tộc.

Nhưng chúng ta có cần tuyệt vọng hay dứt khoát xem Việt Nam như một hoài niệm không ?

Không, chúng ta không nên làm như vậy và cũng không cần đặt mình vào tâm lý bi quan, trong một cuộc tranh đấu dứt khoát 100% sẽ giành thắng lợi bởi vì công lý và lẽ phải sẽ chiến thắng. Tôi có trò chuyện với một người bạn đồng hành thân thiết. Anh thường làm những dự án về sản phẩm, giải pháp phức tạp và đều đồng ý rằng, dù phương pháp có chuẩn bị đầy đủ đến đâu, thì vẫn có những rủi ro thất bại. Nhưng trong cuộc tranh đấu về dân chủ tự do này, thì anh tin chắc chắn rằng 100% sẽ không thể thất bại. Vấn đề chỉ giản dị là những người lương thiện, ưu tư dấn thân cho đất nước tìm đến nhau, gặp nhau, coi nhau như là anh em, những người cùng chí hướng cho một khát vọng đưa đất nước thoát ra khỏi bế tắc. Lúc đó, trước sức mạnh của lẽ phải và công lý, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải nhượng bộ và trở thành một tác nhân trong tiến trình chuyển hóa về dân chủ trọn vẹn.

Một lời sau cùng. Xin trích lại đoạn kết trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :

Chúng ta hãy nắm tay nhau cùng cất cao một lời nguyền :

Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai.

Việt Dân

(15/04/2019)

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Vào ngày 24/3 này, Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử trên toàn quốc để chọn ra chính phủ dân sự. Hơn 5 năm kể từ khi quân đội đảo chính chính phủ của bà Yingluck nhà Thaksin, chính phủ quân sự do ông Prayuth Chan- Ocha làm thủ tướng đã nhiều lần trì hoãn bầu cử tự do, dẫn đến bối cảnh chính trị Thái càng thêm chia rẽ sâu sắc, như lớp sóng ngầm ẩn dưới luận điệu "duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế".

thai1

Ngày 24/03/2019, dân chúng Thái sẽ bỏ phiếu chọn Thủ tướng tương lai - tranh biếm họa : quân đội vẫn la lực lượng

Vậy trước khi đi xa hơn về nội dung bầu cử, điểm qua những nét chính, tóm lược về các đảng tranh cử, cần tổng kết lại bức tranh kinh tế của Thái Lan trong hơn 5 năm qua ra sao.

Đầu tiên, Thái Lan đã trở thành đất nước có tỷ lệ bất binh đẳng giàu – nghèo lớn nhất thế giới. Cuộc sống của đa số những nông dân Thái, thêm khó khăn trong những năm gần đây.

Giá gạo sụt giảm ở mức 6000 – 7000 bath một tấn, nhiều nông dân ở Thái tiếc nuối nhớ lại những năm tốt đẹp nhất khi chính phủ Yingluck Thaksin hỗ trợ giá gạo cho nông dân 15.000 bath một tấn. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân mà chính phủ quân sự hiện tại tố cáo bà Yingluck lạm quyền, đã tiêu tốn của chính phủ 15 tỷ đô la. Mà trong đó rất nhiều các khoản đã bị rò rỉ, thất thoát vì tham nhũng. Một việc mà nhiều người chỉ trích rằng mang nhiều động cơ lấy phiếu hơn là tạo sự phát triển lâu bền và thiết thực cho nền nông nghiệp Thái.

Cuộc đảo chính càng khoét sâu thêm vào sự chia rẽ giữa hai khuynh hướng. Một bên là giới giàu có, giai cấp quyền thế gắn với hoàng gia tập trung chủ yếu ở thủ đô Bangkok. Phần còn lại thuộc về những khu vực kinh tế khó khăn và tầng lớp trung lưu ngày càng khó khăn hơn ở những vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, tăng trưởng kinh tế giảm sút đang tạo ra rất nhiều chỉ trích lên chính phủ quân sự hiện tại, dù họ đã cố gắng kiểm soát thông tin và can thiệp, sửa đổi luật để gây thêm bất lợi cho phe đối lập, những nhà báo tự do hay những người bất đồng chính kiến.

Hơn 80 đảng phái sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử ước tính có hơn 50 triệu người đi bầu này. Có ba nhóm chính định hình chính trị Thái trong hai thập kỉ qua – Phe ủng hộ quân đội, giới chính trị truyền thống và những đảng phái ủng hộ Thaksin. Đảng Palang Pracharath dẫn đầu liên minh đảng phái ủng hộ quân đội, dưới sự lãnh đạo của Prayuth Chan – Ocha, cũng là ứng cử viên cho chức thủ tướng trong quốc hội – được ủng hộ bởi các đảng nhỏ hơn Ruampalang Charahchart Thái và đảng People’s Reform.

Trong khi đó, phe chính trị truyền thống, tiêu biểu bởi đảng lâu đời nhất là đảng Dân Chủ, cùng với đảng Bhumjaithai và Chartthaipattana, mắc kẹt trong bối cảnh chính trị Thái. Một bên là liên đảng ủng hộ Thaksin mà họ đã đối đầu từ lâu, một bên là phe thân quân đội mà họ nhận diện có thể gây nguy hại cho nền dân chủ và chính quyền dân sự.

Lực lượng chính trị gây tiếng vang và nhận được nhiều ủng hộ nhất trong những thập kỉ gần đây – là phe ủng hộ Thaksin. Nhóm này được dẫn đầu bởi đảng Pheu Thái, vốn nắm quyền giai đoạn 2011-2014, trước khi bị quân đội đảo chính.

Dầu vậy, trong suốt 5 năm qua, chính phủ quân sự của Thái, đã cẩn thận chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp này. Hiến Pháp hiện tại có rất nhiều điều luật có thể gây cản trở cho những cố gắng nắm quyền đa số của liên minh ủng hộ Thaksin.

Thượng Hạ Viện sẽ do quân đội chỉ định hoặc chọn lựa, trong đó có 6 ghế do các tướng quân đội nắm. Muốn nắm quyền chính phủ, Đảng hoặc liên đảng phải nắm hơn 50% trong tổng số 750 ghế trong quốc hội. Như vậy, chỉ có 500 ghế thực sự được chọn lựa thông qua bầu cử và tranh cử. Vậy nếu muốn nắm hành pháp, thì phe Thaksin cần chiếm được 376 ghế trong Hạ Viện (75%). Cũng có nghĩa là phe ủng hộ quân đội chỉ cần 25% số ghế đủ để thành lập chính phủ (126 ghế).

Như vậy có thể khẳng định, dù kết quả bầu cử lần này ở Thái có xảy ra thế nào đi chăng nữa, thì chính phủ mới cũng sẽ chịu ảnh hưởng và sự kiểm soát rất lớn bởi phe quân đội. Bên cạnh đó, kể từ khi kế nhiệm ngôi vua, Vajiralongkorn đã gia tăng kiểm soát trực tiếp khối tài sản hoàng gia 30 tỷ đô la lên 60 tỷ đô la, tăng gấp bốn lần lực lượng bảo vệ hoàng gia và sửa đổi hiến pháp để vua có thể thay thế thủ tướng nếu xảy ra khủng hoảng chính trị !

Chưa có một dấu hiệu chắc chắn nào về liên hệ mật thiết giữa nhà vua và phe quân đội, nhưng vào tháng 2, vua Vajiralongkorn đã gửi một thông điệp mạnh mẽ bằng việc ngăn cản người chị gái của mình, công chúa Ubolratana, ra tranh cử chức vụ Thủ tướng. Cũng nên biết bà Ubolratana là người đại diện cho một trong những đảng ủng hộ Thaksin, ngăn cản chị mình ra tranh cử, nhà vua đã loại bỏ một ứng cử viên thách thức phe quân đội.

Điểm qua nội dung và phát biểu của các ứng cử viên thủ tướng, tất cả đều nhấn mạnh vào việc thu hẹp sự bất bình đẳng quá lớn giữa tỷ lệ giàu – nghèo ở Thái. Các vấn đề về môi trường, phát triển kinh tế phẩm chất cao, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hành lang Kinh Tế Phía Đông, mà phe quân đội nhấn mạnh thời gian qua. Trong khi đó, dường như đảng Pheu Thái lặp lại những chính sách hỗ trợ trước mắt cho nông dân – cơ sở quần chúng ủng hộ họ nhất, tăng giá nông sản, cao su và đường. Các dự án liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ được xem xét và cân nhắc lại. Điều này phải chăng có sự liên hệ khá gần gũi và mật thiết với chinh quyền của ông Mahathir ở Malaysia gần đây, sau khi thắng cử, đã tiến hành điều tra lại những hợp đồng, dự án mà chinh phủ trước đã kí với Trung Quốc.

Lãnh đạo của Đảng Dân Chủ - ông Abhisit Vejjajiva, vốn được sự ủng hộ của khu vực đô thị, nhấn mạnh đến việc tản quyền, tổ chức lại quyền lực để các khu vực ngoài trung tâm được quan tâm và phát triển đúng đắn hơn. Đáng chú ý, duy nhất đảng dân chủ có đưa ra một chính sách ngoại giao rõ ràng. Theo đó, khu vực ASEAN cần có một liên minh chặt chẽ hơn để tìm kiếm một sự đồng thuận trước các vấn đề liên quan đến Trung Quốc hay những công ty đa quốc gia.

Đảng Hướng Về Tương Lai của tỷ phú trẻ Thanathon dự kiến sẽ giành được 50 ghế, được giới trẻ và sinh viên ủng hộ nhiều. Đảng này yêu cầu phi quân sự nền chính trị Thái để tránh lặp lại những cuộc đảo chính quân sự. Ngoài ra, đảng còn thể hiện niềm tin tuyệt đối vào dân chủ. Nhiều người lo ngại cho tương lai chính trị của Thanathon khi ông dần trở thành cái gai trong mắt của chính phủ quân đội Thái.

Cuối cùng, là đảng Bhumjaithai. Năm 2011, đảng này nắm được 34 ghế trong Hạ Viện. Ông Anutin – lãnh đạo đảng, kì vọng 50 đến 60 ghế lần này. Đảng này ủng hộ tuần làm việc 4 ngày, hợp phá hóa những ứng dụng gọi xe công nghệ. Giới quan sát cho rằng nền tảng của đảng Bhumijaithai rất đặc biệt, thậm chí có phần kì dị. Đảng này đề xuất các trang trại cần sa, mà hiện tại đã được hợp pháp hóa sử dụng cho y tế và nghiên cứu. Đảng này cho rằng cây cần sa mang lại nhiều vụ mùa và sẽ thu về nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân Thái.

Dù kết quả là thế nào thì qua bài học Thái Lan, cũng giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm triết lý điều hành quốc gia trên tinh thần hòa giải. Thái Lan có vị trí địa lý thuận lợi, đất đai phì nhiêu, không phải chịu ách thuộc địa trong lịch sử gần đây, như nhiều nước Đông Nam Á khác. Nhưng dù đã thiết lập được một chế độ dân chủ kể từ năm 1992, thì nền chính trị Thái vẫn chưa thể ổn định và tìm được tiếng nói chung trong nỗ lực hàn gắn, phát triển quốc gia. Lý do là chưa có tiếng nói ưu tư về hòa giải quốc gia. Các phe nắm quyền đều nhìn quyền lực như một cuộc chơi có tổng số bằng 0, bên này thắng thì không nhìn nhận bất kì ý kiến nào với bên thua ngay cả nếu như các ý kiến đúng đắn được nêu ra, và ngược lại.

Thêm vào đó, liên minh giữa giới tài phiệt giàu có, hoàng gia, quân đội rất chặt chẽ vì nó vừa có phương tiện, vừa có tính chính đáng. Việc một chính quyền quá tập quyền, tập trung quyền lực và kinh tế vào trung ương, sự phát triển đi dọc theo những khu đô thị Bangkok, các thành phố biển càng làm trầm trọng thêm sự bất mãn dâng cao từ các khu vực nông thôn, vốn ít nhận được quan tâm và ưu tư đúng mực. Hậu quả là dù được ví như một nước triển vọng nhất, một con hổ Châu Á nhưng nền chính trị chia rẽ của Thái kéo theo sự trồi sụt kinh tế hàng thập kỉ.

Việt Nam có thể học được gì từ Thái Lan

Điều đầu tiên là phải giành được dân chủ. Phe đối lập Việt Nam cần bình tĩnh, khách quan nhận diện điểm yếu, nguyên nhân tại sao bao nhiêu năm nay chúng ta không mạnh. Đó là đấu tranh chính trị nhất định phải là đấu tranh có tổ chức. Tổ chức cùng một dự án chính trị đứng đắn như chất keo gắn mọi người với nhau vào một lý tưởng chung.

Cho đến ngày hôm nay, thì những tranh luận về độc tài và dân chủ đã hoàn toàn ngã ngũ. Dân chủ thắng vì dân chủ thể hiện lẽ phải, quyền con người. Đứng về phe dân chủ là ta đã có sức mạnh tự nhiên, sức mạnh vô địch của lẽ phải. Nhưng một cánh én khó có thể làm nên được mùa xuân, cũng như một lời kêu gọi khó tạo thành tiếng vang. Đảng cộng sản Việt Nam hiểu được sức mạnh và hiệu lực của tổ chức, vì chính trong quá khứ họ đã giành được quyền lãnh đạo bởi vì trước một khoảng trống chính trị, duy nhất họ có tổ chức và một dự án chính trị, dù nó độc hại và nó áp dụng phương pháp khủng bố để chống chế bên ngoài lẫn bên trong. Nhưng trong thời đại truyền thông phát triển như ngày nay, ta vẫn có thể xây dựng được tổ chức một cách khôn ngoan, mà giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa.

Không gian mạng ngày càng quan trọng, quan trọng hơn cả không gian thực. Không gian mạng kết nối với toàn cầu nên. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị bất lực và không thể kiểm soát không gian này. Phe đối lập dân chủ có thể tìm đến nhau, kết hợp lại với nhau trên không gian mạng. Tôi tin rằng người dân Việt Nam, kể cả những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, những người đang gián tiếp tiếp tay cho chế độ này, đều phải đồng ý chế độ này phải thay đổi thì đất nước mới có tương lai.

Nhưng thay đổi như thế nào và những ai có thể thay đổi chế độ hiện tại? Đó là một ưu tư mà mọi người dân chủ phải trả lời thành thật với chính bản thân mình trước. Đối lập dân chủ cần tạo ra một khí thế mới, một sinh hoạt mới để người dân không chỉ ngồi đó oán trách những sự gian trá, xấc xược, vô lý đang xảy ra trong chế độ này hàng ngày, hàng giờ.

Thay vì hỏi bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam sụp đổ và không biết tương lai sau sự sụp đổ đó như thế nào, họ sẽ chỉ nhìn nhận là đảng cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ, tương lai của Việt Nam sẽ như thế nào với lực lượng dân chủ đối lập hiện nay, chúng ta nên ủng hộ những ai. Và trong hoàn cảnh lịch sử sắp sang trang, bổn phận của chúng ta là phải làm gì…

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã luôn bền bỉ đóng góp ý kiến và ủng hộ cho việc đấu tranh chính trị thông qua thành lập một tổ chức chính trị đứng đắn với phương pháp bất bạo động và dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai như một tổng hợp cho những lý tưởng, phương pháp và đề nghị của anh em chúng tôi đối với hiện tại và tương lai phải đến của Việt Nam. Tôi tin rằng những anh, chị nào đang mong mỏi một thay đổi cho đất nước thôi, cũng nên đọc. Dù đồng ý hay không, thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến anh, chị cảm thấy cần được chia sẻ và thảo luận.

Tiếp theo là nhìn qua bức tranh chính trị của Thái Lan, ta có thể thấy sự chia rẽ kéo dài như một hằng số. Đất nước mà cứ thường trực tình trạng nội chiến, dù là nội chiến trong tinh thần và tâm lý, sẽ dứt khoát không thể tìm được đồng thuận chung cho những kế hoạch lớn, những kế hoạch phát triển quốc gia. Hòa giải, vì vậy là một triết lý điều hành quốc gia cho những ai muốn làm chính trị. Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước của nhiều cộng đồng, phong tục, văn hóa các vùng, miền vốn đã khác nhau.

Càng lo âu hơn vì trong vòng lịch sử 300 năm trở lại đây, đất nước đã binh biến qua bao nhiêu cuộc nội chiến, những vụ thảm sát, cấm đạo… Gần đây nhất là một cuộc nội chiến gây ra thảm kịch hơn 4 triệu người chết. Có đất nước nào chịu nhiều thương tổn trong tâm hồn và trí tuệ tập thể như Việt Nam ? Chúng ta dứt khoát từ bỏ bạo lực, và coi ưu tư hòa giải như một sự thường trực trong triết lí điều hành quốc gia, lý tưởng làm chính trị của đời mình trong nỗ lực hàn gắn, làm lại đất nước.

Một lời sau cùng, lẽ phải có sức mạnh vô địch. Phe dân chủ có lẽ phải, chúng ta nhất định thắng. Nhưng làm sao để khơi dậy sức mạnh này, thì mỗi người tranh đấu cho dân chủ, dấn thân cho đất nước phải đặt nhiều ưu tư hơn nữa.

Việt Dân

(21/03/2019)

Tổng hợp và tham khảo :

https://asia.nikkei.com/Politics/Thai-election/Five-Thai-election-contenders-to-watch-in-campaign-s-final-week

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Cover-Story/The-99-election-Thais-are-worse-off-after-five-years-of-military-rule

https://www.stratfor.com/article/thailand-economic-measures-will-survive-upcoming-parliamentary-election

https://www.economist.com/asia/2019/03/16/thailands-generals-plan-to-remain-in-charge-whatever-voters-say

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Sự kiện ông Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đề nghị "kỷ luật" đã và đang làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận người Việt Nam trên khắp thế giới.

chuhao1

Vụ kỷ luật ông Chu Hảo đã và đang làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận người Việt Nam

Một số vị trí thức, nhân sĩ khác như Mạc Văn Trang, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Nguyên Ngọc... đều lên tiếng tuyên bố bỏ Đảng ngay sau đó. Đây là một điều đáng mừng vì những người này cho đến nay đều được nhìn nhận, trong đảng cộng sản lẫn phong trào dân chủ, là những người cấp tiến và ôn hòa.

Dù quyết định của họ, so với số năm tuổi đảng họ có, là quá muộn nhưng nó cũng có tác dụng làm gia tăng bất mãn trong nội bộ đảng cộng sản, vốn dĩ đã quá phân hóa và quan trọng hơn, xác tín với tất cả người dân Việt Nam rằng đảng cộng sản không có gì để nói và không còn bất kì giải pháp nào khi họ vẫn đang độc tôn nắm giữ quyền lực.

Tuy nhiên, qua những sự kiện này, khi đọc những phát biểu của các vị như Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang bỏ Đảng bởi lý do : "Đảng đã đánh mất lý tưởng như lúc ban đầu..." và lá thư kiến nghị cho đảng cộng sản mà các vị này gửi rồi kí tên sau đó, tôi rất lấy làm lạ và cảm thấy cần thảo luận về các quan điểm này một cách rõ ràng (1).

Đầu tiên, với suy nghĩ riêng của mình, cũng như nhiều người khác đã chia sẻ, tôi tin rằng các vị nhân sĩ này đều là những người lương thiện trong đời sống cá nhân. Họ cũng đồng ý hoàn toàn rằng Việt Nam chỉ có thể tốt đẹp hơn khi chuyển sang cách tổ chức xã hội theo phương thức dân chủ, là mô hình đảm bảo đầy đủ các quyền con người được long trọng ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các công ước quốc tế về quyền dân sự, kinh tế và chính trị có giá trị như một bộ luật đã được quốc tế xác quyết.

Tuy nhiên, có lẽ vì tin rằng "lý tưởng của đảng cộng sản không xấu, chỉ những người đang vận hành nó xấu" nên các vị này từng lựa chọn thái độ cải tổ xã hội từ bên trong. Từ niềm tin dẫn đến hành động và từ sự thực khách quan dẫn đến hành động có một khoảng cách dài mà nếu không phân tích rõ ràng, chúng ta sẽ bị nhầm lẫn và bối rối.

Có rất nhiều kiến nghị đã được chấp bút và kí tên, bởi các vị nhân sĩ, trí thức được gửi cho đại diện đảng cộng sản sau đó. Nó là một sự tiếp nối bền bỉ như hành động của các vị sĩ phu ngày trước nếu chúng ta nhìn lại lịch sử của các chế độ quân quyền ngày xưa. Cũng rất nhiều sớ, tấu được dâng lên bởi các vị nho sĩ, quan lại, sĩ phu. Nhưng tất cả đều có chung một kết quả là thất bại.

chuhao2

Nhiều kiến nghị đã được chấp bút và kí tên, bởi các vị nhân sĩ, trí thức là một sự tiếp nối bền bỉ như hành động của các vị sĩ phu ngày trước

Vậy tại sao nó thất bại ? Có thể nào mong đợi những người đang độc quyền thụ hưởng mọi quyền lợi trong xã hội tự nguyện hành động để thay đổi thực tại đó không ? Điều đó Chỉ có thể nếu chúng ta đang bàn đến việc thay đổi tư duy đối với một cá nhân hay một vài cá nhân. Nhưng cả một khối người thì sao? Và nhất là khi tất cả đứng trong tổ chức đảng cộng sản, bị ràng buộc trong lý tưởng chung của nó ?

Vậy lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là gì ?

Nếu lấy cần một dấu mốc quan trọng để hiểu rõ tư tưởng, lý tưởng của đảng cộng sản thì Phong trào Xô viết-Nghệ Tĩnh là một hành động tiêu biểu. Hai câu khẩu hiệu "Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rễ" và lá cờ "Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế" vẫn còn được lưu giữ trong bảo tàng và lịch sử đảng cộng sản (3). Nó là minh chứng thể hiện một điều rằng đảng cộng sản không yêu nước. Trái lại, lý tưởng của nó là xóa bỏ quốc gia để tiến tới một thế giới đại đồng, thế giới Cộng sản.

chuhao3

Phong trào Xô viết-Nghệ Tĩnh là một minh chứng thể hiện một điều rằng đảng cộng sản không yêu nước.

Đảng cộng sản cũng không hề thương nòi. Thậm chí, nó đập bỏ và xóa bỏ hẳn những giềng mối đạo đức của xã hội như lòng yêu nước, yêu tự do, tình yêu thương con người, lòng trắc ẩn, sự thủy chung, tình cảm gia đình, hàng xóm... mà xã hội Việt Nam đã vun đắp từ bao đời trước. đảng cộng sản chỉ kêu gọi đấu tranh giai cấp, với những phương tiện bạo lực, khủng bố, thảm sát... để biện minh cho cứu cánh của nó. Lý tưởng đó có khác gì một tên khủng bố IS đánh bom chết hàng ngàn người rồi nói thản nhiên "vì muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn" ?

Ngay dưới giai đoạn mà miền Bắc Việt Nam mang quốc hiệu "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và ông Hồ Chí Minh vẫn còn nắm quyền bính trong tay, được nhiều vị nhân sĩ, trí thức ủng hộ và nhắc lại tiếc nuối khi liên hệ đến "lý tưởng đẹp" thì sao ? Đảng cộng sản đã ám sát rất nhiều những người yêu nước thuộc những đảng phái đối lập như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam canh tân cách mạng Đảng…chỉ để hòng giành độc quyền lãnh đạo, tiến tới "giải phóng miền Nam". Ngay sau đó, họ đã thực thi chính sách "Cải Cách Ruộng Đất" khiến hàng trăm ngàn người bị thảm sát theo tiếng hô hào đấu tranh giai cấp (4).

Nghiêm trọng hơn, giềng mối đạo đức xã hội bị băng hoại khi một người con có thể chỉ thẳng vào khuôn mặt khắc khổ của mẹ mình đang quì mọp trong đám đông, gào thét lên : "Cái con này, mày nhớ tao là ai không ?", rồi sự trù dập phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, những cuộc đánh tư sản dẫn đến hàng triệu thuyền nhân lênh đênh trên biển...

chuhao4

Chính sách "Cải Cách Ruộng Đất" khiến hàng trăm ngàn người bị thảm sát theo tiếng hô hào đấu tranh giai cấp

Có rất nhiều cảm giác và xúc động khi nhìn lại giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1930 trở lại đây. Nhưng trong tất cả các biến cố đó, có một sự xúc động mạnh mẽ khi chất vấn "Trí thức Việt Nam đã ở đâu ?". "Bỏ Đảng chỉ vì Đảng mất lý tưởng" ? Chẳng lẽ trí thức Việt Nam gián tiếp thừa nhận đảng cộng sản đã từng có lý tưởng ? Lý tưởng của đảng cộng sản là gì ? Chẳng lẽ đó là lý tưởng yêu nước và giải phóng dân tộc ? Nếu không phải là một sự ngộ nhận về lòng yêu nước, thì các vị nhân sĩ, trí thức này có thực sự mong muốn "Dân Chủ Hóa Đất Nước" cho Việt Nam hay không ?

Nhắc lại lịch sử, cũng là khơi lại một vết thương lòng vì đối với mọi người, kí ức tập thể của dân tộc cũng thuộc về kí ức của chính bản thân mình, càng khắc sâu hơn đối với những người yêu nước. Nhưng phải hiểu rõ, dám đối diện với lịch sử của dân tộc mình, dù nó u ám bi thương, thì mới mong tạo ra được một lịch sử mới cho dân tộc.

Qua đây, tôi chỉ muốn minh định một điều về con đường tranh đấu của phong trào dân chủ.

Thứ nhất, chúng ta cần xác tín với nhau rằng đảng cộng sản hoàn toàn không thể cải tổ được. Cải tổ, tức là thêm vào, hay bớt đi một số những cái mới, cái cũ trên một nền tảng có sẵn. Nhưng đảng cộng sản là một Đảng tham nhũng và lý tưởng của nó đã sai ngay từ đầu, từ gốc, dù bằng những tranh luận lý thuyết hay thực tế đau thương đã được kiểm nghiệm mấy chục năm trên dải đất hình chữ S này.

Cần phải có một cuộc cách mạng để đưa đất nước thoát ra khỏi nó. "Cải tổ toàn diện", mà nhiều người dùng, cũng chỉ là một cách diễn đạt dài dòng thay cho từ "cách mạng".

Thứ hai, chúng ta phải từ bỏ hẳn, không nể nang, không thương tiếc, thái độ tranh đấu nhân sĩ. Phải phân biệt và có chính kiến rõ ràng giữa phe dân chủ và phe đảng cộng sản.

Chúng ta là những người yêu nước, mong muốn đất nước có được tự do, dân chủ và đồng thuận chung sức chung lòng cùng nhau xây dựng một đất nước phồn vinh.

Họ, tức những người đang nắm giữ số phận và khống chế đảng cộng sản, là những người đang cố gắng trì hoãn lại lộ trình này. Dù đã rã hàng nhưng hiện tại trước mặt, họ vẫn là một tổ chức… có tổ chức.

Cách tranh đấu hữu hiệu nhất là chúng ta phải kết hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị nghiêm chỉnh, đứng đắn, cùng với một dự án chính trị khả thi với những phương án cụ thể giải đáp cho những vấn đề thực tại và vạch ra một tương lai có thể đi tới cho Việt Nam. Chúng ta phải phát huy và xiển dương những giá trị tốt đẹp mà đảng cộng sản hoàn toàn không có.

Những giá trị đó là tri thức, tình yêu, tình bạn, tình đoàn kết của những người anh em, chí hữu chia sẻ những giá trị tiến bộ chung. Đó cũng là sự bao dung, kiên nhẫn, biết lắng nghe và chấp nhận những ý kiến khác biệt. Dù không đồng ý với nhau thì cũng phải áp dụng một đạo lý thảo luận dựa trên những giá trị tôi vừa đề cập, hòng tìm ra một đồng thuận, mà qua đó sẽ gắn bó và thắt chặt những người Dân chủ lại với nhau.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã và đang nỗ lực đóng góp vào phong trào dân chủ theo hướng đi này.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là phong trào dân chủ phải vạch ra một lộ trình tranh đấu để đánh giá đúng đắn và chính xác những phương tiện tranh đấu và những việc cần làm. Trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, chúng tôi đã đưa ra một lộ trình tranh đấu gồm 5 bước (5) :

· Xây dựng một cơ sở tư tưởng

· Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt

· Xây dựng và kiểm điểm phương tiện

· Xây dựng cơ sở quần chúng

· Tiến công giành chính quyền.

chuhao5

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2

Việt Nam đang ở trong một khúc quanh trọng đại. Đảng cộng sản lúng túng và bế tắc hơn bao giờ hết khi chuyển dần sang chế độ độc tài cá nhân từ chế độ độc tài đảng trị theo một logic tự nhiên của quá trình đào thải.

Ở bên ngoài, Trung Quốc đang ở trong chu kì cuối sự phân rã của một đế quốc, sau nhiều năm che giấu những khủng hoảng về kinh tế, môi sinh, chính trị… Họ không còn là chỗ dựa cho đảng cộng sản Việt Nam được nữa. Không những thế, dự án đầy tham vọng "một vành đai, một con đường" (Belt and Road Initiatives) của nó đang gây ra những tác hại nghiêm trọng khi dần biến Cambodia và Lào, hai nước có chung đường biên giới với Việt Nam thành những nhượng địa hay thuộc địa của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là quốc gia gây ra những tai tiếng lớn về cơ sở hạ tầng và tăng thêm khối nợ công ngày càng lớn cho Việt Nam, chính ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận là quá lớn, có thể lên tới 250% GDP.

Chúng ta ở trong một tình thế đầy thử thách, cam go nhưng cũng nhiều hy vọng. Nhìn vào phong trào dân chủ lúc này, tôi cho rằng, chúng ta cần đặt lại những câu hỏi nền tảng để củng cố và ý thức lại tinh thần, trách nhiệm và tình yêu quê hương đất nước.

Ý nghĩa thật sự của đời người là gì? Là một người Việt Nam yêu nước trong lúc này, trước một hiện tại, cần phải làm gì? Dựa trên những đức tính và giá trị nào?...Chỉ khi nào lương thiện với chính mình, thành thật với chính tâm hồn mình thì chúng ta mới bình tĩnh nhận định được một hướng đi đúng đắn và sáng suốt cho lộ trình tranh đấu đưa đất nước đến dân chủ, tự do.

Việt Dân

(31/10/2018)

Chú thích :

(1) https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguyen-thu-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-chu-hao-vi-pham-rat-nghiem-trong-ky-luat-dang/787616.antd

(2) http://onthivanhoc.com/dan-y-bai-phan-tich-moi-quan-ke-thua-phat-trien-giua-ke-si-hien-dai-va-nguoi-nho-si-truyen-thong-van-12/

(3) http://www.sggp.org.vn/xo-viet-nghe-tinh-dinh-cao-cua-cao-trao-cach-mang-1930-1931-230710.html

(4) https://goo.gl/images/pu5DS9

(5) https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/item/602-khai-sang-k-nguyen-th-hai

Tham khảo:

https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/nhin-lai-chu-nghia-mac-le-nguyen-gia.html

https://thongluan2016.blogspot.com/2018/03/tro-lai-quoc-hieu-viet-nam-dan-chu-cong.html

https://thongluan2016.blogspot.com/2017/08/chon-lua-giua-van-ong-quan-chung-va.html

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Từ lâu, mỗi khi đọc, hiểu về lịch sử đau thương của Việt Nam giai đoạn 1945-1975, luôn tồn tại trong tôi một khoảng trống mà ở đó trí tuệ và sự suy nghĩ rạch ròi không thể len lỏi vào, chỉ còn lại những nỗi khắc khoải và đau nhức của cảm xúc ngập tràn dần làm tê liệt chính mình.

noidau1

Đỗ Mười khi đến dự hội nghị Thành Đô năm 1991 : Không ai có thể xác tín nội dung của mật ước Thành Đô cho đến khi nó được giải mật, nhưng rất có thể, đây là một hiệp ước dần biến Việt Nam thành nhượng địa của Trung Quốc

Lật lại từng trang sử của Việt Nam, mà gần nhất là giai đoạn từ năm 1945 lại đây thôi, không ai có thể chối bỏ rằng đó là một giai đoạn xảy ra quá nhiều biến cố đau thương nối tiếp nhau. Quá nhiều giả định và câu hỏi "giá như và tại sao ?…". Ngay cả trong trí tưởng tượng cũng không thể giúp tôi tránh né chính mình, nhất là với suy nghĩ của một người nghiêm túc đối với những vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện tại như tôi. Những suy tư đó càng ngày càng thôi thúc tôi tìm hiểu chính xác và đúng đắn về quá khứ của Việt Nam, dù nó đau lòng và có thể đả phá tâm lý hay niềm tin, sự lạc quan mà tôi đã được nhào nặn từ những dữ kiện sai trong một thời gian dài.

Dù không đánh giá thấp sự u mê, ngu dốt của con người, nhất là những người do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy được nắm quyền bính trong tay nhưng tôi vẫn không thể nào tưởng tượng được về những quyết định mà họ đưa ra đã dẫn đến những hậu quả tai hại và lâu dài cho cả một cộng đồng, một dân tộc lại kinh khủng đến thế. Khi đọc lại giai đoạn lịch sử cận đại, nhất là hàng loạt biến cố đau thương xảy ra với đất nước mình, với đồng bào mình thì những vết tích, thương tổn đó vẫn hiện diện như chỉ mới đây thôi. Tôi cảm thấy rất khó chấp nhận những tác nhân đã tạo ra những bi kịch như cải cách ruộng đất, nhân văn- giai phẩm, cải tạo tư sản ở miền Nam hay hàng loạt những quyết định ngu dốt khác của nhiều lãnh đạo đảng cộng sản từ trước tới giờ.

Đã có nhiều bài viết hay những nghiên cứu nghiêm chỉnh của những trí thức yêu nước, học giả với cố gắng lý giải một bối cảnh khách quan của lịch sử đã dẫn dắt, chi phối các hành động và quyết định của đảng cộng sản khiến cả đất nước đi vào ngõ cụt và đêm đen, trong đó có giai đoạn 1945-1975. Loạt bài về "Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8" của ông Nguyễn Gia Kiểng là một tài liệu đáng quí với những bài học và kinh nghiệm tranh đấu dân chủ cho những người yêu nước, mong mỏi một cuộc đổi đời cho đất nước.

Trong bài viết này của mình, tôi chỉ muốn nêu một số sự kiện để lý giải cho câu hỏi tại sao những con người rất yếu kém về mặt trí tuệ và vô cảm như ông Đỗ Mười hay bất cứ một nhân vật quan trọng nào trong guồng máy của đảng cộng sản như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu... lại có thể khống chế cả đất nước Việt Nam và kéo lùi đất nước chúng ta trên tất cả mọi phương diện, mọi địa hạt như vậy. Đặc biệt là ông Đỗ Mười, một người cộng sản "toàn nguyên". Theo nhiều người, dù là cộng sản hay không, đều phải thừa nhận rằng ông ấy có những đức tính và đại diện tuyệt đối cho mẫu người "cộng sản chân chính".

Ông Đỗ Mười, từ một người làm nghề lao động tay chân, tin tưởng và đi theo tiếng gọi của đảng cộng sản. Ông đã đi lên từng bước mộtcuối cùng leo lên những cấp bậc cao nhất, có mặt và trực tiếp tham gia vào những quyết định quan trọng trong vụ cải tạo tư sản ở miền Nam hay hội nghị Thành Đô năm 1991. Cho đến bây giờ nhìn lại, thì tất cả đều kinh hãi trước những hậu quả nặng nề và tai hại mà ông là đạo diễn. Các quyết định của Đ Mười làm ảnh hưởng lên số phận hàng triệu người, có nhiều người đã phải mất mạng, giềng mối xã hội hay những giá trị về tình yêu thương, gia đình, thứ bậc đều bị xé bỏ trong sự vô cảm, không một chút luyến tiếc.

Việc đánh tư sản Miền Nam đã dẫn đến thảm cảnh thuyền nhân khi hàng triệu người bỏ nước ra đi, nhiều người mất nhà, mất đất một cách tức tưởi. Cũng không ai có thể xác tín nội dung của mật ước Thành Đô cho đến khi nó được giải mật, nhưng rất có thể, đây là một hiệp ước dần biến Việt Nam thành nhượng địa của Trung Quốc vì cùng chung ý thức hệ cộng sản. Điều này cũng rất có khả năng là sự thật. Tại sao ?

Tại sao trong hàng ngũ những người lãnh đạo cộng sản, hầu hết đều sắt máu như ông Đ Mười nhưng cũng có những con người vì thời cuộc hay một chuyển biến tự nhiên về thời gian mà họ có thể được nâng lên hay bị đặt xuống như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh... duy chỉ có ông Đ Mười là đường Đảng lộ chỉ có đi lên chứ không có xuống ?

Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đ Mười gần đây, tôi tin rằng dù ít hay nhiều, thì họ cũng đều từng là học trò hay đ tử của ông Đ Mười, có người được ông nâng đ cũng có người được ông đối xử trung dung. Tôi tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.

noidau2

Cứ nhìn những hình ảnh khóc thương của các thế hệ lãnh đạo cộng sản trong tang viếng ông Đ Mười gần đây, tin rằng họ khóc hay buồn rầu vì luyến tiếc thật.

Có thể nhìn nhận rằng ông Đ Mười là đại diện cho tính cách của một người cộng sản "toàn nguyên". Với ông ấy, chủ nghĩa cộng sản còn lớn hơn cả một chủ nghĩa, nó như một tôn giáo, nghĩa là ông tin nó và xác quyết những tín điều của nó, bất cần lý luận, bất cần chứng minh. Trong tất cả những quyết định của mình, ông Đ Mười đã bỏ hẳn tính cách độc lập của một cá nhân như sự suy xét, phản biện, lòng trắc ẩn, hay tình thương, tình bạn... ông đại diện cho tính Đảng và chỉ làm tất cả vì quyền lợi của đảng với một niềm tin và một sự phục tùng tuyệt đối.

Trong quyển Bên Thắng Cuộc của Huy Đức có thuật lại giai đoạn đánh tư sản miền Nam mà ông Đ Mười chỉ đạo, chính những đồng chí của ông như Hoàng Tùng, Võ Văn Kiệt cũng phải bối rối, bất lực và bỏ cuộc trước sự lạnh lùng của Đ Mười khi ông đưa ra những quyết định ảnh hưởng lên đời sống của hàng triệu người miền Nam thời điểm đó.

Nhưng tại sao những người như Đ Mười, hay những đồng chí của ông, vừa kém trí tuệ vừa thiếu khả năng vừa không có lòng yêu nước... lại có thể áp đặt sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản lên Việt Nam bắt đầu từ miền Bắc từ 1945 và trên cả nước từ năm 1975 ?

Có lẽ họ có văn hóa tổ chức và tận dụng được hiệu lực và sức mạnh của tổ chức ? Chủ nghĩa cộng sản là một sự nối tiếp hoàn hảo của các chế đ phong kiến tập quyền trước đây được hỗ trợ bởi văn hóa Khổng Giáo vẫn còn hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ trong tâm lý xã hội Việt Nam sau cả ngàn năm tồn tại ? Đó là những biến cố lịch sử thuận lợi như nạn đói Ất Dậu năm 1944, sự suy yếu của những đảng phái yêu nước, sự vụng về và thiếu minh bạch của người Pháp hay sự hời hợt của tầng lớp trí thức khoa bảng của Việt Nam giai đoạn đó ?

noidau3

Sống ngắc ngoải trong nạn đói lịch sử năm Ất Dậu - Ảnh minh họa (PLO, 12/01/2015)

Yếu tố nào ảnh hưởng nhất hay tất cả các yếu tố trên đã dẫn đến một bi kịch kéo dài cho đến ngày nay ?

Trong nhận xét riêng của mình, tôi đưa ra một lý giải đó là khi xuất hiện một khoảng trống mà sự phẫn uất bị dồn nén đã bị đẩy lên cao trào dẫn đến việc trí tuệ không thể len lỏi vào đ bình tĩnh suy xét, dẫn đường. Cho đến khi tất cả nhận ra thì đảng cộng sản đã nắm quyền bính và họ đã khống chế toàn xã hội bằng cả sự khủng bố tinh vi về tinh thần lẫn vật chất.

Nhắc lại một bài học đ chúng ta hiểu rằng giai đoạn tranh đấu cho phong trào dân chủ hiện nay cần sự kết hợp của cả con tim, khối óc và những cái nắm tay thật chặt. Không ai không xúc động và nghẹn ngào khi hàng ngày mở báo ra đều đọc thấy những tin tức về nạn lạm dụng tình dục trẻ em, tai nạn giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém do tham nhũng, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi...Nhưng sự uất hận đó rất có thể dẫn dắt chúng ta đến một khoảng trống mà khi đó sự suy nghĩ lạc quan về tương lai của đất nước không còn, chỉ còn lại những xúc cảm tùy từng người định nghĩa như lòng thù hận, sự manh động, bi quan, chán nản, tuyệt vọng...

Trong giai đoạn này, những ai còn biết đau thương với nỗi đau của đồng bào sẽ là một niềm an ủi, một sự hy vọng cho tương lai. Chúng ta cần phải dành một sự cố gắng lớn lao hơn, cần phải vượt qua một nỗi đau tập thể đ hiểu rõ mình, hiểu rõ lịch sử của đất nước mình trong nỗ lực tạo ra một lịch sử mới cho Việt Nam của ngày hôm nay và mai sau. Và quan trọng nhất, phải hiểu rằng đảng cộng sản hiện nay chỉ còn là một hư cấu, nó đã dần biến chuyển từ một chế đ độc Đảng (mà những đại diện toàn nguyên như Đ Mười đã không còn) sang một chế đ độc tài cá nhân. Tuy nhiên quá trình này càng dẫn nó đến sự sụp đ nhanh hơn.

Sự khốc liệt của guồng máy cộng sản đã triệt tiêu dần mọi cá nhân tài năng và bỏ qua những tiêu chuẩn đạo đức làm người. Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm bế tắc. Sự bế tắc của một tổ chức như đảng cộng sản có thể dẫn đến một sự sụp đổ trong tương lai gần, nhưng nếu phong trào dân chủ Việt Nam không xây dựng được một tổ chức đứng đắn sẽ không thể huy động được quần chúng đ làm đối trọng với đảng cộng sản. Lúc đó tình hình sẽ càng hỗn loạn và bi đát. Tương lai của Việt Nam sẽ bất định hoặc sẽ bị một nhóm tài phiệt lợi dụng chiêu bài đổi mới nổi lên cướp chính quyền và tiếp tục duy trì tình trạng cũ, tiếp tục chia quyền, đoạt lợi dưới một hình thức dân chủ giả hiệu.

Đừng đ lịch sử đau thương lặp lại. Chúng ta đã có rất nhiều bài học đau lòng nhất là khi trí tuệ, tinh hoa của người Việt bị gạt ra bên lề đ dành chỗcho một lực lượng vô học và dốt nát lên nắm quyền.

Chúng ta đã là chúng ta của ngày hôm nay chỉ vì đã dành quá nhiều sự đam mê mà thiếu đầu tư vào tư tưởng và xây dựng những dự án chính trị nghiêm chỉnh cho đất nước. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn kiên trì đổi mới và cập nhật tư tưởng bằng dự án chính trị gần nhất là "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2" nhằm tìm kiếm một tương lai mới cho người Việt.

Thế giới đang bước vào một kỷnguyên mà sự tiến bộ như vũ bão về công nghệ, sinh học... sẽ đưa loài người đến những vận hội mới cùng những thử thách mới. Dù vậy vẫn có một sự thực đau lòng mà chúng ta không thể chối bỏ đó là hơn 95 triệu người Việt Nam vẫn chưa có đầy đ các quyền của con người. Chúng ta vẫn bị kìm hãm và không thể vươn lên được, đây sẽ là một câu hỏi nhức nhối cần phải đặt ra đối với bất kì ai còn nghĩ đến một tương lai chung cho Việt Nam.

Việt Dân

22/10/2018

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, mẫu người lý tưởng của xã hội Việt Nam, hiểu theo tinh thần Nho Giáo, là "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tu thân được hiểu là nhai đi nhai lại mấy quyển sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, làm thơ phú... Những việc hoàn toàn không hề có liên hệ gì đến đời sống thực tại ở xã hội.

nghilai1

Đất nước, xã hội cho gì thì mình nhận chứ mình không có nghĩa vụ hay trách nhiệm gì với xã hội cả.

Trị Gia tức là Gia Trưởng. Trong Nho Giáo, vốn đề cao quân vương, quyền lực thống trị vào tay một cá nhân nên nó loại bỏ đi mọi kết hợp. Nó đồng hóa gia đình - vốn là sự kết hợp căn bản nhất và quan trọng nhất trong xã hội xưa, với hình ảnh của cá nhân, của con trưởng, gọi là Gia Trưởng. Việc nêu cao cái quyền của Gia Trưởng cũng cốt để hợp thức hóa cái quyền lực cá nhân của Quân Vương lên dân chúng.

Còn Trị Quốc thì hiển nhiên phải được hiểu là cái vinh của kẻ sĩ là học hành, thi cử, đ đạt làm quan đ ra giúp vua "trị" đám dân, chứ không hề có ưu tư nào về việc đóng góp vào việc cải thiện cho xã hội cả. Đất nước là của vua, quyền lực thuộc về vua, hình mẫu lý tưởng của kẻ sĩ là giúp vua duy trì và củng cố quyền lực đó. Dân chỉ là thần dân, thứ dân, nói chung là đám "ngu dốt", "tôi tớ"...

Có lẽ chính vì cái gánh nặng lịch sử quá lớn hơn 2000 năm trong khuôn khổ Nho Giáo đè lên dân tộc mình như vậy mà người Việt Nam vốn không ưa nhau, chỉ mãi quẩn quanh trong những ý niệm gia đình, họ hàng, làng xóm, con trâu đi trước, cái cày theo sau... Mà ngay cả ý niệm về gia đình, họ hàng đây cũng phải được hiểu là một chiều, là tư duy cá nhân của mình, của gia trưởng áp đặt lên tất cả chứ không lấy gì làm trong sáng lắm. Ít người có quan tâm lên xã hội, đất nước.

Hơn 80 năm Pháp thuộc, cuộc nội chiến Bắc Nam cho đến sự thống nhất quyền lực của Đảng cộng sản lên toàn xã hội chỉ càng làm cho tinh thần đoàn kết của người Việt thêm đ vỡ. Đất nước, xã hội cho gì thì mình nhận chứ mình không có nghĩa vụ hay trách nhiệm gì với xã hội cả. Lo thân mình, lo miếng ăn, lo cơm ăn, áo mặc, lo gia đình... được phát ngôn ra bởi nhiều bạn bè của tôi, người thân của tôi và ẩn trong họ là niềm tự hào. Tất cả những người đó, đều có một cuộc sống tương đối khá và hiển nhiên không ai bị thiếu đói nhưng những động từ "ăn, mặc" vẫn được sử dụng như một quán lực văn hóa.

Đôi lúc tôi tự hỏi có phải vì mãi chạy theo những phản xạ, quán lực văn hóa như vậy nên họ không dừng chân nghĩ lại, không tiên liệu được họ muốn gì, cần gì và nên sống như thế nào chăng ? Với họ, đất nước ở đây nhưng cũng xa xôi ngàn dặm. Xã hội họ đang sống hay những vấn đề đặt ra trong xã hội cũng xa xăm và xa lạ như cuộc bạo loạn đang xảy ra tại Syria ở bên Trung Đông vậy.

Phải hiểu về tổ tiên mình như thế nào ?

Nếu như trước đây cuộc sống của tổ tiên mình, ông bà mình chỉ là thuần túy nông nghiệp, là bờ xôi, ruộng mật hay hình ảnh con trâu, lũy tre làng thân thiện... Những sinh hoạt quẩn quanh trong không gian hàng xóm, láng giềng và những giới hạn về đi lại cho người ta cái cảm tưởng quê hương, đất nước cũng hiển hiện ngay trước mắt mình, cụ thể là những vấn đề của gia đình, của xóm làng. Vậy là đủ rồi. Vậy mà ông bà mình còn có câu "Hàng xóm làng ging, tối lửa tắt đèn có nhau" để thể hiện cái nghĩa tương thân, cái tình đùm bọc lẫn nhau khi duy trì hay gìn giữ nền nếp , việc chung.

Giềng mối xã hội bây giờ

Còn bây giờ, xã hội Việt Nam đã thay đổi sau những năm cởi mở hơn về kinh tế, về tư duy chính trị nhưng lại thụt lùi rất nhiều về giềng mối xã hội. Mỗi người luồn lách để tìm một giải pháp cá nhân cho đời mình chứ không bao nhiêu người quan tâm đến một giải pháp chung cho đất nước, cho xã hội. Người lớn thấy thanh niên, con trẻ của họ đặt ra những câu hỏi, những vấn đề liên quan đến xã hội, đất nước thì gạt ngay đi. "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng", "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", "Cầm đèn chạy trước ô tô", "Ăn cơm nước mắm nói chuyện quốc tế"… Tôi đã nghe đủ các kiểu biện luận của những con người này.

nghilai2

Những gì chúng ta đang được hưởng hôm nay là những thứ chúng ta đang vay mượn lại của thế hệ sau. Không những phải gìn giữ mà còn phải xây dựng nó để trao lại cho con, cháu chúng ta xứng đáng.

Nói một cách văn vẻ có, nói sỗ sàng với khuôn mặt đỏ bừng cũng có nhưng tôi đi đến một kết luận rằng họ đều có điểm giống nhau là họ tin suy nghĩ của họ khôn ngoan, đúng đắn. Việc nước, việc chung theo họ là việc quốc tế. Vậy những đồng bào của mình ở Phan Rí, ở Hà Tĩnh đang đói khổ, lầm lũi là những người Việt khác với họ.

Dừng chân nghĩ lại mà buồn

Tôi đã đọc trong một nghiên cứu của giáo sư Nguyên Văn Huy có viết rằng có lẽ không nước nào trên thế giới có từ ồng bào" đ chỉ người trong một nước. Bởi vì nó gắn liền với sự ra đời của giống người Việt. Lạc Long Quân lấy mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng. Ý niệm tình đồng bào phải được hiểu đầy tình cảm và mạnh mẽ như những người anh em ruột thịt với nhau. Nhưng nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn dạy con cái họ lảng tránh những quan tâm đối với xã hội. Gia đình là tất cả.

Có thật như vậy không ?

Một cá nhân bây giờ khi được sinh ra cất tiếng khóc chào đời bệnh viện, bên cạnh bố mẹ nó là những y tá, bác sĩ túc trực xung quanh. Lớn lên một chút nó phải đi đến trường mẫu giáo để được thầy, cô chỉ dạy và bắt đầy chập chững học cách sinh hoạt trong cộng đồng. Lớn lên chút nữa, nó sẽ đi học trường cấp một, cấp hai, cấp ba, đi giao thiệp bên ngoài rồi học đại học, ra ngoài xã hội, tham gia vào công ty, vào công đoàn... Nó sẽ có những tương tác với xã hội bên ngoài. Vậy cái tư duy "việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" hay "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" thật lỗi thời và ích kỉ. Con người là một thành tố của xã hội, cá nhân đó có nổi bật hay không cũng do những đóng góp của anh ta vào những tập thể, tổ chức mà anh ta tham gia như gia đình, nhà trường, xí nghiệp, tổ chức xã hội dân sự...

nghilai3

Những đứa bé, hay gọi chung là thế hệ con cháu của chúng ta, chúng nó cần nhiều hơn là cơm ăn, áo mặc. Chúng nó cần tình thương, cần sự hướng dẫn

Chính tôi, dù là đứa con sinh ra quanh làng xóm, ruộng đồng, lớn lên trong sự khó khăn nhưng cố gắng của cả gia đình cũng không cho mình cái quyền được cảm thông hơn đ khước từ vai trò đối với xã hội. Nếu không có những người thầy, người cô, người bạn hay những người anh, em... mà dù ít hay nhiều, nhờ tiếp xúc và được học hỏi từ chính họ, mình đã trưởng thành và chín chắn hơn trong suy nghĩ từng ngày. Có ai dám tự tin nói rằng tất cả những gì họ học được, có được là chỉ do cá nhân họ hoặc bố mẹ họ giúp đỡ, dìu dắt không ?

Có lẽ người Việt không yêu nước hoặc chối bỏ tình yêu với đất nước. Cả hai đều như nhau.

Có thể chính vì không yêu nước nên họ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề nào xảy ra với đất nước. Họ bị ám ảnh bởi cơm, áo, gạo, tiền hay "cơm ăn, áo mặc" hay "kiếm ăn"... chứ không quan tâm đến những giá trị đạo đức, giềng mối trong xã hội đang bị suy thoái nghiêm trọng. Họ cho rằng có một ngôi nhà đẹp, thậm chí phải biệt lập, có bảo vệ riêng, có camera theo dõi, nuôi được con cái bằng cách cho chúng ăn, uống thật nhiều là hết trách nhiệm.

Thậm chí trách nhiệm đó phải được so sánh với núi Thái Sơn, với biển Thái Bình. Đó chỉ là một ngộ nhận đáng tiếc hoặc một sự ước lệ chưa đủ mà thôi. Những đứa bé, hay gọi chung là thế hệ con cháu của chúng ta, chúng nó cần nhiều hơn là cơm ăn, áo mặc. Chúng nó cần tình thương, cần sự hướng dẫn từ cha mẹ. Và xa hơn nữa là sự hướng dẫn của thầy, cô, bè bạn trong tình yêu thương, sự đùm bọc, tương thân, tương ái, quí trọng nhau. Chúng nó cần những sân chơi cộng đồng, những ngày nô nức đi thả diều cùng chúng bạn, hay những buổi tập xe đạp cùng nhau, những kỉ niệm về buổi picnic, dã ngoại với gia đình ở công viên công cộng... Những cái đó có thể chỉ giải quyết bằng việc chối bỏ sự quan tâm đối với xã hội không ? Hay việc bạo lực học đường, xâm phạm tình dục con trẻ, giáo dục xuống cấp... có thể giải quyết được bằng sự ích kỉ của mỗi người không ?

Cũng vì không yêu nước nên nhiều người tôi tiếp xúc đều có cái nhìn ngô nghê về đất nước. Yêu nước thì phải thương nòi, thương đồng bào mình. Nhiều người cho rằng những thành công cá nhân của họ là vì sự cố gắng còn những người nghèo khổ, bần hàn hay bế tắc trong xã hội là do sự lười biếng.

Có thật không ?

Đất nước có hơn 95 triệu dân, 3/4 diện tích là đồi núi, chỉ có 1/4 diện tích đất là đồng bằng, có thể được, canh tác được. Cả nước chỉ có hơn 6 triệu ha đất canh tác nông nghiệp. Một diện tích chỉ đủ cung cấp lương thực cho 10-15 triệu người nhưng vẫn đang phải gồng gánh cho hơn 75% dân số.

Trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đất đai còn tương đối trù phú nhưng cũng đang bị tác động nằng nề bởi sự chủ quan của con người. Thì cuộc sống nông dân ở những vùng Bắc Trung Bộ không gì khác hơn ngoài sự đọa đày và tuyệt vọng. Tôi có dịp đi ra ngoài vài tỉnh miền Bắc, nói chuyện với nhiều người cũng hiểu ngay rằng với cái diện tích canh tác mà mỗi nhà sở hữu như thế, thì không ai dám mơ có thể đủ ăn nếu không tìm thêm việc gì khác chứ chưa nói đến chuyện làm giàu. Chưa hết, những vùng như Bình Thuận, Hà Tĩnh thì cuộc sống của người dân càng bế tắc vì sự ô nhiễm cùng cực của nhà máy nhiệt điện quanh đó thải ra.

nghilai4

Thế hệ chúng ta đang sống đang nợ thế hệ con, cháu sau này rất nhiều.

Tôi nghĩ nhiều người Việt nên ăn năn đ khẩn cấp học cách làm người. Vì cái ăn, cái mặc mới chỉ là quyền của con vật mà thôi. Để học làm người, chúng ta phải giữ được phẩm giá của mình. Phải sống lương thiện, chân thành, bao dung và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Một xã hội mà có nhiều người suy nghĩ như vậy thì chắc chắn phúc lợi sẽ được trả ngược lại cho từng cá nhân.

Chỉ khi ăn năn, thành thật với chính bản thân mình ta mới hiểu rõ mình cần phải làm gì, thái độ như thế nào trước hiện tình đất nước bây giờ. Chỉ khi ăn năn người ta mới hiểu rằng yêu nước, lòng yêu nước thật sự, đôi lúc phải đi kèm với sự phản kháng trước những bất công đang xảy ra trong xã hội, mà nguyên nhân là do Đảng cộng sản độc tài lãnh đạo. Chỉ khi ăn năn với chính mình ta mới nhận ra những người biểu tình, dù giàu sang hay nghèo, hay thất nghiệp… họ mới chính là những con người đáng được trân trọng, đáng được biểu dương lòng yêu nước vì đã bất chấp mọi rủi ro để giữ gìn phẩm giá của mình, để đòi lại quyền lợi, cảnh tỉnh cái họa lệ thuộc… cho chính thế hệ mình và con cháu mình. Chỉ khi ăn năn với chính mình ta mới nhận ra đâu là đồng bào, đâu là anh em, đâu là địch thù, đâu là kẻ bán nước…

Tôi viết bài này để ăn năn với thế hệ con cháu mình. Thế hệ chúng ta đang sống đang nợ thế hệ con, cháu sau này rất nhiều. Không thể nào đòi chúng nó phải kính trọng mình, phải yêu thương mình tuyệt đối nếu chúng ta cứ tự hào với lối sống ích kỉ này mãi. Vì nói cho cùng, cuộc đời một cá nhân là quá ngắn so với chiều dài lịch sử của đất nước. Những gì chúng ta đang được hưởng hôm nay là những thứ chúng ta đang vay mượn lại của thế hệ sau. Không những phải gìn giữ mà còn phải xây dựng nó để trao lại cho con, cháu chúng ta xứng đáng.

Việt Dân

(18/06/2018)

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Người ta có lý khi băn khoăn về sự khựng lại của làn sóng dân chủ. Nhất là khi quan sát sự trỗi dậy của các chế độ độc tài hay xu hướng dân túy quá khích trong những nền dân chủ lâu đời gần đây.

lan1

Sự khựng lại của làn sóng dân chủ và sự trỗi dậy của các chế độ độc tài hay xu hướng dân túy

Thế giới trong nửa đầu năm 2018 đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng. Nước Mỹ, quốc gia siêu cường về kinh tế và rất tích cực thúc đẩy tiến bộ dân chủ, nhân quyền, đang co cụm lại theo tầm nhìn hạn hẹp của Donald Trump. Chế độ tổng thống, với thể thức bầu cử của nó, đã làm suy yếu các chính đảng. Các thảo luận nghiêm túc hay các định nghĩa đúng đắn về vai trò của nhà nước và công dân, các quyền con người, sự liên đới giữa các cộng đồng và trong xã hội... dần dần trở nên nhạt nhòa và xa lạ với người dân. Các khái niệm dân chủ và viễn kiến chính trị vốn được bàn thảo và chuyên chở bởi các chính đảng rồi từ đấy mới đến được với người dân đang ngày càng vắng bóng và xa cách…

Phải có một logic lý giải cho việc thắng cử của tổng thống Donald Trump hiện tại. Nó đã bắt đầu kể từ năm 1992 với ông Bill Clinton, người chủ trương "Economist, stupid", nghĩa là chỉ quan tâm tới kinh tế và sẵn sàn bắt tay với các chế độ độc tài bạo ngược. Các tổng thống tiếp theo của Mỹ đã chỉ tệ hoặc đỡ tệ hơn. Dẫu vậy, Donald Trump và những hành động của ông ta kể từ khi chấp chính, đã phá vỡ mọi sự tưởng tượng về những điều tệ nhất. Đỉnh điểm gần đây là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa ước mà Châu Âu và Mỹ đã phải rất dày công cố gắng xây dựng và thuyết phục Iran nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho vùng Trung Đông đầy bất ổn vì yếu tố lịch sử và địa lý của nó.

Nước Mỹ đã gây thương tổn nặng nề cho các đồng minh lâu đời và quan trọng là Châu Âu và khối NATO. Không ai có thể dự đoán chính xác được rằng trong những ngày tới sẽ có một cuộc xung đột thực sự xảy ra ở vùng Trung Đông hay không ? Đây là lúc lý trí và sự sáng suốt cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng. Một giải pháp hòa bình bằng con đường ngoại giao, do Châu Âu nỗ lực cứu vãn, sẽ được đưa ra cho cả Mỹ, Iran, Do Thái và các nước trong vùng Trung Đông. Bất cứ một sự nóng vội hay sai lầm nào đều có thể đưa đến một cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt trong khu vực này giữa nhà nước Do Thái (với 6 triệu dân) và khối Ả Rập (hơn 400 triệu dân).

Sự triệt thoái của Mỹ cũng là một chỉ dấu "vui mừng" cho các chế độ độc tài. Trung Quốc với "Chủ tịch trọn đời" Tập Cận Bình. Ông Putin, sau nhiều đường lắt léo, lại tiếp tục tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga lần thứ tư và thẳng tay đàn áp những tiếng nói đối lập. Philipines ngày càng trở nên bất ổn và mâu thuẫn dưới nhiệm kì của ông Duterte. Hay Triều Tiên, nhiều quan sát viên vẫn cảm thấy lo ngại trước những hành động của ông Kim Jong Un, nhất là khi những bài học lịch sử về sự tráo trở của họ Kim đã xảy ra không chỉ một lần trước đây.

Băn khoăn về đà tiến của làn sóng dân chủ là vậy, song chúng ta có lý do nào để giữ gìn sự lạc quan ? Đó là làn sóng dân chủ vẫn đang tiếp tục tràn tới, mặc cho xu hướng co cụm hay sự hung hăng của các chế độ độc tài. Thế giới đã bước vào một kỉ nguyên của dân chủ và nhân quyền. Không còn một công thức dân chủ được đề nghị bởi khối Tư bản hay phe trục các nước xã hội chủ nghĩa thời Xô viết nữa. Cái lằn ranh ý thức hệ đã trở nên rỗng nghĩa từ lâu, nhất là khi những tiến bộ truyền thông dồn dập trong vài thập kỉ trở lại đây đã cho người dân một cái nhìn khích lệ hơn. Dân chủ và tự do là ưu tư của bất cứ người dân nào trên trái đất này. Chính các chế độ độc tài cũng lúng túng và không dám phủ nhận.

Vậy có thể rút ra kết luận gì từ hiện tượng này ?

Sự hung hăng của Trung Quốc, Nga, các phong trào Hồi Giáo cực đoan hay các trào lưu dân túy quá khích… chỉ cho thấy một tâm lý tuyệt vọng, bị dồn vào chân tường của con thú dữ. Nhưng nó sẽ thất bại bởi vì nó không đại diện cho một tương lai phải đến của người dân trong mỗi quốc gia nói riêng và nhân loại nói chung. Trung Quốc cần nhìn nhận rằng, nó không phải là một quốc gia đúng nghĩa mà là một đế quốc. Suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc chỉ được thống nhất và sát nhập bằng bạo lực, duy trì quyền lực bằng bạo lực, chế độ cộng sản Trung Quốc không phải một ngoại lệ mà đó là một sự tiếp nối của lịch sử. Trung Quốc đã tích tụ quá nhiều bất mãn và nguy cơ về kinh tế, môi trường, sự thù hận…

Gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra quá phân rã và rục muỗng vì tham nhũng và sự độc đoán trong chính trị nên nó đã lấy quyết định đưa một nhân vật không có gì nổi trội lên làm lãnh tụ độc tài suốt đời : Tập Cận Bình. Mặc dù được xem là người đàn ông quyền lực nhất thế giới hiện nay nhưng ông Tập không đưa ra được bất cứ một hứa hẹn gì hay một dự án tương lai nào cho Trung Quốc. Hình ảnh của ông Tập chỉ cho người ta thấy gợn gợn và rùng mình khi nhớ lại giai đoạn khủng hoảng toàn diện suốt thời kì Mao Trạch Đông cai trị.

Còn nước Nga ? Nền kinh tế đang lao dốc. Nước Nga với địa lý và tài nguyên rộng lớn, nhưng nền kinh tế nhỏ hơn cả Hàn Quốc hay Đài Loan. Hơn nữa, rất khó để Putin có thể bưng bít mãi với người dân và phe đối lập những gì đang diễn ra trên thế giới. Các thế hệ trẻ Nga không còn vương vấn hay tiếc nuối nào về giai đoạn Xô Viết. Họ đòi hỏi một nền dân chủ thực sự để người dân được bảo đảm đầy đủ nhân quyền, phẩm giá và tìm một lối thoát cho nền kinh tế nước nhà.

Các phong trào Hồi Giáo cực đoan cũng đã thất bại hoàn toàn. Thế giới Ả Rập đang ở trong thời kỳ xét lại triệt để và đau nhức để Hồi giáo tách ra hẳn khỏi chính trị và quay về vị trí một tôn giáo đúng nghĩa.

Những giải đáp cho những băn khoăn về sự khựng lại của làn sóng dân chủ rất quan trọng. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại để có được niềm tin vào tương lai để rồi cùng nhau vực dậy phong trào dân chủ Việt Nam. Những tín hiệu lạc quan từ hai nước Armenia và cuộc bầu cử tại Malaysia gần đây càng củng cố thêm cho điều này : Làn sóng dân chủ vẫn đang tràn tới và không thể đảo ngược.

lan2

Người ta không thể không phẫn nộ khi hay tin một vị cán bộ ngân hàng có "thâm niên tuổi Đảng" được hưởng 18 tháng án tù treo sau khi đã xâm hại tình dục nhiều cô bé trẻ thơ.

Nhìn về Việt Nam, nhiều thân hữu không khỏi băn khoăn khi chia sẻ một mối lo : "Khi nào thì dân chủ sẽ đến với Việt Nam ?". Phong trào dân chủ Việt Nam đã không khỏi lúng túng và bế tắc sau phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ. Phải làm gì bây giờ ? Đáng buồn là những điều tồi tệ vẫn đang ở phía trước. Đó là khi chúng ta đọc những tin tức thời sự dồn dập xảy ra mỗi ngày, mỗi giờ trong chế độ Cộng sản. Người ta không thể không phẫn nộ khi hay tin một vị cán bộ ngân hàng có "thâm niên tuổi Đảng" được hưởng 18 tháng án tù treo sau khi đã xâm hại tình dục nhiều cô bé trẻ thơ.

Người ta cũng không thể không uất nghẹn khi đọc và nhìn thấy sự tiều tụy, gầy guộc và khắc khổ hằn lên nét mặt của những người dân oan Thủ Thiêm bị đẩy ra bên lề cuộc sống sau khi bị các nhóm lợi ích chia chác và xẻ thịt khu đất vàng này.

Chế độ Cộng sản hiện nay, tự thân nó đã mất hết lẽ phải và sức sống. Nó không có tính chính danh và nó cũng không còn đại diện cho cả tiếng nói của khối 4 triệu Đảng viên cơ sở. Thực tế nó chỉ còn là một lớp váng và làm bình phong cho những vị lãnh đạo ở trên và nhóm đặc quyền, đặc lợi cấu kết với nhau xâu xé, chia chác lợi ích và đẩy nhân dân Việt Nam ra ngoài lề xã hội.

lan3

Sự tiều tụy, gầy guộc và khắc khổ hằn lên nét mặt của những người dân Thủ Thiêm bị đẩy ra bên lề cuộc sống và chỉ biết kêu oan

Chúng ta có thể chấp nhận thực tại này mãi không ?

Câu hỏi này để lại trong tôi nhiều ưu tư. Nó dẫn tôi đến câu hỏi vậy mục đích của cuộc tranh đấu này là gì ? Có phải chỉ để lật đổ chế độ độc tài toàn trị hay không ? Lật đổ như thế nào ?

Trong Dự án Chính trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi đã xác quyết rằng đây là một cuộc tranh đấu để xây dựng một thể chế chính trị "dân chủ đa nguyên" cho Việt Nam. Nó không phủ nhận hay đòi tiêu diệt bất cứ một giai cấp hay một thành phần nào, nó cũng không nhằm trả thù bất cứ ai. Ngược lại, nó nhằm vinh danh quyền sống và tự do cho mọi người dân Việt Nam (trong đó có cả các đảng viên đảng cộng sản). Tuyệt đại đa số nhân dân hiện nay đều đang bị kiềm tỏa về đời sống tinh thần, vật chất bởi vòng kim cô mang tên đảng cộng sản. Chuyển tiếp thành công về dân chủ là để giải thoát cho cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu rằng, lần đầu tiên, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người Việt thực sự có tự do để làm chủ đời mình và vận mệnh đất nước.

Chính vì xác định mục đích tranh đấu như vậy nên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chọn lựa phương pháp đấu tranh bất bạo động, ôn hòa và nỗ lực truyền bá nhiều kiến thức, tư tưởng chính trị hơn nữa đến với mọi tầng lớp nhân dân với mong ước trí thức Việt Nam sớm nhập cuộc, và người dân có được một sự chuẩn bị tốt hơn cho hạn kì dân chủ đang đến gần. Chế độ Cộng sản đã quá suy yếu. Cho đến lúc này, ngay cả những người lãnh đạo Cộng sản và bộ máy tuyền truyền của nó, cũng đã chấp nhận bỏ cuộc trong việc tranh dành tình cảm của người dân Việt Nam. Họ chỉ còn một phương thức duy nhất là đàn áp. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tan vỡ như một qui luật tất yếu kể cả khi không ai làm gì nó.

Chúng ta, những người dân chủ, phải làm gì ? Phải chuẩn bị những gì ?

Đó là phải chuẩn bị một lực lượng nhân sự chính trị có tinh thần và kiến thức về dân chủ để đảm bảo sự chuyển tiếp về dân chủ trong giai đoạn sắp tới sẽ thành công, không hỗn loạn, không có sự trả thù bằng "nợ máu, trả máu"… Những bài học lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của ông bà ta cho thấy sự đổ vỡ sẽ rất lớn và khó hàn gắn trong tâm hồn của người Việt nếu chúng ta chỉ biết giải quyết các bất đồng bằng những biện pháp và hành động dựa trên bạo lực của kẻ thắng cuộc.

Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một lựa chọn để mưu tìm một tương lai cho người Việt, nó mở ra cho tất cả chúng ta một cơ hội để tiếp tục chung sống với nhau.

Nếu người Việt và đất nước Việt Nam từ trước đến nay đã là nạn nhân của những hận thù, ý thức hệ, tương tàn, "nồi da nấu thịt"…thì chúng ta càng phải cố gắng hòa giải với nhau trong tình nghĩa đồng bào, tình anh em tìm lại. Cái đầu nóng phải đặt dưới sự kiểm soát của lý trí và con tim. Tinh thần bao dung phải vượt lên trên lòng thù hận.

Những người dân chủ hãy kết hợp lại với nhau để cùng mở ra một tương lai cho đất nước.

Việt Dân

(15/5/2018)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180508-lanh-dao-doi-lap-armenia-duoc-quoc-hoi-bau-lam-thu-tuong

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180511-chien-thang-ngoan-muc-cua-tan-cuu-thu-tuong-92-tuoi-malaysia

https://www.economist.com/news/europe/21740804-having-prudently-transferred-powers-premiership-president-serzh-sargsyan-assumes

https://www.economist.com/news/leaders/21741972-ruling-party-used-every-dirty-trick-book-and-still-lost-malaysias-chance-clean-up

https://www.economist.com/news/europe/21741570-russia-seems-sensibly-wary-interfering-armenias-revolution-continues-its-opposition-leader

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm
lundi, 14 mai 2018 13:06

Dân chủ và trách nhiệm

Có lẽ từ phẫn nộ là không đủ để diễn đạt cảm xúc của nhiều người Việt yêu nước sau khi phiên tòa xét xử những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra. Sau đó không lâu, phiên tòa xét xử cô Trần Thị Xuân lại là một phiên tòa dấm dúi với đầy đủ những hành động đê hèn nhất mà người bình thường khó có thể tưởng tượng. Nó bất chính như rất nhiều phiên tòa bất chính xét xử những người Việt yêu nước khác như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cô Trần Thị Nga, Trần Hoàng Phúc hay Phan Kim Khánh... mà đảng cộng sản dựng lên.

haedc1

Phiên tòa xét xử những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ ngày 5/4/2018

Một thân hữu, bày tỏ sự phẫn nộ và tình cảm dành cho những anh em mắc nạn bằng cách viết lại những lời sau cùng của họ trước tòa. Đôi khi thông điệp ngắn gọn nhất nhưng lại diễn tả đầy đủ ý nghĩa, khí phách nhất.

Trương Minh Đức : Tôi không có gì hối tiếc cả. Hôm nay các vị xét xử tôi nhưng ngày mai có thể là các vị.

Nguyễn Bắc Truyển : Tôi sẽ luôn đấu tranh và nếu phải ngồi tù thì những người khác ngoài kia vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh !

Nguyễn Trung Tôn : Sự hiện diện của chúng tôi ngày hôm nay tại đây chứng tỏ nhân quyền đang bị vi phạm.

Nguyễn Văn Túc : Tôi không cần cái bằng khen đó, tôi không việc gì phải vì nó mà cúi đầu xin các ông cho giảm án. Tôi đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, đòi đa nguyên đa đảng, là để xã hội tốt đẹp lên, cái đó không phải là tội.

Sự dũng cảm, yêu lẽ phải, tôn trọng sự thật, không im lặng, không khiếp nhước trước bạo quyền là những thái độ và tính cách chỉ có ở những công dân có trách nhiệm, yêu nước, cảm thấy bổn phận phải đứng lên nói thay cho cộng đồng mới có được. Một cách ngắn gọn hơn, đây là thái độ của những người dân chủ.

Hai phiên tòa xét xử nối tiếp nhau cho chúng ta một sự so sánh cụ thể về tư cách cũng như trình độ nhận thức giữa hai giai cấp thống trị và bị trị : một là những quan chức tham nhũng trong chế độ, hai là những người đấu tranh dân chủ hết sức ôn hòa.

Đó là chế độ cộng sản, một chế độ đảng trị nay chuyển dần thành một chế độ độc tài cá nhân trị theo logic tự nhiên, đều vẫn giữ nguyên bản chất đạo tặc của nó : bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, chà đạp lên nhân quyền và thể hiện sự xấc xược với nhân dân, đất nước.

Nhưng cũng vì bản chất độc tài của nó, nên nó đã chỉ đưa những con người bất xứng vào những vị trí lãnh đạo đất nước.

Trong một bài viết bàn về "Chính sách ngu dân trong Lịch sử Trung Quốc", tác giả Li Zhongqin có viết :

"Chỉ cần thể chế toàn trị còn tồn tại, trên dưới cùng ngu là không thể tránh khỏi. Chỉ có xây dựng được cơ chế ràng buộc quyền lực hiệu quả, nhân dân có đủ tự do ngôn luận, mới có thể hy vọng đánh bật gốc quy luật "trên dưới cùng ngu".

Từng có tổng kết cho rằng lịch sử Trung Quốc có "mười định luật lớn", bao gồm : đũa ngà voi, thỏ chết chó hầm, bao vây xu nịnh, dè chừng kẻ thù, kéo kết bè đảng, Hoàng tôn, xử trảm năm đời, quyền lớn hiếp chủ, da lông, chính quyền từ báng súng [1]. Những định luật này không sai, nhưng tôi cảm thấy chưa đủ, ít nhất cần thêm vào một định luật : "Định luật trên dưới cùng ngu".

Cái gọi là "Định luật trên dưới cùng ngu" chỉ có trong xã hội chuyên chế, kẻ thống trị thực hành chính sách ngu dân ; có "chính sách ngu dân" tất sẽ xuất hiện "đối sách ngu quân" trong triều đình và dân chúng. Đây gọi là "trên dưới cùng ngu". Hệ quả của "trên dưới cùng ngu" là trên có hôn quân, dưới có ngu dân, xấu thắng tốt thua, luân lý hao mất, xã hội đen tối, giả dối lên ngôi, hủ bại lạc hậu, hèn hạ bạc nhược".

haedc2

Phiên tòa xét xử hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ngày 11/01/2018

Hãy xem ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, những con người mà lúc còn đương chức đương quyền, đã luôn thể hiện một thái độ trịch thượng, xấc xược như hầu hết các quan chức đảng cộng sản khác nhưng đến khi vướng vòng lao lý thì cũng nhũn như con chi chi trước cấp trên.

Cụ thể ông Thanh đã nói rằng : "Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu, xem cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con".

Đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh cũng cảm thấy ân hận vì bỏ trốn sang Đức và viết thư phản bác Bộ chính trị, và : "Bị cáo mong Hội đồng xét xử sau khi kết thúc vụ án cho phép bị cáo được quay trở lại Đức lần cuối cùng để thăm vợ con, sau đó về chịu án tù".

Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã nói lời cuối cùng trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó ông Thăng nói ông mới hay tin cha mình 87 tuổi phải đi cấp cứu, nên ông mong hội đồng xét xử xem xét việc thay đổi biện pháp ngăn chặn để ông có điều kiện thăm và chăm nom cho bố, và được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân.

Thượng đội là một tâm lý nối tiếp của hạ đạp. Những con người cậy quyền cậy thế để hà hiếp hay ngăn cấm những người yếu thế hơn mình thì cũng thường rất hèn nhát, luồn cúi trước những quyền lực cao hơn mình. Ông Thăng, ông Thanh biết rằng họ đã không còn thế đứng như thời còn khuynh loát trong vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng nữa, họ chọn thái độ cúi đầu đến tội nghiệp trước Nguyễn Phú Trọng. Họ không ăn năn hay sám hối trước những hành vi mà họ gây ra cho nhân dân, đất nước. Với họ, những giá trị đạo đức vắng bóng trong mọi ứng xử, thay vào đó họ bị chế ngự bởi chủ nghĩa vật chất và chức quyền.

Ông Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, trong bài khai mạc Hội nghị Trung ương 7 vẫn còn hy vọng khi nhấn mạnh :

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" ; "cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" và "cải cách chính sách bảo hiểm xã hội".

Ông Trọng là một người thể hiện đầy đủ mọi thứ giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lênin nhất, nhưng có lẽ đó cũng chỉ là niềm tin của một người muốn hái sao trên trời. Những thành trì bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê đã sụp đổ từ lâu rồi. Trung Quốc thì đang đối mặt với quá nhiều khó khăn về môi trường, xã hội, kinh tế cho đến sự phân rã quá lớn trong nội bộ Đảng. Chính nó cũng đành chuyển tiếp thành một chế độ độc tài cá nhân trị với tư tưởng Tập Cận Bình, như thời Mao Trạch Đông. Những bài học kinh hoàng trong thời kì Mao cầm quyền vẫn còn ám ảnh không chỉ người dân Trung Quốc, mà còn cho chính những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc không còn khả năng thay đổi, nó vẫn cứ phải lao xuống vực thẳm như chiếc xe mất thắng.

Trong hồi ký của bác sĩ Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của Mao suốt hơn 20 năm, đã mô tả lại một đoạn ông Mao đi bơi ở sông Dương Tử. Tôi xin tóm lược lại để cho thấy cái sự hoại loạn của các chế độ toàn trị ra sao, rằng nó bất lực hoàn toàn trong việc tìm kiếm những con người có năng lực, phẩm chất và uy tín thực sự.

"Mao nằm ngửa, để cái bụng phệ nổi lên trên mặt nước như quả bóng, hai chân duỗi thẳng như nằm trên ghế xa-lông. Nước đẩy ông trôi theo dòng và ít khi ông sử dụng chân hoặc tay để bơi". Ai cũng biết là ông ấy chỉ thả mình trôi theo dòng nước, xung quanh là đám lãnh đạo tỉnh, vệ sĩ phải vất vả bơi theo trong khi phải cố gắng giữ khoảng cách làm sao để ông Mao vẫn nghĩ rằng mình đang bơi. Thế nhưng khi lên bờ thì Vương Nhiệm Trọng hay La Thụy Khanh đều đã nịnh rất thô, tán dương Mao Chủ Tịch lên tận trời xanh "Chiến đấu chống lại trời, chống lại đất, chống lại con người…".

Mao chìm đắm trong những lời ca tụng, đó có phải là "đối sách ngu quân" không ?

Sông Dương Tử đã trở thành con sông ô nhiễm nhất thế giới, hàng triệu người dân Trung Quốc đã không còn cơ hội để tắm trên con sông này. Còn niềm tin của ông Trọng cũng như ảo giác của một người đi trong sa mạc quá lâu để tìm nước. Nhưng không có nước. Chỉ toàn là cát và một ảo giác do đám "quần thần" vẽ lên xung quanh ông ta.

Khác biệt giữa thời toàn trị và hậu toàn trị là trong thời toàn trị "chính sách ngu dân" của kẻ độc tài tạo ra hàng loạt dân ngu, còn "đối sách ngu quân" của các thần dân lại làm cho kẻ độc tài sống trong u tối, trở thành hôn quân. Trên dưới cùng ngu, không ai được thức tỉnh. Còn ở thời hậu toàn trị, đa số mọi người đã nhận thức rõ chiêu trò vụng về của "chính sách ngu dân", nhưng bề ngoài vẫn giả dạng tin theo, giả điếc giả câm, nhưng lòng thì vui mừng khi thấy nó thất bại ; trong lòng kẻ độc tài cũng hiểu rõ "đối sách ngu quân" của dân chúng, nhưng cũng giả bộ tin theo.

Một kết luận cho bài viết.

Không có chế độ cộng sản nào có thể tự sửa đổi để lành mạnh hơn cả. Cũng không có chế độ tham nhũng nào có thể cải tiến để hết tham nhũng. Chỉ có thể thay đổi nó bằng một chế độ khác. Thay đổi nó như thế nào vẫn sẽ là một bài toán của chúng ta, những người dân chủ Việt Nam.

Chúng ta tiếp tục lên tiếng, cực lực phản đối trước những bất công và những oan sai mà những anh em yêu nước, yêu dân chủ đang mắc nạn. Nhưng tình cảm phải đi đôi với lý trí. Chỉ có thể kết hợp lại, tranh đấu có tổ chức và có một Dự án tương lai chung cho đất nước thì công cuộc dân chủ hóa đất nước, đánh bại Đảng cộng sản mới có thể diễn ra nhanh chóng và có cơ may thành công. Đây là trách nhiệm của chúng ta và cũng như là lời động viên cao đẹp nhất, khích lệ những anh em trong tù và thân nhân của họ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn đồng hành cùng các anh chị em dân chủ trong tiến trình này. Chúng ta hãy cùng nhập cuộc.

Việt Dân

14/05/2018

https://nghiencuulichsu.com/2017/12/08/chinh-sach-ngu-dan-trong-lich-su-trung-quoc/

http://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/1999098/chairman-maos-historic-swim-glorified-china

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hom-nay-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-7-3745769.html ?vn_source=rcm_detail&vn_medium=thoisu&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_thoisu

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Phần 1

Độc giả đọc tiêu đề chắc hẳn cũng đã đoán được chủ đề tôi viết bàn về điều gì. Hiển nhiên là cuộc trò chuyện cùng Chồn Mập.

Nhưng tại sao tôi lại để bức hình minh họa một chú chó thế kia ? Tôi phải giải thích thế này. Nhà tôi có một chú chó gầy gầy, dáng khẳng khiu y như chủ của nó. Những mong nó khỏe mạnh và dũng cảm hơn mình, tôi nghĩ mãi một cái tên để đặt cho nó.

Một cách tình cờ, tôi khám phá ra con Ratel (Mọi người có thể đọc bài viết Trò Khánh của tác giả Nguyễn Gia Kiểng trong ấn phẩm xuân của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên năm 2018 để biết thêm về con vật này). Có nhiều cách gọi về con vật này, tiếng Pháp là Ratel, tiếng Anh là Honey Badger, còn theo từ điển tiếng Việt là Lửng Mật. Nhưng tôi vẫn thích cái tên Chồn Mập nhất vì nó quá thân thương. Nói dông dài như vậy để mọi người cốt nắm được cái tiểu sử của Chồn Mập nhà tôi. Còn bên dưới mới là nội dung chính tôi muốn bàn tới.

dog1

Đầu tiên và duy nhất, kẻ viết bài này muốn giành lại, đòi lại sự công bằng cho loài chó. Dứt khoát tôi muốn giành lại, đòi lại chứ không xin cho, không khiếu nại hay không khuyến nghị, kiến nghị ai cả. Một thoáng suy nghĩ trong đầu cũng không. 

Từ quan sát của bản thân, quan sát đến họ hàng, bè bạn, xóm làng và các tin tức thời sự liên quan... Tôi có thể khẳng định chắc nịch rằng trong xã hội mình chó là một trong những loài động vật bị hành hạ về tinh thần và thể xác nhiều nhất so với những gì nó mang lại cho chúng ta (Chỉ là một trong những cái nhiều nhất thôi, còn bị hành hạ nhiều nhất tôi vẫn ưu ái mà cho rằng vị trí của chúng ta - Người Việt, mới là nhất trong xã hội này).

Có lần tôi thấy đứa cháu nhỏ trong nhà nó ôm con chó nhỏ, tôi thầm mừng vì thằng này mới bé tí tuổi mà đã biết yêu thương động vật. Nhất định thế hệ chúng nó sẽ giành lại được dân chủ cho người Việt. Nhưng cái mừng thầm như mở cờ trong bụng, như trút được cái trách nhiệm to lớn chưa kéo dài được bao lâu thì tôi đã thấy nó day day cái tai, vật con chó ngửa bụng ra làm con chó nhỏ kêu lên tôi nghiệp : "Ẳng, ẳng, ẳng...!".

Giận quá, tôi chạy vội lại can nó và giải thích cho nó :

- Chó là động vật để yêu thương, có phải đồ chơi của cháu đâu mà cháu cứ ấn ấn vô bụng nó vậy ! Sao không lấy con rô bốt kia ra mà nhấn ? - Tôi nói.

Thằng bé nghe tôi quạo thì khóc ré lên rồi chạy ù lại đến bên mẹ nó. Mẹ nó, là bà chị tôi, lại quát :

- Sao mày không thương cháu mày vậy ? Cháu nó nhỏ có biết gì đâu ? Mà nó cứ giỡn với con chó như vậy suốt, có làm sao ! Nín đi con ! Mẹ thương, mẹ thương ! Cậu hư, chó hư này, này !

Bất lực quá, tôi đi lững thững ra ngoài vườn, nằm đung đưa trên cái võng rồi nghĩ miên man. Chút gió dịu buổi chiều về làm tôi bất giác thiêm thiếp ngủ lúc nào không hay.

dog4

Kì lạ thay ! Trong giấc mơ của mình, chỉ có mình tôi đang đi dạo với chú chó nhỏ trên một vỉa hè rộng thẳng tắp với hàng cây xanh tán rộng rợp bóng mát. Thình lình, con chó nó hỏi tôi :

- Kìa, sao cậu chủ suy tư vậy ? Gâu gâu ! - Nó hỏi vẫn kèm cái tiếng sủa, chắc nói tiếng Việt chưa sõi đây mà.

- Ơ sao mày nói được hả Chồn Mập ? 

- Dạ, bình thường con vẫn nói với cậu chủ suốt, chẳng qua do cậu chủ không chịu học tiếng chó nên mới không hiểu ? Gâu, gâu.

- Ơ cái thằng này ! Thế hóa ra tao đang nói tiếng chó hay tiếng người ? Gâu, gâu - Tôi bực dọc không điều chỉnh được cảm xúc mà bất giác nói những âm cuối.

- Đấy, cậu chủ đang nói tiếng chó mà ! Ngôn ngữ của chúng con bao giờ cũng có tiếng gâu gâu ở cuối câu. Gâu gâu - Nó trả treo.

- Ừ tao đồng ý với mày. Chồn Mập à, tao buồn lắm ! Tao rất thương mày và thương tất cả đồng loại của mày ! Ừ thì thời thế bây giờ thay đổi rồi, mày và tao không còn giống như Lão Hạc và con Vàng ngày xưa nữa. Nhưng mày xem, loài người chúng tao vẫn đối xử tệ với chúng mày lắm. Hồi tao còn nhỏ, tạo đi qua nhiều nhà hàng xóm chơi. Có người thì nuôi chó chỉ đề sủa, nó sủa to quá cũng đánh. Đánh nó đau quá hôm sau nó hết sủa được lại đánh tiếp. Mấy hôm sau tao thấy nó mất hẳn đi cái tiếng sủa mạnh dạn mà chỉ còn gầm gừ mà thôi. Có người chỉ nuôi chó để ăn thức ăn thừa, để dọn phân nữa... Mày xem có tủi nhục và đáng giận không. Có người thì nuôi chó chỉ để thả rông, không chăm sóc gì cho nó cả. Đến khi nó bị bắt trộm mất thì bất giác buồn rồi họ lại tìm cách đi giải sầu bằng cách nhậu thịt chó để xả xui - Tôi nói với giọng đượm buồn chậm rãi.

- Nhưng tại sao loài người các cậu không thương chó mà lại vẫn đi nuôi chó ? Gâu gâu - Nó hỏi.

- Tao cũng không biết nữa mày ạ ! - Tôi bất lực trả lời.

- Vì loài người các cậu không biết yêu thương và tha thứ cho nhau ! Con bị cháu cậu hành hạ, đem ra làm trò chơi mỗi lúc nó đi học về nhưng con vẫn yêu thương nó, vẫn mừng rỡ chạy ra đón nó ngoài cổng, vẫn thức cạnh nó cả đêm không chợp mắt mỗi khi nó bị ốm sốt ! Nó là một đứa ngoan ngoãn chỉ bởi do mẹ nó chiều nó quá, cái gì cũng xuê xoa "Cháu nó còn nhỏ đâu biết gì" ! Cậu phải dạy nó ! Cậu phải kiên nhẫn với nó giống như con đang kiên nhẫn với nó ! Loài người các cậu chỉ sống chung với nhau về mặt lý thuyết chứ không có cảm xúc thật sự. Loài chó chúng con có một câu thành ngữ rất hay để mô tả trường hợp này "Gấu gâu gấu gâu gâu" ! - Nó nói liền tù tì quên cả hai cái âm cuối gâu gâu. 

Lần này nó làm tôi rối trí thật sự, không biết là chúng tôi đang nói tiếng chó hay tiếng người. Cái con Chồn Mập này, mới tí tuổi mà ranh mãnh gớm ! Bắt cậu mày sủa gâu, gâu mỏi cả mồm nãy giờ ! Nhưng thôi, tao bắt chước lời mày nói, tha thứ cho mày để hầu chuyện mày tiếp vậy !

- Ý mày là "Bằng mặt nhưng không bằng lòng" hả Chồn Mập ? - Tôi hỏi.

- Phải rồi ! Các cậu sống trong một cái khuôn mẫu mà các cậu không hài lòng với nó! Chị cậu phải khúm núm, tối ngày ngồi ở xó bếp, lo việc giặt giũ, nấu nướng. Lần trước cậu tặng cho chị cậu bộ mỹ phẩm, chị cậu chưa kịp xài thì bị anh cậu phát hiện ra liền gạt phắt đi : "Bà ngoài 35 tuổi rồi còn điệu đàng với ai ? Tôi cấm !". Sau này con mới biết là mẹ cậu nhòm thấy liền đánh động đến anh cậu. Còn bố cậu ? Bố cậu chỉ tối ngay lo sắm cái bàn, cái tủ, xây cái bàn thờ thật to, gỗ thật xịn nhưng trong căn nhà này, việc nhỏ, to thiết yếu như hư cái bóng đèn, rò cái ổ điện bố cậu cũng không để ý. Còn anh rể cậu chỉ tối ngày lo kiếm tiền và nhậu nhẹt. Cả gia đình cậu quay cuồng trong việc trang hoàng cái bề ngoài, kìm hãm bản thân mình trong cái khuôn mẫu, khuôn phép mà chúng con đã vứt bỏ từ thời ở rùng hoang. Lâu dần ai cũng là phiên bản nhợt nhạt của chính mình để rồi mọi người không còn nhận ra chính mình là ai nữa. Mỗi người trong gia đình cậu cố khoác lên, đắp lên, phủ lên mình đủ thứ mặt nạ, vật chất... chỉ để che đi cái thứ đã biến mất, đã trở nên trong suốt bên trong rồi. Đó chính là cảm xúc. Gia đình cậu là một gia đình bất hạnh, nhưng bất hạnh nhất là cháu cậu. Mọi người cứ tưởng đang chăm lo và cung cấp cho nó những điều kiện tốt nhất nhưng thực sự cái nó cần nhất là tình thương yêu và dạy điều hay, lẽ phải thì nó lại rất thiếu thốn.

Chồn Mập nói càng châm rãi và không bộ lộ cảm xúc đến đâu thì mắt tôi hoen đỏ, nước mắt chảy đến đấy !

- Tao cảm ơn mày lắm ! Tao sẽ phải thay đổi gia đình mình ! Nhưng làm sao để thay đổi cả đồng bào tao để loài người và loài chó chúng ta thật sự có một cuộc sống xứng đáng! - Tôi hỏi.

- Con không biết, cậu phải từ tìm nấy thôi ! Tổ tiên của chúng con khi sống ở rừng hoang vu, để đối chọi với những loại thú dữ có nanh vuốt sắc bén như sư tử, lợn rừng, cọp, beo... Chúng con đều đi theo đàn, thống nhất với nhau một hiệu lệnh và bàn bạc với nhau kĩ lưỡng một cách tác chiến. Đứng riêng rẽ, chúng con yếu đuối nhưng đứng chung lại, chúng con luôn thắng và đối phương luôn phải chịu thua. Bây giờ thời đại văn minh rồi, loài chó chúng con đã nguyện thề sẽ khước từ mọi bạo lực để sống chung với loài người và các loài động vật khác như loài mèo chẳng hạn. Cậu có biết là con và con Hà Mã (tên con mèo nhà tôi) rất thích tám chuyện với nhau không !

- Nhưng nếu khước từ bạo lực thì làm sao có thể ép họ thay đổi được ! Xã hội tao vốn được xây dựng trên bạo lực mà Chồn Mập ơi !

- Cũng chính vì được xây dựng trên bạo lực nên xã hội các cậu, loài người các cậu vẫn đang phải trả giá vì bạo lực. Các cậu không thể nói chuyện với nhau, quý trọng nhau và nhìn nhận nhau như anh em, đồng bào giống như loài chó chúng con. Nếu các cậu mãi tin vào bạo lực là phương thức giải quyết căn nguyên xã hội nhanh nhất và duy nhất thì loài người các cậu sẽ mãi không có lối thoát. 

- Nhưng chúng tao...

- Cậu hãy suy nghĩ về những điều con nói ! Con chỉ có thể tin vào tình yêu thương đồng loại, sự đoàn kết và quý trọng, kiên nhẫn với nhau mà thôi! Đó là lẽ sống của con và được chia sẻ rộng rãi trong loài chó. Con chỉ có thể khuyên cậu như vậy. Muộn rồi, con phải đi sang nhà hàng xóm gặp Bọ Chét, người yêu trong mộng của con đây !

- Mày khoan hãy đi đã Chồn Mập...

Tiếng tôi gọi Chồn Mập vang xa rồi như vấp phải bức tường vô hình nào đó dội lại nghe oang oang ! Tôi choàng tỉnh ! Vừa có một cơn gió nồm thổi qua khô khốc, như thể viện giải cho việc chảy nước dãi nhoèn miệng mình - Tôi nghĩ bụng. Lướt cái điện thoại thì đọc tin hàng cây xanh trên một con đường lớn đã bị đốn hạ rồi. Cũng chính là con đường tôi vừa đi dạo vừa trò chuyện với Chồn Mập. Buồn quá ! Tôi ngồi suy tư về lời khuyên của nó ! 

Tình yêu thương đồng bào, đoàn kết, quý trọng nhau, anh em, kiên nhẫn ! Có khó với loài người chúng tao quá không, Chồn Mập ?

Việt Dân

(10/03/2018) 

Additional Info

  • Author Việt Dân
Published in Quan điểm

Trong tiếng Việt, hai động từ ăn và uống được sử dụng rất đa dạng và chính yếu. Thời xưa, xã hội ta thuần nông nghiệp nên cái ăn, cái mặc đầy đủ là chuyện hiếm. Các cụ suy nghĩ thường trực vì miếng cơm, manh áo nên hai động từ ăn và uống dường như diễn đạt nhiều cảm xúc đến như vậy. "Ăn cây nào rào cây ấy", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "ăn cơm chúa, múa tối ngày", "uống nước nhớ nguồn", "ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau", "một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp"...

anuong1

Mâm cỗ ngày Tết - Ảnh minh họa

Cái ăn dường như là một sự ám ảnh và là tiền đề cho cách ứng xử của cá nhân đối với các mối quan hệ trong xã hội. Cho đến gần đây, xã hội Việt Nam đã có thể tạm đi qua những khủng hoảng vì cái ăn, cái mặc nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người thì vẫn còn bị ám ảnh bởi chuyện này và xem nó là hợp lý, là sự thể hiện của bản thân, là lý tưởng để dẫn đến hành động chung.

Một cô người mẫu sống trong sự giàu sang và xa hoa mà chỉ một số ít người mới dám mơ tới cũng nói một suy nghĩ rất tự nhiên "không có tiền thì cạp đất mà ăn à ?". Trong nhiều cuộc tranh luận về những vấn đề chung của xã hội, nhiều người vẫn viết hay nói "thôi lo chuyện nhà mình đi, lo cơm, áo, gạo, tiền cho vợ, cho con ! Lo mấy chuyện này có ăn được không ?". Một số người can đảm hơn thì sau một hồi bàn luận nghiêm túc, chuẩn bị đi đến những vấn đề không thể né tránh liền bị cái tâm tính nó kéo lại "thôi mình bàn mấy chuyện quốc gia đại sự này khó quá ! Lo chuyện kiếm tiền cậu ạ !"...

Hai động từ ăn và uống được thể hiện sinh động và nhiều cảm xúc như vậy phần nào lý giải tâm tính, tư duy bao trùm lên xã hội ta. Ngày thường là vậy, đến mùa lễ lộc thì nó bị khuếch đại lên quá mức. Đầu tiên tôi nói về cái bánh chưng, món ăn truyền thống và phải có trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình Việt. Bánh chưng với nhân chính là gạo nếp được nén chặt trong khuôn, thêm ít thịt heo, đậu xanh... Món này ăn nhanh ngán và thực sự rất lâu đói. Chỉ vài chục năm trước thôi, miếng bánh chưng ngày tết vẫn là nỗi khao khát, sự thèm thuồng của nhiều người Việt. Nó phần nào lý giải ông, bà ta sống thiếu thốn như thế nào.

Trong "Chuyện Ngõ Nghèo" của tác giả Nguyễn Xuân Khánh có vẽ lên một cách chân thực bối cảnh xã hội miền Bắc thời những năm 80. Trích : "Giá cả hàng hóa của Hà Nội leo thang vùn vụt. Tôi ghi chép lại đây những con số đầy ý nghĩa với cuộc sống gia đình tôi : Su hào, một đồng một củ - Khoai lang, 22 đồng một yến (...) - Rau muống lợn 1 đồng 5 hào một mớ. (...) Ôi chao toàn tiền là tiền. Tiền tiêu như rác, một nắm bèo cũng có giá. Trong khi đó, lương tôi được hơn 60 đồng, lương vợ tôi 70 đồng. (...) Chỉ những con số ấy cũng đủ biện hộ cho công việc nuôi lợn, mê say lợn của tôi. Con lợn của tôi là tất yếu, là con đường cứu sống gia đình tôi".

Phong trào người người, nhà nhà nuôi lợn, vật giá leo thang, nghề đồ tể thống trị, sách bán vài ba hào chỉ đủ mua bèo cho lợn ăn... Người ta bị ám ảnh vì cái ăn, cái mặc và bần cùng hóa tư tưởng vì nó.

Cho đến gần đây thôi, tôi vẫn cảm thấy cái tâm tính đó không dứt đối với nhiều người Việt. Cứ dịp tết đến hay lễ hội, người ta phải phô trương cái ăn, cái mặc thể hiện qua sự thừa mứa và lãng phí những ngày tết. Đi đâu, gặp nhau người ta cũng bắt ép nhau uống và ăn. Bây giờ còn có thêm tiết mục hát karaoke. Dường như người Việt ta không thể diễn đạt những suy nghĩ, những nỗi niềm để hiểu nhau và biết yêu thương nhau hơn. Thay vào đó chúng ta lấp đầy những khoảng trống bằng men say của rượu, của bia, làm cái bao tử phải hoạt động liên tục bằng hoạt động ăn, uống kéo dài mấy giờ đồng hồ. Chưa đủ, chúng ta lại kết hợp thêm màn tra tấn lỗ tai bằng karaoke. Ba món kết hợp lại với nhau thì thời gian đâu mà suy nghĩ, mà thảo luận nữa. Nên mới có chuyện anh em, bè bạn cao hứng ép nhau uống rồi gọi là "anh em tốt, bạn bè tốt" xong lời ra, tiếng vào lại giải quyết vấn đề bằng nắm đấm.

Một điều đáng buồn là đến nay và ngay cả trong tầng lớp khá giả thì vẫn còn không ít người xem miếng ăn, đồ uống là để thể hiện bản thân, đẳng cấp và sự thành đạt. Những chai rượi đắt tiền, những con vật nằm trong danh sách đỏ vẫn là ước mơ của một số người. Trong thực tế, giá trị của mỗi con người không nằm ở miếng ăn và những chai rượi ngoại. Giá trị đó đôi khi được ghi nhận và tôn vinh từ những việc làm cụ thể và mang tính nhân văn như sự chia sẻ, bao dung, tình yêu con người và thiên nhiên…

Cũng không phải các cụ ta không nhận ra điều đó ! "Miếng ăn là miếng nhục", "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "bầu ơi thương nấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "một miếng khi đói bằng cả gói khi no"...

Thôi thì chúc anh, chị em thân hữu ngày tết bình an, sức khoẻ và tinh thần để tiếp tục cuộc vận động đẩy lùi sự cồn cào và ham muốn của cái bao tử, nâng cao suy nghĩ với đồng bào ta, với lực lượng 47 và những con lợn trong trại gia súc của George Orwel (1984)...

Việt Dân

(15/02/2018)

Published in Văn hóa
Trang 1 đến 2