Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần 1

Đặc khu Vân Đồn mang ‘quốc tịch Trung Quốc’ từ lúc chưa ra đời

Cuộc gặp năm 2013

Đồng ý trả lời phỏng vấn với RFA về vấn đề này, nhà báo Nguyễn An Dân, người có nhiều sự quan tâm và nghiên cứu về đặc khu kinh tế, xác nhận về mốc thời gian của ý tưởng đặc khu đã có từ thời ông Võ Văn Kiệt và thêm rằng chủ trương đặc khu Vân Đồn là do "nhìn về sự thành công của Thẩm Quyến vào thập niên 90".

vandon1

Đồ họa Dự án Casino Vân Đồn. Courtesy : Ảnh chụp màn hình dantri.com.vn

"Cơ sở hình thành nên đặc khu là đã có từ lâu. Còn ông Phạm Minh Chính là người được lựa chọn vì trong quá trình luân chuyển cán bộ thì ông ấy từ Thứ trưởng Công an về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, thành ra ổng là người thực hiện đề án này. Bất kỳ ai ngồi vào vị trí Bí thư Quảng Ninh cũng phải thực hiện (đề án). Tuy nhiên thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu thì nó phụ thuộc vào bản lĩnh của Bí thư Tỉnh uỷ".

Đề cập trực tiếp đến Vân Đồn, nhà báo Nguyễn An Dân khẳng định "Ông Phạm Minh Chính là người thực hiện theo chủ trương lớn của Đảng".

Tuy nhiên, tạm thời khoan đề cập đến nhân vật Phạm Minh Chính, mà hãy tìm hiểu việc ông Phạm Minh Chính đã đề xuất đề án đặc khu ở Quảng Ninh như thế nào, bằng cách quay lại diễn biến của 5 năm trước, năm 2013.

Ngày 14 tháng 3 năm 2013, trên trang báo nội bộ của Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến (Shenzhen University) đăng tải một bài báo bằng Anh ngữ với tiêu đề : Việt Nam học hỏi về Đặc khu kinh tế của người Trung Quốc (Vietnam study Chinese special economic zone) (1).

Nội dung của bài báo cho biết đoàn đại biểu gồm 5 chuyên gia của CCSEZR được mời đến tỉnh Quảng Ninh vào ngày 19 tháng Giêng năm 2013 để trao đổi và truyền đạt kinh nghiệm về chiến lược kiến trúc hình thành phát triển cho đặc khu kinh tế (SEZ) Vân Đồn.

Dẫn đầu đoàn đại biểu này là Giáo sư, Tiến sĩ, bà Đào Nhất Đào (Tao Yitao), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, cũng chính là kiến trúc sư trưởng của chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Đón tiếp phái đoàn Thẩm Quyến có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy ; bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Nội dung buổi gặp do CCSEZR ghi lại cho biết, 5 vị giáo sư Trung Quốc đã tư vấn về các vấn đề khác nhau như : Điều kiện cơ bản, thiết kế chức năng, lựa chọn vị trí địa lý, định vị ngành, chính sách ưu đãi, quản lý kinh tế xã hội, vốn nước ngoài và quản lý nhân tài cho các đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Đối lại, các quan chức Việt Nam bày tỏ rằng họ đã được truyền cảm hứng trong việc tham vấn và khẳng định điều này rất quan trọng cho việc xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam.

Để kiểm chứng, chúng tôi liên lạc ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban tỉnh Quảng Ninh, người có mặt trong chuyến đi đó và được trả lời rằng :

"Xin lỗi tôi không biết về vấn đề này".

Chi tiết về chuyến viếng thăm này không được loan trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh. Mãi cho đến ngày 23 tháng 8 năm 2013, trang báo mạng của Quảng Ninh và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh mới đăng tin về chuyến đi khảo sát của Đoàn chuyên gia Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến tại Quảng Ninh.

Mục đích chuyến đi khảo sát này nhằm chuẩn bị cho hội thảo quốc tế về xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn. Kết thúc chuyến đi, ông Chung Nhược Ngu, Trợ lý Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ nhanh chóng thành lập tổ công tác nghiên cứu về đặc khu kinh tế.

Tham dự bên phía tỉnh Quảng Ninh đương nhiên không vắng mặt ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.

Phạm Minh Chính

vandon2

Ông Phạm Minh Chính, áo sơ trắng giữa hình, đeo kính. Courtesy : Ảnh chụp màn hình baoquangninh.com.vn

"Khi còn là Bí thư Quảng Ninh, Phạm Minh Chính là 1 trong những người chỉ đạo, xây dựng qui chế đặc khu cho Vân Đồn, và là cơ sở tiền đề cho luật Đặc khu sau này".

Nói về cuộc gặp giữa Phạm Minh Chính và bà Đào Nhất Đào trong thời gian đã qua, ông Phạm Chí Dũng nhận xét là rất "đáng chú ý" và "có vẻ 2 bên rất thân mật với nhau".

Một cơ sở nữa để cho thấy sự có mặt của Phạm Minh Chính ngay từ thưở đặc khu Vân Đồn đang trong lúc "thai nghén" được ông Phạm Chí Dũng tiết lộ :

"Trong đề xuất của tỉnh Quảng Ninh cho Chính phủ lúc đó, thời gian cho nước ngoài thuê đất, Quảng Ninh đề xuất đến 120 năm chứ không phải chỉ có 99 năm như dự luật Đặc khu.

Thì người ta có thể đặt 1 câu hỏi rất lớn, 1 sự nghi ngờ rất lớn, là vì động cơ nào ? Vì động cơ nào mà Phạm Minh Chính và tỉnh Quảng Ninh lại lập 1 đề xuất quá ưu đãi, quá đặc biệt, và có thể nói không khác gì chuyện "bán đất, bán nước".

Tân Hoa Xã ngày 12 tháng 9 năm 2016 có bài viết đưa tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết cần 12 tỷ USD để xây dựng đặc khu kinh tế hành chính Vân Đồn.

Tân Hoa Xã trích lời ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế tỉnh Quảng Ninh trả lời báo Tuổi trẻ trong nước về số vốn đầu tư của Quảng Ninh lúc đó đã đáp ứng được 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, cả Tân Hoa Xã lẫn truyền thông trong nước không nói rõ nguồn gốc của 1,8 tỷ USD này.

Đây chính là câu hỏi mà nhà báo Nguyễn An Dân đặt ra về sự minh bạch đối với số vốn đầu tư của Quảng Ninh. Vì theo ông, vào năm 2014, chính phủ Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn về ngân sách, phải "vay nóng" Singapore hoặc quỹ Bảo hiểm xã hội 1 tỷ USD để cân đối chi thu, thì việc nhà nước hỗ trợ Quảng Ninh trong khoản 1,8 tỷ USD này là không có cơ sở.

Thêm vào đó, theo phân tích của nhà báo Nguyễn An Dân, thời điểm năm 2014, Việt Nam chưa xây dựng hoàn chỉnh khung định hình cơ bản cho đặc khu cũng như chưa có chiến lược, quy luật cụ thể. Do đó, không thể nghĩ rằng các quốc gia khác sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư ở đặc khu Vân Đồn.

Từ đó, ông nêu ra kết luận : Phải chăng 1,8 tỷ USD Quảng Ninh đã có là từ nguồn huy động của nước có chung đường biên giới ?

1,8 tỷ USD là 1% GDP của Việt Nam, một con số không nhỏ. Huy động được con số này, phải chăng chỉ có Phạm Minh Chính ?

Theo ông Phạm Chí Dũng, ông trả lời vấn đề này theo cách đánh giá tư duy chung trong Đảng cộng sản Việt Nam.

"Với não trạng chung trong Đảng thì nó tựa tựa như nhau. Nếu không phải Phạm Minh Chính mà 1 nhân vật khác thì cũng phải thi hành chủ trương từ cấp trên mà thôi. Chỉ có điều nếu là người khác thì có thể về mặt kỹ thuật nó sẽ khác đi".

Một góc nhìn khác, trong đó có 1 yếu tố tích cực từ nhà báo Nguyễn An Dân được ông chia sẻ :

"Ông Phạm Minh Chính không phải như những lãnh đạo Đảng hay lãnh đạo địa phương khác mà chờ phía trên giao việc. Mà ông muốn chủ động trong công việc.

Thứ 2, ông Phạm Minh Chính viết rất nhiều sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi ổng có nghiên cứu từ thời ổng là Tuỳ viên sứ quán ở Đông Âu trong giai đoạn Đông Âu chuyển hoá từ độc tài sang dân chủ.

Từ đó mới sinh ra là ông Phạm Minh Chính cũng muốn tích cực làm đặc khu này".

Tuy nhiên, nhà báo Phạm An Dân cũng đã nói thêm : "Bên cạnh đó có những vấn đề khác, chẳng hạn ông Phạm Minh Chính chưa hiểu hết ý đồ của Trung Quốc".

****************

Phần 2

Phạm Minh Chính, Đào Nhất Đào, Vân Đồn và Một vành đai, một con đường

Trong phần 1, chúng tôi đã trình bày về sự ra đời của dự án đặc khu kinh tế, đặc biệt là đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh.

Sự liên kết giữa hai nhân vật quan trọng là ông Phạm Minh Chính là bà Đào Nhất Đào ảnh hưởng như thế nào trong sự hình thành thành đặc khu Vân Đồn cũng như dự thảo luật Đặc khu ?

vandon3

Vân Đồn, Quảng Ninh-Việt Nam - Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn

Đào Nhất Đào và Vân Đồn

Một năm sau chuyến thăm của đoàn đại biểu gồm 5 chuyên gia của CCSEZR đến tỉnh Quảng Ninh ngày 19 tháng Giêng năm 2013, bà Đào Nhất Đào đã quay lại Việt Nam vào ngày 19 tháng 3 năm 2014 để tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế.

Tại đây, bà Đào Nhất Đào dành những lời nhận xét khá ưu ái khi trả lời phóng viên Báo Quảng Ninh về tiềm năng phát triển của đặc khu Vân Đồn :

"Theo đánh giá của tôi, Vân Đồn hiện có những điều kiện thuận lợi hơn Thâm Quyến ngày trước rất nhiều : Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm trong tam giác kinh tế phía Bắc, có những điều kiện thuận lợi về thiên thời, địa lợi và ưu thế đi sau, hiện chỉ còn thiếu nhân hòa".

Nhấn mạnh ngay sau đó, bà đưa ý kiến về giải pháp, đó là : "Để có được điều này, theo tôi Chính phủ Việt Nam phải giao cho Quảng Ninh những cơ chế đặc thù".

Làm sao để bù "nhân hoà" ? Thế nào là cơ chế đặc thù ?

Đáng chú ý, bà Đào Nhất Đào là cố vấn, kiến trúc sư trưởng của chiến lược ‘Một vành đai, Một con đường’ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những chuyên gia kinh tế gọi nhận định đây là chiến lược có tham vọng nhân rộng ra cả Châu Á.

Vân Đồn và Một vành đai, một con đường

Rất nhiều các nhà nghiên cứu chính trị kinh tế trên thế giới đã đưa ra những quan ngại về ảnh hưởng của chiến lược Vành đai, con đường đối với những quốc gia nó liên kết.

Tờ Tuổi Trẻ ngày 18 tháng 4 có một bài viết trong đó trích dẫn ý kiến của Ông Peter Cai, chuyên gia tư vấn tại Viện Lowy (Úc) chuyên nghiên cứu chiến lược "Vành đai, Con đường", nhận định rõ ràng rằng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc sẽ mở rộng ở những quốc gia mà "Vành đai, Con đường" liên kết.

Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS), có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ nhận định trong 1 báo cáo ngày 17 tháng 4 rằng "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh là thật ra nhằm phục vụ mục đích mở rộng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Một báo cáo khác của các nhà nghiên cứu Mỹ về 15 dự án cảng biển do Trung Quốc cấp vốn ở Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Úc, Oman, Malaysia, Indonesia, Djibouti và những quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kết luận rằng các dự án này không được xúc tiến theo hướng "có lợi cho đôi bên" như Bắc Kinh tuyên bố. Thay vào đó, các khoản đầu tư dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, lén lút mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc và dựng lên một môi trường chiến lược có lợi cho Bắc Kinh trong khu vực.

Ông Phạm Chí Dũng chia sẻ thêm những nhận định về vai trò của đặc khu ở Việt Nam.

"Đặc khu chính là môi trường vô cùng thông thoáng để rửa tiền, mà cơ quan pháp luật không thể làm gì khác. Chưa kể là trong đặc khu có thể sản xuất vũ khí, nói chung là kinh doanh trái pháp luật khá nhiều chuyện mà phap luật không thể sờ gáy được.

Có một điều cực kỳ nguy hiểm ở mặt đối ngoại là đã có những nhà đầu tư chiến lược nhắm sẵn đặc khu rồi.

Trong những nhà đầu tư đó có những nhà đầu tư bị nghi ngờ lớn là có quan hệ chân trong chân ngoài với nước ngoài, chính xác là với Trung Quốc".

Phạm Minh Chính, Đào Nhất Đào và Vân Đồn

Trở lại với kế hoạch đặc khu Vân Đồn của Quảng Ninh, hay nói cách khác là sản phẩm của Phạm Minh Chính. Ngày 27 tháng Giêng năm 2018, phái đoàn Quảng Ninh do Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn chuyến đi thăm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến), theo lời mời của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Chuyến đi này cũng do trang báo nội bộ của Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến (Shenzhen University) đưa tin.

Cũng cần phải nói rõ là phái đoàn Việt Nam trong chuyến đi này trên thực tế là Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Lý do là trước đó, báo chính phủ cho đăng tải Quyết định số 56/QĐ-TTG về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 11 tháng 1 năm 2018.

Ban Chỉ đạo này do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Hai Phó trưởng ban là ông Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Châp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và 25 ủy viên khác.

Trong bài viết của trang CCSEZR, đáng chú ý là bà Đào Nhất Đào với văn phong vừa phải của nhà ngoại giao, gọi ông Phạm Minh Chính là "người bạn cũ của CCSEZR". Ngược lại, đáp lại là lời phát biểu của ông Phạm Minh Chính được ghi rằng : "Trở lại Đại học Thâm Quyến lần này cho tôi cảm giác ấm áp như trở về nhà, được gặp lại những anh chị em trong gia đình" (2).

Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Minh Chính xin được tư vấn từ CCSEZR về ba vấn đề, trong đó có câu hỏi : "Thời gian sử dụng đất có phải là 70 hay 99 năm không ?"

Nhìn lại tất cả những sự kiện gắn kết giữa Đảng cộng sản Trung Quốc, đại diện là Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam, đại diện là đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh, sau này là Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đã chỉ ra rất rõ phần nào sự ảnh hưởng rõ rệt của Bắc Kinh ở đặc khu Vân Đồn.

Phân tích cụ thể hơn là từ nhà báo Nguyễn An Dân :

"Khi Trung Quốc họ biết Việt Nam có chủ trương làm đặc khu ở Vân Đồn, và khi ông Tập Cận Bình đưa chiến lược Một vành đai, một con đường ra thì Trung Quốc muốn kết nối với Việt Nam vào trong chiến lược này. Thì bắt buộc phải kết nối đặc khu Vân Đồn vì vị trí quan trọng về địa chính trị của nó, là cửa khẩu của Việt Nam. Như thế, đương nhiên bà Đào Nhất Đào, kiến trúc sư trưởng của Một vành đai, một con đường phải tiếp xúc với ông Phạm Minh Chính, trên cương vị bà Đào Nhất Đào là người chủ trì đề án và ông Phạm Minh Chính là người đứng đầu địa phương Vân Đồn nơi sẽ hình thành đặc khu.

Hai tư tưởng lớn, 1 bên là phía ông Tập Cận Bình, một bên là tư duy của bên Đảng thì việc bà Đào Nhất Đào và ông Phạm Minh Chính kết nối với nhau là đương nhiên thôi".

Vì sao Vân Đồn lại được Bắc Kinh dành cho nhiều "thiện chí" đến thế ? Theo nhà báo Nguyễn An Dân, đó là xét theo địa chính trị, và Trung Quốc cần Vân Đồn hơn là Vân Phong và Phú Quốc. Thêm vào đó, Vân Đồn không gặp trở ngại về vai trò của chính quyền địa phương như Vân Phong và Phú Quốc.

Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc.

Vân Đồn có trở thành đặc khu hay không ? Luật Đặc khu có được thông qua vào tháng 10 tới hay không ? Điều này ông Phạm Chí Dũng cho rằng hoàn toàn có thể, nếu không có sức đấu tranh của toàn dân, toàn xã hội phản đối những điều bất công, bất cập, bất hợp lý và nguy hiểm trong dự luật này.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 19/06/2018

(1) http://www.ccsezr.org/enews/news_detail.php?newsid=3019&iframeid=101

(2) http://www.ccsezr.org/enews/news_detail.php?newsid=3986

Published in Diễn đàn

Ngày 15/6 sắp đến, Quốc hội sẽ hoàn tất quá trình thảo luận và quyết định việc thông qua Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế đối với Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

baitoan1

Phú Quốc, 1 trong 3 khu vực nằm trong Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế - hành chính cho thuê đất 99 năm AFP

Hàng triệu triệu người Việt Nam đang nỗ lực lên tiếng phản đối về dự án cho nước ngoài thuê đất làm đặc khu kéo dài 99 năm.

Phần 1 : Đâu là những giá trị kinh tế cốt lõi của đặc khu kinh tế và những ‘nguy cơ’ nếu thực hiện điều này ở Việt Nam.

Mô hình không mới

Thuật ngữ "Đặc khu kinh tế" được nhắc đến rất nhiều những ngày qua vốn dĩ không phải ý tưởng mới với Việt Nam, và càng không xa lạ với thế giới.

Có một cách lý giải đơn giản nhất để hiểu về Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ), hay còn gọi là khu kinh tế tự do, là các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.

Ông Lê Hưng Quốc, Nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cùng RFA về lịch sử của mô hình này.

"Cái mô hình kinh tế này thế giới người ta đã làm và có thành công có thất bại. Thành công ở Thẩm Quyến, rồi Thượng Hải. Thế nhưng, nhìn ở phía thứ hai, như Ấn Độ chẳng hạn. Ấn Độ hồi năm 60, 70 làm đặc khu như thế thì lại thất bại. Thành thử ra Việt Nam mình cũng muốn tìm mô hình nào đó để thúc đẩy phát triển kinh tế thì hoàn toàn chính đáng. Bây giờ 90 triệu dân mà không tìm ra bước đột phá thì rất nguy".

Nói đến sự phát triển của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến, hay Thượng Hải. Trong một tài liệu do Cộng đồng tri thức và Giáo dục nghiên cứu cho biết, vào năm 1978, khi Trung Quốc thực hiện chính sách kinh tế "mở cửa", Thâm Quyến chỉ là một làng chài nghèo nàn, bên cạnh Hồng Kong lúc đó là thuộc địa của Anh quốc, giàu sang hoa lệ hàng đầu Châu Á. Sau 30 năm khi Thâm Quyến được phát triển thành SEZ, ngôi làng này trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu Trung Quốc, với dân số gần 13 triệu người và GDP hàng năm lên đến gần 300 tỷ USD.

Quốc hội khóa 14 năm 2017 từng đã thảo luận Dự luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt với 104 điều khoản. Nếu được thông qua, văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc hình thành SEZ ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), và Vân Đồn (Quảng Ninh).

Chi tiết này được Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định là "Đúng" và nhấn mạnh ngay rằng "Cách đây ba bốn chục năm, việc đặc khu là việc hay".

"Thời trước những ông như Võ Văn Kiệt cũng đã nghĩ đến chuyện lập đặc khu. Ở Trung Quốc như Thâm Quyến người ta cũng lập đặc khu và đã đạt được mục đích nào đấy. Việt Nam cũng đã thử lập đặc khu đấy chứ, ví dụ như Đặc khu Bà Rịa – Vũng Tàu. Xong rồi cũng không điều khiển gì được, rồi cũng tan".

Ngay cả việc lựa chọn Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc làm đặc khu kinh tế, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng khẳng định không phải là ý kiến mới xảy ra vài tháng nay.

"Nó từ lâu rồi. Những điều thảo luận chỗ ấy là Thường vụ Quốc hội đã thảo luận từ năm 2017. Và năm 2016 người ta đã đề xuất. Như thế là người ta đã chọn 3 nơi ấy".

99 năm : Không còn mang lại lợi ích

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, nhận được sự phản đối rất lớn từ cộng đồng, đó là thời gian cho thuê đất 99 năm.

Giải thích về con số này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết nó có điểm xuất phát từ Trung Quốc cổ.

"Con số 99 năm là 1 con số có trong lịch sử, nhà Mãn Thanh cho nước Anh thuê Hồng Kong 99 năm. Và người ta cũng kiêng con số 100. Sau này có nhiều nước học theo. Đấy là chuyện xưa cách đây hàng trăm năm, lúc mà công nghệ phát triển chậm, đầu tư lao động, tài chính là chủ yếu. bây giờ với giai đoạn cách mạng 4.0 không cần phải yêu cầu có thuê đất dài như thế. Tôi cho là không cần".

Một thời gian dài 99 năm, có thể tương ứng với 3 thế hệ trong gia đình. Do đó, lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa có được trong thời gian đó là vấn đề không nhỏ. Đây là nội dung được tranh luận khá nhiều trong các phiên họp Đại biểu Quốc hội vừa qua. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tich Quốc hội nêu ý kiến : "Một câu hỏi cần được trả lời rõ là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta phải bỏ ra cái gì để thu được cái gì ?".

Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc đến những nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật Đặc khu mà ông cho là không thực tiễn và không hợp thời.

"Tôi đọc dự thảo Luật Đặc khu 85 điều, 6 Chương, viết rất nhiều những thứ vớ vẫn trong ấy, gần 3 vạn từ".

Việc lập ra 3 đặc khu này theo tôi là lợi ích, hại nhiều. Vì thứ nhất, cách lập đặc khu như luật dự thảo ấy đã cũ quá, không phù hợp nữa. Thứ hai, nó quá thiên về ý chí chủ quan của 1 số người định mang tư tưởng ấy ra áp đặt cho 1 thực tế sinh động".

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn định nghĩa Đặc khu kinh tế như những cửa ngõ để đón nhận nguồn lực từ bên ngoài, là 1 nơi để chính quyền bắt đầu hội nhập với thế giới có thể học hỏi những kinh nghiệm, và áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Do đó ông cho rằng mô hình này không còn mang lại lợi ích với Việt Nam hiện tại.

"Phải nói rằng Việt Nam trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa thì tính hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới rất cao, Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn cao hơn cả GDP. Điều đó cho thấy độ hội nhập của Việt Nam rất sâu vào kinh tế thế giới. Tôi cảm thấy những cơ chế thoáng nếu có thể áp dụng ở 1 nơi thì có thể áp dụng lại ở những nơi khác".

Vấn đề ông đặt ra là nếu Việt Nam đã chấp nhận một mô hình kinh tế mở và có một cơ chế đầu tư nước ngoài như thế thì nên áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác. Do đó, cá nhân ông cho rằng Việt Nam hiện tại không cần những mô hình đặc khu kinh tế như Quốc hội đang thảo luận.

Vì không cần nên cũng không thể mang lại lợi ích, đó cũng là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống.

"Thành ra trước đây có ý kiến cho rằng đặc khu cũng có lợi ích kinh tế nào đấy trong hoàn cảnh còn khó khăn, cần phải thu hút vốn liếng của nước ngoài. Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay, thì nhiều nhà nghiên cứu và tôi cũng tán thành rằng đặc khu không mang lại nhiều lợi ích, không quan trọng".

Ý kiến này đồng thuận với nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được Giáo sư Tương Lai trích dẫn trong bài viết của ông : "Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở… chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai 4/6/2018 lên tiếng cho hay, dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý và cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thủ tướng Phúc nhấn mạnh "Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội".

Cát Linh

Nguồn : RFA, 04/06/2018

Published in Diễn đàn

Sau khi Hội nghị trung ương 7 kết thúc, nhiều người theo dõi chính trường Việt Nam cho rằng vụ án Mobifone mua AVG sẽ là một phiên tòa nóng bỏng không khác gì phiên xử Thăng và Thanh vừa qua. Liền kế đó là vụ lật lại hồ sơ dự án Khu đô thị Thủ Thiêm với sự tham gia nhiệt tình của báo chí trong nước.

avg1

Thanh tra Chính phủ đánh giá vụ Mobifone mua AVG là vụ án kinh tế rất nghiêm trọng. Courtesy of truyenhinhavg.org

Thế nhưng, chỉ còn hơn chục ngày nữa là kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 cộng với các nội dung, diễn tiến được đưa ra trong các buổi thảo luận, dư luận trong nước đưa ra nghi vấn là phải chăng "lò của ông Trọng đang nguội dần đi" ?

AVG không ‘chìm xuồng’

Không phải chỉ xảy ra với Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 lần này, mà từ rất lâu, các nhà quan sát theo dõi chính trị Việt Nam trong nước đều có cùng nhận xét, đó là "chính trường Việt Nam rất khó đoán". Một phần, cũng vì cái gọi là "rào cản báo chí", mà các tổ chức thế giới gọi tên chung là "tự do báo chí" hay "tự do ngôn luận".

Từ thông tin, diễn biến, cho đến cả nhân sự các cấp đều là những bài toán đố có mặt xuyên suốt chính trường Việt Nam. Blogger Kami từng có nhận định trong bài viết cá nhân đăng trên trang RFA cho rằng :

"Việc mọi ý chí của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những dự đoán của các nhà phân tích chính trị trong và ngoài nước đã hoàn toàn đảo lộn, là một bất ngờ lớn trước ngày khai mạc Hội nghị trung ương 7".

Không phải chỉ riêng Blogger Kami, mà phía dư luận theo dõi diễn biến những sự việc lớn xảy ra gần đây cũng phải đặt câu hỏi.

Trước tiên là vụ Mobifone mua AVG. Việc này từng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng sau khi có kết quả của Thanh tra Chính phủ, vụ án rơi vào im lặng như đã từng thế ba năm trước.

Rồi cho đến vụ khơi lại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm trong vòng 1 tuần lễ và ngưng bặt ngay sau đó. Thêm 1 lần nữa, dư luận có cơ sở để hỏi nhau rằng "cái lò của ông Trọng đã nguội rồi chăng ?"

Câu trả lời của blogger, nhà báo Trương Duy Nhất, người theo dõi rất sát sao những chuyển biến chính trị ở Việt Nam khẳng định là : Không.

Trước tiên, đối với vụ án AVG, blogger Trương Duy Nhất nhấn mạnh, những vụ án như thế kéo rất dài. Ông tiết lộ thêm chi tiết để ông tin rằng vụ án không bị "chìm xuồng" như dư luận đang nhận định.

"Tôi cho là vụ AVG không thể chìm xuồng được. Theo tôi biết, đó là 1 trong những vụ án được đưa vào diện quan sát đặc biệt, tức là những vụ án do Ban Bí thư chỉ đạo. Tiến trình điều tra thế nào, xử lý thế nào thì phải có ý kiến của Ban bí thư.

Vụ đó xử đến ai, mức độ nào chứ tôi cho rằng bên phía Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chuyển qua công an khởi tố, mà khi Thanh tra chính phủ đưa qua thì chắc chắn có chỉ đạo của Ban bí thư rồi thì khởi tố AVG không thể khác được, chỉ là dính đến nhân vật nào thôi".

Dư luận từng nhiều lần nhắc đến các "nhân vật" liên đới trong vụ AVG. Một trong những cái tên được cho là khá "nhạy cảm" là bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Câu hỏi của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng về vấn đề này có thể xem là câu trả lời tiếp nối cho ý kiến của blogger Trương Duy Nhất :

"Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào ? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không ?".

Nói tiếp về nhận định của mình, blogger Trương Duy Nhất đưa ra thêm các phân tích ông cho là vụ AVG là 1 vụ án liên quan rất nhiều nhân vật cấp cao.

"Thứ 1 là dính đến quan chức cấp cao, có thể là hàm Trung ương, Uỷ viên, Bộ trưởng. Yếu tố thứ 2, tôi nghĩ vì nó dính đến các nhân vật mà tôi cho là số 1 Việt Nam bây giờ đó là nhóm Phạm Nhật Vượng và Phạm Nhật Vũ. Theo tôi khả năng khởi tố Phạm Nhật Vũ rất cao. Cho nên mặc dù phía ông Vũ và AVG đã trả lại số tiền đó, thì nếu, tôi chỉ cho là nếu, nếu gọi đó là hành vi phạm tội thì coi như hành vi phạm tội đã hoàn thành, thì việc anh trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ thôi".

Kết luận do blogger Trương Duy Nhất đưa ra để khẳng định AVG không thể "chìm xuồng" và phải cần 1 thời gian dài để xử lý là do vụ án này dính đến hai đối tượng, thứ nhất là các quan chức cấp cao và thứ hai là 1 nhóm quyền lực kinh tế ở Việt Nam : Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Thêm một chi tiết đáng chú ý được nêu ra từ những nhà quan sát, đó là năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.

Thủ Thiêm, cần thận trọng

Tương tự, vụ dự án Khu đô thị Thủ Thiêm từng được dự đoán là hướng cháy mới của ngọn lửa đốt lò của ông Tổng Bí thư. Thế nhưng, sau 1 tuần ồn ào hầu như không có giới hạn báo chí, thì lại hoàn toàn rơi vào im lặng.

Với quan sát của blogger Trương Duy Nhất, ông cho rằng nếu xem Thủ Thiêm là "một nhánh củi lửa của ông Trọng thì nhánh củi lửa đó nhằm hướng đến những nhân vật phía Nam, mà như thế thì phải thận trọng chứ không thể bùng lên mà có thể xử được".

Một cách phân tích khác từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng vụ Thủ Thiêm là một vụ án lớn liên quan nhiều tổ chức, phải có 1 cách nào đó để người ngoài và người trong cuộc nhìn vào để thấy rằng đây là 1 câu chuyện chống tham nhũng thật sự. Và như thế, thời gian là yếu tố bắt buộc.

"Ví dụ một cá nhân nào đi ông Thăng, ông Thanh thì nó chỉ là chuyện cá nhân liên quan những cá nhân khác trong 1 công ty. Chuyện Thủ Thiêm lớn hơn nhiều ở chỗ nó liên quan nhiều tổ chức khác nhau : Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dân ở đấy, doanh nghiệp…Nó lớn hơn chuyện dầu khí rất nhiều và độ phức tạp rất nhiều.

Không thể nói là người ta sẽ làm nhanh như những vụ trước đây được".

Một hướng suy luận thứ hai được blogger Trương Duy Nhất đặt ra để giải thích cho diễn tiến "Thủ Thiêm rơi vào im lặng", đó là có thể Thủ Thiêm không phải là nhánh củi lửa của Tổng bí thư, mà chỉ là cuộc đánh đấm trong nội bộ của Thành phố Hồ Chí Minh.

"Cho nên nó bùng lên thì các tập đoàn đã nuốt Thủ Thiêm thì tôi nghĩ họ bịt miệng báo chí, bịt miệng dư luận thì cũng không khó lắm, một khi nó chỉ là cuộc chiến của các nhân vật trong Thành phố Hồ Chí Minh. Còn nếu nó là nhánh củi lửa của ông Trọng thì có nguôi 1 thời gian rồi nó lại bùng lên thôi".

Nhìn lại con đường chính trị và những quyết định khi đương vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Hội nghị Trung ương 6 của khóa trước, blogger Trương Duy Nhất cho rằng không nên chủ quan với suy nghĩ "lò của ông Trọng bắt đầu nguội lạnh". Theo ông, sự tạm thời im lặng vời AVG, Thủ Thiêm có nhiều khả năng sẽ là chiến thuật trước một cơn bão lớn.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 01/06/2018

Published in Diễn đàn

Ý thức hệ và tư hữu đất đai

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Đúng như lời Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương có nhắc đến, sau 3 năm thực thi, tháng 12/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung với lý do việc triển khai thi hành luật vẫn còn những tồn tại, bất cập.

lapphap1

Quốc hội Việt Nam Khóa 14 tại kỳ họp thứ 5, Hà Nội 21/5/2018. AFP

Từ thời điểm đó đến nay, theo lời Luật sư Đặng Đình Mạnh trả lời chúng tôi từ Vinh, thực chất đã có rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh đề nghị sửa đổi Luật đất đai. Tuy nhiên, nội dung chính luôn bị đặt sang bên lề sau những cuộc tranh luận.

"Hầu như những ý kiến nên công nhận quyền tư hữu của đất đai đều bị bỏ qua. Bị bỏ qua do nó bị cản trở bởi ý thức hệ. Vì vậy rất tiếc là những lần có ý kiến sửa đổi theo hướng tiệm cận hơn với luật pháp của các quốc gia khác thì mình đều bị bỏ lỡ".

Việt Nam ra luật đất đai lần đầu tiên vào năm 1985, khẳng định rằng "đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý". Một nguyên tắc của luật là "tôn trọng quyền sử dụng hiện tại của các cá nhân và của các tổ chức". Do đó, theo ý kiến của Luật sư Bùi Quang Nghiêm từng nhận định rằng, quyền sở hữu đất đai của người Việt Nam theo luật Việt Nam gây rất nhiều hệ luỵ.

Chính những hệ luỵ đó đã dẫn đến những cuộc biểu tình, khởi kiện kéo dài chục năm, những con người trong phút chốc phải đổi cả sinh mạng để quyết giữ lấy mảnh đất hay thửa ruộng.

Đồng Tâm, Văn Giang, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, cộng với những cái tên khuấy động tòa án dư luận như Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu, Lê Đình Kình, Đặng Văn Hiến…có lẽ là những chương điển hình trong lịch sử Luật đất đai của Việt Nam.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng là phải thay đổi luật đất đai và công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất không những của nông dân mà còn của giới doanh nhân nữa".

Với Luật sư Đặng Đình Mạnh, ông cho rằng mục đích cuối cùng và cần phải hướng tới của việc sửa đổi Luật đất đai, đó là : "Công nhận quyền tư hữu của đất đai".

"Việc công nhận quyền tư hữu của đất đai không làm yếu đi quyền lực của nhà nước, chính quyền. Lúc nào cũng vậy, quyền tư hữu không chỉ đất đai mà tất cả các tài sản khác luôn luôn có giới hạn, giới hạn đó do luật pháp quy định chứ không phải tư hữu là cho người ta cái quyền vô hạn không đụng đến được".

Theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm, ông đồng ý phải sửa đổi Luât đất đai để đảm bảo cho người đang sử dụng đất là đang sử dụng chính đất của họ.

"Khi nhà nước muốn lấy lại làm những công trình công ích thì phải có chính sách hay luật phải quy định một cách rõ ràng hơn để bớt đi thiệt hại của những người mà người ta đã sống gắn bó với đất đai vốn là tài sản của người ta đã có trên đất đó".

Bóng ma quá khứ ?

Những cuộc khởi kiện kéo dài dẫn đến những bất an trong đời sống xã hội chính là hệt quả của kẻ hở còn tồn đọng trong Luật đất đai hiện hành. Trong 5 vấn đề chính của Luật Đất đai 2013 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung đều liên quan đến quản lý, sử dụng và chuyển dịch đất.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những "ngọn lử bùng lên từ đất" theo cách nói của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương. Theo phân tích của Luật sư Mạnh, chủ trương "đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý" là một sợi dây nối vô hình của sự chuyển đổi từ chế độ phong kiến lên xã hội chủ nghĩa.

"Nhà nước lại đứng ra thay mặt để đền bù, mà thực tế đền bù với giá rẻ mạt. Thậm chí lại cưỡng chế để giao đất cho những đơn vị làm kinh tế. Điều đó không nên. Những cơ sở muốn sở hữu đất đai của người dân thì cứ để 2 bên thương lượng với nhau trên cơ sở giá thị trường, không nên can thiệp quá sâu, chỉ hỗ trợ về thủ tục".

Theo ông, cái bóng ma ý thức hệ từ quá khứ là nguyên nhân gây ra sự bế tắc trong con đường thay đổi một chuyên chế, trong đó có Luật về đất đai. Trên thực tế, mọi vấn đề về tài sản, sở hữu tài sản hay nền kinh tế gì đi nữa thì nó chỉ có 1 nền kinh tế là nền kinh tế thị trường. Nhưng chính quyền hiện tại lại xây dựng 1 cái khác với thế giới đó là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

"Chính cái chỗ là các triết lý gia của chính quyền Cộng sản họ bày ra những từ ngữ, thành ra họ vướng vào đó và không giải quyết được vấn đề.

Cốt lõi thuộc về ý thức hệ. Mà phàm thì cứ xã hội chủ nghĩa thì không thể chấp nhận được sở hữu tư nhân về đất đai".

Khái niệm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đưa ra lần đầu tiên từ thập niên 1990. Theo nhận định của Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long, vấn đề là Hiến pháp Việt Nam có qui định nền kinh tế nhà nước ở vai trò nòng cốt, chủ đạo hay không ?

"Trên thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng tụt hậu ngày càng rõ".

Khôi hài

Và cũng liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bình Định có đề nghị cần có Luật phòng, chống phản bội Tổ quốc.

Không thể có ý kiến nhiều đề xuất này, vì theo luật sư Mạnh, khi đề nghị này được công bố rộng rãi trên truyền thông thì nó trở thành một câu chuyện khôi hài. Vì không chỉ riêng Việt Nam, mà luật pháp của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có chế tài rất rõ ràng với đối tượng phạm tội phản bội Tổ quốc.

Một nhận định của Luật sư Lê Luân nói rằng :

"Có lẽ đây là giai đoạn người dân bội thực về các loại quy trình và các loại phát ngôn, đề xuất của những người ở vị trí lãnh đạo, của cán bộ, công chức vì sự rất thiếu hiểu biết (trí tuệ) và nó cũng không có giá trị hữu ích hay thực tế nào mà vẫn được thốt ra rất thản nhiên và mạnh bạo. Thế rồi họ lại nháo nhào đi cải sửa, thay thế và mọi thứ lại trở về như lúc trước khi nó biến dạng".

Đánh giá sự việc này ở mặt bằng dân trí chung, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng những vị đại biểu ấy được giao cho chiếc ghế ngồi cao quá cao so với sự hiểu biết của họ. Do đó, theo ông, sửa luật, hay thêm luật thời điểm này không phải là điều cần thiết nhất, mà là sự thay đổi con người và tư duy.

"Thay đổi luật là cần thiết, nhưng thay đổi thôi thì không đủ. Vì những con người mang tư duy cũ mà họ không thích nghi được với những quy định tiến bộ thì họ đang làm biến tướng những quy định của luật pháp".

Thay đổi luật là cần phải thay đổi cả con người. Người nào thay đổi được tư duy, điều đó tốt cho đất nước, nhưng xơ cứng quá thì chính ra họ đang làm biến dạng những quy định tiến bộ tiệm cận với thế giới.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 30/05/2018

Published in Diễn đàn

Hy vọng và nghi ngờ

Cuộc hòa giải liên Triều lịch sử đã diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào những ngày cuối cùng của tháng 4/2018. Thông điệp hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài suốt 65 năm được thể hiện qua những bước chân song hành của hai vị lãnh đạo của Nam và Bắc Hàn làm nức lòng truyền thông thế giới.

cau1

Chiếc cầu gãy ở Huế, trận Mậu Thân 16/4/1968 - AP

Và rất vô tình, sự kiện này diễn ra gần kề với ngày tưởng tiệm 30/4/1975, tức 43 năm Việt Nam thống nhất 2 miền Nam Bắc. Nụ cười rạng rỡ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vô hình trung làm chạnh lòng những người Việt Nam trong và ngoài nước. Rất nhiều cảm xúc khác nhau được bày tỏ. Họ chúc mừng người dân Triều Tiên. Họ ca ngợi nỗ lực của hai "chế độ". Họ đặt niềm tin vào cuộc sống hòa bình của người dân Triều Tiên bắt đầu từ đây. Họ đặt câu hỏi về tương lai của những bước chân bước qua lằn ranh biên giới hai miền đất. Dòng nước được hai vị lãnh đạo tưới lên cây cổ thụ có từ năm 1953 không thể làm cho họ tin vào luồng không khí trong lành sẽ đến với người dân Nam Hàn. Họ thẳng thừng buông câu "không tin vào cộng sản".

Một trong rất nhiều những người có suy nghĩ ấy là nhạc sĩ, người lính không quân Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) ngày trước, Trần Duy Đức. Sau 43 năm, sau thời gian bị giam giữ gọi là ‘tù cải tạo" theo cách gọi của chế độ mới lúc đó, thì niềm tin của ông vào hai từ "cộng sản" hoàn toàn sụp đổ.

"Tôi nghĩ đến thân phận đất nước mình ngày xưa bị mắc lừa cộng sản rồi. Tôi nghĩ thế nên tôi ái ngại cho đất nước Đại Hàn khi người cộng sản Bắc Hàn có mưu kế chuyện đó. Họ đều có ý định hết. Những ý định đen tối. Người cộng sản xưa nay là như thế, mình không ngạc nhiên đâu".

Tương đồng với ý kiến này, là lời khẳng định của 1 vị bác sĩ (ẩn danh) trải qua vỏn vẹn 12 năm học dưới môi trường giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa :

"Đừng đánh tráo khái niệm ngày 30/4 với hòa giải liên Triều. Quá sớm để lạc quan. Và quá ngây thơ để tin vào sự ngay thật của tà quyền. Cứ nhìn lại hiệp định ngừng bắn năm Mậu Thân thì rõ. Cứ nhớ lời cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Boris Yeltsin thì biết cần phải làm gì".

Ngày 19/10/1967, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố miền Bắc Việt Nam ngưng bắn từ 27/01 đến 03/2/1968. Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30/1/1968, đúng thời điểm Giao thừa âm lịch, nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc "Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968", ghi vào lịch sử Cuộc thảm sát Mậu Thân 1968 và "Dải khăn sô cho Huế".

Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nổi tiếng với câu nói đi vào lịch sử : "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm".

Ở một nơi rất xa, cách nửa vòng trái đất, có một nhận định khác, mang tính lạc quan và hàm chứa thiên hướng tự do được nhà thơ nổi tiếng Du Tử Lê bày tỏ :

"Tôi nghiêng về phía nó hơi lạc quan 1 tí. Căn cứ vào những dữ kiện 2 bên đạt được, tôi nghĩ nhiều phần nó sẽ đi đến kết quả cụ thể.

Ngay cả khi nếu nó không đi đến kết quả cụ thể tôi cũng muốn nói rằng nhân loại mà còn tồn tại đến ngày hôm nay là người ta sống bằng hy vọng. Con người ngoài nhu cầu vật chất, tức bản năng sinh tồn thì người ta còn có nhu cầu tinh thần. Và nếu người ta không có tinh thần lạc quan 1 chút, hay là hy vọng 1 chút thì nhân loại không còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Cảm nhận của tôi có thể sai, nhưng nó là 1 thứ bản năng về tinh thần".

Nói theo một cách khác, "hãy hy vọng", đó là bộc bạch của kỹ sư Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh, người di tản vào miền Nam từ năm 1954. Đối với ông, cần có 1 quyết tâm rất cao về vấn đề nhìn thẳng vào sự thật, và nhìn thấy gương của tất cả các nước, ở Đức và bây giờ là Triều Tiên.

"Nhìn quá khứ để dự kiến được tương lai thì tôi cho rằng cũng 1 phương pháp đúng nhưng chúng ta cũng phải hy vọng là thế giới biến chuyển rất nhiều, và cuộc cách mạng công nghệ, dân chủ hóa qua Facebook thì chúng ta có quyền hy vọng".

Hòa hợp hòa giải

Tại Bàn Môn Điếm, Nam và Bắc Hàn thoả thuận theo đuổi một hòa bình vĩnh viễn và tiến tới phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên, như thế phải chăng người dân Triều Tiên từ nay có quyền hy vọng về sự hòa hợp về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tất cả những gì hình thành nên đất nước và dân tộc hay không ?

Nhìn lại Việt Nam, đây cũng chính là điều làm cho rất nhiều người Việt Nam trăn trở trong mấy mươi năm qua., về bốn chữ "Hòa hợp hòa giải".

Nhạc sĩ Trần Duy Đức, dù yêu quê hương, yêu con người Việt Nam, yêu những đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm xuống đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể hy vọng vào 1 ngày hòa hợp.

"Tôi khó hy vọng được chuyện đó. Đối với Cộng sản thì không thể hòa giải được với họ. Đừng trông mong. Theo tôi nghĩ thì đó là 1 điều hoang tưởng. Đừng bao giờ nghĩ mình hòa hợp hòa giải được với người Cộng sản. Kinh nghiệm tôi từng tù tội với Cộng sản. Tôi từng sống lại đó 4 năm sau ngày mình mất nước. Ít nhiều tôi hiểu người Cộng sản thế nào".

Theo số liệu thống kê của Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, từ sau ngày 30/4/1975 cho đến cuối năm 1995, gần 1 triệu người Việt bỏ nước ra đi. Khoảng nửa số ấy đã thiệt mạng trên đường ra đi.

Quan điểm của kỹ sư Đỗ Thái Bình là "không thể sửa lại được quá khứ, vấn đề là nhìn về tương lai". Và ông khẳng định : "Hiện nay chưa có hòa hợp dân tộc".

Tuy, ông khách quan nhìn nhận rằng "lỗi là do cả hai bên", nhưng nếu để nói có một bên cần phải tích cực hơn, thì ông gọi đó là bên "thắng cuộc".

"Theo tôi bên thắng cuộc cần phải có cái nhìn sâu sắc, ít ra cũng phải làm được như Võ Văn Kiệt. Tức là phải tiếp tục có suy nghĩ như Võ Văn Kiệt. Tôi cho rằng những người cầm quyền phải nhìn thẳng vào sự thật để quyết tâm chứ không phải chỉ có vài nghị quyết, hình thức thì vẫn chưa thấy thực tâm".

Nhìn nhận về vấn đề này, riêng đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhà thơ Du Tử Lê cho rằng Việt Nam hiện nay bắt đầu có những cái đổi mới đáng kể. Đó là có 1 số tác phẩm hải ngoại, thuộc về miền Nam đã được in lại.

"Chẳng hạn như trước đây họ lên án cuốn Tự lực văn đoàn nhưng cách đây nhiều năm họ in lại 1 cách trân trọng. Trong cái nhìn của tôi, đời sống, dù là gì đi nữa, chính trị, văn học hay cá nhân thì nó như 1 dòng nước chảy tới, không thể đứng lại hoài".

Ngoài tác phẩm Tự lực văn đoàn, nhà thơ Du Tử Lê còn nhắc đến những tác phẩm của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và dòng nhạc bolero vốn có nguồn gốc từ Sài Gòn, trước 1975.

Nhà thơ Du Tử Lê đặt hai chữ "định mệnh" của đất nước Việt Nam vào câu trả lời cho sự hòa hợp hòa giải. Trong cái định mệnh đó, có cuộc chiến 43 năm trước :

"Mỗi một đất nước như 1 con người, có định mệnh riêng của nó. Tác phẩm, cuốn sách, bản nhạc còn có định mệnh huống chi là đất nước. Đất nước Việt Nam của mình nó nhiều bi kịch quá".

Để từ đó, ông nói rằng có thể thế hệ của những người như ông sẽ không được nhìn thấy những đổi mới cụ thể ở Việt Nam

"Có thể nó chỉ xảy ra khi tôi đã mất rồi. Nhưng tôi vẫn lạc quan, cho dù sự lạc quan ấy rất dè dặt".

Những ngày cuối tháng 4/2018, khi người dân Nam Bắc Hàn vui mừng với cái bắt tay thoả thuận cùng hướng đến một hòa bình vĩnh viễn, thì với người Việt Nam, 43 năm qua, vẫn còn đâu đó "triệu người vui triệu người buồn" như câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm nào. Nhạc sĩ Lê Minh Bằng đã từng ao ước "Tôi có thân nhân ở bên đầy. Tôi có anh em ở bên kia. Dù Nam Bắc, tôi vẫn mong nước Việt thanh bình", thì "Chuyện 1 chiếc cầu đã gãy" 43 năm qua của người dân Việt Nam liệu có được nối lại như chiếc cầu màu xanh nối liền Nam Bắc Hàn ngày nay hay không ? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 30/04/2018

Published in Diễn đàn

Hàng loạt những sự kiện mang hình ảnh không tốt đẹp về môi trường giáo dục ở Việt Nam liên tiếp xảy ra gần đây. Phản ứng chung của dư luận xã hội đối với các sự việc đó là lời kêu gọi trách nhiệm từ người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

giaoduc1

Giờ dạy mẫu tại trường Quốc học Huế, thế kỷ XX - Courtesy of internet

Liệu cá nhân ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cho tất cả những vấn đề đang được xã hội cho là "suy thoái" và đáng lo ngại về giáo dục hay không ?

Cần nhưng chưa đủ

Câu nói mà nhiều người Việt từ bao đời nay khi đề cập đến người dạy học là "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy" ; hay "tôn sư trọng đạo" là bốn chữ được người học trò ghi nhớ từ ngày đầu tiên đến trường.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội hôm nay luôn trong tâm thế "nóng" lên mỗi khi có một sự việc tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Người Việt Nam chưa hết bàng hoàng với hình ảnh một cô giáo quỳ chịu tội ngay trong ngôi trường giảng dạy thì phải "bật ngửa" với câu chuyện một học sinh tiểu học bị cô giáo phạt hình phạt uống nước giẻ lau bảng. Rồi như chiếc xe không phanh lao xuống dốc, người dân Việt Nam tiếp nhận câu chuyện nữ sinh Phạm Song Toàn, phải xin chuyển trường vì áp lực sau khi lên tiếng công khai câu chuyện giáo viên dạy toán im lặng trên bục giảng suốt 3 tháng.

Trước hàng loạt những bức tranh u ám như thế, dư luận đa phần phản ứng bằng sự bất bình trên mạng xã hội, thể hiện qua những câu như "Bộ trưởng Giáo dục đâu, hãy xem này ?", hay gọi thẳng đích danh vị đứng đầu ngành : "Ông Phùng Xuân Nhạ từ chức đi"…

Đề cập đến trách nhiệm trước những vụ việc mang tính chất băng hoại nhà trường và xã hội, giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây dựng thủy lợi thủy điện, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, cho biết không thể đổ hết trách nhiệm cho ông Phùng Xuân Nhạ.

"Có những vấn đề không phải ông Phùng Xuân Nhạ quyết định hết. Mà một khi Bộ trưởng không quyết định hết thì làm sao ổng chịu trách nhiệm hết ? Bởi vì những vấn đề lớn không phải là ông Nhạ quyết định. Tôi biết như thế. Nó do cơ chế quái đản này tạo ra như thế".

Cơ chế, một danh từ rất thường nghe và thấy trong xã hội hiện tại mỗi khi người dân hay cả báo chí đề cập đến mặt tốt hay xấu của một lĩnh vực nào đó. Trong trường hợp này, cơ chế cũng được giáo sư Nguyễn Thế Hùng nhắc đến như một nguyên nhân và hệ quả.

"Ngành giáo dục Việt Nam không những phụ thuộc vào tác động dọc mà còn ngang nữa như Tiểu học bị ảnh hưởng của xã, huyện, Đại học chịu ảnh hưởng của thành phố, tỉnh.

Chính quyền dọc, ngang không hiểu gì về giáo dục. Họ có những vấn đề lấn áp tức là dùng quyền hành, kèm theo nữa là bản thân người giáo viên không được thụ hưởng ngành giáo dục lành mạnh. Cộng thêm những vấn đề tiêu cực khác.

Nói tóm lại nền giáo dục Việt Nam suy đồi theo bối cảnh của xã hội nhiều tác động theo nhiều phía".

Cũng chính từ chính quyền dọc, ngang mà giáo sư Nguyễn Thế Hùng đề cập đã khiến cho cô Nguyễn Bạch Tư (tên đã được thay đổi theo yêu cầu), một nữ giáo viên ở Nha Trang, sau nhiều năm giảng dạy hợp đồng nhưng không thể vào biên chế nhà nước do không chấp nhận chuyện phải chi tiền để có chỗ dạy. Với tình trạng giáo dục hiện nay, theo cô Bạch Tư, dù trực tiếp hay không trực tiếp, ông Phùng Xuân Nhạ cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất, vì ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

"Đương nhiên một người thì sẽ không gánh được, nhưng người đó là người đứng đầu thì người ta phải chịu trách nhiệm về việc hướng giáo dục Việt Nam phải phát triển như thế nào. Người ta hay nói một câu ‘con hư thì tại mẹ. Một đứa trẻ sinh ra, phát triển như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh sống, môi trường gia đình".

Cô giáo Bạch Tư đồng ý với ý kiến của giáo sư Nguyễn Thế Hùng khi cho rằng ông Phùng Xuân Nhạ không phải người trực tiếp gây ra những vấn nạn suy thoái ấy.

"Bộ máy giáo dục có thể xảy ra những vấn đề đó là do những chính sách quản lý không đúng hướng. Nó ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam. Đương nhiên ổng phải có một phần trách nhiệm nhưng không phải ổng là người trực tiếp gây ra. Ổng phải nhìn vào những sự việc đó để thay đổi hoặc phát triển, định hướng nền giáo dục theo hướng khác".

Triết lý giáo dục

Giáo sư Nguyễn Thế Hùng đưa đạo đức xã hội lên hàng đầu khi trả lời cho câu hỏi "những vấn nạn giáo dục ấy bắt nguồn từ đâu ?".

Và cụ thể hơn, giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói rằng chính cái triết lý giáo dục đã khai tử tinh thần tôn sự trọng đạo. Theo ông cần phải có những triết lý giáo dục tôn trọng quyền của người thầy.

"Tôi là người đã thụ hưởng hai nền giáo dục : một của Việt Nam Cộng Hòa và một nền giáo dục của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên tôi có cái để so sánh. Bây giờ vì sao tình nghĩa thầy trò nó rất là lạc lẽo ?

Tôi thấy nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước kia rõ ràng là tôn sư trọng đạo thật sự cả về tinh thần và vật chất. Con người có hai yếu tố tinh thần và vật chất, nếu thiếu một cái thì chưa hoàn chỉnh".

Từ khi chưa có cụm từ "triết lý giáo dục", các tiền nhân xưa đã đặt nền móng vững chắc cho giáo dục qua Ngũ thường : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trước năm 1975, Bộ giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa tập trung vào triết lý : Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.

Ngày nay, khi mà khoa học giáo dục con người vẫn luôn luôn là một ngành được đặc biệt đề cao, tôn trọng ở các quốc gia phát triển, thì ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng phải ngậm ngùi thốt lên :

"Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do".

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Giám đốc thư viện Đại học Khoa học tự nhiên, thuộc Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ với chúng tôi. Ông nói rằng mặc dù trong nghề giáo nhưng ông không hài lòng với giáo dục Việt Nam, vì không có tiêu chí để đào tạo rõ ràng. Điều mà theo ông, quan trọng hơn cả là đạo đức của con người.

"Khi dạy dỗ, từ chương trình tiểu học cho đến khi lớn hơn, không chú trọng đến vấn đề gọi là nhân văn, mà đào tạo thực dụng. Cho nên khi con người được đào tạo lên rồi thì chỉ có khuynh hướng thực dụng, còn vấn đề đạo đức rất thấp".

Yếu tố Phùng Xuân Nhạ, cuối cùng qua những nhận định của người có tâm thế với giáo dục chỉ là một yếu tố "cần nhưng chưa đủ". Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở Sài Gòn từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng :

"Ai cũng sai, nhưng tôi không muốn tin cô giáo phải quỳ. Chúng ta có đau không khi con em ta bị đánh hay quỳ ? Chúng ta đau lâu rồi. Nhưng buồn đau hơn khi cô giáo quỳ. Một cái tát, sự sỉ nhục đối với nghề giáo, nền giáo dục. Nó cho thấy một sự suy đồi".

Cát Linh

Nguồn : RFA, 12/04/2018

Published in Diễn đàn

Đề xuất bỏ Chí Phèo khỏi sách giáo khoa : ‘Đừng hiểu văn học theo tư duy của Xã hội học’

sgk1

Nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", phóng tác từ truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao - Screenshot photo

Một tác phẩm nghệ thuật

Chí Phèo là tên của nhân vật chính trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, được ông sáng tác vào tháng 2 năm 1941. Là một đứa trẻ mồ côi, Chí Phèo được người làng Vũ Đại thay phiên nhau nuôi lớn. Ở đợ là nghề của hắn. Thêm cái nghề canh điền cho Bá Kiến. Bị Bá Kiến hãm hại dẫn đến 7 năm tù, sau đó Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại chuyên vạch mặt ăn vạ.

Từ bát cháo hành nóng hổi của Thị Nở, Chí Phèo ‘hồi sinh’ với mối tình đầy bản năng của con người và nỗi khao khát làm người lương thiện. Thế nhưng, bà cô của Thị Nở đã ngăn cản, hay nói cách khác, chính xã hội từ chối con đường trở về của Chí Phèo. Tuyệt vọng, Chí Phèo tìm đến Bá Kiến, người đã đưa hắn từ 1 người nông dân bình thường trở thành tên tù tội, thành nỗi sợ hãi của làng Vũ Đại. Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát.

Chí Phèo của Nam Cao được cho là một kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại, có giá trị hiện thực, khắc họa rõ nét từng vết nứt bi kịch của một xã hội phong kiến thời phân chia giai cấp.

Hơn 70 năm sau, bình luận về Chí Phèo, vị nghiên cứu sinh ngành giáo dục ở Đại học Newcastle, Australia, ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nhân vật này "chẳng đại diện cho ai cả. Anh ta chỉ đơn giản là một đứa trẻ không được giáo dục, bị lưu manh hóa. Nếu nói rằng Chí đại diện cho tầng lớp nông dân bị áp bức thì thật là "tội nghiệp" cho nông dân mình quá".

Còn đối với nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của Mối Chúa, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được săn lùng ráo riết do bị cấm xuất bản, nhìn về nhân vật Chí Phèo là một số phận, số phận của xã hội, số phận của một con người "nhân chi sơ, tính bổn thiện", số phận của một con người có cái bản ngã của con người. Ông nói.

"Đấy là một số phận. Số phận ấy có thể đại diện cho nông dân nhưng trước hết, nó là một thế giới, 1 ngã thể. Những khao khát của ông ấy, những bi kịch của ông ấy, những xấu xa trong tâm hồn ông ấy, tại sao không nghĩ là nó cũng có trong tâm hồn người khác ?

Nó là 1 phản chiếu, một ẩn ngữ của nhà văn để nói lên 1 điều gì đó về mặt nhân cách, tự do, về nhu cầu của con người trước cái đẹp, trước tình yêu".

Theo cách nhận xét và lập luận của nhà nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền, ông viết rằng :

"Chí Phèo phải bị phê phán vì hành vi cưỡng bức Thị Nở. Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội ? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu".

Lời kết tội của ông Nguyễn Sóng Hiền dành cho Chí Phèo khá hợp lý, phù hợp với tư duy của một người đánh giá vấn đề mang cơ sở lý tính.

Và nếu xét ở xã hội hiện tại với luật pháp của một phiên toà xét xử thì cũng hoàn toàn hợp lý.

Nhưng đối với nhà văn Tạ Duy Anh, ông nhìn Chí Phèo, và cả Thị Nở không giản đơn như thế. Ông đặt nhân vật của Nam Cao ở cương vị là những nhân tố hư cấu của tác phẩm nghệ thuật. Mà nếu đã như thế thì theo ông :

"Nghệ thuật cao xa hơn tất cả những thứ qui chụp về mặt xã hội học".

Hơn thế nữa, nhà triết học, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, từ Hà Nội nói với chúng tôi nhận xét của ông về Chí Phèo của Nam Cao là một tác phẩm của lịch sử.

"Nó đầy tri thức, nhân văn, là một giai đoạn lịch sử, tôi tạm gọi nó được kết cấu từ những dư vị của thời gian đấy, quá khứ đấy. Văn học là tâm cảm của thời đại. Mà nếu bỏ tâm cảm của thời đại ấy đi thì mình không có gì cả".

Với góc nhìn của nhà văn Tạ Duy Anh, ông cho rằng "Ở Việt Nam hiện nay, cho đến thời điểm này, chưa có 1 tác phẩm văn học nào có thể thay thế được tác phẩm Chí Phèo về mọi mặt". Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức thì ông khẳng định "Chí Phèo của Nam Cao là tác phẩm truyện ngắn thành công nhất Việt Nam".

Ông Nguyễn Hoàng Đức không ngần ngại nói rằng "rất ngu xuẩn khi đề nghị loại bỏ tác phẩm này khỏi chương trình sách giáo khoa văn học".

Đừng hiểu văn học như đạo đức học

Chí Phèo đã "sống" qua nhiều thập kỷ, đi vào chương trình sách giáo khoa văn học của thời nay để trở thành hình tượng tiêu biểu của một nghệ thuật văn học hiện thực và sâu xa hơn nữa, biểu tượng của một thời kỳ lịch sử…

Cho đến khi vị nghiên cứu sinh ngành giáo dục, ông Nguyễn Sóng Hiền đưa ra đề xuất việc bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa ngữ văn lớp 11.

Lý do ông nêu ra là "Một nhân vật khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát. Với hình tượng như thế thì trẻ sẽ học được gì ? Ở lớp 11, tôi không tin là học trò đủ nhận thức để nhìn thấy được tính nhân văn và sự tốt đẹp của Chí Phèo".

Không ít người đã bày tỏ ủng hộ với đề xuất này. Cô Trang Nhung, một nhà hoạt động nhân quyền khá nổi tiếng ở Việt Nam viết trên trang cá nhân quan điểm của cô là : 

"Giả sử tại một trường Trung học phổ thông tư thục do tôi lập ra trong tương lai, tác phẩm này không có cửa trong chương trình giáo dục của tôi. Giáo dục con người trở nên CON NGƯỜI đích thực thì thiếu gì hình tượng mà cứ Chí với chả Phèo".

Đưa ra ý kiến về điều này, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng "đối với văn học, thì mỗi người có 1 cách hiểu khác nhau trong tâm thế của họ. Do đó, ông tôn trọng đề xuất cá nhân của ông Nguyễn Sóng Hiền.

"Họ hiểu tác phẩm văn học theo cách như thế. Đúng hay sai thì mình chưa biết nhưng ít nhất cậu ấy cũng dám bộc lộ suy nghĩ trong đầu cậu ấy".

Nếu vị nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Nguyễn Sóng Hiền đề nghị lấy Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa vì lo lắng là học sinh sẽ học được những gì từ nhân vật ấy - một nhân vật "vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu là hắn chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao : đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chủi ngay tất cả làng Vũ Đại" ?

Thì câu trả lời của nhà văn Tạ Duy Anh là "phải dạy và dạy kỹ hơn nữa". Ông nói :

"Không những nên dạy mà phải dạy 1 cách đầy đủ, 1 cách nghiêm túc ở chỗ cho học sinh được nói lên những suy nghĩ của nó, được hiểu theo cách của nó, được quyền cảm nhận về mặt thẩm mỹ và đạo đức của học sinh".

Có một cách phân tích khác từ nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức. Ông đặt ra câu hỏi "Tại sao Chí Phèo chửi đổng ?" Câu trả lời được ông đưa ra cũng chính là cách ông định nghĩa về văn học, đó là "Văn học là phải bất mãn với thời cuộc".

"Tại sao lại có nhân vật Chí Phèo ? Nó chửi đổng là sự bất mãn của nhà văn. Nó chửi đổng vì nó không thể làm gì khác hơn là chửi đổng. Chí Phèo buộc phải rạch mặt và chửi đổng, thì phải hiểu rằng đó là tính biểu tượng của văn học và chỉ văn học mới làm được điều ấy".

Khi bàn về vấn đề này với báo giới trong nước, Nữ Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết nói rằng "Cần trân trọng những giá trị văn hóa đích thực. Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương". Bà nhấn mạnh bà không đồng tình với đề xuất loại bỏ Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa văn học.

Tuy chưa có người cầm bút nào đưa ra phản biện về câu nói "văn là người", nhưng theo nhà văn Tạ Duy Anh, đánh giá, nhận thức về văn học lại là một chuyện khác. Đặc biệt, không thể bóc tách tác phẩm nghệ thuật ra từng mảnh để đánh giá tác động của nó về mặt xã hội.

"Họ hiểu văn học theo tư duy của xã hội học, đạo đức học, những quan điểm mang tính chất xa rời mục tiêu cao hơn của nghệ thuật".

Sau khi sự việc gây ra nhiều tranh luận trên báo chí, ông Nguyễn Sóng Hiền giải thích là ông không phủ nhận giá trị nhân văn và nghệ thuật của tác phẩm. Điều làm ông lo lắng là liệu các giáo viên có thể truyền tải được hết và đầy đủ những điều tốt đẹp của nhân vật và tác phẩm không ?

Thế nhưng theo nhà văn Tạ Duy Anh, ông cho rằng có lẽ chính cách dạy theo khuôn khổ có sẵn, bình văn theo sườn bài có sẵn của giáo viên mà đã tạo ra cho vị nghiên cứu sinh kia "một phản ứng như thế" đối với một tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam.

"Cái khả năng, cái tâm thế xã hội, tất cả những gì họ được tiếp xúc, được cảm nhận về xã hội chỉ đủ để hiểu đến thế thôi".

Rất nhiều những tranh cãi từ dư luận về đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa văn học. Nhưng theo những ý kiến chúng tôi ghi nhận được, thì nhân vật Chí Phèo đã vượt qua khỏi ranh giới của tác phẩm văn học, trở thành biểu tượng của một thời kỳ văn hóa lịch sử không thể chối bỏ.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 13/12/2017

Published in Văn hóa

Chỉ còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa là phiên tòa xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra. Nhiều tổ chức nhân quyền, truyền thông thế giới đã và đang đồng loạt lên tiếng phản đối bản án 10 năm tù mà nhà nước Việt Nam đã kết án cô và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cô vào phiên xử phúc thẩm ngày thứ Năm, 30 tháng 11 sắp đến.

menam1

Blogger Mẹ Nấm tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29 tháng 6 năm 2017. Cô bị kết án 10 năm tù giam. AFP

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là ai ?

Là một người con

Ngày 29 tháng 6 năm 2017, hình ảnh người phụ nữ trong trang phục áo thun ngắn tay màu xám, có hình búp bê sặc sỡ in trước ngực và chiếc quần màu hồng xuất hiện trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã được lan truyền đi khắp thế giới.

Mọi người biết đến Mẹ Nấm và hiểu về cô nhiều đến mức sau khi nhìn thấy hình ảnh cô xuất hiện trước phiên tòa sơ thẩm, người ta đã khẳng định với nhau rằng "trang phục ấy không phải do Quỳnh chọn".

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc có 1 bài viết ghi rằng: "Hoàn toàn tương phản với hình ảnh quen thuộc của cô từ trước đến nay. Nhưng rồi mọi người lập tức hiểu ra: Như Quỳnh không có quần áo tươm tất để mặc ra tòa".

Điều này cho thấy chỉ cần nói đến Mẹ Nấm, hay gõ vào bàn phím chữ Mẹ Nấm thôi thì người ta có thể biết những câu chuyện về cô, biết được tận tường lý do vì sao cô chịu bản án 10 năm tù giam.

Thế giới biết về Mẹ Nấm. Người dân Việt Nam biết về Mẹ Nấm. Nhưng có lẽ biết về cô nhất, hiểu thật sự về cô nhất và chia sẻ cùng cô nhất, trên cuộc đời này và mãi mãi không ai khác hơn chính là Mẹ của cô, bà Tuyết Lan.

Bắt đầu bằng tiếng khóc, bà nói về Như Quỳnh, đứa con gái duy nhất của mình:

"Quỳnh là đứa con duy nhất của tôi cho nên bao nhiêu tình yêu của tôi, bao nhiêu cuộc đời là tôi dồn hết cho Quỳnh. Quỳnh là một đứa con có cá tính từ nhỏ. Nó quyết liệt, khi đã muốn làm gì thì làm cho bằng được dù mình có khuyên con không nên thế này, không nên thế nọ. Nó luôn muốn trải nghiệm".

menam2

Mẹ Nấm và hai con phản đối Formosa gây ô nhiễm bờ biển Việt Nam

Không ai hiểu con bằng mẹ. Hiểu Mẹ Nấm, tin tưởng việc cô làm, ủng hộ con đường cô đã đi, không ai khác hơn là bà Tuyết Lan. Không chỉ vì bà là mẹ, mà còn vì ‘con đường Quỳnh đi là truyền thống gia đình’ như lời bà nói.

"Gia đình chúng tôi là gia đình công giáo. Từ đời cha mẹ là ông bà ngoại của Quỳnh đến đời tôi, cảm thấy sống mà không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác mới là điều đáng xấu hổ. Cho nên những điều Quỳnh làm, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường và nên làm".

Từ ngày Mẹ Nấm bị bắt vào tháng 10 năm ngoái và bị kết án hồi tháng 6 cho đến nay, bà Tuyết Lan chỉ được gặp con gái của mình 1 lần duy nhất vào ngày 31 tháng 7 vỏn vẹn trong 10 phút.

Trong thời gian đó, có không ít những ý kiến từ dư luận xã hội cho rằng người phụ nữ này "ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ" hay "ăn cơm nhà gác ngà voi". Thế nhưng ai nói mặc ai. Bà Tuyết Lan biết hết, nghe hết, nhưng trong lòng bà, tình yêu và sự ủng hộ dành cho người con gái duy nhất chưa bao giờ thay đổi.

"Tôi không hề oán trách những người đó. Cứ hình dung đi, quê hương không còn thì còn gì là cuộc sống? Tôi không trách con tôi mà tôi cũng không oán trách người ta điều gì hết".

Là một người mẹ

Khi dư luận trong xã hội chỉ trách Mẹ Nấm "ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ", phần nhiều người ta lấy lý do là cô đã không chọn hai đứa con thơ của mình, cho dù cô là một người mẹ.

Chính bà Tuyết Lan kể lại ngay cả một người bạn của bà cũng đặt vấn đề như thế với bà sau khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm.

"Người đó gọi tôi và nói là tại sao con bà lại chọn con đường làm cho bà khổ như vầy? Con bà chẳng yêu con nó. Tại sao nó làm vậy? Bổn phận của nó là bổn phận làm mẹ".

Hai chữ bổn phận tự bản thân nó đã mang một trọng trách rất nặng nề, khó mà cân đong đo đếm hoặc nói là bao nhiêu cho đủ. Dư luận cho rằng Mẹ Nấm không làm tròn bổn phận với con của mình. Nhưng bé Nấm, đứa con gái bé bỏng của cô lại hiểu rất rõ về mẹ của mình.

Nói chuyện với chúng tôi khi vừa trở về từ buổi xem phim, món quà sinh nhật của Nấm, Nấm nói về mẹ của mình rằng :

"Mẹ con là người luôn bảo vệ mọi người. Mẹ con nói cho mọi người biết sự thật về cá chết, về Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Tối nào mẹ và con cũng tâm sự, rồi mẹ con kể chuyện cho em Gấu nghe".

Nấm chính là cô bé đã viết lá thư gửi cho Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, bà Melanie Trump để mong bà đến gặp mẹ của Nấm khi bà đến Việt Nam trong tháng vừa qua. Thế nhưng, rất tiếc điều này đã không thể xảy ra như mong muốn của bé.

Một bạn gái trẻ, quê ở Tuy Hòa, hiện đang sống ở Sài Gòn, cho chúng tôi biết qua email về những những gì cô nghĩ về Mẹ Nấm, một người mẹ của hai đứa con nhỏ :

"Với em, Mẹ Nấm là một người dũng cảm và em rất tôn trọng. Em cũng làm mẹ nhưng em hiểu khác. Em hiểu chị ấy nghĩ xa hơn tất cả chúng em. Em lo cho con ở thời hiện tại. Chị ấy lo cho cả về sau".

Là một người đấu tranh

Đó là việc gì mà Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam vì Điều 88 ?

Cô sinh năm 1979, cử nhân Anh văn của trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Bút danh Mẹ Nấm ra đời từ năm 2006 với các bài viết nói về quyền con người, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, phản đối những bất công trong xã hội, bênh vực những người không có tiếng nói…

Với cáo buộc đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân...", cô bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt vào tháng 10 năm ngoái. Những gì được gọi là bằng chứng phạm tội của cô là các tài liệu về nhà máy Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, những khẩu hiệu phản đối Trung Quốc…

Mẹ Nấm còn là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".

Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập của Phong trào Lao Động Việt chia sẻ về người phụ nữ mà ông nói mình chỉ biết đến sau khi ra tù.

"Mẹ Nấm là một người vì quê hương đất nước, tranh đấu cho nhân quyền cho Formosa, bảo vệ môi trường cũng như chống Trung Quốc để bảo vệ đất nước của mình. Em luôn luôn tôn trọng những việc Mẹ Nấm làm, những việc đã thắp lên ngọn lửa cho anh em khác tiếp tục theo con đường của Mẹ Nấm".

Là một người bạn

Người phụ nữ đang thắp ngọn lửa đấu tranh cho các bạn trẻ trong nước ấy, trong mắt của người bạn cùng quê với cô, đơn giản cô là "đứa mạnh mẽ, đáng yêu. Đậm chất đàn bà miền Trung".

Ngày Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam, người bạn này đã bày tỏ trên trang cá nhân của mình với những dòng chữ :

"Cũng dịp hè này, năm ngoái, chị hân hạnh được cafe, ăn tối với cô, và cô có nhớ chị đã hỏi cô điều gì không ? "Em lấy đâu ra sức mà gánh vác đủ thứ như vậy ? Chị quá nể cô" !

Đến bây giờ và có lẽ còn lâu lắm nữa, chị vẫn nể và kính trọng cô ! Vẫn luôn mong cô và các bé con bình an! Mau về để còn tám tám với nhau, nhé !".

Là một người con, một người Mẹ, một người đấu tranh, một người bạn, những người thân yêu của blogger Mẹ Nấm hiểu về cô với những định nghĩa bình dị ấy. Nhưng tất cả họ và hàng triệu người trên thế giới không thể biết về kết quả của phiên tòa ngày 30 tháng 11 sắp đến. Cũng  như có lẽ sẽ không ai có thể trả lời được cho câu hỏi của bé Nấm : "Có cách nào giúp cho gia đình con đoàn tụ không ?".

Cát Linh

Nguồn : RFA, 28/11/2017

Published in Diễn đàn

Chỉ vài ngày nữa, Việt Nam sẽ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lễ ‘tôn sư trọng đạo’ được ra đời từ ngày 28 tháng 9 năm 1982 sau khi có quyết định của chính phủ lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nhân sự kiện này, hãy cùng nhìn lại nền giáo dục Việt Nam sau 35 năm.

gd1

Các em học sinh trong ngày khai giảng. Courtesy photo

Nền giáo dục đi lạc đường

Trong chuyến xe hành trình của một người, giáo dục là vết khắc đầu tiên và kéo dài không bao giờ chấm dứt cho đến khi người ấy đặt chân đến ga cuối cùng.

Còn đối với một quốc gia, hơn năm trăm năm trước, dưới thời Lê Thánh Tông, đã có câu nói nổi tiếng được khắc trên tấm bia ở Văn Miếu "... Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chỉnh thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước tăng tiến mạnh mẽ và phồn vinh. Khi yếu tố này kém thì quyền lực đất nước bị suy giảm. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước".

Chỉ bấy nhiêu đã đủ để thấy uy lực và tầm quan trọng của giáo dục ảnh hưởng lên sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia như thế nào ? Có lẽ thế mà những người quan tâm đến vận mệnh của giáo dục, cũng là vận mệnh của đất nước, thời nào cũng có.

gd2

Mang cap den truong Courtesy of phunuonline.com.vn

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ, là người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà từ rất lâu. Từ năm 1976, 1977, ông đã quay về Việt Nam làm giảng viên thỉnh giảng cho các trường đại học ở Hà Nội. Hơn 20 năm ông gọi là thời gian "can qua những trở ngại, nghịch cảnh để đóng góp tiếng nói vào sứ mệnh phát triển giáo dục", giờ đây, khi nói về nền giáo dục Việt Nam, lời nói đầu tiên của ông là quá chậm trễ cho sự thay đổi.

"Ngồi bình thản bình yên tôi nhìn lại, tôi phải thấy rằng muốn là một chuyện mà thực tế thay đổi được hay không là một chuyện khác. Tôi phải đi đến kết luận ngay ngày hôm nay là thay đổi quá chậm, nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn ngụp lặn trong cái tụt hậu".

Chậm trễ đến đâu ? Vì sao không thể sửa ? Câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là "vì đó không phải là sai lầm"

"Nếu chúng ta sai lầm, chúng ta có thể sửa đổi được. Nhưng vấn đề của chúng ta hiện nay là chúng ta đi lạc đường. Nền giáo dục của Việt Nam là nền giáo dục lạc đường. Mình chủ quan mình cho mình là con đường tốt hơn hết, rực rỡ hơn hết, nhưng mình đâu dè đây là ngõ cụt".

Triết lý giáo dục sai lầm

Ở nơi gọi là ngõ cụt ấy, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, đang tồn tại rất nhiều những thành viên xã hội không thể gánh vác những yêu cầu của một nền kinh tế ngày càng hoà nhập với thế giới. Nền giáo dục Việt Nam không thể khoác lên chiếc áo vừa vặn với tốc độ phát triển của thế giới. Điều này ông gọi là ‘sự đi lạc đường’ ngay từ trong tư duy và triết lý giáo dục.

" Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do. Tự do thì mới có sáng tạo, mà sáng tạo thì mới làm khoa học kỹ thuật, làm công nghiệp. ngay cả làm quản trị kinh doanh, phải có những con người có đầu óc độc lập. Cách đào tạo của mình đi lạc đường mình tạo ra những con vẹt, những lò xo, tạo những con người làm việc máy móc thì không thể thích ứng cho nền kinh tế phát triển".

Ông nhấn mạnh điều này khởi nguồn từ tư duy của những các nhà giáo dục, của chương trình giáo dục, của những giáo sư đang dạy cho các sinh viên bị đóng khung trong đường hướng sai lạc từ mấy chục năm qua.

Với mong muốn nghe thêm nhận định về nền giáo dục Việt Nam, chúng tôi liên lạc với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm, vì qua các tài liệu ghi nhận được từ báo trong nước, chúng tôi được biết ông từng đưa ra ý kiến rằng "Giáo dục hỏng chính là do triết lý giáo dục sai lầm".

Tuy nhiên, với lý do đây là vấn đề đang được ông nghiên cứu nên không thể đưa ra câu trả lời ngay lúc này. Thế nhưng, liên quan đến những tiến bộ nếu có của giáo dục Việt Nam, ông có nhận định thoáng hơn. Ông nói rằng "có sự thay đổi".

"Trong thời gian vừa qua có rất nhiều cố gắng để thay đổi. Có thay đổi, nhưng tốt lên hay không thì là chuyện khác. Tôi nghĩ thay đổi theo hướng tốt lên thì nó hơi chậm".

Không chú trọng đào tạo đạo đức

Một đánh giá khác nghiêng về góc độ nhân văn được chia sẻ từ Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, Giám đốc thư viện Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, thuộc Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Bày tỏ với chúng tôi, ông nói rằng mặc dù trong nghề giáo nhưng ông không hài lòng với giáo dục Việt Nam, vì không có tiêu chí để đào tạo rõ ràng. Điều mà theo ông, quan trọng hơn cả là đạo đức của con người.

"Khi dạy dỗ, từ chương trình tiểu học cho đến khi lớn hơn, không chú trọng đến vấn đề gọi là nhân văn, mà đào tạo thực dụng. Cho nên khi con người được đào tạo lên rồi thì chỉ có khuynh hướng thực dụng, còn vấn đề đạo đức rất thấp".

Một minh chứng thực tế được Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp dẫn dụ, đó là chương trình giáo dục Việt Nam vô tình đã dạy cho một đứa trẻ nói dối.

"Ví dụ bắt tả 1 con chó ở nhà em, đứa bé đó nói nhà em không có nuôi chó nên không tả được. Nhưng cũng phải tả, phải làm cho được.

Hay 1 đứa bé học ở trên Tây Nguyên, nói là tả gia đình đi biển, thì nó nói thẳng là thưa cô em không biết biển là gì hết, chưa bao giờ đi. Nhưng em phải bịa ra để nói. Còn trong lịch sử thì…nhiều cái giả dối quá".

Đó là giáo dục phổ thông. Cao hơn nữa là cấp bậc đại học. Với Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, đào tạo cấp bậc đại học, tiến sĩ hiện nay chẳng khác nào tạo nên những cây kiểng đắt tiền với mục đích làm đẹp.

"Ví dụ như trường tôi người ta đến người ta đề nghị trong 4 năm đào tạo mấy trăm tiến sĩ. Vị hiệu trưởng trường tôi thành thật nói rằng 20 năm rồi trường tôi không thể đào tạo được số đó thì làm sao trong 4 năm được ?"

Nói một cách khác, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, giáo dục chính là sinh hoạt của con người, mà mọi chuyện trên thế gian này, xấu tốt, độc, ác đều phát xuất từ con người mà ra. Chính vì vậy, ông cho rằng những gì con người làm ra mà không đúng thì có thể làm theo cách khác.

"Vấn đề là căn bệnh đã quá lây lan, đã vào cốt tuỷ rồi. Cho nên không thể nào chữa trị ngoài da, không thể bằng cách uống thuốc, phải cắt đi tế bào hư hao để thay đổi bản chất, cắt đi những tệ hại, những ung nhọt thì mình mới có thể thay đổi được. Nếu cần phải khai thông con đường mới vì không cắt được. Cắt là chết".

Ai sẽ là người khai thông con đường mới ấy ? Ai sẽ là kiến trúc sư trưởng như cách gọi của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng để kiến thiết lại con đường mang tên giáo dục ở Việt Nam ? Mặc dù Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng điều này phải bắt đầu từ những người lãnh đạo can đảm và tin tưởng vào sự thay đổi, nhưng ông vẫn nói rằng rất khó để ông tìm thấy sự lạc quan khi nhìn về tương lai.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 15/11/2017

Published in Diễn đàn