Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Điều tra tài chính tổng thống Mỹ có thể mở rộng sang điều tra gian lận thuế (RFI, 04/08/2020)

Tổng thống Trump tiếp tục đối mặt với các cuộc điều tra tài chính. Tuy nhiên, trong tài liệu được đệ lên Tòa ngày 03/08/2020, cuộc điều tra tài chính nhắm vào tổng thống đương nhiệm có thể mở rộng sang cả điều tra về gian lận thuế.

congly1

Tổng thống Mỹ Donald Trump coi các cuộc điều tra nhắm vào ông là "cuộc săn đuổi phù thủy" của phe Dân Chủ.  AFP

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York giải thích :

Trong những tài liệu được đệ lên Tòa ngày 03/08, chưởng lý tòa sơ thẩm liên bang vùng Manhattan nêu rõ hơn một chút về những cuộc điều tra được ông tiến hành từ hơn 2 năm nay liên quan đến vấn đề tài chính của tổng thống Trump. Văn bản 28 trang nêu lên khả năng có những hành vi gian lận ngân hàng và gian lận thuế liên quan đến tập đoàn Trump.

Đối với tổng thống Donald Trump, đó là những cáo buộc vô căn cứ. Ông nói :

"Đây là bước tiếp theo của vụ truy đuổi phù thủy tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là những chiêu trò của phe Dân Chủ. Họ đã thất bại với vụ Mueller điều tra. Họ thất bại với tất cả, kể cả với Nghị Viện. Họ đã thua trong mọi trò. Tình trạng này đã kéo dài từ 3 đến 4 năm, kể cả từ khi tôi chưa được bầu làm tổng thống !".

Chưởng lý Manhattan điều tra về các khoản tiền được chuyển cho hai phụ nữ được cho là có quan hệ tình cảm với ông Trump trong quá trình ông vận động tranh cử. Michael Cohen, luật sư riêng của tổng thống, đã bị kết án trong vụ này. Ông Cohen thú nhận đã mua chuộc hai phụ nữ trên để họ im lặng.

Trong khuôn khổ điều tra, chưởng lý yêu cầu được tiếp cận các tài liệu tài chính của ông Donald Trump, trong đó có các bản khai thuế. Thế nhưng đây là điều mà tổng thống đương nhiệm vẫn từ chối.

Cho dù gần đây Tòa Án Tối Cao đã ra lệnh chuyển cho chưởng lý Manhattan những lưu trữ kế toán trên, nhưng Tòa cũng cho phép Donald Trump có quyền chất vấn ngược lại về sự cần thiết của các tài liệu này trong cuộc điều tra. Đó là điều mà các luật sư của ông Trump vẫn đang làm.

Một số người cáo buộc tổng thống Trump muốn kéo dài thời gian cho tới kỳ bầu cử tháng 11 hoặc chờ cho vụ việc hết thời hiệu.

Thu Hằng

********************

Tây Ban Nha : Bị tố tham nhũng, cựu hoàng Juan Carlos lưu vong

Dân chúng Tây Ban Nha bàng hoàng. Chiều thứ Hai 03/08/2020, triều đình loan báo cựu hoàng Juan Carlos sắp lưu vong. Người được vinh danh mang lại nền dân chủ cho Tây Ban Nha bị nghi ngờ là tham nhũng, nhận hàng chục triệu đô la hối lộ của Saudi Arabia.

congly2

Trong thư gửi con trai là đương kim quốc vương Filipe đệ lục (trái), cựu hoàng Tây Ban Nha Juan Carlos (phải) giải thích ông ra đi để cho con trai làm việc dễ dàng hơn.  Pool/AFP/File

Theo thông tín viên François Museau, trong thư gửi con trai là quốc vương Filipe đệ lục, cựu hoàng Juan Carlos giải thích là "cha ra đi để cho con làm việc dễ dàng hơn và để không tiếp tay làm ô quế danh dự của định chế hoàng triều".

Từng được tôn vinh là cha đẻ của nền dân chủ Tây Ban Nha, cựu hoàng có nhiều tai tiếng pháp luật. Gần đây nhất ông chịu nhiều sức ép của công tố Tây Ban Nha và tư pháp Thụy Sĩ.

Cựu hoàng Juan Carlos bị nghi ngờ nhận tiền hối lộ của Saudi Arabia lúc còn tại vị, liên quan đến một hợp đồng xây hệ thống xe lửa cao tốc. Một người bạn lâu năm của Juan Carlos khai là có nhận được 65 triệu euro của quốc vương ký thác qua các ngân hàng ở Thụy Sĩ và ở các thiên đường thuế. Luật sư của cựu vương không chứng minh đuợc xuất xứ của món tiền khổng lồ này.

Cựu vương lưu vong nhưng vẫn là thành viên chính thức của hoàng gia. Có điều người ta chưa biết ông sẽ chọn nước nào ? Ông sẽ sống với nguồn tiền nào sau khi tuyên bố từ chối 200.000 euro trợ cấp mỗi năm.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đang cân nhắc việc cấm TikTok, nhưng các ứng dụng, dịch vụ khác chạy trên phần mềm của Trung Quốc cũng có thể sẽ bị nhắm tới.

tiktok1

Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng một số công ty công nghệ của quốc gia Châu Á này đang "gửi dữ liệu thẳng về cho Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Vậy những phần mềm hay các công ty nào khác đang có nguy cơ ?

Mục tiêu hiển nhiên nhất là WeChat của Tencent, cũng là sản phẩm duy nhất bị ông Pompeo điểm danh bên cạnh Tik Tok.

Wechat được miêu tả như một mạng xã hội, nhưng trong thực tế nó hoạt động mạnh hơn thế nhiều.

Nó cho phép thực hiện các hoạt động trả tiền, chạy các chương trình mini bổ sung, hẹn hò và nhận tin tức, bên cạnh dịch vụ nhắn tin và các hoạt động xã hội khác.

Có lẽ chính xác nhất là có thể coi nó như một dạng hệ điều hành thứ hai chạy trên nền iOS hoặc Android.

Nó cũng được coi là một công cụ chủ chốt của hệ thống giám sát nội bộ tại Trung Quốc - nó đòi người dùng nội địa, nếu bị cáo buộc là đã từng lan truyền tin đồn độc hại thì phải đăng ký scans khuôn mặt và giọng nói.

Thêm vào đó, người ta cho rằng nó được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng rộng rãi để tuyên truyền đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài.

Một cuộc hội thảo, được Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) thực hiện hồi đầu năm nay, đã thảo luận về cách thức mà các nhóm trong ứng dụng này dùng : đầu tiên là gợi ý nơi đi nghỉ, nhà hàng tốt, hay những nội dung tương tự mỗi ngày, sau đó chuyển sang gửi các tin nhắn với nội dung phù hợp đường lối của Bắc Kinh vào những thời điểm quan trọng.

Trong lúc đó, một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu an ninh từ phòng thí nghiệm Citizen Lab của Canada đã nêu chi tiết việc các văn bản, hình ảnh gửi qua lại giữa những người dùng có đăng ký và không ở Trung Quốc đã được rà soát xem có chứa các nội dung mà giới chức Trung Quốc coi là nhạy cảm về mặt chính trị hay không.

Nghiên cứu này không tìm thấy bất kỳ trường hợp nào bị chặn, nhưng nói rằng các dữ liệu được thu thập đã được dùng để phục vụ công tác tăng cường kiểm duyệt bên trong Trung Quốc.

Tencent trước đó nói rằng mọi nội dung được chia sẻ giữa người dùng quốc tế của WeChat đều được giữ ở chế độ riêng tư.

Danh sách dài

Ấn Độ đang ra chỉ dấu cho thấy các ứng dụng nào khác của Trung Quốc có thể sẽ bị cấm.

Quốc gia Nam Á này hiện đã cấm 59 ứng dụng có liên quan tới Trung Quốc, với lý do chúng đe dọa tới "chủ quyền quốc gia và an ninh".

Tik Tok và WeChat nằm trong danh sách bên cạnh các tên tuổi lớn như :

- Baidu Maps và Baidu Translate - là các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm của Google, do nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc tung ra ;

- Weibo, dịch vụ tiểu blog tương tự như Twitter

- Clash of Kings và Mobil Legends Bang Bang - hai video games

- CamScanner - ứng dụng scan tài liệu

- QQMail - dịch vụ thư điện tử và gửi file

BBC đã liên hệ với một số ứng dụng có thể bị ảnh hưởng nhưng chưa nhận được phản hồi.

tiktok2

Baidu Translate là dịch vụ dịch thuật trực tuyến và cung cấp tin thời sự ở dạng song ngữ

Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh cãi về vấn đề đường biên.

Tuy nhiên, một chuyên gia nói rằng nhu cầu giúp cho các nhà phát triển phần mềm trong nước chứ không phải là những quan ngại an ninh thực sự mới là nhân tố chính khiến Ấn Độ ra quyết định cấm các sản phẩm Trung Quốc.

"Điều mà họ đang thực sự muốn gửi tín hiệu ra, đó là Ấn Độ đã cảm thấy quá đủ đối với Trung Quốc và muốn tự mình cắt đi các mối liên hệ", Gareth Price, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức Chattham House ở London, bình luận.

Bất kể thế nào thì Delhi cũng mới chỉ là bắt đầu.

Theo các tường thuật địa phương, chính phủ đang cân nhắc cấm thêm 275 ứng dụng nữa, trong đó có một số khá quen thuộc với thị trường Mỹ, như :

- AliExpress, ứng dụng mua sắm của của hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Alibaba

- Video games của NetEase, là hãng tung ra một số thương hiệu siêu nhân Marvel

- Các game của Tencent trong đó có Player Unknown Battlegrounds (PUBG) Mobile

- Một số ứng dụng mang nhãn hiệu Mi của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi

- Báo chí Ấn Độ nói rằng hãng Supercell của Phần Lan, nhà phát triển video game Clash Of Clans, có thể cũng sẽ bị cấm tại Ấn Độ với lý do Tencent nắm phần lớn cổ phần trong công ty này.

Cho dù Hoa Kỳ có đi theo hướng tương tự hay không thì Riot Games, hãng phát hành trò chơi điện tử Liên minh Huyền thoại (League of Legends) và Epic Games, hãng phát triển trò chơi điện tử Fortnite, có lẽ sẽ có lý do để lo lắng.

Quét mặt

Ông Pompeo cũng nói rằng phần mềm nhận diện khuôn mặt đang gây quan ngại.

Tuy ông không nêu rõ tên bất kỳ sản phẩm nào, nhưng tại Trung Quốc có rất nhiều công ty sản xuất ứng dụng kiểu này.

Mạng xã hội Kwai và ứng dụng hướng dẫn làm đẹp YouCam Makeup đều dùng thuật toán nhận diện khuôn mặt, và đều nằm trong số các ứng dụng bị cấm tại Ấn Độ.

Điều đáng lưu ý đó là các hạn chế của của Hoa Kỳ đối với các hãng Trung Quốc không phải là điều gì hoàn toàn mới mẻ.

Hồi năm ngoái, chính quyền ông Trump đã bổ sung hàng chục các công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế, theo đó hạn chế các hãng này mua công nghệ Hoa Kỳ nếu không được chính phủ chuẩn thuận.

Trung Quốc nói rằng họ hoàn toàn phản đối bước đi của Hoa Kỳ.

tiktok3

CloudMinds đem đến dịch vụ kiểm soát từ xa đốiv ới Pepper và các loại người máy khác

Zoom đang 'nghĩ lại'

Zoom là một cái tên nữa đang gây quan ngại.

Dịch vụ chuyện trò qua video này do doanh nhân Eric Yuan, người gốc Trung Quốc, tung ra.

Nó đã bị chỉ trích về việc việc từng chuyển hướng "nhầm" một số cuộc gọi về các máy chủ đặt tại Trung Quốc, cũng như việc đóng các tài khoản từng tổ chức sự kiện chỉ trích Bắc Kinh mà người tổ chức nằm ở ngoài Trung Quốc.

Công ty này vừa tuyên bố rằng họ sẽ ngừng dịch vụ trực tiếp cho người dùng ở Trung Quốc, và thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ thông qua các đối tác địa phương.

"Chúng tôi đã thông báo cho các khách hàng của mình rằng việc này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/8", hãng nói trong một tuyên bố.

Thời điểm trên có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, tuy nhiên việc này cho thấy các công ty công nghệ đang rất thận trọng, không muốn Hoa Kỳ có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ mình.

Leo Kelion

Nguồn : BBC, 04/08/2020

Published in Quốc tế

John Bolton : "Không nên giao cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai"

Trong bối cảnh báo chí Pháp ra ngày hôm nay 04/08/2020 không tập trung trên một chủ đề chung nào, thông tin nổi bật nhất có lẽ xuất hiện trên nhật báo cánh hữu Le Figaro, với bài phỏng vấn mà cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton dành cho bẩy tờ báo lớn ở Châu Âu trong đó có tờ báo Pháp. Le Figaro không ngần ngại trích nguyên văn câu nói của ông Bolton làm tựa bài trích dịch phần phỏng vấn : "Không nên giao cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai".

bolton1

Ông John Bolton phát biểu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Washington (Hoa Kỳ) ngày 30/09/2019. AP - Pablo Martinez Monsivais

Trong phần giới thiệu, Le Figaro trước hết cho biết là cựu cố vấn an ninh Mỹ đã trả lời phỏng vấn bằng video từ văn phòng của ông tại Washington. Nhóm phỏng vấn bao gồm đại diện của 8 tờ báo lớn ở Châu Âu tập hợp trong liên minh báo chí gọi là Lena. Đó là các tờ Die Welt (Đức), Le Figaro (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), La Repubblica (Ý), La Tribune de Genève (Thụy Sĩ), Le Soir (Bỉ), Tages-Anzeiger (Áo) và Gazeta Wyborcza [FN1] (Ba Lan).

Ông Bolton đã từng làm cố vấn an ninh cho tổng thống Trump trong suốt 17 tháng, nhưng giờ đây thì ông đang cố ngăn cản ông Trump tái đắc cử. Mới đây, ông đã cho ra mắt độc giả một quyển sách (656 trang) The Room Where it Happened, với những tiết lộ nghiêm trọng về cung cách làm việc của đương kim tổng thống Mỹ.

Bolton : "Lần đầu tiên trong đời, tôi sẽ không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa"

Giống như những gì ông đã viết trong quyển sách, trong cuộc phỏng vấn, ông Bolton đã tỏ ra khá gay gắt với tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm.

Ông nhận xét : "Khi ông Trump giải quyết các vấn đề an ninh, ông không theo một chủ thuyết chính trị nào, cũng không có một suy nghĩ chiến lược nào… Do đó, lần đầu tiên trong cuộc đời của mình, tôi không bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tới đây. Tuy nhiên tôi cũng sẽ không bỏ phiếu cho Joe Biden, tôi chỉ sẽ viết một cái tên khác. Donald Trump không nên được giao nhiệm kỳ thứ hai".

Ông Bolton còn phê phán : "Ông ấy vẫn tiếp tục suy nghĩ là ông ấy vẫn ở Trump Tower, lãnh đạo chính phủ theo ý ông và cũng thường nói thích ký thỏa thuận với Putin, Tập Cận Bình, Erdogan hay Kim Jong Un. Ông bị những lãnh đạo độc tài thu hút".

Bolton : "Trump chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch"

Trả lời câu hỏi về đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ, John Bolton cũng khá gay gắt :

"Tôi không biết là có thể khẳng định rằng virus corona gây thiệt hại nặng nề ở Mỹ hơn ở những nước khác hay không. Mỹ vẫn ở mức trung bình về tử vong. Nhưng đối với tôi, cách Mỹ thoát ra khỏi đại dịch như thế nào so với những nước khác không quan trọng, điều quan trọng là cách nước Mỹ xử lý khủng hoảng. Tôi cho là chúng tôi đã làm rất tệ. Và ông Trump là người chịu trách nhiêm chính vì ông chưa bao giờ có chiến lược chống đại dịch này".

Cựu cố vấn an ninh Mỹ giải thích thêm : "Ông ấy nghĩ có thể trút bỏ trách nhiệm. Ngay từ đầu đại dịch, ông ấy đã phủ nhận là có vấn đề ; dù tình hình không còn chút nghi ngờ nào. Những cộng tác viên ở Hội đồng An ninh Quốc gia và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh đã cảnh báo, nhưng ông Trump lúc đó không muốn nghe bất kỳ lời chỉ trích nào nhắm vào ông Tập Cận Bình, và nhất là không muốn nghe những tin xấu cho là kinh tế Mỹ sẽ bị con virus tác hại và như vậy ảnh hưởng đến khả năng tái đắc cử của ông.

Ông ấy đã mất hai tháng, tháng Giêng và tháng Hai, trong lúc mà trong khoảng hai tháng này, nước Mỹ có thể tiến hành một công cuộc chuẩn bị tầm cỡ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này".

Thể thao Pháp trước nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai

Bài phỏng vấn ông John Bolton chỉ được Le Figaro gợi lên trong một dòng chữ ngắn trên trang nhất, còn hồ sơ chính được dành cho chủ đề thể thao Pháp thời hậu Covid qua hàng tựa lớn : "Thể thao Pháp trước nguy cơ tồn vong khi bắt đầu năm hoạt động mới".

Đối với Le Figaro, vào lúc các trận thi đấu đang dần dần được tái lập trên đất Pháp, giới thể thao chuyên nghiệp vẫn bị con virus corona đe dọa, và chưa thoát khỏi nguy cơ sụp đổ về kinh tế, tài chánh.

Tờ báo Pháp ghi nhận là từ cuộc đua xe đạp nổi tiếng Tour de France cho đến Thế Vận Hội Tokyo hay Cúp Bóng Đá Châu Âu Euro, khủng hoảng y tế do dịch Covid-19 đã làm đảo lộn lịch trình thể thao và dập tắt lòng cuồng nhiệt của số khán giả thường khi rất đông đảo.

Cuộc sống đang dần hồi phục trong các sân vận động và trên các con đường, kể cả ở Pháp, nhưng lưỡi hái tử thần của dịch Covid-19 vẫn đang lơ lửng trên các sự kiện thể thao, và đôi khi cũng đã giáng xuống rồi như trường hợp giải Lướt Sóng Mở Rộng tại Pháp, lẽ ra được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng 8 tới đây trên bãi biển Lacanau, nhưng lại vừa bị hủy bỏ vì 3 lý do : tình trạng dịch bệnh đáng lo ngại ở tỉnh Gironde, nơi có bãi biển, số lượng du khách tăng vọt trong vùng và xuất xứ địa lý khác nhau của các vận động viên.

Theo Le Figaro, trên bình diện tài chánh, ngân quỹ của các câu lạc bộ thể thao vốn đã bị hao tổn cực kỳ sau một mùa xuân đen tối vừa qua, giờ đây đang bị nguy cơ cạn kiệt nếu bị một làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Phong trào "chống khẩu trang" manh nha tại Pháp

Trang nhất Libération đề cập đến một vấn đề xã hội bắt đầu nổi cộm tại Pháp sau khi đã khuấy động một số nước phương Tây khác, từ Mỹ, Canada cho đến Anh, Đức : Sự xuất hiện của một phong trào chống đeo khẩu trang vào lúc chính quyền muốn mở rộng quy định đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời.

Dưới hàng tựa lớn : "Đeo khẩu trang lên !", mô phỏng mệnh lệnh "Giơ tay lên !" thường thấy trong những phim cao bồi miền Viễn Tây Mỹ, Libération giải thích : "Vào lúc những kẻ chống khẩu trang ngày càng thể hiện công khai thái độ phản đối, nghi kỵ của họ, thủ tướng Jean Castex hôm thứ Hai (03/08) đã đến thành phố Lille (miền bắc nước Pháp) để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, kể cả ở ngoài trời, tại những khu vực đông người".

Trong hồ sơ dài 4 trang bên trong, tờ báo nêu bật nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm thúc đẩy mọi người đeo khẩu trang để tránh cho đất nước phải phong tỏa toàn diện trở lại một lần nữa nếu dịch Covid-19 tái bùng phát. Thành phố Lille là nơi đã bắt buộc người dân phải mang khẩu trang ngay cả trong các công viên, các khu chợ lộ thiên, các con phố đi bộ, và tất cả những nơi có đông người. Biện pháp cứng rắn này đang được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên đất Pháp.

Tuy nhiên, Libération cũng ghi nhận là tại Pháp đã bắt đầu xuất hiện phong trào chống khẩu trang, với một lời kêu gọi biểu tình tỏ thái độ vào ngày 08/08 tới đây được loan truyền trên mạng.

Trước nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình của giới chống khẩu trang đã nổ ra tại Mỹ, Canada, cũng như tại Anh, Đức.

Lập luận của thành phần chống đeo khẩu trang, theo Libération, rất lung tung, đặc biệt tại Mỹ. Một vài ví dụ được tờ báo liệt kê : nào là "khẩu trang rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí còn có giấu chip điện tử để theo dõi dân chúng, một cách giám sat rất hiệu quả nhờ có mạng 5G mà sóng sẽ khiến con người dễ bị nhiễm Covid hơn", nào là "khẩu trang vô dụng vì virus corona không lưu hành nữa"…

Tại Pháp, Libération ghi nhận, đã xẩy ra một số vụ hành hung người khác khi bị nhắc nhở là phải đeo khẩu trang.

Chính phủ Pháp sẽ đánh thuế phụ thu trên các công ty bảo hiểm

Báo Les Echos tiếp tục nhấn mạnh trên các vấn đề kinh tế Pháp thời hậu phong tỏa. Tựa chính trang nhất tờ báo nêu bật sự kiện : "Nhà nước muốn đánh thuế các công ty bảo hiểm y tế như thế nào".

Theo Les Echos, chính phủ Pháp đã có kế hoạch đánh thuế đặc biệt trên các công ty bảo hiểm và các công ty hay quỹ tương hỗ với lý do là các doanh nghiệp này đã chi ra rất ít trong thời gian nước Pháp bị phong tỏa.

Theo ước tính thì trong giai đoạn các sinh hoạt bị ngưng trệ, các công ty này đã tiết kiệm được khoảng 2,6 tỷ euro nhờ vẫn tiếp tục thu phí bảo hiểm của các cá nhân và tập thể, nhưng phần bồi hoàn cho khách hàng lại giảm đáng kể.

Các công ty bảo hiểm như vậy sẽ phải trả phần thuế phụ thu đầu tiên vào mùa thu tới đây, và phần còn lại vào năm 2021.

Quốc hội Pháp sẽ thảo luận 40 đề xuất cải thiện ngành tư pháp

Riêng Le Monde thì dùng tựa lớn trang nhất để giới thiệu một thông tin độc quyền mà tờ báo có được : "Tính chất độc lập của Tư Pháp : Hướng cải thiện mà các dân biểu đề xuất".

Theo báo Le Monde, ủy ban điều tra của Quốc hội Pháp về "những trở ngại làm suy yếu tính chất độc lập của nền Tư Pháp" vừa hoàn tất nhiêm vụ hôm 09/07 vừa qua sau khi nghe phần điều trần của cựu bộ trưởng Tư Pháp Nicole Belloubet, người đã được tân bộ trưởng Eric Dupond-Moretti thay thế hai ngày trước đó.

Điều khiến tờ báo Pháp khá ngạc nhiên là mặc dù do hai dân biểu có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau chủ trì – một người thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI đối lập và người kia thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước LRM – nhưng ủy ban điều tra lại thống nhất được với nhau về một loạt nhận định chung về tình hình để đưa ra những đề nghi phù hợp.

Theo Le Monde, như vậy là sẽ có khoảng 40 đề nghị cải tổ được đưa ra vào tháng 9 tới đây để Quốc hội thảo luận, liên quan đến mọi lãnh vực, từ quy chế của các thẩm phán công tố đến những quy định chặt chẽ hơn đối với những cuộc điều tra sơ bộ…

Tờ báo Pháp nhận định : Nhiều khuyến nghị mà ủy ban này đưa ra chắc chắn sẽ được tân bộ trưởng Tư Pháp hoan nghênh. Từ ngày nhậm chức, ông Dupond-Moretti đã không giấu giếm là ông mong muốn cải thiện một cách cụ thể cách làm việc của ngành Tư Pháp.

Ngành xuất khẩu rượu Pháp chịu tác hại đồng thời của Covid-19 và trừng phạt Mỹ

Riêng về kinh tế, Le Monde đã ghi nhận trong môt hàng tựa "Covid-19 góp phần cùng với trừng phạt của Mỹ làm xuất khẩu rượu của Pháp sụt giảm".

Theo Le Monde, cảnh quan ngành rượu xuất khẩu của Pháp hiện rất ảm đạm. Theo tờ báo trong 5 tháng đầu 2020, rượu xuất khẩu giảm 26% so với cùng thời kỳ năm 2019. Riêng vào tháng 5 thì bị tuột đến -45%, tương tự như tháng 4.

Càng đau hơn nữa là ngành này đã cố sức để từ năm này sang năm nọ góp phần giảm được mức thất thu thương mại Pháp. Thế nhưng guồng máy đã bị trục trặc ngay trước khủng hoảng Covid-19, đẩy một phần thể giới vào phong tỏa. Mây đen đã kéo dần trên bầu trời làng rượu Pháp.

Le Monde đi ngược lên cú sốc đầu tiên, đó là vào ngày 18/10/2019. Trong cuộc tranh chấp Airbus-Boeing, Châu Âu đối đầu với Mỹ, tổng thống Donald Trump quyết định đánh thuế trên một số sản phẩm Châu Âu trong đó có rượu của Pháp, ngoại trừ loại rươu sủi bọt (bulle).

Và từ đấy các loại rượu vang : Bordeaux, Bourgogne hay Provence đều bị thuế 25% khi vào thị trường Bắc Mỹ. Trừng phạt này kéo dài thêm 6 tháng vào ngày 15/02/2020. Song song tại Châu Á, các sự cố tại Hồng Kông cũng làm cho rượu Pháp không bán được.

Trong bối cảnh căng thẳng này, dịch Covid-19 còn làm cho tình hình nghiêm trọng hơn, Các quán nước, nhà hàng đóng của tại nhiều nước. Các phi trường cũng đóng, những cửa hàng "duty free" bị ứ đọng hàng và rượu Pháp tuột dốc ở các thị trường chính của mình.

Tại Mỹ, thị trường hàng đầu của rượu Pháp, xuất khẩu giảm 59% vào tháng 5. Trung Quốc, Hồng Kông cũng tuột 51% vào tháng 5.

Giai đoạn quan trọng sắp tới là 12/08. Bầu trời có sáng sủa hơn không vì ngành rượu Pháp sẽ biết Mỹ có duy trì thuế cho 6 tháng nữa hay không.

Đã có một dấu hiệu tích cực phía bên này bờ Đại Tây Dương với việc Airbus quyết định chấp hành quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đây là điều kiện cần thiết để thương lượng kết thúc cuộc tranh chấp. Châu Âu yêu cầu Mỹ bãi bỏ ngay trừng phạt. Có điều phải xem ông Trump trả lời như thế nào.

Mai Vân

 [FN1]

Published in Quốc tế

Bầu cử 2020 : Tuần lễ mọi việc thay đổi cho Donald Trump

Jon Sopel, BBC, 29/07/2020

Có thể ví von là vào tháng 1/2017, Donald Trump được tặng một chiếc xe mới, sáng bóng. Chiếc xe đẹp nhất mà lần đầu cả thế giới được chiêm ngưỡng. Đến tháng 7/2020, tổng thống có một cuộc khám phá quan trọng về chiếc xe này.

Chiếc xe có cần số chạy ngược.

baucu1

Với cuộc họp virus corona mới nhất của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã độc diễn

Đó là tính năng phụ mà Trump không bao giờ nghĩ mình sẽ cần đến - và chắc chắn ông cũng không bao giờ có ý định sử dụng. Nhưng hôm thứ Hai, ông đã khởi động tính năng đó. Trump đã vận hết sức bình sinh để kéo cần số của chiếc xe trở lại, nhưng giờ thì ông không thể nào khiến cái cần đó đừng chạy ngược nữa.

Hoặc để thay đổi phép ẩn dụ - và mượn ngôn từ được Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, dùng để mô tả đối thủ thuộc đảng Lao động - tổng thống Trump trong tuần này, đã có nhiều''flip-flops'' (tiếng lóng để chỉ việc đảo ngược quyết định) còn hơn ở bãi biển Bournemouth.

Nói tóm gọn, việc đeo khẩu trang - mà tổng thống từng chế giễu là "hành động chuẩn mực" - giờ đây được xem là hành động yêu nước, và mọi người phải luôn luôn đeo vào, khi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Virus corona, cho đến gần đây được mô tả trong hầu hết các trường hợp chỉ là hiện tượng sổ mũi nặng, bây giờ được xem là tình trạng nghiêm trọng - và tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi có thể tốt lên.

Hai tuần trước, tổng thống nhấn mạnh rằng tất cả trường học phải mở cửa trở lại, nếu không ông sẽ rút tiền tài trợ. Bây giờ ông lại nói rằng, với một số thành phố mà tình hình dịch bệnh phức tạp, mở cửa là điều không phù hợp - và ông tỏ ra đồng cảm hơn với các bậc cha mẹ đang vật lộn trong việc có nên cho con tiếp tục đi học hay không.

Và quyết định "đảo ngược" đáng chú ý nhất diễn ra cách đây vài đêm về Hội nghị của Đảng Cộng hòa ở Jacksonville, Florida.

Ngài tổng thống yêu chuộng đám đông. Một đám đông ngưỡng mộ ông reo hò đến khản giọng. Kế hoạch ban đầu của ông là tổ chức hội nghị đảng ở Charlotte, North Carolina. Nhưng khi thống đốc tiểu bang đó nói rằng sẽ áp dụng giãn cách xã hội, tổng thống điên lên, tấn công thống đốc và tuyên bố một cách thô lỗ rằng đảng Cộng hòa sẽ đi nơi khác. Jacksonville sẽ là địa điểm tổ chức lễ hội đảng với đủ trò chơi, và hàng ngàn người Cộng hòa cổ vũ, reo hò.

Chỉ là, điều đó bây giờ sẽ không diễn ra.

Đó là một đảo ngược quyết định đầy kinh ngạc và đau đớn mà tổng thống phải thực hiện với trái tim trĩu nặng nhất.

Các thông báo về việc này được đưa ra trong ba đêm liên tiếp, trong các cuộc họp về virus corona vừa được hồi phục của Nhà Trắng. Trong các buổi họp được mở lại này, chỉ có một mình tổng thống, không có các cố vấn y tế của ông hộ tống như trước đây. Những buổi họp này cũng kỷ luật hơn nhiều so với khi tổng thống còn nói liên tục trên bục trong vài giờ đồng hồ, phát biểu về bất cứ điều gì và suy tư về mọi thứ - đáng nhớ nhất là liệu thuốc khử trùng và ánh sáng mặt trời có nên được tiêm vào cơ thể để điều trị virus corona hay không.

Tôi đã có mặt trong cuộc họp ngắn đáng nhớ đó với tổng thống, và trở lại một lần nữa để dự cuộc họp ngắn hôm thứ Tư của ông. Lần này ông xuất hiện chưa đầy nửa tiếng, bị mắc kẹt với những thông điệp mà ông muốn gửi đi (vâng, không ai lường trước được sự kỳ lạ về những khó khăn pháp lý mà Ghislaine Maxwell phải đối mặt), và ông trả lời rất nhiều câu hỏi. Ông cũng không bày tỏ sự tức giận, không dính vào cãi vả. Ông đến và làm đúng những thứ cần phải làm và rời đi.

Tất cả những gì tôi muốn nói là Phần 2 không thú vị bằng Phần 1 - mặc dù các tập phim đã bị cắt ngắn hơn nhiều.

Một buổi tối trong tuần này, tôi ngồi nói chuyện trong khu vườn của một người có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động trong chính quyền Trump. Đó là một buổi tối ẩm ướt khó chịu, khi sấm sét cuộn quanh thành phố. Chúng tôi dành thời gian thảo luận về tâm lý của tổng thống (vâng, một chủ đề chung). Và người này đưa ra quan điểm rằng anh có một bậc trượng phu lạc hậu không bao giờ tỏ ra yếu đuối. Dù đôi khi ông ấy biết rằng lùi một chút, sẽ là bước đi khôn ngoan, và anh công nhận rằng điều đó thật vô lương tâm.

Nhưng nếu chúng ta vẫn chơi đòn tâm lý đám đông với bộ não của tổng thống - người có khả năng nhận thức mà giờ đây chúng ta đều biết, đó là có thể nhắc lại những chữ người, phụ nữ, đàn ông, máy ảnh, TV, theo đúng thứ tự - và với ông có một điều tồi tệ hơn yếu đuối, đó là thua cuộc.

Và mặc dù ở nơi công cộng - vì sợ trông mình yếu - tổng thống khẳng định chiến dịch tranh cử của ông đang thắng, người dân Mỹ yêu ông, và các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ông bị sụt giảm chỉ là tin giả, thực tế khó chịu hơn thế nhiều.

Lấy Florida chẳng hạn, nơi Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng. Florida hiện đang là tâm chấn của đại dịch virus corona với số ca nhiễm tăng kinh hoàng. Với dân số 21 triệu người, trong tuần trước, số người bị nhiễm mới mỗi ngày còn nhiều hơn toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu (dân số 460 triệu người) cộng lại. Nhưng Florida cũng là vùng bình địa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ cần nghĩ đến cuộc đấu giữa Bush và Gore vào năm 2000.

Đó là tiểu bang mà Trump thắng một cách thoải mái năm 2016. Đó là tiểu bang mà Trump nghĩ rằng mình có thắng dễ dàng tháng 11. Nhưng cuộc thăm dò mới nhất của Đại học Quinnipiac cho thấy ứng cử viên Dân chủ Joe Biden dẫn trước ông 13 điểm. Mười ba. Đó là con số lớn. Và có cả đống số liệu liên quan khác cho thấy Tổng thống Trump đang tụt lại phía sau.

Những gì không thay đổi trong tuần qua là khoa học. Bạn có thể chắc chắn rằng các cố vấn y tế đau khổ của Trump đã lập đi lập lại những điều họ nói như chiếc máy chơi đĩa nhựa bị hỏng. Khẩu trang. Giãn cách xã hội. Tránh đám đông. Có thể là tổng thống đã chuyển đổi và đang lắng nghe các chuyên viên y tế. Có thể, nhưng tôi phải đoán nhiều phần là không.

Nếu chúng ta muốn tìm một 'điều" quan trọng thì đó chính là điều này. Tuần trước, Trump sa thải quản lý chiến dịch tranh cử 2020 của mình, Brad Parscale, và đưa vào một người mới. Có vẻ như Bill Stepien đã mời tổng thống ngồi xuống, và tạt vào ông một thùng nước lạnh. Rằng kết quả các cuộc thăm dò ý kiến rất khủng khiếp, rằng họ đang đi sai hướng ; rằng họ tuy chưa đến nỗi đã thảm bại không thể cứu vãn, nhưng mọi việc có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đổi hướng và đổi giai điệu là điều tối cần thiết. Đặc biệt khi nói đến bất cứ điều gì liên quan đến Covid-19.

Cũng nên chèn vào đây một dấu ngoặc. Tôi không biết rõ về Bill Stepien - mặc dù ông được đánh giá rất tốt. Nhưng dù Bill Stepien có thể rất xuất sắc, tổng thống có thói quen là thay đổi nhân sự, và trong hai hay ba tuần sau đó, làm theo lời khuyên của nhân viên mới, nhưng rồi sau đó sẽ quay trở lại với thói quen và bản năng của mình. Những điều mà tổng thống nói với bạn là đã phục vụ ông ấy tốt nhất trong suốt sự nghiệp lâu dài và đầy màu sắc của ông. Nhưng chúng ta đang ở trong lãnh thổ mới.

Trong ba năm rưỡi qua, tổng thống đã có thể xác định thực tế của chính mình ; uốn cong tình thế và sửa sự thật cho phù hợp với câu chuyện ông muốn kể. Virus corona đã không bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực của ông. Virus là một kẻ thù không giống ai mà Donald Trump phải đối mặt trước đây. Và Trump đã phải uốn cong theo ý muốn của virus. Chứ không phải ngược lại.

Những gì xảy ra trong tuần này là những gì các cuộc thăm dò đang cho thấy, và những gì giới khoa học của ông Trump liên tục kêu gọi hoàn toàn thích hợp. Ông Trump thực sự không muốn trở thành kẻ thua cuộc vào tháng 11.

Bóng ma của những lần đảo ngược quyết định 180 độ này của ông đã mang lại cho các nhà bình luận cấp tiến nhiều trận cười . Người đàn ông chỉ biết làm thế nào để tấn công gấp đôi, bây giờ đánh gấp đôi trong nỗi đau của những đảo ngược quan điểm rất công khai. Ôi những ngày hạnh phúc.

Nhưng các nhà bình luận nên thận trọng hơn. Việc chuyển đổi quan điểm của ông có thể không thành thật ; có thể được sinh ra từ sự cần thiết phải lấy phiếu - nhưng điều mà nhiều người Mỹ sẽ thấy là tổng thống của họ cư xử hợp lý và bình thường ; đưa ra quyết định phù hợp với nguy cơ lớn của mối đe dọa mà người dân Mỹ đang phải đối mặt - và người Mỹ đang lo sợ. Nhưng, tôi nghe bạn nói, chắc chắn người dân Mỹ sẽ không quên tất cả những điều mà tổng thống nói trong tháng 3 và tháng 4 khi ông giảm tầm quan trọng của đại dịch và thúc giục việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ sớm ?

Chà, tất cả những gì tôi muốn nói là đám xiếc nhanh chóng làm xiệc ; mọi người hình như có những ký ức ngắn vô cùng. Có còn ai nói gì thêm về Mueller ? Hay Nga ? Hay cuộc luận tội ? Chùm sáng của ngọn hải đăng không tồn tại lâu ở bất kỳ nơi nào. Với sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta với những phát triển mới, cho những câu chuyện mới, cho những tình tiết xoắn ốc, chúng ta dường như phải chịu đựng sự rối loạn thiếu tập trung. Và tổng thống này hiểu điều đó tốt hơn bất cứ ai.

Một số người chắc chắn sẽ viết rằng đây là tuần tồi tệ nhất của tổng thống. Nếu ông ấy tái đắc cử tháng 11, nó sẽ được coi là tuần lễ tốt nhất.

Jon Sopel (Biên tập viên Bắc Mỹ)

Nguồn : BBC, 29/07/2020

************************

Trump có thể lật ngược tình thế trước Biden được không ?

Dan Senor, Nghiên cứu quốc tế, 28/07/2020

Liệu Donald Trump có thể lôi một con thỏ ra khỏi mũ và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới một lần nữa hay không ? Theo hầu hết các chuyên gia thì không, nếu xét mức độ không tán thành rộng khắp đối với thành tích của ông. Nhưng khoan vội bác bỏ hoàn toàn cơ hội của Trump.

baucu2

Trong bối cảnh đại dịch, suy thoái kinh tế và bất ổn dân sự, sẽ khó cho bất cứ tổng thống đương nhiệm nào có thể giành chiến thắng nhiệm kỳ hai – chứ đừng nói đến một người gây chia rẽ như ông Trump. Ông thua đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden trung bình tới tám điểm trong các cuộc thăm dò quốc gia do trang web FiveThentyEight tổ chức. Các cuộc thăm dò từng tiểu bang cho thấy con đường của ông để giành được đa số phiếu trong đại cử tri đoàn là rất khó khăn.

Nhưng các ý kiến ​​v ông Biden, mt cu phó tng thng, vn còn chưa chc chn. Các c tri ít có cơ hi tiếp xúc vi ông gn đây : cho đến cui tháng 6, ông đã không t chc mt cuc hp báo nào trong gn ba tháng ; ông vn hiếm khi ri khi nhà hoc đăng bài trên các phương tiện truyền thông xã hội. (Trong khi chiến dịch của ông Trump trung bình đăng 14 bài mỗi ngày và tương tác với 28 triệu người theo dõi trên Facebook).

baucu3

Kết quả thăm dò mức độ ủng hộ đối với Trump và Biden gần đây.

Các cố vấn chính trị trong cả hai chiến dịch đều đồng ý rằng việc ông Biden ít xông xáo và trầm lặng tạo ra cơ hội cho ông Trump. Ông Trump sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến cách các cử tri nhìn nhận đối thủ của mình – chúng ta hãy theo dõi trong những tuần tới cách ông Trump cố gắng tấn công sự lựa chọn đối tác tranh cử của ông Biden để tạo thêm sự chia rẽ.

Lựa chọn ứng viên phó tổng thống có thể củng cố thế đứng cho ứng cử viên tổng thống, giống việc Bill Clinton chọn một bản sao "Đảng Dân chủ Mới" thông qua Al Gore. Hoặc sự lựa chọn đó có thể giúp giải quyết một điểm yếu mà ứng viên tổng thống gặp phải : Barack Obama và George W Bush từng chọn những người có kinh nghiệm về an ninh quốc gia là ví dụ. Sự lựa chọn của ông Trump, Mike Pence, đã gửi một thông điệp trấn an tới những người bảo thủ về văn hóa. Nếu ông Biden sử dụng lựa chọn của mình để trấn an các cử tri tiến bộ và cánh tả, thì có khả năng ông sẽ chọn một ứng cử viên có lập trường về các vấn đề gây phân cực. Điều này sẽ tạo ra một cơ hội cho ông Trump. Ví dụ, việc ủng hộ giảm ngân sách cho cảnh sát, phá bỏ tượng các cựu tổng thống và bồi thường cho các nô lệ sẽ khiến nhiều cử tri ôn hòa thấy khó chịu.

Để khai thác cơ hội này, ông Trump sẽ cần phải từ bỏ những lời ca ngợi có thể gây xúc phạm dành cho các biểu tượng và các lãnh đạo của Hợp bang Miền Nam, và thay vào đó tập trung sự chú ý vào những gì được gọi là "văn hóa xoá bỏ". Phong trào này đã được khởi xướng bởi những người tiến bộ trẻ tuổi, những người chỉ trích hoặc tẩy chay các nhân vật nổi tiếng vì các hành vi họ cho là tiêu cực. Nhưng nhiều người Mỹ khác lo lắng rằng phong trào này đang đi quá xa. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Cato/YouGov cho thấy 62% người Mỹ e ngại nói ra những điều họ tin bởi những người khác có thể thấy chúng gây khó chịu.

Nếu ông Trump tìm ra cách để khuếch đại các cáo buộc rằng một số giáo viên, nhà báo, lãnh đạo doanh nghiệp và sinh viên đã bị sa thải hoặc bị tẩy chay vì niềm tin của họ, hoặc thậm chí vì những lần lỡ lời lặt vặt, ông có thể xoay chuyển quan điểm của công chúng theo cách có lợi cho mình.

Hãy khoan loại bỏ Trump trước khi diễn ra ba cuộc tranh luận tổng thống. Đó là diễn đàn nơi ông thường thể hiện xuất sắc, như chúng ta đã thấy qua màn trình diễn của ông chống lại các đối thủ Cộng hòa khác hồi năm 2015-16 và sau đó là trước đối thủ Dân chủ Hillary Clinton. Bước đột phá lớn nhất của ông sẽ đến nếu Biden quay lại với phong cách hay lỡ miệng mà ông hay gặp phải trong nhiều thập niên qua. Lịch sử cho thấy điều này đã có hiệu quả cho Jimmy Carter khi chống lại Gerald Ford năm 1976, và cho George HW Bush khi chống lại Michael Dukakis năm 1988.

Cơ hội của Trump cũng sẽ được cải thiện nếu ông được coi là đang thực hiện các bước đi cần thiết để kiểm soát Covid-19 trong khi khôi phục được nền kinh tế. Các quan chức Dân chủ cũng như Cộng hòa đều nói với tôi rằng ba cuộc họp báo tuần trước của ông là một bước đi tích cực. Ông nói rõ rằng "đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt lên", hủy đại hội Đảng Cộng hòa, và tuyên bố hành động để thúc đẩy xét nghiệm tại các viện dưỡng lão, sản xuất vắc-xin coronavirus và cuối cùng là kêu gọi người Mỹ đeo khẩu trang. Hôm thứ Hai, ông đã đến Bắc Carolina để tổ chức các cuộc họp với một công ty sản xuất nguyên liệu cho một loại vắc-xin tiềm năng.

Ông Trump cũng có thể hưởng lợi nếu có những tin tức lạc quan thận trọng từ các loại vắc-xin tiềm năng hàng đầu của phương Tây, đặc biệt nếu ông được nhìn nhận là đang cố gắng hỗ trợ và đưa ra các cập nhật thường xuyên về tiến trình.

Chiến dịch tranh cử năm nay sẽ diễn ra trong một môi trường không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ gần đây. Sự bất định xung quanh việc bỏ phiếu qua bưu điện và khả năng tiếp cận cử tri, cũng như việc ông Trump hay vướng phải các bê bối nhỏ, càng làm gia tăng sự khó lường. Mặc dù ông Biden vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng rõ ràng vẫn còn thời gian để cuộc đua giữa hai người trở thành một cuộc đua cân bằng thực sự.

Dan Senor 

Nguyên tác : "It is too soon to write off Donald Trump’s election chances", Financial Times, 28/07/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/07/2020

Dan Senor là chuyên gia tư vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Mitt Romney năm 2012 và từngphục vụ trong chính quyền của George W Bush.

Published in Diễn đàn

Xin trả lời những câu hỏi thời sự nóng bỏng như sau :

1. Tỉ phú, nói chung, cỡ như Donald Trump (hay Bill Gates) làm ăn với phạm vi hoạt động khắp thế giới không nghĩ giống như người thường. Gọi họ là "internationalist" - người theo "chủ nghĩa quốc tế", chắc đúng hơn là "nationalist" - người theo "chủ nghĩa quốc gia", dù họ có nhẩy ra làm chính trị hay không, dù có hô khẩu hiệu "America First" hay không.

trump1

Cả gia đình con trai, con gái, con rể và Donald Trump đang làm ăn tiền tỉ với thị trường 1.400 triệu dân của Trung Quốc từ nhiều năm nay  

2. Riêng với Trump, cả gia đình Trump - con trai, con gái, con rể - đều rất coi trọng chuyện tài sản, tiền bạc, đang làm ăn tiền tỉ với thị trường 1.400 triệu dân của Trung Quốc từ nhiều năm nay, chống Trung Quốc để mất hết cơ nghiệp ở Tầu ư ? Chuyện này khó tin quá, nhất là Trump, không giống như Tập Cận Bình, phải nghĩ đến lúc phải rời bỏ quyền hành, sớm nhất là trong vài tháng, lâu nhất là thêm được 4 năm nữa. Gia đình này có lợi gì mà làm kẻ thù của những ông Con Trời nổi tiếng thù dai !

3. Tất cả các ứng viên Tổng thống Mỹ, trong thời kỳ tranh cử, đều "tranh"nhau chống Trung Quốc, bất kể Cộng hòa hay Dân chủ. Đề tài này ăn khách vì dân Mỹ nói chung những năm gần đây cảm thấy lo lắng, khó chịu trước thực tại nước Mỹ càng ngày càng thất thế trong cuộc cạnh tranh quyền lực và quyền lợi với nước Tầu cộng sản. Tuy nhiên, sau bầu cử thì ông tổng thống nào cũng sẽ nói giọng khác hẳn, nhân danh... hòa bình ! Riêng đối với Trump - đã có cái "base"/"bệ phóng" là 40% dân Mỹ ủng hộ một cách khá chắc chắn (vì một số lý do khá lạ lùng nhưng hiểu được) - nếu thổi lên được ngọn lửa chống Tầu đầy khí thế mà mình là quán quân thì có thể Trump thêm được một vài phần trăm dân ủng hộ, 4% chẳng hạn. Cộng với một vài phần trăm ở các lãnh vực khác (như tìm được thuốc trị Covid-19 hay vaccine tương đối hiệu quả, kinh tế có chút ánh sáng cuối đường hầm, chiêu bài "law and order"/"luật pháp và trật tự" khá ăn khách...) thì Trump, cuối cùng, vẫn có thể đủ "popular votes"/"phiếu dân bầu" để thắng phiếu Cử tri đoàn, nghĩa là được tái cử. Tóm lại, chống Tầu, đối với Trump là chiêu bài, là chiến thuật, là hỏa mù, là giương Đông kích Tây, là chiêu võ "cách sơn đả ngưu", là "diện" không phải là "điểm", là "trông vậy mà không phải vậy"... !

4. Trump đang trong giai đoạn uy tín xuống dốc vì khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế song hành chỉ còn khoảng một trăm ngày để lật ngược thế cờ nên muốn có thêm, giả sử, 4% như nói trên thì phải "diễn" thật hay, diễn như... thật. Không những Trump mà toàn nội các phải nói cùng một giọng, toàn đảng Cộng hòa cũng phải đồng ca một bài, phải đề cao cả những chính trị gia nổi tiếng chống Trung Quốc của đảng Cộng hòa như Ted Cruz, như Marco Rubio (tất nhiên không dùng chính trị gia chống Trung Quốc của đảng Dân chủ như Nancy Pelosi), phải rao bán sách "Death By China"/"Chết Dưới Tay Trung Quốc" của Peter Navarro... (1).

5. Về căn bản, nước Mỹ không còn đủ sức "trừng phạt" nước Tầu nữa. Trừng phạt bằng cách nào ? Chỉ là tự bắn vào chân hoặc là "ăn miếng, trả miếng" là cùng. Đấu với con mèo như đám Taliban, như Bắc Hàn của Kim Jong-un còn phải xuống nước cầu hòa, thì đấu với địch thủ to bằng con voi như nước Tầu thì đấu làm sao cho thắng ? Chiến tranh nguyên tử chắc là không rồi, mấy triệu quân hải, lục, không quân luân lưu tham chiến suốt 10 năm như thời chiến tranh Việt Nam cũng là không rồi, vậy chỉ còn cách áp đặt phong toả/embargo nhưng ai phong tỏa ai đây ? Ai cần mua hàng của ai hơn đây ? Hay con nợ dọa quịt số nợ hơn 1.000 tỉ Mỹ Kim thì chủ nợ phải đầu hàng !...

6. Trump leo thang "võ miệng" nhưng có thể không ngờ Tầu đang ngấm ngầm chuẩn bị "cướp thời cơ" : dùng toàn lực thanh toán gọn Đài Loan trong một tuần lễ sau khi đổ lỗi cho đế quốc Mỹ mưu đồ chia cắt nước Tầu lâu dài, lại hiếu chiến, khiêu khích trước. Mỹ và Đồng minh làm được gì trong trường hợp này, trước sự đã rồi ? Can thiệp thế nào khi đã chính thức công nhận Đài Loan là một phần của nước Trung Hoa, như can thiệp thế nào khi Tầu đã và đang "nuốt" sống Hongkong ?

Dĩ nhiên, trong nội bộ của Đảng cộng sản Tầu có thể vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi "nếu không phải lúc này - lúc đế quốc Mỹ yếu nhất, rối loạn nhất - thì còn đợi lúc nào ?," nhưng việc "mất" Đài Loan tức là sự biến mất nước Tầu thứ hai - thực thể Trung Hoa Dân Quốc/The Republic of China - nếu xẩy ra, sẽ là một hậu quả bất ngờ nhưng lại... không quá bất ngờ của cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 khi mà ông Tổng thống đương nhiệm Donald Trump quyết tâm bằng mọi cách ngồi lại ở tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ 4 năm !

Cao Tuấn

(27/07/2020)

Chú thích :

(1) Peter Navarro lý thuyết gia chống Tầu số 1 của Trump tố cáo - rất đúng, rất bài bản - Đảng cộng sản Tầu, từ thời Mao đến nay đã lãnh đạo nước Tầu từng bước vùng dậy "cướp thời cơ" như thế nào. Tuy nhiên, tư cách của Navarro xem ra kém cỏi, kém xa Jim Mattis, John Kelly nên được Tổng thống Trump dùng như một thứ "nô tài", cho làm một chức quan nhỏ là "trade adviser", khác hẳn Nixon đối xử với Kissinger, cũng là đảng viên của đảng Cộng hòa và là lý thuyết gia thân Tầu số 1... của nước Mỹ

Tham khảo :

Cao Tuấn, "Tại sao trận đấu Biển Đông giữa Mỹ và Tầu có thể vừa là Stalingrad vừa là Pearl Harbor của thế kỷ 21 ?",  08/02/2020

Published in Diễn đàn

Theo kết quả do hãng Gallup khảo sát được công bố vào tháng 8/2018, có tới 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân chủ thích chủ nghĩa xã hội.

trump1

Bài viết trước "Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích chủ nghĩa xã hội ? (BBC News tiếng Việt) đã giải thích hiện tượng nói trên.

Đồng tiền còn có 2 mặt, nói chi một xã hội tự do và đa nguyên nhất thế giới như nước Mỹ, hôm nay xin tiếp tục giải thích về thành phần bảo thủ tại Mỹ.

Giá trị Mỹ bị đảo ngược…

Vào những năm cuối thập niên 1950, nhà xã hội học Michael E. Harrington, người khai sinh tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ, nhận xét có hai nước Mỹ, một của người giàu và một của người nghèo.

Quyền lực kinh tế và chính trị đều nằm trong tay người giàu, vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.

Muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó ngay trên đất Mỹ.

Tư tưởng nói trên ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy (1961-63), một kế hoạch chống lại nghèo đói và bất công đã ra đời, và đã được Tổng thống Lyndon Johnson (1963-69) tiếp tục thực hiện.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các phong trào bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, chống chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống của người Mỹ.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa dần dà không chỉ trở thành chính sách của đảng Dân chủ, mà còn ảnh hưởng đến chính sách của đảng Cộng hòa, và ảnh hưởng đến nước Mỹ.

Những người trưởng thành trong thập niên 1960 và thập niên 1970 trở thành những nhà báo, nhà làm phim, nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động xã hội và chính trị, nhà giáo dục…, ảnh hưởng đến xã hội và đến thế hệ trẻ hơn.

Bởi thế ngay cả Hiến pháp và các giá trị truyền thống Mỹ những người trẻ ít được biết đến, họ được giáo dục, được đọc sách, đọc báo, xem phim ảnh, theo quan điểm của người cấp tiến xã hội chủ nghĩa.

Bảo thủ là thế nào ?

Nước Mỹ theo thể chế Cộng hòa, công dân Mỹ phải trung thành với Hiến pháp, nhưng mỗi người hiểu Hiến pháp mỗi khác.

Tối cao Pháp viện là cơ quan có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.

Tối cao Pháp viện gồm chín thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm trọn đời và Thượng viện phê chuẩn chấp nhận.

Các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ giải thích Hiến pháp và các đạo luật theo nghĩa gốc ban đầu tạo ra chính nó.

Còn các thẩm phán theo khuynh hướng cấp tiến giải thích ý nghĩa của Hiến pháp theo hoàn cảnh, theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ xung quanh việc ban hành đạo luật.

Tối cao Pháp viện có khi do phía cấp tiến nắm giữ và có lúc do phía bảo thủ quyết định.

Thành phần bảo thủ như vậy là những người muốn duy trì giá trị truyền thống do những nhà lập quốc Hoa Kỳ truyền lại trong Hiến pháp.

Quyền phá thai

trump2

Phụ nữ bang North Dakota xuống đường đòi quyền được phá thai trước ngày án lệ Roe v. Wade có hiệu lực

Án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai là án lệ gây tranh cãi và chia rẽ trong suốt 40 năm qua.

Án lệ được thành phần cấp tiến nhiệt tình ủng hộ vì nó đáp ứng quyền riêng tư và nữ quyền, nhưng đã phạm vào niềm tin và tín ngưỡng của thành phần bảo thủ.

Án lệ được Tối cao Pháp viện phán quyết ngày 22/1/1973, theo Tu chính án số 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai và quyền này được quy định trong suốt thời gian người phụ nữ mang thai.

Nhưng Tối cao Pháp viện đồng thời lại cho phép các tiểu bang ấn định khi nào bào thai có khả năng tồn tại độc lập, vì thế ở một số tiểu bang bảo thủ quyền phá thai gần như không được thi hành.

Quan điểm bảo thủ…

Những người có tín ngưỡng tin rằng bào thai là nguồn sống được Thượng đế ban cho con người và đất nước Hoa Kỳ, nên không ai được quyền tước đi mạng sống của người khác.

Những người bảo thủ còn tin rằng việc phá thai, sẽ dẫn đến việc xa rời đức tin tôn giáo, phá bỏ truyền thống gia đình và xã hội.

Trong khi những người cấp tiến tin vào kế hoạch hóa gia đình, thì người bảo thủ lập luận việc phá thai khiến nước Mỹ bị lão hóa phải nhận thêm di dân, càng đông di dân càng hủy hoại giá trị truyền thống của người Mỹ.

Vào năm 1995, bà Norma McCorvey người tạo ra án lệ Roe v. Wade trở thành một tín hữu Tin Lành, bà nhìn nhận khi còn trẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến án lệnh này.

Bà McCorvey rất hối hận nên đã trở thành một nhà hoạt động chống phá thai, bà đã từng điều trần trước Quốc Hội chống lại việc phá thai.

Phán quyết đổi chiều…

Vào đầu tháng 6/2019, Tối cao Pháp viện Mỹ bất ngờ ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.

Quyết định này được xem là bước đầu công nhận bào thai không phải là chất thải y tế, mà là con người khi mất phải được đối xử trang nghiêm.

Khi đã xem bào thai là con người, bước kế tiếp là bào thai có quyền được sống được hưởng mọi thứ quyền mà công dân Hoa Kỳ được hưởng.

Nhưng các thẩm phán Tối cao Pháp viện cẩn thận đưa ra một phán quyết khác là trong một số trường hợp phụ nữ ở tiểu bang Indiana tiếp tục có quyền phá thai.

Người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump

Tổng thống Trump chống lại việc phá thai, nhưng lại đồng ý trong trường hợp người phụ nữ bị hãm hiếp, hay loạn luân, hay để bảo vệ cuộc sống của người mẹ, người phụ nữ có quyền phá thai.

Mặc dù, quan điển này không được giới chống phá thai đồng ý, nhưng họ đều biết chính nhờ ông Trump đã bổ nhiệm 2 thẩm phán bảo thủ nên mới có được kết quả nói trên.

Ngay sau đó đã có tới mười tiểu bang ban hành các quy định phá thai và cấm phá thai nhằm thách thức Tối cao Pháp viện phải xét lại quyền phá thai.

Con số phá thai đã giảm rất nhiều, nhiều phòng khám phá thai đã phải đóng cửa, tiểu bang Missouri không có phòng khám phá thai nào…

Theo khảo sát được Democracy Institute/Sunday Express công bố ngày 14/7/2020, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.

Đặc biệt, 90% người theo Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) bày tỏ ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden.

56% người theo Tin lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden.

Còn người theo Công giáo Roma 52% ủng hộ ông Trump, 44% ủng hộ ông Biden.

Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).

Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản …

Ngày 9/7/2020, ông Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ, tại Dunmore, tiểu bang Pennsylvania đã công khai kế hoạch tranh cử Tổng thống trong đó có việc "chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông" (era of shareholder capitalism).

Ông cho biết sẽ thay thế bằng một hệ thống quản trị xí nghiệp dựa trên quyền lực của các nghiệp đoàn lao động và dựa trên các cộng đồng người da đen, da màu và người Mỹ bản địa.

Ông định mức lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ và dự định tăng thuế thu nhập công ty từ mức thuế 21% hiện nay lên 28%, trở lại mức thuế thời Tổng thống Obama.

Việc Tổng thống Trump vào năm 2017 giảm thuế công ty xuống còn 21%, đã vực dậy nền kinh tế Mỹ, giảm thất nghiệp đến mức thấp nhất trong vòng mấy chục năm, nhất là giảm thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc da đen.

Những chính sách của ông Biden tương tự với ý tưởng của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người cực tả, có lập trường đối nghịch với thành phần bảo thủ kinh tế những người tin vào kinh tế tự do, chính phủ không can thiệp vào hoạt động xí nghiệp, giảm thiểu thuế công ty.

Bảo thủ chống chủ nghĩa xã hội

Hai thí dụ trong bài nói lên sự khác biệt về xã hội và kinh tế giữa thành phần bảo thủ và thành phần cấp tiến theo xã hội chủ nghĩa tại Mỹ.

Ngay từ thời Tổng thống John F. Kennedy (1961-63), những cuộc tranh cử Tổng thống và tranh cử giữa kỳ tại Mỹ, đều là những cuộc giao đấu chính trị giữa hai khuynh hướng bảo thủ và xã hội.

Những đề tài chính trị khác, như bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, bảo vệ môi trường, toàn cầu hóa, thương mãi Mỹ-Trung, mở cửa phục hồi kinh tế sau đại dịch…, sẽ là những đề tài tranh cãi giữa các ứng cử viên trong cuộc tranh cử 2020 sắp tới.

Cuối cùng khối cử tri trung dung, thầm lặng quan sát, cân nhắc và quyết định kết quả cuộc bầu cử.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/07/2020

Published in Diễn đàn

Liệu Donald Trump có đe dọa dân chủ Mỹ ?

Võ Ngọc Ánh, 12/07/2020

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Donald Trump đang làm xói mòn nền dân chủ Mỹ.

trump1

Sáng ngày 9/2, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng Tổng Thống Trump phải trình bản khai thuế cá nhân của ông cho tòa án New York.

Ông John Roberts, Chánh án Tòa tối cao đã khẳng định, Tổng thống không đứng trên luật pháp.

"Hôm nay chúng tôi tái xác nhận nguyên tắc, Tổng thống không được miễn khỏi trát tòa hình sự của tiểu bang đòi hỏi những giấy tờ cá nhân và cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao hơn".

Ngay sau khi phán quyết này được đưa ra, ông Trump đã tự biến mình trở thành nạn nhân sau nhiều loạt tweet.

Khác với những Tổng thống tiền nhiệm trước đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn tìm mọi cách với quyền lực Tổng thống trong tay để không công khai hồ sơ thuế cá nhân.

Nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao ông Trump lại phải giấu hồ sơ thuế của mình? Phải chăng bên trong đó còn có những khuất tất mà báo chí đã nói nhiều trong thời gian qua?

Nền dân chủ Mỹ bị đe dọa bởi Tổng thống

Ông Trump đã nhiều lần tấn công vào nền tư pháp độc lập qua việc lên án những thẩm phán đã hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp của ông.

Tháng trước Tòa án Tối cao đã phán quyết bác bỏ lệnh của ông Trump về việc hủy bỏ chương trình bảo vệ trẻ nhập cư lậu.

Ngay sau đó Trump phản ứng bằng loạt tweet cho rằng, "Các quyết định mang động cơ chính trị được đưa ra từ Tòa án Tối cao. Đây là những phát súng bắn vào mặt những ai tự hào mình là đảng viên Cộng hòa hoặc bảo thủ".

Ông Trump còn cho rằng : "Do tư pháp không ưa ông nên mới ra phán quyết vậy".

Hồi năm 2017, ông Trump cũng đe dọa, có nhiều lời lẽ thiếu xứng hợp với các thẩm phán chặn sắc lệnh hành pháp cấm nhập cư từ bảy nước có đông dân theo Hồi giáo.

VIETNAM-US-NKOREA-DIPLOMACY-SUMMIT

Donald Trump luôn tỏ ra thân thiết và ngưỡng mộ các nhà độc tài trên khắp thế giới…

Trên cương vị Tổng thống, Trump liên tục cản trở sự điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông ngăn người ra làm chứng trong cuộc điều tra của Hạ viện.

Ông Trump dường như không nhận thức giới hạn quyền lực Tổng thống, nên đã có nhiều quyết định trái với luật pháp, hành động, phát biểu trái với nền dân chủ.

Ông chủ Nhà Trắng hiện nay, nhiều lần cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016, dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Các cuộc điều tra cũng không cho thấy điều ông nói là đúng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không ngừng tấn công trực tiếp vào nền báo chí độc lập.

Trên Twitter, ông Trump liên tục gọi báo chí là "Kẻ thù của nhân dân", đòi bỏ tù phóng viên. Ông cáo buộc báo chí đưa tin, bình luận không có lợi cho ông bằng từ "fake news". Bất kể đó là những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times, Washington Post, TIME, Newsweek, hay các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC.

Ngay cả Fox News, The Wall Street Journal của cánh hữu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông, nếu đăng trái ý ông.

Tính lưỡng đảng yếu tố đảm bảo sự cạnh tranh chính trị, giúp nước Mỹ chọn ra giải pháp tốt để điều hành quốc gia chưa bao giờ lại khó hòa giải như từ lúc ông Trump bước vào Nhà Trắng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không tạo ra sự đoàn kết quốc gia. Thay vào đó ông liên tục tạo ra mâu thuẫn, khoét thêm chia rẽ đảng phái. Cựu Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã phải thốt lên rằng ông Trump, "Cố tình chia rẽ dân Mỹ".

Đòi dùng quân đội để đè bẹp biểu tình

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nước Mỹ phải đối diện với những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc. Phong trào "Black Lives Matters" bùng lên qua nhiều năm âm ỉ sau cái chết của George Floyd hôm 25/5.

Trước các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã không xoa dịu sự căm phẫn của đám đông. Thay vào đó, ông đã đổ thêm dầu vào lửa khi đánh đồng đa số những người biểu tình ôn hoà với thiểu số những kẻ lợi dụng thời cơ đập phá hôi của.

"Những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp, những đám đông bạo lực, những kẻ cướp bóc, tội phạm, những kẻ bạo loạn". Đây là lời buộc tội của Tổng thống Trump về người biểu tình của phong trào "Black lives matter" vào tối ngày 1/6, tại Nhà Trắng.

Những ngày sau đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ tiếp tục đe dọa bắn, thả chó hung dữ, đến dùng vũ khí mạnh mẽ nhất để đè bẹp người biểu tình chống việc kỳ thị chủng tộc của cảnh sát.

Không dùng lại ở lời nói, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã nhanh nhảu lạm dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình tại thủ đô Washington. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được điều động về thủ đô theo lệnh Tổng thống. Tuy nhiên sau đó đã phải rút đi do phản ứng của thị trưởng Muriel Bowser và công chúng.

Ông Trump đe dọa dùng bạo lực để đàn áp. Đòi đưa Vệ binh Quốc gia xuống "giải quyết" vấn đề nếu các thống đốc các tiểu bang và thị trưởng thành phố không nhanh chóng dẹp biểu tình.

Hành động đe dọa của ông Trump còn cho thấy một dấu hiệu lạm quyền của chính phủ liên bang đối với các tiểu bang.

Với những lời phát biểu, hành động của mình, ông Trump đã tấn công trực tiếp vào sự thực hành và biểu hiện của nền dân chủ Mỹ qua các cuộc biểu tình.

Cũng ông Trump trong hai tháng qua đã nhiều lần gây sức ép với các thống đốc tiểu bang mở cửa hoạt động trở lại bình thường và xem nhẹ việc lây lan của dịch bệnh.

Trước những lời nói, hành động của Tổng thống Donald Trump, ông Colin Powell cựu tướng bốn sao, và cựu Ngoại trưởng Mỹ đã phải lên tiếng "ông Trump đang rời xa Hiến pháp".

Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã có không ít cáo buộc, phát biểu gây sức mẻ ‘ngọn hải đăng’ các giá trị dân chủ của thế giới.

Cần trung thành với Trump hơn Hiến pháp

Không quá khó để thấy được trong thời gian nắm cương vị Tổng thống, ông Trump chỉ thích dùng người trung thành với ông hơn với Hiến pháp và lời thề công việc của họ. Những lời thề vốn dĩ đảm bảo tính chuẩn mực, trách nhiệm, khách quan, quy trình để kiểm soát công việc.

Bởi thế ngay khi vào Nhà Trắng, Donald Trump đã yêu cầu James Comey, Giám đốc FBI bày tỏ sự trung thành với ông. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông Trump nhanh chóng loại bỏ Comey bằng người khác dễ bảo hơn. Thông tin sau đó cho thấy James Comey đã không làm theo mong muốn của Tổng thống.

Chưa có Tổng thống Mỹ nào sa thải, hoặc gây sức ép để sa thải, thay thế nhân sự nhiều như Donald Trump. Từ cố vấn, đến chuyên viên, bất kể ai, không làm vui lòng Trump, phản đối, hay gây bất lợi cho ông bằng sự thật, trách nhiệm công việc đều nhanh chóng bị mất chức.

Trong hơn ba năm, Trump đã sa thải hay ép từ chức hoặc buộc phải từ chức các cố vấn Michael Flynn, H.R. McMaster, Steve Bannon, John Bolton, Michael Flynn. Chánh văn phòng Nhà Trắng từ Reince Priebus, đến John Kelly và Mick Mulaney.

Việc thay đổi nhân sự ở Nhà Trắng của chủ nhân Trump, giống như nơi đây chỉ tuyển nhân viên tập sự.

Chưa hết một nhiệm kỳ, ông Trump đã một lần bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hai lần thay bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bốn lần thay Phát ngôn viên Nhà Trắng.

Tháng trước, Geoffrey Berman, người đứng đầu cuộc điều tra luật sư riêng của Donald Trump bị sa thải dưới sức ép của Tổng thống.

Ít nhất ba người làm chứng trong việc điều tra luận tội Donald Trump tại Thượng viện đã bị ông buộc thôi việc.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, sau khi bỏ phiếu kết tội ông Trump về "Tội lạm quyền" đã bị ông công kích nhiều lần. Bà Murkowski, Thượng nghị sĩ bang Alaska sau phát biểu, cân nhắc có nên ủng hộ Trump trong lần bầu cử tới hay không, liền bị Trump tấn công.

Ngược lại, Donald Trump bất chấp dư luận, đưa con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner vào vị trí cố vấn cấp cao buộc nhiều người sừng sỏ phải nghe theo. Dù họ chưa hề có kinh nghiệm chính trị, hoặc các vị trí dân cử.

Do thiếu niềm tin, cần sự trung thành, Donald Trump đã dùng người nhà trong chính phủ, phá vỡ sự độc lập giữa công quyền và tư lợi, vốn là nền tảng dân chủ Mỹ xưa nay.

Phải chẳng Tổng thống Donald Trump đang phá vỡ nền dân chủ Mỹ trong cái tôi quá lớn cùng các toan tính, lợi lộc cá nhân, phe nhóm lên trên lợi ích quốc gia ?

Võ Ngọc Ánh

(12/07/2020)

 

*********************

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ : không ai ở trên pháp luật - Tổng thống Trump phải nộp hồ sơ khai thuế cho Tòa án New York 

Với bẩy phiếu thuận và hai phiếu chống, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào ngày 9/7/2020, đã phán quyết rằng Tổng thống Trump phải trình bản khai thuế cá nhân của ông cho tòa án New York theo trát của tòa án này.

thue1

Chánh Án John G. Roberts Jr. thay mặt Tối cao Pháp viện nhận định rằng tổng thống, nhà lãnh đạo hành pháp, không đứng trên pháp luật. Ông viết nguyên văn như sau :

"Hôm nay chúng tôi tái xác nhận một nguyên tắc là tổng thống không tuyệt đối được miễn thi hành trát tòa hình sự của tiểu bang đòi hỏi những giấy tờ cá nhân và cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao hơn".

Tất cả chín thẩm phán Tối cao Pháp viện đều đồng ý về một điểm là tất cả mọi người kể cả tổng thống đều bị chi phối bởi pháp luật. Những điều khác phán quyết của Tối cao Pháp viện không thống nhất với tỉ lệ 7-2. Hai thẩm phán bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump là các ông Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh bỏ phiếu thuận. Chỉ có hai thẩm phán bảo thủ bỏ phiếu chống là Clarence Thomas và Samuel A. Alito Jr.

Cuộc điều tra Trump Organization của Tòa án New York

thue2

Luật sư Cyrus R, Vance Jr. của khu tư pháp Mahattan District của New York nhận định rằng "Đây là một thắng lợi vô cùng lờn lao cho hệ thống tư pháp quốc gia và nguyên tắc lập quốc là - không môt ai, kể cả tổng thống - ở trên pháp luật. Cuộc điều tra của chúng tôi bị trì hoãn gần một năm vì vụ kiện này nay sẽ được tái tục".

Luật sư Vance đang điều tra xem Trump Organization có làm giả hồ sơ thương mại nhắm che đậy tiền trả hai phụ nữ - bao gồm cô đào cởi chuồng Stormy Daniels và người mẫu Playboy Karen McDougal - để ém nhẹm liên hệ của ông Trump với hai người này hay không.  Dùng tiền hay đe dọa để bịt miệng người khác là vi phạm luật bầu cử của Hoa Kỳ. Ông Trump từng phủ nhận những điều này.

thue3

Hai nhà báo Neal Katyal và Joshua A. Geltzer nhận định trên Washington Post rằng tổng thống thỉnh thoảng thua tại Tối cao Pháp viện nhưng chưa thấy người nào thảm bại như ông Donald Trump. Tối cao Pháp viện rõ ràng bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump và trường phái ủng hộ ông là tổng thống được bảo vệ hoàn toàn đối với những kiểm tra từ bên ngoài. Hồ sơ tài chánh mà ông Trump lâu nay cố gắng hết mình để dấu diếm, nay sớm hay muộn sẽ bị tiết lộ ra ngoài và có thể trước ngày bầu cử.  

Theo hai nhà báo,  đây là một chiến thắng rõ ràng và hoàn hảo của Luật sư Cyrus Vance Jr. và là một thất bại khủng khiếp của Tổng thống Trump và quan điểm phản dân chủ về chức vụ tổng thống của ông.

Tiến trình xét xử đại bồi thẩm đoàn (grand jury process) của tòa án New York sẽ được súc tiến nhanh chóng. Hồ sơ thuế của Tổng thống Trump có thể trình lên đại bồi thẩm đoàn để kết tội trong vài ngày hay vài tuần, nhưng không phải vài tháng. Vụ kiện của Luật sư Vance đã kéo dài vài năm, nhưng nay với phán quyết của Tối cao Pháp viện vào ngày 9/7/2020, vụ kiện này không còn gặp trở ngại nữa. Tối cao Pháp viện là cơ hội cuối cùng đối với Tổng thống Trump. Không may phán quyết của Tối cao Pháp viện mang lại bất lợi cho ông và báo hiệu những ngày đen tối sắp tới đối với cá nhân Tổng thống Trump.

Vào năm vừa qua, ProPublica có trụ sở đặt tại thành phố New York, đã khám phá hai hồ sơ khai thuế liên quan đến tài sản ở thành phố này có nhiều điểm mâu thuẫn của Tổng thống Trump. Một hồ sơ để trả thuế và một hồ sơ để vay tiền.  Theo ProPublica đây có thể là dấu hiệu của sự gian lận (financial fraud) qua sự phân tách của các chuyên viên về bất động sản. Những khác biệt về những con số làm cho tài sản của ông Trump tăng giá trị hơn đối với những cơ quan cho mượn tiền và làm giảm giá trị xuống đối với các cơ quan thuế vụ.

Điều tra và Hạ viện

thue4

Trong một vụ kiện khác liên quan đến trát của Hạ viện Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện trả lại hồ sơ cho các tòa dưới vì có vấn đề liên quan đến sự phân quyền giữa hành pháp và lập pháp.

Đây là tin bất hạnh cho Donald Trump vì những hậu qua tại hại nếu thuế của ông được công khai hóa hoặc ít ra được các cơ quan điều tra tội phạm phân tách.  Tối cao Pháp viện củng cố quyền điều tra của Quốc hội tuy nhiên quyền điều tra không phải là vô hạn. Khi cần tài liệu cá nhân của tổng thống cần phải cụ thể và rõ ràng.

Cuộc điều tra của Quốc hội rộng lớn hơn tòa án New York. Ba tiểu ban của Hạ viện đang thu thập hồ sơ tài chánh của Tổng thống Trump để điều tra rửa tiền của Nga và ảnh hưởng của nước ngoài đối với ông Trump. Hạ viện đòi tài liệu của bẩy cơ quan kinh doanh cũng như những chương mục cá nhân của Tổng thống Trump và ba người con lớn.

Tổng thống Donald Trump tỏ vẻ tức giân về hai phán quyết của Tối cao Pháp viện. Ông nghĩ là Tối cao Pháp viện không công bằng với ông hay chính quyền của ông và ông trở thành nạn nhân của áp bức chính trị (political persecution).

Kể từ đầu thập niên 1970, tất cả các tổng thống Hoa Kỳ, kể cả ông Richard Nixon, và một số phó tổng thống, đều tự nguyện công khai hóa hồ sơ khai thuế cá nhân mặc dù luật pháp không bắt buộc. Tổng thống Gerald Ford không phổ biến toàn bộ hồ sơ khai thuế nhưng ông công khai hóa bản tóm tắt 10 năm thuế bao gồm tổng số lợi tức, lợi tức phải đóng thuế, những phần được miễn thuế và tiền thuế đã trả.

Tong thời gian tranh cử 2016, ông Donald Trump hứa sẽ công khai hóa hồ sơ thuế vào 2015 nhưng cho tới nay ông vẫn thất hứa. Sau khi nhậm chức tổng thống, ông quyết định duy trì quyền sở hữu về kinh doanh quốc tế. Do đó, hồ sơ thuế của ông là nguồn cung cấp tin tức về giao dịch của ông với những cơ sở làm ăn ở các nơi trên thế giới.  Ông hi vọng tranh chấp về hồ sơ thuế của ông đưa lên Tối cao Pháp viện ông sẽ thắng vì năm thẩm pháp bảo thủ do các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm chiếm đa số. Tuy nhiên cả hai thẩm phán do ông bổ nhiệm và chánh án Tối cao Pháp viện cũng bỏ phiếu chống lại ước vọng của Tổng thống.

thue5

Tổng thống Trump thường rêu rao rằng ông không công khai hóa hồ sơ khai thuế được vì hồ sơ này đang được sở thuế IRS kiểm tra. Tuy nhiên không có luật nào cấm ông phổ biến hồ sơ thuế của ông dù đang bị kiểm tra. Trong khi đó, ông Joe Biden đã công khai hóa hồ sơ thuế trong 21 năm theo truyền thống của tất cả các ứng cử viên tổng thống trong thời gian gần đây ngoại trừ Donald Trump.  Với hành động phổ biến hồ sơ thuế, ông Biden đã đẩy Tổng thống Trump vào ngõ cụt và khó xử.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện và chủ tịch các tiểu ban điều tra ca ngợi phán quyết của Tối cao Pháp viện như một chiến thắng và là một biểu thị cho thấy là tổng thống không ở trên pháp luật.

Tuy nhiên Dân biểu Lloyd Doggest (Dân chủ, Texas), một thành viên của Ways and Means Committee tuyên bố rằng "Tổng thống Trump bị đánh bại về ý niệm ở trên pháp luật. Nhưng ông ở ngoài vòng pháp luật cho tới sau tháng 11. Ông không có thể thoát khỏi luật pháp, nhưng vượt qua được giới hạn thời gian". Với phán quyết thứ hai của Tối cao Pháp viện, những cuộc điều tra của Hạ viện sẽ bị trì hoãn thêm một thời gian nữa vì chưa thể có hồ sơ thuế của Tổng thống Trump trong lúc này.

Vụ điều tra của Hạ viện sẽ cần thêm thời gian. Tuy nhiên Vụ điều tra của tòa án New York với phán quyết của Tối cao Pháp viện sẽ có thể mang lại kết quả sớm trước ngày bầu cử 3/11/2020. Cử tri nào lại muốn bỏ phiếu cho một ứng cử viên rất có thể bị kết tội và phải chịu lãnh án hình sự ngay trước hay sau ngày bầu cử.

Tin giờ chót cho hay sau khi Tối cao Pháp viện ra phán quyết, Chánh án Victor Marrero của Tòa án New York đã cho các luật sư của Tổng thống Trump một tuần lễ để một lần nữa có cơ hội thách thức trát của tòa án đòi hồ sơ thuế của ông Trump. Phe nguyên đơn đã tìm mọi cách để trì hoãn trát của tòa từ cuối tháng 8/2019 đến nay.

Kết luận

Vào tháng 10/2019, trong khi vụ luận tội Tổng thống Trump còn đang sôi động, tôi đã viết bài bình luận với tựa đề "Thuế : Cơn ác Mộng của Tổng thống Trump" được phổ biến trên một số báo và mạng tin tức trong đó có Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, Dân Luận, Nhân Quyền, Đối Thoại,… Thuế mới là cái máy chém đối với Tổng thống Trump. Thượng viện Cộng hòa đã cứu ông trong vụ luận tội nhưng phải bó tay trước vụ hồ sơ thuế.

Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử đen tối trong thời cận đại của Hoa Kỳ. Chính trị ảnh hưởng đến mọi giới, mọi sinh hoạt trong xã hội. Hãy thận trọng dùng lá phiếu cử tri vào 3/11 sắp tới. 

Nguyễn Quốc Khải

(11/07/2020)

Liệu Donald Trump có đe dọa dân chủ Mỹ ?

Võ Ngọc Ánh, 12/07/2020

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Donald Trump đang làm xói mòn nền dân chủ Mỹ.

111111111111111111

Sáng ngày 9/2, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng Tổng Thống Trump phải trình bản khai thuế cá nhân của ông cho tòa án New York.

Ông John Roberts, Chánh án Tòa tối cao đã khẳng định, Tổng thống không đứng trên luật pháp.

"Hôm nay chúng tôi tái xác nhận nguyên tắc, Tổng thống không được miễn khỏi trát tòa hình sự của tiểu bang đòi hỏi những giấy tờ cá nhân và cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao hơn".

Ngay sau khi phán quyết này được đưa ra, ông Trump đã tự biến mình trở thành nạn nhân sau nhiều loạt tweet.

Khác với những Tổng thống tiền nhiệm trước đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn tìm mọi cách với quyền lực Tổng thống trong tay để không công khai hồ sơ thuế cá nhân.

Nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao ông Trump lại phải giấu hồ sơ thuế của mình? Phải chăng bên trong đó còn có những khuất tất mà báo chí đã nói nhiều trong thời gian qua?

Nền dân chủ Mỹ bị đe dọa bởi Tổng thống

Ông Trump đã nhiều lần tấn công vào nền tư pháp độc lập qua việc lên án những thẩm phán đã hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp của ông.

Tháng trước Tòa án Tối cao đã phán quyết bác bỏ lệnh của ông Trump về việc hủy bỏ chương trình bảo vệ trẻ nhập cư lậu.

Ngay sau đó Trump phản ứng bằng loạt tweet cho rằng, "Các quyết định mang động cơ chính trị được đưa ra từ Tòa án Tối cao. Đây là những phát súng bắn vào mặt những ai tự hào mình là đảng viên Cộng hòa hoặc bảo thủ".

Ông Trump còn cho rằng : "Do tư pháp không ưa ông nên mới ra phán quyết vậy".

Hồi năm 2017, ông Trump cũng đe dọa, có nhiều lời lẽ thiếu xứng hợp với các thẩm phán chặn sắc lệnh hành pháp cấm nhập cư từ bảy nước có đông dân theo Hồi giáo.

222222222222222222

Donald Trump luôn tỏ ra thân thiết và ngưỡng mộ các nhà độc tài trên khắp thế giới…

Trên cương vị Tổng thống, Trump liên tục cản trở sự điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông ngăn người ra làm chứng trong cuộc điều tra của Hạ viện.

Ông Trump dường như không nhận thức giới hạn quyền lực Tổng thống, nên đã có nhiều quyết định trái với luật pháp, hành động, phát biểu trái với nền dân chủ.

Ông chủ Nhà Trắng hiện nay, nhiều lần cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016, dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Các cuộc điều tra cũng không cho thấy điều ông nói là đúng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không ngừng tấn công trực tiếp vào nền báo chí độc lập.

Trên Twitter, ông Trump liên tục gọi báo chí là "Kẻ thù của nhân dân", đòi bỏ tù phóng viên. Ông cáo buộc báo chí đưa tin, bình luận không có lợi cho ông bằng từ "fake news". Bất kể đó là những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times, Washington Post, TIME, Newsweek, hay các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC.

Ngay cả Fox News, The Wall Street Journal của cánh hữu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông, nếu đăng trái ý ông.

Tính lưỡng đảng yếu tố đảm bảo sự cạnh tranh chính trị, giúp nước Mỹ chọn ra giải pháp tốt để điều hành quốc gia chưa bao giờ lại khó hòa giải như từ lúc ông Trump bước vào Nhà Trắng.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ không tạo ra sự đoàn kết quốc gia. Thay vào đó ông liên tục tạo ra mâu thuẫn, khoét thêm chia rẽ đảng phái. Cựu Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã phải thốt lên rằng ông Trump, "Cố tình chia rẽ dân Mỹ".

Đòi dùng quân đội để đè bẹp biểu tình

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nước Mỹ phải đối diện với những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc. Phong trào "Black Lives Matters" bùng lên qua nhiều năm âm ỉ sau cái chết của George Floyd hôm 25/5.

Trước các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã không xoa dịu 

Published in Diễn đàn

Tòa án tối cao Mỹ cho phép New York đòi Donald Trump nộp bản khai thuế (RFI, 10/07/2020)

Một thất bại đối với tổng thống Donald Trump : Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 09/07/2020 quyết định rằng công tố viên New York có quyền đòi hỏi bản khai thuế của ông Trump.

toaan1

Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ tại Washington ngày 03/05/2020. Reuters - Will Dunham

Tuy nhiên cơ quan tư pháp cao nhất nước Mỹ vẫn tạm thời ngăn không cho Hạ Viện tiếp cận các tài liệu về tài chính của ông chủ Nhà Trắng.

Yêu cầu của công tố viên Cyrus Vance được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ một nữ diễn viên phim khiêu dâm nhận tiền để giữ im lặng về quan hệ với ông Trump trước đó.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :

 "Không có một công dân nào và ngay cả tổng thống có thể tránh né việc cung cấp các tài liệu trong trường hợp bị điều tra hình sự" - Tòa án Tối cao quyết định như trên. Nhưng cơ quan tư pháp tối cao của nước Mỹ vẫn cho phép ông Donald Trump phản biện trước tòa, việc này có thể kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên tổng thống vẫn đòi hỏi phải được quyền miễn trừ toàn bộ. Ông tức giận, tố cáo một quyết định mang ý đồ chính trị.

Ông Donald Trump tuyên bố : "Đó là một cuộc săn đuổi phù thủy mang tính chính trị, chưa từng thấy bao giờ. Một cuộc săn phù thủy đơn thuần, một trò dàn dựng hoàn toàn chính trị. Trò săn phù thủy này vẫn tiếp tục, và nó đã bắt đầu từ trước khi tôi đặt chân vào đây, khi Obama, Biden và những người khác dọ thám chiến dịch tranh cử của tôi một cách bất hợp pháp".

Trong phán quyết thứ nhì, tòa tối cao không chấp nhận đòi hỏi của Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số - yêu cầu tổng thống Donald Trump phải cung cấp các bản khai thuế - mà chuyển xuống các tòa án cấp thấp hơn. Như vậy các bí mật về tài chính của ông Donald Trump chắc chắn sẽ không bị tiết lộ trước kỳ bầu cử tổng thống.

Joe Biden hứa bơm 700 tỉ đô la vào nền kinh tế nếu đắc cử

Trong khi đó đối thủ của ông Trump hôm qua trình bày một kế hoạch tái thúc đẩy đầy tham vọng với 700 tỉ đô la. Cựu phó tổng thống Joe Biden, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, muốn tung cú đòn lớn sau ba tháng chật vật với chiến dịch tranh cử trong đại dịch.

Kế hoạch "Build Back Better" (Tái thiết tốt hơn) của Biden dành 400 tỉ đô la để mua sản phẩm và thiết bị nhằm hiện đại hóa hạ tầng, tái lập kho dự trữ để bảo đảm an toàn ; và 300 tỉ đô la cho nghiên cứu phát triển, sáng tạo công nghệ. Chương trình này hy vọng giúp 18 triệu người thất nghiệp vì dịch virus corona tìm được chỗ làm, đồng thời tạo thêm 5 triệu việc làm mới nhờ đầu tư công ồ ạt trong 4 năm.

Ông bảo đảm tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ được dùng để mua hàng Mỹ và hỗ trợ công ăn việc làm của người Mỹ. Để tài trợ cho kế hoạch và giữ chân sản xuất tại Mỹ, Joe Biden dự kiến tăng gấp đôi thuế lợi tức với các công ty đặt ở nước ngoài. Đưa sản xuất trở về nước, chống lại thương mại bất công với Mỹ : Joe Biden sử dụng cùng một lý lẽ đã giúp Donald Trump chiến thắng năm 2016, nhưng theo Biden thì ông Trump "là một người tệ hại để lãnh đạo đất nước".

Thụy My

*******************

Covid-19 : Châu Mỹ lún sâu vào vực thẳm (RFI, 10/07/2020)

Thêm hơn 65.000 ca lây nhiễm virus corona trong một ngày tại Mỹ, hệ thống y tế tại Panama "vỡ trận", quyền tổng thống Bolivia dương tính với Covid-19.

toaan2

Hệ thống bệnh viện ở Panama được cho là bị "vỡ trận". Một khoa hồi sức cấp cứu tại bệnh viện Dr. Arnulfo Arias Madrid Hospital, Panama ngày 04/07/2020. AFP - LUIS ACOSTA

Tính đến 8 giờ 30 tối ngày 09/07/2020, Mỹ ghi nhận thêm 65.500 ca dương tính với virus corona và 1.000 bệnh nhân tử vong, theo thẩm định của đại học Johns Hopkins. Trên toàn quốc, nước Mỹ đã có tổng cộng 3,11 triệu người bị nhiễm.

Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng, nói đến "tình trạng rất khó khăn" của nước Mỹ trước dịch Covid-19. Ông mạnh mẽ chỉ trích các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa bất cẩn, và các quyết định "xem thường tất cả những khuyến nghị". Trả lời báo The Hill qua cầu truyền hình, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ cho rằng "các bang phải tạm ngừng tiến trình xóa bỏ các biện pháp phong tỏa" và điều đó không có nghĩa là phải "đóng cửa hoàn toàn" các sinh hoạt trên toàn quốc.

Mặc dù số ca nhiễm virus corona tại Mỹ tăng lên từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, tổng thống Trump cho đến hôm 09/7 vẫn khẳng định là tình hình đã khả quan hơn và số bệnh nhân tăng mạnh nhờ Mỹ cho xét nghiệm ồ ạt.

Nam Mỹ ʺvỡ trậnʺ

Sát cạnh với Hoa Kỳ, hôm 09/07/2020 cũng là ngày Mêhicô có số bệnh nhân cao nhất từ đầu mùa dịch với thêm 7.280 ca được phát hiện trong một ngày. Trên tổng số 127 triệu dân, Mêhicô sắp chạm ngưỡng 290.000 ca nhiễm và đã có 33.526 người tử vong. Mêhicô đứng thứ 5 trên thế giới về thiệt hại nhân mạng.

Trong khi đó hệ thống y tế Panama đã bị quá tải. Với vỏn vẹn 4 triệu dân, quốc gia này có lúc đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong một ngày. Bác sĩ David Villalobos, giám đốc khoa cấp cứu tại thủ đô Panama báo động "hệ thống y tế nước này đã hoàn toàn sụp đổ. Không còn một bệnh viện nào ở thủ đô có thể đón nhận thêm bệnh nhân".

Tại La Paz, quyền tổng thống Bolivia bà Jeanine Anez ngày 09/07/2020 cho biết bị nhiễm Covid-19, hiện tại sức khỏe vẫn tốt. Ba thành viên trong nội các cũng đã bị nhiễm bệnh. Sau tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, bà Jeanine Anez là lãnh đạo Nam Mỹ thứ nhì dương tính với virus corona chủng mới. Brazil tính đến ngày 10/07/2020 đã có hơn 69.000 bệnh nhân tử vong và hơn 1,75 triệu người bị nhiễm virus corona.

Thanh Hà

*********************

Virus corona : Số ca nhiễm tại Mỹ vượt ngưỡng 3 triệu (RFI, 09/07/2020)

Dịch virus corona tiếp tục lây lan ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Đã có hơn 60 nghìn ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch vượt qua ngưỡng 3 triệu người. Tổng số các ca tử vong là 132.000 người. Trên đây là thống kê do hãng tin Reuters thực hiện cuối ngày 08/07/2020, trên cơ sở những dữ liệu chính thức.

toaan3

Người dân đeo khẩu trang xếp hàng trước một thương xá, tại Edgewater, New Jersey, Hoa Kỳ ngày 08/07/2020. Reuters - Mike Segar

Theo số liệu báo cáo của các bang, 42 bang trên 50 bang của Hoa Kỳ có số ca nhiễm mới hàng ngày tăng. Riêng các bang như Tennessee và Utah có số ca nhiễm hàng ngày bùng phát mạnh. Trong khi đó, tổng thống Donald Trump tiếp tục vận động tranh cử với các cuộc mít tinh lớn. Đại diện cơ quan y tế của Tulsa (bang Oklahoma) cho rằng dường như cuộc tập hợp vận động tranh cử của tổng thống tại thành phố này hồi tháng trước đã góp phần làm gia tăng số ca nhiễm mới trong những ngày qua.

Ngày 08/07, hai trường đại học danh tiếng của Mỹ Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT) cho biết sẽ khởi kiện việc bộ An Ninh Nội Địa dự kiến trục xuất khỏi Hoa Kỳ các sinh viên nước ngoài phải theo học từ xa toàn bộ chương trình vào năm học tới.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, giải thích :

"Để bảo đảm visa sinh viên không cấp cho những người đến Mỹ chỉ để tìm việc làm, luật bắt buộc các sinh viên nước ngoài phải trực tiếp dự các khóa học đã đăng ký. Ngoại lệ được chấp nhận cho sáu tháng đầu năm nay vì dịch Covid-19, nhưng chính phủ chiếu theo luật trên dự kiến trục xuất tất cả các sinh viên theo học toàn bộ từ xa vào đầu năm học tới. Harvard và MIT cho rằng đã được thông báo quá trễ và gọi đây là quyết định độc ác.

Leo Fresco, luật sư chuyên về di dân, lý giải : Thí dụ bạn là người Trung Quốc hay Ấn Độ, là sinh viên, vì lý do y tế, bạn phải giữ cách ly, làm sao bạn có thể rời khỏi Mỹ, đi bằng máy bay mà không bị đau ốm ? Có nhiều vấn đề tiềm ẩn và vì lẽ đó mà có chuyện kiện cáo. Các trường đại học phàn nàn là không có ngoại lệ nào được dự kiến khi họ được thông báo rằng tất cả các sinh viên theo học từ xa sẽ phải rời khỏi nước Mỹ.

Thách thức còn là vấn đề tài chính của các trường đại học Mỹ. Các sinh viên nước ngoài thường phải trả học phí rất cao và sự có mặt của họ góp phần đáng kể cho ngân sách của các trường ở Mỹ. Riêng ở Harvard và MIT đã có 9.000 sinh viên nước ngoài trên tổng số hơn một triệu ở cả nước Mỹ".

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Bầu cử Tổng thống Mỹ : Tập Cận Bình "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump

Quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde : "Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump". Ủng hộ phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của Đảng cộng sản Trung Quốc.

trumptap1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik

Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng hòa thường ít "lên lớp" Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.  

Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc… nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể "ăn miếng trả miếng". Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã "tạm đình chiến".

Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành "chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc", coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai "phẩm chất" quan trọng : không nhất quán và thiếu năng lực.

Biết đánh vào "cái tôi" rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là "chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc" và "nể nang", không đả động đến hồ sơ nhân quyền.

Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh : ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh Châu Âu và Châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.  

Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc… như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.

Hồng Kông : Lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi

Được phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde đặc biệt quan tâm đến hồ sơ Hồng Kông. Tờ báo chạy tựa "Hồng Kông : Những người biểu tình thách thức, bất chấp lệnh cấm".  Ở các trang trong, Le Monde giới thiệu 2 bài viết xoay quanh sự kiện Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông.

Trong bài viết "Lòng quyết tâm và nỗi sợ ở Hồng Kông", thông tín viên của báo Le Monde cho biết những người tham gia phong trào đấu tranh ở đặc khu hành chính vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến chống chính quyền Bắc Kinh, nhưng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, từ danh sách người liên lạc trên điện thoại di động, lịch sử tìm kiếm, ảnh lưu trữ, đến vứt bỏ những bộ trang phục đã mặc khi đi biểu tình… để tránh bị lực lượng an ninh truy tìm.

Một nhà tranh đấu, hiện giờ đang ở nước ngoài, nhấn mạnh luật mới thật đáng sợ, nhưng người dân Hồng Kông phải trung thành với các giá trị của mình và phải tìm ra các phương tiện mới để chống lại luật an ninh mới. Nhiều người trong ngày 01/07 vẫn đi làm bình thường, coi như không có gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm họ tìm cách ủng hộ phong trào tranh đấu. Đối với người dân Hồng Kông, giờ quan trọng nhất là tránh bị tống giam vào tù, tránh được càng lâu thì càng tốt và phải đặc biệt thận trọng. Còn về phản ứng của quốc tế, Le Monde nhận định, Anh và Mỹ là những nước có phản ứng gay gắt nhất.  

Quyền năng tối thượng của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông

"Không hẹn mà gặp", trên trang nhất Libération cũng đăng bức hình giống như báo Le Monde : Bị lực lượng an ninh vây quanh khống chế, một người biểu tình Hồng Kông nằm bẹp dưới đất, ngước đôi mắt với ánh nhìn lo lắng nhưng cũng đầy vẻ kiên cường. Trên nền bức ảnh khổ lớn chiếm trọng trang nhất là hàng tựa trang nhất súc tích : "Hồng Kông – Nỗi sợ".

Libération cũng dành 4 trang báo bên trong cho các bài viết xoay quanh hồ sơ Hồng Kông, với nhận định của nhiều chuyên gia. Libération lo ngại về tình cảnh "Hồng Kông bị kìm kẹp", có nguy cơ bị chế độ độc tài nhận chìm. Bắc Kinh đang tận dụng nỗi sợ hãi để quản lý Hồng Kông. Thông qua luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Tập Cận Bình áp đặt đối với đặc khu hành chính, Đảng cộng sản Trung Quốc giờ có "quyền năng tối thượng" ở Hồng Kông. Về vị thế kinh tế, tài chính của Hồng Kông, theo Sebastian Veg, giáo sư danh dự của đại học Hồng Kông, sự lựa chọn lần này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ vai trò kinh tế tài chính của Hồng Kông sẽ bị suy giảm đáng kể. Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo ra tình huống nếu không theo Bắc Kinh thì sẽ bị coi là chống chế độ. Và từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, xâm chiếm Đài Loan sẽ là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới. 

Trong bài viết "Chống Bắc Kinh, Luân Đôn tự đưa mình thành miền đất hứa", Libération lưu ý mặc dù chính phủ Anh muốn mở rộng quyền cư trú cho dân Hồng Kông, nhưng chính ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thừa nhận Luân Đôn có thể sẽ không thể làm được gì đáng kể cho người dân đặc khu nếu Bắc Kinh cản trở những người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc rời Hồng Kông.

Hậu phong tỏa Covid-19 : Cuộc chiến chống gian lận trợ cấp thất nghiệp bán phần

Khác với Le Monde Libération chú ý đến thời sự quốc tế, nhất là hồ sơ Hồng Kông, Le Figaro quan tâm đặc biệt đến tình hình thời sự nước Pháp, nhất là về kế hoạch cải tổ nội các, quan hệ giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kế hoạch tái khởi động đất nước trong bối cảnh tổng thống Macron chỉ còn khoảng 500 ngày là hết nhiệm kỳ. Le Figaro cũng dành hai trang bài để nói về chính trị địa phương sau kỳ bầu cử thị trưởng, xã trưởng… hôm Chủ Nhật 28/06.

Đáng chú ý còn có bài viết về cuộc chiến chống gian lận của Bộ Lao động Pháp thời hậu Covid-19 nhắm vào các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hào phóng của chính phủ để trục lợi. Trong giai đoạn phong tỏa, có 13,6 triệu lao động của hơn 1 triệu doanh nghiệp Pháp xin trợ cấp thất nghiệp bán phần. Số tiền Nhà nước ban đầu dự kiến dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này đã tăng vọt lên thành 31 tỉ euro.

Trong bối cảnh này, Bộ Lao động đã huy động thêm 300 công chức tham gia vào công tác kiểm tra các doanh nghiệp có nhân viên được hưởng trợ cấp bán phần. Bộ trưởng Lao động Pénicaud thông báo từ nay đến cuối mùa hè sẽ cho tiến hành 50.000 vụ kiểm tra, đặc biệt nhắm vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được duy trì. Từ ngày 22/05 đến nay, Bộ Lao động đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra, 400 vụ xuất phát từ đơn tố cáo từ chính các nghiệp đoàn lao động hoặc người làm công ăn lương.

Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 600 hồ sơ trong đó các doanh nghiệp phải điều chỉnh khai báo, 850 hồ sơ bị nghi là có gian lận và sẽ được thanh tra kỹ hơn. 25% có thể bị xử phạt tài chính. Về nguyên tắc, ngoài việc bồi hoàn tiền ăn gian của Nhà nước, chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam và không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị kết tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp phải lãnh án tù 7 năm, nộp phạt 750.000 euro, thậm chí bị truy tố về hình sự.

Bị 400 tập đoàn lớn tẩy chay, Facebook có lo ngại ?

Liên quan đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc Black Lives Matter xuất phát từ Mỹ sau cái chết của người da màu Georges Floyd rồi lan rộng ra thế giới, Les Echos nói đến việc  Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, từ một tuần nay bị nhắm đến do không có biện pháp đấu tranh chống các nội dung thù hận. Hơn 400 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm rút quảng cáo khỏi Facebook : Verizon, Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Daimler, Volkswagen, Lego, The Body Shop…

Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Marc Zuckerberg, vẫn có vẻ "bình chân như vại" và cho rằng các hãng lớn sẽ sớm trở lại trên mục quảng cáo của Facebook. Theo Les Echos, đúng là gần như toàn bộ thu nhập của Facebook là nhờ quảng cáo, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm số ít trong số 8 triệu nhà quảng cáo trên trang Facebook. Hoạt động quảng cáo của hơn 100 hãng lớn nhất chỉ mang lại 6% trong tổng số 70 tỉ đô la thu nhập năm 2019 của Facebook. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là khách hàng chính của Facebook, mà những công ty này thì ít có khả năng dám tẩy chay Facebook vì sự thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện trên các mạng xã hội, mà Facebook lại là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

"Chúng ta có thể ở trong tình trạng hoặc chúng ta có một số ít người rất giầu có hoặc chúng ta có thể chế dân chủ. Nhưng chúng ta không thể có cả hai".

Bill Gates, Sr. 

crisis1

Từ lâu chúng ta được chỉ bảo rằng chế độ tư bản và thể chế dân chủ là hai cột trụ lý tưởng để mang lại tự do và thịnh vượng. Hoa Kỳ có cả hai yếu tố này, nhưng tại sao chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng dân chủ trong khoảng gần bốn năm qua ? 

Trên thực tế, hai yếu tố tư bản (kinh tế) và dân chủ (chính trị) có nhiều khác biệt căn bản và đôi khi xung khắc nhau. Dân chủ chú trọng về quyền lực của những con người bình thường (demos = common peopleb ; cracy = power) và chủ trương phân phối sự phong phú một cách công bình cho mọi giới. Tư bản chạy theo tư lợi, không thể làm được điều này mà còn có thể làm ngược lại. Kết quả lời lỗ sau cùng có thể lấn át lý tưởng tự do dân chủ. Đó là khuynh hướng của Tổng thống Trump và là nguyên nhân sâu sa gây ra cuộc khủng hoảng dân chủ hiện nay tại Hoa Kỳ. 

Pháp quyền và pháp trị

Trump là một đe dọa cho chế độ dân chủ của nước Mỹ từ ngày ông làm tổng thống. Nhiều nhà phân tách chính trị nói như thế và tôi cũng đồng ý như vậy. Ông là một lãnh tụ mị dân có khuynh hướng độc tài, chủ trương dùng luật để cai trị (rule by law) và không tôn trọng nền tảng pháp quyền (rule of law). Điều này thể hiện qua những việc làm như bao che thuộc hạ và những đồng minh chính trị. 

Trong gần bốn năm vừa qua Tổng thống Trump đã giảm án hay ân xá cho 18 viên chức chính quyền tham nhũng, tội phạm chiến tranh, thành phần cực hữu và một số bộ mặt nhiều người ưa nhưng lắm kẻ ghét. Trong đó phải kể Rod Blagojevich, cựu Thống đốc Illinois. Ông này muốn bán chiếc ghế nghị sĩ bỏ trống khi ông Obama thắng cử tổng thống vào 2008. Ông bị kết án tù 14 năm. Blagojevich và Trump có cùng kẻ thù là cựu Công tố viên đặc biệt Robert Muller và cựu Giám đốc FBI James Comey. Trump đã giảm án cho Blagojevich. Paul Pogue, chủ một công ty xây cất, bị tù vì khai gian thuế, nhưng con trai và con dâu tặng 200.000 USD vào quỹ tranh cử của Trump. Scooter Libby, cựu tham mưu trưởng của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, tiết lộ danh tánh của một nhân viên CIA. Trump xem Libby cũng là một nạn nhân của Robert Muller. Eddie Debartolo Jr, cựu sở hữu chủ đoàn bóng đá San Francisco 49ers bị tù vì không khai báo hối lộ 400.000 USD cho thống đốc Louisiana. Debartolo từng ủng hộ chiến dịch tranh cử và tiệc nhậm chức của Trump. 

Ngược lại, Trump cách chức những đối thủ hay những người thi hành nhiệm vụ nhưng có hại cho ông như Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Giám đốc FBI James Comey. Ngoài ra Trump còn cách chức hai nhân chứng quan trọng trong vụ luận tội Trump liên quan đến vụ Ukraine tai tiếng : cựu Đại sứ Gordon Sondland và Trung tá Alexander Vindman, cựu nhân viên trong Hội đồng An ninh quốc gia. Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen bị sa thải vì bà chống lại việc tách riêng trẻ con di dân vì có thể bị kiện và việc đóng cửa biên giới ở El Paso, Texas vì điều này vi phạm luật pháp. 

Gần đây là vụ cách chức ông Steve Linick, cựu Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao , vì ông này điều tra vụ bán võ khí cho Saudi Arabia và tình trạng nhân viên trong Bộ Ngoại Giao. Đây là tổng thanh tra thứ năm bị Tổng thống Trump cách chức kể từ sau khi Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng cho ông về vụ Ukraine. Mới đây nhất là vụ cách chức Luật sư liên bang Geoffrey Berman vì ông này đang điều tra ông Rudi Giuliani, luật sư riêng của ông Trump. Ông Berman đã từng kết án hai cộng tác viên của Giuliani là Lev Parnasd và Igor Fruman.

Tham nhũng

crisis2

Gordon Sondland từng đóng góp 1 triệu USD cho Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và sau đó ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Châu Âu cho đến ông bị cách chức vì làm nhân chứng trong việc luận tội gây bất lợi cho Tổng thống. Ông Trump cũng định trả ơn cho ông Stephen Moore, một cố vấn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, bằng cách đề cử ông Moore làm chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System - FED). Ông này có bằng cấp về kinh tế nhưng không có kinh nghiệm nên tự rút lui. Một người nữa được Tổng thống Trump đề cử vào chức vụ thứ hai tại FED là ông Herman Cain, chuyên môn về toán học và điện toán, từng kinh doanh về pizza thành công và buôn bán cổ phần trị giá thấp thường khoảng dưới 5 USD (penny stock). Ông Cain cũng xin rút lui.

Ngoài việc sử dụng bạn bè thân thuộc (cronyism) đi ngược với nguyên tắc dân chủ, Trump còn là người chủ trương chính sách gia đình trị (nepotism), bổ nhiệm con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump làm cố vấn cao cấp, và cho hai người này security clearance bất kể lời khuyên của cơ quan an ninh. Trump từng cho Ivanka, một người không đủ khả năng, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 và trao trách nhiệm chọn người làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra Tổng thống Trump còn giao cho con trai Eric Trump, một người chuyên tổ chức đám cưới, trách nhiệm điều hành nhà ở của liên bang tại New York và New Jersey. 

Jared Kushner, theo nghiệp của cha ruột, làm nghề đầu tư và phát triển bất động sản, được bố vợ cử hướng dẫn nhiều phái đoàn ngoại giao qua Trung Đông bao gồm nhiều nhân viên của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn trao cho con rể trọng trách phối hợp công việc chống đại dịch Covid-19 bao gồm việc cung cấp những thiết bị y tế. 

Báo chí là kẻ thù của nhân dân

crisis3

Ông Trump thường xuyên tấn công báo chí, nói những nhà báo thật sự là "kẻ thù của nhân dân", gián tiếp khuyến khích những hành động tấn công nhà báo. Từ ngày Trump làm tổng thống "fake news" xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Chính Tổng thống ăn gian nói dối hơn 18.000 lần, trong khi đó chế độ dân chủ đòi hỏi sự minh mạch. Mới đây Trump thay đổi những người đứng đầu những cơ quan thông tin của chính quyền như VOA và RFA để kiểm soát thông tin. Nếu pháp quyền là cột trụ thứ nhất của chế độ dân chủ, tự do báo chí là một cột trụ thứ hai. 

Cũng như "fake news", bạo loạn làm lũng đoạn chế độ dân chủ. Tổng thống Trump từng công khai cổ võ bạo lực chống lại những ký giả. Ông bào chữa chính quyền Saudi Arabia khi họ giết ký giả Jamal Khashoggi tại Tòa đại sứ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ít ngày sau, trong khoảng 22/10/2018 – 1/11/2018, Cesar A. Sayoc, Jr một người ủng hộ Tổng thống Trump cuồng nhiệt, đã lấy địa chỉ của Dân biểu Debbie W. Schultz (Dân chủ, Florida) để gửi bom qua bưu điện đến trụ sở hay nhà của một chính khách thuộc Đảng Dân chủ và cơ sở truyền thông hay chống Trump. Mục tiêu bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Nghị sĩ và Ngoại trưởng Hilary Clinton, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, tài tử điện ảnh Robert De Niro, ba dân biểu và nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, hai cựu giám đốc tình báo và hai nhà tỉ phú từng đóng góp cho Đảng Dân chủ. Một gói bom gửi đến trụ sở của CNN. 

Theo luật sư của thủ phạm, Sayoc lấy cảm hứng từ những tuyên bố của Tổng thống Trump về di dân và đối thủ chính trị và coi Fox News hàng ngày một cách trung thành. Dân biểu Schultz tuyên bố rằng "Những lời nói hùng hồn mang tính chất hận thù của Trump đã gây hậu quả tai hại". 

Bạo lực và bạo loạn

crisis4

Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump công khai kêu gọi dân Mỹ giải phóng ba tiểu bang có thống đốc Dân chủ là Minesota, Michigan và Virginia. Những tiểu bang này ra lệnh đóng cửa hay áp dụng một số biện pháp giới hạn để chống đại dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều nhóm cực đoan mang vũ khí đến các trụ sở hành chánh của những tiểu bang này để biểu tình chống lại lệnh ở trong nhà và đòi mở cửa lại. Ông gọi những người biểu tình là người tốt (fine people). Rõ ràng Tổng thống Trump khích động nội loạn phản lại nguyên tắc dân chủ. 

Thống đốc Jim Justice (Cộng hòa, West Virginia), một đồng minh của Trump nói ông sẽ nghe theo những chuyên viên y tế để quyết định mở cửa như thế nào. Thống đốc Jay Inslee (Dân chủ, Washington) nói tweet giải phóng của Trump làm cho hàng triệu người chịu rủi ro nhiễm Covid-19. Thống đốc Ralph Northam (Dân chủ, Virginia) nói ông và nhân viên của ông tập trung chiến đấu chống "cuộc chiến sinh học" chứ không muốn liên lụy vào "cuộc chiến tweet".

Trump chủ trương dùng bạo lực để trị bạo loạn. Khi cần đi bộ qua công viên Lafayette Square để chụp hình quảng cáo tranh cử trước St. John’s Church tại thủ đô Washington-DC, ông đã ra lệnh cho nhân viên an ninh dùng một thứ lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán một số người biểu tình ôn hòa trước Tòa Nhà Trắng, mặc dù chỉ còn khoảng 30 phút đến giờ giới nghiêm. Ông đe dọa sẽ dùng "chó dữ và võ khí đáng ngại" để ngăn cản người biểu tình xâm phạm Nhà Trắng. 

Ông cũng tuyên bố sẽ dùng võ lực để dẹp bạo loạn sau khi ông George Floyd bị cảnh sát giết chết tại Minneapolis. Ông nhắc lại một câu của một cảnh sát trưởng ở Florida "Khi hôi của bắt đầu, bắn súng cũng bất đầu" (When looting starts, the shooting starts). Câu nói của ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Ngoài ra ông Trump còn kêu gọi những thị trưởng và thống đốc hãy mạnh tay hơn với các người biểu tình, dùng quân đội để dẹp biểu tình và những người theo ông nên tổ chức phản biểu tình. 

Hệ thống kiểm soát và cân bằng

Trump xem hệ thống "kiểm soát và cân bằng" (checks and balances) trong tổ chức chính quyền là một trở ngại thay vì là một nguyên tắc phân quyền quan trọng của một chế độ dân chủ. Ông chủ trương kiểm soát cả ngành tư pháp. Trump và Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn bổ nhiệm Thẩm phán tối cao Merrick Garland do Đảng Dân chủ đề cử và đã đưa hai người của Đảng Cộng hòa vào là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Nhờ vậy, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hiện nay có 5 thẩm phán bảo thủ bổ nhiệm bởi tổng thống Cộng hòa, bao gồm Chánh án John Roberts và hai thẩm phán bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump là các ông Neil Gorsuch (2017) và Brett Kavanaugh (2018). Bốn thẩm phán còn lại bổ nhiệm bởi tổng thống Dân chủ. 

Ngoài ra, trong gần bốn năm qua, Trump còn vội vã bổ sung 197 thẩm pháp liên bang ở các tòa án thấp hơn. Trump muốn biến những thẩm phán được tổng thống bổ nhiệm giống như bổ nhiệm các chức vụ chính trị, có thể bị cách chức, thay thế. Một khi ngành Tư pháp của Hoa Kỳ trở thành một công cụ của Hành pháp, tư thế độc lập của Tư pháp sẽ sụp đổ vào kéo theo chế độ dân chủ. 

Cấu kết với những lãnh tụ độc tài

crisis5

Về đối ngoại, Tổng thống Trump tỏ ra thoải mãi khi cấu kết với những lãnh tụ độc tài. Ông từng ca ngợi Kim Jong-un của Bắc Hàn, Vladimir Putin của Nga, Xi Jinping của Trung Quốc, Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, Adel Fattah el-Sisi của Ai Cập và Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân. Ông thán phục các lãnh tụ cộng sản Việt Nam và xem Việt Nam là một mô hình lý tưởng cho Bắc Hàn. Ông từng đón tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Nhà Trắng, ca ngợi cách giải quyết vấn đề ma túy tại Phi Luật Tân và mối quan hệ vĩ đại của ông với Duterte. Ông chúc mừng Xi Jinping xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ. Có lúc ông nói Hoa Kỳ nên theo hệ thống "tổng thống suốt đời" của Trung Quốc. Ông cũng đồng ý hủy bỏ 700.000 USD viện trợ cho Hung dự trù để hỗ trợ báo chí độc lập. Ông chào mừng Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và một số lãnh tụ ngoại quốc thắng cử dù cuộc bầu cử thiếu tự do. 

Ngược lại, không bao giờ người ta nghe Tổng thống Trump quan ngại về suy sụp của chế độ dân chủ và vi phạm nhân quyền trên thế giới, ngoại trừ một vài chú thích về nguyên tắc dân chủ trong Sách lược An ninh Quốc gia của chính quyền.

Chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ gồm ba lãnh vực :

1) Nỗ lực thăng tiến nền dân chủ ;

2) Hệ thống kinh tế quốc tế ; và

3) Hệ thống liên minh an ninh toàn cầu.

Trump bác bỏ cả ba điều này vì cho là không cần thiết hay bất lợi cho Hoa Kỳ. Đường lối của Trump, "mỗi nước tự lo lấy" (each-country-for-itself approach), thể hiện qua khẩu hiệu "American First", là một đường lối cục bộ và thiển cận. 

Quan điểm của Tổng thống Trump hoàn toàn trái ngược với quan điểm của cựu Tổng thống George W. Bush. Trong bài diễn văn nhậm chức vào 2005, cựu Tổng thống Bush nhận định rất đúng rằng sự sống còn của chế độ tự do tại Hoa-Kỳ ngày càng phụ thuộc vào sự thành công của chế độ tự do tại những nơi khác trên thế giới. Ông nói : "Hi vọng tốt nhất để có thể duy trì hòa bình tại Hoa-Kỳ là bành trướng chế độ tự do với mục tiêu tối thượng là chấm dứt chế độ độc đoán trên toàn thế giới". 

Kết luận

crisis6

Các giá trị và tiêu chuẩn dân chủ ở Hoa Kỳ bị tấn công bởi chính người cầm đầu chính quyền. Không khí bạo loạn bao trùm khắp nơi. Thêm vào đó, bốn biến cố liên tiếp xẩy ra chồng chéo lên nhau cùng một thời điểm làm cho nước Mỹ thật sự rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề : chiến tranh thương mại, kinh tế trì trệ, điều tra luận tội và Covid-19. Công chúng Mỹ mất niềm tin vào chính quyền. 

Đô đốc William McRaven, người giám sát cuộc đột kích giết chết Osama Bin Laden, từng tuyên bố rằng hiện nay Donald Trump là một mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ dân chủ Hoa Kỳ. 

Theo một phân tách tinh vi của Cambridge University "The Trump Presidency and American Democracy : A Historical and Comparative Analysis - Otober 29, 2018", trong quá khứ hệ thống chính trị của Hoa Kỳ đã sống còn trước những đe dọa từ những biến cố như nội chiến 1861-1865, First Red Scare 1919-1920 (Palmer Raids), Second Red Scare 1940-1950 (McCarthyism) và Watergate 1972. 

Tuy nhiên, mối đe dọa của Donald Trump có phần nghiêm trọng nếu ba yếu tố truyền thống trong chính trị Hoa Kỳ kết hợp lại và hỗ trợ nhau :

1) Sự phân hóa giữa hai đảng ;

2) Hệ thống chính quyền bị chia rẽ vì đảng phái ;

3) Quy tắc tiêu chuẩn dân chủ bị suy giảm ở cấp lãnh đạo cũng như đám đông quần chúng.

Xem ra cả ba hiện tượng đang xẩy ra. 

crisis7

Sau chiến tranh lạnh, nền dân chủ tự do một lần nữa toàn thắng trước chủ thuyết cộng sản. Số các quốc gia dân chủ tăng từ 46 vào năm 1974 lên đến 76 vào 1990 và 120 vào 2000. Nhưng trong 12 năm qua kể từ 2006 đến 2018, nền dân chủ đã suy giảm tại 113 nước theo một cuộc điều nghiên của Freedom House. Những nước như Hung Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đã rơi vào chế độ độc tài. Quy tắc dân chủ tại Phi Luật Tân, Ba Lan và Miến Điện trở nên lỏng lẻo. 

Số phận của Hoa Kỳ, từng là quốc gia lãnh đạo chế độ tự do dân chủ trên thế giới, đang ở trong tình trạng khủng hoảng dân chủ từ trong nội bộ. Theo Reporters Without Borders thứ hạng về tự do báo chí của Hoa Kỳ trong số 180 nước tiếp tục đi xuống, từ vị trí 41/180 vào 2016, tụt dần xuống 43/180, 45/180 và 48/180 trong ba năm tiếp theo. Không những vậy, nền dân chủ của Hoa Kỳ bị đe dọa cả từ bên ngoài. Nhờ kỹ thuật Internet, Nga và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng vào nội tình của nước Mỹ cộng thêm sự mời gọi công khai của Tổng thống Mỹ.

Từ 2017 đến 2019, Hoa Kỳ không được xếp vào loại nền dân chủ đầy đủ (full democracy) mà bị xếp vào nước có nền dân chủ không hoàn thiện (flawed democracy) theo Democracy Index của Economist Intelligence Unit (EIU). Trong nền dân chủ không hoàn thiện vẫn có bầu cử tự do, nhưng yếu kém về quản trị, văn hóa chính trị chưa phát triển và sự tham gia của công chúng thấp. 

Trong hơn 120 năm qua nước Mỹ đã vượt qua được những thử thách vô cùng cam go bao gồm ba khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ XX : 1901, 1907 và 1920-1921, Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939, khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970s, khủng hoảng tài chánh 2007-2008, hai thế chiến. Hoa Kỳ và thế giới tự do đánh bại chế độ phát xít và cộng sản Xô Viết.

Donald Trump là một cuộc khủng hoảng chính trị đầu tiên của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI cùng lúc với cuộc khủng hoảng đại dịch Coronavirus. Khả năng lãnh đạo yếu kém của Trump khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng đặc biệt. Số người mới nhiễm bệnh hàng ngày tăng vọt trong vài tuần qua. Gần 2,7 triệu người đã nhiễm virus tính đến 1/7/2020 và số người chết đã vượt quá 125.000. Tính đến 11/6/2020 hơn 44 triệu người khai thất nghiệp. 

Nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo có trách nhiệm và có khả năng để mau chóng thay thế tổng thống đương nhiệm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhị trùng hiện nay và phục hồi trật tự và nền dân chủ lâu đời nhất trên trái đất.

Nguyễn Quốc Khải

(05/07/2020)

Published in Diễn đàn