Người ngán ngẩm, kẻ hào hứng
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ‘giải phóng thủ đô’ 10/10/1954 – 10/10/2024 ở trung tâm Hà Nội mang lại cảm xúc lẫn lộn cho cư dân thủ đô. Có người bồi hồi vì quá khứ được tái hiện, đường phố được trang hoàng đầy màu sắc hoài niệm. Có người chỉ trích về cách thức tổ chức gây tắc đường, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt đời sống.
Sáng 6-10, tại tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lễ diễu hành "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Bà Nguyễn Ngọc Dung, một giáo viên về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, cho biết những ngày gần đây bà thường xuyên đi bộ ra Hồ Gươm nhiều hơn vì những hình ảnh thủ đô cách đây 70 năm đã tạo ra một không khí khác biệt so với ngày thường.
"Thì cũng xúc động, vì họ tái hiện được cái hình ảnh ngày xưa, các mô hình ngày xưa từng có ở Hà Nội như tàu điện chẳng hạn nhìn cũng đẹp. Hơn thế thì nhạc lại là nhạc xưa nghe nó cũng hào hùng lắm", bà Dung cho VOA biết.
Tuy vậy, bà Dung nói đúng ngày tổ chức diễn hành tái hiện hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào trung tâm Hà Nội thì bà đã không thể tới tham dự.
"Người ta cấm đường từ vòng ngoài, người dân bình thường có được vào đâu".
Bà Phạm Lan Hương, một viên chức về hưu ở khu phố cổ Hà Nội, cho biết bà không quan tâm mấy tới chương trình diễn hành vì biết không thể vào xem nếu không có vé mời. Dù vậy, bà vẫn cảm thấy thích thú khi hình ảnh của Hà Nội cách đây vài thập niên được tái hiện ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm và đây chính là địa điểm chụp ảnh ưa thích của bà trong những ngày qua. Đối với bà thì chuyện đông đúc, tắc đường trong những dịp như thế này ở khu phố cổ là đương nhiên, vì không chỉ người dân thủ đô mà còn có nhiều gia đình ở các tỉnh, thành lân cận tìm về để được hưởng trọn niềm vui trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này.
"Kỷ niệm 10/10 thì trong 3 ngày người ta diễn hành, quay phim hoành tráng lắm. Vì thế người ta cấm những cái đường xung quanh đấy, nên tắc mất 2 ngày. Nhưng cũng không đến mức độ lắm, chỉ tắc vào những giờ nhất định thôi".
Anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực môi giới bất động sản sinh sống ở khu phố cổ sát bờ Hồ Hoàn Kiếm, than thở trong suốt hơn 2 tuần kể từ ngày các mô hình cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tàu điện… được dựng lên là anh khổ sở trong việc đi lại khi có quá nhiều người kéo tới đây tham quan, chụp ảnh.
"Ôi mấy hôm đấy đường tắc kinh lắm, đường tắc khủng khiếp lắm", anh Nam than thở và cho biết những con đường xung quanh Hồ Hoàn kiếm luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn kéo dài khiến anh và gia đình thực sự mệt mỏi. Hôm diễn ra chương trình diễn hành, anh cũng như những người dân bình thường khác đã không thể vào xem như mong muốn.
"Người ta cấm đường từ vòng ngoài. Hơn chục nghìn con người đổ về khu vực đấy để diễn hành cho các lãnh đạo xem thôi, chứ mình có được vào xem đâu", anh Nam cho VOA biết và kết luận rằng sau hơn hai tuần kỷ niệm ngày ‘giải phóng thủ đô’ anh và gia đình chỉ nhận lại sự phiền phức và mỏi mệt chứ thực ra chẳng được vui thú chút nào.
Anh Nguyễn Thành Hưng, một công chức làm việc ngay khu vực phố cổ, cho biết suốt hơn hai tuần kể từ khi các mô hình được dựng lên thì việc đi làm của anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo anh, người dân Hà Nội quá thiếu chỗ vui chơi, nên khi có các sự kiện như thế này thường ùn ùn đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm dẫn tới tình trạng quá tải khủng khiếp. Mặc dù cũng muốn cho con tới chụp ảnh, vui chơi nhưng cuối cùng anh cũng phải chịu thua.
"Mặc dù đông, nhưng nó thực tế chỉ là một đám đông thôi, chứ không có hoạt động gì cả. Vì thế tôi đành cho con vào Trang Tien plaza, cho nó vào đấy đi lên đi xuống thang cuốn theo ý thích trẻ con rồi về thôi".
Anh Hưng nói hiện tại Hà Nội không có đủ không gian để tổ chức những sự kiện lớn quy tụ hàng chục hay hàng trăm nghìn người. Vì vậy, theo lời anh, việc tổ chức những sự kiện kéo dài tới hơn hai tuần như dịp vừa qua thực sự là một thảm hoạ cho những người lao động sinh sống xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
"Khu vực này thì bé tí, đường phố thì ngày càng chật chội. Bởi vì cái loại ô tô giá rẻ nó tràn ngập nên đi đường toàn ô tô, thậm chí là xe máy không có chỗ mà đi hay không có chỗ mà để nữa", anh Hưng cho biết thêm.
Nhiều người sinh sống quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm cho biết, đầu tuần này, thành phố Hà Nội đã tiến hành tháo dỡ các mô hình cũng như các loại cờ và hình ảnh trang hoàng trên đường phố kỷ niệm ‘70 năm ngày giải phóng thủ đô’ để trả lại nhịp sống thường nhật cho khu vực này.
Ngày ‘giải phóng thủ đô’ năm nay kỷ niệm bảy thập niên ngày diễn ra sự kiện 10/10/1954 khi Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào hai cửa ô Hà Nội, tiếp nhận bàn giao chính quyền, đánh dấu kết thúc Chiến tranh Đông Dương và thi hành Hiệp định Geneve 1954.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 16/10/2024
Nguyễn Nhơn, RFA, 05/0/2024
Thời bao cấp, nhà tôi sống ở vùng biển. Ba tôi kể, hồi ấy do ngăn sông cấm chợ nhưng nhu cầu ở Sài Gòn quá cao nên những người buôn bán "chợ đen" đã nghĩ ra cách nhét đầy hải sản tươi vào… một chiếc quan tài, đưa lên xe tang, người buôn mặc áo tang đi kèm như thật để chở vô thành phố nhằm qua mắt quản lý thị trường. Còn nhét những vật nho nhỏ vào áo ngực, khâu vào quần lót, quần dài… thì đã là kỹ năng quá thông thường của những người phụ nữ làm nghề buôn bán. Nhưng chiêu nào dùng được ít lâu rồi cũng lộ. Quản lý thị trường không hề ngại vạch áo vạch quần những chị em tiểu thương để tìm hàng "chợ đen".
AP
Bao cấp không chỉ rút kiệt sự sống mà còn ném cả nhân phẩm của con người xuống hố rác.
Nhưng, tuy cùng trong thời bao cấp nhưng cũng có bao cấp this bao cấp that. Ở miền Bắc, nghe bạn bè kể lại kinh khủng quá. Nhà tập thể vốn dành cho người độc thân, chỉ khoảng 16 m2 với bếp, phòng tắm và phòng vệ sinh chung thì giờ thành nơi ở cho cả ông bà cha mẹ con cái. Giường của đôi vợ chồng bố mẹ kê cách giường của đôi vợ chồng con trai đúng một… tấm rèm vải. Bên này nhúc nhích thì bên kia cố gắng ngáy thật to rõ đều đặn để họ yên tâm là mình ngủ say rồi. Nhà vệ sinh tập thể, sáng sáng người người ra cầm tờ báo xếp hàng chờ "giải quyết nỗi buồn", chào nhau rõ rôm rả. Sân tập thể thành chỗ nấu nướng giặt giũ, bên này chị vò áo, bên kia em quạt than, chỗ kia một nhóm các anh cởi trần mặc quần đùi đứng tắm, cạnh đấy bà cụ cặm cụi rửa bô cho cháu. Thật là một khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong miền Nam sướng hơn rất nhiều.
Như đã kể, ba má tôi trở về miền Nam theo dạng cán bộ điều về địa phương. Chỉ vài tháng sau khi về Nam, ba má tôi đã mua nhà riêng. Số tiền mua nhà riêng này khá lớn, là vốn của ba má tôi để dành suốt nhiều năm, cộng với ông ngoại cho thêm một ít. Mua nhà xong, ba má tôi không nợ nhưng cũng hết vốn, nên có mỗi ít đồng mua heo giống về nuôi để cải thiện thu nhập mà cũng phải vài năm sau mới làm được. Nhưng càng lớn chúng tôi càng cảm ơn quyết định này của ba má tôi. Hồi đó có chế độ phân phối nhà cho một số cán bộ. Tức là nhà của những người chạy ra nước ngoài để lại, Nhà nước tịch thu rồi phân phối theo chế độ cho cán bộ ở không mất xu nào. Rất nhiều nhà đến cái chén đôi đũa cũng còn nguyên trong tủ chén, chủ nhà chỉ khóa cửa mang tiền vàng đi chứ toàn bộ đồ dùng, nội thất trong nhà không hề suy suyển. Má tôi nói của đau con xót, người ta mất của cũng xót lắm, mình đừng lấy của người ta. Thế là ba má tôi từ chối suất phân phối nhà này, như ông ngoại tôi cũng từ chối nhận những tiêu chuẩn vật chất thuộc loại rất cao, để về sống trong ngôi nhà cũ ở quê.
Đường phố Hà Nội hôm 17/1/1980. AP
Nhà chúng tôi nằm giữa vườn cây, ở trung tâm thành phố, đất gần 300 m2. Đắc địa nhất là có giếng nước, nước hơi ngang ngang không uống được nhưng luôn đầy ắp và trong veo, giặt quần áo bao sạch. Thời đó nước máy chập chờn, không đủ dùng, dơ và thường xuyên bị cúp nước. Giếng nước nhà tôi thì dùng cho gia đình, tắm đàn heo, tưới cây… thỏa thuê không bao giờ cạn, còn cho gia đình đồng nghiệp của ba tôi vô tắm gội giặt đồ thoải mái những khi nhà họ không có nước xài.
Đắc địa thứ hai là nhà tôi có nhà vệ sinh riêng + nhà tắm riêng.
Giờ nghe mắc cười ha ? Nhưng sau 1975 thì những tiện nghi này giúp cho cuộc sống gia đình tôi dễ thở hơn nhiều lắm. Ít nhất là sạch sẽ và tiện nghi, không phải lo dậy sớm xếp hàng và bịt mũi, cũng không phải chứng kiến cảnh hố xí hai ngăn : người ị ở trên, bên dưới có người mở cửa cào phân ra ; hay phải liên tục rèn luyện kỹ năng được mô tả trong một bài ca dao mới của thời đó. Như sau :
Ỉ… cho đúng lỗ mới tài
Nếu ỉ… ra ngoài kỹ thuật còn non
Mấy điều nhắn nhủ cỏn con
Ỉ… cho đúng lỗ để còn vệ sinh !
Rất may.
Chị gái tôi kể khoảng những năm 199x, chị đi công tác và chứng kiến ngay tại nhà khách của Chính phủ ở tại Hà Nội thì nhà vệ sinh vẫn còn là hai cục gạch xếp cheo chéo đặt thành một hàng dài, ở dưới là rãnh nước chảy. Xã hội chủ nghĩa ơi, đến năm đó mà chẳng lẽ người ta vẫn cho rằng nhiều người phụ nữ cùng lúc tuột quần xắn váy ngồi khép nép trên hai cái cục gạch thâm thấp đó để làm cái việc bài tiết trước mặt nhau là hết sức bình thường ư ?
Như đã kể, có một nghịch lý may mắn cho gia đình tôi và chắc là cho nhiều người khác ở cùng địa phương trong thời bao cấp. Đó là chúng tôi rất thiếu lương thực và thịt, đường, bánh kẹo, xà bông… như tất cả mọi người trong cả nước, nhưng bù lại, hải sản và rau trái thì dư dả thoải mái. Vùng biển, cá tôm sò mực ốc… rất nhiều, ăn không hết. Biển còn rất dồi dào, đánh bắt chưa cạn kiệt nên cá rất to. Trên đường phố, thường xuyên trông thấy cảnh những chị vợ ngư dân gánh cá đi bán nhưng chỉ gánh được hai con vắt trĩu hai đầu thúng mà thôi. Cá cỡ một hai ngón tay hoặc mỏng mình, nhạt thịt, nhiều xương, vảy… liệt hết vô cái tên chung là cá heo, vì chỉ dùng để nấu với cám cho heo ăn.
Một nguyên nhân khác là do chính sách ngăn sông cấm chợ và nhà nước độc quyền kinh doanh nên hải sản ứ lại trong địa phương, còn những nơi không thuận lợi về biển thì vẫn phải mua cá khô mục, nước mắm thúi mà ăn.
Những con mực nhỏ cỡ lòng bàn tay người lớn, hồi đó chỉ để cho con nít tự phơi khô rồi nướng ăn rí rách cả ngày như snack vậy, chứ không được vinh dự hầu miệng người lớn. Những loại sau này được lên đời thành "danh cá" như cá sòng, cá xanh xương… thì hồi đó level còn thấp lắm. Cá sòng thịt dày nhưng nấu canh thì chua nước, chỉ khi kho thấm gia vị thì còn ăn tàm tạm. Cá xanh xương thịt lạt. Dân biển chê. Có những mớ cá chỉ để nấu trong canh lấy nước ngọt, xác thì bỏ. Sò lông, sò huyết nướng, xào, nấu cháo ăn đến ngán. Ốc hương cỡ ngón chân cái người lớn, vỏ bóng mịn dày cui, các khoanh căng tròn, các vệt màu trên vỏ rõ ràng sắc nét chứ không phải loại bé tí nhớt nhợt, vỏ còn đầy lông măng, màu lờ nhờ chưa lên như giờ nhiều quán nhậu vẫn bán. Ốc giác bằng cái ấm nấu nước bốn lít hoặc cái mũ bảo hiểm, có con to bằng cái nón lá. Luộc một con thì xắt mỏi tay. Cá đuối bình thường to cỡ cái mâm. Chỉ cắt một bên vây lưng thì nấu hẳn nồi canh chua cho cả nhà.
Ông anh con đỡ đầu của má tôi là dân đi biển, vợ đẻ liên tiếp sáu thằng con trai trứng gà trứng vịt. Ổng trữ hẳn một mớ đuôi cá đuối dài chừng mét mấy, phơi khô, giắt lên vách bếp (vách tranh) để dành… đánh con !
Khi anh chị tôi đi học đại học, nguồn cung cấp đạm chính là từ cá khô, mực khô và chà bông cá mà má tôi tự làm gửi cho.
Có những năm xuất khẩu được hải sản sang Nhật và Trung Quốc, họ mua bề bề (tôm tích), điệp, cá ngừ đại dương. Tôm tích rất to, cỡ cổ tay người lớn. Họ chỉ lấy phần thân, cái đầu để lại Việt Nam. Tối, ăn cơm xong, má tôi xếp vô cái rổ, hấp một nồi. Gạch trong đầu tôm tích rất nhiều, còn dính cả ít thịt trắng ngọt lịm. Rắc chút muối tiêu vào, lấy cái muỗng cà phê cán dài múc từng muỗng đầy gạch đỏ au thơm phức, cứ thế hết cái này đến cái khác. Đó là bữa khuya của tôi khi thức học bài.
Đường rất hiếm để nấu chè, bánh kẹo cực hiếm và dở ẹc. Chủ yếu chỉ có kẹo Hải Hà (của Nhà nước) và các biến tấu của bánh quy (ngoài Bắc hay gọi tổng hợp là quy-gai-xốp, tức bánh quy, bánh gai, bánh xốp). Nhưng bột bánh thường khô khốc, hôi và chua, thậm chí còn nguyên xác con mọt bên trong. Chè đậu đen bán ở cửa hàng ăn uống thì lõng bõng, chỉ có tí đậu dưới đáy ly, nhưng vì được "đi ăn hàng" và có nước đá nên thấy rất ngon. Có điều không dùng muỗng để múc nước chè được : nhân viên cửa hàng sợ bị khách thó mất nên tất cả các chiếc muỗng đều bị đục thủng ngay giữa lòng muỗng !
Bù lại, trong vườn nhà tôi có ít cây ăn trái. Mấy cây nhãn trái trĩu trịt, mấy cây mãng cầu, mấy cây lựu bạch, mấy bụi mía đường. Nhà tôi chỉ thuộc loại thường thường ở xóm, hầu như nhà nào cũng có đất trồng ít cây ăn trái, nuôi gà, heo. Có những nhà đất rộng dữ lắm, trồng cả vườn dừa. Hàng xóm nhà tôi bán chè ngoài chợ, vườn sau có một cây táo ta cổ thụ tán che rợp hết vườn, đến mùa trái rụng quét không hết. Bốn đứa con nít nhà đó và tôi nhai táo mỏi răng.
Ngoài chợ-thị trường tự do, mặc dù đội ngũ quản lý thị trường rất gay gắt nhưng vẫn có các hàng hủ tiếu bò kho, bánh canh giò heo chả cá, cháo vịt và các món ăn nhiều thịt thà khác. Tuy vậy, sự khắc nghiệt của quản lý thị trường có những khi lên đến độ tàn nhẫn. Một lần, má tôi chứng kiến quản lý thị trường đi bắt "chợ đen". Họ đào một hố to ngay giữa chợ (lúc đó chưa có nhà lồng chợ). Các dì, các chị vừa gánh gánh hủ tiếu bò kho, giò heo đầy ắp vừa mới nấu đang bốc hơi nghi ngút ra tới, vẫn còn chưa kịp đặt gánh xuống thì họ xông đến. Không nói không rằng, đám đàn ông to khỏe nhấc ngay những chiếc thùng đựng nước lèo và hủ tiếu đổ ụp xuống hố. Nước lèo đỏ au màu hột điều lênh láng dưới hố, xen lẫn những cục giò heo trắng ngà ngon đến nhức mũi.
Các cô dì chỉ biết khóc ra máu mắt. Cơm áo của cả gia đình nằm trong thùng nước lèo và rổ bún đó. Nhưng không ai dám phản kháng ra mặt, vì đám cán bộ ấy hung hăng hách dịch lắm, và họ chỉ sợ cấp trên chứ không sợ lẽ phải, càng không sợ dân.
Oái oăm. Nhưng không chỉ trong ăn uống mới có những cái éo le oái oăm như thế, mà cả về may mặc, học hành và sinh hoạt tinh thần. Chờ nha, tôi sẽ kể tiếp cho quý vị trong bài sau.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 05/03/2024
**************************
Nguyễn Nhơn, RFA, 05/03/2024
Trước năm 1975 cũng đã có sự phân hóa trong các tầng lớp dân cư miền Bắc. Tem phiếu tiêu chuẩn cao hơn đã đành. Trước năm 1975, cán bộ cấp đặc biệt hưởng từ 7,5kg thịt, 3,5kg đường/tháng trở lên ; bộ trưởng hoặc tương đương có phiếu A, trước năm 1975 hưởng 6kg thịt, 3kg đường, sau năm 1975 hưởng 4,2kg thịt, 2kg đường/tháng. Cán bộ cấp nhỏ tiêu chuẩn phiếu D trước năm 1975 hưởng 1kg thịt, 0,5kg đường/ tháng ; sau năm 1975 hưởng 0,8kg thịt, 0,7kg đường/tháng. Công nhân lao động nặng trước năm 1975 tiêu chuẩn phiếu I, hưởng 1,5kg thịt, 0,75kg đường/tháng, còn nhân dân trước năm 1975 và cả sau này là phiếu N với 0,3kg thịt và 0,1kg đường/tháng.
Nhưng môi trường ngành nghề còn quan trọng hơn nữa.
AP
Ba tôi làm việc trong một xí nghiệp đánh cá lớn, có rất nhiều anh em bạn bè là thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ… tàu viễn dương. Hội đồng hương gắn bó những người xa quê nên các cô, chú, bác… chơi với nhau cực kỳ gắn bó. Tôi nhớ trước 1975, chúng tôi vẫn sống trong nhà tập thể bé tí như tất cả mọi người nhưng ăn uống sinh hoạt không hề kham khổ như sau này. Các chú đi tàu mang về cho táo tây, lê, xà phòng thơm… Lương của ba má tôi đủ để cuối tuần thì cả nhà đi ăn tiệm, ba tôi uống ly bia hơi ở cửa hàng ăn uống quốc doanh. Một đợt má tôi bệnh, suốt một tuần bữa tối ba tôi đều mua một con gà tần thuốc bắc cho má tôi ăn. Gần như hàng tuần hội đồng hương đều họp mặt ở nhà tôi, ăn uống chuyện trò. Có bia, đủ để say. Đời sống như vậy cũng không quá tệ, phải không ?
Nên những gì xảy ra trong đời sống sau năm 1975 là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi. Hồi ấy còn rất nhỏ nhưng tôi còn nhớ một bữa cơm tối dưới ánh đèn dầu tù mù, thức ăn mặn của cả nhà sáu người chỉ là một đĩa cá vụn nát kho lên. Ăn đến gần cuối bữa, thức ăn không còn đủ. Ba má, anh chị đều buông đũa, chỉ còn tôi bé nhất vẫn đang ăn. Tôi hồn nhiên cầm đĩa cá kê gần vào chiếc đèn dầu, cố tìm. Một lúc quay lại, tôi thấy má đang khóc.
Thời gian sau thì như tôi đã kể, hải sản bán ở chợ rất nhiều và rẻ nên trừ thịt, chúng tôi ăn uống thả cửa.
Mỗi tuần chỉ được một đêm có điện, mà chỉ từ 6h tối đến 9h tối thôi. 6h là đã tối chập choạng rồi, nhà nhà đều phải thắp đèn dầu. Đến khi cả xóm cùng bùng lên một tiếng reo thật hớn hở và thật dài "Có điện" thì đội ơn Đảng, đội ơn Bác, mỗi mặt người đều như vừa nhận được tin báo trúng Vietlott 300 tỷ. Lập tức tiếng radio, tiếng cassette rộn rã, tiếng người gọi con, trò chuyện cũng réo rắt hơn gấp bội.
Rồi thì một tuần có được ba ngày điện, dần dần lên bốn ngày, năm ngày, rồi cả tuần, nhưng vẫn chỉ từ 6h đến 9h tối thôi. Con nít tụi tôi đều thành thạo việc lau bóng đèn dầu, châm thêm dầu lửa vô bình đựng, cho thêm ít muối để đỡ hao dầu (người ta nói vậy). Luôn có cái kéo nhỏ và chiếc khăn dày để khi đèn cháy lâu, bóng bị ám khói đen hay bấc cháy dài ra một khúc khiến ngọn lửa nhỏ đi bớt sáng thì vặn tắt hẳn, chờ một lúc cho bóng đèn nguội bớt thì cầm chiếc khăn bọc vô phần dưới bóng đèn xoáy nó ra, cắt bấc, lau bóng, châm đèn, xoáy bóng vô trở lại.
Trọn vẹn thời đi học của tôi là dưới ánh đèn dầu. Cả nhà có ba bốn chiếc đèn to, còn lại là đèn nhỏ thì chúng tôi được ưu tiên thắp hết chiếc đèn to để nhìn rõ chữ. Nhà tôi nằm giữa vườn, bốn bên đều có cửa sổ, ban đêm gió lồng lộng nhưng lại phải đóng bớt cửa vì gió thổi mạnh sẽ làm ánh đèn lung lay hoặc tắt. Ngồi học sát bên mấy ngọn đèn dầu to, mồ hôi vã ra đầm đìa, lại còn hôi mùi dầu lửa nhưng chỉ có thể quạt tay nhè nhẹ. Mùa hè, ban đêm bọ xít và bọ dừa bị ánh lửa thu hút bay vào vè vè rồi xông thẳng vào chết xếp lớp trong ống đèn. Lại phải thêm công đoạn tắt đèn, đổ xác bọn chúng ra rồi thắp trở lại.
Bếp nấu bằng trấu. Người ta nghĩ ra cái bếp nấu trấu khá hay : nó hình nón, vành ngoài đựng trấu, dưới có khe hở để trấu chảy từ từ và cháy lên ở giữa. Phải ngồi canh bếp liên tục để khều trấu cho chảy đều xuống bếp.
Rồi đến bếp mùn cưa. Ở giữa là lỗ trống hình ống, xung quanh nhồi chặt mùn cưa. Nhồi mùn cưa là một nghệ thuật : nhồi lỏng tay thì mùn cưa cháy rất nhanh, to lửa nhưng chóng tàn. Nhồi chặt quá thì lâu bén.
Do nấu trấu và mùn cưa đều rất hao nên mỗi nhà đều phải trữ sẵn nhiều bao dựng ở kho, ngoài vách bếp.
Khi "giàu" hơn thì chuyển sang nấu củi. Củi cũng được phân phối cho cán bộ. Mỗi nhà lại phải sắm con dao chẻ củi, chiếc búa, nhà nào có con trai thì sắm hẳn cái rìu cho nhanh. Cuối tuần, đàn ông con trai trong nhà xoay trần ra chẻ củi hùng hục. Củi khô và thẳng còn dễ chẻ, dao chẻ vào là nứt ra luôn. Củi tươi và có nhiều xoắn vặn thì chẻ khó vô cùng. Phải lựa thớ, chẻ mồi rồi chêm cái nêm bằng sắt vào để nó giữ vết nứt không bị khép lại, rồi dùng búa đánh xuống chêm.
Cụ Tổng Trọng bảo lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy. Thưa cụ là không phải thế. Câu này Thái Công tiên sư mà nghe được sẽ phán ngay là cần có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm ! Củi tươi dù nhét vào lò nóng cũng không thể cháy ngay được mà sẽ nổ tanh tách, phun phì phì bọt ra ngoài, bốc khói mù mịt. Mãi cho đến khi hơi nước và nhựa trong thân củi đã bốc hơi hoặc phì ra hết thì nó mới có thể bén lửa và bốc cháy.
"Giàu" hơn nữa thì nấu than. Nấu than sướng hơn nấu củi rất nhiều vì thoát công đoạn nặng nhọc nhất là chẻ và phơi củi, thu củi, mang củi vào bếp. Không có khói nhọ nhem cả đít nồi lẫn mặt người, không bị gió to dọa tắt, phải chu mỏ thổi vào cái ống thổi phù phù cho lửa bén lại. Lửa than lại đều, cháy lâu, nấu xong chỉ cần dùng kẹp gắp các hòn than nhốt vô cái hũ đất nung là xong.
Sau thời bếp than là bếp dầu. Bếp dầu còn gọn sạch hơn bếp than vì chỉ cần vặn cái núm là điều chỉnh được ngọn lửa to nhỏ.
Thế nhưng "nhân dân anh hùng" vì tiêu chuẩn rất ít nên phải nấu bếp bằng lá khô hay rơm. Mãi sau này đọc sách báo, tôi mới biết trẻ con Hà Nội thời ấy sau giờ học lại phải ra phố quét lá khô mang về cho mẹ nấu cơm.
Thiếu thốn đủ thứ như vậy nên mọi người đều gầy nhom. Ai béo chứng tỏ được ăn uống rất no, rất ngon, nghĩa là nhà rất giàu. "Bà ấy sướng lắm, béo trắng ra" "Dạo này chị béo trắng ra ấy" là cách khen vô cùng trực tiếp và chứa đầy thán phục, thèm thuồng và ao ước.
Cho nên khi bắt đầu đổi mới, xóa bao cấp, đời sống thay đổi chóng mặt, người ta đã biết đến cái nồi cơm điện thì có một thứ mốt phổ biến ở miền Bắc : Người ta bày cái nồi cơm điện ở ngay phòng khách, có khi đặt ngay trên tủ buffet như một thứ vật dụng trang trí sang trọng.
Dân miền Nam thì không khoe như thế, vì đời sống của họ trong nhiều năm trước đó đã có bát chén sứ kiểu, tủ lạnh, ăn sáng cà phê ngoài tiệm, dàn Akai, quạt trần, xe Honda…
Sau mấy chục năm, khi cái ách bao cấp đã được tháo bỏ đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt, không ít người lại thích hoài niệm về nó. Những quán cà phê Cộng mô phỏng không gian của một thời bao cấp mọc lên thành chuỗi ở nhiều nơi và khá đắt khách. Tôi vào một lần và… thôi, em xin. Ai thích trải nghiệm bầu không khí tù mù tăm tối của những chiếc đèn dầu lờ mờ, đám sách cũ úa vàng, những khẩu hiệu sáo rỗng của một thời ăn gian làm dối… cứ việc. Còn chúng em không lạ gì với nó thì không khí đó chỉ gợi lên một thời u ám, uất ức đè trĩu tim.
Trẻ em Hà Nội năm 1980. AP
Mùa Tết, những đôi người yêu, vợ chồng, bạn trai bạn gái trang điểm ăn mặc áo dài chải tóc thật đẹp theo mốt thời bao cấp, xúng xính ngồi lên chiếc cúp 81 kim vàng giọt lệ đặt trước quán Cộng chụp 7749 tấm ảnh khá dễ thương. Họ may mắn lắm. Những người trải qua thời thanh xuân trong thời bao cấp làm gì có áo dài, băng đô, tóc phi-dê (uốn quăn) để mà chụp hình. Phiếu vải mỗi năm chỉ có 4 m/người (người đi làm). Con cái và cha mẹ gọi là diện ăn theo thì phải mua ngoài cửa hàng quốc doanh. Vải rất xấu, chỉ dùng để may mền. Áo quần muốn coi được một tí thì phải mua vải chợ đen, nhưng cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài màu, thường là trắng, xanh da trời, nâu đất… "Soái ca" Đạt Long Vinh được các chị em mê mẩn vì chơi một cây sơ mi đen quần tây đen rất bắt camera Tik Tok mà sống vào thời đó thì có khóc, vì sơ mi đen quá cá tính chất chơi, quá chói mắt trong bầu không khí "cần lao thương khó" đang trùm lên toàn xã hội.
Chị gái tôi được chị họ sống ở miền Nam cho chiếc sơ mi bằng chất thun ngoại rất mềm màu vàng kim rải rác những chấm bi đen rất hài hòa, nhưng khi mặc đi học thì bạn bè xầm xì, thậm chí còn bị phê bình trong cuộc họp chi đoàn rằng "ăn chơi quá" !
Thú vui và trẻ em Hà Nội thời bao cấp : chơi trên vỉa hè và ở trần đạp xe đạp
Ở địa phương gia đình tôi sống, có những năm xuất khẩu được hải sản sang Nhật, họ đổi lại bằng máy móc tàu thuyền, có cả vải vóc và một số thứ khác. Vải này đổi bằng sản phẩm sò điệp hay mực, thường là vải carô hay sọc nên được gọi phân biệt là… sọc mực, sọc sò. Có lần, họ đổi vải Nhật rất đẹp, chất vải rất mềm mịn và rất dai, carô màu xanh biển nhẹ xen lẫn những đường trắng bạc. Đó là "sọc sò" đẹp nhất chúng tôi từng có. Mấy anh chị lớn của nhà tôi được may cho mỗi người một cái, vung vinh lắm. Nhưng ra đường thì thấy cả đống người cũng "sọc sò" "sọc mực" giống mình, vì vải ấy bán theo tiêu chuẩn cho người trong ngành.
Do thiếu vải vóc nên quần áo may sẵn rất hiếm, giá đắt và hầu như chỉ bán ngoài chợ đen. Hầu hết đều phải tự may hoặc mang đi may đo. Tôi còn nhớ mỗi năm một lần, đến gần Tết thì cả nhà tôi đi may quần áo tại một anh thợ quen, mỗi người được một bộ hoặc hai cái áo, một cái quần. Anh thợ may rất kỹ, đường kim mũi chỉ tinh tế không chê vào đâu được. Giá lại rẻ nên mới có nghịch lý là người nghèo thì mặc đồ may đo, người khá hơn mặc đồ may sẵn.
Nội y thì càng khó hơn. Áo ngực hay quần lót của phụ nữ đều bằng vải. Người ta cắt vải thành nhiều lớp hình nón (nhọn hoắt) rồi may dằn lại với nhau, chằn chỉ thật dày. Quần lót thì lụng thụng, không thể ôm sát người, dễ ngả màu và rách ở đáy. Rách thì… phải vá ! Quần lót cũng vá !
Còn chiếc quần tây rách hai mông, vá lại và dằn nhiều đường chỉ ngang, dọc, xéo cho thật dày chắc thì gọi là… tivi. Quần có hai cái tivi !
Sau này xóa bao cấp, một thời gian giá may đo vẫn còn rất rẻ. Dần dần áo quần may sẵn và nhất là hàng Si da tràn ngập thị trường kéo giá xuống, còn giá may đo lại vọt lên cao, nghịch lý một thời đổi ngược lại hợp quy luật.
Do thiếu thốn nên chúng tôi đi học ăn mặc rất tùy tiện. Những gia đình sống trong miền Nam từ lâu vẫn sẵn đồng phục sơ mi trắng, quần tây xanh cho con trai, váy ngắn xanh cho con gái. Nhưng những người khác thì có gì mặc nấy. Phổ biến nhất là con gái nhỏ mặc đồ bộ, con trai và con gái lớn mặc quần tây, quần đen, áo kiểu, áo sơ mi… tùy điều kiện gia đình.
Tôi may mắn vì từ lớp 2 đến tận lớp 9 vẫn còn được học với tuyệt đại đa số các thầy cô là giáo viên từ thời chế độ Cộng hòa. Đó là những năm ngay sau 1975 nên thầy cô vẫn còn giữ được y phục cũ (chưa kịp rách !). Thầy hiệu trưởng của tôi mặc sơ mi, luôn thắt cà vạt, "đóng thùng" chỉn chu. Các cô giáo mặc áo dài, loại áo dài có cổ cao hoặc cổ Trần Lệ Xuân, nhưng là loại áo dài thuận tiện cho người đứng trên bục giảng : vạt rộng và dài, vải không lộ, không mỏng, vẫn uốn lượn theo cơ thể nhưng không ôm sát lấy toàn bộ cơ thể người phụ nữ, phần tiếp giáp hai tà cũng không khoét sâu đến nỗi lộ tam giác da thịt lấp ló phía trên cạp quần.
Sau này, khi áo dài mới được khôi phục, không ít người mặc bừa phứa mà thiếu thanh lịch : cô giáo lên lớp cũng mặc áo may bằng loại hàng mỏng tang và ôm sát đến nỗi rõ được cả đường hằn của nội y trên người, thậm chí khi giơ tay viết bảng thì vết mồ hôi loang dưới nách áo lộ ra rõ mồn một, hoặc lộ rõ cả chiếc áo ngực bên trong !
Đến khi tôi lên phổ thông trung học thì số thầy cô của chế độ cũ đã ít hẳn đi. Số thầy cô giáo "Bắc 75", tiếc thay, rất hiếm người có phong thái lịch sự như các thầy cô giáo "cũ". Không còn bắt buộc mặc áo dài, các cô cũng có gì mặc nấy. Tôi nhớ cô giáo dạy môn Sinh thường xuyên mặc chiếc quần tây màu nâu, rất lâu không được ủi nên chỗ đầu gối nhăn nhúm đến nỗi quăn lên như lò xo. Một thầy giáo khác rất ưa mặc chiếc quần tây màu xám trắng, nhưng thầy… ở dơ đến nỗi hai mép túi quần cáu bẩn đen sì, còn cả vết ngón tay, chắc cả tháng mới được giặt một lần.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 05/03/2024
Những giá trị lịch sử của Hà Nội từ khi Lý Công Uẩn dời đô, thì chủ yếu là tiềm ẩn sâu xa trong tâm thức mà mỗi người có thể hình dung được khi tiếp xúc với các di tích, di sản văn hóa. Nhưng rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội, đến nay, đã gần như trở thành biểu tượng, giống như cái vỏ vật chất (physical shells) lưu giữ các tầng tâm thức của nhiều thế hệ. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia xung quanh Việt Nam, thì Hồ Gươm, Văn miếu – Quốc tử giám, Núi Nùng, Đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng… hầu hết đều là "vật mang" giá trị (value carrier) của lịch sử ; bản thân giá trị vật thể có thể trực tiếp thấy được ở những di sản này, thực ra không nhiều. Trong khi đó, những dấu ấn văn hóa vật thể còn lại từ khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội, thì lại là những công trình khá bề thế và còn mang nhiều giá trị vật thể. Những địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như Nhà Kèn, Nhà Hát Lớn, nhà tù Hoả Lò, Ga Hàng Cỏ, Cầu Long Biên, Nhà thờ lớn Hà Nội, Chợ Đồng Xuân… đều là những di sản có giá trị vật thể như vậy, bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể.
Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức : Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse)
Không thể hiểu được bản sắc Hà Nội, nếu không nói đến những nét văn hóa – văn minh Pháp còn đọng lại ở đời sống đô thị vùng đất này.
1. Đặt vấn đề
Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến, nghĩa là thời điểm Hà Nội trở thành Thủ đô là từ khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Tuy nhiên, với tính cách là một đô thị trung tâm của quốc gia, thì "hồn cốt" và diện mạo của Hà Nội, so với các đô thị khác, lại là những giá trị vật chất và tinh thần quy định diện mạo đặc trưng và chiều hướng phát triển của thủ đô, sau khi Hà Nội đã có hơn nửa thế kỷ chịu ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa – văn minh Pháp. Bản sắc Hà Nội, do vậy phải chăng là, sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp… giữa những nét "kinh điển, hoa lệ" của Châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hóa Hà Nội.
Trong tâm thức của một số người, nỗi ngậm ngùi của một Hà Nội thuộc địa từng chịu sự thống trị của thực dân Pháp, đan xen phức tạp với niềm tự hào của một thành phố không mấy xa lạ với Paris, với nét hào hoa lịch thiệp kiểu đô thị Châu Âu. Dấu ấn Châu Âu trong lòng Hà Nội so với những đô thị khác trong khu vực đã khiến Hà Nội trở thành điểm đến của du khách. Ngày nay, Hà Nội rộng lớn hơn nhiều lần so với thế kỷ trước, nhưng lại không mấy ai coi bản sắc Hà Nội là những nét đặc thù, dù tốt đẹp, được du nhập từ ngoại thành, mà vẫn chủ yếu là những gì mà Hà Nội đã tạo dựng được từ trong lịch sử và từ thế kỷ trước.
Đó là vấn đề đặt ra đối với việc các định bản sắc của Hà Nội.
2. Vài nét về lịch sử Hà Nội
Hoa Lư là kinh đô của 2 triều Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009). Một năm sau khi lên ngôi tại Hoa Lư, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Đại La đặt tên Thủ đô là Thăng Long. Chỉ sau một thế kỷ, Thăng Long đã thực sự trở thành trung tâm mạnh và sầm uất của quốc gia với nhiều công trình tầm cỡ như chùa Diên Hựu xây dựng năm 1049, chùa Báo Thiên năm 1057, Văn Miếu năm 1070, Quốc Tử Giám năm 1076… [1].
Thời Trần, Thăng Long với 61 phường, được xây dựng thêm nhiều cung điện trong Hoàng thành. Kinh tế công thương phát triển, cư dân người Hoa, người Java và người Ấn Độ đã đến buôn bán. Tầng lớp thị dân xuất hiện. Hàn Thuyên, Lê Văn Hưu và Chu Văn An là những học giả lớn thời kỳ này. Trong cuộc chiến chống Nguyên, Thăng Long ba lần bị chiếm giữ (1/1258, 2-5/1285, 2-3/1288) nhưng chiến thắng đều thuộc về Đại Việt [2].
Năm 1398, Hồ Quý Ly đã chuyển đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Những năm 1400-1407 Thăng Long đổi tên thành Ðông Ðô. Khi giặc Minh xâm chiếm, giai đoạn 1407-1427, Thăng Long đổi tên thành Ðông Quan. Năm 1426, Lê Lợi tiến quân ra Ðông Quan, sau đó giải phóng được Ðông Quan tháng 1/1428. Tháng 4/1428, Lê Lợi từ dinh Bồ Ðề (Gia Lâm) vào thành Ðông Ðô, lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt. Năm 1430 Ðông Ðô được đổi tên thành Ðông Kinh. Trong gần 100 năm sau đó, triều Lê đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội [3].
Trong thời kỳ tranh giành quyền lực giữa nhà Lê, nhà Mạc và chúa Trịnh (1527-1789), Thăng Long vẫn là Kinh đô. Cùng với Hoàng thành của Vua Lê, trung tâm quyền lực là phủ Chúa Trịnh được xây dựng. Chính trị phức tạp, nhiều cuộc nội chiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn đã xảy ra, nhưng kinh tế Thăng Long và Đại Việt vẫn phát triển. Cách gọi "Thành Thăng Long và thị Kẻ Chợ" cùng với câu ca "Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến" đã phản ánh sự phát triển ngoại thương thời kỳ này. Tầng lớp trí thức tương đối có vị thế, những tên tuổi còn lại đến nay là Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích, Lê Quý Đôn…
Năm 1786, quân Tây Sơn ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, chấm dứt hai thế kỷ chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Năm 1788, nhà Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi rồi dẫn quân ra Bắc làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh bại quân Thanh. Nhà Tây Sơn trị vì với kinh đô mới ở Phú Xuân, đổi Thăng Long thành "Bắc Thành".
Gia Long lên ngôi năm 1802, kinh đô vẫn ở Phú Xuân. Năm 1805, Gia Long thu hẹp thành Thăng Long xây theo kiểu Vauban của Pháp mà dấu vết vẫn còn lại tới ngày nay (đường Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Trần Phú và Phùng Hưng). Năm 1831, Minh Mạng cải cách hành chính, cả nước gồm 29 tỉnh, Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội (gồm 4 phủ, 15 huyện) với tên là Phủ Hoài Đức với 3 huyện : Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm. Tên gọi Hà Nội bắt đầu từ đây. Kinh tế Thủ đô gồm cả nông nghiệp, nhưng thương mại và thủ công là chính tạo khởi sắc cho đô thị Hà Nội. Một số cửa ô được xây dựng lại. Một số công trình tín ngưỡng, tôn giáo như đền Ngọc Sơn (1841), chùa Báo Ân (1846)… được xây dựng mới [4].
Ngày 1/9/1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam. Năm 1859, Pháp chiếm Gia Định. Năm 1861, Pháp chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Ngày 5/6/1862, Triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất, công nhận quyền cai trị của Pháp ở Gia Tường, Biên Hòa và Côn Đảo.
Tháng 11/1873 quân đội Pháp với 200 lính và 4 khẩu pháo dưới sự chỉ huy của Francis Garnier tiến đánh Hà Nội. Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất ; Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết. Ngày 20/11/1873 Hà Nội thất thủ về tay người Pháp. Garnier mở rộng đánh chiếm Hưng Yên vào ngày 23/11/1873, Phủ Lý ngày 26/11/1873, Hải Dương ngày 3/12/1873, Ninh Bình ngày 5/12/1873 và Nam Định ngày 12/12/1873. Ngày 21/12/1873 Garnier bị giết bên bờ hồ Ngọc Khánh. Ngay sau đó, năm 1874, khi ký kết Hiệp ước Giáp Tuất với triều đình Huế, người Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội. Ngày 31/8/1875, triều Nguyễn ký thoả ước nhượng địa cho Pháp khu vực đóng quân và xây sứ quán quanh nhà thương Đồn Thuỷ (Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay). Một vài công trình kiến trúc đầu tiên của Pháp còn lại đến nay nằm trong khu Bệnh viện 108. Đến năm 1884, khi nhà Nguyễn ký Hiệp ước Giáp Thân công nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, Hà Nội mới bước vào thời kỳ thuộc địa. Ngày 24/4/1882, Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ 2 ; Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết [5].
Người Pháp đã phá chùa Báo Thiên có từ thế kỷ XI để xây dựng Nhà Thờ Lớn (năm 1884), phá chùa Báo Âns để xây Phủ Thống Sứ Bắc kỳ và Nhà Bưu điện (năm 1889).
Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội gồm 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức. Thành Hà Nội, cố đô Thăng Long xưa, trở thành nhượng địa của Pháp. Ngày 13/12/1897, Paul Doumer sang Hà Nội nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (1897-1902, ông được xem là người có đóng góp tích cực cho Hà Nội và cho sự phát triển của Việt Nam thời đó). Ngày 3/5/1902, tỉnh lỵ Hà Nội chuyển về xứ Cầu Đơ, gọi là tỉnh Cầu Đơ ; năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông. Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương. Người Pháp quy hoạch lại Hà Nội với bộ mặt mới. Thành Hà Nội đã bị phá từ trước đó, chỉ còn lại Cột Cờ, Cửa Bắc, Đoan Môn và lan can rồng đá ở trong hoàng thành cũ [6].
Theo Warres Smith trong cuốn sách nổi tiếng của ông nghiên cứu về dân Châu Âu ở Viễn Đông xuất bản năm 1900 "European Settlements in the Far East", "Dân số Hà Nội vào năm 1897 là 102.700 người, trong đó có 950 người Châu Âu, 100.000 người An Nam, 1.697 người Trung Hoa, và 42 người Ấn Độ". Mô tả chi tiết về Hà Nội lúc đó, Warres Smith viết :
"Hà Nội thủ đô của Bắc Kỳ, và nay là thủ phủ của chính quyền Đông Dương, tọa lạc trên sông Cái, hay sông Hồng, cách cửa sông gần 180km. Thành phố được xây dựng gần con sông, ở đây chiều ngang sông rộng gần đến một dặm, và nhờ các hồ nước và cây cối rải rác, nó phô bày một vẻ đẹp khá ngoạn mục. Thành cổ chiếm giữ điểm cao nhất và được bao quanh bởi một bức tường bằng gạch cao gần 3,7m và một hào nước. Nó gồm các doanh trại dành cho binh sĩ, kho vũ khí, đạn dược, v.v… và một ngôi chùa hoàng gia nằm bên trong tường thành. Phố cổ nằm ở giữa tòa thành và sông, và các đường phố của nó có một dáng vẻ khác lạ nhờ kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà. Kể từ khi Pháp chiếm đóng vào năm 1882, đã có những cuộc tu bổ lớn trong việc thiết trí thành phố và tạo lập các con lộ và các đường phố. Khu phố gần con sông nhất dần dần mang dáng vẻ của một thành phố Á Đông lai Pháp. Các phố mới rộng, dài, được trồng cây và thắp sáng bằng điện, đã được xây dựng, trong đó Phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay) là phố buôn bán chính yếu với các cửa hiệu Châu Âu và khách sạn, v.v… Tòa thị chính, Bưu điện, Kho bạc, câu lạc bộ và bục hòa nhạc nằm sát Phố Bờ Hồ (Rue de Lac, tức phố Hàng Dầu ngày nay). Nhà Thờ lớn, một công trình đồ sộ nhưng xấu xí, với hai tháp cao, tọa lạc tại một con phố nằm phía sau phố Jules Ferry (phố Hàng Trống ngày nay), lại vươn cao ngất ngưởng, dễ nhìn thấy từ phần lớn các nơi trong thành phố. Một bức tượng bằng đồng đẹp đẽ của Paul Bert được dựng tại Công viên đối diện với Hồ Nhỏ (Petit Lac, hồ Hoàn Kiếm), và được khánh thành vào ngày 14/7/1890. Hồ Nhỏ là một dải nước nằm giữa thành phố mới, mang lại vẻ đẹp như tranh nhờ các ngôi đền lạ lùng tọa lạc trên các hòn đảo điểm họa cho nó. Các khách sạn khá tốt. Tại thành phố bản xứ này, đường phố được giữ gìn rất tốt và sạch sẽ khi so sánh với phần lớn các thành phố phương Đông. Chúng đều được thắp sáng và khô ráo. Một số ngôi nhà trông rất kỳ lạ và đặc biệt. Về các ngôi đền, ngôi chùa Đại Phật (Grand Buddha, tức đền Quán Thánh) bên bờ Hồ Lớn (Grand Lac, Hồ Tây) có lẽ là ngôi chùa quan trọng nhất, bởi nó có một bức tượng lớn bằng đồng của một vị thánh. Một sân Đua Ngựa mới, bắt đầu được đưa vào sử dụng trong năm 1890, được xây dựng ngay bên ngoài thành phố mới. Các dinh thự của viên Toàn quyền và Tư lệnh Quân đội, các văn phòng chính phủ, nhà thương và một số kiến trúc công khác được đặt tại vùng trước đây là "Khu Nhượng địa" (Concession) gần bờ sông. Dân số năm 1897 là 102.700 người, trong đó có 950 người Châu Âu, 100.000 người An Nam, 1.697 người Trung Hoa, và 42 người Ấn Độ. Có vài tờ báo bằng tiếng Pháp được ấn hành trong thành phố. Các con tàu hơi nước chạy trên Sông Cái đến tận Lào Kai, gần vùng biên cương với Vân Nam, và một nền thương mại quá cảnh đang phát triển. Một đường xe hỏa hiện đang được xây dựng từ Hà Nội đến Phủ Lạng Thương, từ đó có một tuyến chạy đến Lạng Sơn và vùng biên cương Trung Hoa. Một nhượng địa đã được chấp thuận cho việc nối dài tuyến đường xe lửa đến Long Châu, tỉnh Quảng Tây" [7].
Theo nghiên cứu của Philippe Papin, vào năm 1921, Hà Nội có khoảng 4.000 dân Châu Âu và 100.000 dân bản địa [8]. Cùng với sự thống trị của người Pháp, văn hóa – văn minh phương Tây đã đến với Hà Nội và gây ra những biến đổi lớn cho Thủ đô. Không còn thuần túy là một kinh thành phong kiến, Hà Nội mang diện mạo của một đô thị Châu Âu. Về mặt xã hội, bên cạnh giới tư bản nước ngoài, tầng lớp tư sản Việt Nam cũng xuất hiện. Thành phố ngày càng đậm nét là trung tâm đời sống tinh thần trí tuệ quốc gia. Khoa học, giáo dục đại học, báo chí, âm nhạc, hội họa, thơ văn, điêu khắc và các loại hình nghệ thuật sáng tạo theo phương pháp Châu Âu xuất hiện. Những trí thức, học giả, giới báo chí thạo tiếng Pháp ngày càng nhiều. Các nhà thơ theo phong trào thơ mới, các nhạc nhạc sĩ, các họa sĩ… theo phong cách Châu Âu ngày càng chiếm ưu thế và có nhiều người nổi tiếng trong đời sống tinh thần xã hội Hà Nội và Việt Nam.
3. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong quy hoạch và kiến trúc đô thị
Người Pháp đã quy hoạch Hà Nội theo 3 giai đoạn gắn với mở rộng không gian đô thị : từ năm 1875 đến năm 1888, từ năm 1888 đến năm 1920 và từ sau năm 1920 đến năm 1942. Ngay ở giai đoạn đầu, cùng với xây dựng khu Nhượng địa, hồ Hoàn Kiếm và những kiến trúc quanh hồ đã được chú ý quy hoạch và tổ chức xây dựng. Đường quanh hồ rộng 10m, khu phố cổ phía bắc hồ được chỉnh trang và xây dựng ở giai đoạn này [9].
Do người Pháp khởi công xây dựng năm 1901, theo mẫu nhà hát Opera Garnier ở Pari, Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật, tọa lạc trên quảng trường cách mạng tháng tám, đầu phố Tràng Tiền.
Tuy nhiên căn cứ vào những công trình còn lại đến ngày nay, có thể chia quy hoạch và xây dựng Hà Nội theo hai giai đoạn trước và sau năm 1920.
Trước năm 1920, bộ mặt kiến trúc mang phong cách Tân cổ điển Châu Âu. Trong giai đoạn đầu, từ cuối thế kỷ XIX đến trước năm 1920, đặc biệt từ khi P. Doumer đến Hà Nội (1897-1902), cùng với những nhà tư bản Pháp đến nhiều hơn, người Pháp đã xây dựng một loạt các công trình lớn tại Hà Nội : Chợ Đồng Xuân (năm 1889) ; Nhà thờ lớn (1884-1888) ; Cầu Long Biên (1889-1902) ; Bưu điện Hà Nội (1893-1899) ; Bốt nước Hàng Đậu (năm 1894) ; Nhà tù Hỏa lò (1895-1899, 1898-1901) ; Ga Hàng Cỏ (1899-1902) ; Khách sạn Metropole (năm 1901) ; Nhà Godard Tràng Tiền (năm 1901) ; Phủ Thống sứ (1900-1906, 1909-1918, nhà khách chính phủ ngày nay) ; Nhà hát lớn (1901-1911) ; Ngân hàng Hà Nội 1918-1831, Viện Viễn Đông bác Cổ (với nhiều lần xây dựng mà bắt đầu từ 1905. Thư viện Khoa học Xã hội ngày nay)… [10]
Toàn bộ những công trình này nằm ở khu vực Trung tâm hành chính I (Quận Hoàn Kiếm ngày nay), hiện là một quần thể có giá trị lớn không chỉ về kiến trúc mà cả về lịch sử, văn hóa và cảnh quan. Đặc trưng kiến trúc những công trình của khu vực này là xây dựng theo phong cách Tân cổ điển. Một trung tâm khác được gọi là Trung tâm hành chính II (Ba Đình ngày nay) là Dinh Toàn quyền Đông Dương 1902-1906 (Phủ Chủ tịch ngày nay), Sở Tài chính Đông Dương (1924-1928, hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao) nối với trung tâm I và hồ Hoàn Kiếm bằng trục phố Paul Bert – Borgnis Desbordes – Puginier (nay là trục phố Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ).
Thời kỳ thứ hai của quy hoạch Hà Nội và kiến trúc Pháp thuộc (từ năm 1920 đến năm 1954), gắn liền với vai trò của Ernest Hébrard (1875-1933), kiến trúc sư đến Việt Nam từ năm 1921, sau đó giữ trọng trách Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương đến 1931 [11]. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là những công trình mang phong cách kết hợp Âu và Á, gọi là phong cách Kiến trúc Đông Dương (Style Indochinois) mà Hebrard được coi là người khởi xướng. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1926-1932), Viện Pasteur (năm 1927), Viện Đại học Đông Dương (1923-1926) ; Bảo tàng Louis Finot EFEO (1925-1932, Bảo tàng lịch sử hiện nay) ; Sở Tài chính Đông Dương (1924-1928) ; Nhà thờ Cửa Bắc (1925-1930) ; … là những công trình tiêu biểu của thời kỳ này, qua thời gian đã được đánh giá là thành công trong xử lý không gian kiến trúc phù hợp với phương Đông [12].
Cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu trên, người Pháp còn chú trọng xây dựng Vườn Bách thảo, các quảng trường, các công viên, vườn hoa và các đài tưởng niệm mà đến nay vẫn được coi là có giá trị công năng.
4. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong khoa học và giáo dục
Đầu thế kỷ XX, khi người Pháp ở Việt Nam chủ trương đẩy mạnh khai thác thuộc địa, khám phá sâu hơn về phương Đông, thì đặc thù của văn hóa và con người Việt Nam đã được các học giả Pháp và Việt Nam chú ý nghiên cứu ở trình độ rất cao.
Tâm lý ngạo mạn cho rằng "văn hóa văn minh phương Tây là khuôn vàng thước ngọc cho phần còn lại của thế giới" và "các dân tộc thượng đẳng có sứ mệnh khai hóa văn minh cho các dân tộc nhược tiểu", luôn mang tính hai mặt của nó. Người Pháp không thể tuyệt đối thống trị được các dân tộc thuộc địa, nếu bộ máy cai trị ở bản địa chỉ ở trình độ dốt nát, kém cỏi. Vả lại, khi được coi là một phần "của nước mẹ Đại Pháp" thì môi trường xã hội và văn hóa của tầng lớp cai trị cũng cần thiết phải đạt đến một trình độ văn minh nhất định. Thực ra tâm lý của những quan lại người Pháp ở Đông Dương đôi khi còn mong muốn Đông Dương phải trở thành một xã hội tiến bộ theo cách của người Pháp, nghĩa là có những nét đẹp, đủ để mê hoặc bản quốc.
Về điều này, cần thiết phải thấy rằng, nhìn từ phương diện chính trị – xã hội, từ giữa thế kỷ XV, phương Tây bắt đầu tiến hành cuộc tìm kiếm những miền đất mới. Trong khoảng ba thế kỷ, gần như toàn bộ thế giới với những nền văn hóa rất khác nhau đã được khám phá. Có rất nhiều lý do đã được nêu ra để giải thích sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản Châu Âu thời bấy giờ, trong đó có cả những lý do nhân đạo, đầy tinh thần nghĩa hiệp tồn tại bên cạnh những lý do tham tàn của chủ nghĩa thực dân. Không hề ngẫu nhiên, các học giả nổi tiếng của bộ sách nhiều tập "Lịch sử phát triển văn hóa văn minh nhân loại" đã lưu ý người đọc trên khắp thế giới, rằng : "Những người thực hiện cuộc bành trướng có những lý do phức tạp không kém những Thập tự quân trước đó ; và cũng giống như Thập tự quân, họ tin tưởng phần nào là họ đang làm công việc của Thượng đế" [13]. Theo chúng tôi đây là điều rất đáng lưu ý để giải thích tại sao nhiều quốc gia dân tộc khá lớn và cũng mạnh mẽ nhưng vẫn phải đầu hàng, quy phục, chịu làm thuộc địa trước chủ nghĩa thực dân phương Tây.
Hơn thế nữa, khi những nhà cai trị lại đồng thời là các nhà khoa học hoặc nhà văn hóa, thì văn hóa và khoa học lại còn vận động theo những logic riêng của nó. Khám phá đặc thù của các dân tộc xa xôi, xưa nay luôn là niềm mơ ước cháy bỏng của tất cả các nhà khoa học Pháp và Châu Âu, đặc biệt với những nhà dân tộc học hay những người làm khoa học xã hội nhân văn.
Mà các khoa học xã hội và nhân văn Pháp lúc đó, đặc biệt dân tộc học, khảo cổ học, tôn giáo học, ngôn ngữ học… đã được coi là thuộc loại hàng đầu Châu Âu.
Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d’Extrême-Orient, EFEO) được thành lập tại Sài Gòn năm 1900, chuyển ra Hà Nội năm 1902 và là tiền thân của tất cả 18 trung tâm EFEO tại 13 quốc gia trên thế giới hiện nay. Tòa nhà của Thư viện Viễn Đông Bác cổ ở 26 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1905 và sau đó, nhiều lần được tiếp tục xây dựng. Bảo tàng Louis Finot EFEO (Bảo tàng Lịch sử hiện nay) được khởi công năm 1925 và hoàn tất vào năm 1932. Khi thiết kế và xây dựng công trình có một không hai này, chắc chắn Ernest Hebrard không chỉ muốn gửi gắm ở đây trình độ tài ba của một kiến trúc sư hay của một giáo sư mỹ thuật, mà còn muốn để lại cho Hà Nội một cơ sở gây ấn tượng với đời sau về kiến trúc và làm hạ tầng cho giới khoa học Pháp và bản địa có điều kiện để khám phá sâu hơn về phương Đông. EFEO đã nghiên cứu rất sâu về văn hóa và con người Việt Nam và đã để lại những kết quả nghiên cứu khoa học và văn hóa có ý nghĩa nền tảng vô cùng giá trị đối với các thế hệ sau, mà đến nay giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam cũng chưa tiến xa hơn được bao nhiêu. Chẳng hạn, về các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa,… ; những nghiên cứu về Tây Nguyên hay những khám phá về thánh địa Mỹ Sơn, bãi đá cổ Sa Pa…
Tạp chí nghiên cứu B’EFEO (Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient) gần 100 năm nay đã trở thành nguồn dữ liệu không thể thiếu trong danh mục tham khảo của các ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam và khu vực Châu Á. Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 1902. Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) được thành lập năm 1905 (bao gồm một loạt trường chuyên ngành, được thành lập từ năm 1905 đến năm 1941), sau này là Đại học quốc gia Việt Nam. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1924, là trung tâm mỹ thuật đầu tiên ở khu vực vẽ và sáng tạo theo mô hình và các chuẩn mực phương Tây. Viện Hải dương học Đông Dương (Institut Océanographique de l’Indochine) thành lập năm 1922 ở Nha Trang. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu hải dương học ra đời sớm nhất và có hiện vật biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Viện Hải dương học Nha Trang cũng là nơi có những nghiên cứu khảo cổ, địa chất, hải dương… sớm nhất ở Hoàng sa và Trường Sa và có những đóng góp to lớn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này [14].
Khi nghiên cứu những dấu ấn của văn hóa – văn minh Pháp đối với bản sắc Hà Nội, chúng tôi muốn nhấn mạnh, về mặt khoa học, không thể không thừa nhận rằng, những thiết chế khoa học này, đã sớm đem đến cho giới trí thức Việt Nam tinh thần khoa học, phương pháp luận nghiên cứu, tình yêu chân lý, phong cách sáng tạo, và thái độ của giới trí thức đối với xã hội và đối với nhà cầm quyền… – những phẩm chất rất cơ bản và toàn cầu của trí thức.
Cùng với những sản phẩm nghiên cứu là những di sản, viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng, công trình, tác phẩm… rất giá trị về khoa học và văn hóa, những nghiên cứu về Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX còn để lại những tên tuổi lớn, mà dù vì lý do gì thì lịch sử khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (chứ không phải lịch sử khoa học xã hội và nhân văn Pháp hay thế giới) không thể không ghi nhận.
Công lao của họ là rất đáng kể đối với nền khoa học xã hội và nhân văn Pháp và Việt Nam, mặc dù ai đó trong số họ có thể là những tên thực dân đã từng gây tai họa hay đối xử với kém nhân đạo đối với người bản xứ. Không nên quên rằng, khi chấp nhận khám phá khoa học tại vùng đất xa xôi như Việt Nam và Đông Dương, các nhà khoa học Pháp có thể phải hy sinh toàn bộ cuộc đời mình hoặc đổi mạng sống của mình hay để tạo ra những sản phẩm khoa học. Alexandre Yersin (1863-1943), Ernest Hébrard (1875-1933), Louis Finot (1864-1935), Madeliene Colani (1866-1943), Henri Parmentier (1871-1949), Georges Condominas (1921-2011), Victor Tardieu (1870-1937), Armand Krempt (?-?), Henri Cucherousset (1879-1934),… là những người như vậy. Thậm chí có thể kể cả Henri Maître (1883-1914), Paul Doumer (1857-1932) [15].
Có thể kể đến rất nhiều học giả Pháp đầu thế kỷ XX đã có những sản phẩm khoa học và văn hóa có ý nghĩa tiên phong, mở đường cho nền khoa học Việt Nam.
Pierre Dourisboure (1825-1890, một trong bốn linh mục đầu tiên lên Tây Nguyên năm 1850, người đã trực tiếp vẽ bản đồ và mô tả sử liệu chi tiết về phong tục tập quán của từng nhóm sắc tộc Tây Nguyên) ; Henri Maître (1883-1914, nhà dân tộc học, một quan chức Pháp, đã trực tiếp thám hiểm Tây Nguyên những năm 1909-1911 và nhờ đó để lại cho thế hệ sau cuốn Rừng người Thượng nổi tiếng) ; Leopold Cadière (1869-1955, linh mục thuộc Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại Huế và các tỉnh miền Trung, người đã công bố 250 công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng và dân tộc học, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học hiện đại) ; Jacques Dournes (1922-1993, nhà truyền giáo trong Hội Thừa sai truyền giáo Paris tại vùng Đồng Nai thượng và Tây Nguyên, người đã công bố hơn 250 nghiên cứu về dân tộc Gia Rai) ; Jean Boulbet (1926-2007, cùng với Henri Maître là hai nhà thám hiểm nổi tiếng nhất và đã để lại nhiều ghi chép giá trị về bản tính nguyên thủy của xã hội Tây Nguyên qua tác phẩm Xứ người Mạ, lãnh thổ của Thần linh xuất bản năm 1967) ; Louis Finot (1864-1935, Giám đốc đầu tiên của EFEO) ; George Coedès (1886-1969, Giám đốc EFEO sau L.Finot) ; Bà Madeleine Colani (1866-1943, tên tuổi gắn liền với những nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Hạ Long) ; Olov Jansé (1892-1985, người phát hiện nền văn hóa Đông Sơn) ; Louis Malleret (1901-1970, người phát hiện nền văn hóa nền văn hóa Óc Eo) ; Henri Parmentier (1871-1949, người có công lao to lớn trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Champa, thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Champa ở Nha Trang, bảo tàng Champa Đà Nẵng và Bảo tàng Lịch sử Hà Nội) ; Henri Maspéro (1883-1945, người tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu Đạo giáo) ; Georges Condominas (1921-2011, nhà dân tộc học nổi tiếng mà tên tuổi gắn liền với những nghiên cứu thực địa về dân tộc Mnông Gar ở Tây Nguyên, người phát hiện và công bố bộ đàn đá thời tiền sử được tìm thấy tại Đắk Lắk năm 1949 trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên) ; v.v…
Bên cạnh các học giả Pháp và Châu Âu đầu thế kỷ XX, còn là thế hệ vàng của giới trí thức Việt Nam, những người đã trưởng thành trong khoa học nhờ hợp tác chặt chẽ với EFEO, nắm chắc các lý thuyết và vận dụng được các phương pháp nghiên cứu khoa học của giới nghiên cứu Âu Tây lúc bấy giờ trong nghiên cứu và hoạt động học thuật, khám phá đối tượng nghiên cứu là văn hóa và con người Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam được nghiên cứu theo các phương pháp, chuẩn mực phương Tây. Đó là những thành viên của EFEO, như Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), Nguyễn Văn Khoan (1890-1975), Trần Hàm Tấn (1887-1957), Nguyễn Văn Tố (1889-1947), Trần Văn Giáp (1896-1973), Công Văn Trung (1907-2003), Nguyễn Thiệu Lâu (1916-1967). Và nhiều học giả khác không phải là thành viên EFEO như Đào Duy Anh (1904-1988), Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Hoài Thanh (1909-1982), Nam Sơn (1890-1973), Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977), Lê Dư (1885-1957)… [16]
Nhiều người trong số các học giả nói trên, về sau đã được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh : Nguyễn Văn Huyên (2000), Đặng Thai Mai (1996), Đào Duy Anh (2000), Nguyễn Đỗ Cung (1996), Hoàng Xuân Hãn (2000), Trần Văn Giáp (2000), Cao Xuân Huy (1996), Hoài Thanh (2000)…
5. Những dấu ấn văn hóa – văn minh Pháp trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung
Ngoài những lĩnh vực kiến trúc, khoa học, giáo dục còn lưu đậm dấu ấn văn minh Pháp như đã nêu ở trên, hầu hết các lĩnh vực khác của xã hội Việt Nam, trên thực tế cũng đều chịu tác động lớn của văn hóa – văn minh Pháp và đã có những biến động đáng kể. Trong khuôn khổ của những nghiên cứu về bản sắc Hà Nội, đó là sự xuất hiện của báo chí và công nghiệp báo chí, sự du nhập của của triết học và những tư tưởng xã hội phương Tây, sự ra đời của những loại hình mới và phương pháp sáng tác mới trong văn học nghệ thuật như tiểu thuyết, thơ ca, sân khấu, hội họa, âm nhạc… Đừng quên rằng, phải đến đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam mới xuất hiện âm nhạc phương Tây, hội họa phương Tây, báo chí phương Tây, sân khấu phương Tây, "Tây y" (lấn át Đông y), "Tây học" (lấn át Nho học)… như hiện nay. Phong trào "Thơ mới 1930-1945", "các ca khúc tiền chiến"… là những sáng tạo chỉ xuất hiện khi người Việt tiếp nhận được văn hóa Pháp. Tất cả những dấu ấn đó đã tạo ra được những nền tảng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển đến tận ngày nay của toàn bộ đời sống tinh thần xã hội Việt Nam.
Thực tế cho thấy, người Pháp đến Hà Nội là để thực hiện mục đích thống trị một thuộc địa bản xứ. Hà Nội không tránh khỏi thân phận thuộc địa. Nhưng ngọn lửa "khai hóa văn minh" cũng không tuyệt đối là một sự giả dối hay một tham vọng phi đạo đức.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, logic của văn hóa và văn minh có những dòng chảy nằm ngoài ý muốn của chủ nghĩa Thực dân. Người Pháp vô tình, hay buộc phải để lại cho Hà Nội những kết quả tiến bộ nhất định, nếu không muốn nói là rất đáng kể trong tất cả các mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, kể cả trong lối sống, trong phong cách sinh hoạt, thậm chí cả trong văn hóa ẩm thực… Chúng tôi muốn dẫn ra một đánh giá của Henri Cucherousset, Chủ bút tờ "Thức tỉnh kinh tế Đông Dương" (L’Eveil Économique de l’Indochine) sau nhiều năm sống ở Hà Nội, để suy ngẫm về sự biến đổi này. Trong cuốn sách "Đông dương xưa và nay" (song ngữ Pháp Việt, Vũ Công Nghị dịch tiếng Việt, xuất bản tại Hà Nội năm 1926), Henri Cucherousset viết :
"Chưa đầy 50 năm, trong xứ đã tiến bộ lạ lùng. Những cuộc binh đao của người trong nước gây ra giết chóc lẫn nhau, sinh ra biết bao sự khổ sở và làm cho trong xứ yếu hèn thì nay đã mất hẳn. Ngày nay cuộc hòa bình lan từ Bắc chí Nam và người ta không thấy những binh lính xả thân trong những trận mạc của anh em trong nước tàn hại lẫn nhau nữa. Cuộc hòa bình này cũng có trong các nòi giống khác nhau. Khi xưa thì nước An Nam cứ phải luôn chịu làm nước chư hầu của nước Tàu, thì nay là nước độc lập, không phải phục tùng nước Tàu nữa. Sự giao thiệp của dân chúng với những nhà Nho, là những người cai quản, thì không cách xa nhau như trước và được thân ái hơn. Người nhà quê được hưởng quyền tự do rộng rãi hơn trước nhiều. Ở giữa hai hạng người trên này thì lại mới sinh ra hạng Trung lưu nữa. Ngoài những ơn huệ của cuộc thái bình ấy, nước Pháp còn đem lại cho xứ này nhiều ơn huệ nữa, như những công việc vĩ đại đường xá, cầu cống, đường xe hỏa, bến tàu thủy, sông đào về việc dẫn thủy nhập điền. Những công việc này đã làm bớt sự khổ sở và làm tăng tiến sự thành thơi của nhân dân. Sự quyết đấu để trừ những bệnh tật và những bệnh truyền nhiễm làm cho nòi giống ngày càng tráng kiện thêm lên. Biết bao nhiêu trường như trường tiểu học, trường trung học, trường kĩ nghệ, trường mỹ nghệ thực hành, trường cao đẳng, trường đại học làm cho một số rất nhiều người biết những cách thức để lợi dụng những điều hay của khoa học.
Trong con đường ấy trước đã bao năm trễ nải xứ Đông Dương đã phải nhờ người nước ngoài giúp đỡ cho. Việc mở mang kĩ nghệ và thương mại người An Nam cũng phải nhờ như thế… Người Pháp thì mang đến cho nhân dân xứ này không những môn học chuyên môn và những khoa học của mình, lại còn đem đến cho nhân dân biết cái gương của những đức tính về tinh thần. Những đức tính này thì lâu thu thập được, nhưng rất là cần, như tinh thần về trật tự, về phương pháp, về tiên kiến, về tiết kiệm ; cái thị hiếu về sự cả quyết làm được việc, sự thực hành kiên nhẫn, cái thị hiếu về việc nghiên cứu học hành không lấy tư lợi là mục đích" [17].
Đánh giá của Henri Cucherousset có thể coi là tương đối khách quan. Bởi lẽ ông là người yêu Hà Nội hết lòng, sống ở Hà Nội nhiều năm (từ năm 1916 cho đến khi qua đời năm 1934). Khi là chủ bút tờ "Thức tỉnh kinh tế Đông Dương", Cucherousset đã nhiều lần phản đối những chính sách cụ thể của nhà cầm quyền Đông Dương, đặc biệt là khi Toàn quyền Pierre Pasquier (1928-1934) tỏ ra không đủ tỉnh táo trước các vấn đề chủ quyền xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa. Cucherousset là người đã lên tiếng nhiều lần về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa và đã đưa vấn đề này ra Quốc Hội Pháp [18]. Đánh giá của Henry Cucherousset về sự biến đổi của xã hội Việt Nam là rất đáng suy ngẫm.
6. Kết luận
Không tính đến ảnh hưởng của văn hóa – văn minh Pháp, Huế vẫn là Huế với tính cách là một cố đô. Nhưng nếu không tính đến ảnh hưởng của văn hóa – văn minh Pháp trong đời sống đô thị Hà Nội, tức là nếu vô tình hay cố ý lãng quên những gì mà người Pháp đã để lại cho mảnh đất này, Hà Nội thật khó được hình dung là Hà Nội với tính cách là một Thủ đô có bản sắc đậm chất Châu Âu.
Người Hà Nội nào cũng ít nhiều tự hào với Thủ đô – một thành phố không mấy xa lạ với Paris, với những nét hào hoa lịch thiệp kiểu Châu Âu. Nói đến bản sắc Hà Nội, do vậy, cần thiết phải nói đến sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp… giữa những nét "kinh điển, hoa lệ" của Châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hóa Hà Nội.
Văn hóa – văn minh Pháp một thành phần đáng kể của bản sắc Hà Nội. Thậm chí trong một chừng mực nhất định còn là hồn cốt của một đô thị có lịch sử hơn nửa thế kỷ được xây dựng và trực tiếp "sống" với văn hóa – văn minh Pháp.
Hồ Sĩ Quý
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/11/2023
Hồ Sĩ Quý là Giáo sư Tiến sĩ Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bài đã đăng trên Tạp chí "Thông tin Khoa học xã hội" số 9 (489) 2023.
——————————
[1] Xem : Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, t. I, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội (Bản kỷ, Quyển II Kỷ nhà Lý).
[2] Xem : Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, t. II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Bản kỷ, Quyển V Kỷ nhà Trần).
[3] Xem : Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, t. II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Bản kỷ, Quyển VIII Kỷ nhà Trần, Quyển IX Kỷ Hậu Trần).
[4] Xem :
1) Đào Thị Diến (2022), Thành Hà Nội từ bị tấn công, thất thủ đến bị chiếm đóng và phá hủy – một thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897).
2) Đào Thị Diến (2022), Cuộc tấn công thành Hà Nội lần II năm 1882 – khúc dạo đầu.
3) Masson, André (1929), Hanoi pendant la période héroïque (1873-1888), Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient Année 1929 29, pp. 353-354.
[5] Xem : Claude Bourrin (1941), Le vieux tonkin. Le Théâtre – Le Sport – La vie Mondaine de 1890 à 1894, Hanoi Imprimerie d’Extrême-Orient, Éditeur,1941.
[6] Xem : Claude Bourrin (1941), Sđd.
[7] D. Warres Smith (1900), European Settlements in the Far East, London Sampson Low, Marston & Company, St. Bunstan’s House, Fetter Lane, Fleet Street, E.C. p. 225-226 (Indo-china pp. 219-238).
[8] Papin, Philippe (2001), Histoire de Hanoi, Fayard, p. 381.
Theo Warres Smith, "Dân số An Nam bao gồm ít nhất 17.000.000 người, phần lớn là người An Nam, sau đó là người Căm Bốt và Lào với dân số tương đương nhau. Số người Trung Hoa vào khoảng 150.000, và người Châu Âu hơn 6.000 một chút. Dân Bắc Kỳ to cao và khỏe mạnh hơn dân Nam Kỳ, cũng thông minh và năng động hơn. Người Trung Hoa đã di dân với số lượng lớn vào phía nam Nam Kỳ, nơi họ chiếm hữu gần như độc quyền các ngành công nghiệp và thương mại. Người dân Căm Bốt bản chất thờ ơ, và đã nhường bước cho người Trung Hoa và An Nam. Người Lào và người Mọi, bị trấn áp bởi những người láng giềng, và bởi hệ thống quan lại của họ, thì lười biếng, nhút nhát và hay nghi ngờ. Người Mường, chiếm cứ tất cả lưu vực của sông Đen (River Noire, tức sông Đà) và sông Mã, thì đẹp đẽ và khỏe mạnh hơn người An Nam. Người Nùng (Nuns) giống người Trung Hoa và người Thổ (Thos) thuộc chủng tộc Khmer. Xem : D. Warres Smith (1900). Sđd. p. 222.
[9] Xem : Phạm Xanh (2010), Dấu ấn văn hóa người pháp ở Hà Nội, Tạp chí "Nghiên cứu Lịch sử", số 7.
[10] Xem :
1) Trần Quốc Bảo (2012), Quá trình biến đổi hình thái đô thị Khu phố Pháp ở Hà Nội.
2) Đặng Thái Hoàng (1995). Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX, Nhà xuất bản Hà Nội.
3) Doumer, Paul (2018), Xứ Đông Dương (Hồi ký), Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội.
[11] Xem : Nguyễn Thuân (2016), Ernest Hébrard - Kiến trúc sư đầu tiên đem "chất Pháp" vào Việt Nam.
[12] Xem :
1) Trần Quốc Bảo (2012), Quá trình biến đổi hình thái đô thị Khu phố Pháp ở Hà Nội
2) Phong Cách Indochine Sự Giao Thoa Bản Sắc Trong Các Căn Biệt Thự Sofitel Ecopark Villa
[13] Crane Brinton, John B. Christopher, Robert Lee Wolff (1994), Lịch sử phát triển văn hóa văn minh nhân loại - Văn minh phương Tây, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 337.
[14] Những thông tin này soạn theo : Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient.
[15] Soạn theo : Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient.
[16] Xem : Ngô Thế Long, Trần Thái Bình (2009), Học viện Viễn Đông bác cổ (Giai đoạn 1898-1957). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Tr. 98-100.
[17] Henri Cucherousset (1926). Đông dương xưa và nay, Vũ công Nghị dịch, Tập sách in của Đông dương kinh tế báo, Hà Nội MCMXXVI, Viễn Đông ấn quán Bắc Kỳ 12/1926. tr. 92.
[18] Xem :
1) Henri Cucherousset (2022), Quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và nhiệm vụ của chính phủ bảo hộ.
2) Nguyễn Đức Hiệp (2022), Tranh luận về chủ quyền đối với Hoàng Sa trong thập niên 1930s (Phần 1 & 2).
Trong hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/8/2023, bà Vũ Thu Hà, phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đã kiến nghị chính phủ cho phép các trường học ở nội đô Hà Nội được phép nâng tầng và xây thêm hầm.
Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc tại số 40 - 40A Hàng Bài khởi công tháng 10/2021 trên khu đất 5.000m2, được Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức lễ khánh thành hôm 9/7
Lý do theo bà Hà là số học sinh ở Hà Nội tăng nhanh, trung bình mỗi niên học tăng 50.000 – 60.000 học sinh các cấp, thay vì phải xây thêm 30 – 40 trường học mới thì cho phép các trường hiện hữu trong nội thành được nâng thêm tầng và xây thêm hầm để có thêm phòng học cho học sinh.
Thực ra, câu chuyện Hà Nội thiếu trường công để phục vụ trẻ em đã được mạng xã hội nêu ra lâu nay. Đề nghị này của bà Vũ Thu Hà nay được truyền thông nhà nước đăng tải ngày 21/8/2023, tiếp tục gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Theo các số liệu chính thống là chỉ trong niên học 2023-2024, gần 30.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) của Hà Nội không có chỗ vào lớp 10 công lập tại các quận trung tâm, phải ghi danh học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên (nôm na là bổ túc văn hóa) hoặc phải ra ngoại ô cách để học trường công, vì những trường này lấy điểm chuẩn thấp hơn nội đô.
Trung tuần tháng 7/2023, lướt các báo mạng VietnamNet, Tiền Phong đều thấy đề cập việc nhiều phụ huynh Hà Nội phải đăng ký cho con vào lớp 10 trường công ở ngoại ô, cách xa nhà từ 20 – 80km, vì không đủ điểm vào lớp 10 trường công gần nhà (tuyển đầu vào trên 40 điểm các môn), còn trường tư thì học phí cao, không lo nổi.
Phụ huynh chờ con thi vào trường cấp 3 ở Hà Nội - Ảnh minh họa
VietnamNet ngày 17/7/2023 dẫn lời một phụ huynh là bà T.H.H. (quận Hai Bà Trưng) từng vạ vật xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 trường trung học phổ thông Hoàng Cầu nhưng không thành, đã phải đăng ký cho con học trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cách nhà 46km.
Vì trường Bắc Lương Sơn quá xa nhà nên bà phải thuê phòng trọ ở gần trường cho con học. Theo bà tính, chi phí thuê phòng trọ và ăn uống khoảng 3 triệu đồng/tháng (126 USD/tháng) vẫn rẻ hơn học trường tư ở trung tâm Hà Nội.
Trước đó, VnExpress ngày 7/7/2023 trong bài viết "Không thể bắt học sinh Hà Nội đi 20km để được học trường công lập", đã trích nhiều ý kiến độc giả cho thấy sự bất bình của dân Hà Nội trước phát biểu của ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, là Hà Nội không thiếu chỗ học.
Ý kiến của nhiều độc giả là mạng lưới trường công ở Hà Nội phân bổ không đều : ngoại ô thừa trường, còn nội ô lại thiếu và cho rằng việc quy hoạch trường của Hà Nội có vấn đề. Hầu hết phụ huynh Hà Nội đều lo ngại việc phải cho con đang tuổi thiếu niên ở trọ xa nhà, ngoài tầm kiểm soát và chăm sóc của họ. Điều này có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội khó lường trước trong tương lai.
Đúng là nghịch lý, khi sinh viên ở tỉnh vào nội ô Hà Nội thuê phòng trọ để học đại học, còn học sinh trung học (thiếu niên, thiếu nữ, chưa trưởng thành) lại phải khăn gói ra ngoại ô thuê phòng trọ để được học nốt ba năm cuối trung học !
Có thật là Hà Nội thiếu quỹ đất để xây trường học ?
Đầu tháng 7 vừa qua, Hà Nội vừa khánh thành một nhà hát nguy nga lộng lẫy có 900 ghế ngồi, diện tích 5.000m2, mang tên nhà hát Hồ Gươm, chủ đầu tư là Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội, tọa lạc tại số 40-40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngay trung tâm thủ đô.
Điều đáng nói là Hà Nội vốn đã có sẵn gần 20 nhà hát, quy mô từ 200- 1.000 chỗ ngồi được phân bổ khắp thành phố. Tuy nhiên nhiều nhà hát đìu hiu, rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, không có khán giả, gây lãng phí.
Ngày 9/7/2023, thủ tướng Phạm Minh Chính, đại tướng Tô Lâm, đại tướng Phan Văn Giang cùng lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội, các bộ ban ngành và các nghệ sĩ đã dự khánh thành nhà hát Hồ Gươm "là nỗ lực đầu tư cho văn hóa", theo báo Tuổi Trẻ.
Không thấy báo nói khi xây dựng nhà hát này, có ai hỏi ý kiến dân thủ đô xem họ có cần không, và cơ sở này sẽ kinh doanh thế nào khi "nhiều nhà hát ở Hà Nội hoạt động cầm chừng", như truyền thông Việt Nam nói.
Phải thừa nhận rằng các nhà hát ở Hà Nội đa số nằm ở vị trí đẹp (toàn quận trung tâm như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân)… mà vẫn vắng khán giả, phải cho thuê tổ chức sự kiện hoặc sống nhờ nguồn tiền từ ngân sách.
Tôi thấy kể cả là Nhà hát Lớn Hà Nội, đã 112 năm tuổi, do người Pháp xây, có 870 ghế ngồi, mỗi tháng chỉ có 8 chương trình, chủ yếu cho thuê rạp để trình diễn, phải mở bán vé tham quan nhà hát vào thứ hai – chủ nhật (trừ thứ sáu) với giá vé 120.000 đồng/người (70 phút/lượt).
Nhà hát Hồ Gươm là cái thứ 9 được xây dựng tại quận Hoàn Kiếm. Đây là quận nhỏ nhất Hà Nội, chỉ có diện tích 5,29km2, mà phải "cõng" trên lưng 9 nhà hát, có tổng cộng 3.342 chỗ ngồi (chưa tính nhà hát ca múa nhạc Thăng Long vì không có số liệu). Tức là chỉ một quận mà đã có Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát Kịch Hà Nội, nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, nhà hát múa rối Thăng Long, nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát Cải Lương Hà Nội, nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và mới nhất là nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an.
Song May
Nguồn : BBC, 26/08/2023
Toàn cảnh đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Vingroup đề xuất đầu tư. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP có chiều dài 111,2 km đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh ; điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội ; điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ; tuyến nối dài 9 km từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 theo quy hoạch.
Về quy mô, đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội được phê duyệt quy hoạch từ năm 2011 với 6 làn xe cao tốc, có đường song hành 2 bên, hành lang cây xanh, dự trữ mở rộng với tổng chiều rộng 120 m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy chiều rộng 135 m.
Nguồn : Hà Nội Đẹp, 16/11/2022
************************
Hà Nội phát triển hơn Sài Gòn
Cao ốc nhiều và lớn hơn. Gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ hơn Sài Gòn.
Hà Nội nhìn từ phòng ăn ở thượng từng một khách sạn
Trên đường đi Vũng Tàu từ Sài Gòn cũng như đi Bắc Ninh từ Hà Nội tôi không thấy nhà tranh. Tôi nghe nói phải đi đến gần biên giới Campuchia mới thấy. Ở ngoài Bắc, ngay thôn quê có rất nhiều khu nhà chọc trời nhìn thấy xa xa từ đường cao tốc, có lẽ đó là trung tâm các huyện lỵ.
Tôi có cảm tưởng chính quyền cộng sản dành ưu tiên phát triển vật chất cho miền Bắc.
Nguyễn Trọng Kha
Nguồn : "Về thăm lại quê hương sau 43 năm xa cách", Thông Luận, 12/09/2022
Thành phố Hà Nội, hôm 03/09/2021, thông báo một số biện pháp phòng chống dịch mới. Điểm đặc biệt được chú ý là chính quyền thủ đô sẽ áp dụng các biện pháp siết chặt phong tỏa ở mức cao hơn đối với toàn bộ vùng "nội đô". Việc chính quyền bất ngờ thông báo nhiều biện pháp mới, chỉ ít ngày trước thời điểm đợt "giãn cách" mới có hiệu lực, gây nhiều phản ứng trong xã hội.
Hà Nội phong tỏa chống Covid : Chùm ảnh của nhiếp ảnh gia Manan Vatsyayana từ ngày 29/08 đến ngày 31/08/2021. AFP – Manan Vatsyayana
Toàn bộ vùng nội đô, tức "vùng 1" (vùng được coi là có "nguy cơ rất cao") và một số quận huyện lân cận sẽ áp dụng các biện pháp "giãn cách xã hội" theo Chỉ thị 16 của thủ tướng, và một số biện pháp ở mức cao hơn, trong hai tuần tới (từ 06/09 đến 21/09). Khu vực "nội đô" bao gồm bao gồm toàn bộ 10 quận/huyện (Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì) và một phần của 5 quận/huyện khác.
Tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch hôm qua, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh thành phố đã giao Công An thành phố "chủ trì việc cấp giấy đi đường". Theo trang Facebook của Chính phủ Việt Nam hôm nay 04/09/2021, về việc cấp giấy đi đường, sở Công An Hà Nội đã báo cáo với Ủy Ban thành phố về kế hoạch. Việc cấp giấy đi đường đối với người đi làm hay đi mua thực phẩm dự kiến đều hoặc do sở Công An, hoặc do cơ quan công an phường, thị trấn xác nhận.
Hôm 10/08, chính quyền Hà Nội đã từng phải ra quyết định hủy bỏ quy định "giấy chứng nhận đi lại" phải có xác nhận của phường , thủ tục bị chỉ trích gây rất nhiều phiền hà, cũng như trái ngược với luật pháp hiện hành tại Việt Nam, ngay cả trong tình trạng được gọi là "khẩn cấp". Về việc chính quyền bất ngờ thông báo nhiều biện pháp mới, nhà hoạt động xã hội, kinh tế gia Nguyễn Quang A (Hà Nội) nhận định :
"Theo tôi, trong tình trạng khẩn cấp này, không thể ban hành rồi để hai tuần sau mới thực hiện, nhưng cũng cần báo trước 10 ngày để các chuyên gia, giới chuyên môn họ bàn với nhau, và bàn một cách chín chắn, để thấy được cái gì hay, cái gì dở, để chọn ra một phương pháp đỡ dở nhất. Rất đáng tiếc ! Cũng khó có thể trách họ được, vì trong sự gọi là "hoảng loạn" và "cập rập" này, nhiều khi người ta đưa ra những quyết định hơi vô lối. Tôi vẫn thấy phải quay lại với việc : Tình hình khác thì mục tiêu phải khác, cách làm phải khác !
Tôi đồng ý, có những nơi phải siết chặt, nhưng siết chặt ở một diện rộng như thế này, thì rất là tai họa. Nó tạo ra những bế tắc, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, đã trải qua một thời gian (phong tỏa) rất dài. Không lạ gì, khi một tờ báo Bỉ nói rằng Hà Nội "đang bị tù hết". Nói bỏ tù thì không đúng, nhưng thực sự là người dân bị giam lỏng trong một thời gian rất dài, mà sức người thì có hạn. Người ta cũng phải tính đến khía cạnh như thế nữa ! (cùng quy chế phong tỏa nghiêm ngặt, nhưng tại nhiều nước, việc người dân được phép ra ngoài tập thể dục hàng ngày, hay thăm nom người thân vẫn được coi là "các lý do ra ngoài chính đáng" - người phỏng vấn).
Có lẽ với biến thể Delta, tình hình đã rất khác xưa. Các phương pháp tỏ ra rất hiệu quả một thời đã không còn như thế. Với tình hình đã thay đổi thế này, có lẽ các chiến lược, cũng như các biện pháp cụ thể cũng cần phải được xem xét lại một cách rất nghiêm túc. Những biện pháp rất kinh điển như 5K (như đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau, rửa tay…) vẫn phải được thực hiện rất nghiêm túc. Nhưng chính sách loại trừ hẳn (Zero Covid) không khả thi nữa. Cho nên việc tìm mọi cách để cách ly tập trung tất cả những người bị nhiễm, gọi là "F0" ở Việt Nam, và những người tiếp xúc với người bị nhiễm hay "F1", và thậm chí "F2" nữa, là không ổn, vượt quá khả năng của tất cả xã hội. Việc tập trung "F1" vào một chỗ có thể gây ra tình trạng siêu lây nhiễm…".
Trước đó, ngày 28/08, thành phố Hà Nội thông báo sẽ tổ chức xét nghiệm 200 nghìn mẫu từ 27/08 đến 04/09. Và dựa trên kết quả này, thành phố sẽ lựa chọn 1 trong 2 kịch bản sau ngày 06/09 : chỉ phong tỏa một số quận nguy cơ cao hoặc phong tỏa toàn thành phố, giống như Sài Gòn (với đợt siết chặt phong tỏa từ ngày 23/08). Lộ trình rút cục đã không được thực hiện. Ngày 02/09, Thành ủy Hà Nội bất ngờ ra quyết định siết chặt phong tỏa tại "nội ô" chưa cần chờ kết quả nghiên cứu, như đã thông báo.
Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận có thêm 52 ca nhiễm mới, trên tổng số gần 15.000 ca trên toàn quốc (trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chiếm quá nửa). Nhiều người đặt câu hỏi : Vì sao chính quyền Thành phố Hà Nội lại áp đặt siết chặt phong tỏa đến mức như vậy trong lúc số lượng ca nhiễm được ghi nhận rất ít tại Hà Nội ? Liệu có phải Hà Nội kiên quyết đến cùng chủ trương "Zero Covid" ? Ngược lại, một số chuyên gia cũng cho rằng tại Hà Nội, dịch Covid trên thực tế đã lan sâu trong cộng đồng, việc tiến hành xét nghiệm phát hiện "F0" chỉ cho phép phát hiện phần nổi của tảng băng chìm, và biện pháp cách ly tập trung "F0" và "F1" như hiện nay không còn tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Và để chủ động đối phó với dịch, Hà Nội cần sàng lọc các bài học từ kinh nghiệm Sài Gòn (như chấp nhận để "F0" được chăm sóc, theo dõi tại nhà, và có các hỗ trợ y tế để người có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà), để không có những biện pháp chống dịch cực đoan gây tổn hại thái quá cho người dân, cho xã hội.
Theo một số nhà quan sát, dịch bệnh kéo dài tại Sài Gòn, với quy mô vượt quá dự kiến của chính quyền, cùng với cuộc "khủng hoảng dịch" tại Sài Gòn, với hệ quả nhiều mặt về tính mạng con người và an sinh xã hội, do dịch bệnh và đặc biệt do cách đối phó của chính quyền, dường như đang khiến chính phủ Việt Nam bắt đầu xem xét thay đổi chiến lược. Hôm 02/09, Bộ Thông tin và truyền thông khởi sự chiến dịch truyền thông với thông điệp chính "Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài".
Ngày 29/08, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đưa ra nhận định : "cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp ; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên", "không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh". Tuyên bố được nhiều phương tiện truyền thông trong nước đánh giá là một "bước ngoặt trong tư duy chống dịch Covid-19".
Chính sách siết chặt phong tỏa của Hà Nội có ngược với định hướng mới của chính phủ ? Chính quyền thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm đến đâu về các hệ quả y tế và xã hội của các biện pháp siết chặt phong tỏa tiếp thêm hai tuần tới tại Hà Nội, đặc biệt là chính sách "bóc tách F0" gây nhiều tranh cãi (mà Thành phố Hồ Chí Minh đã từ bỏ), và chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm đến đâu, là các câu hỏi mà nhiều người tại Việt Nam đặt ra.
Theo bảng xếp hạng của báo Nhật Nikkei Asia (Nikkei Covid-19 Recovery Index ) công bố hôm qua 03/09/2021, Việt Nam hiện xếp hạng chót trong bảng xếp hạng 121 nước, về việc kiểm soát dịch bệnh và khả năng trở lại với cuộc sống bình thường.
Trọng Thành
Để tiếp tục kể chuyện đời sống trong ngõ nhỏ Hà Nội, tôi đã mò vào một con ngõ trên phố Mã Mây.
Reuters
Chỉ có khoảng chưa đến 10 ngôi nhà trong ngõ này. Hai ba ngôi nhà rộng và khang trang nhất, được khoảng 15-18 m2 sàn, xây cao ba bốn tầng. Số còn lại là những căn phòng bé đến nỗi bếp và phòng tắm đều phải thiết kế dã chiến hết ở bên ngoài, dùng nhà vệ sinh tập thể từ vài chục năm. Và có hẳn một hay hai túp lều che bằng gỗ tạp, ván ép, bạt nhựa.
Mỗi ngôi nhà trung bình có hai gia đình sinh sống, mỗi gia đình ba đến bốn người (thế hệ cha mẹ và con cái), nhưng số người ở "túp nhà" đứng thứ hai về độ tồi tàn thì đến 20 người nhét trong khoảng chưa đến 20 m2 sàn.
Tôi rụt rè bước vào con ngõ, khá hồi hộp sợ bị dân trong ngõ mắng vì tò mò và có thể lắm chứ-vì khơi lại sự mặc cảm của họ. Thế nhưng hoàn toàn trái với hình dung, bất chấp tôi nhiều lần tự giới thiệu là khách du lịch phương xa, họ nhất định thống nhất rằng tôi là người của công ty bất động sản nào đó.
Chủ ngôi nhà khang trang thứ nhì xóm ngồi trên thềm nhà, cũng ngay sát mặt ngõ, vừa rít điếu thuốc lá vừa cười bảo : "Cậu giấu làm gì, tớ nhìn biết ngay. Mua đi, mấy nhà trong kia họ muốn bán lắm rồi đấy. Mà năm nay Cô vít cô veo, có ma nào đi mua nhà đâu".
Chẳng bảo nhau nhưng khi đến một con ngõ dài hun hút quanh co ba bảy lần ở một con phố cổ khác, tôi lại nghe lặp lại những lời y như thế".May quá nhà tôi không ở đó"
Con ngõ này cũng có mặt ngoài rộng khoảng 1,5m ; bên cạnh lại là một sạp hàng bán bún đậu, tổng cộng cũng phải rộng đến gần 3 m. 3 mét chiều ngang là rất rộng, nếu bạn biết trung bình những con ngõ ở các phố Hàng Cá, Chả Cá, Hàng Bạc, Hàng Đường, Mã Mây... chỉ khoảng 40 phân, bằng đúng 2 ô gạch, vừa đủ một người lách vào.
Bà cụ mẹ của các chị gái bán hàng ăn ở đầu ngõ vui vẻ dẫn tôi vào ngõ. Ngoắt một cái, vừa qua khỏi đầu ngõ, con ngõ bày ra như một ma trận kiến trúc xuống cấp tối tăm.
Một ngõ nhỏ trên phố Hàng Buồm. Reuters
Dọc ngõ, bức tường trở thành tủ bếp của sạp bún đậu : chén bát thìa đũa cất trên những chiếc giá gỗ hẹp ngang đóng kín mít trên tường, các túi thực phẩm đựng trong túi nilon treo lủng lằng. Một ngã ba nhỏ chia con ngõ làm hai. Nhánh trái chính là dãy nhà vệ sinh tập thể của cả ngõ. Vẫn cái màu trộn lẫn giữa nâu và xám không thể gọi tên của những công trình xây dựng không được sơn lại và nấp kỹ khỏi ánh nắng mặt trời đã hàng chục năm. Bề mặt những bức tường như rỗ li ti, vừa gồ ghề vừa có vẻ như bóng nhẫy và luôn luôn ẩm ướt, trông bẩn thỉu đến mức tôi thu hết người lại, cố tránh không để chạm phải. Dưới chân, cống nước lộ thiên lặng lẽ chảy. Chỗ nào cũng ướt át.
Ngó lên phía trên, dăm bẩy chiếc áo quần treo phơi một cách gắng gượng. Gọi là phơi nhưng chúng phải ép sát vào nhau và được treo lên cao khoảng 2 mét thế thôi, chứ trong con ngõ chịu chết không có lấy một giọt ánh sáng trời hay một vẩy gió. Cả ngày lẩn đêm, quanh năm suốt tháng, chúng được chiếu sáng bằng vài bóng đèn vàng nho nhỏ nhờ nhờ.
Nhánh thứ hai ngoặt gần như vuông góc vào phía trong. Chỗ này trần ngõ rất thấp, chỉ khoảng 2 m, vì phía trên đều là nhà. Nó hẹp đến nỗi chỉ có thể đi khẽ khàng qua được một người, nếu xe máy thì chỉ là loại 90 phân khối và người phải ngồi gọn trên xe, gương chiếu hậu bẻ cụp vào trong mới có thể lọt qua.
Qua đoạn ngõ này, chợt có ánh sáng trời. Con ngõ mở ra một khoảng sân vuông chừng 5 m2, ở giữa có hai ba chiếc xe máy dựng vào một bể cá cạn có hòn non bộ rêu phong. Xung quanh là ba chiếc cầu thang hẹp bắc tứ phía lên các nhà phía trên. Sau đó, nó tiếp tục ngoằn ngoèo vào sâu tiếp bên trong.
Tôi đã chui địa đạo Củ Chi và xem nhiều clip về các địa đạo thế giới, nhưng có lẽ chẳng có công trình kiến trúc nào sánh nổi về độ kỳ quặc của những con ngõ này. Tôi bắt gặp một khoảng lõm vào tường ở bên trong con ngõ khoảng 10 m. Thoạt nhìn, nó chỉ là một khoảng lõm, giống như hốc tường lớn. Nhìn kỹ, ô kìa : nó được xây bậc thang chắc chắn. Bước lên vài bước, hóa ra không phải chỉ vài bậc thang mà nó là hẳn một chiếc cầu thang ngắn dẫn lên hẳn một ngôi nhà nữa trong ngõ. Do vặn xoắn vỏ đỗ nên những bậc thang cuối hoàn toàn bị che khuất.
Kết thúc khoảng sân, con ngõ lại tiếp tục trở lại thành chiếc ống hẹp. Qua khoảng 5 m nữa, nó lại mở ra một khoảng sân nhỏ hơn. Có dấu vết nắp giếng cũ và tán cây xa xưa. Đặc biệt, trên cao khoảng 2 m, một chiếc bàn thờ cực kỳ cũ kỹ được treo lơ lửng bằng cách thần kỳ nào đó tôi không nhớ rõ, bát hương đầy những chân nhang mới tinh và đĩa trái cây cùng hoa tươi.
Cụ chủ nhà kể đó là bàn thờ thiên của chủ nhà cũ, một người Tàu. Những người chủ mới không dám phá mà giữ nguyên nó ở đó, thành kính và đều đặn cúng vái. Sự tồn tại của chiếc bàn thờ Tàu cổ kính, to lớn, nghiêm trang và tỏa ra bầu không khí gia tộc trang trọng trong không gian đặc quánh những di chỉ thời bao cấp ăn ở chung đụng tập thể, trái ngược và kỳ lạ đến nỗi tôi chỉ biết cảm thán.
Cuối ngõ, sau vài lần rẽ ngoặt và những hốc tường lạ lùng, con ngõ dẫn thẳng vào một ô cửa hẹp. Ngay đó, có một người đàn bà nằm trên tấm đệm cũ trải thằng lên sàn, chiếm toàn bộ khung cửa và gần như toàn bộ không gian "ngôi nhà". Nó chỉ độ hai đến ba mét vuông là cùng.
Các bức tường của "ngôi nhà" lặp lại ấn tượng của đầu ngõ. Toàn bộ vật dụng treo, mắc đầy trên nó, giống như một tủ chạp phô đầy mốc meo hoang phế.
Ở một con ngõ khác trên phố Hàng Tre, cũng những kiến trúc tương tự. Nhưng, trên nóc buồng vệ sinh tập thể ở cuối ngõ, tôi nhìn thấy một chiếc hộp bằng tôn và kính. Không phải hộp thì là gì nữa ? Nó cao độ 1,2m ; rộng khoảng 1,5m2. Úp ngay trên cái nóc xi măng cũ kỹ nên trông nó thật đặc biệt, đập ngay vào mắt.
Lạ lùng vậy, nhưng con ngõ này, những con ngõ tương tự và tổ hợp cư trú trong nó hoàn toàn giống với ngôi nhà, di sản kiến trúc Mã Mây tôi đã từng kể cho quý vị.
Vì sao những ngôi nhà ống kiến trúc cổ điển với ba bốn lớp nhà, lớp sân, thông gió và ánh sáng lại trở thành những con ngõ quanh co tối tăm ?
Cuộc đổi thay vĩ đại
Là vì, vào năm 1945, tại miền Bắc, chế độ thuộc Pháp cũ đã bị đổi thành chính quyền mới. Những trí thức, quan lại, thương buôn, nhà giàu… lũ lượt đi vào Nam, sang Pháp, hoặc đơn giản không thể hành nghề được nữa trong môi trường mới. Những ngôi biệt thự, nhà riêng rộng rãi, cả xưởng và ruộng vườn của các thành phần này bị trưng dụng (dưới danh nghĩa vận động hiến nhà, hiến đất, thực hiện cải tạo hòa bình) để chia cho lực lượng tham gia kháng chiến mới trở về thành phố.
Một ngôi biệt thự được thiết kế cho gia đình bốn năm người chủ, cùng với người vài người phục vụ (lái xe, đầu bếp, làm vườn, làm việc nhà) liền bị chia nhỏ cho nhiều gia đình cùng ở. Người chủ cũ, nếu còn ở thì chỉ được chia cho một phòng ngủ, toàn bộ các thành viên của gia đình chen chúc vào đó mà sống.
Thường các gia đình sẽ ngăn mặt tiền của ngôi nhà thành hai phần. Phần lớn dành cho gia đình nào có quyền lực hoặc vị trí xã hội cao nhất. Phần còn lại biến thành lối đi vào bên trong nhà, nơi mỗi gia đình chiếm lấy một phòng, và dần dần biến luôn cả gara, hồ bơi, vườn tược, trên lầu… thành nơi ở.
Phần chật chội, phần không có tiền bạc và cả nền tảng văn hóa để duy trì nếp sống được định nghĩa là "tư sản"-là mục tiêu đả phá và gột rửa, cứ thế qua hàng chục năm, ngôi biệt thự biến thành một khu nhà tập thể ổ chuột tối tăm, nhếch nhác, bẩn thỉu và cha chung không ai khóc như những bài trước tôi đã kế, và quý vị đã thấy. Những "ngõ nhỏ, phố nhỏ-may quá nhà tôi không ở đó", chỉ lung linh thơ mộng qua trí nhớ của những nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc mà bản thân họ đã chọn cách đi khỏi thủ đô, kiếm một chân trời rộng lớn hơn tự bao giờ
Huỳnh Mai
Nguồn : RFA, 31/12/2020
Lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo hệ thống công quyền các cấp xem xét, xử lý trách nhiệm nhà thầu lo chuyện dọn rác ở hai quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Khủng hoảng rác hồi tháng Giêng, 2019 tại Hà Nội.
Trước đó chừng một tuần, một số tờ báo ở Việt Nam cho biếta, cư dân nhiều khu vực thuộc hai phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) và phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) đã cũng như đang lao đao, khốn khổ vì phải sống chung với rác.
Những đống rác lớn ứ đọng hàng chục ngày, bốc mùi nồng nặc, không chỉ khiến môi trường sống ô nhiễm nặng nề, nguy hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông vì đường đi, lối lại bị thu hẹp, sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn.
Các viên chức phụ trách chính quyền địa phương giải thích, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồi tệ như vậy là vì nhà thầu được chọn để thu dọn rác chậm trả lương cho công nhân vệ sinh nên họ không chịu thu dọn rác (1).
Đáng lưu ý là tình trạng vừa kể diễn ra cả tuần nhưng toàn bộ hệ thống công quyền từ phường, quận đến thành phố vẫn "án binh bất động". Chỉ đến khi một số tờ báo công bố rộng rãi những phóng sự mô tả sự khốn khổ của dân chúng địa phương, lãnh đạo thành phố Hà Nội mới chỉ đạoUBND các quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên vv môi trường "xử lý thông tin báo chí nêu liên quan đến ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác tại các quận Tây Hồ và Nam Từ Liêm" (1).
Quản trị - điều hành đô thị theo kiểu chờ tin, bài mới chỉ đạo phối hợp đểxử lý thông tin báo chí nêu có lẽ chỉ có thể tìm thấy tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung !
***
Rác đã cũng như đang là vấn nạn trầm kha của tất cả các đô thị tại Việt Nam sau khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khởi động tiến trình "công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước" và Hà Nội chính là điển hình.
Người ta ước đoán, mỗi ngày, Hà Nội thải ra khoảng 6.500 tấn rác và chúng được mang đến chôn tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hoặc Xuân Sơn (huyện Sơn Tây). Cả hai đều sắp hết chỗ chôn lấp và sẽ phải đóng cửa giống như năm bãi rác trước đó (3).
Cách nay hàng chục năm, nhiều chuyên gia môi trường ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã từng khuyến cáo nên tổ chức phân loại rác, áp dụng công nghệ xử lý rác, nếu không sẽ không còn đất để chôn (4) nhưng vì nhiều lý do, tất cả những khuyến cáo ấy đều mở đường cho giới hữu trách dẫn việc xử lý rác vào lối khác. Ví dụ Hà Nội quyết định đầu tư cho ba nhà máy đốt rác phát điện mà không cần phân loại, bất kể chuyên gia cảnh báo, đốt rác theo công nghệ đó sẽ tán phát vào không khí nhiều độc chất nguy hại.
Ba nhà máy xử lý rác của Hà Nội thành điện năng vẫn đang còn trong giai đoạn xây dựng và Hà Nội tiếp tục loay hoay với thực trạng mà cả dân chúng lẫn báo giới gọi là khủng hoảng rác !
Cứ vài tháng, cư dân sống quanh Nam Sơn - bãi rác lớn nhất lại dựng lều, đặt chướng ngại vật, chặn không cho xe tải mang rác đến đổ. Lầnkhủng hoảng rác gần nhất xảy ra hồi hạ tuần tháng trước, khiến cả Hà Nội ngập ngụa trong rác. Cũng đến lúc đó, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội mới thú nhận : Các cấp, ngành liên quan chưa thực sự tâm huyết, chưa hết trách nhiệm với dân, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, công tác phối hợp cũng chưa hiệu quả(5).
***
Dẫu thực tế quản trị - điều hành Hà Nội cho thấy, thành phố này rất khó thoát khỏi tình trạng khủng hoảng rác, đó là chưa kể đến hàng loạt vấn nạn trầm kha khác (chẳng hạn : giao thông, ô nghiễm khói bụi, ngập lụt…) nhưng thiên hạ vẫn thấy các viên chức hữu trách hết sức hồn nhiên trong đánh giá, nhận định Hà Nội cả ở hiện tại lẫn tương lai. Ví dụ : Hà Nội đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới.
Ví dụ :Hà Nội sẽ sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực.Ví dụ :Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế không chỉ là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - kỹ thuật quan trọng của cả nước, mà còn là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Kinh hơn, theo ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội :Trong thời gian tới, Hà Nội phải đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững(6).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/11/2020
Chú thích
(6) http://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-phat-trien-thu-do-theo-huong-khang-trang-hien-dai
Hà Nội có thể thành trung tâm kinh tế của khu vực ? (RFA, 29/06/2020)
Tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" hôm 27/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội đã quá thành công khi có 229 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 405 ngàn tỷ đồng.
Khu vực cầu Nhật Tân, thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP Photo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn phát biểu Hà Nội phải là nền kinh tế có thu nhập cao trong vòng 10 tới 15 năm tới... sớm hơn nhiều so với mục tiêu năm 2045 của cả nước.
Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định :
"Đấy là kế hoạch đề ra. Nếu mà thành phố Hà Nội chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, áp dụng công nghệ thông tin, kinh tế số và phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thì tôi nghĩ đó là một tương lai mà thành phố Hà Nội có thể thực hiện, tuy không dễ dàng".
Trong khi trước đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói : ‘Hà Nội không vội được đâu’... thì tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", vị lãnh đạo Việt Nam lại cho rằng bây giờ câu nói đó đã lạc hậu rồi.
Theo ông Phúc, lạc hậu bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, tôn vinh doanh nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp... Tuy nhiên ông không hề nhắc đến những vụ án gần đây ở Hà Nội... gây bức xúc cho người dân, như vụ tấn công ở Đồng Tâm, hay vụ bắt giữ dân oan ở Dương Nội, Hà Nội.
Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam lên tiếng cho rằng thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa danh nổi tiếng thế giới… Chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu vào năm 2018, đã cho rằng Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore...
Một người dân ở Hà Nội không muốn nêu tên nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Hà Nội sẽ rất khó để đuổi kịp các thành phố lớn trong khu vực, nếu như mà chúng ta không nỗ lực cải cách và triển khai thực hiện cải cách một cách chặt chẽ. Chứ còn như hiện nay thì sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp, có lẽ 10 hay 20 năm cũng không thể".
Tuy nhiên, không hiểu mục tiêu đưa ra vào năm 2018 của ông Phúc có lạc hậu chưa mà đến ngày 27 tháng 6 năm 2020, ông lại cho rằng Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết ý kiến của mình :
"Hiện nay, khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và các thành phố phát triển đang còn rất xa. Cho nên tôi nghĩ, đấy là một tầm nhìn đáng khích lệ, tuy vậy đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều. Muốn đáp ứng mục tiêu như vậy đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá cụ thể. Tôi rất mong là theo các ý kiến đó, cần phải có nghiên cứu sâu hơn, để có những biện pháp cụ thể như là phát triển cơ cấu hạ tầng như thế nào ? Như là phải pháp triển nguồn nhân lực chất lượng như thế nào... để có thể thực hiện được mục tiêu đó".
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Theo số liệu của Cục Thống kê, Hà Nội hiện là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, khoảng gần 333 ngàn hecta, với dân số tính đến năm 2018 là 8 triệu 215 ngàn người, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.
GDP của Hà Nội năm 2019 ước đạt 32,8 tỷ USD, trong khi GDP của thủ đô Bangkok của Thái Lan là hơn 100 tỷ UDS vào năm 2019. Còn GDP Singapore năm 2019 ở khoảng cách rất xa so với Hà Nội, lên đến gần 363 tỷ USD.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho rằng tất nhiên hy vọng, mong muốn là một điều rất tốt. Nhưng theo ông, trên thực tế khó có thể trong vòng một thời gian ngắn mà đuổi kịp các thành phố có hạng trên thế giới… Ông nói tiếp :
"Bởi vì thật sự mà nói, tôi cho rằng còn nhiều vấn đề về thể chế hiện nay cần phải đổi mới tiếp tục, thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được. Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì nó cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, mà thể chế hiện nay thì mọi người đang có ý kiến cho rằng đó là yếu tố không thuận lợi cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng như vậy. Và đấy là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không vượt lên được".
Luật Doanh Nghiệp 1999 thực sự đã trao quyền tự do cho người dân, cho doanh nghiệp với tinh thần người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ lãnh vực gì mà Nhà Nước không cấm. Và nếu cấm thì cũng không thể vượt qua Luật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cải cách thể chế đến nay vẫn rụt rè, rón rén và không làm một cách công khai, minh bạch, không tạo ra một thể chế văn minh, nhân văn để cho người dân có quyền dễ dàng tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai...
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định thêm :
"Chắc chắn để phát triển như vậy thì thể chế phải có nhiều thay đổi. Trước hết và quan trọng nhất là phải thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, ai quyết định cái gì thì phải công khai và phải chịu trách nhiệm cá nhân về những quyết định đó. Thí dụ như dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, thì ai đã quyết như thế nào và trách nhiệm người đó ra sao, thì không rõ. Tôi nghĩ những điều đó cần rút kinh nghiệm để sắp tới không xảy ra nữa".
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại không nhìn nhận những hạn chế của thủ đô mà cho rằng, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác nữa, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Theo ông Phúc, tầm nhìn đó có thể thành hiện thực, vì Hà Nội đang hội tụ đủ 3 yếu tố : ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’ trong phát triển môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu khẳng định Hà Nội sẽ trở thành trung tâm kinh tế của Đông Nam Á, thậm chí là trung tâm kinh tế của các nước Đông Á, mà chỉ xem xét riêng môi trường kinh doanh, thì nhiều chuyên gia cho rằng đây thật sự là một cách nhìn tương đối phiến diện và không đầy đủ.
Nguồn : RFA, 29/06/2020
***********************
Hai ngày sau khi World Bank-Ngân hàng Thế giới công bố thông báo cấm vận đối với Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) trong 7 năm, công ty này qua các phương tiện truyền thông báo chí tại Việt Nam đăng tải công khai thông tin đã để xảy ra vi phạm trong quá trình đấu thầu 2 dự án mà World Bank cáo buộc là thông đồng và gian lận.
Một trụ sở của Công ty cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : saobacdau.vn
Trong thông báo phổ biến vào hôm 24/6, World Bank cho biết SBD đã gian lận và lừa đảo trong Dự án phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng-BRT (Bus Rapid Transit) trị giá 272 triệu USD, hồi năm 2018 và Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội-BRT có giá trị 295 triệu USD, hồi năm 2015.
World Bank cáo buộc nhân viên của SBD đã bị phát hiện làm ảnh hưởng không đúng đến quy trình đấu thầu của hai dự án nêu trên, do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Công ty SBD đã tạo tài liệu giả mạo trong hồ sơ dự thầu và không cung cấp thông tin chính xác về sự tham dự trong giai đoạn khởi đầu của hai dự án. Đây là những hoạt động được coi là thông đồng và gian lận.
Việc làm bị cho là thông đồng và gian lận trong hai dự án của SBD dẫn đến hậu quả SBD bị cấm vận 7 năm không được tham gia đấu thầu các dự án, mà đủ điều kiện thực hiện cấm vận chéo giữa các ngân hàng phát triển đa phương khác, theo Thỏa thuận Thi hành các Quyết định Tranh chấp được ký kết vào ngày 9/4/2010.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), vào tối ngày 29/6 cho biết theo quy định của luật pháp tại Việt Nam thì các hành vi thông đồng và gian lận trong đấu thầu bị chế tài theo Luật Đấu thầu năm 2013. Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra một dẫn chứng :
"Ví dụ Điều 89 của Luật Đấu thầu và Chính phủ cũng ban hành nghị định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm về đấu thầu mà cấu thành tội hình sự và đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với công chức. Và, trong Luật Đấu thầu còn có luật riêng, đó là hình thức cấm tham gia lựa chọn nhà thầu. Có thể cấm từ 1 đến 3 năm, hoặc cấm tham gia đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm, hoặc không công nhận đấu thầu của doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp đó có gian lận".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói với RFA rằng ông không rõ phía Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý trường hợp sai phạm của SBD qua hai dự án BRT (Bus Rapid Transit) Đà Nẵng và Hà Nội theo quy định pháp luật của Việt Nam như thế nào. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh rằng SBD đã tỏ ra thành khẩn và rất có thiện chí hợp tác với World Bank để giải quyết những sai phạm do nhân viên của SBD gây ra.
Báo giới trong nước, vào hôm 27/6 dẫn thông tin của SBD cho biết công ty này đã làm việc với World Bank trong hai năm 2019-2020 để làm rõ những sai phạm đã xảy ra. SBD nói rằng World Bank ghi nhận sự phối hợp của SBD và cũng đồng ý các việc làm sai trái không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty.
SBD cho biết là đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc tham gia các dự án quốc tế, đồng thời thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên và theo hướng dẫn tuân thủ liêm chính của World Bank (WBG Integrity Compliance Guidelines) để tạo sự tín nhiệm đối với Ngân hàng Thế giới nhằm có thể sẽ giảm bớt thời gian cấm vận xuống ít hơn 7 năm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng qua vụ việc của SBD cho thấy đó cũng là một bài học kinh nghiệm về uy tín trong giao dịch, làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng trên thương trường quốc tế.
World Bank công bố thông báo cậm vận SBD 7 năm, vào ngày 24/6/2020. Courtesy : vietnamnet.vn
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, vào tối ngày 29/6 cũng lên tiếng với RFA liên quan vụ việc World Bank cấm vận SBD 7 năm không được tham gia đấu thầu các dự án do nhóm ngân hàng này tài trợ :
"Tôi nghĩ là việc Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam đã xử lý một cách nghiêm khắc đối với công ty này là một điều cảnh báo đối với các doanh nghiệp khác. Và điều đấy sẽ giúp cho các doanh nghiệp khác chân chỉnh lại và tuân khủ các quy định công khai minh bạch, cũng như tránh những việc mà Ngân hàng Thế giới đã phát hiện ra đối với SBD. Tôi nghĩ rằng đây là một điều tích cực để giúp cho các công ty Việt Nam rút kinh nghiệm. Và, không có nghĩa rằng về sau các công ty Việt Nam sẽ bị gây khó khi tham gia đấu thầu đối với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam".
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, qua ứng dụng messenger nêu lên nhận định của ông rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam nhìn vào vụ việc của SBD như một tấm gương để muốn làm ăn lâu dài, đàng hoàng với các đối tác quốc tế thì phải gây dựng uy tín, làm việc chuyên nghiệp, và phải tuân thủ sự minh bạch và cạnh tranh lương thiện. Dần dần, cùng với sự mở cửa của nền kinh tế Việt Nam với các đối tác nước ngoài, phong cách hoạt động chuyên nghiệp kiểu này sẽ trở thành một chuẩn mực chung của giới công ty tại Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh rằng :
"Khi mà giới doanh nhân tại Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, quen với việc cạnh tranh công bằng, bình đẳng và minh bạch trong các hoạt động đấu thầu, thì đến lượt họ sẽ tác động lên các quy trình hoạt động của các cơ quan chính quyền, tạo nên áp lực khiến chính quyền phải thay đổi cách đấu thầu và các hoạt động quản lý khác. Rồi từ từ, khi xã hội quen với văn hóa minh bạch, cạnh tranh công bằng và lành mạnh thì các cơ chế chính quyền sẽ theo đó hình thành nên nhằm giảm đi thói quen gian dối, tham nhũng, giúp cho xã hội ngày càng công bằng và văn minh hơn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng xác nhận "bài học kinh nghiệm" của SBD cũng mở ra một cơ hội cho Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải cách hành chính để giúp cho các doanh nghiệp hoạt động được hiệu quả hơn :
"Các công ty Việt Nam có sự tiến triển như thế nào trong quản trị thì phụ thuộc rất nhiều cách hành xử của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Trong trường hợp này, việc bỏ các giấy phép và thực hiện công khai minh bạch sẽ giúp rất nhiều. Bởi vì, không có doanh nghiệp nào lại tự nhiên vô cớ mang tiền đút lót. Họ chỉ cần phải làm điều đó khi bị ép buộc, hoặc là cần thiết để họ có thể tiếp tục kinh doanh. Cho nên, tôi nghĩ việc Ngân hàng Thế giới xử lý như vậy cũng là một lời cảnh tỉnh và tôi hy vọng sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khẳng định rằng sự ngày càng chuyên nghiệp của giới doanh nhân cùng với các hoạt động đấu thầu ngày càng lành mạnh hơn của chính quyền trong nước do bị tác động từ xã hội và các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế sẽ khiến cho đất nước có được nhiều những công trình chất lượng hơn, vừa giúp tiết kiệm ngân sách, phát triển và làm đẹp quốc gia, lại giúp xây dựng một lực lượng doanh nhân chuyên nghiệp với tầm vóc ngày càng bắt kịp với thế giới.
Đài RFA đã liên lạc với Ngân hàng Thế giới qua email để hỏi thêm thông tin về những yêu cầu hay quy định của định chế tài chính này sẽ được điều chỉnh khắt khe hơn hay không đối với các dự án tiếp theo tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ World Bank.
Nguồn : RFA, 29/06/2020
Trong khi cả nước Pháp đang bị tự cách ly phong tỏa, người Pháp cuồng chân muốn xổng chuồng để tự do đi đây đi đó. Tổng thống Macron vừa ra lệnh kéo dài thời gian tự cách ly đến giữa tháng năm. Paris thành phố ánh sáng nơi hội tụ văn hóa ẩm thực thế giới, giờ vắng vẻ. Mọi quán ăn ngon đều đóng cửa.
Ảnh tác giả chụp với dòng chữ "Hà Nội, nơi sản xuất ẩm thực đường phố hoàng tráng"
Người Pháp vốn nổi tiếng về văn hóa ẩm thực trên thế giới với những bánh mỳ pâté, thịt bò sốt vang, cá hồi nướng, thịt gà trống nấu rượu… Nhưng người Pháp vẫn không quên Đông Dương, và ẩm thực Hà Nội.
Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến với những món ẩm thực mê hoặc người Pháp.
Mélanie Rostagnat một nhà báo Pháp trong lúc ngồi buồn hoài niệm du lịch Việt Nam với những món ăn hấp dẫn. Bà ví Hà Nội một nơi sản xuất hoành tráng về ẩm thực đường phố với những món ăn độc nhất vô nhị trên thế giới. Đối với bà, Hà Nội là ngôi đền ẩm thực đường phố. (Bài đăng trên mục du lịch báo mang Figaro, 20/04/2020.
Khi nói đến đền, người ta nói về sự linh thiêng, trân trọng, tôn kính. Ẩm thực Hà Nội đáng trân trọng và cần bảo tồn. Tác giả khuyên không nên vào những quán sang trọng. Với túi tiền nhỏ, khách du lịch có thể khám phá những món ăn thú vị ở mọi vỉa hè Hà Nội. Khách du lịch sẽ thấy những chiếc nồi nước dùng sôi sục sục bốc hơi thơm lừng trong khu phố cổ. "Bạn đừng sợ nhé, mọi thứ đều rất tươi, đôi khi khách còn phải xếp hàng chờ mấy cáí ghế xinh xinh xếp quanh cái bàn nhỏ nhỏ trống chỗ". Nhiều gánh hàng rong nổi tiếng truyền từ nhiều thế hệ. Mỗi món ăn, tác giả giới thiệu luôn địa chỉ.
Phở là món ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam mà tác giả nhắc đến. Khách có thể thưởng thức bất kỳ giờ nào, lúc nào, ở mọi nơi. Một món với chút thịt bò hay gà, ít bánh phở, thả trong bát nước dùng hầm xương lim dim. Ở Hà Nội, đâu đâu cũng có phở. Theo bà, ngon nhất là Phở gia truyền Bát Đàn, 49 Bát Đàn, Phở Thìn (13 Lò Đức, Phở Lý Quốc Sư… Chỉ 2 euros thôi, khách sẽ được nếm món phở thơm ngọt vị xương hầm.
Phở là món ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam mà tác giả nhắc đến
Trong danh sách ẩm thực bà giới thiệu, bà nhắc đừng quên nếm bún chả. Bún Chả thịt lợn nướng than củi, xém xém vàng óng nhúng trong bát nước chấm ăn kèm với mấy thứ rau. Bát nước chấm tuyệt vời có chút cà rốt, đu đủ, ớt thái chỉ ngấm dấm thả thả trong bát nước mắm pha. Đến Việt Nam nhớ nếm bún chả 74 Hàng Quạt và Bún chả Hương Liên (24 Lê Văn Hưu) - một quán ăn nổi tiếng nhờ tổng thống Obama đã đến đây thưởng thức trong chuyến thăm Việt Nam.
Bún Chả thịt lợn nướng than củi, xém xém vàng óng nhúng trong bát nước chấm ăn kèm với mấy thứ rau
Bún Riêu cua ở 11 Hàng Bạc, cũng được bà coi là món tuyệt vời. Một quán nhỏ dân dã. Khách đông, nồi nước dùng hết hàng ngày, nên bảo đảm tươi. Cua giã nhỏ lọc lấy nước, trứng cua cậy ra chưng … Một công đoạn tỉ mỉ lấy từ những con cua nhỏ. Cuối cùng tạo ra một sản phẩm với bánh cua nổi hấp dẫn.
Bún Riêu cua ở 11 Hàng Bạc, cũng được bà coi là món tuyệt vời. Một quán nhỏ dân dã.
Bánh Cuốn món điểm tâm buổi sáng là món thứ 4 được điểm danh. Bánh tráng mỏng dính hấp bằng hơi nước, cuốn với chút hành và thịt băm viên, mộc nhĩ xào. Bánh cuốn chấm nước mắm, ăn với rau mùi ngon thanh không béo. Sáng sớm, nhiều gánh bánh cuốn có mặt trên vỉa hè Hà Nội. Bà thích bánh cuốn Bà Hạnh 26B Thọ Xương gần nhà thờ cổ, Bánh cuốn Bà Xuân Dốc Hòe Nhai, gần chợ Long Biên. Những địa chỉ quen thân với khách du lịch và người Việt.
Bánh Cuốn món điểm tâm buổi sáng là món thứ 4 được điểm danh.
Bánh mỳ kẹp thịt là sự kết hợp tuyệt với giữa ẩm thực Pháp - Việt. Thay bằng Jambon, phô ma, người Việt sáng tạo kẹp thịt nướng, thịt quay, thịt xa xíu và giò, trứng thêm vài cọng mùi và cà rốt thái chỉ ngâm chua nhẹ. Bánh mỳ 25 (25 Hàng Cá), Bánh mỳ Trâm (252 Cửa Nam) là hai địa chỉ theo bà khá ngon.
Bánh mỳ kẹp thịt là sự kết hợp tuyệt với giữa ẩm thực Pháp - Việt.
Chả cá, món ăn đặc sắc Hà Nội. Đó là một món ăn không thể không thưởng thức khi đến thăm Hà Nội. Chả cá Thăng Long của gia đình ông Đoàn có từ 5 đời ở 21/ 31 Đường Thành. Chả cá nướng than củi, ăn với mắm tôm pha. Mùi mắm tôm thơm thơm quyến rũ. Một đĩa chả cá khoảng 6/7 euros.
Chả cá, món ăn đặc sắc Hà Nội.
Bánh tôm, bánh gỏi, nem cua bể và các loại món khác ở quán Gốc Đa, 52 Lý Quốc Sư rất ngon. Quán này là hồn Hà nội với nhiều loại bánh hấp dẫn. Một quán lý tưởng để ngồi nhậu cùng bè bạn.
Bánh tôm, bánh gỏi, nem cua bể và các loại món khác ở quán Gốc Đa, 52 Lý Quốc Sư rất ngon.
Cà phê trứng một loại cà phê độc nhất vô nhị như Capuchino Ý. Cà phê do người Pháp mang sang trồng ở Đông Dương. Giờ đây, cà phê trở nên quen thuộc với người dân Việt. Nhiều quán cà phê xinh xinh ở Hà Nội rất hấp dẫn. Khách có thể thưởng thức ngay tách cà phê đặc sắc này trong khách sạn Metropôle, hay café Giang (39 Nguyễn Hữu Huân), café Dinh (13 Đinh Tiên Hoàng), Loading T Cafe (8 Chân Cầm).
Cà phê trứng một loại cà phê độc nhất vô nhị như Capuchino Ý.
Ngoài 6 món ăn trên, tác giả giới thiệu thưởng thức ẩm thực trong chợ như chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân những khu chợ lớn nhất nhì ở Hà Nội. Chợ bán đủ thử và ở đây khách cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn khác. Nếu vào dịp Tết hãy đến thăm chợ hoa. Tác giả còn giới thiệu quán Cơm Việt với những món ăn ngon.
Chợ hoa Hoàng Hoa Thám bày bán đa dạng các loại hoa, cây cảnh dịp Tết
Mấy tháng nay, do chiến tranh Côvid 19, những chuyến bay nối Paris -Hà Nội tạm ngưng. Nhiều người Việt nhớ quê hương đọc bài báo giới thiệu ẩm thực Việt ngậm ngùi thèm món ăn Việt. Lệnh cấm di chuyển quá một cây số, nên không ai dám đi ra tận khu chợ Châu Á để mua thực phẩm về nấu mấy món ăn yêu thích kia. Người Pháp chỉ mong hết lệnh cách ly phong tỏa để có dịp tạm thưởng thức món ăn Việt nơi Paris. Nhưng ẩm thực Việt ở Paris lai căng thiếu hồn trong đó. Những món ăn ở Hà Nội, bún chả nướng than, bánh cuốn hấp nước khó mà tìm thấy ở Paris. Cái không khí vỉa hè Hà Nội, giữa bầu trời rộng lớn khác với ngồi thưởng thức món ăn trong quán Paris. Vài hình ảnh Hà Nội trang trí trong quán không thể lấp được khoảng trống vắng trong tâm hồn người Việt nơi xa xứ.
Bài viết của tác giả Pháp gợi nhớ về mấy câu ca dao tếu giễu thời chiến phát tem phiếu chia làm nhiều loại lương cán bộ :
"Tôn Đản chợ của Vua Quan
Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là chợ gian thương
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng".
Bữa ăn Pháp truyền thống được UNESCO công nhận xếp vào văn hóa phi vật thể. Năm ngoái, tổng thống Pháp Macron đề nghị đưa bánh mỳ Baguette Pháp vào danh sách ẩm thực để UNESCO công nhận. Có lẽ ẩm thực vỉa hè Hà Nội cũng nên đệ trình UNESCO xếp vào văn hóa phi vật thể. Người Pháp thích nhà ở yên tĩnh xa chợ, người Việt thích mua nhà mặt phố và gần chợ để cho thuê «Vỉa hè" chiếm dụng. Người ta tận dụng vỉa hè đến mức tối đa. Vỉa hè ngày đêm không yên nghỉ. Một cửa hàng cắt tóc chỉ có bề ngang 2 mét gần khu chợ có thể trở thành một địa điểm kinh doanh ẩm thực. Sáng một gánh xôi, đặt kế bên một chiếc xe nhỏ bánh mỳ kẹp thịt, giò chả bên cạnh. Khoảng 4 giờ chiều xuất hiện một người đặt lò bán thịt vịt quay. Tối một gánh chè đỗ, bánh trôi nước… Nếu nhà mặt đường làm quán ăn, vỉa hè phía trước cũng bày bàn ghế phục vụ khách. Xe máy để dưới lòng đường. Vỉa hè, lòng đường đều được sử dụng vào kinh doanh. Người đi bộ ở Hà Nội chịu khó thể dục buổi sáng trên dọc các vỉa hè hẹp này sẽ có một thân hình thon thả và đôi mắt tinh tường vì phải lách quanh co các gánh hàng rong và xe máy xe đạp dựng dưới lòng đường trước các dãy cửa hàng và mắt phải quan sát ô tô xe đạp phi bất kể đến từ hai chiều. Có lẽ tác giả dùng chữ Hà Nội là đền thiêng liêng ẩm thực, cũng vì lý do đi dạo Hà Nội những khu này phải rón rén, chậm chậm như vào đền nếu không dễ xảy ra tai nạn.
Vỉa hè Hà Nội là một nơi độc nhất vô nhị trên thế giới trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch đến Việt Nam với những hương vị ẩm thực thơm ngon quyến rũ trong không gian.
Trần Thu Dung
27/04/2020