Đề cập vấn đề quy hoạch Hà Nội, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy cho rằng, cần có những nghiên cứu để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có, đặc biệt là các khu ven đô. "Đáng lẽ, cần phải gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống, thì hiện nay chúng ta lại đang bị mất đi những không gian đó.."., Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy nói.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch đô thị tại Hà Nội, phóng viên Dân trí đã cuộc phỏng vấn Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, giảng viên khoa Kiến trúc và qui hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), người đã có hơn 10 năm sinh sống, làm việc tại Pháp và từng dành nhiều thời gian tham quan các đô thị, thành phố nổi tiếng trên thế giới.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đưa ra nhận xét : "Chúng ta đang phải trả giá vì qui hoạch "băm nát" Hà Nội" (Ảnh minh họa : Mạnh Thắng).
PV : Nhận xét mới đây của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội "Chúng ta đang phải trả giá vì qui hoạch "băm nát" Hà Nội" đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Vậy, ông có ý kiến gì về nhận xét này ?
Nguyễn Việt Huy : Quy hoạch và phát triển đô thị bao gồm hai việc chính, đó là : Lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch đó. Việc lập quy hoạch là việc không hề đơn giản, đòi hỏi các chuyên gia phải có tầm nhìn chiến lược, các tính toán, dự đoán chính xác và dài lâu. Nhưng việc thực hiện các quy hoạch đó còn khó khăn gấp bội, bởi trong một quá trình phát triển lâu dài sẽ kéo theo rất nhiều những biến đổi cần phải cập nhật sao cho các biến đổi đó không ảnh hưởng đến các tính toán quy hoạch đã được hoạch định. Hà Nội cũng không nằm ngoài những quy luật đó.
Chính vì vậy, quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cũng gặp phải những thách thức mà điều đầu tiên phải nói đến là áp lực tăng trưởng dân số. Sự bùng nổ dân số luôn là vấn đề nan giải nhất trong mọi đô thị phát triển. Tăng trưởng dân số mất kiểm soát luôn kéo theo các hệ lụy như các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, thiếu chỗ ở cho người nghèo và đặc biệt là dân nhập cư ; số lượng lao động đông nhưng không mạnh, không chuyên nghiệp…
Chính vì thế, khi lập quy hoạch, nếu việc tính toán các dự đoán về phát triển dân số thiếu tính chính xác thì việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hà Nội cũng không phải ngoại lệ.
Thách thức thứ hai là các vấn đề về quản lý đô thị, các hệ thống pháp luật trong quy hoạch xây dựng chưa hoàn chỉnh. Điều này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong quá trình thực hiện quy hoạch như : vấn nạn quy hoạch treo, thủ tục hành chính rườm rà ; tồn tại nhiều loại quy hoạch chồng chéo, dàn trải, thiếu tính khả thi ; thiếu các tiêu chuẩn quy hoạch cụ thể…
Vì vậy, đi đôi với việc lập các quy hoạch, thì xây dựng các hành lang pháp lý, các quy chế quản lý trong quy hoạch, minh bạch công khai các thông tin quy hoạch là những điều luôn cần phải thực hiện song hành, từ đó việc thực hiện quy hoạch mới có thể tốt được.
Thách thức thứ ba là các vấn đề áp dụng các khoa học công nghệ mới, học tập việc đi trước của các nước phát triển trong việc lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, phương pháp lập quy hoạch chưa thực sự đổi mới. Các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch trong nước còn rất mỏng, sự hợp tác, liên kết với các chuyên gia quy hoạch quốc tế còn chưa nhiều. Mặc dù những năm gần đây, đã có những kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này với các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật…
Vì vậy, nếu chỉ có một nhận xét hết sức chung chung, không có sự phân tích thấu đáo căn nguyên nào, thách thức hay khó khăn từ đâu, thì việc cải thiện tình trạng hiện nay sẽ trở lên rất khó khăn hay có thể nói là bế tắc.
Tăng trưởng dân số mất kiểm soát kéo theo rất nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, thiếu chỗ ở cho người nghèo... (Ảnh minh họa : Nguyễn Dương).
PV :Ông đã từng có nhiều thời gian sinh sống tại Pháp, cũng như từng nghiên cứu về các thành phố nổi tiếng trên thế giới, ông thấy đô thị của họ thế nào so với Thủ đô Hà Nội ?
Nguyễn Việt Huy : Như chúng ta đã biết, Châu Âu là châu lục già, nơi tồn tại rất nhiều các đô thị cổ, nhưng chúng ta phải hiểu có hai loại đô thị : Đô thị bắt nguồn từ đô thị và đô thị bắt nguồn từ làng xã.
Ví dụ thành phố Roma của Italia, là một đô thị bắt nguồn từ đô thị, hay Paris là đô thị bắt nguồn từ làng xã. Sở dĩ tôi nói đến điều này, vì chúng ta phải hiểu rõ bản chất đô thị, thì việc đánh giá và phân tích cũng như đưa ra các giải pháp cho việc phát triển đô thị và bảo tồn các di sản mới đạt hiệu quả tốt nhất.
Paris là một ví dụ khá tốt về những phân tích đó, ngoài việc gìn giữ các giá trị của văn hóa, của lịch sử như khu làng cổ Butte aux cailles hay khu làng cổ Montmartre... việc bảo tồn các khu phố cũ để luôn đảm bảo mật độ dân số, mật độ xây dựng hay mặt độ giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng... Ngoài ra, các khu đô thị mới cũng được tính toán khá kỹ lưỡng về khoảng cách, về cao độ, về các yếu tố tác động tương tác lẫn nhau như khu La Défense hay khu thành phố Marne la Vallée.
Hà Nội cũng là một đô thị bắt nguồn từ làng xã như Paris. Vì vậy, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có, đặc biệt là các khu ven đô. Đáng lẽ, chúng ta cần phải gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống, thì hiện nay chúng ta lại đang bị mất đi những không gian đó trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Điều này chẳng khác nào chúng ta tự đánh mất những giá trị quý giá nhất mà thiên nhiên và lịch sử để lại.
Còn các vấn đề mà xã hội đang rất bức xúc, đặc biệt là các vấn đề tắc nghẽn giao thông hay sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng đô thị... thực ra, cũng dễ hiểu và dễ thông cảm với quần chúng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà chuyên môn, tôi lại có cái nhìn khá lạc quan, bởi vì, không chỉ Hà Nội mà hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều phải đối mặt với vấn đề này. Nếu chúng ta biết cách tháo gỡ, các nhà quản lý thực sự cầu thị, biết lắng nghe những nhà chuyên môn, kiên trì thực hiện theo các giải pháp hợp lý mà khoa học đã chứng minh, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề này.
PV : Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Dương (thực hiện)
Xóm chài bãi giữa là các nhà nổi lụp xụp, chắp vá dựng trên những chiếc thùng phuy hay hộp xốp.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, lâu nay xuất hiện một xóm dân giữa sông Hồng. Cư dân của xóm này từ đâu lưu lạc đến và họ sinh sống ra sao ?
‘Bãi giữa sông Hồng’ trước đây là làng Trung Hà nhưng do một trận lũ lớn năm 1971, người dân làng này chuyển vào bờ sinh sống. Vùng đất này nay thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Hiện nay tại bãi giữa sông Hồng có 26 hộ dân sinh sống đến từ nhiều vùng khác nhau và không ai có hộ khẩu nơi đây cả.
Hầu hết người dân trong xóm đều sống trên các "ngôi nhà" phao dập dềnh theo con nước.
Trước đây, do không có giấy tờ tùy thân, trẻ em chỉ được học tới lớp 5 tại một "lớp học tình thương" do sinh viên các trường đại họa xuống dạy.
Ông Nguyễn Đăng Được, người đầu tiên về tạo lập khu xóm trên bãi này cách đây 28 năm cho biết :
"Lên lớp 5, buộc các cháu phải có giấy tờ, có khai sinh mới vào được. Nên tôi chỉ xin bổ sung xóa nạn mù chữ cho các cháu từ lớp 1 thôi. Còn cấp 2 là phải bỏ học"
Được biết hiện nay, phía chính quyền đã hỗ trợ làm giấy khai sinh, chứng minh nhân dân cho các trẻ em nơi đây nên nhiều em được học tiếp lên cấp trung học.
Tuy nhiên, hầu hết người lớn trong xóm đều không có giấy tờ tuỳ thân căn bản - đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền công dân.
Trong xóm này, duy chỉ có ông Được có đất thuê để trồng trọt, còn lại những người khác đều làm nghề buôn bán, làm mướn, hoặc lượm ve chai ở trên bờ. Ông Được cho biết :
"Một vài người có điều kiện thì đi bán nước bán nôi trên bờ. Già thì ở nhà trông cháu rồi tối khuya đi lượm đồng nát tới 2, 3 giờ sáng. Thanh niên khỏe khỏe thì đi làm mướn trên chợ người. Công việc bấp bênh thất thường".
Người phụ nữ bế cháu : "Cô đi lượm đồng nát nhưng giờ nghỉ ngơi thôi con ạ. Thu nhập khoảng 50 một ngày".
Trước đây, người dân trong xóm không có điện và nước sạch để sử dụng. Khoảng 2 năm nay, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tặng những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà nên họ có điện sử dụng, còn nước sinh hoạt được bơm từ các giếng khoan lên, đổ vào các thùng lọc nước do sinh viên trường y giúp đỡ kinh phí và công sức.
Vì không có giấy tờ tùy thân, người dân bãi giữa hoàn toàn không được hưởng các dịch vụ y tế cũng như không có bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh.
Theo chia sẻ của ông Được, mỗi hộ gia đình trên bãi hàng tháng góp 20 ngàn đồng vào một quỹ để giúp trẻ em học tập, mua thuốc chữa bệnh cho người đau ốm, và hỗ trợ các cặp vợ chồng tổ chức hôn lễ đơn giản.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng bãi đỗ xe trên bãi giữa sông Hồng để phục vụ khách du lịch thăm quan cầu Long Biên khi cây cầu này ngưng lưu thông xe.
Được biết từ nhiều năm nay, nhiều dự án đã được đề ra tại vùng bãi này nhưng vẫn treo lơ lửng đó chưa được triển khai.
Ông Được cho rằng dự án bãi đỗ xe như vừa nói có thể không động đến phần đất xóm ông. Tuy nhiên, điều mà toàn bộ người dân ở đây lo ngại là nếu có dự án tiến hành lấy đất của họ thì họ sẽ không còn chốn dung thân.
Người dân nơi đây cho biết phía chính quyền chưa bao giờ có ý định tái định cư cho họ ở một nơi đàng hoàng, tử tế.
Ông Được nói về điều này : "Mình ở khu vực địa bàn người ta thì người ta chỉ quản lý con người, quản lý nhân khẩu. Miễn anh đừng phạm luật là được. Sau này có dự án thì có thể đuổi anh đi".
Phóng viên RFA tại Hà Nội
Triển lãm Giảng Võ là vị trí duy nhất được xây cao ốc 50 tầng trong nội đô
Khi Thủ tướng Phúc hỏi : "Ai cho phép xây 50 tầng ở Giảng Võ ?", hẳn ông đã có câu trả lời, nhưng vì lý do gì đó nên mới yêu cầu Hà Nội phải trả lời thay, chứ nếu thật sự ông không biết thì hoặc là bộ máy giúp việc cho ông quá kém, hoặc là ông không nên...làm Thủ tướng nữa.
Nhưng Chủ tịch Hà Nội cũng không phải tay vừa, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi bằng một cái tên cụ thể, mà lại vòng vo rằng quyết định cấp phép 50 tầng là dựa vào Thông báo số 30 ngày 3/2/2016 của Văn phòng Chính phủ về khu đất dự án số 148 Giảng Võ [1].
Chỉ bằng vài thao tác google người ta có thể truy ra ngay Thông báo số 30 này [2] truyền đạt ý kiến của chính Thủ tướng, nhưng không phải Thủ tướng Phúc mà người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Tấn Dũng. Thời điểm ông Dũng đưa ra kết luận này là tháng 2/2016, nằm trong giai đoạn vịt què (sau khi rớt Trung ương khóa mới và chỉ còn 2 tháng nữa là bàn giao cho Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) không khỏi khiến cho dư luận có cảm giác ông muốn 'hốt cú chót' trước khi về hưu để 'gắng làm người tử tế'.
Cái không thể chấp nhận được ở ông Dũng là với Thông báo số 30 ở trên, ông đã sổ toẹt vào chính Quyết định 1259/QĐ-TTg mà ông ký 5 năm trước đó, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó nói rõ vùng nội đô lịch sử (bao gồm khu đất Giảng Võ) phải hạn chế xây cao tầng, tăng cường cây xanh mặt nước [3].
Quay lại phần đối đáp của Hà Nội, thú vị hơn, Chủ tịch Chung còn đưa ra nguyên tắc của bản thân là 'không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước' [4], khác nào như một lời nhắn nhủ đến Thủ tướng Phúc rằng nếu Thủ tướng làm đến cùng vụ Giảng Võ này, không sớm thì muộn cũng phải đụng đến người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, và rằng Hà Nội nếu có sai thì cái sai đó cũng dựa trên trên kết luận của cựu Thủ tướng.
Phải chăng cũng vì thế mà Thủ tướng Phúc ngay từ đầu đã đặt câu hỏi bỏ ngỏ như trên, dù chính ông biết rõ câu trả lời, vì là một trong những người dự họp hồi tháng 2/2016 để đưa ra Thông báo 30 trong vai trò Phó Thủ tướng ? Ông cũng ngại đụng đến tiền nhiệm, dù biết rõ sai trái của người đó ?
Nếu quả thế thật thì dù ở hai phía trong một cuộc đối đáp, song Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Chung vẫn rất đồng thuận với nhau ở điểm không đụng đến sai trái của tiền nhiệm, vì cả hai rồi cũng sẽ trở thành 'tiền nhiệm' trong vài năm nữa thôi - lối suy nghĩ đặc trưng của một nền văn hóa chính trị lạc hậu, thiếu công khai minh bạch và vắng bóng phê phán.
Giảng Võ sẽ là phép thử mà nếu Thủ tướng rút lui trước người tiền nhiệm, thứ đồng thuận tệ hại trên xứng đáng được gọi tên là đồng thuận Ba Đình.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/01/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Chú thích :
[1] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chi-tiet-bao-cao-cua-ha-noi-ve-du-an-cao-...
[2]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban ?class_i...
[3] http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-1259-QD-TTg...
[4] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-se-bao-cao-tuong-tan-nhung-thong-t...
Khi đường phố vắng tanh, cả Hà Nội như nhuốm sự man mác buồn của một chiều hoàng hôn tím nhạt.
Biến đổi khí hậu
Miền Trung. Qua hạn 23/10 Âm "ông tha bà chẳng tha…", vẫn ngập lụt. Những cơn lụt "hậu 23" trắng đất trắng trời.
Bay Hà Nội. Sát Tết rồi, vẫn nóng quăn đầu lá, chưa thấy mùa Đông.
Khái niệm "biến đổi khí hậu" đã không còn là những nguy cơ mông lung vời xa. Chẳng phải Cờ Lờ Mờ Vờ gì, nó hiển hiện chà cọ sát rạt bên mình, bắt đầu cảm ngấm chạm đến tận miếng ăn hơi thở.
Biển cá. Nghe bảo sạch rồi, vẫn chưa đủ tự tin thò đũa vào dĩa cá tôm. Vẫn gì đấy như... rờn rợn. Di họa Formosa - vẫn tựa lũ quái vật, chưa biết bất kể lúc nào lại có thể vùng dậy gầm gừ phun nhả. Rồi tiếp thêm mầm mống cả những bản sao Formosa khác...
Hà Nội chiều nay. Hồ Tây không còn xác cá. Bởi hết sạch rồi, còn con nào đâu để chết. Cho dù Hà Nội chẳng có Formosa.
"Thời tiết" văn hóa, nhát băm kiến trúc và những "thảm họa tiến dần"
Một cái Tết không pháo hoa. Là chỉ thị từ đảng cấm không cho bắn, nghe nói để... tiết kiệm !
Không còn pháo. Hà Nội bất ngờ nảy sáng kiến vận động nhà chùa gõ chuông, và kêu gọi dân chúng mỗi người tự sắm cho mình một cái chuông để... rung lúc giao thừa !
Là người thủ đô. Nơi tôi sinh Hà Nội. Tự thuở cái Hà Nội cỏn con xưa vắng của tôi đến giờ, (Mô Phật) không thể mường tượng nổi rồi sẽ đến một đêm toàn dân đồng loạt nháo nhào ra đường rung chuông đón Tết ?
Ô hô. Há cũng chẳng là một cách biến chuyển (hay "tự chuyển biến", "tự diễn biến" chi đó) của "thời tiết văn hóa " thủ đô sao ?
Qui hoạch băm Hà Nội. Nát tươm rồi. Tướng Chung Chủ tịch bảo vậy. Nhưng nói thế là "sang" cho các nhà qui hoạch. Bao nhiệm kỳ, có qui hoạch gì ? Ngon đâu rạch đó, xẻ vụn thủ đô.
Thêm một biến thái trong văn hóa kiến trúc đô thị, khi loằng ngoằng lửng lơ giữa trời Hà Nội một quái thú : khối bê tông rắn khổng lồ Cát Linh - Hà Đông. Một "di sản quái vật" biểu trưng cho... tư duy kiến trúc Hà thành.
"Thảm họa tiến dần" là chữ dùng của Bí thư Hoàng Trung Hải. Ông nói một cách như không thể gì... hồn nhiên hơn : "Thấy được thảm họa tiến dần mà không biết phải làm thế nào ?".
Thật tình, cố ghìm nín một câu... văng, tĩnh tâm ngẫm hoài vẫn không thể hiểu tại sao đến một Ủy viên BCT như ông lại có thể "hồn nhiên" thế. Thấy, không biết làm sao - Sao không lùi bước, nhường cho người biết việc ?
Không chỉ kiến trúc đô thị. Không chỉ "thời tiết" văn hóa, hay tư duy trị quản. Hà Nội còn đang rậm rịch "kiến trúc lại" theo một bộ chuẩn mới, tỉ mẩn đến tận từng xăng - ti - mét mỗi chiếc áo quần váy vú của công dân.
Không rõ lắm khái niệm "thảm họa tiến dần" của ông Hải. Nhưng giật mình thương cái... Hà Nội của tôi.
"Thời tiết" chính trường
Lại bắt đầu nghe rõ, từng hơi nóng hầm hập của "thời tiết" chính trường. Ông Trọng dừng, hay ngồi tiếp ? Có vẻ chưa rõ, đang căng. Ấy cũng là dân tình đoán đồn kháo nhau vậy. Trên nhiều trang "lề trái" và các sân đánh quen thuộc, đã bắt đầu nghe đâu đó vài tiếng kèn và "phát súng" khơi trận.
Tôi rõ khá nhiều cuộc. Quen quá những mùi đạn khét ấy. Hoảng thì không, không có cảm giác đó. Nhưng bần thần, nhiều khi như... thoái chí.
"Chuyện quyền lực... cả thế kỷ qua chỉ toàn có mày không tao. Cả chuỗi dài toàn tận lực giết, tận lực giành, tận lực thua đủ. Bất hạnh thay cho một thời đại tích cực "chiến đấu" và chỉ tìm kiếm bàn thắng bằng độc cách ấy" (Phạm Ngọc Cương).
Mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí đến oán thù thời nào chả có. Đến thù nhà, khó tìm lại "mối thù" nào lớn như thời Trần thế kỷ XIII, giữa thân phụ Trần Quốc Tuấn với thân phụ Trần Quang Khải. Vậy mà, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn có thể tự tay cởi áo, kỳ lưng tắm cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, gạt thù nhà lo thù nước, bắt tay đồng tâm đánh đuổi tan tành xứ Nguyên Mông.
Bài toán đoàn kết tăng nội lực, là đấy chứ đâu.
Những đòn dèm pha sẽ ít hơn, nếu ông Trọng chọn dừng lúc này - cho dù cũng đã chậm. Chiến trận Ích - Xì (X) cũng đến thế là xong. Cuộc thắng ấy, hả hê vậy đủ rồi. Dừng. Nhường hẳn tay cờ, mở thế cho người khác, ván khác, vận khác.
Thủ tướng Phúc, lần đầu bạo miệng (hay lỡ mồm nói thật) chuyện nợ công vượt trần. Ông cảnh báo : không khéo có thể tới ngưỡng "sụp đổ tài khóa quốc gia".
Điểm dễ nhìn nơi ông là thiện chí muốn tạo dựng một khuôn diện chính phủ khác, thân thiện hơn để "lấy lại lòng dân". Ấy là tín hiệu cực quí ! Song, dường như vẫn chỉ dừng ở những động thái... xây dựng hình ảnh !
Khái niệm "chính phủ kiến tạo" được ông dùng nhiều, nhắc đi lặp lại, bất cứ diễn đàn nào có thể. Thực ra, chữ dùng này được nói từ triều Nguyễn Tấn Dũng. Khác là ông Dũng hô một lần rồi im. Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, và "định vị" rõ hơn. Nhưng kiến tạo gì, kiến tạo ra sao và đã kiến tạo được những gì - Khi chưa "kiến tạo lại" giàn máy chính phủ ?
Miệng dân, miệng báo
Không chỉ miệng dân chủ dán bịt. "Diễn biến" đến cả cái miệng ăn của dân.
15 tỉnh phát đơn xin gạo cứu đói. Ngạc nhiên khi trong số đó, không hẳn nơi nào cũng nghèo. Có tỉnh, thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, vẫn há mồm xin gạo. Hàng chục nghìn tỷ thu ngân sách mỗi năm, vẫn chưa đủ lo dân hết đói.
Hà Nội tản mạn những ngày không rét
Dân thế. Trong khi đảng miệt mài, hả hê với khúc ca "đất nước đã bao giờ... được thế này chưa ?".
Bay Hà Nội, dự 75 năm Đại Đoàn Kết. Vui, khi cảm được cái tình đầy ắp của những người còn ở lại dành cho mình. Dù thăng trầm, ghềnh thác gì, Đại Đoàn Kết với mình, vẫn luôn là một phần để nhớ.
Song cũng ngập ngụt, tràn trề tâm trạng nghề u ám. Cả làng báo, riêng gì một "đứa" nào. Não nề, chán nản.
Làm sao có thể quên được "cú gạt tay" hộc máu mồm lịch sử làng báo. Làm sao, chả biết làm sao (nhại lời ông Hoàng Trung Hải Bí thư) ngóc đầu vượt mặt khỏi "cơn lũ mắm" ê chề nhục nhã ấy ?
Những sạp báo Xuân mấy ngày chẳng vơi nổi chục tờ. Ít còn thấy ai dừng lại, vói mua một tờ báo cầm tay.
Cá không còn. "Cụ" ruà cũng toi rồi. Mặt hồ lặng đến không thể sủi tăm. Tưởng được chạm rét. Vậy mà cận Tết, vẫn chưa thấy mùa Đông. "Biến đổi khí hậu", và không chỉ khí hậu, thấy... phủ nóng Ba Đình.
Trương Duy Nhất
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/01/2017 (truongduynhat's blog)
Ở trung tâm Hà Nội, tòa nhà Art Deco số 22A Hai Bà Trưng với rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque đã tồn tại được 14 năm sắp bị phá hủy để nhường chỗ cho trung tâm thương mại Vincom.
Tôi từng đọc được một câu văn ý đại khái là người Hà Nội có thể đi thật xa khỏi Hà Nội, nhưng không bao giờ có thể đưa Hà Nội ra khỏi tâm hồn mình. Tôi thấy mình trong câu nói đó. Tôi bắt đầu rời khỏi Hà Nội từ những năm niên thiếu, cứ đi thật xa, thật lâu rồi mới quay về, đặt chân lên biết bao miền đất mới, trò chuyện với những người thuộc nhiều nền văn hóa văn minh khác biệt, nhưng vẫn luôn thấy mình thẩn thờ và cũ kỹ như một chiều thu Hà Nội ảm đạm năm nào. Cảm giác ấy in sâu và trở thành một phần con người tôi. Tôi có một ông bác làm ở bên bộ ngoại giao, đã lâu không thăm hỏi. Ngày còn nhỏ mẹ hay gửi tôi qua nhà nhờ bác trông nom trong một căn hộ nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong khu tập thể cũ giữa lòng phố cổ. Căn nhà nhỏ nắng khó lọt qua khe cửa, thoang thoảng mùi thuốc bắc ấm cúng khiến tôi lúc nào cũng lơ mơ trong cơn buồn ngủ. Đến chiều bố qua đón về tôi vẫn còn ngất ngưởng ngủ gật. Và tôi cứ lớn lên trong một Hà Nội bình yên như thế. Sau này chỗ khu nhà đó bị phá, gia đình ông bác tôi chuyển ra ngoại ô thành phố sống vì ông đã nghỉ hưu. Thủ đô cũng không còn thiết tha với những tâm hồn già cỗi như ông nữa. Lớp trẻ chúng tôi thì lớn lên và lãng quên.
Ở trung tâm Hà Nội, tòa nhà Art Deco số 22A Hai Bà Trưng với rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque đã tồn tại được 14 năm sắp bị phá hủy để nhường chỗ cho trung tâm thương mại Vincom. Rạp chiếu phim nhỏ này do một người Mỹ tên là Gerald Herman sáng lập năm 2002. Ông là một người yêu điện ảnh và muốn mang tình yêu đó truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ tuổi tại Việt Nam. Tại đây, ông Herman đã xây dựng được một kho phim khổng lồ với 3.500 bộ phim nổi tiếng toàn thế giới với chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp. Rất nhiều bộ phim Việt Nam được ông lưu giữ và trình chiếu như Bao giờ cho đến tháng mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Gánh xiếc rong (đạo diễn Việt Linh)… Nơi đây đã gắn bó và lưu giữ kỷ niệm của rất nhiều thế hệ người Hà Nội (thông tin tham khảo tại Vĩnh biệt "rạp chiếu bóng thiên đường" của Hà Nội của tác giả Lê Hồng Lâm trên báo Tuổi trẻ)
Hà Nội dường như đang mất dần đi những giá trị văn hóa, giá trị tâm hồn đẹp mượt mà rất riêng biệt. Đó là lý do vì sao tôi nhớ về ông bác già nua của mình. Nhưng điều nhức nhối hơn bên cạnh nỗi buồn mất mát đó là sự lạnh lùng khinh khi những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ ấy. Số phận của Hanoi Cinematheque đã được định đoạt từ tháng 3 năm 2016 nhưng đến tháng 11 đội ngũ quản lý mới thông báo tin tức rộng rãi đến công chúng như một lời chia tay chính thức. Sau đó, tuy có rất nhiều cuộc vận động thu thập chữ ký, thay đổi hình đại diện Facebook để bày tỏ mong muốn giữ lại rạp chiếu phim, bên tập đoàn VinGroup vẫn không có một lời hồi âm nào. Hà Nội đang đi vào vết xe đổ của các nước tư bản phát triển, tiêu biểu là Seoul, Hàn Quốc. Thủ đô Seoul cũng đã trải qua rất nhiều thay đổi trong công cuộc hiện đại hóa, và tốc độ phát triển chóng mặt đã dẫn đến sự sụp đổ của nhiều giá trị truyền thống tại thành phố này. Seoul trở thành một kinh nghiệm "xương máu" khiến chính phủ Hàn Quốc vội vã đưa ra chính sách bảo tồn các công trình văn hóa ở nhiều thành phố khác, vừa để bảo tồn bản sắc dân tộc, vừa để thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu.
Vẫn là câu chuyện đầu tư thông minh, nhưng đây lại là câu chuyện không của riêng ai. Trên thực tế, tôi thấy rất ít các nhà văn, nhà báo hay các nhà hoạt ngôn tìm hiểu, nghiên cứu về các vấn đề về văn hóa nghệ thuật nước nhà và sự thay đổi trong thời cuộc hiện nay, cho đến khi những giá trị văn hóa ấy đã bị đánh mất. Hanoi Cinematheque chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong vô vàn những điều đẹp đẽ còn đang ẩn giấu trong các ngõ ngách Hà Nội mà ít ai thực sự quan tâm tới. Liệu sẽ có một công trình nghệ thuật nào khác như Hanoi Cinematheque trong tương lai, như một cách để gợi nhớ về, để bảo tồn và để phát triển giá trị cũ xưa đáng trân trọng như thế ? Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải quan tâm và cùng nhau tìm lời giải đáp.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 29/12/2016