Chính phủ các nước Âu Mỹ đều đang bàn kín những kế hoạch đối phó với một nước Nga "hậu Putin". Có lẽ người đang lo tính toán nhiều nhất là Tập Cận Bình.
Chủ tịch cộng sản Trung Quốc có thể cứu "ông bạn chí thân" Putin bằng cách bắt đầu những cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh Ukraine. Nhưng Putin có chấp nhận hay không là điều không ai biết chắc.
Những truyện trinh thám, gián điệp thường kể những màn rất ly kỳ, rắc rối, khó hiểu trước khi kết thúc. Câu chuyện Vladimir Putin đang diễn ra đúng theo cách này.
Gần hai tuần lễ sau khi Yevgeny Prigozhin dẫn đạo lính đánh thuê Wagner về đe dọa Matskva rồi rút quân, tự mình chạy qua xứ Belarus, bỗng có tin Prigozhin đã trở về thành phố St. Petersburg rồi, và có thể đã có mặt ở thủ đô Nga : Chính Alexander Lukashenko, tổng thống Belarus, xác nhận tin này trước mặt hàng chục phóng viên, một việc xưa nay ít khi ông ta làm, nhất là có cả mấy nhà báo ngoại quốc.
Ông ta còn nói chính mình đã điện thoại với Prigozhin nhiều lần, bàn chuyện tương lai nhóm Wagner sẽ làm gì. Khi được hỏi liệu Putin sẽ giết Prigozhin hay không, Lukashenko quả quyết Prigozhin vẫn hoàn toàn tự do, còn bào chữa rằng Putin "không thù hằn và độc ác" như vậy. Ai cũng biết hàng trăm người bị nghi ngờ chống đối Putin đã chết một cách bí mật, phần lớn rớt từ trên lầu cao xuống, hoặc nhảy lầu tự sát, bên trong nước Nga cũng như khi đang ở Ấn Độ.
Sự thật Prigozhin có qua xứ Belarus hay không cũng chưa chắc, dù Lukashenko nói như vậy khi giàn xếp với Putin cho tay này chạy qua tị nạn. Một viên chức bộ Quốc phòng Mỹ nói với báo Newsweek rằng sau cuộc nổi dậy bất thành Prigozhin có thể vẫn ở trong nước Nga.
Một điều khó hiểu khác, là bản tin cơ quan Tình Báo Nga FSB ở St. Petersburg đã trả lại cho Prigozhin nhiều tài sản, kể cả vũ khí, đã tịch thâu sau cuộc khám nhà. Cuộc khám xét dinh thự tráng lệ của Prigozhin được phơi bày trên ti vi cho thấy cả những mớ tóc giả và quần áo để ông ta hóa trang, với các hình ảnh chụp sẵn. Theo Newsweek, mạng Fontanka ở St. Petersburg loan báo theo nguồn tin muốn giấu tên, cảnh sát đã trả lại cho Prigozhin những thoi vàng và tiền mặt tổng cộng 10 tỷ đồng rúp, gồm 80 thùng giấy chứa đầy tiền trị giá $66.7 triệu mỹ kim trong một xe tải nhỏ, minivan ; cùng với $47 triệu trong một chiếc van khác.
Những tài sản trên được trả lại như thế nào, trong khi Prigozhin còn "tị nạn" ở Belarus ? Theo sở cảnh sát thành phố, tất cả được trao cho một người tài xế của ông trùm Wagner. Bác tài đã "được ủy quyền" ngày 2 tháng 7 : Bằng cách nào Prigozhin có thể ủy quyền cho bác tài xế ? Không ai biết :
Vẫn theo "tin mật" của Fontanka, cảnh sát không muốn trả lại những tài sản nặng mấy tấn này nhưng phải chịu thua "vì có lệnh từ trên xuống :" Ai từ trên đã ra lệnh ? Chỉ một người có khả năng này là Vladimir Putin. Trong khi đó, các báo, đài của chính phủ Nga vẫn liên tiếp đả kích Prigozhin và loan tin cuộc điều tra tội lỗi của ông "đầu bếp của Putin" vẫn đang tiến hành : Điều này lại mâu thuẫn với những lời của Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin nói trước đây, khi loan báo chính phủ Nga sẽ bỏ qua không truy tố tội nổi loạn vì Prigozhin đã chịu thua chạy qua Belarus.
Tấn kịch diễn ra trong hai tuần với mâu thuẫn này chồng lên trên mâu thuẫn khác. Buổi sáng ngày 24 tháng 6, khi quân Wagner trên đường tiến về thủ đô, ông Putin lên ti vi kết tội những "tên phản bội" và thể sẽ "cương quyết trừng trị". Buổi tối, Dmitry Peskov loan báo nhóm Wagner đã rút đi và cuộc điều tra đã kết thúc, không còn ai bị truy tố nữa. Lukashenko báo tin Prigozhin đã chịu qua nước mình nhưng không ai thấy một hình ảnh nào của ông ta đang ở Belarus. Ti vi còn chiếu hình ảnh một trại lính cũ đang được tu sửa chuẩn bị cho quân Wagner về trú đóng, nhưng cuối cùng không thấy một binh sĩ đánh thuê nào rời khỏi các căn cứ ở miền Nam nước Nga. Prigozhin lại phát hành một đoạn phim trong đó ông ta hứa hẹn những chiến thắng mới của đạo quân Wagner, mà không tiết lộ ông ta đang ở đâu.
Từ khi bắt đầu đánh Ukraine, Vladimir Putin đã sai quốc hội làm luật trừng trị, phạt tù đến 15 năm, tất cả những ai phê bình, chỉ trích cuộc chiến. Nhưng lính đánh thuê Wagner đã bắn hạ mấy trực thăng và một chiến đấu cơ tối tân, giết hàng chục sĩ quan và binh lính, tại sao không hề bị hỏi tội ? Prigozhin không những đã chỉ trích mà còn vạch ra rằng không có lý do nào phải đánh Ukraine, những lời tố cáo chế độ ở Kyiv theo chủ trương "quốc xã" là hoàn toàn bịa đặt : Hơn nữa, Prigozhin còn nói thẳng rằng cuộc chiến Ukraine sau 16 tháng qua đã hoàn toàn thất bại ; dân Nga không biết chỉ vì bị che giấu : Prigozhin vẫn hoàn toàn tự do sau khi nói những sự thật trắng trợn như vậy :
Những điều mâu thuẫn khó hiểu trên đây chỉ là những chuyện nhỏ so với một niềm bí mật lớn nhất, là "Tại sao trong suốt thời gian đám quân Wagner nổi loạn, tất cả guồng máy quân sự, cảnh sát, mật vụ của Putin vẫn không hề ra mặt, phản ứng ?" Tại sao tất cả bộ máy quân sự ở thành phố Rostov đã không chống cự mà hầu như đồng lõa, quy hàng với quân Wagner ? Một điều khó hiểu khác : Putin vốn là cựu sĩ quan mật vụ KGB, chung quanh quy tụ các đồng nghiệp mật vụ từ hơn 20 năm nay, tại sao điện Kremlin lại hoàn toàn không biết tin trước đám lính đánh thuê sắp tiến về thủ đô làm loạn ?
Những điều khó hiểu trên đây chỉ có thể giải thích bằng một lý do, là Vladimir Putin không còn nắm vững quyền lực trong tay nữa. Một lãnh tụ độc tài thường tiêu diệt ngay những mầm mống chống đối trước khi ngóc đầu, Putin đã không làm được. Ông ta biết không thể ra lệnh cho guồng máy quân sự và an ninh, cũng không dám trừng phạt những người không tuân theo mệnh lệnh của mình.
Một lý do khiến Putin phải để cho Prigozhin được tự do, xuất hiện ở hai thành phố lớn nhất nước Nga, là vì ông ta thấy vẫn cần nhờ đám quân Wagner trong cuộc chiến Ukraine. Đám lính đánh thuê này, trong đó có nhiều người được tuyển mộ từ nhà tù đem ra, là lực lượng duy nhất đã thắng trận ở Ukraine. Trong lúc quân đội Ukraine bắt đầu cuộc phản công toàn diện, lực lượng chính quy của quân đội Nga hoàn toàn bất lực, chỉ trông nhờ vào những bãi mìn và hầm hố đào sẵn để phòng thủ. Putin có thể mặc cả để đám quân Wagner trở lại chiến trường Ukraine cứu vãn những gì còn lại.
Hơn nữa, Putin biết rằng không thể nào "giải giới" đám lính đánh thuê này. Bộ quốc phòng Nga đã cho phép các lính Wagner được gia nhập quân đội, nhưng không mấy người hưởng ứng vì không ai tin tưởng. Quân Nga không thể dùng sức tấn công quân Wagner vì nếu giỏi như thế thì họ đã không cần dùng đám lính đánh thuê này ở Ukraine : Cũng không thể dùng bom và hỏa tiễn tiêu diệt quân Wagner, vì sau đó sẽ lấy ai đánh nhau ở Ukraine ?
Putin đang tìm cách tạo nên một lực lượng quân sự mới có thể thay thế đám lính Wagner. Sau ngày 24 tháng 6, Putin bắt đầu cấp cho Đạo binh Vệ Quốc (Rosgvardiya) những vũ khí hạng nặng, như xe thiết giáp, để có thể gửi ra chiến trường, theo báo Newsweek.
Nhưng lực lượng Wagner không phải chỉ đánh nhau ở Ukraine mà còn trải ra khắp thế giới, từ Venezuela, Syria đến các nước Phi châu : Làm cách nào Putin có thể gửi lính đi nửa vòng trái đất qua tước khí giới đám quân Wagner đang hoạt động rải rác ở hàng chục nước, như Syria, Cộng hòa Trung Phi hay Libya ?
Chính Putin thú nhận trong năm qua đã trả cho Prigozhin hai tỷ mỹ kim, để nuôi đạo lính đánh thuê và cung cấp thực phẩm cho quân đội Nga. Nhưng Prigozhin đang sử dụng những đám lính Wagner này để "kinh tài",có thể tự sống được dù Putin không ký hợp đồng thuê mướn nữa. Đó là những hoạt động phi pháp, từ buôn khí giới đến bán thuốc lá lậu, và giúp các tỷ phú Nga rửa tiền, chuyển ngân ra ngoại quốc. Quân Wagner cũng làm chủ nhiều quặng mỏ ở các nước châu Phi, một nguồn lợi không cần khai báo :
Cuộc chiến Ukraine làm chế độ Putin đang suy sụp về quân sự. Mặt trận kinh tế còn đáng lo hơn. Dân Nga thiếu hàng hóa vì bị cả thế giới cấm vận, chỉ còn giữ được giao thương với Trung Quốc và Ấn Độ. Nước Nga vẫn sống nhờ xuất cảng dầu lửa, nhưng từ khi Putin đánh Ukraine, các nước Âu châu đã ngưng mua dầu khí của Nga, một nguồn ngoại tệ bị cắt đứt. Giá dầu lửa khi lên khi xuống, hiện nay đang xuống thấp. Nói chung, cả thế giới đang tìm các nguồn năng lượng mới, những nước xuất cảng dầu không có tương lai.
Bộ trưởng ngoại giao khối Liên hiệp Âu châu, Josep Borrell mới bày tỏ mối lo ngại, trước khi đến dự cuộc họp 2 ngày của 27 quốc gia tại Brusselles. Ông nói, khi Vladimir Putin thấy địa vị của mình lung lay thì sẽ trở thành một con người nguy hiểm hơn. "Putin đã mất độc quyền điều động vũ lực nhưng một nước Nga bất ổn là điều đáng lo nhất !"
Chính phủ các nước Âu Mỹ đều đang bàn kín những kế hoạch đối phó với một nước Nga "hậu Putin". Có lẽ người đang lo tính toán nhiều nhất là Tập Cận Bình. Chủ tịch cộng sản Trung Quốc có thể cứu "ông bạn chí thân" Putin bằng cách bắt đầu những cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh Ukraine. Nhưng Putin có chấp nhận hay không là điều không ai biết chắc.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 08/07/2023
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã phá hủy hình ảnh huyền bí của Tổng thống Nga Vladimir Putin như là một nhà độc tài không thể chạm tới. Trước ngày 24/02/2022, Putin có thể giống như một kẻ vô đạo đức và hiếu chiến, nhưng qua các động thái quân sự ở Syria, Crimea, và xa hơn nữa, ông vẫn là một chiến lược gia có năng lực. Thế rồi, ông đã hủy hoại tất cả, thể hiện sự kém cỏi của mình bằng cách xâm lược một quốc gia không gây ra mối đe dọa nào cho Nga, sau đó thất bại hết lần này đến lần khác trong việc điều hành quân đội – với ví dụ mới nhất là cuộc nổi dậy vũ trang ngắn ngủi do thủ lĩnh lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin phát động cuối tuần này, vốn đã làm suy yếu nhà độc tài huyền bí Putin.
Cuộc nổi loạn của Prigozhin đã kết thúc nhanh chóng, nhưng nó đã mở đường cho những rắc rối của Điện Kremlin.
Putin đã tiếp tay cho sự trỗi dậy của Prigozhin và phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo về Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân của Prigozhin vốn đang nằm ngoài tầm kiểm soát. Khi quân Nga gặp khó khăn ở Ukraine, vận may của Prigozhin đã xuất hiện và đạt đến đỉnh điểm khi Wagner chiếm được thành phố Bakhmut cho Nga vào tháng 5. Prigozhin đã khai thác không gian chính trị không bị kiểm duyệt cuối cùng còn sót lại ở Nga – mạng xã hội Telegram – để phát biểu trước công chúng Nga. Suốt nhiều tháng, ông ta đã tiết lộ âm mưu đảo chính của mình: công khai tranh cãi với lãnh đạo các lực lượng quân sự của Nga, chỉ trích nỗ lực chiến tranh, và nghi ngờ những lời biện minh chính thức cho cuộc chiến, vốn do đích thân Putin đưa ra. Tuy nhiên, Moscow vẫn bị bất ngờ khi Prigozhin yêu cầu binh lính của mình nổi dậy và tham gia vụ binh biến chống lại Bộ Quốc phòng Nga.
Sự ngạo mạn và thiếu quyết đoán của Putin là câu chuyện nổi bật của chiến tranh Ukraine. Giờ đây, chúng trở thành câu chuyện của chính trị trong nước Nga. Bất kể động cơ và ý định của Prigozhin là gì, cuộc nổi dậy của ông ta đã vạch trần một lỗ hổng nghiêm trọng của chế độ Putin: sự khinh miệt của nó đối với dân thường. Putin đã quá thông minh khi không để chiến tranh ảnh hưởng đến Moscow và St. Petersburg, hay ảnh hưởng xấu đến tầng lớp tinh hoa ở những thành phố này. Tuy nhiên, chính sự thông minh của ông đã mang về một cuộc chiến cho những người dân không thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước. Họ đã bị kéo vào một cuộc tranh giành thuộc địa khủng khiếp, với mạng sống của họ bị Moscow hoặc khinh thường hoặc đối xử nhẫn tâm. Nhiều người lính Nga vẫn không biết họ đang chiến đấu và hy sinh vì điều gì. Prigozhin đã nói thay cho những người đàn ông này. Ông ta không có phong trào chính trị nào đứng sau mình, và cũng không có ý thức hệ rõ ràng. Nhưng bằng cách trực tiếp chỉ ra những mâu thuẫn với tuyên truyền của chính phủ, ông đã nêu bật tình cảnh khốn khổ ở chiến trường và sự xa cách của Putin, người chỉ thích nghe Bộ Quốc phòng nói về vinh quang quân sự của Nga.
Nếu sự khinh miệt của Putin và sự tức giận của binh lính Nga hội tụ và trở thành biểu tượng cho đất nước mà Putin cai trị, thì Điện Kremlin có lẽ đang gặp rắc rối, ngay cả khi không có một cuộc đảo chính nào được thực hiện. Cuộc binh biến của Prigozhin có thể là thách thức lớn đầu tiên đối với chế độ Putin, nhưng nó không phải là thách thức cuối cùng. Cuộc nổi loạn này có thể được theo sau bởi làn sóng đàn áp gia tăng ở Nga. Một nhà lãnh đạo sợ hãi, người vừa sống sót sau một cuộc đảo chính trong nước, còn nguy hiểm hơn một nhà độc tài thời chiến tin rằng mình được an toàn ở nhà.
Đối với phương Tây, chẳng có gì nên làm ngoài việc để vở kịch chính trị này – vốn có những dấu hiệu của một vở hài kịch – tiếp tục diễn ra ở Nga. Phương Tây không quan tâm đến việc duy trì nguyên trạng chế độ Putin, nhưng họ cũng không nên tìm cách lật đổ chế độ Putin một cách đột ngột. Đối với phương Tây, biến động ở Nga có hàm ý quan trọng nhất đối với Ukraine, nơi bất ổn ở Nga có thể mở ra các lựa chọn quân sự mới. Ngoài việc khai thác các lựa chọn này song song với Kyiv, phương Tây không thể làm gì khác hơn là bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho sự bất ổn bên trong và bên ngoài biên giới nước Nga.
Tình thế bấp bênh ?
Điều trớ trêu trong cuộc nổi dậy của Prigozhin là nó bắt nguồn từ những nỗ lực của Putin nhằm "ngừa đảo chính" cho chế độ của mình. Nền tảng cho quyền lực của Putin là dân số Nga ủng hộ ông – hoặc chí ít là giữ im lặng. Trên nền tảng vững chắc này, luôn tồn tại các phe phái đối địch trong giới tinh hoa và các cơ quan an ninh, mà Putin luôn tìm cách để họ chống lại nhau.
Để duy trì cấu trúc này, Putin đã phải ngăn chặn sự bất mãn của dân chúng, và giữ cho giới tinh hoa chính trị tuân phục mình. Ông thích làm việc với những người mà ông đã biết từ những ngày còn ở KGB vào thập niên 1980, hoặc những ngày còn ở chính quyền St. Petersburg vào thập niên 1990, vốn là điểm khởi đầu cho sự nghiệp chính trị của ông. Những người này chịu trung thành bởi họ chỉ có thể tận hưởng sự giàu có và quyền lực dưới sự lãnh đạo của Putin. Một rủi ro lớn hơn đối với Putin là các nhân vật có liên hệ với an ninh và quân đội, nhưng lại không phải là phụ tá lâu năm của ông. Họ phải được giám sát và kiểm soát thông qua các âm mưu diễn ra liên tục đến mức chúng trở thành một thói quen. Các quốc gia khác có thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, còn Điện Kremlin có một thị trường chứng khoán nội bộ, nơi vận may chính trị của các quan chức cũng lên xuống thất thường.
Thông lệ này vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Các nhà lãnh đạo quân sự bị xáo trộn vị trí một phần vì cuộc chiến diễn ra không suôn sẻ, một phần vì Putin phải đảm bảo rằng không "Napoléon" nào có thể nổi lên giữa các tướng lĩnh và thách thức ông ta. Putin đã để cho Wagner và Bộ Quốc phòng Nga đọ sức với nhau, xem bên nào có thể đạt được kết quả tốt hơn ở Ukraine, đồng thời tìm cách kiểm tra quyền lực của quân đội và bộ trưởng quốc phòng. Prigozhin chính là đối trọng với bộ chỉ huy cấp cao của quân đội, và ông ta đã làm những gì được yêu cầu – lấy ví dụ là thành phố Bakhmut của Ukraine, cho đến nay vẫn là thành công chiến trường lớn nhất của Nga trong năm ngoái. Hiệu quả của binh lính Wagner đã gây áp lực lên quân chính quy Nga kém hơn.
Putin vẫn đang đứng trên tất cả như ông đã làm suốt nhiều năm qua, như một kỳ thủ cờ vua di chuyển quân cờ một cách thành thạo. Hoặc có vẻ như vậy, cho đến khi ai đó đến và lật đổ bàn cờ.
Cẩn thận canh chừng ngai vàng
Các sự kiện trong ba ngày qua báo trước một tương lai đen tối cho nước Nga. Trong vài giờ ngắn ngủi, cuộc nổi dậy vũ trang của Prigozhin đã tạo ra hỗn loạn khủng khiếp. Chiến tranh đã làm suy yếu khả năng của nhà nước Nga, và cuộc nổi dậy đã làm kiệt quệ khả năng đó thêm nữa, khiến Moscow phải đối mặt với một thách thức mới trong nước. Suốt nhiều năm, Điện Kremlin đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn một cuộc cách mạng tự do. Nhưng hóa ra mối đe dọa lớn hơn lại là một cuộc cách mạng phi tự do: một cuộc nổi dậy dân túy được quân sự hóa cao độ, không phải do các nhà cải cách quốc tế, mà do chính những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga thúc đẩy. Chủ nghĩa dân tộc từ trên xuống, được nuôi dưỡng trong chiến tranh có thể chống lại chế độ Putin, và Prigozhin có thể không phải là người cuối cùng làm điều đó.
Prigozhin đã chứng minh rằng pháo đài của Putin có thể bị tấn công. Trong cuộc nổi dậy cực ngắn này, gần như toàn bộ giới tinh hoa đều thể hiện lòng trung thành với Putin, nhưng chúng chỉ là hành động bề ngoài. Những người khác, những kẻ can đảm hơn có thể sẽ học hỏi từ Prigozhin, kết hợp chủ nghĩa dân túy của ông ta với một chương trình chính trị có thể thu hút một nhóm rộng hơn, ngoài những tên lính đánh thuê nổi loạn, chẳng hạn như những nhân vật trong giới tinh hoa Nga. Giới tinh hoa ở đây không phải giới trí thức hay giới kinh doanh, mà là những người có liên hệ với bộ máy an ninh. Động cơ của họ có thể là quyền lực, nhận thức về sự yếu kém của Putin, hoặc nỗi sợ về một cuộc thanh trừng sắp xảy ra. Nếu Putin có khả năng bị lật đổ, thì sẽ có động cơ để trở thành người lật đổ ông ta – hoặc chí ít là người thân cận với người đó. Tương tự, cũng có một động cơ để tiếp tục chờ đợi, đặc biệt là nếu Putin quyết tâm trả thù. Nếu "Đêm của những con dao dài" diễn ra trong giới tinh hoa Nga, nó có thể khiến những nhân vật quyền lực tập hợp lại trong một kế hoạch lật đổ Putin.
Tốc độ nhanh chóng của Prigozhin khi tiến về Moscow có thể truyền cảm hứng cho các lãnh chúa tiềm năng khác, hoặc cho các chính trị gia mới nổi đang tìm kiếm lợi thế ở địa phương, không ai trong số này đủ mạnh để lật đổ sa hoàng ở Moscow, nhưng tất cả đều mong muốn tước đoạt quyền lực và uy tín của nhà nước. Hậu quả có thể làm tê liệt chính phủ và làm suy yếu vị thế quân sự của Nga ở Ukraine. Theo thời gian, Prigozhin đã chuyển từ chỉ trích cách tiến hành chiến tranh sang chỉ trích mục đích của chiến tranh. Những gì đã được công khai – rằng một cuộc chiến thất bại có thể là mối đe dọa sống còn đối với niềm tự hào của người Nga, chứ không phải đối với nước Nga – sẽ không thể được thu hồi.
Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Putin và những người thân cận với ông ta có thể cố đổ lỗi rằng cuộc nổi loạn của Prigozhin là do nước ngoài gây ra. Nhưng ngay cả đối với một chế độ đã thành thạo nghệ thuật đổ lỗi cho phương Tây, điều này cũng là quá sức. Washington gần như không có đòn bẩy nào đối với chính trị trong nước của Nga. Chưa kể, vào năm 1991, khi Tổng thống George H. W. Bush tới Ukraine, trong bài phát biểu nổi tiếng của mình, ông đã khuyến nghị rằng cuộc cách mạng nên diễn ra chậm lại. Sự bất ổn bên trong nước Nga không phải là điều mà người Mỹ có thể bật-tắt dễ dàng. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng để mang lại hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Sau cuộc nổi loạn, sẽ xuất hiện sự phân tâm, đổ lỗi, và bất định, vì Putin không chỉ phải giải quyết công việc hậu cần để đưa mọi thứ trở lại bình thường, mà còn giải quyết cả sự sỉ nhục mà ông vừa phải gánh chịu, và đòn trả thù mà ông có thể sẽ theo đuổi. Không điều nào trong số này sẽ trôi qua nhanh chóng.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã phát động một cuộc phản công được chờ đợi từ lâu, nhưng nước này đã không có bước tiến quân sự lớn nào kể từ tháng 11/2022. Ở nhiều nơi, lính Nga đã củng cố lực lượng, và cuộc phản công cho đến nay vẫn diễn ra chậm chạp. Nhưng Ukraine đã sẵn sàng tấn công các vị trí của Nga ; họ có tinh thần cao, một loạt các quốc gia ủng hộ, và một lộ trình chiến lược rõ ràng. Nếu không có bất ổn chính trị, vị thế quân sự của Nga ở Ukraine về cơ bản đã bấp bênh. Với bất ổn chính trị, họ có thể sụp đổ.
Trải nghiệm cận kề cái chết của Putin là một nghịch lý đối với Mỹ và các đồng minh. Chế độ của Putin đại diện cho một vấn đề an ninh lớn của Châu Âu, và việc ông rời khỏi chính trường quốc tế, bất cứ khi nào điều đó xảy ra, cũng sẽ không gây tiếc nuối gì. Tuy nhiên, một nước Nga thời hậu Putin – điều mà chỉ một tuần trước đây tưởng như đã có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến – sẽ đòi hỏi sự thận trọng cao độ và lập kế hoạch cẩn thận.
Trong khi hy vọng điều tốt nhất, là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và một nước Nga bớt độc đoán hơn, thì cũng hợp lý khi chúng ta lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất : một nhà lãnh đạo Nga cực đoan hơn Putin, cánh hữu hơn và phản động hơn, một người với nhiều kinh nghiệm quân sự hơn Putin từng có, một người đã được định hình bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Tháng 2/2022, Putin đã chọn tội ác chiến tranh. Sẽ là công bằng nếu ông trở thành nạn nhân chính trị của cuộc chiến này, nhưng người kế nhiệm ông không thể không là "đứa trẻ lớn lên từ cuộc chiến này", và chiến tranh luôn sản sinh ra những đứa trẻ rắc rối.
Mỹ và các đồng minh sẽ phải tìm cách quản lý và giảm thiểu hậu quả của sự bất ổn ở Nga. Trong mọi kịch bản, phương Tây sẽ cần tìm kiếm sự minh bạch về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và khả năng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Nga, báo hiệu rằng họ không có ý định và mong muốn đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga. Đồng thời, phương Tây phải phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ, tập trung vào việc bảo vệ NATO và các đối tác. Bất ổn ở Nga khó có thể chỉ ở yên trong nước Nga. Nó có thể lan rộng khắp khu vực, từ Armenia đến Belarus.
Cuộc binh biến của Prigozhin đã truyền cảm hứng cho một loạt các phép so sánh lịch sử. Có lẽ đây là nước Nga năm 1905, cách mạng nhỏ trước cách mạng lớn. Hoặc có lẽ là nước Nga tháng 2/1917, gồng mình dưới sức ép chính trị vì chiến tranh, như chính Putin đã ám chỉ. Cũng có thể nó là Liên Xô năm 1991, theo đó biến Putin thành một phiên bản của Gorbachev, người đã đánh mất cả một đế chế.
Một phép so sánh chính xác hơn sẽ đặt Prigozhin vào vai Stenka Razin, kẻ nổi dậy chống lại quyền lực sa hoàng, người đã tập hợp một đội quân nông dân và cố gắng hành quân đến Moscow từ miền nam nước Nga vào năm 1670-1671. Razin cuối cùng đã bị bắt và bị phanh thây trên Quảng trường Đỏ. Nhưng ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong văn hóa dân gian chính trị Nga. Ông đã vạch trần sự yếu kém trong chính phủ sa hoàng vào thời của mình, và trong những thế kỷ tiếp theo, những người khác đã được truyền cảm hứng từ câu chuyện của ông. Đối với nhà độc tài ở Nga, đây rõ ràng là một bài học : ngay cả một cuộc nổi loạn bất thành cũng gieo mầm cho những nỗ lực tương tự trong tương lai.
Liana Fix & Michael Kimmage
Nguyên tác : "The Beginning of the End for Putin?," Foreign Affairs, 27/06/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/07/2023
Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao thuộc Chương trình Châu Âu, Nga, và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Ban Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên về Nga-Ukraine.
Một lượng lớn thân tín của Tổng thống Nga Putin qua đời trong 18 tháng qua
Một công tố viên trưởng của Nga đã được tìm thấy đã chết dưới sông nhưng được cho là "không bị đuối nước" trong cái chết bí ẩn mới nhất xung quanh những người bạn thân của Putin.
Trưởng công tố Nga được tìm thấy chết dưới sông nhưng ‘không chết đuối’ trong cái chết bí ẩn mới nhất của bạn thân Putin
Andrey Fomin đang bơi ở sông Volga, con sông dài nhất Châu Âu thì đột ngột qua đời vào cuối tuần.
Người đàn ông 57 tuổi này là công tố viên trưởng của Chuvashia, một khu vực cách Moscow khoảng 420 dặm về phía đông, và là một người ủng hộ nhiệt thành của bạo chúa Putin.
Theo kênh Telegram A Siren, Fomin được thông báo đã chết vào thứ Bảy, ngày 01/07.
Ông ta được cho là đang bơi cách bờ khoảng 500 ft nhưng không quay trở lại bờ sông.
Fomin được cho là đã ở trong khu vực bơi được chỉ định 2,4 dặm khi ông ta đang băng qua sông Volga trong một sự kiện Chebswim ở địa phương.
Người phát ngôn của văn phòng công tố Chuvashia nói với truyền thông Nga rằng một cuộc điều tra đang được tiến hành và "không có chi tiết" nào xung quanh cái chết của người đàn ông này được xác nhận.
Mặc dù, hãng tin 76RU sau đó đã tuyên bố rằng các báo cáo sơ bộ cho thấy ông ta chết vì ngừng tim.
Một nguồn tin cũng nói với REN TV rằng trong quá trình bơi, Fomin bị ốm và do đó "được kéo lên khỏi mặt nước ngay lập tức".
Nguồn tin cho biết thêm : "Các bác sĩ đã không thể cứu được ông ấy. Ông ấy qua đời do suy tim cấp tính".
Nhưng khi những tin đồn xoay quanh cái chết bí ẩn của Fomin, một nhóm chuyên gia khác cho rằng ông ta không chết đuối.
Theo kênh điện tín Baza, các nhà điều tra đã xác định nguyên nhân sơ bộ dẫn đến cái chết của Fomin và "hóa ra là không tìm thấy nước trong phổi của công tố viên".
Họ khẳng định thêm rằng ông ta không bị nghẹn và Fomin cũng có lượng đường trong máu rất thấp.
Các tình huống bí ẩn xảy ra khi hơn 30 người Nga nổi tiếng đã chết kể từ khi Putin xâm chiếm Ukraine.
Và các chuyên gia tin rằng cái chết của ít nhất 39 người – từ các nhà tài phiệt cho đến các nhà khoa học – có thể cho thấy bàn tay nhuốm máu và mờ ám của Điện Kremlin.
Nhiều người trong số những người đã chết trong những trường hợp kỳ lạ, chẳng hạn như "tự tử" đột ngột và rơi từ cửa sổ.
Nó đã khiến Jon Sweet, một sĩ quan tình báo Quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, mô tả Putin đang điều hành một "phiên bản FSB thời hiện đại của Murder Inc".
Sweet nói với The Sun Online : "Bất cứ ai bị coi là mối đe dọa tiềm ẩn dường như đều bị thu hút bởi một cửa sổ đang mở".
Số người chết dường như đã tăng lên với tốc độ đáng báo động trong 18 tháng qua.
The Sun Online tổng cộng có ít nhất 39 người chết kể từ tháng 1 năm 2022.
Fomin được cho là người ủng hộ Putin và cũng là một phần của "danh sách 6000" khét tiếng của Nga.
Tài liệu liệt kê những kẻ nhận hối lộ và những kẻ hiếu chiến và được tạo ra bởi Tổ chức Chống tham nhũng để công khai xác định "những kẻ tạo điều kiện cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin".
Công tố viên Chuvashia được coi là một trong những quan chức an ninh chủ chốt của Nga đã từ chối bảo vệ pháp quyền trong điều kiện quân đội Nga xâm lược Ukraine.
Cựu quan chức nhà nước sinh ra ở vùng Vladimir và bắt đầu thăng tiến với tư cách là một quan chức thực thi pháp luật cấp cao sau khi tốt nghiệp Đại học Bang Yaroslavl, PG Demidov.
Sau đó, ông ta nhận một công việc tại văn phòng Yaroslavl vào năm 1992, nơi ông ta trở thành phó công tố viên của khu vực.
Và từ năm 2014 đến 2020, ông được thăng chức phó công tố viên ở Crimea bị sáp nhập.
Cái chết này xảy rA sau cái chết bí ẩn của Sergey Grishin – nhà tài phiệt "Scarface" đã bán cho Meghan và Harry biệt thự ở California của họ.
Cùng tháng đó, nhà khoa học Nga Andrey Botikov – người tạo ra vắc-xin "Sputnik V" – bị thắt cổ bằng thắt lưng trong căn hộ của mình.
Vũ Quang (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 04/07/2023
Bất ngờ một cuộc binh biến
Nước Nga vừa trải qua một cơn biến động lịch sử mà diễn biến của nó nhanh chóng đến không ngờ, chỉ 36 tiếng đồng hồ khi đội quân đánh thuê Wagner do Prigozhin cầm đầu đã tiến hành một cuộc hành quân. Từ chiến trường Ukraine, nơi đội quân này có nhiệm vụ tấn công xâm lược, Prigozhin đã dẫn đoàn quân này cấp tốc trở ngược về Moscow để hỏi tội, để đòi trả thù Bộ quốc phòng Nga. Tiếng la hét của Prigozhin trên đường hành quân, thề sẽ trả thù cho những binh lính của mình mà theo Prigozhin là do Bộ quốc phòng Nga đã giết hại bằng cách bắn vào doanh trại của Wagner đã làm cả thế giới sửng sốt và chú ý.
Ảnh Vladimir Putin chụp ngày 24/06/2023. - Gavriil Grigorov / SPUTNIK / AFP
Truyền thông quốc tế nóng lên bất ngờ, khi đội quân Wagner đã ngay lập tức bị cơ quan An ninh Liên bang Nga mở cuộc điều tra, kêu gọi binh lính Wagner bất tuân lệnh và tìm cách bắt giữ Prigozhin đem nộp cho chính phủ. Đồng thời Putin, Tổng thống Nga đã lên truyền hình với những lời đe dọa khốc liệt rằng đó là sự phản bội, là bởi lợi ích cá nhân, là đâm vào lưng Tổ Quốc và "Đó là một nhát dao sau lưng đất nước và nhân dân chúng ta"… Đủ cả những lời lẽ kết án và tuyên bố sẽ trừng trị những kẻ phản trắc cũng như những người đi theo chúng.
Người ta ngạc nhiên, bởi dù biết rằng giữa Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga do Shoigu đứng đầu bấy lâu nay vốn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt là mấy. Nhưng chẳng ai ngờ rằng chỉ vậy mà Prigozhin cất quân trả thù cả Bộ quốc phòng Nga - một quân đội được tự mệnh danh là đứng đầu hoặc thứ 2 thế giới, quân đội của một "Cường quốc quân sự" thế giới xưa nay.
Càng chẳng ai ngờ là Prigozhin đã dẫn quân về thủ đô Nga, nơi mà Putin - ông bạn chí cốt, là thầy, là người đã đúc nên một Prigozhin từ một tù nhân, là anh chàng đầu bếp trở thành trùm tài phiệt Nga, thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê khét tiếng tàn bạo. Và nay anh chàng này đem đội quân gồm các tù nhân, các tội phạm khét tiếng trở về hỏi tội tay chân thân tín, tùy tùng của Putin.
Điều người ta ngạc nhiên hơn nữa, là trong quá trình hành quân về Thủ đô với quãng đường hơn 800 km trong một ngày, lực lượng Wagner đã đi như vào chốn không người. Không phải là quân đội Nga ưu ái người nhà mà không tấn công, ngược lại trong cuộc hành quân này, lính Wagner đã kịp bắn rụng 6 trực thăng và một máy bay chiến đấu kéo theo hơn vài chục mạng phi công và binh lính Nga. Thế nhưng, cuộc hành quân 800 km đó, quân Prigozhin đã không hề tốn mất một giọt máu – theo lời tuyên bố của Prigozhin – nghĩa là quân đội Nga, đội quân "mạnh nhất thế giới" đã thúc thủ trước đám hỗn quân hỗn quan này. Điều này được chứng minh bằng thực tế, rằng đội quân Wagner này đã dễ dàng chiếm các cơ sở quân sự trọng yếu của Nga tại Rostov – nơi đóng đại bản doanh bộ chỉ huy của lực lượng quốc phòng Nga chỉ đạo cuộc chiến tại Ukraine - và Voronezh mà không hề gặp bất cứ khó khăn hoặc tốn một viên đạn.
Điều đó, làm cho cả thế giới ngỡ ngàng về khả năng của quân đội Nga. Bởi ai cũng biết rằng Rostov, Voronezh là những thành phố nằm gần biên giới Ukraine, nơi mà trận chiến khốc liệt đã kéo dài đến gần năm rưỡi qua với những trận tấn công không khoan nhượng, nhất là giai đoạn hiện nay, khi mà Ukraine đang hứa hẹn những trận phản công quyết liệt giành lại lãnh thổ.
Vậy thì có ngạc nhiên không, khi mà đội quân Wagner phản chủ đã vào đây như chỗ không người, chiếm cac cơ sở quân sự trọng yếu dễ như trở bàn tay.
Cũng những giờ phút đó, mạng truyền thông thế giới đỏ rực và nóng bỏng với những thông tin về chuyến hành quân của đội quân này thì ít, mà người ta chú ý đến sự hoảng loạn của nước Nga từ cơ quan đầu não trung ương cho đến người dân Nga.
Thông tin, hình ảnh liên tục được đưa ra, rằng Moscow và một số thành phố của Nga đã ra lệnh chống khủng bố, trên những con đường từ phía Nam đến Moscow những biện pháp vội vàng được triển khai nhưng các đoàn xe tải làm chướng ngại vật, đào đường, cắt phà, quân cảnh với trang bị áo giáp và súng ống được triển khai, xe còi hụ chạy liên tục… Thống đốc yêu cầu hủy bỏ mọi cuộc tụ tập đông người nơi công cộng, thi cử dừng lại, công dân được yêu cầu ở nhà không ra đường…
Có thể thấy sự hối hả, sự lúng túng và hoảng loạn của nước Nga lúc đó là tình cảnh của một trận chiến đang trước ngõ.
Và những chuyến bay từ Moscow đến các địa phương xa xôi khác đã "cháy vé". Dòng người hối hả chạy khỏi thủ đô ngày càng đông tỷ lệ với quãng đường mà đội quân Wagner đã đi được khi tiến về thủ đô.
Trước tình hình đó, Putin sau khi lên truyền hình đe dọa Prigozhin, thì động tác tiếp theo được tin tức loan đi, là Putin đã lên máy bay chuồn khỏi Moscow lúc 1g26’ chiều hôm đó đến một nơi bí mật và chiếc máy bay đã tắt tín hiệu để xóa dấu vết.
Có lẽ đó là đỉnh điểm của sự hốt hoảng của chính quyền Nga, đó cũng là lúc mà bản lĩnh của Putin được thể hiện ở mức rõ nhất.
Có thể nói cuộc binh biến của Prigozhin chỉ có vỏn vẹn 36 giờ trước khi kết thúc, do có thỏa thuận của Prigozhin với Tổng thống Lukashenko của Belarus. Hai bên đã thỏa thuận một số điều khoản và Prigozhin đã chấp nhận "quay xe" mặc cho những lời hô hào thề trả thù cho binh lính bị Bộ quốc phòng Nga sát hại vẫn còn vang vọng đâu đó trên không trung, mặc cho những lời thề bồi vì tình yêu Tổ Quốc, vì nhân dân vẫn tiếp tục văng ra trên môi miệng của tên sát nhân máu lạnh Prigozhin, khi mà lợi ích cá nhân của hắn được hứa hẹn. Nhưng dư âm cuộc binh biến đó, hẳn sẽ còn rất lâu, người Nga và cả thế giới khó có thể quên được.
Không chỉ ở khả năng quân sự của đội quân mạnh nhất thế giới, của một cường quốc quân sự thường được hệ thống tuyên truyền ca tụng về khả năng vô địch với những vũ khí, con người mà sức mạnh không ai ngăn cản nổi họ chiến thắng.
Không chỉ ở sự rạn nứt, lục đục trong nước Nga mà qua vụ việc này càng phơi bày ra trước thế giới. Như Putin đã thú nhận rằng tất cả đều do lợi ích cá nhân mà ra.
Mà ở đó, người ta chứng kiến một Putin không như Putin đã được nghe, được đọc, được người dân Nga tin tưởng như thần thánh, biến thành thần tượng. Thậm chí ngay cả khi đã hơn một năm Putin xua quân xâm lược Ukraine, gây muôn vàn khổ đau không chỉ cho người dân Ukraine với ý đồ ngông cuồng của mình, mà Putin còn đẩy nước Nga đi ngược trở lại lịch sử khi Nga đối mặt với hàng chục lệnh trừng phạt quốc tế, hàng trăm ngàn lính nga thương vong, bỏ mạng vô nghĩa trên đất nước Ukraine… thì đám cuồng dân của Putin vẫn còn đông đúc không ít.
Từng nghe về một Putin
Có lẽ, sau Lenin, Stalin thì hình ảnh từ nước Nga về lãnh tụ tối cao được đưa lên, được thêu dệt thành huyền thoại phải kể đến Putin.
Người ta thấy một Putin cường tráng cởi trần khoe cơ bắp cưỡi ngựa, cưỡi mô tô, thậm chí là hình ghép cưỡi gấu, tắm băng… được đưa lên mạng như những người hùng với cơ bắp cuồn cuộn, hừng hực sức đàn ông đã làm mê mẩn biết bao phụ nữ không chỉ ở Nga.
Người ta thấy một Putin cưỡi ngựa với các nữ cảnh sát xinh đẹp và hàng loạt những hình ảnh, bài viết ca ngợi cá nhân Putin như một lãnh tụ thiên tài, được sùng kính và tôn trọng như một thần thánh của nước Nga. Những cuộc thăm dò từ trước và sau cuộc chiến xâm lược Ukraine số người ủng hộ Putin vẫn không suy giảm nhiều. Điều đó đã cho thấy rằng não trạng người dân Nga chẳng mở mang ra được là mấy. Hầu như họ đã không mấy nhận thức được hậu quả của thói tôn sùng cá nhân, là biểu hiện của sự thiếu trưởng thành, thiếu tự tin và kém tiến bộ của một dân tộc.
Họ đã không hiểu được một điều, với những người cộng sản kể cả quá khứ và hiện tại, miệng leo lẻo chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng bản thân họ là những kẻ tôn sùng cá nhân bậc nhất, họ tôn sùng ngay cả chính bản thân họ. Điều này không khó chứng minh, cứ nhìn các tấm gương cộng sản từ Stalin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông cho đến Nguyễn Phú Trọng, Kim Jong-un ngày nay thì sẽ rõ.
Và Putin cũng không là ngoại lệ ở nước Nga, nơi có mô hình của một nền dân chủ què quặt và tội nghiệp. Việc ca ngợi cá nhân Putin, đôn lên thành anh hùng, thánh thánh là chuyện không có gì lạ.
Nếu như báo chí Việt Nam ca ngợi Hồ Chí Minh biết đến 29 ngoại ngữ, là "danh nhân văn hóa thế giới", thì ở Nga, Putin được coi là mẫu mực của nhiều thời đại của người Nga khi am hiểu không chỉ là việc trị quốc mà mọi môn thể thao đều thông thạo, chẳng khác mấy ở Bắc Hàn có Kim Jong-un mới 3 tuổi đã biết lái xe và 9 tuổi biết đua du thuyền giành chiến thắng… Nếu như ngày xưa, ở Việt Nam có "Hồ Chí Minh người Việt Nam đẹp nhất" thì ngày nay, ở Nga có Putin được đánh giá là "người đàn ông quyến rũ nhất nước Nga" và 18% nam giới và 17% nữ giới tham gia khảo sát cho rằng Tổng thống Vladimir Putin là người đẹp trai nhất" (sic).
Người ta thấy báo chí Nga và sau đó là báo chí các nước cộng sản hoặc độc tài khác là đàn em của Nga, đua nhau đưa những hình ảnh, những video, bài viết về cá nhân Putin như những hiện tượng độc đáo và hiếm hoi. Những bài báo về cái gọi là thiên tài Putin, về những tính chất cao đẹp với đủ loại mỹ từ dành cho Putin trên báo chí Việt Nam đã cho người ta thấy Putin đã công phu gây dựng hình ảnh cá nhân như thế nào.
Thậm chí, không chỉ có những người dân Nga vốn mang tư duy bị trị và chỉ biết tôn sùng thành máu thịt, thành phản xạ có điều kiện, mà ngay cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chỉ hai ngày trước khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, ngày 22/2/2022, sau khi Putin giở trò "Công nhận độc lập hai nước Cộng hòa Donesk và Luhansk", ông Trump nói : "Hôm qua tôi đã xem thông tin trên truyền hình và tôi nói rằng : ‘Đây là một thiên tài’. Tổng thống Putin tuyên bố một phần lớn lãnh thổ Ukraine, của Ukraine là độc lập. Điều đó thật tuyệt vời".
Với một hệ thống tuyên truyền đến mức đó, thì chẳng ai trách gì nhiều những người như Lê Văn Cương, Thiếu tướng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an đã từng hùng hổ rằng : "Zelenky là một thằng oắt con. Một thằng hề mới 43 tuổi làm sao so sánh được với Cụ Putin, một sĩ quan KGB đã 70 tuổi".
Đâu rồi Putin ?
Khi cuộc chiến xâm lược Ukraine nổ ra, Putin tự tin rằng sẽ "phi quân sự hóa Ukraine, diệt tân phát xít và buộc Ukraine không được gia nhập NATO"… và người ta thấy một Putin ngạo nghễ và tự tin khi xua 200.000 quân sang Ukraine kèm theo đội hình quân nhạc, lễ tiết để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh mừng chiến thắng trên đường phố Kyiv một tuần sau đó.
Thế nhưng, thay cho cuộc chiến 3 ngày, đến nay, cuộc chiến đã 500 ngày trôi qua, Putin ngày càng lún sâu vào vũng bùn mà chính anh ta tự đào chôn chân mình vào đó. Đội quân 200.000 lính Nga ban đầu đã tiêu hết, Putin đã phải động viên thêm hơn 318.000 quân lính mới, không những thế, Putin còn cho thằng bạn Prigozhin tuyển mộ hàng chục ngàn tù nhân, những tội phạm dù cướp của, giết người… đều được tuyển để đưa đến Ukraine mà vẫn không đủ.
Thay vì hình ảnh một anh hùng, lãnh tụ một cường quốc số 2 thế giới, giờ đây, Putin là một tội nhân bị truy nã quốc tế và bất cứ lúc nào cũng có thể bị lôi ra trước Tòa án hình sự quốc tế.
Người ta cũng thấy những hình ảnh hàng ngày, cái "thằng hề" Zelensky lăn lội ra tận chiến trường để khen thưởng và động viên tướng sĩ, thì ngược lại Putin ngồi đầu một chiếc bàn dài mấy chục thước để đằng kia đống quan chức lố nhố ngồi lóp ngóp cuối chân tường.
Và hài hước thay, cái "thằng hề Zelensky 43 tuổi, không biết chi lẽ đời" (Lê Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an Việt Nam) khi nguy ngập tứ bề, tính mạng không chỉ cá nhân mà cả đất nước như ngàn cân treo trên sợi tóc, được các quốc gia khuyên nhủ ra đi, đã khảng khái trả lời : "Tôi cần súng đạn để chiến đấu, chứ không cần một chuyến xe đi nhờ". Và cái "thằng hề" ấy, đã kiên cường bám trụ lãnh đạo nhân dân Ukraine chống quân xâm lược, đẩy Nga vào tình trạng sống dở, chết dở hôm nay.
Ngược lại, người anh hùng của nước Nga, người đẹp trai nhất, quyến rũ nhất, tài ba nhất nước Nga là "Cụ Putin, cựu KGB 70 tuổi" chỉ mới nghe tin thằng bạn thân đem quân về Thủ đô, đã ba chân bốn cẳng chạy trốn mất dép.
Người ta nghe "thằng hề" Zelensky trả lời rằng : "Nếu kẻ thù tới, chúng chỉ thấy mặt chúng tôi mà không thể thấy lưng của chúng tôi" để khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng. Thì ngược lại, sau màn lên truyền hình dọa dẫm to mồm đòi trừng trị Prigozhin, thì là một cuộc "lặn không sủi tăm" của người hùng nước Nga Putin, và sau đó là màn "không truy tố Prigozhin" và đám Wagner như đã mạnh mồm đe dọa.
Và đến đó, Putin đã hiện nguyên hình.
Và liệu Putin có vẫn là thần tượng của người Nga ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Cuộc chiến càng kéo dài thì quân Nga ở Ukraine càng kiệt quệ.
Bà Avril Haines, giám đốc Tình Báo Quốc Gia Mỹ (ODNI) điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ nói rằng "Nếu Nga không động viên, bắt lính lần nữa, và không được tiếp tế thêm vũ khí, từ Iran và các nước khác, thì sẽ không thể nào chống lại" quân Ukraine.
Chiến sự Ukraine : Chuyên gia về Nga cảnh báo chiến sự Ukraine càng kéo dài, "Putin suy yếu, không trụ được lâu"
Vladimir Putin đang chuẩn bị mừng Lễ Chiến Thắng vào ngày 9 tháng Năm, kỷ niệm Nga đánh bại Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ Hai. Như thường lệ, đây là dịp quân đội Nga đưa các vũ khí tối tân ra biểu diễn. Nếu trong bài diễn văn tại Công trường Đỏ, Vladimir Putin tuyên bố Nga đã chiến thắng ở Ukraine, sẽ bắt đầu rút quân về nước, thì chắc cả thế giới sẽ hoan nghênh !
Nhưng điều đó khó xảy ra. Chỉ có thể đoán rằng quân đội Nga còn tiếp tục sa lầy ở Ukraine ; có thể một, hai năm là cùng, vì sức không thể kéo dài hơn.
Ngày 5/5, Yevgeny Prigozhin, chủ nhân đạo quân Wagner đang tấn công Bakhmut, cũng nói muốn chiếm được thành phố này trước ngày 9/5/2023. Thứ trưởng quốc phòng Ukraine, Hanna Malyar cũng đoán quân Nga nuôi tham vọng này. Nhưng Prigozhin, nhà tư bản Nga thân cận với Putin, lại dọa sẽ rút khỏi mặt trận Bakhmut ngày 10/5. Ông than phiền rằng bộ quốc phòng Nga đã ngưng tiếp tế vũ khí, đạn dược cho nhóm Wagner từ ngày 1/5, theo tạp chí Newsweek.
Thêm một lần nữa, Prigozhin kết tội bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tướng tham mưu trưởng Valery Gerasimov : Cả hai âm mưu ngăn cản nhóm Wagner vì ganh ghét đám lính đánh thuê này giỏi hơn quân đội chính quy. Tháng Hai vừa qua, Prigozhin chụp hình đứng bên những xác chết của lính mình, nói rằng họ chết vì bị phản bội. "Shoigu ! Gerasimov ! Súng đạn đâu ? Lính của tôi tình nguyện chiến đấu… hàng chục ngàn đã chết hoặc bị thương,… chỉ để mấy người mập phì ngồi sau những bàn giấy bằng gỗ gụ !". Tuần trước, ông báo động lính Wagner ở Bakhmut đang dùng đến những viên đạn cuối cùng. Chắc lần này Gerasimov sẽ phải nhượng bộ, vì Nga không đủ quân số để thay thế khoảng 10 ngàn lính Wagner.
Yevgeny Prigozhin chọn ngày 10 sẽ rút quân vì cũng tiên đoán quân đội Ukraine sẽ mở cuộc tổng phản công mùa Xuân vào ngày 15/5. Đó là lúc các trận mưa mùa Xuân giảm dần, đường xá lưu thông dễ dàng ; những đại pháo, hỏa tiễn, xe tăng và thiết vận xa do khối NATO viện trợ Ukraine được đưa tới mặt trận đúng lúc.
Cuộc chiến càng kéo dài thì quân Nga ở Ukraine càng kiệt quệ. Tuần này, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Mỹ nêu tin tình báo tiết lộ rằng, kể từ tháng 12 năm ngoái, 20.000 quân Nga đã tử trận và 80.000 bị thương ở Ukraine. Một nửa số người chết là lính thuộc đạo quân Wagner. Kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, tháng Hai năm 2022, Nga đã thiệt hại mất 200.000 binh sĩ.
Bà Avril Haines, giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ nói rằng "Nếu Nga không động viên, bắt lính lần nữa, và không được tiếp tế thêm vũ khí, từ Iran và các nước khác, thì sẽ không thể nào chống lại" quân Ukraine. Bà Haines đoán rằng, "Chắc Putin sẽ lo củng cố những vùng đất đang chiếm đóng ở phía Đông nước Ukraine" với mục đích bảo đảm Ukraine "không bao giờ trở thành một đồng minh của khối NATO". Ông ta có thể "tuyên bố chiến thắng" một phần nào, ở các vùng đã chiếm được.
Tướng Scott Berrier, đứng đầu Tình báo bộ Quốc phòng Mỹ (DIA) cũng nhận xét rằng quân đội Nga đang thiếu lính thiện chiến, "họ đang sử dụng những binh sĩ trừ bị và vũ khí cũ từ thời Xô Viết". Và, muốn tái lập lực lượng, phải mất 5 đến 10 năm, vì đang bị cấm vận.
Trong số những tài liệu mật của chính phủ Mỹ mới bị tiết lộ bởi Jack Teixeira, một người lính thuộc Vệ binh Quốc gia tại Massachusetts sắp bị đưa ra tòa, có một báo cáo của CIA, cơ quân tình báo trung ương. Báo cáo này cho biết họ "được tin" Putin đã chấp thuận một quyết định của Bộ Quốc phòng Nga "tuyển mộ thêm 400.000 binh sĩ "một cách thầm lặng".
Công tác tuyển mộ này không dễ dàng, vì hàng trăm ngàn thanh niên trong tuổi động viên đã vượt biên trốn lính. Dân số Nga cũng trên đà giảm bớt. Thống kê chính thức của chính phủ Nga cho thấy tỷ lệ số công nhân trẻ tuổi đang xuống mức thấp nhất trong lực lượng lao động, kể từ thập niên 1990. Các xí nghiệp gặp khó khăn khi tuyển người làm việc.
Tất nhiên, lực lượng quốc phòng của Nga vẫn rất mạnh. Tướng Chris Cavoli, thuộc bộ hành quân NATO và chỉ huy quân đội Mỹ ở Châu Âu điều trần với Thượng viện Mỹ cũng nói rằng quân lực Nga không tham dự cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn nguyên vẹn, từ hải quân, không quân đến kho vũ khí nguyên tử.
Cavoli nói, "Nga mất 80 phi cơ chiến đấu ở Ukraine nhưng vẫn còn 1.000 phi cơ chiến thuật khác. Những chiến đấu cơ tầm xa chưa hề đem dùng. Chỉ vài chiến hạm bị đánh chìm. Vũ khí hạch tâm, không gian, chiến tranh tin học, chưa hề đụng tới".
Vladimir Putin còn một lợi thế khác là vẫn tiếp tục làm chủ dư luận dân trong nước. Một cuộc nghiên cứu của công ty nghiên cứu dư luận độc lập Levada Center của Nga cho biết dân Nga chỉ nghe và coi các đài của chính phủ, cho nên 87% vẫn ủng hộ cuộc "hành quân đặc biệt" của Putin ỏ Ukraine !
Nhưng tất cả những lực lượng quân sự và vũ khí được sử dụng như thế nào cũng tùy thuộc vào nền kinh tế. Tuần báoU.S. News & World Report cho biết tình báo Mỹ ước tính chính phủ Nga chỉ đủ sức tiếp tục cuộc chiến thêm một năm nữa. Đó là một trong số các chi tiết bị Teixeira đem ra khoe với bạn bè trong mạng Discord. Bản ước tính viết : "Moscow chỉ dựa vào việc tăng thuế các xí nghiệp, sử dụng quỹ dự trữ quốc gia, tăng số hàng nhập cảng và hy vọng giới kinh doanh sẽ thích ứng để giảm bớt các áp lực kinh tế".
Theo thống kê của chính phủ Nga thì nền kinh tế vẫn vững chắc mặc dù bị cấm vận, không suy sụp như Mỹ và các nước Tây phương mong muốn. Nhưng rất khó tin vào số thống kê của các chế độ độc tài !
Thí dụ, trong thời chiến tranh lạnh, Liên Xô vẫn quảng cáo nền kinh tế "phát triển vĩ đại". Nhưng vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã chụp hình các thành phố ở Nga vào ban đêm, coi số đèn thắp sáng nhiều hay ít. Nếu kinh tế lên mạnh thì phải thấy rất nhiều ánh đèn ; hơn nữa ánh sáng sẽ phải tăng thêm năm này qua tháng khác vì nhiều nhà cửa, cơ xưởng mới, các cột đèn đường mới được dựng lên. Thống kê có thể nói dối, nhưng hình chụp các ánh đèn cho biết sự thật.
Nhật báoThe Wall Street Journal mới viết về một phương pháp thẩm lượng kinh tế phát triển ở Nga cao hay thấp, bằng cách đo mức độ ô nhiễm. Vì các nhà máy hoạt động đều sinh ô nhiễm ; nếu công nghiệp ở Nga tăng hoạt động, như chính phủ loan báo, thì số khí thải gây ô nhiễm phải tăng lên, ai cũng biết như vậy.
Các vệ tinh nhân tạo Sentinel-5P của ESA (European Space Agency) từ năm 2017 đã cung cấp số đo về độ ô nhiễm trên trái đất. Vệ tinh dùng một khí cụ tên là Tropomi, nhận ra các khí như dioxide, ozone, formaldehyde, methane, vân vân, từ các nhà máy thải ra.
Dựa trên các số liệu của ESA, công ty QuantCube Technology ở Paris phổ biến các tin tức cho giới đầu tư quốc tế. Đặc biệt, QuantCube theo dõi số lượng nitrogen dioxide trên bầu trời nước Nga do các nhà máy thải ra khi đốt than đá hoặc các dầu xăng và diesel.
Trong sáu tháng vừa qua, mức ô nhiễm ở các thành phố Moscow và St. Petersburg tăng lên, chắc vì xe cộ chạy nhiều hơn. Nhưng mức ô nhiễm trên các vùng công nghiệp lại giảm 6,2% so với năm ngoái ; giảm nặng hơn cả thời gian ngưng hoạt động vì bịnh Covid. Riêng từ tháng 11/2022 đến cuối tháng Tư năm nay, mức ô nhiễm giảm 1,2% ; trong khi các số thống kê nói rằng sản xuất công nghiệp tăng 1,2% vào tháng 3 so với năm ngoái.
Riêng vùng các nhà máy luyện kim thì ô nhiễm tăng lên trong sáu tháng qua. Còn các khí thải do dầu lửa và khí đốt gây ra lại giảm, chứng tỏ sự kiện các nước Châu Âu cấm vận không mua dầu, khí của Nga đã có hiệu quả. Kết luận : Kinh tế Nga đang gặp khó khăn vì bị cấm vận sau khi đánh Ukraine.
Tuy dân Nga vẫn còn tin tưởng ở ông Vladimir Putin và chỉ coi các đài ti vi của chính phủ, nhưng họ cũng tỏ ra quan tâm đến tình hình chiến sự. BáoU.S. News & World Report cho biết 84% dân chúng chú ý đến chiến cuộc, trong đó 46% nói rằng họ rất quan ngại, theo công ty Levada Center. Có 62% lo lắng về cuộc tổng phản công sắp tới của Ukraine, và 52% nghĩ rằng tình hình sẽ ngày càng xấu hơn.
Vladimir Putin có thể tiếp tục đánh Ukraine trong một năm nữa, cho đến khi dân Nga biết rõ sự thật, họ sẽ phải đứng lên phản đối !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 08/05/2023
Nghịch lý trong chiến tranh Ukraine
Báo chí Pháp hôm 21/04/2023 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận nói về những nghịch lý trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Người nhận giải thưởng văn học của Viện Hàn Lâm Pháp với tác phẩm Pháp sư điện Kremlin (Le Mage du Kremlin), Giuliano da Empoli nhấn mạnh rằng tổng thống Putin mặc dù bị phương Tây ruồng bỏ, thì đổi lại, chủ nhân điện Kremlin lại có một hình ảnh tích cực ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiệc tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 21/03/2023 via Reuters - Sputnik
Cuộc chiến tranh ở Ukraine không chỉ diễn ra trên thực địa. Cuộc chiến còn diễn ra trong tâm trí của đại đa số cư dân địa cầu. Khi chiến tranh diễn ra ở sát sườn, các nước Châu Âu cảm thấy bị đe dọa và không ngừng lên án hành động của Moskva. Trong khi đó, các quốc gia Châu Phi và Nam Mỹ lại thể hiện lập trường "bàng quan" về cuộc chiến. Tuy nhiên, nhật báo thiên tả nhấn mạnh đến những nghịch lý của cuộc chiến. Một mặt, quyết tâm phi thường của quân đội Ukraine đã cho phép họ khai thác và sử dụng những viện trợ của phương Tây để đối đầu với một quân đội Nga vô tổ chức, tinh thần suy yếu nhiều hơn dự kiến. Mặt khác, những nỗ lực của Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế và biến Putin thành một nhân vật bị quốc tế ruồng bỏ đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí điều này còn phản tác dụng.
Thời sự mấy tuần qua đã minh họa cho những nghịch lý này một cách cực kỳ rõ ràng. Một mặt, tin tức mặt trận đề cập đến một cuộc phản công ngày càng rõ rệt của Ukraine và kết quả trên chiến trường có thể sẽ rất khác so với những gì được dự báo cách đây một năm. Mặt khác, bất chấp việc Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye truy tố Vladimir Putin về tội ác chiến tranh, lãnh đạo một số quốc gia hùng mạnh và đông dân nhất thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ của Putin, hoặc ít nhất là không có cùng chung quan điểm với phương Tây, những nước "chán ngấy" việc bị phương Tây lên lớp và giảng giải đạo đức. Tóm lại, nghịch lý tột cùng của cuộc chiến là thất bại quân sự của Nga và chiến thắng chính trị của Vladimir Putin.
Mayotte đối mặt với nạn nhập cư trái phép
Về tình hình nhập cư, tờ Le Figaro dành trang nhất chú ý đến những cư dân không có giấy tờ tại lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp. Trong các con hẻm của quận Majicavo Talus 2, ngoại ô Mamoudzou, 135 ngôi nhà bằng kim loại, sắp bị phá hủy, được đánh số thứ tự. Ở Mayotte, chiến dịch Wuambushu kéo dài 2 tháng kể từ ngày 24/04 đang ở khâu chuẩn bị cuối cùng. Mục đích của chiến dịch này nhằm phá hủy gần một ngàn ngôi nhà kim loại đang là nơi trú ẩn của khoảng 5.000 người, trục xuất ít nhất 10.000 người di cư không có giấy tờ hợp lệ sang các hòn đảo lân cận và bắt giữ những kẻ phạm tội mang tính bạo lực.
Anrafa Bacar đã lớn lên tại khu dân cư này. Người phụ nữ 23 tuổi mang quốc tịch Pháp nuôi 4 người con ở đó, từ 8 tháng tuổi đến 6 tuổi, và chăm sóc cha mẹ, cả hai đều bị khuyết tật. Nhưng bố mẹ cô không có giấy tờ hợp lệ. Anrafa lo lắng cho biết : "Họ sẽ đến phá hủy ngôi nhà của chúng tôi và tôi không biết sau đó điều gì sẽ xảy ra. Nếu bố mẹ và em gái tôi bị trục xuất tới Comoros, tôi sẽ không thể ở lại đây một mình". Hàng xóm của Anrafa là Rajanti Anli, cũng đang trong quá trình chờ đợi. Rajanti một mình nuôi 4 đứa con đều mắc chứng rối loạn tâm thần, cũng không có giấy phép cư trú, mặc dù cả đời cô sống ở Mayotte. Việc bị trục xuất sang Comoros khiến cô cảm thấy vô cùng bất an. Một số cư dân không đợi máy ủi đến, đã tự thu dọn đồ đạc đi lánh nạn ở nhà gia đình hoặc bạn bè.
Để trục xuất những người di cư không có giấy tờ, Pháp huy động thêm 500 cảnh sát và hiến binh.
Theo thống kê chính thức, trong số 300.000 cư dân của Mayotte, có tới gần một nửa không có giấy tờ hợp lệ. Tổng cộng, 1/3 dân số sống trong những điều kiện rất tệ hại, đôi khi không có nước hoặc điện. Theo viện thống kê, lãnh thổ hải ngoại này có tỷ lệ tội phạm cao gấp ba lần so với chính quốc Pháp, và có tỷ lệ nghèo đói lên đến 70%. Đối với một bộ phận dân chúng cũng như các dân biểu, những người không có giấy tờ là bộ phận chính gây ra bạo lực trên lãnh thổ. Mansour Kamardine, dân biểu đảng Những Người Cộng Hòa tại Mayotte nhận định : "Dọn dẹp những khu vực này sẽ thúc đẩy việc củng cố an ninh". Madi Madi Souf, chủ tịch Hiệp hội các thị trưởng Mayotte cho biết : "Những kẻ đến từ những khu ổ chuột đi khủng bố tinh thần người dân. Họ không chỉ chiếm đất bất hợp pháp mà còn tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Họ sống ở những những khu vực nguy hiểm, đôi khi có nguy cơ sạt lở đất. Do đó, cần phải khẩn trương cải thiện tình hình và giảm bớt tình trạng mất an ninh".
Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu nhận định rằng chiến dịch Wuambushu sẽ khó có thể thành công trọn vẹn, bởi trong những ngôi nhà này cũng có rất nhiều người mang quốc tịch Pháp sinh sống. Daniel Gros, đại diện của Liên đoàn Nhân quyền (LDH) cho biết : "Nếu nhà nước cho rằng chỉ có những người nhập cư bất hợp pháp ở trong những ngôi nhà này, thì họ thực sự không biết mình đang làm gì". Chưa kể đến việc theo luật pháp, không phải tất cả những di dân không có giấy tờ đều có thể bị trục xuất. Pauline Le Liard, thuộc hiệp hội Cimade, chuyên giúp đỡ người nước ngoài không có giấy tờ, nhấn mạnh : "Trẻ vị thành niên bị bắt mà không có người đại diện hợp pháp, những người đã kết hôn với một công dân Pháp trong vòng ít nhất 3 năm, những người tới Pháp trước 13 tuổi hoặc thậm chí những người bị ốm nặng không thể bị trục xuất khỏi Mayotte".
Sudan chìm trong khủng hoảng
Nhìn sang Châu Phi, nhật báo Le Monde dành bài xã luận nói về cuộc chiến sinh tử giữa hai vị tướng chia sẻ quyền lực ở Sudan kể từ cuộc đảo chính chung của họ vào năm 2021 đang là một ác mộng đối với 5 triệu cư dân của thành phố Khartoum. Hứng chịu những vụ đánh bom, bắn phá, điện và nước bị cắt, thủ đô của Sudan, một trong những nước nghèo nhất thế giới, đang là tâm điểm của cuộc giao tranh khiến hơn 270 người chết và hơn 1.800 người bị thương trong 5 ngày qua.
Quân đội chính quy, do tướng Abdel Fattah Abdelrahman Al-Bourhane lãnh đạo, đối đầu với lực lượng bán quân sự của Lực lượng Phản ứng nhanh của tướng Mohammed Hamdan Daglo, được gọi là Hemetti, nhân vật số hai của chính quyền chuyển tiếp. Xung đột, gây ra bởi việc quân đội do tướng Daglo lãnh đạo từ chối hợp nhất với quân đội chính quy. Điều này đã phá hỏng hy vọng thành lập một chế độ dân sự, 4 năm sau cuộc nổi dậy của quần chúng chấm dứt triều đại của nhà độc tài Hồi giáo Omar Al-Bashir.
Cuộc xung đột này thực sự có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến, ở một đất nước mà lực lượng vũ trang là công cụ làm giàu để phục vụ cho các cá nhân và bộ tộc và là nơi cuộc chiến ở khu vực Darfur nằm phía Tây đất nước chưa bao giờ kết thúc, sau khi đã gây ra cái chết của 300.000 người trong vòng 20 năm. Trong khi tướng Al-Bourhane xuất thân từ giai cấp cai trị truyền thống của Sudan và được nguyên soái Al-Sissi của Ai Cập hậu thuẫn, thì đối thủ của ông, Hemetti, lại xuất thân từ các bộ lạc Darfur, những bộ tộc ít được đại diện trong chính quyền trung ương. Điều này không ngăn cản tướng Hemetti thực hiện các chiến dịch đàn áp và thanh trừng sắc tộc ở Darfur vào những năm 2000. Hemetti được Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Saudi Arabia hỗ trợ và duy trì quan hệ với Yevgeny Prigozhin, ông chủ nhóm lính đánh thuê Nga Wagner, nhóm kiểm soát mỏ vàng ở Sudan.
Trong khi Liên Hiệp Châu Phi đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ "leo thang thành một cuộc chiến tranh thực sự", thì Le Monde nhận định rằng điều này minh họa cho sự bất lực của các nền dân chủ trong việc hòa giải các quốc gia được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự, thông qua việc xóa bỏ các khoản nợ, đi kèm với hỗ trợ tài chính.
Dường như không ai quan tâm đến việc chứng kiến Sudan tiếp tục sa vào địa ngục khi người dân ở Khartoum đang phải vật lộn trong một tình thế gần như thảm họa nhân đạo, "bị bắt làm con tin" trong cuộc chiến giữa hai viên tướng đầy tham vọng với những bất đồng không thể hòa giải.
Trí tuệ nhân tạo, lợi hay hại ?
Trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh cũng là chủ đề chiếm trang nhất Libération. Điều gì sẽ xảy ra nếu mai sau, sách báo được viết bằng trí thông minh nhân tạo ? Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu những bài báo của Libération cũng được viết bằng trí tuệ nhân tạo ? Đó là những lo ngại về sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT. Kể từ khi ứng dụng được công bố vào tháng 11/2022, mọi người chỉ nói về nó. ChatGPT có thể tự hào về những thành tích của mình : trong 6 tháng, ứng dụng đã thành công trong việc trở thành luật sư tại một tòa án ở Mỹ, trúng xổ số, phỏng vấn một bộ trưởng, tạo ra một công ty khởi nghiệp thành công.
Tờ báo nhận định rằng đây có thể là một điều đáng xấu hổ đối với thế hệ đi trước, khi trí tuệ nhân tạo làm mọi công việc của con người. Nhưng các thế hệ tương lai chắc chắn sẽ có một góc nhìn khác. Có lẽ họ sẽ muốn thoát khỏi công việc biên tập thuần túy mà chỉ tập trung vào nội dung. Có lẽ họ sẽ tự hỏi làm thế nào vẫn làm mọi việc mà không cần phải động não. Giống như các nhà toán học ngày nay, không những không cảm thấy bị máy tính cướp mất công việc, mà thậm chí còn không thể làm gì nếu không có nó.
Con người sau này có thể sẽ viết mọi thứ bằng ChatGPT thay vì viết bằng bút.
Phan Minh
Chúng ta, có lẽ, đều ưa thích tháng Ba. Chớ ai mà không thích mùa Xuân cùng với những hội hè, đình đám, và lễ tết : Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè… Riêng với ngư dân thì đây còn là thời điểm tốt đẹp và an bình nhất trong năm : Tháng Ba bà già đi biển.
Putin (tiếc thay) không có cái diễm phúc sinh ra là người Việt nên tháng Ba vừa qua thằng chả không được ăn chơi, cờ bạc, hay rượu chè gì ráo trọi – ngoài những ly rượu đắng và toàn là… rượu phạt !
Ngày 17/3, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã vi phạm hàng loạt tội ác chiến tranh, kể cả việc bắt cóc trẻ con – theo như lời tố giác của giới truyền thông từ khắp mọi nơi :
- Russia’s Theft of Children in Ukraine Is Genocide
- Putin accused of kidnapping 2,400 children after chilling concentration camp allegation
- More than 2,300 children ‘kidnapped’ by Russian forces
- Now Ukraine accuses Putin of kidnapping 2,500 children : Kyiv makes new ‘Nazi’ allegations
Quàng cái khăn phát xít ngay vào cổ Putin như thế thì kể cũng hơi tội. Bởi đương sự chưa đáng gọi là học trò của Hitler, về quy mô cũng như bài bản, trong cái việc làm thất nhân và ác đức này. Wikipedia ghi nhận :
"Trong Thế Chiến Thứ Hai, khoảng 200 ngàn đứa bé người Ba Lan cùng nhiều trẻ em thuộc những chủng tộc khác đã bị đưa đến Đức để dùng vào việc lao động cưỡng bách, thử nghiệm y khoa, hay đồng hóa" (1).
Còn Putin ? Ổng bắt con nít để làm chi vậy, hả Trời ?
Từ Sydney, ký giả Helen Sullivan cho biết : "Mấy cuốn phim videos được phổ biến cho thấy trẻ con trong cầm cờ, hát quốc ca, học lịch sử Liên Xô và Nga. Chúng cũng được huấn luyện xử dụng vũ khí…" (2).
Chà ! Vụ này sao nghe hơi quen quen… Ngẫm nghĩ một lát mới nhớ ra là nó giống y chang như chuyện "Bắt Trẻ Đồng Xanh" ở xứ sở mình, hồi giữa thập niên 1960 :
Đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
Họ bổ sung quân số đó chăng ? - Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương ; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy…
Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại… (3).
Té ra là rứa ! Rứa mới biết Putin cũng lo xa dữ lắm. Không phải là lo chuyện đối phó với Ukraine đâu vì theo dự tính thì thằng chả sẽ nuốt sống nó trong chớp mắt thôi. Thằng chả chuẩn bị nhân sự cho cuộc chiến tương lai dài lâu với cả khối NATO luôn nữa đó. Tham vọng dữ nha.
Tiếc là tài bất cập chí. Napoleon và Hitler đều đã từng quậy tưng bừng và quậy gần nát cả Âu Châu, trước khi cả hai phải nếm mùi cay đắng. Còn Putin thì chỉ mới xuất chiêu thôi ("chiến dịch quân sự đặc biệt") cũng đã thấy yếu cơ rồi, và mỗi lúc lại càng thêm thảm hại khiến cho ngay cả mấy ông nhà báo đồng hương của tui cũng phải chê cười :
- Lê Phú Khải : "Hơn một năm qua, sự sa lầy của quân xâm lược Nga ở Ucraina càng làm cho dân Nga bừng tỉnh về cái gọi là sức mạnh cường quốc quân sự Nga !"
- Đinh Xuân Thái & Đinh Quang Anh Thái : "Dân Nga hiện giờ đã gọi Putin bằng cái tên miệt thị : ‘Thằng Pu ! Và người Ukraine nào cũng tin tưởng sắt đá vào công cuộc bảo vệ đất nước của mình đến thắng lợi cuối cùng" (4).
Chiếm Ukraine không xong, "thằng Pu" lại còn bị ICC "dọa" bắt nhốt luôn nữa chớ. Tui thì ngay đến luật đi đường cũng còn rất mù mờ (nói chi đến chuyện luật lệ của Tòa án Hình sự Quốc tế) nên xin phép được mượn đôi lời bình luận của nhà báo Nhật Tân về sự kiện này :
"Lệnh này là lệnh đầu tiên được ICC ban hành về phương diện tội ác chiến tranh ở Ukraine. Lệnh cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi nhắm vào một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. ICC dường như muốn đặt ông Putin vào tình huống tương tự của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Ông Gaddafi bị lật đổ và bị hành quyết chỉ vài tháng sau khi lệnh về ông ta được công bố. Ông Bashir cũng bị lật đổ và hiện đang ngồi tù ở Sudan, mặc dù ông vẫn chưa được chuyển đến The Hague.
Nga không công nhận thẩm quyền của tòa án, và khẳng định vào thứ Sáu rằng họ không bị ảnh hưởng bởi các trát tòa. Nhưng ông Putin sẽ phải đối mặt với các giới hạn về quyền tự do đi lại tới 123 quốc gia thành viên của ICC, khiến ông và Nga bị đẩy vào tình huống bị cô lập sâu sắc hơn".
Thực tế là ngoài đám đầu trâu mặt ngựa (Syria, Cuba, Nicaragua và Venezuela…) thiếu đói thường trực ra, Putin chỉ có một đồng minh duy nhất đáng kể là Tập Cận Bình thôi. Chuyến đi Nga của họ Tập đã được VOA tường thuật, theo bản tin Reuters, như sau :
Ông Tập sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên bắt tay với ông Putin kể từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tống đạt lệnh bắt giữ ông Putin vào hôm 17/3 trước việc Nga đưa trẻ em Ukraine sang nước họ kể từ khi cuộc xâm lược khai mào.
Nga đang thể hiện chuyến đi của ông Tập, lần công du đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, là bằng chứng cho thấy họ có một người bạn hùng mạnh sẵn sàng sát cánh với họ chống lại phương Tây thù địch mà họ cáo buộc đang muốn cô lập và đánh bại Moscow.
"Chúng ta có thể cảm nhận bối cảnh địa chính trị ở thế giới bên ngoài đang có những thay đổi triệt để", ông Putin nói trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc được đăng lại trên trang web của Điện Kremlin và nói thêm rằng ông kỳ vọng cao vào chuyến thăm của người bạn tốt lâu năm".
Kỳ vọng của Putin – ngó bộ – hơi quá cao, nếu so với lời tuyên bố (không được hùng hồn gì cho lắm) của "người bạn tốt lâu năm" Tập Cận Bình : "Các vấn đề phức tạp không thể có giải pháp đơn giản."
Quả là đúng thế. Putin đã tạo ra một tình huống "phức tạp" đến độ chính y cũng không biết, hoặc không có, đường lui. Thằng nhỏ hết khôn dồn ra dại hay (vẫn nói theo kiểu dân gian Việt Nam) là khôn ba năm dại một giờ !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/04/2023
(1) During World War II, around 200.000 ethnic Polish children as well as an unspecified number of children of other ethnicities were abducted from their homes and forcibly transported to Nazi Germany for purposes of forced labour, medical experimentation , or Germanization
(2) "Thousands of Ukrainian Children Put Through Russian ‘Re-education’ Camps ", The Guardian – 14 Feb 2023
(3) Võ Phiến, 'Bắt Trẻ Đồng Xanh", Tạp chí Bách Khoa, Oct.1968
(4) Đinh Xuân Thái và Đinh Quang Anh Thái, "Vinh quang cho Ukraine - Bút ký chuyến đi Ukraine và Ba Lan ", Nhà xuất bản Culture Art Education Exchange Resource 2022
Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) là một trong những lực lượng bí mật nhất của ngành an ninh Nga. Một nhân viên thuộc lực lượng này, đại úy Gleb Karakulov, từng nhiều lần tháp tùng tổng thống Nga trong các chuyến công du nước ngoài, đã chạy sang phương Tây tị nạn cuối năm ngoái. Theo Le Monde, đây là vụ "đào thoát quan trọng nhất" trong hàng ngũ nhân viên an ninh Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Đại úy Karakulov kể lại cuộc sống thực của Putin.
Gleb Karakulov trả lời phỏng vấn ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2022. AP
Gleb Karakulov là một kỹ sư thuộc bộ phận truyền thông, phụ trách bảo mật thông tin. Trong cương vị này, ông có điều kiện trực tiếp chứng kiến hành xử của lãnh đạo tối cao Nga. Theo các thông tin được công bố hôm qua, 05/04/2023, đại úy Karakulov cho biết Putin là một người đàn ông cô độc, không sử dụng điện thoại di động hay Internet và khăng khăng yêu cầu truy cập đài truyền hình nhà nước Nga ở mọi lúc mọi nơi.
Theo cựu nhân viên Cục Bảo vệ Liên bang, chứng hoang tưởng của Vladimir Putin thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tổng thống Nga quyết định xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 :
"Tổng thống của chúng tôi bị cắt đứt với thế giới. Ông ta sống trong một cái kén thông tin từ vài năm nay. Ông ta dành phần lớn thời gian sống trong các dinh thự của mình, nơi mà giới truyền thông gọi là những boong-ke. Ông ta lo sợ cho mạng sống của mình một cách bệnh hoạn".
Để di chuyển, ông Putin thích sử dụng một đoàn tàu bọc thép đặc biệt, bề ngoài không khác gì các đoàn tàu khác. Tháng trước, cơ sở truyền thông chuyên điều tra Proekt đưa tin, để đến các nơi ở của mình, tổng thống Nga đã cho xây dựng các nhà ga riêng. Theo Gleb Karakulov, mọi thứ được thực hiện để không ai biết rõ về địa điểm mà tổng thống Nga đang có mặt:
"Văn phòng của ông ở St. Petersburg, Sochi hay Novo Ogariovo đều giống hệt nhau. Mọi thứ ở đó hoàn toàn giống nhau. Có những lúc tôi biết ông đang ở Sochi, nhưng cùng lúc đó truyền hình lại chiếu cảnh ông ta đang họp tại dinh thự Moskva ở Novo-Ogariovo".
Hoàn toàn trái ngược với những tin đồn Putin mắc một chứng bệnh nan y, theo Gleb Karakulov, tổng thống Nga dường như có thể trạng tốt hơn hầu hết những người cùng tuổi. Kể từ năm 2009, chỉ có vài lần tổng thống Nga phải hủy các chuyến đi vì lý do sức khỏe.
Cựu nhân viên bảo vệ Gleb Karakulov đã cung cấp những thông tin nói trên khi trả lời phỏng vấn của Trung tâm Hồ sơ (The Dossier Center), một nhóm điều tra về các hoạt động tội phạm của những nhân vật có liên hệ với điện Kremlin, có trụ sở tại Luân Đôn, do nhà đối lập Nga Mikhail Khodorkovsky tài trợ. Các thông tin nói trên được cung cấp từ cuối năm 2022, nhưng vì lý do an ninh nên chỉ được công bố trên truyền thông từ ngày 05/04/2023.
Đại úy Gleb Karakulov quyết định trốn khỏi Nga từ cuối năm ngoái bởi không thể chịu đựng được các hành động của tổng thống Nga, người mà ông gọi là một "tội phạm chiến tranh". Cựu nhân viên an ninh Nga cũng mô tả bầu không khí sùng bái Putin trong các đồng ngũ : Tất cả đều "tìm mọi cách tung hô ông ta", "tất cả đều 100%" theo Putin, "không một ai phê phán chiến tranh".
Trọng Thành
Chảy máu chất xám, vũ khí ế ẩm : Putin còn gồng được bao lâu ?
Theo Le Figaro, điện Kremlin đang bất lực trước tình trạng hàng ngàn chuyên gia tin học ồ ạt chạy ra nước ngoài. Kỹ nghệ quốc phòng Nga cũng xuống dốc sau khi xâm lăng Ukraine, nhiều khách hàng hủy hợp đồng mua vũ khí, ngân sách thâm thủng. Putin không thể không biết rằng Liên Xô trước đây, bị kiệt lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, rốt cuộc đã thở hơi cuối cùng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm nhà máy sản xuất phi cơ ở Ulan-Ude, Cộng hòa Buryatia ngày 14/03/2023 via Reuters - Sputnik
Hai đợt di tản của các chuyên gia tin học Nga
Le Figaro nhận định "Điện Kremlin bất lực trước tình trạng chảy máu chất xám trong công nghệ". Việc hàng ngàn chuyên gia tin học ồ ạt chạy ra nước ngoài đe dọa nền kinh tế Nga, vốn đang chịu áp lực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tờ báo nêu ra trường hợp của Nikolai, 32 tuổi, chuyên gia về hệ thống kiểm soát tự động. Cuộc đời anh bất chợt rẽ sang một hướng khác, vài tuần sau khi cuộc chiến tranh ở Ukraine được khởi động. Công ty ngoại quốc nơi Nicolai làm việc quyết định rời khỏi Nga, và đề nghị anh hoặc nghỉ việc, hoặc tiếp tục nhưng ở một nước khác. Nikolai nhanh chóng chọn lựa sang Kazakhstan. Anh phản đối cuộc chiến nhưng nếu ở lại trong nước sẽ không thể bày tỏ chính kiến, còn nếu chống đối thì bị bỏ tù.
Câu chuyện của hàng ngàn "aitichniki" (high-tech) khác cũng tương tự. Một đợt di cư thứ hai lại diễn ra sau lệnh động viên từng phần vào cuối tháng 9/2022. Theo số liệu của tạp chí Forbes vào tháng Hai, 16% chuyên gia tin học làm việc trong 300 công ty lớn của Nga đã di tản. Những điểm đến chính là Gruzia, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Serbia.
Dẫn dụ hay trừng phạt ?
Tháng 12/2022, bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số Maksut Chadaiev ước lượng "khoảng 100.000 nhà chuyên môn về công nghệ thông tin (IT) đang ở ngoài nước Nga". Tiếng chuông báo động được gióng lên vào đầu tháng 3 bởi Herman Gref, ông chủ ngân hàng lớn nhất nước Sberbank. Ông nhấn mạnh đang rất thiếu lớp người "middle" hay "senior", tức những chuyên viên IT giỏi nhất. Các nguồn tin Nga ước tính năm 2023 thiếu khoảng 250.000 đến một triệu chuyên gia IT trong kỹ nghệ quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng…
Từ năm ngoái chính quyền đã có những ưu đãi, nhất là trong kỹ nghệ vũ khí như miễn đi quân dịch. Kết quả nghèo nạn đạt được khiến có những ý kiến cho rằng nên trừng phạt. Một thượng nghị sĩ thậm chí còn đòi tịch biên tài sản của "tất cả công dân Nga ra đi hoặc chỉ trích đất nước". Cuối tháng 2, Quốc hội thông qua nghị quyết khuyến cáo cấm các chuyên gia IT làm việc từ bên ngoài Nga, nhưng bị chính bộ liên quan phản đối. Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra để giữ lại nguồn nhân lực quý báu này.
Nga, nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 thế giới có nguy cơ mất ngôi
Kỹ nghệ quốc phòng đã thiếu người, vũ khí do Nga sản xuất ra lại khó bán, theo nhận xét của Le Monde. Những cuộc diễn binh đầy ấn tượng, những đoàn xe thiết giáp diễu qua Quảng trường Đỏ, khán đài danh dự, lăng Lênin… vốn là niềm hãnh diện của Liên bang Xô viết, và nước Nga thời Vladimir Putin vẫn tiếp tục tự hào. Nhiều loại vũ khí sẽ tiếp tục được phô bày tại Moskva ngày 9/5 tới để kỷ niệm chiến thắng của Stalin trước Hitler trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Những người lính rập ràng bước, hỏa tiễn đạn đạo, chiến xa thế hệ mới, tiêm kích, oanh tạc cơ bay biểu diễn phía trên điện Kremlin…
Các kỹ sư Nga đã chế tạo được hàng loạt vũ khí đáng gờm : hỏa tiễn siêu thanh, xe tăng T-14 Armata, phi cơ tàng hình Su-57 Felon, lá chắn chống tên lửa S-400… Ông Putin thường xuyên khoe những thiết bị quân sự thế hệ mới, hỏa tiễn "bất khả chiến bại". Tuy nhiên trên thực tế, kỹ nghệ quốc phòng Nga, cách đây 10 năm từng sản xuất ra 1/5 lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới, đang xuống dốc không phanh.
Cuộc chạy đua tay đôi Mỹ-Nga thời chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Hoa Kỳ nay dẫn đầu số vũ khí bán ra (40%), Nga vẫn còn đứng thứ nhì (16%), Pháp thứ ba (11%), nhưng còn được bao lâu nữa ? Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình ở Stockholm, cuối 2022 Pháp nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn Nga. Chuyên gia Siemon Wezeman của Viện cho rằng cuộc xâm lăng Ukraine khiến xuất khẩu vũ khí của Nga giảm.
Xâm lăng Ukraine, bị cấm vận : Khách mua vũ khí vắng dần
Moskva phải tập trung thay thế số thiệt hại nhiều chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến. Chuyên trang Oryx ước lượng sau một năm chiến tranh, gần 10.000 thiết bị đã bị tiêu hủy hay bị Ukraine tịch thu, gồm chiến xa đủ loại, đại bác…
Một mối đe dọa chết người khác là áp lực của Washington lên các khách hàng của Nga. Đạo luật của ông Donald Trump trừng phạt bên mua vũ khí Nga và các ngân hàng tài trợ, vẫn được Joe Biden duy trì, và đã phát huy tác dụng từ năm 2018. Philippines hủy hợp đồng mua trực thăng Mi-17, thay bằng Black Hawk của Mỹ và trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ ; Indonesia từ chối mua Su-35, Koweit rút lui không mua xe tăng T-90.
Những biện pháp trừng phạt mới của phương Tây khiến Moskva thiếu các phụ tùng thiết yếu, ngay cả các đối tác thân thiết cũng phải cân nhắc. Serbia đang thương thảo để mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Ấn Độ mà kho vũ khí có đến phân nửa mua của Nga, đang muốn đa dạng hóa nguồn cung để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Cuộc xâm lăng Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất : các đồng minh của Moskva đang cạnh tranh dữ dội. Trung Quốc nay đã tự sản xuất được đại bác, các drone của Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt vô số thiết giáp của… Nga, và vừa cho bay thử phi cơ tàng hình đầu tiên.
Chạy đua vũ trang với Mỹ và tấm gương nhãn tiền của Liên Xô
Nhất là khách mua hàng luôn quan sát hiệu quả của vũ khí trên thực địa. Chiến trường Ukraine cho thấy vũ khí phương Tây công hiệu hơn. Đại pháo Caesar của Pháp, hỏa tiễn chống tăng vác vai Javelin của Mỹ tung hoành từ một năm qua đã chứng tỏ tác dụng.
Yếu tố còn chưa rõ là khả năng tài chánh để kéo dài chiến tranh của ông Putin. Từ năm 2007, ông đã đổ vào kỹ nghệ quốc phòng hàng trăm tỉ rúp, chủ yếu cho tập đoàn Rostec và chi nhánh Rosoboronexport. Nhưng hai tháng đầu năm nay, ngân sách Nga bị thâm hụt 31,5 tỉ đô la do chi tiêu tăng 51%, còn số thu giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó Lầu Năm Góc, lo âu trước tham vọng của Trung Quốc nhiều hơn là Nga, đã yêu cầu Quốc hội thông qua ngân sách khổng lồ là 842 tỉ đô la cho năm 2024. Vladimir Putin không thể không biết rằng Liên Xô trước đây, bị kiệt lực trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, rốt cuộc đã trút hơi cuối cùng.
Vũ khí nguyên tử tại Belarus : Lại là trò bắt bí của Putin
Cũng về quân sự, Le Monde và La Croix cùng chú ý đến việc "Putin lại bắt chẹt về nguyên tử với sự hỗ trợ của Minsk". Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, bên cạnh các hệ thống hỏa tiễn Iskander đã có.
Như thường lệ, Vladimir Putin khẳng định đó là theo "yêu cầu" của đồng nhiệm Alexander Lukashenko. Thực ra từ năm 2020, sau khi gian lận để tái đắc cử và bị dân chúng phản ứng dữ dội, phải mượn tay Nga đàn áp, Lukashenko hoàn toàn thần phục Moskva. Điểm mới ở đây là việc xây dựng một trung tâm chứa vũ khí nguyên tử chiến thuật trên đất Belarus, dự kiến hoàn thành ngày 01/07, do quân đội Nga kiểm soát.
Putin viện lý do là vì Anh quốc sẽ cung cấp cho Ukraine những quả đạn có uranium nghèo. Tuy nhiên đặt chung loại đạn - rất hiệu quả để chống xe tăng, thiết giáp này – với vũ khí nguyên tử là một sự so sánh khiên cưỡng. Tổng thống Nga còn lấy cớ Mỹ đã bố trí các vũ khí này trên lãnh thổ đồng minh từ nhiều thập niên. Trên thực tế, Hoa Kỳ không còn triển khai đầu đạn nguyên tử trên hỏa tiễn của các đồng minh Châu Âu. Loan báo của Vladimir Putin được coi như tiếp tục từ bỏ tất cả các hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân từ thời chiến tranh lạnh, sau khi ngưng tham gia New Start.
Theo Le Monde, Putin muốn gây sức ép lên các đồng minh phương Tây trong việc chi viện vũ khí cho Kiev. Chuyên gia nguyên tử lực Maxim Starchak của đại học Queen’s (Canada) nhận định, đây là mưu toan thu hút sự chú ý của Washington để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và nhìn nhận những lãnh thổ mà Nga chiếm được của Ukraine. Nhưng Hoa Kỳ nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus, và Vladimir Putin không có ý định dùng đến loại vũ khí này tại Ukraine, chứng tỏ Mỹ không muốn bị lôi vào trò chơi dọa dẫm.
Dubai, đất hứa của các đại gia Nga
Cũng liên quan đến Nga nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro có bài phóng sự cho biết "Dubai là miền đất hứa của những người Nga đang bị trừng phạt". Thành phố lớn nhất của Các tiểu vương quốc ả rập thống nhất trở thành nơi lưu vong ưa thích của các đại gia Nga. Theo nghiên cứu của Henley & Partners, quốc gia nhỏ bé này đã tiếp nhận ít nhất 4.000 nhà triệu phú Nga trong năm 2022, hầu hết ở Dubai.
Sau khi Putin đưa quân sang Ukraine, hàng trăm công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu đóng đô ở Genève từ nhiều năm, đã dời trụ sở sang đây. Tập đoàn hàng hải Nga Sovcomflot chuyển sang Dubai 92/134 chiếc tàu : chưa có du thuyền nào của tài phiệt Nga bị tịch thu. Tiền bạc của nhà giàu Nga đổ như nước vào bất động sản siêu sang : một penthouse nhìn ra biển được trả tiền mặt 41 triệu euro, một mảnh đất trên đảo nhân tạo dành cho người siêu giàu giá 26 triệu euro… Các đại gia ngành thép, nhôm, dầu lửa thoải mái trả bằng đô la hay tiền kỹ thuật số.
Mã Vân tái xuất : Đảng cộng sản Trung Quốc muốn hòa giải với tư nhân ?
Chuyển sang khu vực Châu Á, Le Figaro nhận thấy "Sự tái xuất rất đáng chú ý của Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập Alibaba". Trong những tấm hình được đăng rộng rãi trên mạng xã hội, ông Mã Vân thăm một trường học ở Hàng Châu, nơi tập đoàn thương mại đặt trụ sở, nói chuyện về trí thông minh nhân tạo. Từ ba năm qua, nhà tỉ phú nổi tiếng đã kín tiếng hẳn sau khi bị đảng trừng phạt, chỉ thỉnh thoảng thấy xuất hiện ở Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Hoa Kỳ.
Chi nhánh Ant Group bị chận không cho niêm yết trên sàn chứng khoán, Alibaba bị phạt đến 2,3 tỉ euro… hai đế chế của Mã Vân bị đưa vào khuôn khổ. Lãnh vực công nghệ bị siết dẫn đến khủng hoảng lòng tin của giới doanh nhân. Tân thủ tướng dường như muốn gởi đi một thông điệp lạc quan cho lãnh vực tư nhân : theo Reuters, những người thân cận của ông Lý Cường từ một năm qua thúc giục Mã Vân kết thúc thời kỳ "lưu vong". Dấu hiệu hòa giải này khiến cổ phiếu của Alibaba tăng lên 4%.
Nổi loạn vì phải về hưu "sớm" : Châu Âu không thể hiểu !
Các vấn đề xã hội và kinh tế nước Pháp chiếm trang nhất các báo Paris hôm nay. Le Monde đưa tít "Hưu trí : Macron tìm cách làm dịu bớt nhưng không nhượng bộ gì cả", Le Figaro nhận thấy thủ tướng "Elisabeth Borne tìm kiếm một đa số bất khả". Libération đăng ảnh tổng thống Pháp đang cô đơn bước đi, với dòng tựa "Khủng hoảng xã hội và chính trị, bạo động : Lối thoát ở đâu ?". La Croix cảnh báo về nợ công : "Nợ nần, giếng sâu không đáy", với hình vẽ trên trang nhất là những tờ giấy bạc bị cuốn hút vào một xoáy nước màu xanh. Les Echos lạc quan hơn, ghi nhận "Thâm thủng ngân sách giảm mặc cho cú sốc lạm phát".
Xã luận của Le Monde nhận định "Cuộc khủng hoảng ở Pháp khiến Châu Âu không thể nào hiểu nổi". Tuy Paris có thể hãnh diện là nơi được tân vương nước Anh chọn lựa cho chuyến thăm chính thức đầu tiên, nhưng rốt cuộc tổng thống Emmanuel Macron đành phải hồi lại vào phút chót - cả một sự xấu hổ ! Thay vì dạo bước trên đại lộ Champs-Élysées với tổng thống Pháp, như một dấu hiệu tốt lành hậu Brexit, vua Charles III thứ Năm 30/03 tới sẽ khởi đầu vòng công du tại Berlin bằng một bài diễn văn đọc trước Bundestag (Quốc hội Đức).
Những người chống đối kế hoạch của chính phủ đã đem lại một tầm vóc Châu Âu cho cuộc xung đột đang làm dậy sóng nước Pháp. Không chỉ ảnh hưởng đến quyết tâm tái lập sự hợp tác Anh-Pháp trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, mà còn khiến các láng giềng bàng hoàng : làm thế nào việc dời tuổi về hưu lên 64, thấp hơn nhiều nước khác, lại có thể gây náo loạn đến thế ở một quốc gia như nước Pháp ? Cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ làm Pháp bị cô lập tại Châu Âu, thậm chí bị coi thường.
Thụy My
Hôm 17/03/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) đã phát lệnh truy nã tổng thống Nga Vladimir Putin vì tội cưỡng bức di dời trẻ em tại vùng chiếm đóng ở Ukraine đến Nga. Liệu lãnh đạo một nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể bị bắt giữ hay không, trong khi mà Nga không thừa nhận thẩm quyền của CPI ? RFI xin giới thiệu các bài phân tích đăng trên tạp chí Time Magazine và báo Le Monde.
Hình ảnh minh họa việc tổng thống Nga Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) phát lệnh truy nã. © AP/Canva
Vladimir Putin bị cáo buộc những tội danh nào ?
Theo tạp chí Time Magazine, thông báo của CPI được đưa ra sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo về việc Nga phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lăng Ukraine. Một trong những cáo buộc đối với Vladimir Putin là cưỡng bức hàng ngàn trẻ em Ukraine đến Nga. Theo giới chuyên gia, những tội ác này không chỉ đe dọa những người dễ bị tổn thương nhất, khiến gia đình chia cắt, mà còn thể hiện một nỗ lực có hệ thống nhằm xóa bỏ bản sắc Ukraine bằng cách cải tạo những đứa trẻ này thành người Nga.
Theo hai điều khoản trong Quy chế Roma, tức văn kiện thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI), hành động cưỡng bức đưa người Ukraine sang Nga được cho là "trục xuất bất hợp pháp thường dân" và chuyển những người này một cách bất hợp pháp từ vùng bị chiếm đóng ở Ukraine sang Nga. CPI cũng phát lệnh bắt giữ Ủy viên về quyền trẻ em ở điện Kremlin, bà Alekseyevna Lvova-Belova, với cùng tội danh.
Mặc dù vẫn chưa có con số chính xác bao nhiêu trẻ em đã bị đưa đến Nga, nhưng theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, cả chính quyền Nga và Ukraine đều cho hay hàng trăm ngàn trẻ em Ukraine đã đến Nga. Các quan chức Nga bị cáo buộc trao những đứa trẻ này cho các gia đình nhận con nuôi và cấp quốc tịch Nga cho các em, trong số đó có những trẻ đã bị mất cha mẹ hoặc bị chia cắt khi bố mẹ bị bắt.
Nga đã công khai thừa nhận sự tồn tại của "chương trình trẻ em" này, nhưng khẳng định họ đưa những đưa trẻ này đến Nga là để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, những báo cáo khác, như của ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc, phản bác lập luận đó : "Việc di dời dân cư không thể được biện minh bởi lý do về an toàn hay y tế…, chính quyền Nga cũng không tìm cách liên lạc với người thân của những đứa trẻ này hay với chính quyền Ukraine".
Liệu ông Putin có thể bị bắt ?
Tổng thống Nga sẽ khó có thể bị bắt giữ khi vẫn đang nắm quyền. CPI không có lực lượng an ninh của riêng mình và phụ thuộc vào các quốc gia (thừa nhận cơ quan này) để thực thi lệnh bắt giữ.
Nga không thừa nhận Quy chế Roma và trong thời gian tới, Putin khó có thể đến thăm một quốc gia thừa nhận quy chế này, gồm 123 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng ngay cả khi Putin ra khỏi lãnh thổ Nga, cũng không có gì bảo đảm là ông sẽ bị bắt, vì còn tùy các nước mà Putin đến có sẵn sàng bắt ông hay không.
Nga vẫn là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Việc bắt giữ tổng thống Putin có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với bất cứ quốc gia nào thực hiện điều này.
Trong quá khứ, lệnh truy nã của CPI đã từng bị phớt lờ, như trường hợp của tổng thống Sudan Omar al-Bashir. Ông đã ra nước ngoài nhiều lần bất chấp lệnh bắt giữ của CPI vì liên quan đến nạn diệt chủng ở Darfur.
Ngay cả khi tổng thống Nga và phe của ông mất quyền lực ở Nga, và một chính phủ khác muốn dẫn độ Putin đến La Haye, trụ sở của CPI, thì cũng có một trở ngại lớn : Hiến Pháp Nga cấm dẫn độ công dân Nga sang một quốc gia khác. CPI cũng không có khả năng xét xử Putin mà không bắt giữ ông, bởi tòa án không thể xử vắng mặt.
Nếu Putin không bị bắt, những cáo buộc này có tác động gì hay không ?
Thông báo này tác động đến dư luận quốc tế và công luận nước Nga, đồng thời làm suy yếu vị thế của ông Putin trên trường quốc tế. Tại Nga, Vladimir Putin tự coi mình là nhà lãnh đạo đề cao các giá trị truyền thống, bảo vệ trẻ em, trái ngược với một phương Tây "không trong sạch".
Kể từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraine, nhiều nước phương Tây đã xa lánh Nga, nhưng ông Putin vẫn hy vọng nhận được ủng hộ từ các quốc gia như Ấn Độ, Nam Phi, những nước có thể cho rằng Nga buộc phải hành động như vậy là do mối đe dọa NATO. Nay quyết định của CPI có thể làm lung lay lập trường của những nước đó. Hơn nữa, thông báo này có thể thúc đẩy sự ủng hộ của các nước thành viên NATO dành cho Ukraine về mặt quân sự và làm NATO thêm hùng mạnh.
Những nguyên thủ quốc gia nào từng bị truy nã quốc tế ?
Le Monde nhắc lại rằng Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia thứ tư bị truy nã khi vẫn còn đang cầm quyền. Trước đó là tổng thống Serbia, Slobodan Milosevic bị Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ truy nã vào năm 1999, hay lãnh đạo Sudan Omar Al-Bachir năm 2009, lãnh đạo Libya Muammar Kadhafi năm 2001.
Những lời buộc tội Vladimir Putin càng vang dội hơn, khi mà tư pháp quốc tế từ ba thập kỷ qua đã không có đóng góp gì cho hòa bình. Ba mươi năm sau khi đặt nền móng cho việc thành lập những tòa án quốc tế đầu tiên (cho Nam Tư cũ vào năm 1993 và sau đó là cho Rwanda 1994), 20 năm sau khi thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế CPI vào năm 2002, dù có những cố gắng thực hiện lời hứa với công lý quốc tế, không gì có thể ngăn cản Nga phạm tội xâm lược Ukraine, phạm tội ác chiến tranh và sau đó là tội ác chống nhân loại, thậm chí là tội ác diệt chủng. Ông Putin còn bị truy tố vì các tội ác chiến tranh khác, như là trong những vụ quân đội Nga ám sát, tra tấn và hiếp dâm những thường dân Ukraine.
Tại sao CPI khó thực thi công lý ?
Thứ nhất là do 3 trong số các cường quốc hàng đầu thế giới, 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga vẫn không công nhận sự tồn tại của Tòa án Hình sự Quốc tế, mặc dù cơ quan này được 123 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận. Thứ hai, chính Hoa Kỳ, lãnh đạo của phương Tây và phe dân chủ, cũng đã bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế, phạm tội xâm lược Iraq và tội ác chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, và trong các nhà tù bí mật của CIA ở Guatanamo, mà không bị trừng phạt.
Chính sách của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống George W. Bush (2001-2009), cũng như việc Washington tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đồng minh có khả năng bị tư pháp quốc tế nhắm đến, khiến người ta thấy là Mỹ vẫn có thái độ "nhất bên trọng nhất bên kinh".
Lệnh truy nã mang tính biểu tượng ?
Đây là quyết định táo bạo nhất kể từ khi bản cáo trạng đầu tiên được đưa ra đối với tổng thống Slobodan Misolevic của Nam Tư. Lúc đó, ít ai dám tin rằng Milosevic sẽ bị chính nước ông chuyển đến tòa án ở La Haye hai năm sau đó. Misolevic đã sống những ngày cuối đời trong một nhà tù của Liên Hiệp Quốc.
Lệnh truy nã tổng thống Putin không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn thể gây ra nhiều hậu quả chính trị. Như vậy là kể tư nay, lãnh đạo Nga không thể công du 123 nước công nhận thẩm quyền của CPI, mà trớ trêu thay, trong đó lại bao gồm những nước chủ chốt trong chính sách "bành trướng" của Putin, như là Georgia (Gruzia), Serbia và Hungary - những nước đồng minh Châu Âu duy nhất của tổng thống Nga, hay những nước mới nổi quan trọng, như Brazil hay Nam Phi. Trên thực tế, qua việc từ chối các nỗ lực hòa giải chiến tranh Ukraine - Nga, ông Putin bị chuyển từ đối tượng có thể đàm phán thành người bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, bị cô lập. Ngay cả khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiếp tục đàm phán với Putin, thì thật khó có thể tưởng tượng rằng tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hay lãnh đạo một nước dân chủ nào đến Moskva và bắt tay lãnh đạo Nga.
Hậu quả khó lường nhất, ngoài cách mà xã hội Nga nhìn vị lãnh đạo của mình, đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Không một quốc gia hay trung gian hòa giải nào có thể hủy bỏ lệnh bắt giữ của CPI. Cho dù không gì có thể bảo đảm rằng tổng thống Nga sẽ bị xét xử vào một ngày nào đó, và công lý được thực thi, Vladimir Putin kể từ nay bị đóng dấu "ô nhục".
Chi Phương
Nguồn : RFI, 23/03/2023