Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vương triều Saud đang trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng quốc tế sau khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích, được cho là đã bị sát hại, sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.

giatoc1

Gia tộc Al Saud

Có quy mô rộng nhất, nắm đầy quyền lực trong tay, gia tộc Saud, gồm 200 hoàng tử và 25.000 thành viên, cai trị vương quốc Saudi Arabia từ đầu thế kỷ XX.

Gia tộc Al Saud là ai ?

Theo AFP, tên của dòng tộc Saud được đặt trong tên nước Saudi Arabia. Để hiểu được nguồn gốc của vương quốc Hồi giáo này, phải ngược về đầu thế kỷ 18. Năm 1745, lãnh chúa Mohammed Ben Saud quyết định củng cố quyền lực bằng việc kết hợp với nhà thần học Mohammed Ben Abdel Wahab (1703-1792). Năm 1744, Wahhab phát động một chiến dịch thanh giáo và phục hưng để quay lại với Hồi giáo thuần khiết và chân chính của Đấng sáng lập.

Năm 1902, Abdel Aziz Ben Saud (trị vì từ 1902-1953) đánh đuổi dòng tộc đối thủ Rachidi ra khỏi Riyadh và dần dần củng cố quyền lực bằng cách dùng sức mạnh để thống nhất bán đảo. Năm 1925, Abdel Aziz chiếm được quyền kiểm soát các thánh địa Mecca và Medina. Năm 1932, ông lập vương quốc Saudi Arabia và tự xưng quốc vương.

giatoc2

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Arnhujp

Để duy trì quyền lực, quốc vương Abdel Aziz Ben Saud cưới con gái của nhiều tộc trưởng. Tổng cộng, ông có 45 con trai. Gia đình hoàng gia hiện có khoảng 25.000 thành viên, trong đó có 200 hoàng tử giữ nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính. Khi băng hà, năm 1953, người con trai Saud, được quốc vương Abdel Aziz chỉ định, lên kế ngôi.

Tuy nhiên, do quản lý yếu kém và tham nhũng, quốc vương Saud bị Hội đồng Hoàng thân (gồm các thành viên quan trọng trong gia đình hoàng gia) phế truất năm 1964. Người em cùng cha khác mẹ, hoàng thái tử Faysal (1964-1975), lên thay thế. Là nhà kiến tạo một chính sách hiện đại hóa, ông bị một người cháu, bị cho là tâm thần, ám sát năm 1975.

Khaled, một người em cùng cha khác mẹ, kế vị cho đến khi qua đời vào năm 1982. Hoàng thái tử Fahad đăng quang và trị vì cho đến khi Abdallah kế nghiệp vào năm 2005.

Ai đang trị vì hiện nay ?

Vua Abdallah qua đời vào tháng 01/2015. Trước đó, vào tháng 06/2012, ông gây ngạc nhiên khi chọn Salman, người em cùng cha khác mẹ làm hoàng thái tử. Tương tự, quốc vương Salman cũng gây bất ngờ khi, vào tháng 06/2017, chọn con trai Mohammed bin Salman làm thái tử kế nghiệp, lúc đó 31 tuổi, và phế truất người cháu Muhammed bin Nayef.

Kể từ khi được chọn là hoàng thái tử, Mohammed bin Salman, với biệt danh "MBS", xây dựng một vương triều pha lẫn cải cách và độc tài. Ông trấn áp mọi sự phản đối, nhưng lại cho phép phụ nữ lái xe, cho tổ chức nhiều buổi hòa nhạc và xây rạp chiếu phim.

Vậy việc truyền ngôi diễn ra như thế nào trong triều đại Saud ? Theo luật của Saudi Arabia, nhà vua phải là hậu duệ của quốc vương Abdel Aziz. Tháng 10/2006, thể thức truyền ngôi đã được cải cách để đảm bảo việc nhẹ nhàng chuyển giao quyền lực tại vương quốc rất bảo thủ này. Như đến giờ, cơ chế này vẫn chưa được sử dụng.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 20/10/2018

Published in Văn hóa

Chế độ nộp lưu chiểu tại Đông Dương chỉ được chính phủ thuộc địa bắt đầu áp dụng từ năm 1922, trong khi tại Pháp, nộp lưu chiểu đã được quy định trong các đạo luật 24/07/1793 và 19/07/1881 về xuất bản, báo chí và phân phối ấn phẩm.

sach1

Ông Ghislain de la Hitte, chủ hiệu sách Opiomane, tại phòng thu RFI. RFI tiếng Việt

Chính vì vậy sách báo được in ấn trước năm 1922 tại Đông Dương không được thống kê đầy đủ và nằm tản mát tại các phòng ban của chính quyền thuộc địa, tại địa phương hoặc nằm trong thư viện của tư nhân, hầu hết là công chức và thương nhân người Pháp sống tại Đông Dương lúc bấy giờ.

Ngoài số sách báo, tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các thư viện nhà nước (BnF), trường học và cơ sở nghiên cứu (Inalco, EFEO), Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) hoặc các cơ quan lưu trữ (Archives nationales), rất nhiều sách báo cổ, quý hiếm được lưu giữ trong các hiệu sách cổ, như hiệu sách Opiomane, chuyên về phương Đông, đặc biệt là Đông Dương.

RFI tiếng Việt đã có buổi nói chuyện với ông Ghislain de La Hitte, chủ hiệu sách Opiomane (Paris), để hiểu thêm về thị trường ít được biết đến.

***

RFI : Thưa ông Ghislain de La Hitte, từ 15 năm nay, ông sưu tập và bán sách cổ về phương Đông, trong đó có Đông Dương, ông thấy thị trường này phát triển thế nào ? Và đây có phải là một thị trường lớn không ?

Ghislain de La Hitte : Nhìn chung, thị trường sách cổ bị gạt bên lề. Có thể nhận thấy là ngày càng có ít hiệu sách và người bán sách do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số các nguyên nhân chính, đó là công nghệ kỹ thuật số mà chúng tôi đang phải đối đầu. Điều này dẫn đến việc khi tìm một thông tin gì đó, người ta quen có được một thông tin đã được gọt dũa và soạn thảo sẵn. Người ta ít thiên về đọc hơn so với trước đây.

Còn về sách cổ, đây là một thị trường rất nhỏ. Có rất ít người làm nghề này tại Pháp và trên thế giới. Tại Pháp, hiện có hai nhà sách, so với chừng 5-6 nhà cách đây 15 năm. Nhiều người đã bỏ nghề do thời thế. Còn nếu chỉ kể số người bán sách chuyên về hướng dẫn du lịch vùng Viễn Đông thì chỉ có vài người trên thế giới.

Còn về câu hỏi nghề này hiện sống ra sao ? Giống như nhiều ngành nghề khác, sách có chất lượng cao vẫn luôn bán chạy. Còn những sách có chất lượng trung bình thì khó bán hơn. Thêm vào đó là trong mảng sách cổ xảy ra một tai tiếng tài chính liên quan đến các bản viết tay với một vụ lừa đảo có quy mô lớn về kim tự tháp Ponzy. Việc này đã làm toàn lĩnh vực nói chung mang tiếng, và đặc biệt là về giá vì trong vụ lừa đảo trên, giá bán đã bị thồi phồng lên rất nhiều. Vì vậy, nghề bán sách cổ bị tác động rất nhiều.

RFI : Tủ sách của ông chuyên về phương Đông, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Đông Dương. Những loại sách nào được bán chạy nhất ?

sach2

Chân dung người Nam Kỳ năm 1806, trích trong cuốn Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp (Iconographie historique de l'Indochine française, 1931). BnF/Gallica

Ghislain de La Hitte : Tôi không thể nói được sách nào tôi bán chạy nhất vì chúng đều thuộc loại khá hiếm nên tôi không bán nhiều. Nhưng tôi có thể nói những tiêu đề nào bán được dễ nhất.

Trên thực tế, không hẳn là những tác phẩm cổ nhất là bán chạy nhất, trái với những gì người ta vẫn nghĩ, bởi vì những tác phẩm có từ thế kỷ 17-18 thường được các gia đình lưu giữ, bảo quản và truyền lại cho con cháu nên chúng thường được chăm chút rất cẩn thận.

Ngược lại, có một số tác phẩm nhỏ, tài liệu giấy lại thường không được lưu giữ, phần lớn bị vất đi. Chính vì vậy, chúng lại trở nên vô cùng hiếm và được lùng ráo riết. Những cuốn được tìm kiếm nhiều nhất trong số đó thường là những tác phẩm mang tính giải trí, như các tạp chí cổ. Sở hữu các tạp chí được phát hành từ lâu là điều gì đó thú vị với một số khách hàng vì thông tin được xử lý ngày này qua ngày khác, vì có nhiều tranh biếm họa hoặc quảng cáo luôn bắt mắt…

Một ví dụ khác là loại sách hướng dẫn du lịch, chúng có nhiều thông tin thiết thực, làm sống lại cả một thời kỳ. Thường thì cả hai loại ấn phẩm này, tạp chí hay hướng dẫn du lịch, sau vài năm người ta đều vất hết, nên khó tìm được và được bán chạy hơn cả.

Ngoài ra, người ta còn sưu tập nhiều tác phẩm giới thiệu về những mối quan hệ của Pháp với các nước phương Đông, như những trao đổi đầu tiên giữa Pháp và Trung Quốc hay với Nhật Bản và Đông Dương.

Đông Dương chiếm một phần rất quan trọng trong tủ sách của tôi do mối quan hệ liên quan đến lịch sử giữa Pháp và Đông Dương. Trung Quốc cũng tương tự do vị trí địa lý nên có rất nhiều tác phẩm về hai địa điểm này.

RFI : Khách hàng của ông là những ai ? Dường như ngày càng có nhiều người Việt quan tâm đến sưu tập sách cổ ?

Ghislain de La Hitte : Khách hàng của tôi là cơ quan, trường học, cũng có các nhà nghiên cứu nhưng không đông lắm. Ngoài ra còn có những cửa hàng sách lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc. Họ mua rồi bán lại cho các cơ quan và trường đại học trong nước. Cuối cùng phải kể đến khách hàng cá nhân, đủ thành phần.

Nếu là người Pháp, điều thú vị là sau khi hiểu họ hơn, hầu hết mỗi người đều có một câu chuyện riêng với đất nước mà họ sưu tập sách. Ví dụ một người sưu tập sách về Nhật Bản hay Việt Nam thường có vợ hoặc chồng là người Nhật, người Việt. Cũng có những khách hàng người Pháp, thời trẻ sống ở đất nước mà họ sưu tập sách. Họ cho đó là những năm tháng đẹp nhất đời mình. Họ lưu luyến và muốn sống lại thời kỳ đó qua những cuốn sách về đất nước mà họ quan tâm.

Cuối cùng, trong số khách hàng của tôi còn có công dân ở các nước liên quan, ví dụ người Hàn Quốc thì mua sách về Hàn Quốc, người Việt Nam mua sách về Đông Dương để tìm lại nguồn cội.

Khi tôi bắt đầu nghề này cách đây 15 năm, tôi có khá nhiều khách hàng người Việt, chủ yếu là Việt kiều. Nhờ vậy mà tôi phát hiện ra không chỉ có người Việt sống ở Canada, Mỹ hay Pháp mà có rất nhiều người sống ở bán đảo Scandinavia, ở Thụy Sĩ hoặc Úc. Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều đơn đặt mua từ Việt Nam, ở miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, hoặc ở Sài Gòn.

RFI : Xin ông giải thích rõ hơn về khách hàng Việt kiều !

sach3

Chân dung linh mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc-Lộ) và Phép giảng tám ngày, trích trong Tập tranh lịch sử về xứ Đông Dương thuộc Pháp, 1931. BnF/Gallica

Ghislain de La Hitte : Phải nói là khách hàng Việt kiều của tôi đều rời Việt Nam trong những năm 1970 và giờ ít nhất họ đã 50 hoặc 60 tuổi. Với họ, tìm mua sách cổ về Đông Dương là cách làm tự nhiên, rất đỗi con người để tìm lại nguồn cội, tự hỏi mình là ai, từ đâu đến. Chính điều này góp phần làm gia tăng lượng khách Việt kiều.

Về phần thị trường Việt Nam, đúng là không có nhiều, thậm chí là gần như không còn nhiều sách tại Việt Nam, một mặt do các lý do chính trị, mặt khác do điều kiện khí hậu, ẩm ướt nên sách bị hư hỏng nhiều. Vì thế, rất nhiều ấn bản của trường Viễn Đông Bác Cổ và nhiều hội nghiên cứu Đông Dương, nếu không bị chính những người sở hữu trước hủy đi thì cũng bị hủy vì lý do chính trị, nếu không cũng bị mối gặm nhấm.

Hậu quả là những bộ sưu tập đẹp mắt và sinh động về Đông Dương không tồn tại ở Đông Dương nữa mà nằm ở Pháp. Đó là những tác phẩm được người Pháp hoặc người Đông Dương thời kỳ đó mang về Pháp.

RFI : Ông duy trì và mở rộng bộ sưu tập của mình như thế nào ?

Ghislain de La Hitte : Tôi tìm sách báo ở bất kỳ nơi nào có người bán. Có thể là ở những nơi công cộng như chợ hoặc các phòng bán, cũng có thể mua lại từ đồng nghiệp không chuyên về một khu vực địa lý như tôi. Họ khó bán được một cuốn sách chuyên về phương Đông trong khi tôi lại có những khách hàng tiềm năng.

Một nguồn cung cấp khác là các cá nhân. Tôi mua được cả bộ sưu tập của những người quá cố, thường là đàn ông, và vợ của họ bán bộ sưu tập sách đó đi. Đây là những trường hợp đặc biệt với những câu chuyện khá xúc động về cuộc đời họ, ví dụ họ chào đời ở Đông Dương và chỉ trở về Pháp trong những năm 1970 với bộ sưu tập sách của mình trong hành trang.

Thường họ sống ít nhất 40 năm ở Hà Nội, theo học trường Albert Sarraut, vì thế họ có rất nhiều điều muốn kể lại. Chính họ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng quý giá và xúc động về thời kỳ đó. Tiếc là những con người này giờ không còn nhiều nữa !

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 07/09/2018

Published in Văn hóa

Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm 2018, hai dự án điện mặt trời đầu tiên của Việt Nam và có quy mô lớn được khởi công tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án thứ nhất là nhà máy điện mặt trời BIM 1, khởi công ngày 23/01/2018, sẽ lặp đặt 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 35 ha, hàng năm sẽ sản xuất ra 50 triệu kWh điện. Dự án thứ hai là nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, được khởi công ngày 31/03, lặp đặt 162.000 tấm pin mặt trời trên diện tích gần 75 ha, sẽ sản suất gần 100 triệu kWh khi hòa vào lưới điện quốc gia.

solaire1

Một dự án năng lượng mặt trời tại Philippines của AC Energy, đối tác trong dự án BIM1 Việt Nam (@ayala-energyinfra.com)

Trước đó, chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy vào tháng 11/2016 do chi phí quá lớn, lên đến vài tỉ đô la cho mỗi lò phản ứng.

So với điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời có những lợi thế gì khi được phát triển ở Việt Nam ? Trả lời RFI tiếng Việt, ông Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, chuyên gia Kinh tế và Chính sách Năng lượng, giảng viên Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (Université des Sciences et des Technologies de Hanoi, USTH), giải thích :

"Ưu điểm rõ ràng nhất đó là đầu vào miễn phí. Yếu tố thứ hai đó là sự phát thải rất ít.Việt Nam là một nước nhiệt đới, vì vậy, tiềm năng về năng lượng mặt trời tại Việt Nam rất là tốt, kể cả phong điện vì chúng ta có một bờ biển dài hơn 3.000 km. Đặc biệt khu vực miền Trung - Nam Bộ và Nam Bộ có tiềm năng gió và mặt trời rất lớn. Đó là một thuận lợi khi chúng ta muốn phát triển phong điện hay điện mặt trời.

Tuy nhiên, khi quyết định phát triển một dạng năng lượng nào đó thì người ta phải tính toán đến rất nhiều yếu tố, ví dụ chi phí đầu tư, đảm bảo việc cung cấp điện có liên tục, có an toàn hay không. Đó là một bài toán rất tổng thể, vì vậy, ngay cả hiện nay, khi nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ điện mặt trời hay điện gió, thì việc triển khai trên thực tế cũng gặp một số trở ngại mà hiện nay, nhà nước cũng như các nhà đầu tư đang cùng nhau giải quyết vấn đề này".

Theo báo chí trong nước, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 48 dự án điện mặt trời, trong đó có 18 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Riêng tập đoàn Thiên Tân, theo báo Nhật Nikkei (05/02/2018), đã có 5 dự án tại tỉnh Ninh Thuận, từ nay cho đến năm 2020, với tổng trị giá gần 2 tỉ đô la. Theo dự kiến, nhà máy đầu tiên, có công suất 50 MW, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018, bốn nhà máy tiếp theo sẽ có công suất từ 200-300 MW. Còn tập đoàn TTC đề ra kế hoạch xây 20 dự án điện mặt trời, cho đến năm 2020, tại tỉnh Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW)…

Điện mặt trời : Từ quy mô nhỏ đến dự án nguồn năng lượng chính

Đúng là các tỉnh Trung-Nam Bộ và Nam Bộ thu hút các dự án điện mặt trời có quy mô lớn, vì có số giờ nắng cả năm trên 2.600 giờ, tổng lượng nhiệt gần 10.000 độ C, nhưng rất nhiều dự án nhỏ hơn đã được triển khai ở các tỉnh thành trên cả nước, như giải thích của chuyên gia Hoàng Anh :

"Theo như quy định hiện nay cho điện mặt trời thì những dự án điện nối với lưới điện ở quy mô gia đình cũng được hỗ trợ về mặt chính sách, cũng như hỗ trợ về mặt giá. Chính vì vậy, ở Hà Nội và một số tỉnh khác ở miền bắc, họ cũng xem xét phát triển những dự án đó ở quy mô từ gia đình, chứ không chỉ ở quy mô công nghiệp.

Thực ra ở quy mô gia đình, phải nói là gần như các tỉnh đều có, ngay cả các tỉnh miền núi phía bắc, nơi mà không ai nghĩ tiềm năng năng lượng mặt trời là nhiều, nhưng mà ở một số xí nghiệp làm nông nghiệp (như trồng cây trà, hoặc các cây nông nghiệp khác), họ cũng đã và đang phát triển những hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ cho chính việc sản xuất của họ.

Lấy một ví dụ ở Hà Nội, tòa nhà của Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội cũng có một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất là 119 KW. Họ đã vận hành từ trước đến nay và họ cũng đã đấu nối với lưới điện rồi. Tuy nhiên, trước đây những dự án như vậy chưa nhận được những hỗ trợ về mặt chính sách về giá nhưng giờ đây các dự án tương tự sẽ nhận được những hỗ trợ khuyến khích đó. Đó cũng là một điều cho chúng ta thấy ở các tỉnh thành khác ở miền bắc, hoặc là toàn quốc, cũng có khả năng phát triển dự án điện mặt trời công suất tương đối lớn hơn so với hiện tại".

Việt Nam đang cố gắng phát triển điện mặt trời thành một nguồn năng lượng chính của đất nước. Theo dự kiến, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 3,3% tổng công suất phát điện vào năm 2030, tiếp theo là chiếm 20% vào năm 2050. Tuy nhiên, thị phần năng lượng mặt trời hiện còn rất nhỏ :

"Thực tế là hiện nay, ngay cả phong điện, điện mặt trời, tức là những dạng năng lượng tái tạo mà không tính đến thủy điện, đều đóng góp một tỉ trọng rất nhỏ, dưới 1%, vào trong hệ thống. Chính vì vậy, Nhà nước mới có chính sách muốn phát triển nhiều hơn nữa để đáp ứng được cho nhu cầu phát triển điện trong thời gian tới khi mà nhu cầu ngày càng tăng và các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Trong tương lai, nó cũng là nguồn thay thế để chúng ta sử dụng, đáp ứng được nhu cầu. Còn hiện tại, chúng ta cũng đang phải giải quyết rất nhiều việc, từ kỹ thuật đến kinh tế, chính sách để làm sao cho những dự án này được phát triển một cách hiệu quả nhất".

Rút kinh nghiệm từ những nước đi trước

Điện mặt trời nói riêng, và năng lượng tái tạo nói chung, đã và đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới. Đây chính là một điểm thuận lợi cho Việt Nam vì có thể học hỏi kinh nghiệm và nhận được hỗ trợ từ những dự án trước đó.

"Có thể nói là không chỉ có điện mặt trời, mà cả phong điện, chúng ta nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các nước phát triển. Ví dụ từ Đức, họ đã có những chương trình về năng lượng tái tạo, và đặc biệt là điện gió, từ những năm 2008 ở Việt Nam.

Đối với điện mặt trời, nhiều tổ chức nước ngoài, như Ngân hàng Thế giới, hoặc các tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hoặc tổ chức phát triển của Mỹ, hoặc của Pháp AFD. Hiện AFD có những dự án về phát triển lưới điện cho Việt Nam hoặc những dự án tiết kiệm năng lượng, kể cả những dự án về năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Vào đầu tháng Năm (2018), AFD cũng tổ chức một số hội thảo hoặc một số buổi làm việc cùng với các nhà làm chính sách của Việt Nam, cũng như các công ty điện ở Việt Nam để tìm ra những hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.

Hoặc ngay từ những nước láng giềng như Thái Lan, là một nước rất thành công về phát triển năng lượng mặt trời ở khu vực Đông Nam Á. Tất cả để làm sao cho chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ, không chỉ là kinh nghiệm thành công, mà còn cả kinh nghiệm thất bại.

Ngay như Pháp, chúng ta có thể thấy là khoảng 5 đến 6 năm trước, cũng như Tây Ban Nha, họ phát triển năng lượng mặt trời rất nhiều, có nhiều chính sách hỗ trợ. Nhưng sau một thời gian, họ phải tạm ngừng những chính sách hỗ trợ đó để đánh giá lại bởi vì nhiều khi ra một chính sách, không thể khẳng định được rằng nó tốt ngay lập tức được mà phải qua quá trình thực hiện, sau đó mới biết được chính sách đó có tốt hay không và cần bổ sung, chỉnh sửa như nào cho phù hợp với thực tế của từng nước.

Đây cũng chính là một thuận lợi của Việt Nam và hiện nay chúng ta vẫn đang trong giai đoạn hợp tác với các nước để xem làm thế nào có được một chiến lược phát triển tốt nhất cho năng lượng tái tạo nói riêng, cũng như năng lượng cho Việt Nam nói chung".

Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích được người dân tự sản xuất và sử dụng điện mặt trời, một mặt nhờ giá thành của các tấm pin mặt trời ngày càng giảm, mặt khác nhờ chính sách mua điện mặt trời dư thừa :

"Sử dụng năng lượng mặt trời ở các hộ gia đình đã có từ lâu rồi, khi mà họ chuyển năng lượng mặt trời sang nhiệt để sử dụng trong bình nước nóng. Và đến thời gian gần đây, khi mà điện mặt trời phát triển với sự phát triển về mặt kỹ thuật, có nghĩa là có tiềm năng lớn, rồi công nghệ phát triển, khiến cho là pin năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, thì người dân đã bắt đầu sử dụng.

Nhà nước cũng thấy đây là một lĩnh vực tiềm năng và cũng muốn hỗ trợ cho người dân. Chính vì vậy mà có chính sách từ tháng 06/2017, nếu hộ dân có những tấm pin năng lượng mặt trời kết nối với lưới điện thì Nhà nước cũng trợ giá. Chính vì vậy mà năng lượng mặt trời trong các hộ gia đình cũng rất tăng hiện nay".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 16/05/2018

Published in Văn hóa

Việt Nam là một trong những nước có số người sử dụng mạng xã hội Facebook nhiều nhất trên thế giới, với 64 triệu tài khoản, chiếm 3% số người dùng toàn cầu. Facebook không chỉ rất phổ biến trong giới trẻ Việt Nam, mà người trưởng thành, kể cả người có tuổi, cũng sử dụng mạng xã hội Facebook.

facebook1

Logo của mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa. Reuters/Dado Ruvic

Mục đích chủ yếu là giao lưu, tương tác với nhau, tìm kiếm thông tin, đặc biệt từ những người thân, những người có cùng định hướng, cùng mối quan tâm trên Facebook hoặc để đáp ứng các nhu cầu khác, như giải trí, kinh doanh online trên Facebook.

Sau tai tiếng công ty Cambridge Analytica khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook, trong đó có 427.446 tài khoản của người Việt, chủ yếu đăng ký tại Mỹ, người Việt đánh giá sự việc như thế nào và có cảm thấy lo sợ về việc thông tin cá nhân của họ cũng có thể bị đánh cắp hay không ? RFI tiếng Việt đã có dịp trao đổi với tiến sĩ Trần Hoàng Nam, chuyên gia tâm lý, hiện giảng dạy tại Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Facebook : "Cảnh sát xã hội"

Không thể phủ nhận được những tiện ích của mạng Facebook. Ngoài ra, tại Việt Nam, Facebook còn được sử dụng như một phương tiện truyền thông có sức lan tỏa rất nhanh. Nhiều vụ tai tiếng như cô giáo phạt đánh học sinh hoặc bảo mẫu tát, lắc trẻ nhỏ khi cho ăn, bạo lực học đường… thường được truyền tải trên Facebook trước khi báo chí và truyền thông chính thức nhập cuộc. Ông Trần Hoàng Nam nhận xét :

"Rõ ràng Facebook là một mạng xã hội phản ánh thông tin của họ rất là nhanh và cũng có thể là bị định hướng theo một trào lưu gì đấy. Thậm chí bây giờ, Facebook còn được xem như là "cảnh sát xã hội". Bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo và đưa tin. Tuy nhiên, những thông tin của họ có thể là những thông tin một chiều, chỉ nhìn những sự kiện thôi mà không nhìn thấy quá trình diễn ra trước đó và sau đó.

Đó là chưa kể, đôi khi, những thông tin đưa lên, họ có thêm mắm dặm muối vào. Và có những thông tin chúng ta đã thấy và chứng kiến, đó là những thông tin giả, thông tin sai sự thật, được đưa lên với mục tiêu là thu hút sự chú ý của những người quan tâm. Thậm chí, ở một khía cạnh nào đấy, vì những mục tiêu cá nhân nào đó, họ cũng gây hoang mang cho xã hội".

Nhận thức bảo mật dữ liệu cá nhân còn kém

Tại Việt Nam, vụ tai tiếng tiết lộ thông tin chỉ được đề cập tức thời, dấy lên trong một khoảng thời gian, còn dư luận xã hội lại tập trung vào vấn đề khác, theo quan sát của chuyên gia tâm lý Trần Hoàng Nam.

Trong tổng số 87 triệu tài khoản Facebook bị công ty Cambridge Analytica khai thác trái phép, có hơn 427.000 tài khoản của người Việt, chủ yếu đăng ký ở Mỹ. Theo bà Võ Dương Tú Diễm, đại diện một công ty bảo mật ở Việt Nam, "nếu Cambridge Analytica có chủ đích khai thác người dùng Việt Nam, họ có thể thu thập đến hàng chục triệu người dùng rất dễ dàng, bởi đông đảo người dùng Việt rất chủ quan khi dùng Facebook". Đây cũng là nhận định của tiến sĩ Trần Hoàng Nam :

"Cá nhân tôi, tôi thấy rằng ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng còn kém. Họ không ý thức được mức độ trầm trọng của nguy cơ lây nhiễm mã độc lấy thông tin cá nhân của mình. Tôi cũng thấy rằng, nhìn chung, năng lực thông tin và truyền thông của một số người Việt là cũng chưa được nhận thức đầy đủ. Đối với những người mà tôi được tiếp xúc, họ thậm chí không biết cách sử dụng các cách phân quyền, cách mã hóa lưu trữ dữ liệu dưới dạng mật mã. Còn ở trong trường học, những kỹ năng về năng lực thông tin truyền thông cũng không được đưa vào trong chương trình học phổ thông.

Liên quan đến thói quen, cá nhân và một số công ty cũng ít chịu đầu tư vào các giải pháp bảo vệ, phòng chống việc lộ thông tin. Có nhiều nơi, tôi thấy là họ không có ý thức về bản quyền, chủ quyền của các phần mềm bảo vệ và toàn dùng các phần mềm "fake" (giả) và chính những phần mềm "fake" đấy cũng có thể là những phần mềm đã cài sẵn mã độc.

Về những thói quen xấu của người Việt, ví dụ sử dụng thẻ USB thì họ cắm USB từ máy tính này đến máy tính khác. Rồi mở email ở ngoài hàng để in thì lại quên thoát ra khỏi email đó trước khi dời đi. Đến mật khẩu, họ cũng chỉ dùng một mật khẩu cho các loại tài khoản. Khi lựa chọn mã số cho mật khẩu thì toàn sử dụng những số dễ nhớ, như toàn số 0, hoặc tám số 8.

Có nhiều người có ý muốn thích khoe, mạnh hơn là ý thức về việc bị lộ thông tin cho nên ví dụ, khi apply có được visa đi Mỹ chẳng hạn thì chụp ảnh cả cái visa, với tất cả thông tin, số liệu đều đăng lên trên đó hết, không che giấu gì cả".

Facebook : Bạn tâm giao

Thực ra, người sử dụng các mạng xã hội có thể hạn chế khả năng tiết lộ thông tin cá nhân, như đóng chế độ công khai, chỉ để bạn bè của mình xem. Họ cũng có thể hạn chế "check-in", "cúng Facebook", những cụm từ vẫn được dùng để "khoe" thông tin về địa điểm, thời gian, thói quen riêng tư... Ông Trần Hoàng Nam giải thích :

"Có nhiều người coi Facebook cứ như người bạn cho nên là Facebook hỏi gì thì mình cứ trả lời thôi, rất là thật thà ! Tôi thì nghĩ rằng một số người khi tiếp cận với thế giới mạng xã hội Facebook, cứ đặt mình vào chỉ với tư cách cá nhân, chứ không đặt mình vào trong hệ thống. Vì vậy, mảng thông tin của anh cứ để hết trên mạng mà không có các biện pháp bảo mật. Họ không hiểu được rằng tài khoản của mình bị haker phá, rồi tất cả những người bạn, cả một hệ thống những người liên quan, họ cũng bị như vậy.

Cũng có thể có những người bắt đầu ý thức được là thông tin cá nhân không phải là điều dễ dàng mà chia sẻ đâu. Thế nhưng, họ lại không cưỡng lại nổi một số cái gọi là "cảm xúc tích cực" khác bằng việc chia sẻ thông tin. Chẳng hạn như tôi vừa apply được visa đi Mỹ, vui quá, tặc lưỡi một cái, thế là đưa thông tin đó lên trên mạng. Hoặc là bạn bè nào đấy hỏi số điện thoại cá nhân của bạn là gì cho tôi liên lạc, họ cũng quên mất, hứng thú quá, không gửi riêng hay inbox mà cứ gửi trực tiếp lên mạng xã hội. Đúng là vẫn có những hiện tượng như thế.

Vụ bê bối của Facebook cũng chỉ là một hồi chuông dấy lên, mọi người bắt đầu quan tâm hơn đối với việc việc bảo mật của Facebook. Nhưng sau đấy, những sự kiện khác ập đến, rồi những thói quen, những ý thức chưa được cao, việc quan tâm chưa đọng lại trong họ".

Tiện ích trước, bảo mật sau

Ở Việt Nam, có một lĩnh vực phát triển mạnh, không thể chối cãi được, đó là bán hàng online trên Facebook. Tiện ích ở chỗ, người mua nhận được những quảng cáo trên trang chính, đúng sở thích của họ, như thời trang, mỹ phẩm, nội thất... Họ có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên bài đăng hoặc hỏi qua "chat" messenger. Thành công của bán hàng online nói riêng và việc truyền tin đến đối tượng có cùng mối quan tâm nói chung, một phần có được là nhờ quảng cáo dựa trên phân tích thói quan, tâm lý của người dùng. Người sử dụng Facebook tại Việt Nam có sợ việc dữ liệu cá nhân của họ bị khai thác không ? Tiến sĩ Trần Hoàng Nam giải thích :

"Tôi nghĩ rằng có một số người ý thức được vấn đề đấy. Nhưng mà chúng ta có một tâm lý, là những gì phải lo xa xa thì chúng ta lại hay quên mất. Chúng ta chỉ nhìn vào những cái ngắn hạn thôi, như là hút thuốc thì làm tăng tỉ lệ ung thư nhưng mà chúng ta chẳng bao giờ sợ ung thư cả nên vẫn hút thuốc hàng ngày vì nó đem lại một cảm giác thích thú...

Đấy là chưa kể họ cũng coi nhẹ. Ví dụ họ nói rằng vì mình khai thông tin rất thật thà cho mạng xã hội như vậy, thì cái chuyện đấy giúp cho mỗi lần vào mạng, mình đỡ phải tìm kiếm thông tin gì vì máy tính ,với trí tuệ nhân tạo, đưa ra những một thông tin gần nhất với mong muốn của mình, sở thích của mình. Đấy cũng là một tiện nghi. Nhiều người lại coi trọng tiện nghi đấy hơn là nguy cơ, có thể là xác suất nhỏ. Đấy chính là lý do khiến một số người, mặc dầu ý thức được nguy cơ, nhưng rất ít người bỏ Facebook sau sự kiện vừa rồi".

Cảm giác chơi vơi, lạc hậu vì không có Facebook

Một xã hội không Facebook liệu có thể xảy ra ở Việt Nam hay không ? Người dùng mạng xã hội sẽ phản ứng ra sao nếu giả sử bỗng dưng một ngày Facebook đóng cửa hoặc ngừng hoạt động ở Việt Nam ? Tiến sĩ Trần Hoàng Nam và nhóm đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc điều tra và phân tích "72 giờ không sử dụng Facebook" và kết quả khá thú vị :

"Nghiên cứu này được triển khai đầu tiên là khảo sát đại trà và cho thấy rằng mức độ bạn trẻ, sinh viên, học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở, gắn bó với Facebook khá là nhiều. Tất cả những gì về thời trang, những định hình, nhận diện về bản sắc của bản thân đều được các bạn xác định thông qua Facebook và thông qua phản hồi của mọi người trên Facebook, cũng như là theo xu hướng thời trang được cập nhật dựa theo xu hướng mà các bạn thấy ở trên Facebook.

Và khi thực hiện "72 giờ không sử dụng mạng Facebook", có một điểm thú vị là trong 24 giờ đầu, mặc dầu đã cam kết không vào Facebook, nhưng gần 50% những người cam kết lại vi phạm, vào Facebook và họ có những lý do này, lý do khác để giải thích việc đó. Rồi cảm giác lo âu, cảm giác mình lạc hậu, mất kết nối, không còn biết được mọi thứ xung quanh, làm tăng cảm giác lo lắng và tự tiêu cực ngay trong vòng 24 giờ đầu.

Với cách thức như vậy, tôi nghĩ rằng nếu mạng xã hội Facebook bị đóng cửa ở Việt Nam, nó sẽ gây ra một số hệ lụy về mặt cảm xúc đối với cả giới trẻ. Có thể là sau đấy, giới trẻ họ sẽ tìm được một mạng xã hội khác để kết nối với nhau. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, thì kết nối thực sự là không thể đảo ngược. Có thể là không biết như thế nào, nhưng nếu chúng ta quản lý tốt, thì có thể Việt Nam có một số mạng xã hội riêng, cách thức quản lý giống Trung Quốc. Lúc nào đấy có thể tình hình sẽ khác, mọi người sẽ xây dựng một thói quen mới".

Facebook sẽ tiếp tục tương lai sáng lạn ở Việt Nam, vì người dùng mạng xã hội này vẫn chuộng những ứng dụng tiện lợi của Facebook, ngồi một chỗ mà cập nhật được thông tin từ khắp nơi. Ngoài ra, Facebook chưa bị đánh thuế thu nhập ở Việt Nam vì một số ý kiến cho rằng nhờ những công cụ này mà các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ngày càng có cơ hội được sử dụng miễn phí dịch vụ mà các nhà công nghệ này cung cấp để gây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư. Và như vậy, người sử dụng Facebook ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục là đối tượng để quảng cáo có chọn lọc nhắm đến.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 07/05/2018

Published in Diễn đàn

Pháp trở thành điểm hấp dẫn du học sinh quốc tế thứ tư trên thế giới trong năm 2017 sau Mỹ, Úc và Anh - ba nước sử dụng Anh ngữ vẫn thu hút đông đảo sinh viên Châu Á.

duhoc1

Đại học Sorbone, Paris. RFI tiếng Việt

Theo kết quả nghiên cứu của Campus France/Sofres, 93% sinh viên nước ngoài hài lòng về thời gian lưu học tại Pháp, 92% sẵn sàng giới thiệu nước Pháp với bạn bè.

Đây là một trong những thành quả đầu tiên trong suốt 5 năm nỗ lực cải thiện chất lượng đón tiếp và quảng bá với 10 lợi thế của ngành giáo dục-đào tạo Pháp. Trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo được Nhà nước tài trợ học phí, hệ thống 3.500 trường đại học công và tư trên khắp đất nước, điều kiện sống thoải mái giữa lòng Châu Âu, cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới, môi trường thuận lợi cho sáng chế và cho các chủ doanh nghiệp trẻ…

Trả lời RFI, ông Olivier Chiche-Portiche, giám đốc điều phối địa lý của Campus France, giải thích :

"Có 83% trong số gần 15.000 sinh viên nước ngoài được Sofres phỏng vấn, đề cao chất lượng đào tạo đại học tại Pháp và sự đa dạng về lựa chọn ngành học, kể cả một số ngành học bằng tiếng Anh. Học bằng tiếng Anh tại Pháp nghe có vẻ lạ, nhưng đúng là ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đào tạo đại học ở Pháp. Tôi nghĩ rằng chất lượng và môi trường tiếng Pháp là hai yếu tố giúp nước Pháp trở thành một lựa chọn khác biệt".

Du học Pháp thu hút nhờ tài trợ của Nhà nước

Vậy lý do gì đã giúp Pháp thu hút ngày càng đông đảo sinh viên nước ngoài ? Trước hết phải kể đến các khoản phí mà sinh viên phải nộp hàng năm, không thấm tháp vào đâu so với các nước dùng Anh ngữ, nhờ chính phủ tài trợ phần lớn chi phí thực sự dành cho đại học là 14.000 euro mỗi năm cho mỗi sinh viên.

Adja Marieme Sy, 19 tuổi, nữ sinh viên Sénégal, phó chủ tịch Hội Sciences Po khu vực Châu Phi, cho RFI biết đã cân nhắc nhiều giữa Pháp và Canada :

"Với bạn bè, chúng tôi thảo luận với nhau khá nhiều ngay khi học cấp III, vấn đề được đặt ra thường là chi phí và chúng tôi có thể chịu đuợc chi phí tại Pháp vì có khá nhiều chương trình học bổng. Nhưng đúng ngày càng có nhiều người nghĩ đến Canada, vì họ cũng có chương trình giảm học phí. Tôi có một số bạn bè đã đến Canada vì khá nhiều trường đại học tại đó soạn thảo chương trình đào tạo dành riêng cho sinh viên Châu Phi, hoặc chấp nhận một số tín chỉ để sinh viên Châu Phi không phải học lại một số môn khi đến Canada. Còn tôi chọn Pháp do chi phí, rất hấp dẫn. Và nếu so sánh về chi phi và chất lượng, nước Pháp có lợi thế hơn và còn có chương trình bảo hiểm y tế".

duhoc2

Trường đại học HEC Paris, năm 2014.Wikipedia

Không chỉ có Adja Marieme Sy chọn du học Pháp vì chi phí thấp, Thành Long, sinh viên ngành Tin học trường Paris VI-Pierre et Marie Curie và Tuấn Khang, sinh viên ngành Toán ứng dụng trường Paris VII-Diderot, có cùng quan điểm này khi trả lời RFI tiếng Việt :

"Cháu được biết là Pháp có chính sách hỗ trợ cho sinh viên, Thành Long giải thích, và điều quan trọng nhất là chi phí du học không quá cao so với các nước Anh, Mỹ, Úc. Cháu bắt đầu đi du học Pháp vào năm 2016. Học phí hàng năm mà sinh viên phải đóng vào khoảng 184 euro một năm, đó chỉ là phí ghi danh, còn lại học phí gần như được Nhà nước trả hết. Vì vậy, với điều kiện kinh tế của gia đình cháu, cháu quyết định chọn nước Pháp là hợp lý nhất".

Từng học song ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn Khang cho biết đã nghĩ đến du học Canada, nhưng cuối cùng quyết định chọn Pháp :

"Mấy nước Châu Âu thì học phí được bao trọn gói. Nhìn theo góc độ hạn hẹp của con, không biết các nước khác thế nào, nhưng nước Pháp tạo khá nhiều điều kiện cho sinh viên du học ở bên này. Về mặt học tập, chính phủ Pháp tài trợ gần như 100% tiền học phí, chỉ đóng mỗi năm khoảng 400 euro thôi, đó là tiền về cơ sở hạ tầng học tập, chủ yếu là tiền bảo hiểm y tế. Kế tiếp là về mặt ăn ở, có hỗ trợ của chính phủ về nhà ở (CAF), nên với 400 euro mỗi tháng là mình có thể đủ sống rồi".

Ngoài hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở, mỗi sinh viên, không phân biệt Pháp hay nước ngoài, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn phí tham quan bảo tàng, giảm một nửa giá vé xem kịch, xem phim, giảm một nửa vé tầu xe công cộng...

Dù chi phí dành cho mỗi sinh viên rất lớn, tại sao Pháp vẫn quyết cạnh tranh với nhiều nước khác để thu hút du học sinh ? Ông Olivier Chiche-Portiche giải thích :

"Bởi vì đó là một cơ may cho nước Pháp, là sự tỏa sáng của nước Pháp, mà người ta vẫn gọi là "quyền lực mềm". Đó là khả năng xây dựng cầu nối với sinh viên, với những cựu du học sinh tại Pháp. Sau khi họ về nước, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ thông qua cổng thông tin Alumni. Nước Pháp hiểu rõ những thách thức trong lĩnh vực nghiên cứu hiện nay : 41% những người đang làm tiến sĩ tại Pháp là nghiên cứu sinh nước ngoài".

Hài lòng về chất lượng đào tạo, chi phí học tập và cách đón tiếp nhưng sinh nước ngoài vẫn gặp một số khó khăn trong chi phí sinh hoạt hàng ngày, theo kết quả điều tra của Sofres : 39% cho rằng chi phí sinh hoạt quá đắt, 44% cho rằng tiền thuê nhà ở mức cao, đặc biệt tại Paris. Vậy họ xoay sở như thế nào trước những khó khăn tài chính và nhà ở ? Thành Long giải thích :

"Theo quy định về thẻ cư trú (titre de séjour) của sinh viên thì cháu được làm thêm tối đa 18 giờ mỗi tuần. Đi làm thêm ở Pháp sẽ có thể chi trả được phí nhà ở hoặc là sinh hoạt hàng ngày.

Có rất nhiều công việc làm thêm, như trông trẻ, phục vụ ở các quán ăn hoặc mình có thể làm ở các tiệm ăn nhanh McDonald, KFC. Như cháu, cháu đang làm thu ngân trong siêu thị. Nói chung, mình sẽ có thể chọn được rất nhiều nghề để làm, nó phụ thuộc vào sở thích và khả năng của mình".

Theo nhận định của Tuấn Khang, các bạn sinh viên qua Pháp không phải lo về vấn đề làm thêm, "đặc biệt là ở Paris, kiểu gì cũng kiếm được việc và mức lương đó đủ sống. Nhưng bù lại nếu bạn làm việc nhiều thì bạn phải tranh thủ học vào lúc đêm hoặc những lúc rảnh rỗi khác".

duhoc3

Một quầy trong ngày hội tư vấn du học Pháp 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh.Campus France Vietnam

Hiện tượng "sốc ngược" ?

Khi bước vào năm đầu đại học, sinh viên nước ngoài thường chỉ mới 17-18 tuổi. Còn quá trẻ, chưa kinh nghiệm, vì vậy, bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà đối với họ là cả một quá trình khó khăn và có cả "sốc ngược" vì hình ảnh nước Pháp và cuộc sống phương Tây không trọn vẹn như những gì họ tưởng, theo giải thích của Chiều Xuân, nữ sinh 19 tuổi, đang học kỹ năng ngôn ngữ tại Paris :

"Cháu thích nước Pháp, kiến trúc ở Pháp, rồi cũng đọc trên báo kiểu Pháp lãng mạn, kinh đô thời trang, nhưng lúc cháu đến, thấy không như cháu tưởng tượng. Ở đây, cháu thấy mọi người sống hơi "công nghiệp" một chút, mọi người chỉ sống cho mình, sống theo kiểu độc lập. Ở Việt Nam, mọi người sống theo kiểu cộng đồng, gia đình.

Cháu đi du học, có những lúc mình không biết phải làm gì, không ai giúp đỡ, đôi lúc cháu cảm thấy tủi thân và khó khăn, thì mình phải tự giúp bản thân mình".

Với Thành Long, ngoài rào cản ngôn ngữ, hòa nhập với môi trường đại học và xã hội là trở ngại lớn trong hai năm đầu đại học tại Pháp :

"Khó khăn đầu tiên mà bất cứ sinh viên nước ngoài nào, không chỉ sinh viên Việt Nam nói riêng, đó chính là vấn đề rào cản ngôn ngữ. Khó khăn thứ hai khi đi học, đó là sự khác biệt giữa văn hóa Châu Âu và Châu Á. Cháu đã gặp rất nhiều khó khăn để kết bạn với các bạn sinh viên bên này. Nhưng sau khoảng gần hai năm đi học, cháu cũng bắt đầu dần dần thích nghi được và cũng đã kết bạn được một chút. Đó là những khó khăn sinh viên gặp phải khi mới sang".

Nhưng chắc hẳn cũng có nhiều sinh viên đã chuẩn bị tinh thần trước khi du học Pháp, như trường hợp của Tuấn Khang :

"Con đọc nhiều bài báo thấy nhiều người thất vọng khi đặt chân đến Pháp, vì họ cứ tưởng nước Pháp mầu hồng hay là việc học đều sẽ thuận lợi. Khi con hình dung về nước Pháp, con chỉ hình dung qua phim thôi, là nó đẹp, nó nguy nga, nó tráng lệ. Nhưng mà con không đòi hỏi nhiều, cái quan trọng ở đây là mục đích mình tới học tập, chứ không phải mục đích là tới du lịch nên con không đòi hỏi, con không bị sốc như nhiều người, nhiều bài báo đăng tin bi quan, đau khổ gì đó".

Trong những năm gần đây, Pháp nỗ lực quảng bá lợi thế và chất lượng đào tạo đại học. Khoảng 220 văn phòng Campus France trên khắp thế giới đóng vai trò cầu nối và thông tin giữa tân du học sinh quốc tế, trong đó Việt Nam có hai văn phòng chính ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hai chi nhánh ở Huế và Đà Nẵng.

Ngoài ra, để giữ liên lạc với khoảng 100.000 sinh viên quốc tế hàng năm tốt nghiệp hệ thống đại học Pháp, Campus France đã thành lập "France Alumni", cổng thông tin điện tử giúp các cựu sinh viên kết nối và chia sẻ dự án với nhau, cũng như giúp nước Pháp xích lại gần với cuộc sống và sự nghiệp của họ. Khoảng 67% cựu du học sinh nước ngoài, sau khi học xong tại Pháp, tìm được việc làm ở một nước khác vẫn giữ quan hệ với nước Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 04/05/2018

Published in Văn hóa

Nam Kỳ là cái nôi của nền báo chí Việt Nam - với một loạt công báo tiếng Pháp và tờ báo quốc ngữ đầu tiên, Gia định báo, ra đời năm 1865, sau đó là sự phát triển của báo chí tư nhân, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Báo chí xuất hiện ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỷ XIX, bắt đầu từ công báo, sau đó là những tờ báo tư nhân nhưng cũng là cơ quan ngôn luận của chính phủ thuộc địa.

baochi1

(Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới)

Bìa của tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo, tòa soạn Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn) và trụ sở Avenir du Tonkin (Hà Nội). RFI tiếng Việt

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được thông tin qua phương tiện này, do đa phần người dân mù chữ (chữ Hán), trong khi tiếng Pháp chỉ được sử dụng trong một bộ phận nhỏ (giới phiên dịch), vì người dân coi là chữ của kẻ xâm lược, còn chữ quốc ngữ chưa được phổ biến. Tuy nhiên, chữ quốc ngữ lại là chữ viết được chính quyền thuộc địa cũng như giới trí thức ủng hộ phát triển, vì dễ học và dần sẽ tách được Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Hán học.

Đặt báo tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ

Tại Nam Kỳ, đến đầu thế kỷ XX, tất cả công báo đều do đích thân chính quyền thuộc địa đảm nhiệm. Mỗi địa phương trích ngân sách để đặt mua công báo hoặc kỉ yếu của các hội. Sau đó, báo sẽ được phân phát về từng cơ quan, trường học và các văn phòng địa phương. Tư nhân có thể đặt mua trực tiếp với nhà in và đến bưu điện nhận báo.

Sans titre

Báo Lục Tỉnh Tân Văn (Sài Gòn)

Ngay năm 1869, Trương Vĩnh Ký, với tư cách là tân chánh tổng tài, đã nhắc đến cách hùn tiền đặt báo trong phần Tạp Vụ của Gia-Định báo số 20 (ngày 24/09/1869) :

"…Khuyên ai nấy mua lấy nhựt trình nầy mà coi, một tháng một quan sáu hay là một quan bảy thì chẳng bao nhiêu để xài việc khác có khi chẳng ra ích gì. Mà như trong làng nào người ta không được giàu cho mấy thì ba chủ hiệp lại chung tiền cho một người đứng mua.

Những kẻ muốn mua nhựt trình thì phải tới mà mua hay là sai người nhà tới tại dinh quan thượng thơ nói cho thông ngôn biên tên biên chỗ ở, lại lãnh cái giấy mà lên kho đóng bạc rồi về nhà, chẳng còn lo chi nứa, và cả năm sẽ được nhựt trình người ta gởi cho mà coi chẳng sai. Những người khác tỉnh, khác phủ thì cũng làm như vậy tại dinh quan tham biện sở tại mình".

baochi3

Nam Phong Tạp Chí (Hà Nội)

Kể từ năm 1881, khi tự do báo chí được áp dụng ở Nam Kỳ, mạng lưới các nhà sách phát triển khá nhanh tại Sài Gòn. Và để công báo được ký gửi bán tại tiệm của mình, chủ hiệu sách làm đơn gửi đến phòng Nội Vụ (phòng Ba) của chính phủ. Đối với một số làng quá nghèo, chính phủ cấp báo miễn phí để đảm bảo chính sách tuyên truyền, như quyết định ngày 03/07/1905 của thống đốc Nam Kỳ, dùng ngân sách địa phương để cấp công báo cho 5 làng nghèo nhất ở mỗi tỉnh.

baochi4

Báo Phụ Nữ Tân Văn (Sài Gòn)

Tại Bắc Kỳ, sau khi bình định và thành lập Liên bang Đông Dương, công báo được giao trực tiếp cho tư nhân in ấn, cụ thể là François-Henri Schneider. Chính quyền thuộc địa cung cấp thông tin và công văn để in trong báo. Cho đến những năm 1920, ngoài những tờ công báo bằng tiếng Pháp, Bắc Kỳ có tổng cộng 7 tờ báo tư nhân bằng chữ quốc ngữ, kiêm luôn vai trò "cơ quan ngôn luận" của chính quyền thuộc địa, trong đó 6 tờ thuộc về F. H. Schneider. Cũng như Sài Gòn, có hai cách đặt báo tại Bắc Kỳ : trích ngân sách địa phương đặt báo và tư nhân đăng ký mua báo.

Để phổ biến rộng rãi thông tin và "định hướng công luận", thống sứ Bắc Kỳ vừa trả tiền đặt mua một số lượng báo hàng năm, vừa trả phí đăng tin. Ví dụ, với tờ Đại-Nam đồng-văn nhật-báo, thống sứ Bắc Kỳ chi 5.000 đồng Đông Dương để đặt 5.000 bản trong giai đoạn 1891-1902, sau đó là 16.000 đồng Đông Dương cho 10.000 bản từ 1903-1906.

baochi5

Báo Thần Chung Xuân Giáp Ngọ 1954 (Sài Gòn)

Hầu hết các tờ báo đều được in thành khổ lớn, một mặt, để có thể dán tại đình làng nhằm thu hút sự tò mò của người dân. Danh sách số lượng đặt báo của mỗi tỉnh do phủ thống sứ Bắc Kỳ lập và sau đó được gửi đến ông F. H. Schneider. Nhà in tự in địa chỉ và gửi báo đến tận tay người đặt theo danh sách được cấp : tri huyện, tri châu, tri phủ, đốc học, tuần phủ, quan án, tổng đốc tại các tỉnh Bắc Kỳ.

Tham nhũng và tắc trách

Báo cũng được giao đến quan lại ở các tỉnh để đội lệ phân phát đến các làng. Tại đây, lý trưởng là người chịu trách nhiệm dán báo ở đình làng để phổ biến thông tin. Ngay trong giai đoạn này đã xảy ra tình trạng tham nhũng. Tại một số tỉnh miền Bắc, các quan huyện hay nhân viên hành chính bản địa, chịu trách nhiệm đưa báo về các làng (như trường hợp tờ Đăng-Cổ tùng-báo), đã bắt các làng phải trả ít nhất một quan tiền cho mỗi số báo.

Ngoài ra, chính quyền thuộc địa cũng nhận thấy nhiều đội lệ lười phân phát báo mà để tích vài tuần trong trại lính. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền buộc mỗi phủ, huyện, Châu phải lập sổ phân phát báo, ghi rõ ngày ra báo và ngày phát báo để kiểm soát thực và quy trách nhiệm cho người không làm tròn nhiệm vụ.

Ngoài ra, từ đầu thế kỷ XX, các cá nhân có thể mua báo tại hai cửa hàng sách ở Hà Nội : một của nhà Schneider và một của Crébessac. Ông chủ nhà in Schneider còn có một cửa hàng sách khác ở Hải Phòng. Ngoài những tờ công báo, độc giả có thể mua được Extrême-Orient(thành lập năm 1894), L’Avenir du Tonkin

Bán báo dạo - ki-ốt báo

Báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ năm 1927 nhờ lực lượng "tân học" và chữ quốc ngữtrở thành chữ viết quốc gia. Nhiều tờ báo quốc ngữ tư nhân ra đời và cạnh tranh nhau khốc liệt. Thông tin liên tục được cập nhật nhờ đội ngũ cộng tác viên rộng khắp và kỹ thuật truyền thông hiện đại. Để bán được nhiều báo nhất, các nhà in, chủ báo tuyển đội ngũ bán báo dạo, với khoản thù lao ít ỏi, len lỏi vào mọi ngõ ngách của thành phố.

Chính vì vậy, chính quyền đã phải áp dụng sắc lệnh ngày 04/12/1927 về việc rao bán báo và bán báo trên hè phố tại Bắc Kỳ. Người bán báo phải làm đơn xin phép trước và cung cấp thông tin cá nhân nghề nghiệp, nguyên quán… ; tám ngày sau đó, họ sẽ nhận được thẻ hành nghề. Từ ngày 20/5/1937 đến 06/08/1940, thống sứ Bắc Kỳ đã cấp miễn phí 79 thẻ bán báo (1).

Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa cho rằng những quy định này quá tự do và gây ra nhiều phiền toái, từ trộm cướp đến truyền đơn (2) gây mất trật tự và xúi giục kích động. Đến năm 1937, chính quyền Bắc Kỳ chấm dứt quyền tự do bán báo, nhưng vì không thể đi ngược với đạo luật tự do báo chí năm 1927, nên thẻ hành nghề chỉ được cấp cho những người đã được điều tra rõ ràng về lý lịch và đạo đức và có thể bị từ chối nếu người xin cấp thẻ chưa từng hành nghề bán báo. Chính quyền hoàn toàn có quyền rút thẻ hành nghề của người bán báo gây rối trật tự. Thành phố cũng cấm rao báo, chào mời, bấm chuông, đánh gõ bất kỳ phương tiện gì gây ồn để thu hút khách. Những người bán báo phải ngừng hoạt động trên đường phố từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Song song với nghề bán báo dạo, ngay năm 1933, thành phố Hà Nội cũng dự định xây nhiều ki-ốt cố định bán sách báo. Danh sách được lập gồm 25 ki-ốt được lập thành 5 lô, ví dụ như ở góc phố Hàng Than và kè Paul Doumer, góc phố Hàng Khoai và phố Hàng Giấy, Cửa Bắc thành Thăng Long trên đại lộ Carnot (Cửa Bắc)… Mỗi cá nhân có thể thầu một hoặc nhiều lô với thời hạn hợp đồng 2 năm. Dù có thể là thủ công, không đẹp bằng những ki-ốt báo ở Paris, nhưng kích thước ki-ốt cũng được quy định chặt chẽ :

"Ki-ốt có thể là hình tròn, sáu cạnh hoặc tám cạnh ; kích thước của đế ki-ốt không được vượt quá chu vi 1,50 m. Các sạp gỗ không được nhô ra ngoài quá 1,70 m và mái không được cao qua 2 m. Nền của ki-ốt phải cao khoảng 20 cm so với mặt đất để có thể quét dọn dưới gầm" (3).

Từ những năm 1930, nghề in, nghề báo và nghề xuất bản phát triển nhanh hơn nhờ đội ngũ "tân học" và du học sinh từ Pháp trở về. Cũng từ thời điểm này, kiểm duyệt được áp dụng chặt chẽ hơn, sẵn sàng cắt bỏ những phần bị cho là nhạy cảm, tác động đến danh tiếng của chính phủ thuộc địa. Và cũng từ thời điểm này, sách báo mang tư tưởng phương Tây, tuyên truyền chống Pháp cũng được bí mật truyền tay nhau, một phần nhờ đội ngũ bán báo dạo.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 09/04/20148

***

(1) CAOM, Résidence supérieure du Tonkin (RST), hồ sơ 612.

(2) CAOM, Résidence supérieure du Tonkin (RST), hồ sơ 581.

(3) Hà Nội, Fonds de la Mairie de Hanoi, hồ sơ 2606.

Published in Văn hóa

An Bình, Cô Tô, Ba Bể, Mũi Né, Hội An, Phú Quốc, Sơn Đoòng… những địa danh của Việt Nam được công ty khởi nghiệp N’Go (Pháp) đặt tên cho sản phẩm giầy độc đáo bán trên thị trường Pháp. Toàn bộ khâu sản xuất đều được làm ở Việt Nam dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người dân tộc Thái trắng ở hai hợp tác xã tỉnh Nghệ An và tỉnh Hòa Bình, còn khâu đóng gói thành phẩm được làm ở Hà Nội.

giay1

Một phụ nữ Thái trắng, thành viên hợp tác xã dệt thổ cẩm, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam.N'Go

Với hai nhà sáng lập start-up N’Go, Kévin Gougeon và Ronan Collin, mục tiêu chính là khích lệ, hỗ trợ nghề dệt thổ cẩm địa phương và một phần nhỏ sẽ được đầu tư vào Quỹ Sao Biển để xây trường học cho trẻ em vùng núi.

RFI tiếng Việt đã có dịp phỏng vấn anh Kévin Gougeon, một trong hai sáng lập viên, về dự án của N’Go.

***

RFI : N’Go là một công ty Pháp bán sản phẩm được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam, anh có thể cho biết công ty ra đời như thế nào ? Và ý nghĩa của thương hiệu N’Go ?

giay2

Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để đề cao kỹ năng thủ công và thử thách mình với một mặt hàng đậm chất dân tộc "Made in Vietnam" (Kévin Gougeon).

Kévin Gougeon : N’Go ra đời từ đầu năm 2016. Cùng với Ronan, một người bạn từ nhỏ, chúng tôi đi du lịch rất nhiều và mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn bị ấn tượng về ngành nghề thủ công ở mỗi nước, và đặc biệt là những họa tiết dân tộc.

Vào đầu năm 2016, sau khi đi du lịch Mexico về, tôi muốn kinh doanh một mặt hàng gì đó liên quan đến nghề thủ công. Vì chỉ du lịch ở Mexico nên tôi không biết rõ ràng về nước này, tôi nói chuyện với Ronan. Cậu ấy vừa từ Việt Nam trở về sau hai năm sinh sống và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở miền bắc Việt Nam.

Ronan kể lại những gì cậu ấy biết về đất nước, ngôn ngữ và ý định quay lại Việt Nam sinh sống. Thế là chúng tôi cùng đến Việt Nam, tìm những người thợ thủ công, nhà cung cấp và các đối tác xã hội… Và chúng tôi khởi động chương trình vào đầu năm 2017. Chúng tôi muốn làm một việc gì đó để đề cao kỹ năng thủ công và thử thách mình với một mặt hàng đậm chất dân tộc "Made in Vietnam".

Chúng tôi chọn tên "N’Go" vì từ này, viết theo tiếng Việt, có rất nhiều nghĩa, tùy theo dấu, như có thể là họ Ngô, cũng có thể là (bắp) "ngô" hoặc là "ngõ". Và từ này được chúng tôi viết lại theo tiếng Anh là "N’Go for social sneakers". Về mầu xanh lá cây của logo, chúng tôi muốn gợi đến mầu xanh của vùng núi ở miền bắc Việt Nam, mầu xanh của những cánh đồng. Với chúng tôi, mầu xanh này tượng trưng cho mầu sắc của phong cảnh miền bắc Việt Nam. Và chữ viết logo cũng mang hình tựa như chiếc dây giầy.

RFI : Những đôi giầy N’Go đề cao hai giá trị "thủ công" và "đoàn kết". Xin anh giải thích thêm ?

Kévin Gougeon : Đúng là thương hiệu của chúng tôi nhấn mạnh đến hai giá trị. Thứ nhất là "thủ công". Chúng tôi làm việc với hai hợp tác xã thủ công, một ở tỉnh Hòa Bình nằm ở miền bắc Việt Nam, và một ở tỉnh Nghệ An ở miền trung. Thành viên của cả hai hợp tác xã phần lớn là phụ nữ và họ dệt vải thủ công truyền thống. Họ làm ra các họa tiết đặc trưng của Việt Nam mà chúng tôi thấy tuyệt vời và muốn đưa lên sản phẩm giầy của mình, vừa đáp ứng được thị hiếu phương Tây, vừa mang đậm phong cách dân tộc Việt Nam.

Mục đích chính là để những người thợ này sống được bằng tay nghề và sản phẩm của họ với thù lao công bằng, đồng thời tạo được mối liên hệ chặt chẽ với họ. Ví dụ, khi bắt đầu vẽ họa tiết cho sản phẩm và bàn với những người dệt vải về ý tưởng của mình, chúng tôi ở lại ăn ngủ tại làng trong vòng nhiều ngày, thậm chí vài tháng. Và với chúng tôi, đây là trải nghiệm có một không hai.

Hiện tại chưa thể đánh giá được cuộc sống của những người phụ nữ này được cải thiện như thế nào vì chúng tôi mới hoạt động được chừng một năm. Nhưng một điều chắc chắn là họ tỏ ra hài lòng, cũng như chúng tôi. Chắc hẳn việc này đã giúp được phần nào trong cuộc sống hàng ngày của họ. Và đây cũng chính là mục đích của chúng tôi.

Về mặt "đoàn kết", chúng tôi kết hợp với một tổ chức phi chính phủ mang tên Sao Biển. Họ xây trường học ở miền bắc Việt Nam và chúng tôi giúp họ xây trường mới bằng cách chuyển một số tiền của mỗi đôi giầy bán ra vào quỹ.

giay3

giay4

Học sinh một trường học được Quỹ Sao Biển và N'Go đồng tài trợ xây dựng ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.
N'Go

RFI : Cứ mỗi đôi giầy bán ra, N’Go chuyển 2 euro vào Quỹ Sao Biển để xây trường học, vậy kết quả hiện nay như thế nào ?

Kévin Gougeon : Sao Biển là một tổ chức phi chính phủ của Áo. Nhà quản lý là Thomas, chúng tôi gặp ông ấy vào đầu năm 2016 khi tìm một đối tác xã hội ở Việt Nam. Cứ mỗi đôi giầy bán ra, chúng tôi chuyển 2 euro cho quỹ. Sở dĩ chúng tôi chọn Sao Biển vì họ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đây là chủ đề chúng tôi rất chú trọng vì trong quá trình phát triển kinh tế của một nước, giáo dục luôn là lĩnh vực hàng đầu. Quỹ Sao Biển giúp những ngôi làng ở miền bắc Việt Nam, thường rất hẻo lánh, bị bỏ quên, không có hoặc có rất ít cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng những ngôi trường vững chắc để đón các em từ 6 đến 11 tuổi.

Chúng tôi mới hoàn thiện ngôi trường đầu tiên của mình với Quỹ Sao Biển vào tháng 12/2017 ở tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới với Trung Quốc. Ngôi trường có thể đón 60 học sinh, từ 6 đến 11 tuổi. Đây là một dự án mà chúng tôi tâm huyết và cũng rất tự hào được đóng góp vào việc xây những ngôi trường mới.

Đến cuối năm 2017, Quỹ Sao Biển đã xây được 7 ngôi trường ở miền bắc Việt Nam. Chúng tôi không phải là nhà tài trợ duy nhất cho dự án xây trường mới. Quỹ Sao Biển còn có các nguồn tài trợ khác, trong đó có cả kinh phí từ nhà nước Áo. Về ngôi trường đầu tiên chúng tôi tham gia tài trợ xây dựng, chúng tôi góp được 20% vì công ty mới hoạt động được vài tháng.

Mong muốn của chúng tôi là việc kinh doanh càng phát triển thì chúng tôi càng đóng góp được nhiều hơn vào số lượng trường mới, cũng như đóng góp nhiều hơn vào mỗi dự án xây trường. Tương tự, chúng tôi cũng sẽ hợp tác được nhiều hơn với các hợp tác xã và giúp nhiều phụ nữ dân tộc sống được nhờ vào tay nghề của họ.

RFI : Công ty có 10 mẫu giầy được đặt theo 10 địa danh của Việt Nam ? Ý tưởng này đến như thế nào ?

giay5

giay6

Bộ sưu tập giầy thổ cẩm Việt Nam của N'Go. 

Kévin Gougeon : Khi các mẫu mã giầy được thiết kế xong, chúng tôi nghĩ đến đặt tên cho mỗi mẫu giầy. Và chúng tôi muốn theo đuổi mục tiêu ban đầu là kể tiếp câu chuyện về Việt Nam, về nghề thủ công của nước Việt, vì thế chúng tôi nghĩ đến việc lấy tên mỗi địa danh nổi tiếng của Việt Nam đặt cho mỗi mẫu giầy mà mỗi mầu sắc hay họa tiết khiến người ta nghĩ ngay đến địa danh đó. Qua mỗi chuyến xuyên Việt bằng xe máy, chúng tôi ghi lại những địa điểm gây ấn tượng với mình.

Ví dụ chúng tôi đặt tên "Mũi Né" cho một mẫu giầy mầu trắng và vàng nhằm gợi đến nhưng cồn cát ở nơi này. Hay đôi giầy "Ba Đình" được đặt tên theo nơi ở đầu tiên của Ronan khi đến Hà Nội vì đó là nơi bắt đầu dự án của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi muốn nơi này ghi dấu hành trình của chúng tôi.

RFI : Phở là món ăn mà anh ưa thích nhất, phố Vạn Bảo là địa điểm mà Ronan Collin thích đến, ngoài ra, các anh còn có những kỉ niệm lý thú nào khác về Việt Nam ?

Kévin Gougeon : Miền bắc Việt Nam là một trong số những địa điểm gây ấn tượng với chúng tôi sau hành trình phượt bằng xe máy. Các vùng ở tít miền bắc, sát biên giới với Trung Quốc, có cảnh đẹp tuyệt vời, như chốn thần tiên với những con đường núi ngoằn ngoèo tuyệt đẹp và người nông dân hiền hòa.

Ronan thì rất mê món bò bún và có thể ăn nhiều lần trong tuần mà không chán. Đó là những điều mà chúng tôi rất trân trọng. Về phần mình, tôi cố đến Việt Nam hai lần một năm và mỗi lần đến, Ronan luôn giúp tôi có những khám phá mới. Ví dụ như lần gần đây nhất tôi đến Hà Nội, Ronan đã cho tôi thử ăn thịt rắn, một đặc sản ở Việt Nam nhưng ở Pháp thì người ta không ăn. Vì thế, chúng tôi rất hứng thú khám phá món thịt rắn Việt Nam.

***

Sau lời kêu gọi các "nhà đầu tư" trên internet vào đầu năm 2016 để đặt hàng trước nhằm có kinh phí hoạt động, N’Go nhận được hơn 300 đơn đặt hàng cho 5 mẫu giầy khác nhau. Tính đến đầu năm 2018, N’Go đã bán ra hơn 1.000 đôi giầy. Sau 10 mẫu giầy trong bộ sưu tập Xuân-Hè, công ty đang thiết kế khoảng 3 đến 5 mẫu giầy mùa đông dành cho thị trường Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/02/2018

Published in Văn hóa

Nhà hát Thành phố Hà Nội (Théâtre municipal de Hanoi) là công trình quy mô nhất, lộng lẫy nhất ở Viễn Đông vào đầu thế kỷ XX. Sau gần 110 năm chỉ phục vụ biểu diễn nghệ thuật và các sự kiện quan trọng, Nhà hát Lớn Hà Nội, từ ngày 06/09/2017, có thêm hoạt động mới : Đón khách tham quan.

opera1

Nhà hát Lớn Hà Nội. CC/Nicolas Lannuzel

Như vậy, khách tham quan đã có thể được ngắm một trong những công trình nghệ thuật độc đáo và "là nơi chứng kiến những cuộc "tiếp xúc" đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu", theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Xây nhà hát để mở rộng phục vụ công chúng

Đầu thế kỷ XX, công chúng Pháp và một bộ phận tri thức Việt thường lui tới nhà hát Takou (ở phố Hàng Cót ngày nay), nhưng Takou dần bị quá tải, đặc biệt là vào mùa đông, khi đoàn kịch từ Pháp sang biểu diễn ở Hà Nội và Hải Phòng. Hội đồng thành phố Hà Nội đề xuất với toàn quyền Đông Dương tạm quyền lúc đó là Fourès (1896-1897) xây một nhà hát lớn hơn để có thể đáp ứng nhu cầu. Đề xuất của thành phố cũng phù hợp với dự án phát triển Hà Nội thành thủ đô xứ Đông Dương của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), cùng với nhiều công trình khác làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thành Thăng Long xưa.

Đợt tuyển chọn thiết kế được Hội đồng Thành phố Hà Nội tổ chức vào năm 1899 và giải nhất thuộc về bản vẽ của kiến trúc sư Knosp nhưng sau đó bị Ủy ban kỹ thuật bác bỏ vì không khả thi. Cuối cùng, ông Babonneau, kiến trúc sư quản lý công chính thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu sơ bộ. Việc lập dự án được giao lại cho kiến trúc sư Victorin Harley, phụ trách công trình đô thị thuộc Sở quản lý Đường bộ, và cuối cùng được thống sứ Bắc Kỳ thông qua ngày 30/03/1901.

Theo cuốn Ville de Hanoi (Thành phố Hà Nội, xuất bản năm 1905), suốt năm 1900, thành phố lên kế hoạch xây móng và lập hồ sơ đấu thầu. Đồ họa thiết kế từng bước được điều chỉnh cùng lúc với việc thăm dò khu đầm lầy để xây công trình, nằm ở đầu phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay).

Phiên đấu thầu diễn ra ngày 25/04/1901, công ty của hai doanh nhân Charavy và Savelon, gần phố Thợ Nhuộm, trúng thầu toàn bộ công trình và bắt tay khởi công ngày 07/06/1901, dưới sự giám sát của kiến trúc sư công trình Victorin Harley. Công ty của hai ông Charavy và Savelon, trước thuộc về ba nhà thầu Fournier, Trelluyer và Levaché, là đối tác quen thuộc và được chính quyền thuộc địa tín nhiệm, vì đã xây rất nhiều công trình lớn ở Bắc Kỳ như nhà tù Hỏa Lò, nhà ở của quan chức, lô cốt, doanh trại pháo binh, ga Phủ Lạng Thương, bờ kè ở cảng Hải Phòng...

Vì khu vực được chọn là bãi sình lầy, mới được lấp, nên việc xây móng đặc biệt được chú ý. Người ta đóng đến 35.000 cọc tre để ổn định nền đất sau đó đổ một tấm đan bê tông dầy 0,90m để làm nền. Có thể hình dung ra được quy mô đồ sộ của công trình thông qua thống kê trong cuốn Ville de Hanoi : khoảng 12.000m3 vật liệu gồm 12 triệu viên gạch và 570 tấn gang và sắt đã được sử dụng ; 300 thợ nề miệt mài lao động hàng ngày và hoàn thiện công trình mà không để xảy ra bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào.

Tòa nhà được xây bằng gạch. Nền được làm từ gạch trát vữa xi măng và phần còn lại trát bằng vữa trộn từ vôi, móng được xây từ đá khai thác trong nước, bên trong sân khấu được phủ lớp gạch chịu lửa phòng cháy. Mái được làm từ đá đen có họa tiết trang trí bằng kẽm mạ vàng. Nguyên vật liệu đều được khai thác trong nước, từ gạch đến đá cẩm thạch, từ vôi đến xi măng, từ gỗ đến men... trừ mỗi sắt được uốn và rèn tại chỗ. Chính quyền thành phố tự hào vì sử dụng triệt để các loại nguyên vật liệu khác ngoài gỗ, để tránh nguy cơ bị thiêu rụi trong trường hợp hỏa hoạn như những công trình cổ ở Việt Nam.

opera2

Hình vẽ bên hông Nhà hát Lớn Hà Nội. Annuaire général de l'Indochine française (Niên bạ Đông Dương), năm 1899. RFI / Tiếng Việt

opera3

Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh trong cuốn hướng dẫn du lịch của L. Bonnafont, 1919, nhà in Extrême-Orient. 
RFI / Tiếng Việt

opera4

Hình vẽ mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội. Annuaire général de l'Indochine française (Niên bạ Đông Dương), năm 1899. RFI / Tiếng Việt

"Không phải là phiên bản của Opéra Garnier"

Không như nhiều người vẫn nghĩ, Nhà hát Lớn Hà Nội "không phải là bản sao của nhà hát Opéra Garnier ở Paris", theo giáo sư - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người chủ trì công cuộc trùng tu trong những năm 1990 : "...Nếu giống, có chăng là về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng... Còn về kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là sự phát triển đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc tân Baroque và những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân" (1).

Mặt tiền của nhà hát được trang trí với hàng cột theo kiểu Corinth, phía trên là hàng mũ cột được trang trí với các họa tiết cành lá bằng đất nung tráng men. Nhà hát có hai tầng, trên tầng hai (tầng một, theo phương Tây), ở mặt tiền là một hành lang ngoài (loggia) khiến người ta liên tưởng đến hành lang (galerie) của điện Tuileries xưa, được xây theo thức cột Ionic. Với tổng diện tích gần 2.600 m2, Nhà hát dài 87m, rộng khoảng 30m, cao 34m tính đến chóp mái cao nhất, từ đây người ta có thể chiêm ngưỡng toàn thành phố và nhìn xa đến tận những rặng núi ở Ninh Bình, đỉnh Ba Vì, Tam Đảo...

Có thể nói, dự án Nhà hát Lớn đã phá mọi kỷ lục : ngân sách dự trù ban đầu là khoảng 600.000 francs (FRF), khoảng 240.000 FRI (tiền Đông Dương), cuối cùng bị đội lên thành 2.250.000 FRF ; thời gian thi công dự kiến khoảng 18 tháng, cuối cùng mất 10 năm để hoàn thiện. Lý do là sau giai đoạn kinh tế Bắc Kỳ khởi sắc vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội không ngừng được mở rộng để xứng tầm thủ đô của Đông Dương, nhưng tất cả bỗng dừng lại từ năm 1905, bên cạnh đó là những tranh luận gay gắt với "Mẫu quốc" về những khoản chi phí đắt đỏ dành cho Đông Dương.

Trong suốt thời gian thi công, đã có lúc công trình bị bỏ hoang suốt 3 năm, chỉ khi nhà hát Takou xuống cấp nghiêm trọng, thành phố Hà Nội mới cho tiếp tục thi công. Được khánh thành vào ngày 09/12/1911, Nhà hát Lớn còn là thành quả của ba kiến trúc sư chính. Kiến trúc sư Victorin Harley là người tiến hành những khảo sát sơ bộ, bố trí công trình, chia tỉ lệ một cách hài hòa, sắp xếp sân khấu theo đúng tiêu chí hiện đại nhất lúc đó của nghệ thuật sân khấu.

Jean Bossard là kiến trúc sư thứ hai được giao lập kế hoạch hoàn thiện công trình sau 5 năm xây dựng và 3 năm bị bỏ hoang. Ông là người hoàn thiện mặt tiền, gần như được làm lại hoàn toàn và đồ sộ hơn so với bản thiết kế ban đầu, cũng như hệ thống chiếu sáng Nhà hát.

Cuối cùng, kiến trúc sư François Lagisquet là người hoàn thiện công trình với nhiều sửa đổi chi tiết giúp Opéra Hà Nội trở thành một trong những nhà hát đẹp nhất của Pháp và những vùng đất thuộc địa xa xôi. Ông cũng là người bố trí hoàn toàn khán phòng, nội thất và những hoạt tiết trang trí trên tường.

opera5

Nhà hát Lớn Hà Nội. 
RFI / Tiếng Việt

opera6

Mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội. 
RFI / Tiếng Việt

opera7

Nhà hát Lớn Hà Nội về đêm. 
RFI / Tiếng Việt

opera8

Phòng khán giả bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội. 
CC/Vinhphat1808

Người bệnh tưởng : Vở kịch Pháp đầu tiên được diễn bằng tiếng Việt tại Nhà hát Lớn

Xem kịch ở Nhà hát Lớn trở thành thú giải trí cao cấp của người Pháp ở Đông Dương và giới thượng lưu, trí thức người Việt. Tuy nhiên, các vở kịch thường bằng tiếng Pháp và đa phần do người Pháp diễn. Sau 9 năm thành lập, lần đầu tiên vào ngày 25/04/1920, một vở kịch Pháp, Người bệnh tưởng (Malade imaginaire) của đại văn hào Molière, được biểu diễn bằng tiếng Việt, do người Việt thủ vai và tại Nhà hát nổi tiếng.

Người bệnh tưởng là một trong những dịch phẩm từ tiếng Pháp sang quốc ngữ của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, một trong những người tâm huyết khuyến khích người dân học "tiếng nước nhà" trong bối cảnh Bắc Kỳ bắt đầu tách khỏi "cựu học". Đêm diễn thành công rực rỡ. Tất cả khách mời người Pháp và Việt đều ngạc nhiên vì các "nghệ sĩ" (nghiệp dư), trong đó Nguyễn Văn Vĩnh đóng vai Diafoirus, đã truyền tải được hết tinh thần của một vở kịch nước ngoài thông qua tiếng Việt.

Báo chí đương thời nhận xét lựa chọn của Nguyễn Văn Vĩnh là tinh tế vì khán giả ở mọi tầng lớp có thể dễ dàng tiếp nhận tư tưởng Tây phương được thể hiện bằng ngôn ngữ bình dân. Trên báo Nam Phong, chủ bút Phạm Quỳnh cũng đồng tình rằng thành công của vở kịch Người bệnh tưởng cho thấy có thể viết văn bằng chữ quốc ngữ được, dù ông cũng cho rằng chữ viết này còn phải được trau dồi, mở rộng để có thể truyền tải hết được kiến thức phương Tây.

opera9

Người bệnh tưởng (Malade imaginaire) được các "nghệ sĩ" nghiệp dư Việt Nam biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh chụp từ Lecture pour tous (Paris), 1920. RFI tiếng Việt

Mong muốn của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh được đền đáp một năm sau đó, khi Vũ Đình Long xuất bản tác phẩm Chén thuốc độc (1921). Với tác phẩm sân khấu đầu tiên này, chữ quốc ngữ bước vào một giai đoạn mới và sân khấu kịch không chỉ còn là lĩnh vực của riêng người Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 12/02/2018

(1) Người đưa tin, "Nhà hát lớn Hà Nội, chuyện bây giờ mới kể", 22/12/2017.

Published in Văn hóa

Đầu năm 2017, ban tiếng Việt đài phát thanh quốc tế Pháp RFI đã có dịp đến thăm làng trẻ em SOS Huế (trước là Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân), một trong ba làng trẻ được hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (Aide à l’Enfance du Vietnam, AEVN), tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris, xây dựng và hỗ trợ tài chính.

tre1

Nhà Trà My, Làng Trẻ em SOS Huế, được xây dựng từ năm 1998 và chuẩn bị được trùng tu.AEVN

Sau khi bốn ngôi nhà mới được đưa vào sử dụng từ tháng 09/2016, ba ngôi nhà đầu tiên xây vào năm 2000 và hai ngôi nhà xây sau đó, chuẩn bị được trùng tu sau gần 20 năm chịu tác động của thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dù đã lần lượt được sửa sang khi có nhu cầu. Ngoài dự án trùng tu ba ngôi nhà, Hội AEVN còn cải tạo lại con đường dẫn vào làng, mở rộng cống rãnh thoát nước, do thay đổi khí hậu, mưa to và liên tục, để tránh ngập trong mùa mưa, xây tường bao quanh làng và nếu có đủ điều kiện quy hoạch một sân bóng đá cho các em.

Như vậy, với chín ngôi nhà dành riêng cho các gia đình ở, sau khi trùng tu xong, làng có thể đón giữa 80 đến 90 em, như giải thích với RFI tiếng Việt của bà Lê Kim Ngọc, chủ tịch hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam (AEVN) :

"Ba ngôi nhà cũ được xây cất năm 2000, đến bây giờ cũng được 17-18 năm. Tuy đã được sửa sang, thay đổi nhiều lần nhưng đến giờ cần được trùng tu toàn bộ. Hiện bây giờ, trên tổng số 73 người con của làng, có 59 em đang sống trong làng. Tất cả đều ở trong những ngôi nhà đó".

tre2

Ngôi nhà sinh hoạt chung của các em ở Làng Trẻ em SOS Huế. RFI / Tiếng Việt

Mô hình mái ấm gia đình, mẹ và các con

Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, được đổi tên là Làng Trẻ em SOS Huế từ năm 2015, là làng trẻ thứ ba trong tổng số ba làng trẻ được Hội AEVN xây dựng và tài trợ tại Việt Nam, sau Đà Lạt và Đồng Hới. Tuy nhiên, cũng như hai làng trẻ này, ngay từ khi thành lập Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, chủ tịch Hội, đã muốn áp dụng mô hình gia đình SOS, thương yêu, bao bọc nhau. Có nghĩa là dưới một mái ấm gia đình có mẹ và các con. Ngay những năm 1970, khi bắt đầu thành lập hội AEVN để thực hiện dự án đầu tiên, ông bà Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc luôn tâm niệm là phải thể hiện với thế giới là Việt Nam không chỉ nhận viện trợ nhân đạo, người Việt nên tự giúp đỡ người Việt.

"Từ ngày năm 1973, chúng tôi xây cất làng Đà Lạt và khánh thành năm 1974. Lúc đó, chúng tôi muốn theo một mô hình của Làng SOS và nằm trong một liên hiệp của các làng quốc tế để họ có một tinh thần bền bỉ, với ý nghĩa là có một bà mẹ nuôi mấy em và sau này trở thành mẹ của các em cả đời. Mấy em mồ côi, không có gia đình, thì các em có được một gia đình. Đó là mô hình SOS mà Hội AEVN chúng tôi muốn mang lại cho các em.

Làng Đà Lạt, lúc lập ra, là muốn theo mô hình làng SOS quốc tế. Nhưng đó chỉ là theo mô hình, còn Hội lo hết. Và họ là người đưa tâm trí của mình vào đào tạo các mẹ của mình. Cho nên, làng Đà Lạt là do Hội xây cất hoàn toàn, nuôi nấng các em. Làng Đà Lạt hoạt động theo mô hình như vậy trong thời gian rất lâu. Gần đây, Hội Liên hiệp các làng SOS Quốc tế đưa thêm một số cha mẹ đỡ đầu.

Riêng về làng Đồng Hới, việc xây cất do AEVN và SOS Pháp tài trợ (50% mỗi bên). Về việc nuôi nấng các em, AEVN có nhận được sự tham gia của SOS Quốc tế và SOS Pháp.

Lúc thành lập làng ở Huế, Hội cũng theo ý như vậy, nhưng Hội SOS Quốc tế nói là họ đã có làng ở Đà Nẵng, thành ra, họ không thể có hai làng gần nhau, cách mấy trăm cây số thôi, về mặt gọi là "chính sách" của họ. Cho nên, mình gọi là Trung tâm Thủy Xuân, nhưng mô hình thì hoàn toàn theo Làng SOS".

Cha mẹ đỡ đầu người Pháp

Ngoài mẹ chăm sóc và các anh chị em trong gia đình, các em trong ba làng có cha mẹ đỡ đầu người Pháp. Tất cả đều bắt đầu từ những người bạn, người quen của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc :

"Phần đông các em của mình đã mất tình thương, bị bỏ rơi. Khi vào Làng SOS, các em có một bà mẹ nuôi nấng và một cha hay mẹ đỡ đầu. Mấy người đỡ đầu, bạn của chúng tôi hoặc là bạn của bạn chúng tôi, đến lo cho từng em một, có nghĩa là họ giống như một người cậu, dì, chú, bác. Họ theo dõi một cách rất gần gũi, và không phải là họ chỉ kí một cái séc để nuôi mà thôi. Chính họ theo dõi từng chút, từ những buổi đi học, buổi thi, đau ốm như thế nào. Họ rất là gần gũi, họ giống như là người thân trong gia đình. Cái đó là quý nhất !

Trong những cha mẹ đỡ đầu, chúng tôi có những người đã đỡ đầu cách đây 35 năm. Bây giờ, họ tiếp tục đỡ đầu mấy em trẻ nhưng vẫn giữ liên lạc với mấy em lớn. Con của họ làm đám cưới, họ theo dõi như những chú bác, ông bà. Thành ra, họ giống như một gia đình, cùng với gia đình SOS".

Vẫn theo lời kể của giáo sư Lê Kim Ngọc, trong Hội có những gia đình Pháp đỡ đầu trẻ em khó khăn Việt Nam từ hai thế hệ, cha mẹ rồi đến lượt con. Hoặc có rất nhiều ông bố, bà mẹ đỡ đầu nhận giúp đỡ hai hay ba em cùng lúc, thường từ lúc các em còn rất nhỏ. Khi một em đã trưởng thành, học đại học hay học nghề và có thể bắt đầu tự lập, họ lại đề nghị đỡ đầu một em khác.

Hai lần một năm, vào khoảng tháng Ba và tháng Mười Một, Hội tổ chức gặp mặt cha mẹ đỡ đầu ở Paris, quanh một bữa ăn trưa đậm chất Việt, thân mật và ấm cúng. Đây là dịp để các bậc cha mẹ đỡ đầu trao đổi thông tin về con đỡ đầu, thuật lại chuyến thăm con đỡ đầu ở Việt Nam, hoặc nói về những tình cảm liên kết họ với trẻ em ở ba làng SOS của Hội. Trong mắt mỗi người luôn ánh lên niềm vui, một chút tự hào khi nói về thành tích học tập hoặc con đường sự nghiệp của các con. Đây cũng là dịp để Hội cung cấp thông tin cho cha mẹ đỡ đầu về cuộc sống và những sự kiện nổi bật ở mỗi Làng : từ lễ khai giảng đến Tết trung thu, từ những buổi sinh nhật đến giờ vui chơi trong làng của các em.

Buổi gặp mặt cũng là cơ hội để tất cả cùng suy nghĩ về sự phát triển và duy trì lâu dài hoạt động của Hội. Vì Hội cần những ông bố, bà mẹ đỡ đầu mới, tiếp tục chung tay xây dựng và duy trì ba ngôi làng ở Việt Nam, không ngừng giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Giáo sư Lê Kim Ngọc so sánh công việc của Hội AEVN như một cánh rừng, không có những cây khác gom sức, cánh rừng sẽ không xanh mướt.

tre3

Giáo sư Trần Thanh Vân, chủ tịch Hội AEVN, trong bữa ăn trưa họp mặt cha mẹ đỡ đầu tại Paris, tháng 11/2017.RFI / Tiếng Việt

Hiện nay, làng Đà Lạt, ngôi làng đầu tiên được Hội AEVN xây dựng, đón 201 em, trong đó có 131 sinh sống hàng ngày tại làng, 70 em còn lại, đã trưởng thành và đang theo học đại học, cao đẳng, học nghề và một số ít đang tìm việc. Làng SOS Đồng Hới có 155 em, trong đó 87 em sống trong 12 ngôi nhà gia đình, 21 em sống trong những trung tâm dành cho thiếu niên và 47 em sống ngoài làng để học nghề, học đại học hoặc tìm việc. Làng Huế có 73 em, trong đó 59 em sinh sống tại làng, những em còn lại đang học đại học hoặc bắt đầu cuộc sống độc lập.

Để có được kết quả này, những người mẹ trong mỗi gia đình đóng vai trò rất quan trọng.

 Như bao gia đình khác, cuộc sống hàng ngày ở Làng tràn đầy niềm vui và cả khó nhọc. Nuôi dạy khoảng 10 con, không ngừng nghỉ trong vài chục năm, trong khi mỗi em đã có khoảng đời riêng trước khi vào Làng, là cả một nghị lực phi thường. Đã có lúc, mẹ Châu, ở Làng Huế, từng nghĩ "bỏ đi mãi mãi" nhưng rồi tình mẫu tử đã giữ mẹ ở lại. Với mẹ, "hạnh phúc, đơn giản là yêu thương và chia sẻ".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 29/01/2018

Published in Văn hóa

Thêm một sáng kiến của Pháp được lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Năm 2018, "Đêm Ý tưởng" (La Nuit des Idées) bước sang mùa thứ 3 với chủ đề "Khi tưởng tượng lên ngôi". Một đêm để học hỏi, trao đổi tại hơn 100 địa điểm ở Pháp và hơn 100 thành phố ở 70 quốc gia cùng hưởng ứng sự kiện này.

nuit10

Áp-phich Đêm Ý tưởng 2018 (La Nuit des Idées) do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức.institutfrancais-vietnam.com

Được Viện Pháp (Institut Français) khởi xướng từ năm 2016, sự kiện thường niên này hiện trở thành ngày hẹn của hoạt động văn hóa thể thiện sự lan tỏa của Pháp trên thế giới. Như "Đêm Ý tưởng" 2017 đã thu hút hơn 180.000 người quanh chủ đề "Một thế giới chung", so với con số 5.000 vào năm đầu tiên 2016 tại trụ sở bộ Ngoại Giao Pháp (Quai d’Orsay).

Chủ đề năm 2018 - Khi tưởng tượng lên ngôi - được lấy lại từ những khẩu hiệu của phong trào sinh viên tháng Năm 1968 (Mai 1968) để kỷ niệm 50 năm thế hệ trẻ Pháp lúc đó đòi được phát biểu, đòi được lắng nghe. Tuy nhiên, theo ngoại trưởng Pháp, "Đêm Ý tưởng" 2018 không chỉ muốn bày tỏ ngưỡng mộ trước nghị lực của thế hệ trẻ Pháp 1968, mà "còn muốn mời giới trí thức, nghệ sĩ và thanh niên dấn thân cùng suy nghĩ đến những điều không tưởng của kỷ nguyên tương lai, thảo luận về canh tân công nghệ và sáng tạo nghệ thuậthoặc đổi mới cách suy nghĩ về cách thi hành quyền lực".

"Vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội" Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước Châu Á đầu tiên tham gia "Đêm Ý tưởng". Sau chủ đề năm 2017 "Cái Thiện và cái Ác trong Văn học và Nghệ thuật", buổi tọa đàm tối 25/01/2018 tại trung tâm Espace Hà Nội tập trung làm nổi bật "vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội" trong chủ đề chung "Khi tưởng tượng lên ngôi" (l’Imagination au pouvoir).

Ngoài hai vị khách mời người Pháp Alain Patrick Olivier, bộ môn triết học, đại học Nantes và Arnaud Mercier, bộ môn truyền thông chính trị, đại học Paris 2, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương và tác giả Đặng Hoàng Giang là hai khách mời người Việt cùng tham gia tọa đàm.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (1) đã giành cho RFI tiếng Việt một buổi phỏng vấn nhỏ về chủ đề anh tham gia thảo luận và nhận định về vai trò của trí tưởng tượng trong xã hội Việt Nam hiện đại.

RFI : Ban Việt ngữ đài RFI xin thân chào anh Đặng Hoàng Giang. Trong "Đêm Ý tưởng" 2018 được Viện Pháp tổ chức tại Hà Nội, anh đã tham gia với chủ đề gì ?

Đặng Hoàng Giang : Trong "Đêm Ý tưởng" về vai trò trí tưởng tượng và sáng tạo trong xã hội, tôi đã đề cập đến khái niệm "empathic imagination" (tạm dịch : sự tưởng tượng/sự hình dung của thấu cảm). Nó liên quan trực tiếp đến khái niệm thấu cảm, hiểu theo nghĩa là khả năng đi vào nội tâm của người khác, hình dung ra được ý nghĩ, cảm xúc của người khác và qua đó có thể giúp đỡ, hoặc thấu hiểu, thông cảm với họ hơn.

Đây là một khía cạnh mang tính xã hội học và tâm lý học. Và ở đây, vai trò của hình dung, vai trò của tưởng tượng được đề cao, tức là để cho mình có thể hiểu được người khác. Nếu người nào mà không có khả năng hình dung, hoặc không có khả năng tưởng tượng, có nghĩa là không có khả năng nhìn thực tại bằng con mắt của người khác, hay là không có khả năng nhận biết được, đoán định được cảm xúc, suy nghĩ của người khác, thì sẽ rơi vào trường hợp mà ta gọi là "vô cảm" hoặc "vô tình".

Cho nên, sự hình dung thấu cảm, tưởng tượng thấu cảm rất là cần thiết trong xã hội và chúng ta cần có những chương trình để giáo dục cho các em nhỏ, hoặc là thông qua văn học, nghệ thuật để có thể nâng cao khả năng thấu cảm của mọi người trong cộng đồng. Đây là khía cạnh tôi đã đề cập trong sự kiện đó.

RFI : Xin anh cho biết, liệu trí tưởng tượng còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại Việt Nam ngày nay hay không ? Và đóng vai trò như thế nào ?

Đặng Hoàng Giang : Đây là một câu chuyện khá thú vị. Xã hội càng hiện đại, càng đặt vai trò nhiều hơn cho sự sáng tạo. Trước kia, trong một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, hoặc một xã hội truyền thống nông nghiệp, người ta không coi trọng sự sáng tạo, tức là không coi trọng "cái mới" lắm, mà chỉ tập trung vào việc giữ truyền thống, giữ những tri thức đã được đúc kết qua nhiều thế kỷ và dẫn đến một thời gian đóng kín.

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, ở thế kỷ XXI và toàn cầu hóa, người ta đã hiểu ra là sự sáng tạo rất quan trọng và qua đó, trí tưởng tượng cũng đóng vai trò quan trọng theo vì nếu không có sự tưởng tượng thì sẽ không có sự sáng tạo.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, cũng có vẻ như trí tưởng tượng lại bị đẩy ra một góc và gặp khó khăn. Lý do thứ nhất là do truyền thông, càng ngày người ta càng được "bón" cho ăn, hoặc là "đút" cho ăn tất cả những hình ảnh từ mọi nơi trên thế giới, từ mọi nền văn hóa, từ mọi góc cạnh trên thế giới và không còn chỗ để người ta hình dung, tưởng tượng nữa. Tất cả mọi thứ đã được nhào nặn sẵn, được sản xuất sẵn để đưa cho người tiêu thụ thông tin.

Lý do thứ hai, trong thế giới mới cùng với hiệu quả, đuợc gọi là "sản xuất output" (đầu ra), người ta cũng nhìn việc hình dung, mơ mộng, tưởng tượng theo một nghĩa khá tiêu cực. Và người ta mong muốn là tất cả phải tạo ra được một đầu ra nào đó, một sản phẩm nào đó có thể sờ mó được thật là nhanh. Cho nên, đặc biệt là ở Việt Nam, giáo dục không coi trọng việc tạo cho các em sự tưởng tượng, thời gian để mơ mộng hoặc những khả năng được trình bầy ý kiến, quan điểm ra ngoài những cái mà người lớn chấp nhận.

Theo tôi, đây là một xung đột trong quan điểm giáo dục và quan điểm sống, ít nhất là của người Việt. Tức là, một mặt, người ta cho rằng các thế hệ mới cần phải sáng tạo hơn, nhưng mặt khác lại không cho phép các thế hệ mới mơ mộng, tưởng tượng, dùng thời gian của mình mà lại không sản sinh ra một "sản phẩm đầu ra" gì cả.

RFI : Là một người thường xuyên hoạt động xã hội tại Việt Nam, theo anh, hoạt động sáng tạo sẽ và nên được áp dụng như thế nào trong lĩnh vực này ?

Đặng Hoàng Giang : Tôi nghĩ là sự sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động xã hội cũng sẽ tương tự như trong nghệ thuật, hay là trong kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác.

Tôi nghĩ là nó sẽ đòi hỏi sự dũng cảm để rời bỏ những lĩnh vực đã quen biết, đã biết rồi, đã an toàn rồi và đi ra những vùng, tạm gọi là "vùng cấm" hoặc là "vùng mới", thử nghiệm và chấp nhận sai lầm, chấp nhận thất bại, để qua đó, học và tìm đến những ý kiến mới, những ý tưởng mới để thành công, để sáng tạo.

Người làm công tác xã hội cũng phải nhận thức được điều đấy và có sự dũng cảm để đề ra những phương thức hoạt động xã hội mới mà có thể là không được chấp nhận, hoặc rủi ro cao. Nhưng nếu không chấp nhận "đi ra ngoài" cái đã quen biết và chỉ hoạt động xã hội theo những phương thức cũ thôi thì sẽ không có sự sáng tạo. Tôi nghĩ điều này cũng đúng với mọi lĩnh vực khác.

nuit2

Nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie, một trong những khách mời danh dự Đêm Ý tưởng, ngày 25/01/2017, tại bộ Ngoại Giao Pháp, Paris. STEPHANE DE SAKUTIN / AFP

"Đêm Ý tưởng" : Ngoại giao văn hóa của Pháp

Thông qua hệ thống Viện Pháp, trung tâm Alliance française, trung tâm nghệ thuật, nghiên cứu, các trường đại học, thư viện, nhà hát..., "Đêm Ý tưởng" hướng đến mục đích thiết lập lâu dài "ngành ngoại giao ý tưởng" rộng mở cho sự phong phú về tư duy, trao đổi và đối thoại. Hoạt động này cũng cho thấy Pháp có khả năng huy động được những địa điểm khác nhau, các nhân vật hàn lâm, thể chế và văn hóa... cùng ngồi lại với nhau "sôi nổi thảo luận về những thách thức lớn trong thế giới hiện đại".

Ngoài ra, theo ông Pierre Buhler, giám đốc Viện Pháp : "Đêm Ý tưởng muốn nhắc lại rằng tại nhiều nước, Viện Pháp và các trung tâm Alliance française không chỉ là nơi học tiếng và giao tiếp với văn hóa Pháp, mà còn là nơi được tự do bày tỏ, một không gian ưu tiên cho thảo luận được coi như là một diễn đàn địa phương, một nơi đón tiếp diễn đàn chung, kể cả về những chủ đề phức tạp".

Từ New York đến Mexico hay Tunis, "Đêm Ý tưởng" là một sự kiện phổ biến lớn, minh chứng cho hoạt động của Viện Pháp. Đã có thêm nhiều nước tham gia cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng trong đêm 25/01/2018, như Nga, Bồ Đào Nha, Uganda, Azerbaidjan, Canada..., kể cả một số vùng vẫn còn xung đột, như Palestine hay Venezuela.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/01/2018

***

(1) Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là tác giả của ba cuốn sách Điểm đến của cuộc đời (2018), Thiện, Ác và Smartphone (2016) và Bức xúc không làm ta vô can (2015), Nhà xuất bản Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Published in Văn hóa