Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau 38 năm quyết định "đổi mới hay là chết" (1986-2024) Việt Nam vẫn còn là quốc gia do một đảng độc quyền lãnh đạo ; không có bầu cử tự do ; không cho lập đảng đối lập và không có báo chí tư nhân.

doimoi1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai. Ảnh : TTXVN

Vì vậy, những khẩu hiệu "nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", hay "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" được Đại hội lần thứ X khẳng định là những khoe khoang nhàm chán.

Thế nhưng, tân Tổng bí thư Tô Lâm vẫn khoe : "Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước" (Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ngày 24/09/2024).

Những điều được gọi là "thành tựu" không có tiến bộ về dân chủ, tự do và quyền con người. Thậm chí quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng bị hạn chế, bị kiểm soát gắt gao.

Bằng chứng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chứng minh trong Báo cáo năm 2023 như sau : "Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm các báo cáo đáng tin cậy về : việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền ; tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc đê hèn bởi các nhân viên chính phủ ; điều trị y tế hoặc tâm lý không tự nguyện hoặc ép buộc ; bắt và giam giữ người tùy tiện ; phạm nhân chính trị ; các hành động trả thù vì động cơ chính trị đối với các cá nhân ở quốc gia khác ; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư ; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt và tự do báo chí, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự ; hạn chế nghiêm trọng tự do Internet ; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội ; bao gồm các luật hạn chế quá mức đối với việc tổ chức, tài trợ hoặc hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ ; hạn chế tự do tôn giáo ; hạn chế tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động ; công dân không có khả năng thay đổi chính quyền một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; hạn chế nghiêm trọng sự tham gia chính trị ; các hành vi tham nhũng lớn ; buôn bán người…".

Phản ứng lại, Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam viết : "Có một sự thật cần phải khẳng định rằng, ở Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ lợi ích của người dân. Vì thế, quyền con người, quyền công dân cũng không chỉ được khẳng định trong Hiến pháp (thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), mà còn đồng thời được bổ sung, điều chỉnh trong các luật, bộ luật và các văn bản dưới luật. Các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền con người, mà còn là sự khẳng định, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình thực thi quyền con người". (Tuyên Giáo, ngày 7/4/2024)

Những điều tự nhận của Việt Nam chỉ đúng trên lý thuyết. Bằng chứng các buổi cầu nguyện của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên và dọc biên giới Lào đã bị ngăn cấm, dẹp bỏ. Nhà nguyện bị phá hủy không bồi thường, những người khởi xướng bị tù đầy vẫn thường xẩy ra.

Đổi mới cái gì ?

Cũng trong diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 24/09/2024, ông Tô Lâm còn hứa : "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài. Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại".

Tất nhiên Việt Nam chỉ có một con đường nhìn về phía trước để hợp tác tồn tại. Nhưng không có tự do và thiếu dân chủ thì Việt Nam cũng chỉ là quốc gia kém mở mang và chậm tiến.

Vì vậy, chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam còn từ chối "đổi mới chính trị" thì Việt Nam tuy không chết, nhưng vẫn tiếp tục chậm lớn, chưa đủ sức để vươn ra Thế giới.

Phạm Trần

(30/09/2024)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

Nội dung là gì ?

Dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị từ ngày 18-20/9, hai nguồn tin của BBC tiết lộ.

dang1

Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến họp từ 18-20/9

Đồng thời, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang cũng cho thấy ông Nghiêm Xuân Thành, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, sẽ có lịch đi công tác từ ngày 18-20/9.

Khả năng cao cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương trong ba ngày này sẽ có nội dung về kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao và điều động một số cán bộ. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng sẽ tập trung cho việc chuẩn bị cương lĩnh và phê duyệt quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng 14, dự kiến diễn ra vào quý 1 năm 2026.

Ngày 26/8, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo : theo nghị quyết của Trung ương, chức danh chủ tịch nước sẽ được Quốc hội bầu vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10. Kỳ họp này dự kiến diễn ra theo hai đợt, khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11/2024.

Tại hội nghị ngày 15/8 của Bộ Chính trị gặp mặt các lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã thông báo kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024 sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao. Đây được coi là động thái nhằm trấn an các "bậc bô lão" rằng sẽ không có việc nhất thể hóa hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư mà ông Tô Lâm sẽ chỉ tập trung vị trí lãnh đạo Đảng.

Một nguồn tin khác nói với BBC rằng, ông Tô Lâm dự kiến sẽ lên đường đi New York, Mỹ vào đêm ngày 21/9 để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Như vậy, Trung ương Đảng họp ngay trước thềm chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

Giới thiệu nhân sự chủ tịch nước

Có thể nói, giai đoạn 2021-2026 chứng kiến nhiều bất ổn nhất từ trước tới nay khi liên tục có những thay đổi về nhân sự cấp cao, trong đó có chức danh chủ tịch nước. Bộ Chính trị khóa 13 đã có đến bảy ủy viên mất chức  so với đầu khóa, trong đó có hai nhân vật trong Tứ Trụ.

Nhà lãnh đạo lâu năm của Việt Nam - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - qua đời cũng gây nên những biến động trên chính trường, nhất là sự thăng tiến nhanh chóng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tuy nhiên, như Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông báo, Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước mới vào tháng 10.

Với quy trình chọn lãnh đạo của Việt Nam là Đảng quyết trước rồi mới đến Quốc hội làm thủ tục bầu, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đợt này để giới thiệu nhân sự cho Quốc hội kiện toàn các chức danh, bao gồm cả chủ tịch nước.

Trước đây, sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức, Hội nghị Trung ương 9 diễn ra từ 16-18/5 đã giới thiệu nhân sự cho hai chức danh này để Quốc hội tiến hành bầu tại kỳ họp thứ 7.

Tương tự, dự kiến Hội nghị Trung ương từ ngày 18-20/9 sẽ thảo luận, thống nhất về phương án kiện toàn chức danh chủ tịch nước để Quốc hội bầu vào kỳ họp thứ 8.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ sau thời Lê Duẩn, Việt Nam đã tránh mô hình nhất thể hóa để tránh việc quyền lực tập trung quá nhiều vào một người. Việc ông Nguyễn Phú Trọng từng nắm giữ cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước giai đoạn 2018-2021 cũng chỉ là phương án tạm thời.

Ở Đại hội 13 vào năm 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước kế nhiệm. Vì vậy, chức danh chủ tịch nước được kiện toàn là điều sớm muộn.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên phân tích chính trị Việt Nam, nói với BBC ngày 29/8 rằng  việc không để ông Tô Lâm kiêm nhiệm có thể là do một số lãnh đạo cấp cao tỏ ra kiêng kị về việc cho phép một người nắm giữ quá nhiều quyền lực.

"Hoặc là có những cân nhắc về lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Vì thế, việc khôi phục lại cơ chế lãnh đạo Tứ Trụ sẽ giúp trấn an những mối quan ngại," ông Thayer nói với BBC.

dang2

Các ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước : Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Theo các nhà quan sát chính trị Việt Nam, chủ tịch nước được cho là chức danh chỉ mang tính lễ nghi nhưng đây là người xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo quốc tế và tạo dựng sự tin cậy với họ. Vì vậy, nếu ông Tô Lâm không kiêm nhiệm, việc sớm bầu một chủ tịch nước mới là cần thiết để ổn định dàn lãnh đạo chủ chốt.

Tính cả lần bầu chủ tịch nước vào tháng 10 sắp tới, nhiệm kỳ 2021-2026 có tổng cộng bốn sự thay đổi chủ tịch nước : ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Tô Lâm và nhân vật sắp được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu.

Theo Giáo sư Carl Thayer, có tin đồn rằng quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí chủ tịch nước để cân bằng quyền lực đối với bên công an.

Bộ Chính trị hiện có 15 ủy viên, trong đó có sáu người xuất thân từ công an, ba người từ quân đội. Ba người từ quân đội gồm : Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Trong đó, Đại tướng Lương Cường được nhiều nhà quan sát nước ngoài đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất trở thành chủ tịch nước, vì ông có thâm niên trong Trung ương Đảng với ba khóa liên tiếp 11, 12 và 13. Ông là ủy viên Bộ Chính trị được bầu vào đầu khóa. Bên cạnh đó, ông còn là một sĩ quan chuyên về chính trị.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC vào ngày 29/8 rằng dù ông Lương Cường không còn phục vụ trong quân đội nhưng ông vẫn được coi là đại diện cho lợi ích của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Bộ Chính trị và quân đội được cho là đang cố gắng cân bằng ảnh hưởng với Bộ Công an.

Phê duyệt quy hoạch nhân sự Đại hội 14

Công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề liên quan đến lợi ích công, có tính chất quan trọng đối với vận mệnh đất nước nhưng vẫn luôn được giữ bí mật. Điều này đã được luật hóa .

Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương và tỉnh thành vào năm 2023 đã tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

Ngày 8/7/2024, 50 cán bộ đầu tiên quy hoạch Trung ương khóa 14 đã tham dự lớp bồi dưỡng. Nguồn tin của BBC cho hay, Hội nghị Trung ương 18-20/9 dự kiến sẽ bàn về cương lĩnh cũng như phê duyệt quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 14.

Danh sách nhân sự thuộc về trách nhiệm của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm Trưởng Tiểu ban. Ban này được xem là "cửa soát vé quan trọng nhất"  của Trung ương Đảng về vấn đề nhân sự trước mỗi kỳ đại hội.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội, từng nói về quy trình làm việc của tiểu ban này với BBC như sau :

"Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể."

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự vào ngày 21/8, ông đã phát biểu rằng công tác nhân sự Đại hội Đảng "phải làm khẩn trương, thận trọng, phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ; phải bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nhân sự được xem xét lựa chọn phải là cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng."

dang3

Bộ Tam hiện nay : Thủ tướng Phạm Minh Chính ; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Khi chủ trì Hội nghị Trung ương 9 hồi tháng 5, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự theo đúng Điều lệ, quy chế của Đảng.

Như vậy, có thể thấy công tác nhân sự từ thời ông Nguyễn Phú Trọng đến ông Tô Lâm đều được đánh giá là công việc trọng yếu, là "then chốt của then chốt" nhưng Bộ Chính trị và Trung ương khóa 13 đã chứng kiến biến động dữ dội về nhân sự.

Đã có tổng cộng bảy ủy viên Bộ Chính trị từng được chính Đảng Cộng sản chọn lọc kỹ và đánh giá là vừa có đức, vừa có tài nhưng đã phải rời sân khấu chính trị vì mắc khuyết điểm. Giai đoạn này, 26 ủy viên Trung ương Đảng cũng mất chức, thậm chí có người bị kỷ luật và vướng vào lao lý.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh lần lượt lãnh án 18 năm và 3 năm tù trong vụ đại án test kit Việt Á.

Những án trọng điểm chưa đưa ra xét xử cũng có bóng dáng của các ủy viên Trung ương : Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil ; Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn ; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố vì liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An ; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị bắt, khởi tố vì liên quan tới Dự án Đại Ninh...

Bộ Chính trị khóa 13 có 15 ủy viên, có thể được chia làm bốn nhóm :

Nhóm đầu tiên gồm hai ủy viên phục vụ ít nhất trọn vẹn hai nhiệm kỳ (tính đến hết khóa 13) gồm : Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai ông đều sẽ quá 65 tuổi và cần được xếp vào trường hợp đặc biệt, tức được miễn trừ tuổi nghỉ hưu bắt buộc.

Nhóm thứ hai gồm các thành viên sẽ làm trọn một nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2026 là Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Tương tự nhóm 1, cả sáu người này sẽ quá 65 tuổi vào tháng 1 năm 2026 (thời điểm dự kiến diễn ra Đại hội 14).

Nhóm thứ ba gồm các ủy viên sẽ làm trọn một nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2026 và vẫn trong độ tuổi tái cử, tức vẫn dưới 65 tuổi vào 2026 : Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Nhóm thứ tư gồm các gương mặt mới được bầu bổ sung vào giữa khóa là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Đỗ Văn Chiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Tất cả đều dưới 65 tuổi vào năm 2026. Lưu ý là những người này đến năm 2026 vẫn chưa làm trọn một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị.

Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có nêu việc xem xét trường hợp đặc biệt. Theo đó, những nhân vật quá 65 tuổi vào thời điểm diễn ra Đại hội 14, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp thì phải vào Tứ Trụ hoặc làm thường trực Ban Bí thư.

Bên cạnh các nội dung trên, Hội nghị Trung ương Đảng cũng có thể quyết định hình thức kỷ luật một số cán bộ, bao gồm cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 17/09/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam

Ngày 5/1/1960, ông Hồ Chí Minh khoe : "Ðảng ta là đạo đức, là văn minh".

Tuyên bố kỷ niệm 30 năm thành lập đảng (1930 – 1960), ông Hồ còn nói : "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng : Đảng ta thật là vĩ đại… Ðảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao".

dang1

Ông Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960 - Ảnh tư liệu

Nhưng 64 năm sau (1960-2024), Đảng đã thoái hóa, biến chất. Đảng viên thì tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống tự diễn biến và tự chuyển hóa, bài bác chủ nghĩa Mác-Lênin và cả "tư tưởng Hồ Chí Minh" nữa.

Vì vậy, Đảng nhìn nhận : "Trong thời gian qua, kể từ khi bắt đầu chiến dịch "đốt lò" (2013 thời Nguyễn Phú Trọng), hàng loạt cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật do những suy thoái về đạo đức, lối sống với nhiều biểu hiện khác nhau. Nhiều vụ đại án diễn ra, tập trung vào những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền mà có nhiều biểu hiện của sự suy thoái về mặt đạo đức, lối sống" (Học viện cảnh sát nhân dân, ngày 3/6/2024).

Bài viết giải thích : "Có thể hiểu suy thoái đạo đức, lối sống trước tiên thể hiện ở lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thâu vén cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành. Suy thoái biểu hiện qua cách ăn nói, đặc biệt là phong cách làm việc, phong cách sống, sinh hoạt. Ví dụ như đi lại thì khệnh khạng ; trong phong cách làm việc thì nịnh trên nạt dưới, hạnh họe ; trước đấy thì không như thế, nhưng khi có quyền thì nó bộc lộ ra. Trong sinh hoạt thì có những dấu hiệu bê tha, xuống cấp, những trường hợp này khá dễ nhận diện. Bên cạnh đó, còn biểu hiện ở việc kê khai tài sản không trung thực, mắc bệnh thành tích, háo danh. Là cán bộ nhưng thờ ơ, vô cảm với những vấn đề bức xúc của nhân dân, sử dụng lãng phí tài sản công và ngân sách nhà nước, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động".

Suy thoái hết thuốc chữa

Thành phần sâu mọt này, theo Học viện Cảnh sát nhân dân, đã "sống xa hoa, trụy lạc, đã trở thành những kẻ vô liêm sỉ và bất chính, gây ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân, uy tín của Đảng, nhà nước".

Từ 1994, tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng đã nhận định : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, tiêu cực là một trong những nguy cơ, nguyên nhân cản trở sự phát triển, sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Như vậy là tình trạng "suy thoái tư tưởng" và "tham nhũng, rút tỉa tiền dân" của cán bộ đảng viên là di căn và liên tục không chữa được.

Tình trạng suy thoái này đã được báo VnExpress công bố ngày 20/5/2024, theo đó đã có hơn 3.000 tội phạm tham nhũng bị điều tra trong năm 2023 liên quan đến hơn 1.100 vụ án.

Trong khi đó, theo lời ông Tô Lâm, khi còn làm Bộ trưởng Công an thì :

"Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp ; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Theo số liệu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp, trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, số các vụ án tham nhũng đã khởi tố, điều tra là 2.657 vụ/5.841 bị can" (Báo Chính Phủ online, ngày 22/11/2023).

Những con số này đã xác nhận chủ trương "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" đã thất bại. Rõ ràng "càng chống càng xiêu" và những kẻ tham nhũng không còn sợ bị trừng phạt nữa.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người phát động chiến dịch diệt tham nhũng đã phải than phiền : "Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ ra. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không ?" (Tuyên bố ngày 20/1/2022 tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực).

Thắc mắc của ông Trọng không được ai màn tới, từ những cấp lãnh đạo cấp cao kể cả ông Tô Lâm, người đã thay ông Trọng làm Tổng bí thư.

Nhưng nguyên Thiếu tướng "lão thành" Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã có câu trả lời.

dang2

 Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong chiếc áo kỷ niệm hải chiến Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1988. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 13/3/2013

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Tài liệu của gia đình tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/9/2017 phổ biến một nhận xét của tướng Vĩnh về Đảng cộng sản hiện nay :

"Đảng cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được ! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa !"

Trong các hư hỏng trên, cụ Vĩnh liệt kê có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất :

- Một là, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được ! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì !

- Hai là, Đảng cộng sản Việt Nam không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi Đảng Lao Động Việt Nam trước đây nữa!

- Ba là, Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với Đảng cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Đảng cộng sản Việt Nam làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi Trung Quốc ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam !".

Tất nhiên, lãnh đạo Đảng đã không dám phản biện những cáo buộc của Tướng Vĩnh. Điều này chứng minh câu nói "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" của Hồ Chí Minh là sai sự thật.

Phạm Trần

(16/09/2024)

 Đọc thêm :

Lễ Bách nhật Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh : Giá mà Lãnh đạo biết lắng nghe…

Đinh Hoàng Thắng, RFA, 02/04/2020

Thấm thoắt 100 ngày Nhà ngoại giao – Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đi xa. Di sản của Cụ hôm nay tuy chưa được chính thống nghiên cứu và tiếp thu, nhưng các giá trị lâu bền và định hướng tư tưởng của Cụ vẫn trường tồn với thời gian. Một khi đất nước bắt nhịp với thời đại, chắc chắn Cụ sẽ được "hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời" (*). Cụ cũng sẽ được nhắc đến như một trong những người từng tiên phong chỉ lối ra khỏi khủng hoảng.

nguyentrongvinh1

Ảnh chụp tang lễ Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 2/1/2020 - Courtesy of FB Dũng Trương

Nói cho công bằng, lịch sử Việt Nam đương đại có chuyển động, dù chậm chạp. Đà chuyển động ấy đáng được hoan nghênh, tuy còn khoảng cách với sự đón đợi. So với những Trần Xuân Bách, Trần Độ và các nhà hoạt động khác dấn thân cho tương lai dân chủ của đất nước, số phận tướng Nguyễn Trọng Vĩnh không đến mức bi kịch.

Niềm nuối tiếc nhức nhối

Không bi kịch nhưng Cụ vẫn luôn tự vấn và day dứt cho đến cuối cuộc đời vắt ngang hai thế kỷ. Nhớ mãi những lần đến thăm Cụ tại nhà riêng và bệnh viện. Lúc bấy giờ nói chuyện đã khó khăn, nhưng Cụ vẫn nắm chặt tay, ra hiệu với chúng tôi phải đấu tranh không khoan nhượng ; vì an ninh quốc gia, không được để cho các tập đoàn "nước lạ" tham gia đấu thầu xa lộ Bắc Nam…

Thế rồi, cái buổi sáng ngày mồng hai tháng Giêng ấy, tất cả đều chỉnh tề hàng lối trước linh sàng Cụ. Chia sẻ dù ít, dù nhiều những giá trị trong tư tưởng của Cụ, đa phần những người có mặt đều ngưỡng mộ, dành cho Cụ những tình cảm kính trọng và quý mến thực sự. Bởi Cụ là một con người như Facebooker Lê Hồng Hạnh từng cảm thán, "là Tiên là Phật ở cõi nhân gian đầy nhiễu nhương hiện nay".

Đọc các cuốn sổ tang hôm ấy, càng củng cố trong tôi một niềm nuối tiếc nhức nhối. Dẫu sao, trong những dòng lưu bút ấy đã có rất nhiều tình cảm trong sáng toát lên những khoảnh khắc của sự hòa hợp, song bên cạnh đấy vẫn không ít những dòng nặng về "diễn" bề ngoài hơn là thực chất.

Và liệu qua đám tang hôm ấy, thực sự mọi người đã xích lại được gần nhau bao nhiêu ? Ai đã làm cho những con người vốn dĩ là đồng bào của nhau mà có lúc phải đối mặt nhau, thậm chí một bên coi bên kia là thù địch, rồi ngoảnh lưng lại luôn cả với những giá trị mà trong thâm tâm, bản thân họ cũng đồng tình và chia sẻ, nhưng bề ngoài, buộc phải phản bác lấy lệ ?

Không thể liệt kê hết danh tính những người tới phúng viếng ! Đây là những Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), những Cấn Thị Thêu (Dương Nội), những Lê Trọng Hùng (Truyền hình CHTV)… Kia là Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương đảng Bùi Thanh Sơn (Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao), Trung tướng Lê Hiền Vân (Tổng cục Chính trị), Thiếu tướng Lê Văn Huyên (Cục Tổ chức)…

Và biết bao nhân sĩ, trí thức, đại biểu các cơ quan đại diện trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội dân sự, nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, cựu chiến binh, đồng hương, họ hàng và bà con khối phố…

Giá như bắt được bước sóng

Trong một xã hội dân chủ, "cần ăng-ten" của các nhà lãnh đạo quốc gia lúc này phải bắt được những bước sóng nói trên ! Những bước sóng ấy không đến từ "các lực lượng thù địch". Dù là ai, ở cương vị nào trong xã hội, họ dường như đều có thể chia sẻ và cảm nhận được tấm lòng vì dân, tư tưởng vì Việt tộc của Cụ.

Với đám tang Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác đều gửi vòng hoa đến viếng ! Điếu văn do Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đọc hôm tang lễ đã xác nhận sự cống hiến của Cụ đối với sự nghiệp ngoại giao nói riêng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Vì lẽ trên, không hẳn là sự ra đi của các bậc lão thành trung chính, cương trực như Cụ Vĩnh lại khiến những người đang cầm quyền "thở phào nhẹ nhõm". Do đó, giờ đây chúng ta đã có thể và cần phải nghĩ ra phương cách phù hợp để cùng khai thác di sản của các Cụ.

Từng đốm lửa các Cụ đã nhen nhóm lên trong mỗi góc thiện lương của con người, cớ sao không thổi bùng lên thành ngọn lửa thiêng của chủ nghĩa yêu nước, hun đúc nên trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ? Cần biết bao ngọn lửa thiêng ấy đối với Tổ quốc trong những ngày tháng sóng gió hiện nay !

Phong tỏa toàn quốc đã bước sang ngày thứ hai. Cả nước đang gồng mình chống đại dịch thế kỷ. Con virus quái ác ấy từ đâu đến thì ai cũng biết. Người dân các tỉnh miền Tây đang oằn lưng chống hạn mặn lịch sử đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa mưu sinh của hơn 17 triệu ngư dân và các hộ nghề nông. Bên cạnh mặt chủ quan, đại họa ấy chủ yếu do ai gây ra, thiết nghĩ cháu học sinh trung học cũng có thể trả lời rành rẽ.

Đại dịch vẫn "không tha" Biển Đông

Rồi biển đảo và các ngư trường truyền thống của người Việt không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà trên toàn Biển Đông không phút nào thôi bị đe doạ, bị khủng bố, ngay trong những ngày Việt Nam và thế giới đang lo tập trung dập dịch. Trong lúc Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc lại tập trận và triển khai nhiều hoạt động mới ở Biển Đông ngay khi ổ dịch Vũ Hán chưa hẳn đã được giải quyết xong.

Và bao câu chuyện đau đầu khác nữa liên quan đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong quan hệ đối ngoại, đối nội với một hàng xóm khổng lồ và hay bắt nạt. Cần lắm lúc này một lời hiệu triệu : "Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi !" (**).

Cho dù ở đây, đức hy sinh là hết sức cần thiết nhưng vẫn chưa đủ ! Thế giới "hậu Covid-19" sẽ sớm khởi động quá trình "tái cấu trúc" trật tự quốc tế mới. Nhiều tử huyệt của trật tự cũ lần lượt đang bị phơi bày. Nhiều quan niệm và chuẩn mực truyền thống sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Lúc này rất cần sự tỉnh táo và nhạy bén để tìm ra các giải pháp thông minh. Cái khó ló cái khôn.

Dân tộc này không thiếu các nguồn mạch tạo ra "sức mạnh mềm". Vấn đề là phải biết tập hợp lực lượng trong hoàn cảnh mới, phải lắng nghe và biết khai mở, đặc biệt từ những công dân tiêu biểu như Nguyễn Trọng Vĩnh, một Lão tướng "còn hơi, còn sức, còn lên tiếng/ là muốn quyền uy bớt lỗi lầm".

Giá như độ tinh nhạy của các Lãnh đạo Đảng/ Nhà nước/ Chính phủ suốt bao năm qua, đặc biệt là 15 năm trở lại đây (từ 2004 – 2019) bắt được làn sóng phát ra từ Cụ và từ biết bao các bậc nhân sĩ trí thức từ Bắc chí Nam thì đất nước đâu đến nỗi khốn khó và khủng hoảng như giờ đây.

Hiện tượng Nguyễn Trọng Vĩnh

Một trong những giá trị làm nên "hiện tượng Nguyễn Trọng Vĩnh" là sự tỉnh táo và sáng suốt bắt kịp những thăng trầm trong số phận của đất nước. Dù giác ngộ và theo Đảng từ năm 1937 nhưng một khi thế cuộc chuyển dịch, Cụ đã sớm nhận chân các xu hướng phổ quát của thời đại, khảng khái chỉ ra "những lỗi hệ thống, sai từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình" (Lời của cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An), và đề xuất phương hướng khắc phục.

Tính tiên phong trong viễn kiến của Cụ rõ ràng vượt qua giới hạn tuổi tác và tư duy quán tính. Có lần đại diện của Thành ủy Hà Nội đến vấn an Cụ tại nhà riêng, với mục đích vận động Cụ rút tên khỏi Thư Ngỏ 61 và khỏi Danh sách 127 Nhân sĩ trí thức gửi kiến nghị tới các đại biểu dự Đại hội 12 của Đảng. Cụ không những không rút, mà còn thuyết phục những người cùng đối thoại về tính đúng đắn của các kế sách "chống giặc ngoại xâm và nội xâm" ấy.

Giá như các bậc "công bộc" giờ đây ngồi lại, với các nhà nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự, cùng nhau rút ra những gì là "ích quốc lợi dân" từ trong hai tập sách của Tủ sách Gia đình : "Kể lại cuộc đời" và "Phải trái sự đời". Mùa Covid-19 chưa làm được Hội thảo thì sẽ tập trung giới thiệu hai ấn phẩm như là những nén tâm hương nhân 100 ngày Cụ về Trời.

nguyentrongvinh0

Những người quý mến, ngưỡng mộ Cụ đã lập ra Blog "Di sản Nguyễn Trọng Vĩnh" để có nơi trao đổi những cảm nghĩ và phân tích của mình về cuộc đời cũng như sự nghiệp vẻ vang của Cụ, về các bài viết mà con cháu Cụ đã sưu tầm và tuyển chọn nhân dịp mừng Cụ trăm tuổi, rồi cùng nhau online như một trang mạng xã hội thì hay biết chừng nào !

Cảm ơn nhà báo Tạ Đình Thính đã có mấy dòng cảm thán mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, phản ánh được các cung bậc tình cảm của nhiều người : 

"Một trăm linh bốn Xuân

Lão tướng chẳng cầu Nhàn

Khơi ngọn lửa Vĩnh Cửu

Để thắp sáng Nhân Gian".

Cảm ơn nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã phác họa chân dung Cụ thật tài tình : 

"Sứ thần tận Trung với nước

Tướng quân tận Hiếu với Dân

Trăm năm vững vàng quắc thước

Xứng danh Người ở cõi Trần".

Vâng, Cụ Vĩnh thật xứng danh và xứng đáng với chữ "Người" viết hoa.

Mềm nắn rắn buông

Là một nhà ngoại giao khoác áo lính và cũng là một người lính mặc áo ngoại giao, Cụ Vĩnh chắc chắn là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền duy nhất của Việt Nam cho đến nay có nhiệm kỳ dài nhất ở sở tại, suýt soát 13 năm. Cụ từng đúc kết một trong những bài học với Trung Quốc là "mềm nắn rắn buông".

Cụ kể lại cho chúng tôi nhiều câu chuyện khi "nhu" khi "cương" với Tầu. Lúc họ hùng hùng hổ hổ, đập bàn đập ghế, vu cáo trắng trợn và đe dọa ta, Cụ đã phải vận hết nội công kiềm chế để không bị cuốn vào những trò "phi ngoại giao", dùng những lý lẽ đích đáng "đập" lại họ, buộc họ phải thoái lui.

Nhưng khi cần "cương", Cụ cũng dám có thái độ cứng rắn, đã "mời" một Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ra khỏi Đại Sứ quán ta ở Bắc Kinh, khi vị Thứ trưởng ấy đã có thái độ bất lịch sự và những phát ngôn không đúng mực trong đàm phán.

Cuộc thoát trần của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh giống như ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm. Có thể chia sẻ với suy tưởng của Giáo sư Tương Lai : Ngôi sao băng ấy tuy đã tắt nhưng ánh sáng của nó sẽ còn soi rọi mãi tới nhiều thế hệ mai sau !

Tinh thần ấy đã được Giám đốc Trung tâm Minh Triết Nguyễn Khắc Mai tái khẳng định trong bức Trướng viếng hôm tang lễ. Tiếc là không rõ vì lý do gì, bức Trướng ấy không được các lực lượng an ninh cho phép đưa vào đặt trước linh sàng Cụ : 

"Trọng Độc Lập

Trọng Dân Quyền

Hiếu Trung Rạng Ngời Một Thuở

Vĩnh Biệt Này

Vĩnh Hằng Ấy

Nghĩa Tình Còn Mãi Ngàn Thu".

*

Để di sản của Cụ sống mãi với thời gian, để các giá trị lâu bền và những định hướng nhất quán của Cụ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, Blog Di sản Nguyễn Trọng Vĩnh https://disannguyentrongvinh.blogspot.com/ hy vọng nhận được ngày càng nhiều sự hưởng ứng từ khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam và từ những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Hãy đọc và cảm nhận hai cuốn sách nóng bỏng tính thời sự, chứa chan lòng yêu nước, thương dân của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh !

Hãy lan tỏa những bài viết đầy trí tuệ sắc bén, chứa chan nhân cách sống giản dị và thanh cao, sống động và cuốn hút của Cụ vào xã hội hôm nay, đồng thời truyền cảm hứng ấy cho các thế hệ mai sau, dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì dân chủ, hạnh phúc của Nhân dân.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 02/04/2020

Tham khảo :

(*) và (**) : "Quân xung phong, nước Nam đang chờ mong tay ngươi, hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời" : Trích từ bài hát "Chiến sĩ Việt Nam", nhạc và lời của Văn Cao

https://www.danluan.org/tin-tuc/20101215/ngo-nhan-dung-nguyen-van-an-cong-nhan-sai-lam-he-thong-tu-goc-den-ngon

https://conglyvasuthat.wordpress.com/2014/07/30/61-dang-vien-kien-nghi-bo-duong-loi-chinh-tri-sai-lam/

https://www.danluan.org/tin-tuc/20151212/thu-ngo-cua-127-nhan-si-tri-thuc-gui-bo-chinh-tri-truoc-hem-dai-hoi-

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vinh-funeral-01022020140149.html

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/talk-between-two-souls-in-duong-lam-01082020102940.html

Additional Info

  • Author Phạm Trần, Đinh Hoàng Thắng
Published in Diễn đàn
mercredi, 11 septembre 2024 23:21

Người mới, chuyện cũ

Nội dung phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 27/08/2024 về đường lối khóa đảng XIV cho thấy ông không dám đi ra khỏi quỹ đạo một người cộng sản bảo thủ để được tồn tại.

phatbieu1

Ngày 27/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng - Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Ông nói : "Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ; 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026 - 2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) ; hướng tới dấu mốc đất nước ta 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ; tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Tạp chí Cộng sản, 30/08/2024).

Tất cả chương trình này sẽ được gói ghém trong Báo cáo Chính trị của khóa đảng XIII tại Đại hội đảng XIV tháng 1/2026. Nhưng nội dung không hoàn toàn của ông Tô Lâm mà đã được hoạch định từ khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sống.

Ông Trọng qua đời ngày 19/7/2024, thọ 80 tuổi, nhưng ông là Trưởng ban Văn kiện và Nhân sự đảng khóa XIV, do đó, ý kiến của ông chắc chắn đã bao trùm các việc để lại cho Đại tướng Tô Lâm.

Bằng chứng là "tư tưởng tự đề cao" của ông Trọng đã được ông Tô Lâm phản ảnh, khi nói : "Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là "ánh sáng soi đường" cho những kỳ đại hội tiếp theo".

Nhưng "ánh sáng" ở đâu ?

Ông Tô Lâm không đưa ra ý kiến mới mà chỉ lập lại rằng : "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Điều này có nghĩa Việt Nam, dưới thời Tô Lâm vẫn tiếp tục đi theo con đường mòn Nguyễn Phú Trọng chống "đổi mới chính trị" và tiếp tục khóa cửa dân chủ và tự do.

Nên biết ông Tô Lâm là cựu Bộ trưởng Công an, một chuyên viên "bảo vệ chính trị nội bộ" và "chống các lực lượng dân chủ của người Việt ở nước ngoài". Ông cũng là người điều hành công tác chống tham nhũng, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng khi còn sống.

Do đó, trong phát biểu chỉ đạo ngày 27/08/2024, ông Lâm khẳng định : "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh ; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm 'không ngừng', 'không nghỉ', đưa cuộc chiến chống 'giặc nội xâm' tới thắng lợi cuối cùng".

Tuy tướng Tô Lâm không thêm mấy chữ "không vùng cấm" như ông Trọng vẫn thường nói, nhưng ông đã nhắc lại cách gọi "tham nhũng" là "giặc nội xâm" của thời 1980. Đồng thời, ông còn hứa chống tới "thắng lợi cuối cùng" phản ảnh ông quyết tâm hơn các tổng bí thư tiền nhiệm.

Nhưng tham nhũng càng chống thì càng mọc ra nhiều hơn và ở mọi nơi. Lý do "quốc nạn" này tồn tại vì Đảng không chấp nhận "đa nguyên đa đảng" để đổi mới chính trị như đã đổi mới lối làm kinh tế kiểu tư bản chủ nghĩa thời ông Trường Chính năm 1986.

Nguyễn Đình Bin

Vì đảng độc quyền lãnh đạo và độc quyền chống tham nhũng nên kẻ tham nhũng không sợ bị phát giác trong bối cảnh chia chác và bênh vực cho nhau. Nhân dân, nạn nhân của tham nhũng, không dám tố cáo thủ phạm. Báo chí thì không dám tự ý điều tra tham nhũng mà chỉ biết thông tin sau khi đã được các cơ quan điều tra công khai và ban tuyên giáo cho phép.

Do đó, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin đã viết thư kiến nghị gủi tân Tổng bí thư Tô Lâm kêu gọi ông hãy can đảm theo gương ông Trường Chinh để "đổi mới chính trị"

Ông biện chứng : "Rõ ràng là hệ thống chính trị hiện hành, chế độ xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Mác – Lênin mà Đảng ta vẫn kiên trì bảo vệ và thực hiện đã khủng hoảng trầm trọng !".

Vì vậy, ông Bin viết tiếp : "Tôi thống thiết kiến nghị đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước noi gương Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, hãy dũng cảm từ bỏ cội nguồn sinh ra tình trạng khủng hoảng này, là hệ tư tưởng mà Đảng vẫn kiên trì níu giữ, là nền tảng của hệ thống chính trị hiện hành… ; chấp nhận và vận dụng vào nước ta nhà nước thực sự pháp quyền, với ba quyền phân lập, thực sự dân chủ, đa đảng, xã hội dân sự, đang phổ cập trong thế giới tự do, dân chủ, văn minh, phù hợp quy luật phát triển khách quan lịch sử nhân loại… chỉ như vậy mới "loại bỏ được cội nguồn đẻ ra nạn tham nhũng và các vấn nạn khác của Đảng và đất nước hiện nay, phá bỏ được bức tường đang cản trở đất nước thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự và thực hiện dân chủ thực sự, từ đó mới thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân ; đồng thời, cũng chính là phá bỏ rào cản để nước ta thực sự độc lập, tự chủ, thực sự hòa nhịp bước cùng đại đa số các quốc gia trên thế giới, từ đó mới kết hợp được tốt nhất sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" (Cựu Thứ trưởng ngoại giao kêu gọi thay đổi 'thể chế chính trị').

Cũng giống như mọi lần, tâm thư của ông Bin đã không được hồi âm từ ông Nguyễn Phú Trọng khi còn sống và ông Tô Lâm. Điều này cho thấy lãnh đạo Việt Nam không quan tâm đến ý kiến người khác, nếu "không hợp khẩu vị", và coi thường trí thức không thuộc hàng ngũ "hạt giống đỏ" hay "trí thức của đảng".

Tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên

Tình trạng lãnh đạo cộng sản Việt Nam không quan tâm đến ý kiến người khác không lạ vì đa số lãnh đạo đảng chỉ thích nghe những lời "xu nịnh", "đồng tình" và "ủng hộ hết mình".

Do đó, tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên đã lan qua hai lực lượng Công an và Quân đội khiến đảng lo âu. Các cuộc thảo luận nội bộ và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hố Chí Minh đã không ngừng được tổ chức để quán triệt đường lối và chính sách của đảng. Nhưng chuyện lười đọc và lười học Nghị quyết của đảng vẫn chưa chấm dứt nên đảng đã chỉ thị cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phải theo "dõi tư tưởng" công an và binh lính để kịp thời sửa sai.

Đã có lần ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương đã chỉ trích tình trạng các học viên không chịu tập trung trong giờ học tập mà chỉ nói chuyện qua cell phone cá nhân, hay giải quyết công việc riêng. 
Lý do được cho biết là cán bộ, đảng viên đã chán nghe các bài thuyết giảng khô khan, không thích hợp với nhu cầu công tác.

Báo đảng viết : "Có thể nói tình trạng lười học tập Nghị quyết, Chỉ thị của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đến mức báo động. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng "nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên do lười học Nghị quyết của Đảng" (Báo điện tử dangcongsan.vn, ngày 21/01/2024).

Báo này cũng cho biết : "Năm 2016, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã xác định : "Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" cũng là một trong những biển hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếc rằng, từ đó đến nay, "căn bệnh" lười học Nghị quyết ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn không thuyên giảm". 

Năm 2017, tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), ông Võ Văn Thưởng, khi ấy Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã yêu cầu : "Phải kiên quyết khắc phục "căn bệnh" ngại học, lười học nghị quyết, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt lấy lý do công việc mà bỏ học nghị quyết hoặc học hình thức, chiếu lệ…".

Lời yêu cầu này đã như "nước đổ đầu vịt", vì không ai có thế "đọc chữ mà no" được. Chắc là ông Tổng bí thư Tô Lâm cũng biết như thế để sửa sai. Nhưng với cá tính "bảo Hoàng hơn Vua" của một tướng công an bảo thủ, không ai tin ông sẽ có can đảm "xé rào" để đưa đất nước tiến lên.

Phạm Trần

(12/09/2024)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

Lời giới thiệu Thành - Trụ - Hoại – Diệt là một quy luật vật lý của vũ trụ cho thấy mọi vật có khối lượng và mọi hiện tượng cân đo đong đếm được trong vũ trụ đều bị chi phối qua 4 thời kỳ : xuất hiện là Thành, phát triển là Trụ, hư nát là Hoại và mất đi là Diệt. Quy luật nầy là một định luật khoa học chứ không phải là một quy luật riêng biệt của Phật giáo, được áp dụng cho mọi loại vật chất và hiện tượng trong vũ trụ hiện tại của nhân loại.

Một ví dụ cụ thể là con người ngay khi được sinh ra là giai đoạn Thành (hơn 9 tháng), lớn lên là giai đoạn Trụ, già đi là giai đoạn Hoại và khi chết đi là giai đoạn Diệt. Ví dụ về một hiện tượng như cơn gió hiện ra là "thành", thổi qua một thời gian là "trụ", yếu dần là "hoại" và sau cùng ngưng thổi tức là "diệt". Không có sự vật nào tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ nầy và chính cái vũ trụ nầy cũng đang tiến vào chu kỳ hoại diệt trong tương lai hàng tỷ tỷ năm sau nầy.

Cực điểm của giai đoạn Hoại là gai đoạn Diệt thường là ngay lập tức hoặc nếu kéo dài thì thời gian cũng rất ngắn gọn, có thể kiểm chứng cụ thể qua những sự cố sụp đổ của các đảng cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu chung quanh thập niên 90 của thế kỷ 20 vừa qua.

Lý thuyết Cơ học Lượng tử (Quantum Mechanics Theory) của khoa học và triết học phương Đông (Kinh Dịch) đã chỉ ra sự biến dịch của vạn vật và những hiện tượng trong vũ trụ. Đảng Cộng Sản Việt Nam không là một ngoại lệ, cho nên đảng nầy cũng phải bị biến dịch theo đúng với quy luật Thành - Trụ - Hoại – Diệt [1]. Hơn nữa, theo Giáo sư Kiều Tiến Dũng (Melbourne – Úc), Lý Thuyết Cơ học Lượng tử ngày nay đã chứng minh rằng ngay trong bản chất của bất cứ sự vật hay hiện tượng nào đều đã hàm chứa sẵn khả năng tự biến chuyển và luôn luôn biến chuyển, dù không có bất cứ ngoại lực nào tác động vào nó [1].

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một hiện tượng của đất nước Việt Nam, hay nói khác đi, Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tổ chức chặt chẻ hay một tập thể chặt chẻ, có gần 5 triệu người Việt Nam hiện nay. Chiếu theo Đạo Đức Kinh của Lão Tử thì vạn vật từ Không mà sinh ra, dần dần trưởng thành khi lớn lên. Khi lớn lên tới cực điểm rồi thì trở ngược lại và bắt đầu giảm lần, yếu dần và suy tàn cho đến khi trở về Không. Vậy thì tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam nầy đang ở đâu chiếu theo Thuyết Cơ học Lượng tử và quy luật Thành-Trụ-Hoại-Diệt gồm 4 giai đoạn thành, tru, hoài & diệt ?

Cần nhấn mạnh là 4 giai đoạn thành, trụ, hoại & diệt của quy luật nầy thường chồng lấn lên nhau từng phần, chứ không phải hoàn toàn được phân chia cụ thể như những toa xe (coaches) của một đoàn tàu lửa. (PĐT)

hcm1

 

Phần 1 : Thành

 

A. Giai đoạn hình Thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam (1928-1931)

Khác với tất cả các đảng chính trị & cách mạng xuất hiện trước năm 1945 như Dân Xã, Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Tân Việt…, Đảng Cộng Sản Việt Nam được hình thành qua nhiều tên tuổi khác nhau và do quyết định của ngoại bang là Liên Xô (đứng đầu Quốc Tế Cộng Sản III) & Đảng Cộng Sản Trung Quốc tạo dựng.

Trong suốt 2 năm 1929 và 1930, do chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản), các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải họp nhau trên đất Tàu để thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất cho vùng Đông Dương mang tên chính thức là Đảng Cộng Sản Đông Dương, như sau :

- Đông Dương Cộng Sản Đảng được thành lập ngày 17/6/1929 tại Hà Nội với Ban Chấp hành trung ương lâm thời gồm : Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc, Trần Tư Chính và Nguyễn Tuân, do Trần Văn Cungm Bí thư. Thực ra, Đông Dương cộng sản Đảng có tiền thân là Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên (6/1925-8/1929), do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Các hội viên chủ chốt có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh...

- An Nam Cộng Sản Đảng được thành lập ngày 15/11/1929 tại Sài Gòn. Ban Chấp hành trung ương lâm thời gồm : Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, Trần Não, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Sĩ Sách, do Châu Văn Liêm làm Bí thư.

- Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn được thành lập ngày 1/1/1930 tại Hà Tĩnh. Các thành viên chủ chốt gồm : Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Khoa Văn, Trần Hữu Chương, Lê Tiềm, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Tốn, Trần Đại Quả và Ngô Đình Mẫn. Tuy nhiên tổ chức nầy chưa kịp bầu Bí thư và Ban Chấp hành trung ương thì bị thực dân Pháp bắt bớ và đàn áp. Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn có tiền thân là Tân Việt Cách Mệnh Đảng (14/7/1928-1/1/1930), với nhân sự chủ chốt gồm có Trần Mộng Bạch, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... và do Đào Duy Anh làm Tổng thư ký. Về sau nhiều thành viên chuyển sang xu hướng cộng sản và thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.

Việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là do chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế) yêu cầu Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc (chưa dùng tên Hồ Chí Minh) triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam họp từ ngày 6/1/1930 đến ngày 8/2/1930 tại Hương Cảng, trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản tại Đông Dương là Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Hội nghị hợp nhất này diễn ra tại căn nhà của một công nhân ở bán đảo Cửu Long (Kowloon) từ ngày 6/1 đến ngày 8/2/1930, đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ. Tham dự Hội nghị có 2 đại biểu Đông Dương Cộng Sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, hai đại biểu An Nam Cộng Sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm và 3 đại biểu ở nước ngoài là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu & Lê Hồng Sơn đại diện cho Quốc Tế Cộng Sản III. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mãi đến ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn mới chính thức gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam nầy. Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi ngày thành lập Đảng là 6/1/1930 nhưng Nghị quyết tại Đại hội III năm 1960 lại đổi thành ngày 3/2/1930.

Như vậy ngày 3/2/1930, Đông Dương Cộng Sản Đảng và An Nam Cộng Sản Đảng chính thức hợp nhất thành một Đảng Cộng Sản Việt Nam thống nhất. Ngày 24/2/1930 thì Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn chính thức gia nhập.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31/10/1930, tên của Đảng Cộng Sản Việt Nam được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo yêu cầu của Quốc Tế Cộng Sản III và Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên.

Theo Hà Huy Tập thì lúc mới hợp nhất, phía Đông Dương Cộng Sản Đảng có 85 đảng viên, An Nam Cộng Sản Đảng có 61 đảng viên và Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn có 119 đảng viên, và phân bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Đông Dương có 300 đảng viên. Ngoài ra ở Thái Lan còn có 40 đảng viên và Hương Cảng (Hong Kong) có 14 đảng viên. Khi hợp nhất thì Đảng Cộng Sản Đông Dương có tổng cộng 565 đảng viên, chia thành 40 chi bộ ở khắp Đông Dương, Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan) và Hong Kong [2], [3] & [4].

hcm2

Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Đông Dương, chụp tại Đại hội Đảng cộng sản Pháp họp tại Marseille năm 1921

Phân tích tỉ mỉ giai đoạn hình thành của Đảng Cộng Sản Việt Nam nói trên sẽ thấy có 5 sự kiện đặc thù nổi bật.

Thứ nhất là chỉ trong 3 năm ngắn ngủi (1928-1930) đảng nầy dùng đến 2 cái tên khác nhau (sau năm 1945 còn đổi tên thêm vài lần nữa), dù bản chất cộng sản không thay đồi. Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng bị chính đảng nầy tự ý thay qua đổi lại như hành vi tráo bài ba lá : Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng Cộng Sản Việt Nam ghi ngày thành lập Đảng là 6/1/1930 nhưng Nghị quyết tại Đại hội III năm 1960 lại đổi thành ngày 3/2/1930.

Thứ hai là 300 đảng viên của phân bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc gia nhập ngay khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, góp phần đưa con số đảng viên từ 265 lên 565. Con số 300 đảng viên gốc Hoa nầy chiếm đa số từ những ngày đầu mới thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tai họa cho chính họ và cho đất nước Việt Nam suốt từ đó cho đến nay.

Thứ ba là ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc (chưa lấy tên Hồ Chí Minh), chẳng có vai trò gì trong giai đoạn manh nha thành hình Đảng Cộng Sản Việt Nam từ 1928 đến 1930, dù ông ta là sứ giả và đại diện cho Quốc tế Cộng Sản III, mà Trần Phú lại chính là nhân vật có uy tín và ảnh hưởng trên nhóm thành lập đảng nầy. Chỉ một năm sau Trần Phú bị Pháp bắt tại Sài Gòn vào tháng 4/1931 và chết vào tháng 9 tại nhà thương Chợ Quán – Sài Gòn. Sau đó, Lê Hồng PhongHà Huy Tập lần lượt làm Tổng bí thưĐảng Cộng Sản Đông Dương, còn Hồ Chí Minh chỉ đảm nhiệm công tác liên lạc giữa Quốc Tế Cộng Sản và các đảng cộng sản tại Đông Nam Á. Cả 3 Tổng bí thư đầu tiên của đảng nầy đều bị Pháp bắt tại Việt Nam và giết chết trong nhà tù từ 1931 đến 1941 và cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ngày 15/06/1924 tại Trung Quốc, trong khi đó ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, được an toàn trong suốt thời gian hoạt động tại Trung Quốc và Xiêm La từ năm 1930, mãi đến năm 1942 ông mới lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Trước đó thì ông Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), đã dùng nhiều tên giả như Lý Thụy – là tên lúc đó của ông Hồ làm điệp viên chỉ điểm cho Liên Xô tại Trung Hoa dưới vỏ bọc thông dịch viên cho phái bộ Borodine - Lin, Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc, v.v… Một điều khá đặc biệt trong 79 năm cuộc đời, ông Hồ đã dùng tới 176 tên gọi và bí danh khác nhau, kể cả tên Hồ Chí Minh được dùng từ 1942 tới ngày nay [5], [6] & [7] (Ghi chú : Theo báo điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam [6] thì ông Hồ Chí Minh dùng đến 205 tên giả, chưa kể đến 2 bút danh Trần Dân Tiên, T. Lan để tự viết sách ca ngợi chính mình và bút danh CB để viết báo Nhân Dân gán ghép tội "cường hào ác bá" để xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long – một ân nhân đóng góp của cải nhiều nhất cho Đảng Cộng Sản Việt Nam - trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất 1956 của Đảng Cộng Sản Việt Nam). Hồ Chí Minh đã từng dùng bí danh Lý Thụy trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với các giấy tờ tùy thân mang tên Lý Thụy. Trong bức thư gửi Quốc Tế Cộng Sản, ngày 18/12/1924, Nguyễn Ái Quốc ghi ở cuối thư : "Trong lúc này tôi là một người Trung Quốc, chứ không phải là một người An Nam, và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc". Trước đó, vào năm 1919, khi còn mang tên Nguyễn Tất Thành ở Pháp cùng sinh hoạt chung với nhóm trí thức gồm các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh. Nguyễn Tất Thành là người đến gia nhập nhóm sau cùng và chớp lấy cái tên Ái Quốc của nhóm, tức mạo danh nhóm trí thức nói trên [6] & [7].

Thứ  là trong 4 năm liền sau khi thành lập Đảng, ông Lý Thụy, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Lin bị các tổng bí thư tiên khởi khiển trách. Trong những năm 1931–1935, Nguyễn Ái Quốc bị Trần Phú và sau đó là Hà Huy Tập phê phán về đường lối cải lương "liên minh với tư sản và địa chủ vừa và nhỏ", không đúng đường lối đấu tranh giai cấp của Đệ Tam Quốc Tế. Trong một bức thư gửi cho tổ chức Đệ Tam Quốc Tế vào tháng 3/1935 với nội dung kể về phong trào cách mạng tại Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã bị phê phán nặng nề. Bức thư này có ghi nhận về "tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc". Trong thư này cũng có đoạn : "Những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh đấu không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và của Đảng Thanh Niên là rất cần thiết (...). Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một cuốn sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua". Sở dĩ có việc phê phán này là do bất đồng giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí của ông về các lực lượng tham gia, cần tranh thủ trong hoạt động cách mạng và sự chệt hướng đấu tranh giai cấp của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) [8]. Việc tuyên truyền rằng Nguyễn Ái Quốc là cha đẻ của Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay là sự tuyên truyền gian dối và bịp bợm, vì chỉ sau ngày các tổng bí thư tiên khởi Trần Phú, Hà Huy Tập & Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt giam và giết chết thì Nguyễn Ái Quốc mới cướp quyền lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vào thời đó. Do đó, lịch sử còn nghi ngờ dữ kiện là có thể Nguyễn Ái Quốc đã chỉ điềm cho Pháp bắt được cả 3 tổng bí thư tiên khởi nói trên để không còn ai có uy tín hơn Nguyễn Ái Quốc và đương nhiên ông bước lên vị trí chóp bu dễ dàng. Nghi ngờ nầy rất có cơ sở khi lịch sử đã nắm vững chứng cớ Nguyễn Ái Quốc đã bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp lúc 12 giờ trưa ngày 15/06/1924 (ngày 11 tháng 5 năm Giáp Tý), để cướp quyền chi phối Việt Nam Quang Phục Hội, Tâm Tâm Xã… tại Trung Hoa và nhận được một số tiền lớn do Pháp trả cho là 150 ngàn bạc Đông Dương thời bấy giờ [9], [10] & [11].

hcm3

Nghi án Hồ Chí Minh bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp

Thứ năm là việc ai sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam vào thời kỳ thành lập đó ? Câu trả lời chính xác : "Dựa theo lịch sử Việt Nam và các tài liệu chính thức trên truyền thông quốc tế thì Đệ III Quốc Tế Cộng Sản - do Liên Xô cầm đầu, chi phối – và Trung Quốc là 2 nhân tố sáng lập. Có thể ghi nhận chính xác là Đảng Cộng Sản Trung Quốc & Đảng Cộng Sản Liên Xô là 2 bà mẹ đẻ ra và nuôi dưỡng Đảng Cộng Sản Việt Nam khôn lớn". Cho đến ngày nay thì đảng cộng sản Tàu vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng và chi phối Đảng Cộng Sản Việt Nam ngấm ngầm & công khai. Do đó, những trí thức đương thời & có tầm nhìn sâu sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh, Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Khôi, Thiều Chửu… đều xa lánh Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngược lại là Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Đại Nghĩa, Lâm Đức Thụ, v.v.. đều nhầm lẫn nghe theo tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam thời đó đến nỗi thân bại danh liệt sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam cướp được chính quyền miền Bắc Việt Nam vào năm 1945.

Như vậy kết lại những sự kiện trong giai đọan Thành cho thấy Trung Quốc & Liên Xô đã chung tay đẻ ra Đảng Cộng Sản Việt Nam để nhuộm đỏ vùng Đông Dương và phát triển thêm Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Dứt khoát là Đảng Cộng Sản Việt Nam không phải do nhu cầu chính trị của Việt Nam thời đó tạo nên, cho nên đã cai trị Việt Nam trong suốt thời gian từ 1954 đến nay như một đạo quân chiếm đóng.

Trở lại giai đoạn Thành thì 5 yếu tố đặc thù của giai đoạn Thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương nói trên đã xen kẻ một yếu tố của giai đoạn TRỤ (phát triển) và 4 yếu tố của giai đoạn HOẠI. Nhất là sự kiện thứ 5 nói trên và 300 đảng viên cộng sản Tàu tham gia làm con số đảng viên sơ khởi phát triển từ 265 lên 565, nhưng 300 đảng viên nầy lại sẽ là yếu tố HOẠI nặng nề về sau nầy.

Trần Đan Tâm

(12/09/2024)

Tham khảo :

[1] Kiều Tiến Dũng, 15/12/2016, Khoa Học Phương Tây Và Triết Học Phương Đông, Người Việt Books.

[2] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[3] Communist Party of Vietnam, Wikipedia, The Free Encyclopedia.

[4] Đệ Tam Quốc Tế, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[5] Bút hiệu của Hồ Chí Minh, Wikipedia Bách KHoa Toàn Thư Mở.

[6] Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/suu-tam-ten-goi-bi-danh-va-but-danh-cua-chu-tich-ho-chi-minh-qua-cac-thoi-ky-2554

[7] Sự thật về Hồ Chí Minh,  , Hồ Chí Minh có bao nhiêu tên gọi, bút danh, bí danh ?

[8] Hồ Chí Minh, Wikipedia Bách Khoa Toàn Thư mở.

[9] Nhượng Tống, 1928, nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã cho phát hành tập tài liệu "Ai bán đứng cụ Phan Bội Châu ?" của tác giả Nhượng Tống nêu đích danh người báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu là nhóm Lý Thụy, Lâm Đức Thụ.

[10] Minh Võ, Chương 45, Hồ Chí Minh và vụ bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp, Hồ Chí Minh - Nhận định và tổng hợp.

[11] Phạm Minh Vũ, 18/05/2020, Hồ Chí Minh đã bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu cho Pháp như thế nào ?, hồ chí minh đã bán đứng nhà cách mạng Phan Bội Châu cho Pháp như thế nào ? - Hồ Sơ - Quyền Được Biết (quyenduocbiet.com)

Additional Info

  • Author Trần Đan Tâm
Published in Tư liệu

Dự kiến vào tháng 10, Quốc hội sẽ bầu chủ tịch nước thay cho ông Tô Lâm. Một số nhà quan sát nhận định chủ tịch nước kế nhiệm sẽ có xuất thân từ quân đội và điều này nhằm cân bằng quyền lực của công an trong bức tranh chính trị hiện tại.

canbang1

Từ trái qua : Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang ; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang - BBC/Bộ Công an/Bộ Quốc phòng

Theo Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Úc), có tin đồn rằng quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí chủ tịch nước để cân bằng quyền lực đối với bên công an, nhất là khi những cá nhân đại diện cho quyền lợi của công an ngày càng nắm giữ các chức vụ trọng yếu.

Quân đội và công an được Đảng định nghĩa là hai lực lượng vũ trang cách mạng trọng yếu của Đảng và nhà nước. Theo đó, quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài còn công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là hai lực lượng, thành phần cơ bản của lực lượng vũ trang nhân dân và là công cụ bạo lực chủ yếu bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Dù vậy, giữa quân đội và công an cũng có những cạnh tranh về mặt quyền lực vì giữa hai lực lượng này có những nhiệm vụ, chức năng chồng chéo nhau trong xã hội và có sự cạnh tranh về ngân sách, sức ảnh hưởng.

Quân đội, công an trong hệ thống đảng, nhà nước

Xét hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực nhất. Trong Bộ Chính trị thì gồm Tứ Trụ là những lãnh đạo đứng đầu, được xếp hạng về quyền lực từ trên xuống là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội và các chức danh này thường do những cá nhân khác nhau nắm giữ.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Trong đó, sáu người có nền tảng từ Bộ Công an và bốn người từ quân đội.

Những người có xuất thân từ Bộ Công an gồm : Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ; Thủ tướng Phạm Minh Chính ; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.

Ba người từ Bộ Quốc phòng gồm : Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng.

Như vậy, có thể thấy những người xuất thân từ công an hiện đang nắm các vị trí quan trọng (hai người chiếm ba vị trí trong Tứ Trụ) và số lượng áp đảo hơn những người từ quân đội.

Giáo sư Thayer nhận định với BBC rằng, tuy Bộ Chính trị có nhiều ủy viên mà nền tảng của họ từ Bộ Công an nhưng không nói lên được liệu rằng những người này một lòng đoàn kết, bắt tay nhau dưới sự chỉ đạo của ông Tô Lâm hay không.

Thay vào đó, ông Thayer gợi ý rằng Bộ Chính trị gồm các đại diện từ một số phái gồm : nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An, nhóm Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, quân đội và công an.

Với mô hình tập thể lãnh đạo nên trong nhiều vấn đề, bao gồm nhân sự, việc ban hành các nghị quyết, quy định thì cần phải có sự thông qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 180 ủy viên (chưa tính 20 ủy viên dự khuyết). Điều này cho thấy Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan cực kỳ quyền lực của Đảng.

Xét Trung ương Đảng các khóa gần đây 11, 12 và 13, ủy viên đại diện của Bộ Quốc phòng luôn đứng đầu, theo sau là Bộ Công an. Ví dụ, khóa 13, Trung ương Đảng có tới 23 ủy viên từ Bộ Quốc phòng, còn Bộ Công an có sáu người.

canbang2

So sánh số lượng ủy viên Trung ương Đảng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an các khóa 11, 12 và 13

Lưu ý, con số này là tính những người đang phục vụ trong ngành quân đội và ngành công an vào thời điểm được bầu vào Trung ương Đảng. Nếu tính luôn cả những người có nền tảng từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhưng thời điểm được bầu vào Trung ương Đảng họ đã chuyển ngành làm nhiệm vụ khác thì thống kê sẽ có sự thay đổi.

Theo cách đếm của BBC, không tính nghĩa vụ quân sự mà chỉ tính những người phục vụ trong Bộ Quốc phòng trên ba năm thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng có tới 32 người từ quân đội. Con số này đối với phía công an là 15 người.

Ví dụ, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu vào Trung ương Đảng khóa 13. Ông Hùng từng mang hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân và từng tham gia Quân ủy Trung ương.

Tương tự, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Quốc Đoàn được bầu là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 vào năm 2021. Ông từng mang hàm đại tá và giữ chức giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mỗi bộ đều có sáu thứ trưởng.

Sáu thứ trưởng Bộ Quốc phòng gồm Nguyễn Tân Cương, Võ Minh Lương, Hoàng Xuân Chiến, Lê Huy Vịnh, Vũ Hải Sản và Phạm Hoài Nam đều nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Trong khi đó, Bộ Công an chỉ có năm thứ trưởng là Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Quốc Hùng và Lê Tấn Tới được bầu vào Trung ương Đảng khóa 13. Về sau, các ông Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc và Lê Tấn Tới đã nhận nhiệm vụ khác nên bốn thứ trưởng Bộ Công an được bầu mới gồm các ông Lê Văn Tuyến, Nguyễn Văn Long, Phạm Thế Tùng và Nguyễn Ngọc Lâm đều không nằm trong Trung ương Đảng khóa 13.

Xét Quốc hội khóa 15, có tới 50/499 đại biểu Quốc hội (chiếm hơn 10%) có xuất thân, nền tảng từ Bộ Quốc phòng còn phía công an là 31 đại biểu (chiếm 6,2%).

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam giấu tên từng nhận định với BBC rằng, trong cấu trúc quyền lực hành pháp Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, Bộ Quốc phòng là bộ quan trọng nhất, rồi đến Bộ Công an, sau đó mới đến Bộ Ngoại giao... Đây cũng là ba bộ được phép có tới sáu thứ trưởng trong khi các bộ còn lại thì không quá năm thứ trưởng, theo quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ.

canbang3

Tương quan số lượng người từng/đang phục vụ trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội

Bài toán cho ông Tô Lâm

Giáo sư Carl Thayer nhận định với BBC rằng cả quân đội và công an đều có cơ cấu tổ chức trải dài từ trung ương đến cấp địa phương – 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Ngoài ra, quân đội có một cơ cấu ở cấp khu vực (quân khu), điều này cho phép quân đội gia tăng sức ảnh hưởng của mình trên nhiều tỉnh. Quân đội và công an đều có hệ thống điều tra, tình báo, riêng quân đội còn có tòa án và viện kiểm sát riêng, độc lập và nằm ngoài quyền kiểm soát của Bộ Công an.

Giáo sư Thayer nói, cả quân đội và công an có những trách nhiệm, chức năng chồng chéo trong xã hội, vì thế đôi khi tạo ra mâu thuẫn và đụng độ dẫn đến sự cạnh tranh để tranh giành nguồn ngân sách.

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cũng nhận định với BBC rằng sự kèn cựa giữa hai lực lượng vũ trang một phần là do các bộ thường cạnh tranh nhau về quyền lực và tài nguyên. Đó là bản chất của sự cạnh tranh quan liêu.

Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024 được Quốc Hội thông qua vào ngày 10/11/2023 và được công khai trên cổng thông tin Quốc hội vào đầu tháng 12/2023. Theo đó, bộ được phân bổ nhiều tiền nhất là Quốc phòng, với hơn 207.000 tỷ đồng, theo sau là Bộ Công an với hơn 113.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Theo Giáo sư Abuza, Quân đội Nhân dân vẫn rất hùng mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong Ban Chấp hành Trung ương và những người quan ngại về sự thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xem quân đội là lực lượng kiểm soát, cân bằng về mặt thể chế để kìm hãm vị đại tướng.

"Bộ Công an xem mình là người bảo vệ của chế độ. Quân đội thì nhấn mạnh lịch sử chiến đấu và giành độc lập. Có một số sự chồng chéo trong công việc của các cơ quan này.

"Điều nổi bật là mối quan hệ cộng sinh giữa quân đội và đảng. Đây là cánh vũ trang của Đảng cộng sản Việt Nam, và được kiểm soát thông qua Tổng cục Chính trị và hệ thống chính ủy. Quân đội Nhân dân Việt Nam là nguồn tuyển dụng lớn nhất cho đảng. Đây là một thành trì về mặt tư tưởng.

"Chúng ta đã thấy những người đứng đầu Tổng cục Chính trị chuyển sang các vị trí dân sự quan trọng trong bộ máy đảng. Gần đây có cả Đại tướng Lương Cường, Thường trực ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Đảng cần quân đội hơn là quân đội cần đảng", Giáo sư Abuza nói.

Theo Giáo sư Thayer, nhìn từ góc độ thể chế thuần túy, cả quân đội lẫn công an đều không thể thống trị, lấn lướt và vì thế, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phải tính đến lợi ích của họ để tạo nên sự đồng thuận. Ông là tổng bí thư đầu tiên có xuất thân từ công an và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái sẽ là bài toán cho ông Tô Lâm.

Theo Điều lệ Đảng, tổng bí thư là bí thư Quân ủy Trung ương nên chức vụ này do ông Tô Lâm nắm giữ, không cần phải bầu hay bổ nhiệm. Đồng thời, với chức danh chủ tịch nước, ông Tô Lâm là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Trong bối cảnh ông Tô Lâm được cho là vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến Bộ Công an, việc kiêm nhiệm sẽ khiến ông trở thành người quyền lực nhất, vừa nắm quân ủy, vừa nắm đảng ủy công an.

Ngày 3/8, ông Tô Lâm chính thức được bầu giữ chức tổng bí thư, nhưng Cổng thông tin Điện tử của Bộ Quốc phòng mãi đến ngày 26/8 mới cập nhật hình ảnh ông Tô Lâm làm bí thư Quân ủy, thay cho cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 26/8 cũng là thời điểm Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo Quốc hội sẽ bầu chức danh chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2024.

Một số ý kiến cho rằng, Cổng thông tin Điện tử Bộ Quốc phòng thay hình ông Tô Lâm ngay sau khi có tin bầu chủ tịch nước vào tháng 10 có thể là việc thương lượng giữa các bên đã ngã ngũ, ông Tô Lâm sẽ không kiêm nhiệm và người của quân đội sẽ có một chân trong Tứ Trụ. Hoặc có thể điều này đơn giản là vì ngày 28/8, ông Tô Lâm có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương với tư cách là bí thư Quân ủy Trung ương nên trang tin này cần cập nhật.

canbang4

Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương vào ngày 28/8

Về cách nhìn nhận của công chúng, quân đội dường như có hình tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hơn là công an, người ta thường gọi thân tình "chú bộ đội". Bởi lẽ, Quân đội Nhân dân Việt Nam là một tổ chức được tôn kính với lịch sử lẫy lừng trong việc giúp giành lại độc lập cho Việt Nam.

Theo Giáo sư Abuza, bên cạnh vai trò lãnh đạo cách mạng, quân đội còn có hệ thống nghĩa vụ quân sự, lực lượng dân quân tự vệ năm triệu người và chương trình học quân sự bắt buộc mà sinh viên phải tham gia, khiến mọi người ở Việt Nam đều có mối liên hệ trực tiếp về mặt nào đó với quân đội.

Ngược lại, theo ông Abuza, đa phần người dân không có thiện cảm với công an vì Bộ Công an là một cơ quan quan liêu khổng lồ với quyền lực bao trùm. Bộ Công an bao gồm mọi thứ từ cảnh sát điều tra tội phạm tài chính đến cảnh sát giao thông đáng sợ, cảnh sát phụ trách cư trú, cứu hỏa, tình báo và phản gián.

"Trong khi đó, Quân đội là tổ chức chính trị được tin cậy nhất tại Việt Nam, dù rằng đây là quân đội của đảng, có nghĩa vụ pháp lý bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa".

Giáo sư Abuza kết luận rằng, việc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chiếm phần đông trong các cơ quan chủ chốt của Đảng bao gồm Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho thấy sự bất an của chế độ về vấn đề an ninh nội địa và mối đe dọa của cách mạng màu và diễn biến hòa bình.

Thời gian gần đây, rầm rộ sự việc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và nhiều nghệ sĩ từng biểu diễn tại nơi cờ vàng ba sọc ở nước ngoài bị cáo buộc là thực hiện "cách mạng màu" và có biểu hiện "diễn biến hòa bình".

Đỉnh điểm là ngày 21/8, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã có phóng sự video về Đại học Fulbright với nhan đề Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục và lấy "lễ tốt nghiệp không có quốc kỳ Việt Nam" là một trong những biểu hiện của "cách mạng màu". Tuy nhiên, vào ngày 23/8, video này sau đó đã bị gỡ khỏi kênh Quốc phòng Việt Nam.

Trên website chính thức, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam tự giới thiệu là "cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam". Do đó, có thể hiểu rằng nội dung mà kênh này phát phản ánh quan điểm của quân đội, của Đảng cộng sản Việt Nam.

Sự việc chỉ lắng xuống khi Bộ Ngoại giao lên tiếng khẳng định Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Giáo sư Alex-Thái Võ từ Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech (Mỹ) nói với BBC News tiếng Việt ngày 2/9 rằng phản ứng khác nhau giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao về trường Đại học Fulbright cho thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một khối chính trị đơn nhất, mà là thực thể của nhiều phe nhóm quyền lực và lợi ích khác nhau.

Nguồn : BBC, 09/08/2024

Additional Info

  • Author BBC tiếng Việt
Published in Việt Nam
lundi, 09 septembre 2024 08:44

Những kẻ ngáo Đảng

Thời đại nào cũng có những kẻ ngáo, nhưng trong thời bình yên, con người điềm tĩnh và bớt ngáo, thậm chí ít, hết ngáo so với thời tao loạn. Đừng hiểu rằng tao loạn là chiến tranh, là đâm chém, bắn giết... Bởi đó chỉ là một phần của tao loạn, thứ tao loạn trong tâm hồn mới đáng sợ, và khi nó biểu hiện ra bên ngoài, tức là nó đã bớt đáng sợ, khi nó còn nung nén ở dạng ngáo, đó là lúc khó lường nhất. Thời bây giờ, loại ngáo đá đầy đường, nhưng ngáo đảng cũng đầy đường.

ngaodang0

Ngáo đá ưa ngọt, ngáo đảng ưa đỏ

Ngáo đá ưa ngọt, ngáo đảng ưa đỏ. Ngáo đá phê ma túy, ngáo đảng phê lòi Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bạn thử tưởng tượng một buổi sớm tinh mơ đẹp trời nào đó, bạn mang giày thể thao, vận quần áo thể thao và chạy ra đường với tâm trạng đầy khoan khoái, khí trời dịu mát mùa thu, bạn nghĩ rằng thi thoảng, trong cái ngục lớn cũng có chút ánh sáng của tự do, bạn tin rằng tự do ở trong tâm hồn bạn, chẳng ai có thể mang nó đến cho bạn... Thế rồi, đùng một cái, bạn nghe tiếng lửa chớp lẹt xẹt trên trụ điện, bạn thấy một đứa ngáo đá trần truồng đứng hiên ngang trên đỉnh cột điện và tay nó cầm một thanh cây vừa bẻ được, huơ huơ lên trời hô xung phong, tổng tấn công... Hô, gào và mấy cái lá còn tươi trên nhành cây nó cầm rụng xuống dây điện, tạo ra tiếng lẹt xẹt kia. Thật là kinh khủng, khó tả. Chuyện ấy, hình ảnh ấy ở Việt Nam không hiếm, nơi nào cũng có.

Hoặc giả nó vác dao, trèo rào, vượt tường sang nhà hàng xóm, sau đó tìm từng người để truy sát, đã có một vụ án mạng như vậy ở miền Bắc Việt Nam, và vài vụ tương tự như vậy ở miền Nam Việt Nam. Và người ta không hiểu được vì sao kẻ ngáo đá lại truy sát những gia đình kia hoặc hô xung phong trên trụ điện.

Nhưng, cũng chính những kẻ ngáo đá sau khi tỉnh táo, mới chia sẻ rằng hầu hết, khi bình thường, cái gì ức chế nhất, cái gì làm cho con người trở nên ngột ngạt và khó sống nhất, thì khi ngáo đá, khi phê ma túy vào, hắn sẽ làm được điều đó. Ví dụ như việc leo trụ điện, chắc chắn đứa ngáo đá kia phải là một đứa rất nhút nhát và bị bạn bè chế nhạo, coi thường vì tính nhát gan của nó, thậm chí, bị gia đình cười chê, đánh giá không ra gì về tính quả cảm, về bản lĩnh... Chính vì bị coi thường, nó đâm ra chán chường, cộng thêm tính hư hỏng vốn có, dẫn đến ma túy. Và ma túy trở thành thứ có thể chia sẻ, đồng cảm, thậm chí cho nó thực hiện được những điều mà với nó lúc tỉnh là không tưởng. Hô xung phoong trên cột điện, mái nhà là một thứ ảo giác chứng minh lòng quả cảm của mình.

Trường hợp thứ hai, ảo giác giết người. Chắc chắn đứa ngáo đá này phải có mối thù sâu nặng nào đó với người bị hắn sát hại mà có khi chính hắn cũng không biết. Bởi cái thù hận đến từ vô thức, ngày hôm nay hắn thấy người ta ăn mặc đẹp, được tới lớp, nhưng hắn phải lủi thủi đi làm một thứ gì đó, hắn bị cha mẹ đánh đập, chửi mắng, còn người ta lại ân cần với con cái, hắn chật vật kiếm sống, người ta ung dung sống đời trí thức, nghệ sĩ... Chính mỗi ngày một chút những cái tổn thương sâu xa trong tâm hồn, hắn mơ hồ tin rằng chính những kẻ kia đã lấy đi mất phần sung sướng của hắn. Cho đến khi phê đá, động lực lớn nhất khiến hắn có thể tiêu diệt "thế lực thù địch" kia xuất hiện, hắn vác dao đi theo tiếng gọi của thù hận từ vô thức.

Nhưng đó mới chỉ là phê ma túy đá, nếu phê đảng lại còn ghê gớm hơn. Đảng cũng là một thứ ma túy. Bởi hiện tại, Đảng còn cao hơn cả tôn giáo, Mác chẳng từng nói tôn giáo là ma túy đó sao. Đảng mang lại cho các đảng viên sự sung sướng tột độ, ăn trên ngồi trốc, đe nẹt thiên hạ, cướp của thiên hạ một cách ung dung, chính thống, mọi thứ vũ khí rút ra đều có thể triệt tiêu, hóa giải được nhưng khi rút tấm thẻ đảng ra thì hết nước đỡ. Đảng là một loại siêu ma túy. Chính vì vậy mà khi phê Đảng, người ta hoàn toàn thay đổi. Do thời thế, do điều kiện kinh tế, những kẻ ngáo Đảng ngày càng nhiều, tần suất xuất hiện của họ có vẻ như không thể quản lý được. Mà một khi đã ngáo thì yếu tố trung tính sẽ không còn.

Hành tung và hoạt động của kẻ ngáo Đảng thường rất khó đoán, họ vẫn tỏ ra ung dung, tự tại, làm ăn lương thiện và mỗi ngày nếu gặp những bất an, những bất công, bị đối xử tệ, họ đều nạp một chút Đảng vào cơ thể để giữ thăng bằng.

Ví dụ như kẻ ngáo Đảng chuyên chửi bới người khác, thậm chí đay nghiến một cách không thương tiếc, gặp kẻ này, bạn phải hiểu rằng cuộc đời họ không suông sẻ, họ bị đối xử bất công, bị dẫm đạp trong cơ quan vì trình độ không bằng ai, chấp nhận bám dai như đĩa, họ có thể bị sai vặt bởi những kẻ có chữ nhiều hơn trong cơ quan của họ, họ có thể bị những kẻ có chữ mắng nhiếc, vùi dập nhân phẩm và đối xử với họ thậm tệ. Tất cả những yếu tố trên khiến họ ngấm ngầm nuôi lòng thù hận, càng mặc cảm, họ càng nuốt hận, càng mặc cảm, họ càng tự yên ủi mình bằng cách ngáo Đảng, cứ có Đảng vào thì đầu óc họ trở nên thoải mái, khoan khoái...

Cho đến khi, đủ ngáo với Đảng, gặp hiện tượng, xem như cơn ngáo ấy phát triển, thăng hoa, một dạng thức tâm lý mới hình thành với đầy đủ sự lãnh cảm, máu lạnh và tàn ác của kẻ ngáo. Trường hợp facebooker Nguyễn Thị Kim Vân đề xuất "Cấm xuất cảnh cả đời. Dừng việc học tại Việt Nam. Ốm đau khỏi vào các bệnh viện thuộc lãnh thổ Việt Nam. Không xác nhận lý lịch để đi làm công nhân. Không cấp giấy phép kinh doanh... Nói tóm lại, toàn dân tẩy chay nhẹ nhàng thằng oắt, không mắng chửi, để cả đời cháu được nhàn hạ suy nghĩ. Loại người đã vô ơn quay lưng với điều thiêng liêng nhất là Tổ Quốc thì cần cho sống không bằng chết chứ nó có cơ hội lên được thì đảm bảo nhiều người khổ" với cậu học sinh Chu Ngọc Quang Vinh là một ví dụ.

Cũng giống như bao kẻ ngáo Đảng khác, một khi những ai đụng chạm đến ma túy của họ, họ sẽ không từ bất kì thủ đoạn man rợ nào để hành hạ, thậm chí tiêu diệt. Bởi trong sâu thẳm họ là mặc cảm, là tổn thương bởi bọn có chữ. Bây giờ, bọn có chữ lại đụng chạm đến ma túy của họ, thì đương nhiên, trong cơ phê ngáo, phê lòi của họ, họ sẽ có những hành vi nằm ngoài sức tưởng tượng của con người bình thường.

Và cho đến lúc này, mức độ biểu hiện của chứng ngáo Đảng chỉ mới ở cấp độ có thể khống chế được, tức cấp độ có thể mắng nhiếc, chửi bới, đấu tố và thậm chí giết tróc bất kì ai đụng chạm đến Thức Ngáo (tức Đảng) của họ. Nhưng một khi những cơn ngáo này không còn đủ phê, họ sẽ chuyển đối tượng nặng ký hơn, họ sẽ chuyển qua các quan chức đảng viên tham nhũng. Và nếu vẫn tiếp tục bị cơn ngáo dẫn dắt, họ không dừng lại được, thì rất có thể, họ sẽ chuyển qua các đối tượng mà họ cảm thấy rằng "bọn này làm hỏng lý tưởng Đảng", tức các quan chức đương chức. Và, mức độ nguy hiểm và rủi ro do những kẻ ngáo Đảng gây ra thì không ai lường trước được. Để rồi xem !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 05/09/2024

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn

Chủ tịch nước Lương Cường : "Bao giờ cho đến tháng Mười" ?

Gió Bấc, RFA, 27/08/2024

Ngày 26/8, Quốc hội công bố sẽ Trung ương quyết định sẽ bầu Chủ tịch nước trong kỳ họp tháng 10 sắp tới. Dư luận trong ngoài nước đồn đoán Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức danh này. Xét về tiêu chuẩn, ông Lương Cường là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư. Xét về tiền lệ, từng có Đại tướng Lê Đức Anh, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước. Nói chung Lương Cường đủ, dư tiêu chuẩn để ngồi vào chiếc ghế sang trong nguyên thủ quốc gia. Nhưng trong thể chế một đảng nhiều phe nhóm, dưới triều đại của Tô Tổng bí thư thì sẽ không có nguyên tắc, không cần tiền lệ, các quyết định nhân sự sẽ tùy thuộc vào quyền lực. Ghế Chủ tịch nước chỉ cách ông Lương Cường một bước chân nhưng đành mượn tên bộ phim nổi tiếng của Đạo diễn Đặng Nhật Minh để dự đoán "Bao giờ cho đến tháng mười" ?

quochoi2

Quốc hội công bố sẽ Trung ương quyết định sẽ bầu Chủ tịch nước trong kỳ họp tháng 10 sắp tới.

Do thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chỉ trong vòng hai tháng, Tô Đại tướng đã thăng tiến thần tốc trong thế cục xoay chuyển đến chóng mặt. Quốc hội đã công bố là Tô Đại tướng là Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công An thế nhưng trong cùng ngày lại mất quyền điều hành Bộ Công An vào tay ông Trần Quốc Tỏ. Tưởng đâu trở thành vua hờ bị tước binh quyền ấy thế nhưng chỉ trong vòng một nốt nhạc, Tô Chủ đã xoay chuyển tình thế thu hồi quyền lực cho người em đồng hương Lương Tam Quang bất cần thông lệ, nguyên tắc Bộ trưởng Công An phải là ủy viên Bộ Chính Trị. Cũng vượt lên nguyên tắc, thậm chí là luật đảng (Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị) (1), Tô Chủ tịch đã đưa cả hai tướng đàn em là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ chính trị và Ban Bí thư mặc dù cả hai đều thiếu không chỉ một mà có đến hai tiêu chuẩn. Cả hai chưa dủ trọn một nhiệm kỳ Ủy viên trung ương và chưa từng là lãnh đạo ngành, địa phương.

Tổng Trọng tắt thở, Tô tái lập tình thế một đít hai ghế, hiên ngang đi Tàu phó hội tay bắt ma95t mừng bằng phải lứa với Tổng Chủ Tập Cận Bình. Báo đài, chuyên gia quốc tế xôn xao bàn luận, dự đoán : "Việc ông Tô Lâm vừa là chủ tịch nước, vừa là tổng bí thư có thể là sự sắp xếp của Bộ Chính trị để ông có vị thế ngang hàng, đồng cấp với ông Tập khi đi thăm Trung Quốc. Bởi lẽ, xét về bề dày kinh nghiệm và các chuẩn mực của lãnh đạo tối cao, ông Tô Lâm được đánh giá là người có hồ sơ khá mỏng…

Một số nguồn tin nói với BBC rằng, có khả năng ông Tô Lâm sẽ thăm chính thức Mỹ vào tháng 9 và việc ông Tô Lâm đi Trung Quốc nhanh chóng ngay khi mới lên chức tổng bí thư có thể là để dọn đường cho chuyến thăm Mỹ ?" (2).

Suy đoán này cũng có cơ sở, chiều 26/8 ngay sau khi kết thúc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn chức danh Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 theo Nghị quyết của Trung ương (3).

Vấn đề là ai sẽ được chọn vào ngôi thứ hai trong tứ trụ ? Dư luận xôn xao nhắm vào Đại tướng Lương Cường. Đài RFI thậm chí còn đi xa hơn, ngay khi ông Lương Cường mới được bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư, RFI đã dự báo nóng ông này là ứng cử viên chức Tổng bí thư. Theo RFI, việc bổ nhiệm tướng Lương Cường "nên được xem như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của một liên minh chống lại sự trỗi dậy của ông Tô Lâm hơn là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam".

Về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành tổng bí thư tương lai. Nhiều tin đồn cho rằng quân đội đang gây sức ép để thanh tra tập đoàn Xuân Cầu (Công ty cổ phần Xuân Cầu Holdings với công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Địa ốc Thành phố - CityLand) do em trai của ông Tô Lâm điều hành" (4).

Trang thoibao.de bình luận trên góc độ khác "Tô Lâm vẫn muốn kiêm nhiệm Tổng bí thư và Chủ tịch nước nhưng nhưng liệu ông có hoàn thành tham vọng hay không ?

Nếu kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước và Tổng bí thư thì phải chấp nhận sống chung với Lương Cường – một sản phẩm của Nguyễn Phú Trọng trong Ban bí thư. Còn nếu muốn đẩy Lương Cường khỏi ban bí thư, Tô Lâm phải hy sinh chức Chủ tịch nước" (5).

Quả thật là tướng Lương Cường có đủ tiêu chuẩn theo luật lệ Đông Lào để lên ngôi. Đúng là theo luật, quân đội có cơ quan điều tra, truy tố, tòa án quân sự độc lập nhưng tất cả những yếu tố này đều nằm trong quyền quyết định của Bộ chính trị mà hiện nay Bộ này chỉ gồm những người thân cận hoặc là con tin của Tô Tổng Chủ.

Gần đây dư luận bàn nhiều về cái dớp xui xẻo của chức Chủ tịch nước mà quên cái dớp còn xui xẻo hơn của chức Thường trực Ban bí thư dưới thời Tổng Trọng : từ Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng, Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, tất cả đều bị cưa ghế. Người trụ lại chức này lâu nhất là Trần Quốc Vượng được 2 năm, 340 ngày, ngắn nhất là Trương Thị Mai 1 năm, 71 ngày. Võ Văn Thưởng bước lên Chủ tịch nước được hơn 1 tháng dã phải từ chức (6).

Có thể ví von Thường trực Ban bí thư là chức vụ quyền rơm vạ đá. Phải nói, phải ký và phải chịu trách nhiệm về các chủ trương, quyết định của Tổng bí thư thường là đi ngược lại quyền lợi của một số thậm chí rất nhiều cán bộ đảng viên cao cấp. Điển hình là Trần Quốc Vượng, người trụ hạng lâu nhất. Không tì vết khuyết điểm nhưng rớt đài vì gây thù chuốc oán quá nhiều nên không đạt tín nhiệm.

Về thế lực, tiếng nói quân đội trong đảng xưa nay vốn là vô đối do vai trò quan trong và sự đóng góp của quân đội trong chiến tranh. Thế nhưng trong thời bình, chủ trương quân đội làm kinh tế đã sói mòn sức mạnh đó. Tướng lĩnh, thậm chí thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tù đông như lợn con. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bị mất chức, giam lỏng, dư luận ầm ỉ. Sự dẫm chân, va chạm giữa tình báo Công An và Tổng cục II Bộ quốc phòng trong truy bắt các đại án Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng, Vũ Nhôm, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chất chồng ân oán.

Dư luận về sân sau Xuân Cầu của gia đình Tô Tổng Chủ đã bung bét từ nhiều tháng qua nhưng chẳng thấy động binh. Có lẽ đó là chiêu ném đá dò đường qua sông của ai đó nhưng đá nhỏ, sông lớn, lực ném quá yếu nên đá chìm lĩm không gây chút sóng.

Ngược lại, sự kiện chấn động nhưng it người chú ý là "chiều 21/8, tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1349 của Bộ Chính trị triển khai kiểm tra đối với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương". Cơ quan đầu nảo của đảng kiểm tra cơ quan đầu não của quân đội là sự kiện hết sức nghiêm trọng.

Càng nghiêm trọng hơn là cách thức và thành phần vai vế của các bên liên quan.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thời gian tiến hành kiểm tra dự kiến trong 60 ngày làm việc.

Chủ trì triển khai quyết định là : Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương : Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (7).

Từ đại hội 13 cho đến tháng 5-2024, thời điểm được bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư, Lương Cường là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Ủy viên thường vụ Quân ủy nhưng không được tham dự cuộc họp triển khai này. Thời gian kiểm tra 60 ngày suýt soát thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội kiện toàn chức danh Chủ tịch nước. Bói ra ma, quét nhà ra rác. Kiểm tra tức là chính thức thu thập chứng cứ từ các thông tin đã có. Trong 60 ngày ấy liệu đồng chí Trần Cẩm Tú có tìm ra thanh củi to nào để lập công với lò của Tổng Chủ Tô Lâm ?

Ông Lương Cường hẳn đang thắc thỏm với câu hỏi Bao giờ cho đến tháng mười !

Phân tích sự kiện để thấy rõ hơn cuộc chém giết mang tên chống tham nhũng, đốt lò, thực chất chỉ là đấu đá, tranh giành quyền lực. Lương Cường hay bất cứ quan chức nào bị ngả ngựa cũng điều xứng đáng không oan ức. Đáng tiếc là bên thắng cuộc cũng không phải người sạch sẽ chỉ đơn giản là kẻ mạnh hơn. Dân chúng không có phần thậm chí càng nghèo khổ hơn dưới sự cai trị của thể chế độc tài, bất tài, tham ác.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 27/08/2024

1. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-214-qdtw-ngay-02012020-cua-bo-chinh-tri-ve-khung-tieu-chuan-chuc-danh-tieu-chi-danh-gia-can-bo-thuoc-dien-ban-6021

2. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2lp8xwyylo

3. https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-se-bau-chu-tich-nuoc-tai-ky-hop-thu-8-thang-10-2024-102240826213151403.htm

4. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240610-viet-nam-ai-se-thay-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong

5. https://thoibao.de/ ?fbclid=IwY2xjawE7DXNleHRuA2FlbQIxMAABHYr1Nmsr1n96HCi...

6. https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0%E1%BB%9Dng_tr%E1%BB%B1c_Ban_B%C3%AD_th%C6%B0_Trung_%C6%B0%C6%A1ng_%C4%90%E1%BA%A3ng_C%E1%BB%99ng_s%E1%BA%A3n_Vi%E1%BB%87t_Nam

7. https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/doan-kiem-tra-cua-bo-chinh-tri-trien-khai-kiem-tra-doi-voi-ban-thuong-vu-quan-uy-trung-uong-790428

*****************************

Liệu "tân chính phủ" có thể "đồng cam cộng khổ" ?

Gió Bấc, RFA, 26/08/2024

Ngay trong ngày Quốc hội bổ nhiệm ba phó Thủ tướng và hai Bộ trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã họp chính phủ chúc mừng các thành viên mới. Điều kỳ lạ là ông Thủ tướng hiên ngang dũng cảm nổi tiếng với câu nói ngang tàng "mẹ nó, song phẳng sợ gì !" lại có lời kêu gọi các thành viên mới vừa được Quốc hội phê chuẩn, bổ nhiệm 'đồng cam cộng khổ' cùng với tập thể Chính phủ (1).

quochoi1

Ngày 26/08/2024, Quốc hội Việt Nam bổ nhiệm ba phó Thủ tướng, hai Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân sân tối cao. Ảnh : TTXVN

Mong muốn các thành viên chính phủ đoàn kết, chia sẻ trọng trách là ý tốt nhưng cách nói nghe hơi hướm bi quan. Mươi ngày trước trong bài viết về cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Chính từng trích dẫn câu nói bất hủ "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (2).

 Điều hành đất nước trong bối cảnh tốt đẹp như vậy thì có gì phải "cộng khổ" ? Nhiều lần gặp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư, công Chính đã từng kêu gọi hợp tác với lời lẽ tự tin : "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ". Nhưng quả tình, nhìn lại các biến cố nhân sự chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay, có lý do để người hùng xứ Thanh phải lạnh lưng. Cấp trên có hai nguyên thủ quốc gia ngã ngựa. Cấp dưới thân cận ba phó Thủ tướng gảy ghế, một phó Thủ tướng chết vì bệnh lạ. Bộ trưởng, Thứ trưởng đi tù như rạ. Ngay ghế Thủ tướng của ông cũng luôn bị ám bởi bóng đen dư luận về người đẹp Thanh Nhàn mà hung thần Đinh Văn Nơi ngày đêm theo đuổi.

Với ba ông tân phó Thủ tướng và hai tân Bộ trưởng do Tô Tổng Chủ mới sắp đặt, càng có nhiều ẩn số bất an. Hồ Đức Phớc đã là người gốc Nghệ An, quản lý lĩnh vực, kiểm toán, tài chính thời gian dài trong cơn bảo tín dụng, ngân hàng chứng khoán FLC, Vạn Thịnh Phát, Đại Quang Minh… Không chỉ tai qua nạn khỏi Phớc còn thăng tiến là câu hỏi khó trả lời. Trong khi người tiền nhiệm Phạm Bình Minh bị gãy ghế, Thứ trưởng Tô Anh Dũng vô tù cùng hàng loạt cấp dưới, Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn vẫn vô sự thăng chức là sao ?

Trong thể chế độc đảng cầm quyền nhưng có lắm phe nhiều nhóm tranh chia quyền lợi một mất một còn, quan chức cấp cao không ai có thể độc lập, phải có người chống lưng. Ai chống lưng cho hai tân phó tướng này ? Dù sao hai vị phó ấy cũng giới hạn vai trò trong lĩnh vực chuyên môn ngoại giao và tài chính. Phức tạp nhất là Nguyễn Hòa Bình, cùng là cựu tướng Công an, đang ngang vai vế ủy viên Bộ Chính trị. Với sở trường nội chính, Nguyễn Hòa Bình sẽ nắm nội chính và sẽ là Phó Thường trực, hơi thở nóng hổi ngay sau lưng Thủ Chính.

Thời Tổng Trọng, Nguyễn Hòa Bình là ngoại lệ khó hiểu. Xưa nay Chánh án Tòa tối cao chỉ là thành viên Ban Bí thư, chưa bao giờ là ủy viên Bộ Chính trị. Ấy vậy mà Tổng trọng vẫn cơ cấu Bình vào Bộ Chính trị và để nguyên chức cũ như một quân bài dự trữ chiến lược. 

Về năng lực điều hành hoạt động Tòa Án, Nguyễn Hòa Bình đã tạo biết bao tai tiếng về những tối kiến ngu xuẩn bị dư luận phê phán. Năm 2020, Bính làm trò lố là chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của Tòa án nhân dân. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang ký văn bản gửi Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Chánh án Tòa án nhân dân các địa phương để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông. Văn bản nêu rõ "Sau khi lấy ý kiến đóng góp của các Tòa án nhân dân, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của tòa án nhân dân" (3).

Bị dư luận rần rộ phản ứng là hình thức, lãng phí, vô bổ, Nguyễn Hòa Bình đã dày mặt lấp liếm bằng cách tổ chức hội nghị, phân trần "Tòa án nhân dân tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 01 bức tượng vua Lý Thái Tông đặt tại Quảng trường Công lý thuộc Trụ sở mới của Tòa án nhân dân tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các Tòa án khác".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình không dám nhận sai mà mượn cớ "trong thời gian Covid-19 đang diễn ra, ngành Tòa án chưa đặt ra vấn đề xây dựng tượng đài Vua Lý Thái Tông mà dành thời gian tiếp tục hoàn thiện, sáng tác. Việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà là bằng sự đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án. Đây là việc Tòa án nhân dân các cấp tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị Hoàng đế Lý Thái Tông" (4).

Nguyễn Hòa Bình cố ý kéo lùi luật pháp, hạn chế tự do báo chí và quyền dân chủ của người dân. Điều 141 Luật Tổ chức tòa án trước đây cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp, Tuy nhiên, ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Việc ghi âm, ghi hình phải được đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định

Trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án sửa đổi, Bình đề xuất chỉ thực hiện ghi âm, ghi hình tại phiên tòa trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của họ.

Nhiều người đánh giá đề xuất này đã thu hẹp điều kiện tác nghiệp của phóng viên, bởi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Báo chí đều cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai. Quốc hội thông qua Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) với việc bỏ quy định chỉ được ghi âm ở phần khai mạc và tuyên án như đề xuất tại dự thảo.

Tuy là bù nhìn nhưng sáng 24/6/2024, thông qua Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi), Quốc hội cũng bác bỏ quy định chỉ được ghi âm ở phần khai mạc và tuyên án như đề xuất của Bình (5).

Trong khi dư luận trong, ngoài nước phẫn uất với ba oan án tử tù Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng, Bình luôn miệng xoen xoét cho rằng hiện nay không có án oan sai. Ngay vụ án Hồ Duy Hải chính Nguyễn Hòa Bình là ác thần đã đeo bám Hải trong suốt cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Khi bị Viện trưởng Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm, Nguyễn Hòa Bình đã lập ra "Hội đồng dao thớt" ra quyết định trái pháp luật với lập luận vô cùng phản động là "tuy có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".

Lọt được vào Bộ Chính trị, tham vọng nối gót người tiền nhiệm Trương Hòa Bình làm phó Thủ tướng Thường trực của Nguyễn Hòa Bình càng dữ dội hơn. Để tẩy xóa quá khứ đen tối ảnh hưởng đến thành tích bản thân y đã chủ trương giết hết các tử tù oan thì không còn án oan. Lê Văn Mạnh đã bị bức tử. Nguyễn Văn Chưởng đã có quyết định thi hành án nhưng may nhờ dư luận quá sức sôi sục nên phải tạm dừng. Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đã có bài viết trên trang Tiếng Dân chứng minh rõ ràng, qua văn bản Thông báo về việc thi hành án tử hình số 26/TB-HĐTHATH, tại gạch đầu dòng thứ 3 có nêu căn cứ vào Công văn số 189/Tòa án nhân dânTC-V1, ngày 11/08/2023 của Tòa án Nhân dân Tối cao. Chính Công văn số 189, ngày 11/08/2023 của Tòa án nhân dân tối cao mới là văn bản chỉ đạo giết người dưới danh nghĩa tử hình. Công văn của tòa án tối cao do ai ký thì người chủ xướng đích thị phải là Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình (6).

Với kẻ sát nhân máu lạnh nắm quyền sinh sát của các đại án tham nhũng nghìn tỷ, quyền thắng thua của các tranh chấp dân sự ngàn tỷ đồng liệu Nguyễn Hòa Bình có thanh liêm chính trực không ? Nhiều trang mạng xã hội đã đưa tài liệu cho thấy gia sản của Bình không thua kém các quan tham xộ khám hoặc còn tại vị khác. "Chưa tính những bất động sản hàng trăm ha đất chiếm được của dân nghèo tại quê nhà Quảng Ngãi, chỉ tính những bất động sản tại nội thành Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đang sở hữu sơ sơ tới 8 căn nhà mặt tiền, biệt thự và căn hộ cao cấp…" (7).

Có kẻ vừa tham, vừa ác, thủ đoạn tàn độc như Nguyễn Hòa Bình giữ chức Phó Thường trực, Thủ Chính không thể dõng dạc "mẹ nó sợ gì !", phải xuống nước kêu gọi "đồng cam cộng khổ" là tất yếu. Nhưng liệu Nguyễn Hòa Bình có chấp nhận lời cầu xin ấy khi trong tình thế nếu kịp thời tìm ra gót chân asin cưa ghế Thủ Chính, Bình có thể chiếm suất đặc biệt lọt vào tứ trụ phú quý vinh hoa thêm một nhiệm kỳ ? Tô Tổng Chủ cũng không ngây thơ, hồn nhiên vô tư chọn Nguyễn Hòa Bình vào vị trí ngon ăn như vậy. Ngược lại, từng là tướng an ninh tình báo, từng nhiều lần vượt thoát khỏi đòn trên đe dưới búa của Tổng Trọng, Thủ Chính chẳng dại bó tay chịu chết.

E rằng, từ nay đến cuối nhiệm kỳ chính phủ và ngay cả số phận của Thủ Chính còn phải qua những lần máu tanh xương trắng.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 26/08/2024 

1. https://tuoitre.vn/thu-tuong-mong-cac-tan-pho-thu-tuong-bo-truong-cung-d...

2. https://thanhnien.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-...

3. https://nld.com.vn/thoi-su/nganh-toa-an-dung-tuong-vua-ly-thai-tong-lam-bieu-tuong-cong-ly-20200426102535748.htm

4. https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAN...

5. https://vnexpress.net/quoc-hoi-chot-khong-doi-ten-toa-an-cap-huyen-tinh-4761772.html

6. https://baotiengdan.com/2023/09/26/ai-la-ke-sat-nhan-le-van-manh/

7. https://thoibao.de/blog/2020/05/08/kiem-ke-tai-san-noi-cua-nguyen-hoa-binh-chanh-an-tand-toi-cao-tdkc#google_vignette

Additional Info

  • Author Gió Bấc
Published in Diễn đàn

Phần 1

Một số thân hữu của ông Trương Huy San (nhà báo có bút danh là Huy Đức và blogger có nickname là Osin) vừa gửi tâm tình của họ về ông lên mạng xã hội nhân dịp ông tròn 62 tuổi [1].

quyenluc1

Hình bìa tác phẩm Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức. Hình minh họa.

Huy Đức bị tạm giam hôm 7/6/2024 cùng thời điểm với ông Trần Đình Triển, trong vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (Điều 331 Bộ luật Hình sự) [2].

Khoảng một tháng sau ngày ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển bị bắt, viên đại tá đại diện cho Cơ quan An ninh điều tra của Bộ công an cho biết thêm : Hai người này đã có hành vi vi phạm pháp luật khi đăng các bài viết có nội dung vi phạm, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Đến nay, cả hai đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật [3].

Huy Đức vốn là người thường xuyên bày tỏ suy nghĩ, nhận định về những vấn đề, sự kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực tại Việt Nam (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục). Trần Đình Triển cũng gần như thế nhưng họ không gặp rắc rối đáng kể nào. Không phải tự nhiên mà AP từng xem Huy Đức như "thử thách giới hạn của tự do ngôn luận ở Việt Nam". Gần đây, cả hai đã "xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân" nào khiến công an phải khởi tố, tạm giam. Thậm chí còn "mở rộng điều tra" ?

***

Nếu thử tìm đọc những gì Huy Đức đã viết ắt sẽ thấy, trong khoảng 40 năm cầm bút, nhà báo Huy Đức thường chỉ trình bày suy nghĩ, nhận định về vấn đề, sự kiện, rất ít khi chỉ trích nặng lời cá nhân nào đó.

Nhân vật duy nhất bị Huy Đức "chì chiết" suốt nhiều năm là ông Nguyễn Tấn Dũng (cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu Thủ tướng Việt Nam). Đó cũng là một trong những lý do khiến Huy Đức bị phê phán "thiếu khách quan". Có một điểm cần chú ý, Huy Đức đã chỉ trích ông Nguyễn Tấn Dũng từ khi ông Dũng còn tại chức.

Đầu thập niên 2010, sau khi ông Dũng "tái đắc cử" để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa (2006-2016), Huy Đức đã khuấy động dư luận bằng "Ba khâu đột phá của Thủ tướng".

Xin trích một số đoạn để hình dung điều mà một số người cho là "ân oán" giữa Huy Đức và ông Nguyễn Tấn Dũng đến từ đâu : "Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài "nhậm chức" dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.

Thật khó để gạch ra vài đầu dòng nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu, nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng có thể là cơ hội bắt đầu để ông tiếp tục nắm quyền với vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, xét về bản chất, không còn là ‘một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc gia độc đảng’.

Trong thâm sâu, những người đồng nhiệm của ông Dũng không còn coi ý thức hệ là kim chỉ nam cho dù độc đảng vẫn là lẽ sinh tồn của họ. Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông không vì niềm tin mà vì đấy là công cụ tấn công mà không ai dám cãi. Nhưng, với tư cách Thủ tướng, ông Dũng có thể thuyết phục các đồng chí của mình ‘Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thay vì lấy quốc doanh là chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo’.

Năm 2005, trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, khu vực quốc doanh tuy nắm 54,9% tổng số vốn sản xuất kinh doanh, 51% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ tạo ra 38,8% doanh thu, trong khi khu vực tư nhân chỉ chiếm 25% vốn sản xuất kinh doanh, 20,6% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chánh dài hạn nhưng đã tạo ra mức doanh thu chiếm 39,5%. Thế nhưng, năm 2006, thành phần kinh doanh kém hiệu quả này vẫn được ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước và 70% vốn vay từ nước ngoài. Ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia lại làm ra tiền ít nhất.

Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như ‘Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo’, đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được [4].

Thực tế cho thấy, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố giã biệt chính trường để trở về "làm người tử tế", di sản mà ông để lại là hàng loạt đại án, các viên chức cao cấp (như Đinh La Thăng), lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (như Trịnh Xuân Thanh) lũ lượt vào tù và không thể đếm xuể các "đại dự án" cũng như "dự án" của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước thất bại, thua lỗ do tham nhũng và kém cỏi. Cho dù không có thống kê chính thức nhưng có thể ước đoán tổng thiệt hại lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng [5] [6]. Chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng, phân tích, nhận định về hậu họa mà Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm tạo ra, liệu giờ đây có sẽ thành "tội", vì "thời thế đã thay đổi" ?

Phần 2

Trong mười năm làm Thủ tướng (2006 – 2016), bất kể sự can gián của các chuyên gia, ông Nguyễn Tấn Dũng đã dốc gần như toàn bộ nội lực quốc gia vào những dự án của các tập đoàn nhà nước và tổng công ty nhà nước. Khoản tiền chừng ba tỉ Mỹ kim rút từ công quỹ và các khoản vay ngoại quốc vừa trở thành giấy lộn, vừa tạo thêm nợ, vừa đặt chính quyền Việt Nam trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" bởi "bỏ thì thương, vương thì tội".

quyenluc2

Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội tháng 7/2011. Ảnh minh họa

Nếu từng theo dõi các diễn biến liên quan đến chính trị - kinh tế tại Việt Nam, người ta chẳng lạ gì những dự án "vang bóng một thời" như : Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai (tổng vốn đầu tư 5.147 tỉ nhưng đến năm 2015 mới có thể hoạt động song chưa bao giờ có thể chạy hết công suất vì đủ thứ trục trặc, hai tháng đầu 2019 lỗ 37.885 tỉ). Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ, bắt đầu sản suất tháng 9/2012 nhưng đến đầu 2019 lỗ 118.419 tỉ do cứ hoạt động ít tháng lại phải tạm dừng vì đủ loại lý do). Dự án mở rộng – cải tạo Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc (tổng vốn đầu tư 10.122 tỉ, bắt đầu sản suất vào cuối 2015, năm 2016 lỗ lũy kế 1.717 tỉ, năm 2017 lỗ 611 tỉ và ngưng hoạt động nên năm 2018 chỉ còn lỗ 340 tỉ). Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước (tổng vốn đầu tư 1.742 tỉ, sản xuất từ 4/2012 đến 4/2013 thì ngưng hoạt động vì thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu) [7].

Theo thống kê, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, riêng ngành Công Thương có ít nhất khoảng 16 đại dự án như vừa kể [8] và không chỉ có thế ! Dưới thời ông Dũng còn có những scandal về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khiến nhiều doanh nghiệp về lý, nếu không thuộc sở hữu nhà nước thì khi giải tư phải trở thành sở hữu của tập thể người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước đó nhưng cuối cùng, những doanh nghiệp nhà nước này bị định giá rẻ mạt, tạo điều kiện cho một số viên chức và thân nhân của họ thâu tóm. Có thể dùng trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa – Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, đến 2010 được ông Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công Thương, sau đó bà và thân nhân trở thành chủ Công ty ‘cổ phần’ Bóng đèn Điện Quang, đến 2020 bị truy nã [9] làm một trong những ví dụ minh họa bởi chắc chắn rất nhiều người còn nhớ.

Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, thiên hạ bắt đầu kháo nhau về "chạy chức, chạy quyền" và sau đó, dù không muốn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam miễn cưỡng thừa nhận đó là "vấn nạn", là "ung nhọt phổ biến, không chỉ gây nhiều hệ lụy trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào đảng và sự trong sạch, vững mạnh của đảng, đòi hỏi cần phải có vaccine đặc trị" [10].

Cũng từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, bất kể khuyến cáo của các chuyên gia, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam biến tăng trưởng GDP thành một thứ trang sức để chứng tỏ sự "sáng suốt" và "năng lực" của cả cá nhân lẫn hệ thống. Năm 2018, khi phân tích và lập lại khuyến cáo – đừng chạy theo GDP bằng mọi giá, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế nhắc đến điều đã từng xảy ra lúc ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng : Khi nhận ra không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm, chính phủ thúc ép hút thêm một triệu tấn dầu để bán bất kể giá dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Tuy bán dầu trong bối cảnh đó sẽ lỗ nặng nhưng bán đi một triệu tấn đầu sẽ đẩy GDP lên. Tương tự, chính phủ bắt ngành than khai thác thêm than dù đang ứ đọng chín triệu tấn than. Chưa kể đến chuyện xào nấu dữ liệu để đạt yêu cầu [11] !

***

Tháng 10/2012, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11 (2011 – 2016) tổ chức hội nghị lần thứ sáu. Khi phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư khiến thiên hạ ngỡ ngàng vừa vì công khai thừa nhận : Bộ chính trị, Ban bí thư của khóa này có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đó là lần đầu tiên, một Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam liệt kê cặn kẽ những khuyết điểm của Bộ chính trị, Ban bí thư song việc nhấn mạnh những khuyết điểm của các tập thể này cho thấy mục đích chỉ nhằm xác định đó là ai : Việc một số cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan lãnh đạo đảng, nhà nước và bản thân đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất, tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết, khắc phục một số tiêu cực như tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội Một số trường hợp phân công đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình. Trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết và kết luận của trung ương, nhất là về doanh nghiệp nhà nước còn lúng túng, buông lỏng, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ dẫn đến một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước mà điển hình là Vinashin, Vinalines hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một số hạn chế, khuyết điểm chưa được làm rõ thực chất, mức độ, địa chỉ cụ thể, ai phải chịu trách nhiệm như tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm...

Đó cũng là lần đầu tiên Bộ chính trị, Ban bí thư phải dùng "khổ nhục kế" : Bộ chính trị, Ban bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban chấp hành trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng đảng. Những suy thoái tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Để giữ nguyên kỷ luật trong đảng, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của đảng và làm gương trong toàn đảng, Bộ chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban chấp hành trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. Tuy nhiên cả ông Trọng lẫn đa số thành viên cao cấp đang lãnh đạo đảng vẫn không thành công : Ban chấp hành trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ chính trị và một đồng chí Bộ chính trị !

Thiên hạ tin rằng, sở dĩ lúc ấy, ông Trọng nghen ngào [12] vì ông và các đồng chí cùng phe đã phải dùng tới hạ sách, tự nguyện nhận kỷ luật đối với tập thể để có thể buộc "một đồng chí ủy viên Bộ chính trị" phải gánh trách nhiệm cá nhân nhưng vẫn thất bại. Sự bất lực của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và các thành viên cao cấp đang lãnh đạo đảng cho thấy, ông Nguyễn Tấn Dũng – ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Việt Nam có đủ cả thế lẫn lực.

Cho dù ông Dũng rời chính trường năm 2016 và sau đó, nhiều cá nhân vẫn được xem là thân cận với ông Dũng, thăng tiến nhờ sự nâng đỡ của ông "thất cơ, lỡ vận", không ít người rơi vào vòng lao lý nhưng ông Dũng không chỉ "bình an vô sự" mà các quý tử của ông vẫn có thể "thăng tiến thần tốc". Điều đó cho thấy ông vẫn còn thực lực. Khi chính trường hỗn loạn, trong bối cảnh "long tranh, hổ đấu", phe nào cũng có nhu cầu củng cố thực lực, đặc biệt là những xứ sở còn đặt nặng yếu tố vùng/miền như Việt Nam. Sau chuỗi "bàn ra, tán vào" vì cả miền Nam lẫn miền Trung đột nhiên cùng thất thế trong việc phân chia quyền lực trên bàn cờ chính trị hiện tại, sự xuất hiện trở lại hết sức khác thường của ông Nguyễn Tấn Dũng dường như nhằm xoa dịu, cân bằng dư luận. Nỗ lực đó không chỉ nhắm tới miền Nam mà còn tranh thủ cả miền Trung !


Phần 3

Tháng 1/2021, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 bấu 180 cá nhân vào Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 (ủy viên chính thức). Sau đó, các ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 bầu 18 tân ủy viên Ban chấp hành trung ương vào Bộ chính trị và chọn một số ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 vào Ban bí thư.

quyenluc3

Luật sư Trần Đình Triển phát biểu tại một sự kiện của Đoàn Luật sư Hà Nội. (Hình : Facebook Trần Đình Minh Long)

Đến nay dù đã nhiều lần "bầu bổ sung" nhưng Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 chỉ còn 151 ủy viên chính thức. Bộ chính trị cũng chỉ còn 15 ủy viên, 5/15 ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm (1/3) thuộc diện "bầu bổ sung" (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến, Lương Tam Quang) để thay cho 7 ủy viên Bộ chính trị bị buộc phải ra đi. Chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam gián tiếp xác định đã chọn lộn và phải chọn lại nhiều ủy viên Ban chấp hành trung ương và ủy viên Bộ chính trị ở mức cao như vậy.

Nếu đặt 7 ủy viên Bộ chính trị đã bị buộc phải ra đi (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh) bên cạnh những ủy viên Bộ chính trị vẫn còn tại nhiệm, hẳn sẽ thấy, nhiều người trong số họ ít điều tiếng hơn.

Chẳng hạn trong số này, có bao nhiêu người khiến công chúng thất vọng hơn ông Nguyễn Hòa Bình. Ông Bình có 33 năm khoác áo công an, năm 2008 rời ngành công an với cấp bậc Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát vì được điều động về quê làm Phó Bí thư rồi Bí thư Quảng Ngãi. Năm 2011, ông Bình tiếp tục được điều động làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 2016 chuyển qua làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho đến hôm 22/8 thì trở thành Phó Thủ tướng [13].

***

Khoảng hai tháng trước khi bị bắt, hôm 23/4/2024, ông Trần Đình Triển – Luật sư trưởng Văn phòng luật Vì dân đưa lên Facebook status "Nguyễn Hòa Bình - Những cái nhất khi làm Chánh án". Trong status này, ông Triển cho biết ông Bình từng là đồng môn đại học (Đại học An ninh), từng công tác cùng ngành (công an) nên "tôi hiểu biết Nguyễn Hòa Bình từ học hành, năng lực trình độ, sở trường, sở đoản, phẩm chất đạo đức và nhân cách…".

Đó cũng là lý do ông Triển thống kê, nêu 11 "cái được" của ông Bình, trong đó có những "cái được" như từ khi ông Bình trở thành Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì nhiều cấp tòa không cho người thân của bị cáo và đương sự cũng như nhân dân tham dự phiên xử dù Hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền tham dự, trừ trường hợp phiên xử được pháp luật quy định xử kín, hoặc vụ án có tính chất đặc biệt cần bảo vệ an ninh trật tự trong quá trình xét xử.

Theo ông Triển, một trong những "cái được" khác của ông Bình là dưới thời ông làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các thẩm phán mạnh dạn đưa vào bản án kết luận : "Mặc dù có vi phạm về tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án..". bất chấp các quy định trong Bộ Luật hình sự và Tố tụng hình sự buộc phải trả hồ sơ điều tra lại hoặc hủy án nếu Hội đồng xét xử nhận thấy có vi phạm loại này. Ông Triển cũng xếp việc ông Bình bị nhiều người thuộc nhiều giới chỉ trích vì hệ thống tòa án xét xử oan sai [14]...

Giống như nhiều ủy viên Ban chấp hành trung ương, ủy viên Bộ chính trị đã bị kỷ luật sau khi dư luận liên tục dậy lên thành bão vì gia đình, thân nhân của đương sự giàu có hay thăng tiến bất thường, trên Internet có rất nhiều thông tin liên quan đến gia đình và thân nhân ông Bình. Dẫu được đính kèm nhiều bản ảnh như bằng chứng song những thông tin loại này cũng chỉ là "tin đồn" [15]. Dường như ông Triển là người đầu tiên dùng tư cách cá nhân nêu ra những vấn đề có liên quan đến gia đình, thân nhân của ông Bình và tuyên bố tự nguyện cung cấp "một số chứng cứ bước đầu để các cơ quan có thẩm quyền của đảng và nhà nước xác minh làm rõ, xử lý đúng pháp luật" [16].

Ông Triển còn loan báo sẽ công bố những bằng chứng, chứng minh ông Bình đã "phát biểu sai, thiếu trung thực" [18] khi khẳng định : Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội [18].

Tuy trang Facebook của ông Triển đã bị đóng sau khi ông bị bắt nhưng nhiều người sử dụng mạng xã hội và theo dõi sát các diễn biến liên quan đến chính trị Việt Nam vẫn ghi nhận ông là người tấn công trực diện vào tư cách cá nhân và trách nhiệm của ông Nguyễn Hòa Bình đối với hiệu quả hoạt động của ngành tòa án. Đó cũng là lý do khiến không ít người bất ngờ trước việc ông Triển bị cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Khác với ông Trương Huy San, những gì ông Triển từng viết cho thấy ông tin Đảng cộng sản Việt Nam đang nỗ lực chống tham nhũng. Đó cũng là lý do trước nay, ông Triển không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ nỗ lực chỉnh đốn đảng của ông Trọng, nỗ lực thực thi pháp luật của ông Tô Lâm và xem việc chỉ trích, tố cáo ông Bình là thực thi trách nhiệm công dân, vai trò luật sư [19].

Phần 4

Tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng bị loại ra khỏi Bộ chính trị, thôi làm Chủ tịch nước. Tháng 4/2024, tới lượt ông Vương Đình Huệ bị loại ra khỏi Bộ chính trị, thôi làm Chủ tịch quốc hội. Sáu tuần sau (16/5/2024), bà Trương Thị Mai chia sẻ số phận của ông Thưởng, ông Huệ và thôi làm Thường trực Ban bí thư. Đến thời điểm đó, nhân số Bộ chính trị chỉ còn 12/18 vì trước đó đã có ba người khác bị loại khỏi Bộ chính trị (Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc).

quyenluc4

Ông Nguyễn Tấn Dũng thời còn làm thủ tướng. Hình chụp tháng 1/2016, tại Hà Nội. Chỉ trong ba ngày từ 15/8/2024 đến 17/8/2024, thiên hạ thấy ông xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm hai lần.

Tuy Bộ chính trị còn 12 thành viên nhưng theo Qui định 214-QĐ/TW thì chỉ còn ba cá nhân đủ "tiêu chuẩn" đảm nhận vai trò Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm vì "tham gia Bộ chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên" mà không cần Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định là "trường hợp đặc biệt" [20]. Cũng vì vậy, sau khi bà Mai bị tước sạch mọi thứ, ông Tô Lâm mới có thể trở thành ứng viên duy nhất cho vai trò Chủ tịch nước.

Nếu ngày 19/5/2024, ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký quốc hội còn hồn nhiên trả lời báo giới : "Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ công an vì thế Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này" [21] thì ba ngày sau (21/5/2024), trước phản ứng gay gắt từ nhiều giới về việc tại sao Chủ tịch nước còn muốn kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an, "đạo diễn" đã phải điều chỉnh "kịch bản", ông Cường xin "bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ công an" vào nghị trình [22].

Song chuyện chưa ngừng ở đó ! Ông Trần Quốc Tỏ (Thượng tướng, Thứ trưởng Thường trực của Bộ công an) nhân vật được phân công làm Quyền Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm [23] chỉ tại vị được hai tuần. Ngày 6/6/2024, đột nhiên ông Lương Tam Quang (một Thượng tướng cũng là Thứ trưởng Công an, người trước nay vẫn được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm) được Thủ tướng giới thiệu, Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an [24]. Từ khi có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Quang là trường hợp đầu tiên được chọn làm Bộ trưởng Công an khi chưa phải là ủy viên Bộ chính trị. Hai tháng sau (16/8/2024), ông Quang tiếp tục được "bầu bổ sung" vào Bộ chính trị [25] cho dù Qui định 214-QĐ/TW đã xác định, chỉ lựa chọn - đưa vào Bộ chính trị những cá nhân đã có ít nhất một nhiệm kỷ làm ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và ông Quang không đạt điều kiện này. Tại sao ông Quang trở thành "trường hợp đặc biệt" ? Đến đó, kịch vẫn chưa đến cao trào.

Trong tháng 6/2024, còn một Thượng tướng, Thứ trưởng Công an là ông Nguyễn Duy Ngọc vốn cũng được xem là tâm phúc của ông Tô Lâm được điều động làm Chánh Văn phòng Ban chấp hành trung ương đảng và hai tháng sau được bầu vào Ban bí thư Ban chấp hành trung ương đảng. Thêm một lần nữa, Qui định 214-QĐ/TW bị vô hiệu hóa. Nếu quy định này thật sự hữu dụng trong việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự của Ban chấp hành trung ương đảng, Ban bí thư, Bộ chính trị thì ông Ngọc không đủ "tiêu chuẩn" (ủy viên Bộ chính trị, thành viên Ban bí thư phải là ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên). "Chỉnh đốn" khiến các ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng rụng như sung, kể cả những người đủ "tiêu chuẩn" để trở thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thường trực Ban bí thư, thành viên Ban bí thư, Mặt khác, cũng chính "chỉnh đốn" tạo ra những cơ hội vừa nằm ngoài qui định, vừa nằm ngoài khả năng tưởng tượng của nhiều người về khả năng vươn cao bất thường của một số cá nhân vừa là tướng công an, vừa có nguyên quán là Hưng Yên !

***

Nếu đặt việc ông Trần Đình Triển bị tống giam bên cạnh các diễn biến về nhân sự trong vài tháng gần đây, sẽ rất khó có thể tìm cách lý giải khác, hợp lý hơn khả năng đó là một cuộc "trao đổi" nhằm đạt được sự "thống nhất cao" về "công tác nhân sự" chứa đựng hàng loạt yếu tố thuộc loại chưa từng có. Tương tự, việc dùng "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" để "cất" ông Trương Huy San vào "kho" dường như hết sức "hợp cảnh". Trong bối cảnh "công tác nhân sự" hỗn loạn khó lường như vừa lược thuật, để một cá nhân dám công khai bảo rằng : Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng : Bộ trưởng công an không phải là ủy viên Bộ chính trị. Có lẽ Đảng cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của Bộ chính trị chứ không để Bộ chính trị trở thành con tin của công an đồng thời còn lưu ý : Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi tiếp tục tự do, rõ ràng là hết sức nguy hiểm cho "đại cục".

Nếu "công tác nhân sự" không phức tạp tới mức không cần phải tỏ ra tôn trọng các qui định mang tính nền tảng về lựa chọn, sắp đặt nhân sự như Qui định 214-QĐ/TW, nếu những cá nhân mới được lựa chọn, sắp đặt thực sự "là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị", được toàn đảng, toàn dân "tin tưởng, tín nhiệm cao", hẳn sẽ không có những sự kiện làm thiên hạ ngỡ ngàng, kiểu như, chỉ trong ba ngày từ 15/8/2024 đến 17/8/2024, thiên hạ thấy ông Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm hai lần. Lần thứ nhất là tại "Hội nghị với các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thông tin về tình hình những tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024" tại trụ sở Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội [26]. Lần thứ hai là tại "Chương trình kỷ niệm 55 năm Công an nhân dân thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh" [27].

Ở lần thứ nhất, không ai biết vì sao khá nhiều "các đồng chí nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" vắng mặt. Họ không được mời hay không muốn tham dự ? Tương tự như vậy là lần thứ hai và lần này, hình ảnh ông Dũng ngồi bên cạnh đồng chí Tô Lâm (Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước) như nhân vật thứ hai của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã khơi dậy nhiều đồn đoán. Đáng lưu ý là ngay sau đó bắt đầu có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để "giải oan" cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí khẳng định ông Dũng có "nhân cách lớn" ! Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam có thật sự "đoàn kết, thống nhất". Vì lẽ gì chỉ "đoàn kết, thống nhất" với những điều có lợi cho ông Tô Lâm ?

Phần 5

Ngày 24/5/2024, ông Tô Lâm được Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước. Ngày 30/5/2024, hệ thống truyền thông ở Slovakia loan báo, Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc hôm 29/4/2024 đối với ông Tô Lâm vì các điều tra viên của Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (National Criminal Agency Slovakia - NAKA) đã có sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Đồng thời phía công tố đã yêu cầu Thanh tra cảnh sát của Bộ Nội vụ phải xử lý chuyện này vì đó là nơi thực hiện các thủ tục tố tụng đối với các hành vi tương tự. Theo báo chí Slovakia, ông Tô Lâm vẫn có nguy cơ bị phạt đến 15 năm tù nếu tiếp tục bị truy tố và bị kết án trong tương lai. Một chuyên gia pháp lý tên là Thomas Stremy, làm việc tại Đại học Comenius ở Bratislava bảo với báo giới, theo luật pháp quốc tế, việc ông Tô Lâm được bầu làm Chủ tịch nước của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ cho ông được hưởng quyền miễn trừ đối với nguyên thủ quốc gia trong quá trình đảm nhiệm vai trò này. Đó có thể cũng là lý do việc truy tố sẽ bị đình chỉ [28].

quyenluc5

Ảnh chụp màn hình của báo spectator.sme.sk bài báo cho biết Văn phòng Công tố khu vực Bratislava đã hủy bỏ cáo buộc hôm 29/4/2024 đối với ông Tô Lâm.

Tô Lâm – Bộ trưởng Công an Việt Nam không phải là nhân vật tên xa lạ với dân chúng Đức, đặc biệt là với dân chúng Slovakia. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào tháng 7/2017 đã khiến Đức quyết định ngưng quan hệ ngoại giao với Việt Nam vì công an Việt Nam tổ chức bắt cóc trên lãnh thổ Đức, xâm phạm chủ quyền Đức. Đức đã trục xuất hai viên chức ngoại giao của Việt Nam vì dính líu đến vụ bắt cóc. Đến nay, Đức vẫn còn tiếp tục điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã "hoạt động gián điệp và hỗ trợ việc tước đoạt tự do của người khác". Năm 2018, Nguyễn Hải Long - một người Việt cư ngụ ở Czech bị Đức phạt ba năm 10 tháng tù. Tháng 6/2022, Anh TL - một người Việt khác cũng cư trú ở Czech bị bắt và đến tháng 6/2022 Czech giải giao ông ta cho Tòa án Đức xét xử. Tháng 1/2023, thêm một người Việt cư trú ở Czech là Lê Anh Tú bị Tòa án Đức phạt 5 năm tù... Cuộc điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của hệ thống tư pháp Đức vẫn còn tiếp diễn.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ đầu độc quan hệ giữa Việt Nam với Đức mà còn làm vẩn đục quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia. Bởi có đủ bằng chứng về việc công an Việt Nam đã lén lút đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức sang Slovakia và ông Tô Lâm đã dùng danh nghĩa Bộ trưởng Công an Việt Nam mượn một phi cơ của Slovakia đưa ông Thanh sang Nga, rồi tiếp tục đưa ông Thanh từ Nga về Việt Nam, Đức đã yêu cầu Slovakia điều tra. Thủ tướng Slovakia hứa với dân chúng Slovakia và chính quyền Đức rằng ông sẽ yêu cầu một bản báo cáo chi tiết xem Slovakia có can dự vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không [29]... Tháng năm vừa qua, báo chí Slovakia cho biết, ngoài ông Tô Lâm, còn 7 công dân Việt Nam, trong đó có Quang Lê Hồng, cựu cố vấn của Thủ tướng Robert Fico, bị cáo buộc dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bị NAKA khởi tố trước khi Văn phòng Công tố khu vực Bratislava hủy bỏ cáo buộc vì sai sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Trên bình diện quốc tế, ông Tô Lâm không chỉ nổi tiếng về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ! Tháng 11/2021, báo chí ngoại quốc đưa tin ông dùng "bò dát vàng 24K" khi đến London do đích thân đầu bếp Nusret Gokce người Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ. Trong những tin liên quan đến sự kiện này, các cơ quan truyền thông ngoại quốc không quên lưu ý, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu nhập bình quân của một người Việt chỉ khoảng 184 Mỹ kim/tháng, trong khi bữa "bò dát vàng 24K" mà ông Tô Lâm thưởng thức tối thiểu phải trên 1.000 Mỹ kim [30]. BBC có trụ sở ở London thì cho biết cặn kẽ hơn – bữa ăn mà ông Tô Lâm đã dùng có giá từ 1.140 Mỹ kim đến 2.015 Mỹ kim [31]. Trước sự phẫn nộ của công chúng, cuối tháng 11/2021, ông Võ Văn Thưởng trấn an : Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ [32]. Hai tuần sau, ngày 9/12/2021, tại một hội nghị thảo luận về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nói khơi khơi : Con người cũng có không ít tật. ‘Kém một miếng không chịu được’. ‘Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu’. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ [33]. Tuy nhiên không rõ vì sao ông Tô Lâm vẫn tiếp tục đi tiên phong trong công cuộc "chống tham nhũng, tiêu cực" để "chỉnh đốn đảng" ?

***

Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này bị một số thành viên Mobifone tố cáo khắp nơi nhưng không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào làm gì cả. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ thanh tra vụ nhận chuyển nhượng cổ phần này. Dù Tổng bí thư và Ban Chỉ đạo phòng - chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng Thanh tra chính phủ vẫn không công bố Kết luận thanh tra. Thế rồi ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đột nhiên nhất trí hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Hai hôm sau – 14/3/2018 – Thanh tra chính phủ công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra vụ AVG chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone. Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ chừng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên, trong đó có Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an cùng tham gia, để AVG nâng giá trị của doanh nghiệp này lên 7.000 tỉ nữa.

Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận rõ ràng là có đạo diễn lành nghề giúp sức ! Nhờ chủ động từ bỏ khoản chênh lệch lên tới 7.000 tỉ trước khi Thanh tra chính phủ công bố Kết luận thanh tra hai ngày, cho nên dù là chủ mưu, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù. Còn những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù ! Đáng lưu ý là trong Kết luận thanh tra vụ Mobifone dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG với giá cao hơn giá trị thực 7.000 tỉ, Thanh tra chính phủ xác định, việc Bộ Công an phát hành ba văn bản : "Công văn 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, Công văn 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, Công văn 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015" là "không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định" [34].

Những công văn vừa kể đã mở đường cho Mobifone mua AVG với giá cao bởi Bộ Công an cho là "hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị", nếu AVG muốn chuyển nhượng thì doanh nghiệp nhà nước phải nhận chứ không thể để nhà đầu tư ngoại quốc nắm những cổ phần này. Nếu chịu khó dành thời gian ngó qua ba công văn của Bộ Công an mà Thanh tra chính phủ đề cập, hiện có trên trang web của Tiếng Dân [35] tất sẽ nhận ra có sự can dự của Thượng tướng Tô Lâm. Có công văn tính từ lúc Bộ Thông tin và truyền thông ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền ở Bộ Công an xem xét - chỉ đạo - soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu chỉ vỏn vẹn bốn ngày. Sự can dự còn được thể hiện ở chỗ, bất kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người đặt bút ký tên. Chưa kể, không có ai, nơi nào dám dòm ngó, bình phẩm về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vì Thượng tướng Tô Lâm xếp nó vào loại "Mật" hoặc "Tối mật".

Không phải tự nhiên mà trong Kết luận thanh tra, Thanh tra chính phủ kiến nghị : Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành ba văn bản tham gia ý kiến với Bộ Thông tin và truyền thông nêu tại điểm 6 Mục II. Trên thực tế, đến giờ, khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị kỷ luật vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này không xảy ra với Thượng tướng Tô Lâm, cho dù cứ lật lại vụ án Mobifone – AVG tự nhiên sẽ thấy, trách nhiệm của ông tương đương với các bị án. Bản chất những "vi phạm, khuyết điểm" của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương đã bị xử lý có khác gì với hành vi của ông Tô Lâm trong scandal Mobifone mua 95% cổ phần của AVG ? Liệu sẽ có lúc hành vi ấy trở thành "vi phạm, khuyết điểm" ?

Quyền lực ở Việt Nam không trong tay nhân dân nhưng trong tay ai ? Vì sao lại thế ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 29/08/2024

Chú thích 1

[1] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02bh4YE2Bevspeu3tLUMFCtLeH4X39kiwWbNDKrs97QFbLrvBAHhLRarAkKcBxPWaul&id=100001402346694

[2] https://tuoitre.vn/bat-ong-truong-huy-san-osin-huy-duc-va-ong-tran-dinh-trien-20240602083151396.htm

[3] https://vietnamnet.vn/bo-cong-an-dieu-tra-mo-rong-vu-an-lien-quan-ong-tran-dinh-trien-truong-huy-san-2299744.html

[4] https://danluanvn.blogspot.com/2011/08/huy-uc-ba-khau-ot-pha-cua-thu-tuong.html

[5] https://phapluat.tuoitrethudo.vn/toan-canh-12-dai-du-an-thua-lo-nghin-ti-cua-nganh-cong-thuong-19144.html

Chú thích 2

[7] https://phapluat.tuoitrethudo.vn/toan-canh-12-dai-du-an-thua-lo-nghin-ti-cua-nganh-cong-thuong-19144.html

[8] https://vietnamnet.vn/diem-ten-them-loat-dai-du-an-nguy-co-lang-phi-chuc-ngan-ty-553849.html

[9] https://tuoitre.vn/truy-na-cuu-thu-truong-bo-cong-thuong-ho-thi-kim-thoa-20200713183934329.htm

[10] http://danvan.vn/Home/Dien-dan/10835/Vac-xin-dac-tri-chong-chay-chuc-chay-quyen

[11] https://tiasang.com.vn/dien-dan/khong-nen-chay-theo-gdp-bang-moi-gia-12563/

[12] https://www.youtube.com/watch?v=3eDG76-uK8g

Chú thích 3

[13] https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-bau-chanh-an-vien-truong-phe-chuan-bo-nhiem-3-pho-thu-tuong-2-bo-truong-10224082609323398.htm

[14] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0KphngS8MzsGN2Kibj8awvupvF9hKbmGYyhx3xFbH45wrGkxEBENXGabAvt7QnPVKl

[15] https://bao-dong01.blogspot.com/2016/01/chi-mat-nhung-cong-ty-ma-cua-nguyen.html

[16] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid0oCwroqEmGyxoKWFCeC9ehqdEgteR9Rm7DVadyHJQHez5KRC2xsj7fEpHB2eJ51qil

[17] https://thanhnien.vn/chanh-an-tand-toi-cao-chua-phat-hien-truong-hop-nao-bi-ket-an-oan-185240508113050256.htm

[18] https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/pfbid034qiYmMuL6iavxRQzopv6448mU2kMhtyVdNa5fkiNTznv5C6NtfHYdey9GrwcET3yl

[19] https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/ca-ngoi-nguyen-phu-trong-luat-su-tran-dinh-trien-van-bi-bat/

Chú thích 4

[20] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-214-QD-TW-2020-tieu-chuan-chuc-danh-can-bo-thuoc-dien-Ban-Chap-hanh-Trung-uong-433545.aspx

[21] https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-bo-cong-an-1341846.ldo

[22] https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-hoi-se-mien-nhiem-chuc-vu-bo-truong-bo-cong-an-665525.html

[23] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-tuong-giao-thu-truong-tran-quoc-to-dieu-hanh-hoat-dong-bo-cong-an-119240522113618475.htm

[24] https://dantri.com.vn/xa-hoi/thuong-tuong-luong-tam-quang-giu-chuc-bo-truong-cong-an-20240605224425097.htm

[25] https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-cong-an-luong-tam-quang-duoc-bau-vao-bo-chinh-tri-20240815145326629.htm

[26] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-hoi-nghi-gap-mat-cac-dong-chi-lanh-dao-nguyen-lanh-dao-dang-nha-nuoc-119240815153325303.htm

[27] https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-trao-tang-danh-hieu-cho-cong-an-tp-hcm-2024081710592191.htm

Chú thích 5

[28] https://spectator.sme.sk/c/23336677/vietnamese-president-charges-slovakia.html

[29] https://spectator.sme.sk/c/20815700/german-media-vietnam-kidnapping-throughout-slovakia.html?ref=av-right

[30] https://www.abc.net.au/news/2021-11-06/salt-bae-gold-leaf-steak-vietnam-security-minister-to-lam/100599898

[31] https://www.bbc.com/news/world-asia-59174383

[32] https://tuoitre.vn/lam-sao-de-can-bo-khong-dam-khong-the-khong-can-khong-muon-tham-nhung-20211123141221495.htm

[33] https://vietnamnet.vn/nhung-cau-noi-tham-thia-cua-tong-bi-thu-trong-nam-2021-805787.html

[34] https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/Thanh-tra-Chinh-phu-cong-bo-ket-luan-thuong-vu-MobiFone-mua-AVG-131455.html

[35] https://baotiengdan.com/2022/12/27/su-nghiep-cua-hai-pho-thu-tuong-pham-binh-minh-va-vu-duc-dam-cham-dut-phan-2/

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn

Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị thứ 7 – đã bị Tô Lâm đốn ngã

Trung Khoa, Thoibao.de, 19/06/2 24

Ngày 19/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

bct1

Báo nhà nước Việt Nam xác nhận tin mà Thoibao.de đã đăng cách đây hơn 1 tháng.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Dũng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Và Bộ Chính trị đồng ý để đồng chí Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Hà Nội và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đồng chí Đinh Tiến Dũng thôi giữ các chức vụ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trước đây 1 tháng rưỡi, ngày 3/5/2024 Thoibao.de đã đưa tin rò rỉ cho biết, "Đinh Tiến Dũng đang gặp nguy", nay tin này đã được xác nhận.

Đáng lẽ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phải từ chức vì với tư cách là Trưởng ban Nhân sự cho Đại hội Đảng khóa 13, ông Trọng phải chịu trách nhiệm về việc có đến 7 trong tổng số 18 Ủy viên Bộ Chính trị ban đầu của Khóa 13, đã phải rời khỏi Bộ Chính trị.

Trước Đinh Tiến Dũng là Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai.

Đây cũng là cơ hội để Tô Lâm đưa người của mình vào Bộ Chính trị trong thời gian tới, có lẽ là vào Hội nghị Trung ương 10.

Trung Khoa 

*************************

Ông Đinh Tiến Dũng thôi chức Bí thư Hà Nội do liên quan các vụ án Vạn Thịnh Phát, AIC

RFA, 19/06/2024

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 19/6 thông báo đồng ý cho ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức bí thư thành ủy Hà Nội.

bct2

Ông Đinh Tiến Dũng khi là Bộ trưởng Tài chính trong một phỏng vấn ở London, Anh hôm 4/7/2019 - Reuters/Marc Jones

Thông báo được Văn phòng Trung ương Đảng đưa ra và tuyền thông Nhà nước loan đi.

Theo Thông báo, quyết định của Bộ Chính trị cho ông Đinh Tiến Dũng thôi chức Bí thư Thành ủy Hà Nội dựa trên đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kết luận rằng Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc ; không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 cũng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao trong tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước về hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái" Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn An Đông ; trong quản lý nhà nước về ngân sách có liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc AIC.

Bản thân ông Đinh Tiến Dũng bị quy chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Tài Chính.

Thông báo cho biết ông Đinh Tiến Dũng có đơn xin thôi giữa các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và về hưu. Đơn của ông được Bộ Chính trị chấp nhận.

Hai Bí thư Hà Nội trước ông Dũng cũng bị kỷ luật Đảng. Đó là ông Hoàng Trung Hải (nhiệm kỳ 2016 - 2020) ; ông Vương Đình Huệ (2020 - 2021). Ông Huệ bị kỷ luật Đảng khi đang nắm chức Chủ tịch Quốc hội.

Nguồn : RFA, 19/06/2024

Additional Info

  • Author Trung Khoa, RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam