Quân đội chỉ đạo hạn chế Pháp Luân Công tại Việt Nam (RFA, 13/11/2018)
Vừa qua, Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam, vừa đưa ra một văn bản chỉ đạo các phòng ban về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt của Pháp Luân Công.
Người Việt Nam thực tập Pháp Luân Công vào buổi sáng tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
"Những văn bản gây nên sự sách nhiễu"
Văn bản của Cục tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đề ngày 23 tháng 8 năm 2018, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục tuyên huấn ký tên đóng dấu.
Cụ thể văn bản được chụp lại nêu ra rằng Pháp Luân Công thời gian gần đây đã có những hoạt động mang màu sắc chính trị, phá hoại an ninh… văn bản cho rằng Pháp Luân Công mang màu sắc chính trị đối lập dưới dạng rèn luyện sức khỏe, tu sữa tâm linh. Cục tuyên huấn còn cho rằng Pháp Luân Công lợi dụng yếu tố tâm linh nhằm lôi kéo quần chúng, đảng viên, quân đội cùng tham gia.
Qua những yếu tố vừa nêu, Cục tuyên huấn chỉ đạo các cơ quan chính trị các cấp định hướng cán bộ công chức cùng người thân không tham gia Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác (tổ chức tôn giáo không do nhà nước kiểm soát).
Cục Tuyên huấn cũng cho rằng cần có biện pháp ngăn chặn quần chúng theo Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác trở thành cực đoan, chống đối chính quyền ? Ngoài ra phải xử lý nghiêm những người cầm đầu.
Văn bản cũng yêu cầu báo chi do nhà nước kiểm soát phải tuyên truyền sự nguy hại của Pháp Luân Công và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp khác.
Đặc biệt Cục tuyên huấn còn chỉ đạo "Lực lượng 47"phải phản bác kịp thời thông tin trên internet và mạng xã hội cho rằng Pháp Luân Công là rèn luyện sức khỏe và tu sữa tâm linh ! ?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Anh Lương Nhất Thế, học viên Pháp Luân Công tại Vũng Tàu đưa ra nhận định về văn bản chỉ đạo của Cục Tuyên Huấn :
"Những văn bản như vậy là văn bản mật, nó không được công khai ra ngoài, chỉ là trong những buổi họp chi bộ. Em thấy những cái đó chỉ là thông tin cục bộ, vì những chỉ đạo liên quan pháp luật hay hiến pháp thì phải công khai toàn dân mới được công nhận. Những văn bản như vậy theo tôi như luật rừng".
Một học viên Pháp Luân Công khác tại Sài Gòn, Bác sĩ Minh Đức, cũng đưa ra nhận định :
"Ở Việt Nam thì chưa có một văn bản chính thức nào gởi đến cho học viên Pháp Luân Công chúng tôi. Cái văn bản của Cục Tuyên Huấn vừa qua chỉ là một trong các văn bản thôi, còn rất nhiều văn bản khác, có cái của tuyên huấn, có cái của văn hóa thông tin, có cái của văn phòng trung ương đảng… nhưng đều chỉ đạo hạn chế Pháp Luân Công. Những văn bản đó đã gây nên sự sách nhiễu đối với học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc những năm qua".
Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị Việt Nam, vừa đưa ra một văn bản chỉ đạo các phòng ban về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt của Pháp Luân Công. Hình do học viên Pháp Luân Công cung cấp
Một nữ tín đồ Pháp Luân Công không muốn nêu tên cũng cho rằng không có một văn bản chính thức nào mà cấm Pháp Luân Công cả. Chỉ có các văn bản mật này nhưng lại không công khai cho người dân. Cô nói tiếp :
"Quyền công dân của mình là hoàn toàn mình hợp pháp tập Pháp Luân Công, không sai trái gì so với pháp luật Việt Nam và quốc tế. Trong khi các văn bản của Cục tuyên huấn lại hạn chế sự phát triển của Pháp Luân Công tại Việt Nam cũng như trên thế giới".
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Cục tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị Việt Nam để xác minh văn bản chỉ đạo về việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt động của Pháp Luân Công, tuy nhiên mọi cố gắng liên lạc đều không thành công.
Nhiều bài viết trên các trang báo do chính phủ Việt Nam quản lý cũng cho rằng thực chất của hoạt động Pháp Luân Công lại mang một màu sắc trái ngược với mục đích ban đầu…
Bị sách nhiễu, đánh đập, bắt giữ
Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, bộ môn Pháp Luân Công là một môn tập luyện khí công được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng lập vào năm 1992.
Tại Việt Nam, chỉ một ít người tập luyện Pháp Luân Công hồi năm 2000 và số lượng người tham gia tăng hơn 1.500 học viên vào năm 2011, và tính đến năm 2016 có rất nhiều người tu luyện, rất nhiều điểm tập luyện Pháp Luân Công xuất hiện ở các công viên ở Việt Nam.
Tuy nhiên nhiều học viên Pháp Luân Công tại Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều trở ngại từ phía chính quyền, người thân của các học viên được chính quyền thông báo những thông tin sai lệch về Pháp Luân Công. Ngoài ra, chính quyền cũng gây áp lực đối với trường học, nơi học viên Pháp Luân Công theo học…
Các học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam còn bị sách nhiễu và bị công an địa phương đánh đập, bắt giữ.
Bác sĩ Minh Đức cho biết về các trường hợp học viên Pháp Luân Công bị đàn áp thời gian gần đây :
"Năm 2017 vừa qua, có hai vụ đàn áp, thứ nhất vào ngày 2/7/2017 là hơn 40 người học viên ở Nha Trang ra công viên tập, thì họ bắt 14 người về đồn, trong đó có 1 người có thai. Rồi họ đánh đập những người bị bắt, có người ngất đi phải vào bệnh viện. Và thứ hai là vụ ở Thái Nguyên, học viên Pháp Luân Công bị bắt chỉ vì đánh trống".
Theo Anh Lương Nhất Thế, anh và các bạn đồng tu hoạt động hoàn toàn công khai đường đường chính chính. Tuy nhiên tình trạng bức hại các học viên Pháp Luân Công thời gian gần đây là có thật :
"Cũng có trường hợp bị lấy xe máy, bị đánh đập ở các tỉnh thành, nhưng không thể thống kê con số cụ thể vì có người họ lên tiếng, nhưng cũng có người họ âm thầm chịu đựng. Ví dụ như điểm luyện công ở đồng diều quận 8, họ mặc thường phục đến đánh đập tụi em như dân thường, làm bọn em không thể chụp hình bị công an đánh. Hoặc có những chỗ trước khi bọn em bị đánh buổi tối thì họ cúp điện, làm tụi em không quay phim được. Ai quay phim sẽ dễ dàng bị phát hiện và gặp nguy hiểm".
Trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết rằng, tại Việt Nam không có một văn bản nào cấm Pháp Luân Công hoạt động, chỉ có một văn bản của Ban Tôn giáo của chính phủ nói rằng Pháp Luân Công không phải là một tôn giáo mà chỉ là cách thức tu tập để có lợi cho sức khỏe. Nhưng theo ông điều đáng nói là ngay trong chính văn bản đó lại bảo rằng không khuyến khích người dân theo môn này, dù rằng trước đó nói rằng nó có lợi cho sức khỏe.
******************
Việt Nam điều trần trước Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc (RFA, 13/11/2018)
Theo lịch đã được công bố, tại phiên họp định kỳ lần thứ 65 của Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm 12/11/2018 tại Thụy Sĩ, Việt Nam sẽ có một phiên báo cáo việc thực hiện Công ước Chống tra tấn vào ngày 14/11, và ngày 15/11 Việt Nam sẽ có một phiên trả lời các câu hỏi chất vấn của Ủy Ban.
Chị Lại Thị Thu bị Trung tá Lý Công Văn, công an huyện Trảng Bàng, tra tấn và đánh bầm dập thân thể - Tintuc.Việt Nam 07/11/2015.
Phiên điều trần này sẽ được phát trực tiếp trên Web TV của Liên Hiệp Quốc.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu phái đoàn Việt Nam gồm 30 người tham dự phiên điều trần lần này.
Để chuẩn bị, hôm 12/10/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết sau nhiều nỗ lực của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Vài tháng sau khi phiên điều trần năm 2018 kết thúc, Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc sẽ ban hành một văn bản "Quan sát Kết Luận" về Việt Nam để đánh giá việc thực hiện Công ước chống tra tấn của Việt Nam và nêu ra các vấn đề mà Ủy ban thấy quan ngại, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện.
Theo quy định của Công ước thì cứ mỗi 4 năm, Việt Nam phải báo cáo việc thực hiện công ước này trong tư cách là một thành viên của Ủy Ban.
Ông Phạm Lê Vương Các, một người quan tâm vấn đề, viết trên tài khoản Facebook của bản thân rằng "Dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống tra tấn nhưng luật hình sự Việt Nam không có quy định về tội danh tra tấn theo định nghĩa của Công ước, nên không một viên chức chính quyền Việt Nam bị truy tố về tội tra tấn dù tình trạng này diễn ra rất phổ biến. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam chỉ giỏi đối phó hơn là thực thi các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế".
*****************
Đi Nhật du học để mưu lợi hơn là giúp nước (RFA, 13/11/2018)
Nhật Bản vừa qua đã đưa 12 công ty tư vấn du học của Việt Nam vào danh sách đen vì nghi ngờ cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho các hồ sơ xin visa của sinh viên du học. Vụ việc này lại dấy lên làn sóng dư luận về chuyện các sinh viên Việt sang Nhật du học nhưng rồi ở lại bất hợp pháp và trở thành tội phạm.
Một con chim sẻ đậu trên cành hoa anh đào ở Tokyo vào ngày 6 tháng 4 năm 2016. AFP
Từ chối đơn xin thị thực
Báo trong nước loan tin hôm 12/11/2018 trích tờ Mainichi của Nhật cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có lệnh kể từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đại sứ quán nước này tại Việt Nam sẽ từ chối đơn xin thị thực từ 12 công ty được nêu tên, vì nghi ngờ các công ty này đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả trong một thời gian dài.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói đã thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về 12 công ty tư vấn du học này. Chúng tôi liên hệ với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục – Đào tạo) để có thêm thông tin và được vị này cho biết.
Thường thì bên Nhật họ không muốn thông tin này ra ngoài vì đây là vấn đề ngoại giao. Khi nào họ nói họ cung cấp thì mới đưa ra, còn không thì không đưa ra bên thứ ba.
Chúng tôi hỏi thêm về hướng giải quyết của Bộ Giáo dục – Đào tạo và được ông Hưng cho biết.
Vừa rồi đã có một loạt giải pháp ký giữa hai bên. Việc này thôi để từ từ sẽ có thông tin trả lời đầy đủ, và đề nghị là không trao đổi những nội dung không chính thức. Bao giờ chúng tôi cũng trả lời qua trung tâm truyền thông của Bộ thì mới chính thống.
Truyền thông của Nhật đưa tin các quan chức nước này đã tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các ứng viên từ Việt Nam và nhận ra cứ 10 ứng viên thì có ít nhất 1 người không hiểu tiếng Nhật tốt để xin thị thực visa. Tỷ lệ này được nói lên tới 30% trong số các ứng viên được 12 công ty Việt trong danh sách đen làm hồ sơ.
Thực tế du học sinh tại Nhật
K, một du học sinh Nhật từ năm 2006, nói rằng các sinh viên du học tại Nhật được chính phủ tạo điều kiện có thời gian đi làm thêm để trang trải ngoài việc chính là học tập. K giải thích thêm :
Cờ quốc gia của Nhật Bản và Việt Nam tại Sân bay Haneda ở Tokyo hôm 28/2/2017. AFP
Ở bên Nhật, một tuần sinh viên được làm 28 tiếng, thì quy định như vậy thôi nhưng mà có nhiều sinh viên đâu có đi học, hoặc là đi học nhưng làm rất nhiều giờ. Ví dụ như học từ 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa là xong, thì khoảng 1 giờ, 2 giờ là sẽ đi làm tới tối luôn. Có người đi làm rồi không đi học, làm nguyên ngày luôn.
Thực tế lo làm mà bỏ học dẫn đến hậu quả mất quyền cư trú hợp pháp tại Nhật. Khi mất quyền cư trú hợp pháp lại dẫn đến những sai trái tiếp theo, K tiết lộ với chúng tôi :
Không được gia hạn visa thì làm cách nào ? Ví dụ như chưa lấy đủ ‘vốn’ thì họ sẽ trốn ra ngoài, đi làm mấy chỗ mà người ta cần và lương rẻ hơn lương chính thức. Sau đó thì trốn ở lại luôn, còn nếu mà muốn ở lâu dài thì nộp xin visa tị nạn chính trị.
Chiêu bài ‘tị nạn’
Thống kê chính thức của Bộ Tư pháp Nhật Bản công bố vào tháng 3/2018 cho biết người có quốc tịch Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có số người xin tị nạn nhiều nhất tại Nhật trong trong 3 năm liên tiếp từ 2015 đến 2017. Quốc tịch Việt Nam chiếm tỉ lệ cao thứ 2 trong số các hồ sơ xin tị nạn tại nước này vào năm 2017 với 3.116 hồ sơ. Tuy vậy, có đến 2,295 hồ sơ đã bị Nhật Bản từ chối.
Thống kê của Bộ Tư pháp Nhật khẳng định trong tổng số các hồ sơ xin tị nạn nước này nhận được thì có hơn 25% là du học sinh và công nhân hợp tác lao động. K xác nhận với chúng tôi :
Có rất nhiều sinh viên sắp hết thời gian lưu trú ở Nhật mà không gia hạn được visa và không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường tiếng Nhật thì sẽ sử dụng chiêu là nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị. Nhưng được biết thì rất nhiều hồ sơ xin tị nạn chính trị của Việt Nam bị bác bỏ.
Trường Nhật ngữ Đông Du, một cơ sở trợ giúp sinh viên Việt Nam đi du học Nhật, cho biết từ năm 1991 đã đưa 1.960 người Việt đi Nhật nhưng chỉ có hơn 500 người về nước.
Được biết, K từng là một sinh viên trường Đông Du, tốt nghiệp đại học ở Nhật và quyết định ở lại để làm việc cho một phòng thí nghiệm tại Tokyo. Anh nói rõ lý do vì sao chọn ở lại :
Ở Nhật tiền lương cao hơn, mức sống tuy cao nhưng dễ chịu hơn ở Việt Nam. Nói chung là cảm giác an tâm, an toàn hơn Việt Nam. Giống như là ra đường không sợ bị trộm cắp, ít bị móc túi, không sợ tai nạn giao thông nhiều. Không khí thì trong lành, không ô nhiễm. Thức ăn thì mình an tâm mua các loại ở ngoài siêu thị mà mình biết xuất xứ, không sợ dơ bẩn hoặc xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngoài ra, K cho biết tuy không phải là công dân Nhật, nhưng người nhập cư như K được quyền lên tiếng về các chính sách liên quan đến người nước ngoài của chính phủ và có thể nộp đơn lên các bộ phận. Anh nhấn mạnh về vấn đề tự do ngôn luận là không phải e dè như khi ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy hiện nay nhiều sinh viên Việt Nam tại Nhật đang sống trong cảnh bất hợp pháp, thậm chí tù tội.
Số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm 2017, cộng đồng người Việt đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhóm nghi phạm nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản, chiếm 30,2% tổng số tội phạm của công dân nước ngoài. Trong số các tội phạm Việt Nam tại Nhật, có khoảng 40% đã đến bằng visa du học và cư trú bất hợp pháp tại đây. Vấn nạn sinh viên đi du học rồi ở lại luôn được nói đến lâu nay ; nhất là tại Hoa Kỳ.
***************
Việt Nam Campuchia thảo luận về việc di dời người Việt ở Biển Hồ (RFA, 13/11/2018)
Tình hình người gốc Việt sinh sống ở Biển Hồ, Campuchia được đại diện hai chính phủ Việt Nam và Campuchia nêu ra bên lề Hội nghị Cấp Cao ASEAN 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore hôm thứ Ba, 13 tháng 11.
Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh - AFP
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Campuchia sẽ nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của bà con gốc Việt tái định cư ở khu vự Biển Hồ của nước này.
Truyền thông trong nước dẫn lại lời ông Prak Sokhonn mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ 2 nước và sẽ tạo điều kiện cho người dân gốc Việt ở Biển Hồ ổn định cuộc sống.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nhắc lại đề nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hunsen nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF - WB) tại Bali, Indonesia, đó là việc Campuchia thực hiện di dời theo lộ trình từng bước, hỗ trợ người gốc Việt di dời khỏi Biển Hồ có cuộc sống ổn định.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua chính quyền tỉnh Kamphong Chhnang của Campuchia cho biết kế hoạch di dời khoảng 2000 gia đình sống trên các con thuyền trên dòng sông Tonle Sap thuộc địa phận tỉnh này, trong đó có khoảng 115 gia đình là người Việt và Hồi giáo Khmer. Mục đích di dời được cho biết là để khôi phục chất lượng nước dòng sông.
Tuy nhiên một số người Việt ở địa phương cho Đài Á Châu Tự Do biết những điều kiện về nguồn nước khi di dời mà chính quyền địa phương hứa không đảm bảo.
Hôm 9 tháng 11, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch trong vấn đề giải quyết cưỡng chế những gia đình Việt Nam ở Biển Hồ, tại tỉnh Kampong Chhnang.