Sinh viên Việt 'đóng góp' gần 900 triệu đôla cho kinh tế Mỹ (VOA, 25/11/2018)
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 17 liên tiếp và đóng góp hàng trăm triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo hàng năm với tên gọi "Open Doors" của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có trụ sở ở New York, Mỹ.
Một buổi lễ tốt nghiệp. (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo mới công bố, trong năm học 2017 – 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học 2016 – 2017, tức tăng 8,4%.
Trong tổng số 24.325 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, 69,6% học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% tham gia thực tập không bắt buộc, và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam cho biết, sinh viên Việt Nam "đóng góp 881 triệu đôla cho nền kinh tế Mỹ".
Theo báo cáo của IIE, kỹ thuật, kinh doanh và quản trị, toán và khoa học máy tính vẫn là các ngành học được sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất trong năm học 2017 - 2018. Toán và khoa học máy tính là khối ngành học tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng 11,3% so với năm học 2016 - 2017, tiếp theo là khối ngành luật và thực thi pháp luật với mức tăng trưởng 10,4% so với năm học 2016 - 2017.
Giáo dục là một trong các lĩnh vực thường được nêu lên trong tuyên bố chung cấp cao Việt - Mỹ.
Các bang có nhiều sinh viên quốc tế du học nhất gồm California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennsylvania, Florida, Ohio, Michigan, và Indiana.
Báo cáo này cũng cho thấy có 1.094.792 sinh viên quốc tế đến Hoa Kỳ du học trong năm học 2017 – 2018, tăng 1,5% so với năm trước. Sinh viên quốc tế hiện chiếm 5,5% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ, tăng nhẹ từ 5,3% so với năm trước.
Ngoài báo cáo về sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, số liệu từ phúc trình của IIE cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ. Trong năm học 2016 - 2017, Việt Nam đã đón 1.147 sinh viên đến từ Hoa Kỳ, tăng 13,3%.
Báo cáo "Open Doors" được công bố hàng năm vào Tuần lễ Giáo dục Quốc tế, một sáng kiến chung giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Giáo dục Hoa Kỳ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ mới cho biết, nhân kỷ niệm Tuần lễ Giáo dục Quốc tế 2018, cơ quan ngoại giao này đã tổ chức các hoạt động quảng bá giáo dục đại học Mỹ, cung cấp thông tin thị thực du học và các chương trình học bổng của chính phủ Hoa Kỳ tại Hà Nội và các tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, thu hút gần 400 học sinh, sinh viên và giáo viên tham dự trực tiếp, và tiếp cận khoảng 1.200 công chúng trực tuyến.
Trong các tuyên bố cấp cao Việt – Mỹ gần đây nhân chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, đôi bên đều "khẳng định ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa nhân dân hai nước, qua đó làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, cụ thể thông qua trao đổi chuyên môn và học thuật".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam ra nước ngoài học tập mỗi năm "mất 3 - 4 tỷ đôla".
Mạng xã hội và truyền thông Việt Nam gần đây nhiều lần đề cập tới tình trạng chảy máu ngoại tệ, chất xám qua việc du học, và thậm chí vấn đề này còn được nêu lên tại Quốc hội.
Phát biểu trước cơ quan lập pháp của Việt Nam hồi tháng Sáu năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết rằng học sinh, sinh viên của Việt Nam ra nước ngoài học tập mỗi năm "mất 3 - 4 tỷ đôla" dưới dạng các chi phí khác nhau, theo báo Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về chuyện ngoại tệ "chảy" ra nước ngoài theo con đường du học, ông Nhạ nói rằng "đây là nguồn tiền rất lớn", đồng thời "chia sẻ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nước để các gia đình có điều kiện không phải gửi con ra nước ngoài học tập".
Ông Nhạ còn được trích lời cho biết rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho chính phủ "có những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào giáo dục", và nói thêm rằng "khuyến khích xã hội hóa cũng là điểm ưu tiên trong sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học".
Viễn Đông
******************
Các hộ giáo dân ở Cồn Dầu vẫn bị cưỡng chế (VNTB, 25/11/2018)
Vậy là sau nhiều năm thực hiện những đợt cưỡng chế lẻ tẻ, một số hộ giáo dân ở Giáo xứ Cồn Dầu (P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng) cho biết, chính quyền Thành phố Đà Nẵng đang tiến gần đến việc hoàn thành mục tiêu lấy đủ diện tích đất để giao cho nhà đầu tư Tập đoàn Sun Group theo cái gọi là phục vụ cho việc xây dựng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân...
Một hộ gia đình ở Cồn Dầu kêu cứu. Ảnh : Facebook Hong Thai Hoang.
Đợt cưỡng chế gần đây nhất mà chính quyền Thành phố Đà Nẵng nói chung và chính quyền Q. Cẩm Lệ nói riêng đã thực hiện đối với hộ giáo dân ở Giáo xứ Cồn Dầu là vào ngày 15/11/2018 vừa qua. Đây là đợt cuộc cưỡng chế được chính quyền áp dụng với 7 hộ gia đình trong số hơn 100 hộ thuộc vào diện bị cưỡng chế đất để lấy đất giao cho nhà đầu tư Tập đoàn Sun Group theo lời của chính quyền là nhằm phục vụ cho việc xây dựng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, còn theo lời của người dân là nhằm để phân lô bán nền.
Theo ghi nhận ý kiến của các giáo dân là vào ngày 15/11, chính quyền chính thức thực hiện cưỡng chế lấy đất của hộ bà Nguyễn Thị Hải và hộ ông Nguyễn Đình Bông, các hộ còn lại trong số 7 hộ theo như chia sẻ của các giáo dân là do không chịu nổi áp lực, đã nhận đền bù và chấp nhận giao đất nên không bị cưỡng chế.
Chị Trang, con của hộ ông Nguyễn Đình Bông chia sẻ rằng, hộ gia đình chị có diện tích đất thực tế từ thời khai hoang đến giờ là 1.265m2 nhưng diện tích đất được chính quyền chứng nhận vào giấy quyền sử dụng đất là gần 900m2. Do nhu cầu cuộc sống của ba người con nên ông Bông đã cắt bớt 284m2 để chia cho ba người còn này nên diện tích còn lại của hộ gia đình là 515m2 và đây là toàn bộ diện tích bị dính vào dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.
Qua những lần tiếp công dân để giải quyết, hộ gia đình ông Bông không chấp nhận giao đất vì giá đền bù mà phía chính quyền thông báo quá thấp, không áp dụng đúng giá thị trường, làm lợi quá lớn cho nhà đầu tư là Tập đoàn Sun Group. Mặc khác, hộ ông Bông cũng như nhiều hộ khác thuộc diện bị cưỡng chế đất nhiều lần chia sẻ với báo đài tự do rằng, việc chính quyền lấy đất của dân không nhằm mục đích thực hiện dự án mà để cho nhà đầu tư phân lô bán nền, bán lại giá m2 đất từ mấy chục triệu trở lên, người dân muốn mua lại để tái định cư tại chỗ cũng không đủ khả năng.
"Còn lại 515m2 họ bố trí cho hai lô đất đền bù trong đó có một lô ở đường 7,5m và một lô ở đường 10,5m. Nhà tôi ở đường chính, ngay sát bên nhà thờ Cồn Dầu, đất đền bù họ quy định ở đường chính ấy là 430.000VND/m2 mà họ áp giá cho gia đình tôi 350.000VND/m2, giờ đất ở đây họ bán một lô đến mấy tỷ đồng, tức là khoảng hơn ba mươi triệu đồng/m2". Chị Trang nói.
Chị Trang chia sẻ thêm, trước ngày cưỡng chế là ngày 15/11, chính quyền huy động Công an bao vay quanh nhà, cắt điện nước và ngày cưỡng chế thì huy động hàng trăm người bao gồm công an, dân phòng và lực lượng chính quyền các loại đến yêu cầu mọi người đứng nghe đọc quyết định cưỡng chế rồi sau đó lùa hết mọi người lên xe để giải về đồn công an phường Hòa Xuân tạm giữ mà không đưa quyết định cưỡng chế cho người dân. Tổng thẩy là gia đình chị Trang có 8 người bị bắt và gia đình bà Hải có 6 người bị bắt..
"Họ cả hàng trăm người, thời điểm đọc lệnh cưỡng chế họ bao quanh cả trong lẫn ngoài nhà tôi. Nói chung họ dồn gia đình tôi vào một chỗ để nghe đọc lệnh cưỡng chế và nhận quyết định cưỡng chế. Nhà tôi 8 người ra đứng làm theo yêu cầu, họ đọc xong rồi là họ ở đằng sau tống lên xe đậu sẵn và đi luôn"
"Tôi cũng là người bị bắt, bắt hai gia đình. Gia đình tôi bị bắt 8 người, còn gia đình của nhà chị Hải là 6 người, tổng cộng là 14 người bị bắt đó anh".
Đến chiều cùng ngày phía chính quyền yêu cầu mọi người về nhận chung cư vì việc cưỡng chế đã hoàn thành và cũng hoàn thành việc thẳng tay xóa sạch những video, hình ảnh liên quan đến cuộc cưỡng chế mà những người dân bị bắt đã dùng điện thoại quay lại được vào thời điểm cưỡng chế.
Những hộ dân Cồn Dầu yêu cầu chính quyền Đà Nẵng thực hiện thông báo số 288/TB-VPCP. Ảnh : Facebook Hong Thai Hoang
"Tới giờ chiều cùng ngày là họ qua bảo mình về nhận chung cư chứ giấy cưỡng chế họ không đưa. Họ đọc quyết định xong nói là quyết định này giao cho gia đình một bản để thực hiện, bên chính quyền một bản. Họ làm hai bản nhưng khi họ đọc xong, tôi đi lại lấy giấy cưỡng chế thì họ xúc hết gia đình tôi lên xe để giải về đồn công an phường Hòa Xuân"..
Như đã nói trên, hiện tại các hộ dân sau khi bị chính quyền lấy đất giao cho nhà đầu tư đều bố trí chỗ ở tạm là khu chung cư.
Mặc khác qua những gì ghi nhận, thấy có rất nhiều hộ giáo dân Cồn Dầu yêu cầu chính quyền Đà Nẵng thực hiện văn bản thông báo số 288/TB-VPCP ngày 12/9/2016 Kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Hiện tại do chưa có điều kiện để tiếp cận văn bản thông báo số 288/TB-VPCP này để hiểu rõ thực hư nội dung như thế nào ?.
Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân do Tập đoàn Sun Group với diện tích là 450ha, đến nay đã hơn 10 năm triển khai nhưng vẫn chưa hoàn thành. Báo chí Việt Nam cho biết hiện tại còn 154 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó đất ở là 105 hồ sơ và 49 hồ sơ đất nông nghiệp. Chính quyền các cấp ở Đà Nẵng ngoài việc vận động người dân giao đất còn kết hợp với việc tiến hành việc cưỡng chế lấy đất từng đợt.