HRW kêu gọi Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng gây tranh cãi (VOA, 22/12/2018)
Chỉ chưa đầy hai tuần trước khi Luật An ninh mạng được áp dụng ở Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi Hà Nội hoãn thi hành bộ luật gây nhiều tranh cãi cũng như sửa đổi thêm cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khoảng 70.000 người đã ký vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu Quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng. Ngày 21/12, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự chỉ 2 tuần trước khi bộ luật này có hiệu lực.
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6. Trước và sau thời gian đó đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, khi người dân Việt ở trong nước và ở hải ngoại phản đối dự luật được cho là sẽ hạn chế tự do phát biểu ý kiến trên mạng. Bộ luật này dự kiến bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019.
Theo Luật An ninh mạng, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu trong nước, "xác thực" thông tin người sử dụng và cung cấp các dữ liệu về người dùng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án. Theo nhận định của HRW, bản dự thảo nghị định có cách định nghĩa quá rộng về dữ liệu người sử dụng.
"Luật an ninh mạng này được thảo ra để tạo điều kiện cho Bộ Công an dễ dàng hơn trong việc theo dõi gắt gao và nhận diện những người lên tiếng phê bình, và bảo đảm độc quyền cao hơn cho Đảng Cộng sản", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Nếu bộ luật này được thi hành, tất cả mọi người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam sẽ hoàn toàn không có một chút riêng tư nào".
Theo nhận định của HRW, các điều khoản về theo dõi và lưu trữ dữ liệu tại địa phương trong bộ luật an ninh mạng và dự thảo nghị định sẽ trao quyền cho các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật vốn đã và đang lạm quyền rất nhiều, có thể tiếp cận dữ liệu người sử dụng dễ dàng hơn, mà không có cơ chế bảo đảm đầy đủ quyền riêng tư, quyền được xét xử công bằng, và các quyền khác.
Bộ luật mới đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam. Trong vòng bốn tháng kể từ khi bộ luật này được thông qua, gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi.
Hồi tháng 9, 32 Nghị viên châu Âu đã gửi một bức thư chung cho bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu, và bà Cecilia Malmström, cao ủy thương mại châu Âu, yêu cầu "đạt thêm được những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam". Bức thư này ghi rõ rằng Việt Nam cần "sửa đổi bộ Luật An ninh Mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR (Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982".
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi trong năm 2018, theo HRW. Chính quyền Hà Nội đã xử có tội ít nhất là 41 nhà hoạt động và blogger và kết án họ nhiều năm tù giam, trong đó có Lê Đình Lượng, người nhận mức án 20 năm tù – mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật về đặc khu kinh tế. Có tin công an tấn công nhiều người và bắt giữ hàng loạt. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.
"Bộ Luật An ninh Mạng của Việt Nam và dự thảo nghị định kèm theo đã chà đạp lên quyền riêng tư và đi ngược hẳn với cam kết của chính quyền Hà Nội với Liên minh châu Âu về tôn trọng nhân quyền", ông Robertson nói. "Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cần tạm hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam sửa đổi bộ luật này và thể hiện các tiến bộ cụ thể và đo đếm được về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình".
*******************
Luật An ninh mạng tiếp tục gặp nhiều chỉ trích ngay trước thềm năm mới 2019 (RFA, 21/12/2018)
Chỉ khoảng 2 tuần trước thềm năm mới 2019 và cũng là thời điểm Luật An ninh mạng của Việt Nam chính thức đi vào hiệu lực, nhiều tiếng nói chỉ trích, bày tỏ lo lắng về bộ luật này lại được dấy lên trong và ngoài Việt Nam.
Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng hôm 10/6/2018 - AFP
Vào một buổi sáng một ngày giữa tháng 12/2018, chúng tôi tìm đến các quán cafe ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi người dân thường đến uống cà phê, đọc báo và nói chuyện thời sự mỗi ngày. Khi được hỏi về Luật An ninh mạng sẽ đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019, một số người trả lời không biết hoặc không quan tâm, nhưng cũng có một số khác bày tỏ lo lắng như người thanh niên không muốn nêu tên vì lý do an toàn :
"Con người có quyền tự do phát biểu, tự do ngôn luận nhưng pháp luật có suy nghĩ riêng của họ. Họ thấy có trắc trở trong an ninh mạng nên đặt ra điều luật để bảo vệ con người nhưng cá nhân mình thấy nhiều điều bất cập lắm… Bức xúc không biết nói đâu thì lên mạng nói vậy thôi".
Một thanh niên giấu tên khác tại quán café trên đường Hai Bà Trưng, nói anh hoan nghênh luật mới nhưng vẫn có thắc mắc :
"Quan trọng mình áp dụng luật đó như thế nào, tốt hơn hay áp dụng nó không đúng với ý của người dân ? Ví dụ người dân muốn nói lên những phản ánh của mình mà không dám nói nữa. Hồi xưa thì dám nói đấy, đăng lên rồi người ta share ra nhưng giờ có như vậy thì không dám nói nữa".
Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6 năm nay với hơn 86% phiếu tán thành, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và những quan ngại được một số tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ đã nêu ra trước đó.
Ngày 10/6, hàng ngàn người dân Việt Nam đã xuống đường ở nhiều thành phố trên cả nước để phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Công an đã được huy động để trấn áp các cuộc biểu tình. Theo thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, tính đến tháng 11/2018, đã có ít nhất 127 người bị kết án vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối này.
Thượng Nghị sĩ Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại phụ trách Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế bày tỏ lo ngại với Đài Á Châu Tự Do về những điều khoản trong luật mới :
"Tôi đã đến Việt Nam khi Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về luật này. Trong cuộc gặp của tôi với các giới chức quốc hội và chính phủ Việt Nam, tôi đã bày tỏ mối lo ngại về yêu cầu nội địa hóa dữ liệu trong luật, bày tỏ mối lo ngại nhìn từ khía cạnh của các nhà đầu tư kinh doanh, và các nhà hoạt động nhân quyền".
Liệu Facebook và Google có tuân thủ Luật An ninh mạng ?
Những điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở Việt Nam phải mở văn phòng đại diện, đặt máy chủ tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam ở trong nước và trao các dữ liệu này cho Công An khi được yêu cầu mà không cần lệnh của tòa án là những quan ngại lớn nhất trong luật.
Cho đến lúc này, cả Facebook và Google đều chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về việc họ có tuân thủ các điều khoản này hay không. Tuy nhiên quan ngại về việc Facebook hay Google có thể đặt máy chủ và trao dữ liệu người dùng cho chính quyền Việt Nam đã từng được nói đến trong một cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ vào tháng 9 năm nay.
"Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam, và trừ những trường hợp ngoại lệ ít ỏi khi có mối đe doạ nghiêm trọng xảy ra, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị", bà Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành Facebook, đã trả lời như vậy với Thượng nghị sĩ Marco Rubio trước Thượng viện Mỹ khi được hỏi về cam kết hoạt động của họ ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm mới đây tới Việt Nam hôm 10/12, Phó Chủ tịch Google, Ken Walker, được truyền thông trong nước trích lời cho biết Google đang xem xét các bước cần thiết để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Google không trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về khả năng hãng này sẽ mở văn phòng đại diện hay trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sắp tới.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner bày tỏ lo ngại về khả năng Facebook và Google sẽ tuân thủ những quy định về nội địa hoá dữ liệu tại Việt Nam. Ông nói:
"Sẽ rất là đáng ngại nếu Google hay bất cứ công ty nào tuân theo nỗ lực nhằm nội địa hóa dữ liệu mà có thể dung để chống lại xã hội dân sự, các nhà hoạt động dân sự, và có thể bị chính phủ sử dụng để vi phạm các quyền riêng tư của người dân. Đây là điều rất đáng lo ngại và tôi nghĩ là bất cứ ai phải chịu quy định nội địa hóa dữ liệu này phải suy nghĩ rất kỹ trước khi họ đầu tư"
Thượng Nghị sĩ Cory Gardner trả lời phỏng vấn với RFA tại Washington, D.C. hôm 18/12/2018. Photo: RFA
Hôm 13/12, Liên minh Mạng Châu Á (AIC), một hiệp hội công nghiệp quy tụ những công ty công nghệ hàng đầu thế giới bao gồm cả Facebook và Google, đã gửi một Thư kiến nghị tới Bộ Công an Việt Nam đề nghị những thay đổi trong bản thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được Bộ Công an công bố và lấy ý kiến từ đầu tháng 11 và sẽ kết thúc vào ngày 2/1/2019. Bức thư của AIC viết rằng "Quy định nội địa hoá dữ liệu sẽ bóp nghẹt đầu tư vào nền kinh tế số của Việt Nam và có hại cho sự phát triển kinh tế dài hạn". Bức thư viết tiếp: "Yêu cầu thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam phớt lờ đi những lợi ích của các mô hình kinh doanh toàn cầu vì những quan ngại về an ninh mạng thực sự có thể được đề cập đến mà không cần phải áp đặt yêu cầu nội địa hoá dữ liệu. Yêu cầu này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đặt ở Việt Nam".
Một nghiên cứu vào năm 2014 của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu (ECIPE) ước tính quy định nội địa hoá dữ liệu toàn bộ sẽ làm GDP của Việt Nam giảm đi 1,7% một năm và có thể làm giảm đầu tư nội địa khoảng 3,1%.
Một nghiên cứu của Phòng Thương Mại Mỹ công bố vào tháng 10 năm nay cho thấy 61% công ty được hỏi nói họ sẽ ít có khả năng đầu tư vào Việt Nam vì luật này, trong khi 89% công ty nói luật mới sẽ làm cho nền kinh tế số của Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Lo ngại gia tăng đàn áp
Đối với những nhà hoạt động xã hội và blogger ở Việt Nam, mức độ hợp tác với chính phủ Việt Nam của Facebook hay Google theo quy định của luật hiện vẫn là một dấu hỏi.
"Việc đầu tiên là tất cả mọi người đều chưa biết là chính quyền sẽ làm việc gì. Thứ hai là các nhà mạng quốc tế như Google và Facebook sẽ hợp tác đến mức độ nào để chính quyền có thể thực hiện các chi tiết trong Luật An ninh mạng. Bây giờ chúng tôi cũng vẫn chờ thôi", facebooker Lã Việt Dũng nói với Đài Á Châu Tự Do.
Facebooker Lã Việt Dũng là người đã cùng với khoảng 50 nhà hoạt động và các cơ quan báo chí độc lập khác ký vào một bức thư ngỏ gửi Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, vào hồi tháng 4 vừa qua, lên án Facebook đã giúp chính phủ gỡ bỏ những tài khoản có nội dung chỉ trích chính phủ.
Facebooker Lã Việt Dũng cầm điện thoại di động với màn hình có bức thư ngỏ gửi ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg ở Hà Nội hôm 10/4/2018 AFP
Theo thống kê được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam công bố, tính đến giữa tháng 12 năm ngoái, Facebook đã gỡ bỏ khoảng 159 tài khoản được cho là có nội dung nói xấu chính phủ và lãnh đạo. Bộ Thông tin Truyền thông hồi tháng 12 năm ngoái còn cho biết Facebook đã đồng ý thiết lập một kênh riêng để làm việc với Bộ này. Cũng theo thống kê của chính phủ Việt Nam, hiện có khoảng 54 triệu người dùng facebook ở Việt Nam.
Báo cáo minh bạch mới đây của Google cho thấy chính phủ Việt Nam đã yêu cầu hãng này phải gỡ bỏ hơn 6.700 nội dung từ năm 2009 đến nay, phần lớn có ý chỉ trích chính phủ, và Google đã gỡ bỏ hơn 3.000 video như vậy. Báo cáo không nói những video được gỡ bỏ trong khoảng thời gian cụ thể nào.
Mặc dù vậy, Facebooker Lã Việt Dũng không cho rằng Facebook và Google sẽ hợp tác với chính phủ trong việc trao dữ liệu của người dùng. Anh nói: "Tôi nghĩ là Facebook và Google sẽ không dễ dàng hợp tác việc đấy vì giá trị lợi ích của chính quyền Việt Nam mang lại nhỏ hoăn rất nhiều so với lợi ích mà Facebook và Google mất đi nếu họ hợp tác với chính quyền cộng sản".
Tuy nhiên, anh Lã Việt Dũng lo ngại, với việc luật mới đi vào hiệu lực vào đầu năm tới, việc đàn áp, sách nhiễu người dân có thể sẽ gia tăng: "Theo tôi cái quan trọng nhất là khi luật An ninh mạng đi vào hiệu lực là chính quyền họ sẽ tăng cường mức sách nhiễu nhân dân, như mời, triệu tập nhân dân mà không có lệnh của toà nào cả".
Hôm 20/12, Human Rights Watch ra thông cáo báo chí thúc giục chính quyền Việt Nam ngưng việc áp dụng luật hoặc thay đổi luật để theo đúng với luật quốc tế. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phân ban Châu Á của Human Rights Watch được trích lời trong thông cáo nói rằng : "Luật An ninh mạng được thiết kế để giúp Bộ Công An tăng cường giám sát phát hiện các chỉ trích, và làm sâu hơn nữa độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Nếu luật được thực hiện, bất cứ người dùng internet nào ở Việt Nam cũng sẽ không còn quyền riêng tư".
Human Rights Watch cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xuống dốc trong năm 2018. Đã có ít nhất 41 nhà hoạt động và blogger bị kết án tù trong năm nay. Công an hiện đang giam giữ ít nhất 19 người khác mà chưa đưa ra toà vì họ đã thực hiện các quyền chính trị và dân sự cơ bản.
Đánh giá về phản ứng của người dân nói chung vào đầu năm tới khi luật đi vào hiệu lực, facebooker Lã Việt Dũng cho rằng sẽ có sự lắng xuống trong những chỉ trích của người dân trên mạng xã hội vì người dân phải thăm dò trong khi chính quyền có thể gia tăng đàn áp giai đoạn đầu để làm người dân lo sợ, nhưng rồi sau đó những chỉ trích, phàn nàn trên mạng sẽ lại tiếp tục.
"Quan trọng nhất là bức xúc của người dân bây giờ lớn rồi. Nó không chảy chỗ này thì chảy chỗ khác", facebooker Lã Việt Dũng nói.