Lãnh đạo cộng đồng Twin Cities kêu gọi ngừng trục xuất di dân Việt (VOA, 22/12/2018)
Kế hoạch trục xuất những di dân Việt phạm tội hình sự đến Mỹ trước năm 1995 của Tổng thống Donald Trump đang vấp phải nhiều sự chống đối hơn khi các lãnh đạo của một cộng đồng ở Minnesota hôm 20/12 tuyên bố sẽ làm mọi thứ để chống lại chính sách mới này.
Bao-Binh-Ton-That, một người tị nạn Việt tới Mỹ và định cư tại San Diego. Theo sự diễn giải mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, một số lượng di dân Việt tới Mỹ trước 1995 có tiền án tiền sự sẽ bị gửi trả lại Việt Nam.
Star Tribune, tờ báo lớn nhất của Minnesota, cho biết cộng đồng Đông Nam Á của Saint Paul ở tiểu bang miền Tây Bắc Mỹ mạnh mẽ phản đối việc trục xuất di dân Việt.
Tại một buổi họp báo hôm 20/12, Dân biểu mới đắc cử Kaohly Her của Minnesota lên án kế hoạch trục xuất và gọi đây là một sự bội ước đối với những lời hứa trong chiến tranh. Bà Her có ông là một người lính chiến đấu cùng quân đội Mỹ trước khi đưa gia đình ông tới định cư tại Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng "hiện có 5.000 người Việt đang sinh sống ở Mỹ bị kết án hình sự và đã có quyết định cuối cùng là phải bị trục xuất".
Không rõ liệu khi nào thì kế hoạch trục xuất sẽ bắt đầu nhưng theo Star Tribune, các nhà tranh đấu và các thành viên của cộng đồng Twin Cities của hai thành phố Minneapolis và Saint Paul cho biết họ đã biết về việc này kể từ khi một cuộc bắt giữ hàng chục người Mỹ gốc Việt vào năm ngoái.
Không rõ có bao nhiêu người Việt ở Minnesota bị lệnh trục xuất nhưng theo Thượng nghị sỹ tiểu bang Minnesota Foung Hawj cho Star Tribune biết, văn phòng của ông ước tính có gần 800 người Mỹ gốc Hmong, Việt Nam, Lào và Campuchia bị lệnh trục xuất hiện đang sống ở tiểu bang này.
Các di dân Việt tin rằng một hiệp định được ký giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam năm 2008 đang bảo vệ người dân ở các cộng đồng này khỏi bị trục xuất nếu họ đến Mỹ trước năm 1995, là thời điểm mà hai cựu thù bình thường hóa quan hệ 20 năm sau chiến tranh. Tuy nhiên điều này đã thay đổi khi vào năm ngoái, các thành viên của một số gia đình người Mỹ gốc Việt bắt đầu bị bắt giữ.
Chính quyền đương nhiệm của Mỹ đang diễn giải lại một hiệp định với Việt Nam mà theo đó những người tị nạn chiến tranh tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 không thể bị trục xuất trở về nước, theo ghi nhận của The Atlantic. Washington cho rằng hiệp định 2008 không thể bảo vệ những di dân Việt tới Mỹ trước 1995.
Chính phủ Việt Nam cuối cùng đã từ chối nhận trở lại hầu hết những người bị bắt giữ và việc trục xuất đã chậm lại, theo Star Tribune. Một cuộc gặp trong tháng này giữa các quan chức chính phủ Mỹ và Việt Nam được xem là một sự tái khởi đầu cho việc trục xuất.
Thông tin về việc tái khởi động kế hoạch trục xuất này gây ra nhiều quan ngại từ phía các nhà lập pháp Mỹ và cộng đồng người Việt ở đây.
Các nhà tranh đấu cho biết thông tin về việc trục xuất đã làm rúng động cộng đồng Đông Nam Á ở Minnesota, nơi có 115.000 người H’mong, Việt Nam, Lào và Campuchia sinh sống. Nhiều người trong số những di dân bị lệnh trục xuất dù họ đã phạm tội cách đây nhiều thập kỷ. Theo họ những người này đã phải ngồi tù và sau khi mãn hạn đã lập gia đình cũng như xây dựng được một sự nghiệp ở Mỹ.
Cuối tuần trước, một nhóm 22 dân biểu Mỹ đã ký vào một bức thư gửi tới Nhà Trắng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao, để bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" về những nỗ lực nhằm diễn giải lại hiệp định 2008.
Cựu Ngoại trưởng John Kerry và dân biểu tiểu bang Massachusetts mới đắc cử Trâm Nguyễn, một người từng là tị nạn chiến tranh Việt Nam, cũng đã lên tiếng chỉ trích sự thay đổi này.
*********************
'Nước Mỹ là nhà' đối với những di dân Việt sắp bị trục xuất (VOA, 21/12/2018)
Từng là một người tị nạn chính trị Việt Nam, dân biểu mới trúng cử của tiểu bang Massachusetts chỉ trích kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong đó cho phép trục xuất một số lượng di dân Việt đã sinh sống ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua và cho rằng nước Mỹ giờ đây đã là nhà của họ.
Trâm Nguyễn, người vừa trúng cử trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên là dân biểu Massachusetts, cho rằng sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Trump mà theo đó nhiều người tị nạn Việt Nam, hiện đang được bảo vệ dưới một hiệp định do chính phủ hai nước Mỹ-Việt ký kết năm 2008, có thể sẽ bị trục xuất là "vô cùng đáng lo ngại".
Tuần trước, The Atlantic cho biết chính quyền đương nhiệm của Mỹ đang diễn giải lại một hiệp định với Việt Nam mà theo đó những người tị nạn chiến tranh tới Mỹ trước ngày 12/7/1995 – ngày hai cựu thù nối lại quan hệ ngoại giao – không thể bị trục xuất trở về nước. Theo sự diễn giải mới, Washington cho rằng hiệp định 2008 không thể bảo vệ những di dân Việt tới Mỹ trước 1995.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng "hiện có 5.000 người Việt đang sinh sống ở Mỹ bị kết án hình sự và đã có quyết định cuối cùng là phải bị trục xuất". Một phát ngôn viên của bộ này cho biết rằng việc trục xuất những tội phạm hình sự trở về đất nước nơi họ ra đi là ưu tiên của chính quyền hiện tại.
Theo bà Trâm, người tới Mỹ cùng với gia đình năm 1992, có những người trong số các di dân bị trục xuất đã tới Mỹ khi còn nhỏ và "không còn ký ức gì về Việt Nam".
"Tôi tới Mỹ với tư cách là một người tị nạn chính trị từ Việt Nam Cộng sản lúc mới 5 tuổi cùng với gia đình mình", cựu luật sư 31 tuổi nói với VOA. "Giống như nhiều người tới đây từ Việt Nam vào lúc đó, gia đình tôi rất mong được xây dựng lại cuộc sống của mình ở đất nước tuyệt vời này".
Trâm Nguyễn, người sẽ chính thức trở thành dân biểu Massachusetts vào tháng sau, cho rằng nước Mỹ được "kiến tạo như là một ngọn đèn hy vọng và cơ hội cho những ai phải trốn chạy khỏi sự bức hại".
"Nước Mỹ là nhà"
Theo nữ dân biểu tương lai của Massachusetts, những người di dân Việt được hứa hẹn rằng "nước Mỹ là nhà của họ và rằng chúng ta sẽ không trả họ lại một đất nước mà họ không bao giờ biết nhiều về nó và cũng sẽ không được chào đón ở đó. Nước Mỹ bây giờ là nhà của họ".
Cuối tuần trước, một nhóm 22 dân biểu Mỹ đã ký vào một bức thư gửi tới Nhà Trắng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao, để bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" về những nỗ lực nhằm diễn giải lại hiệp định 2008.
Các dân biểu này viết trong bức thư được The Atlantic trích dẫn rằng việc thay đổi chính sách hiện đang bảo vệ những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 "sẽ đưa hàng nghìn người tị nạn Việt Nam trở về đất nước nơi họ đã bỏ đi cách đây nhiều năm, làm ly tán hàng nghìn gia đình, và phá vỡ các cộng đồng di dân và tị nạn ở Mỹ một cách nặng nề".
Các nhà lập pháp cho rằng nhiều người tị nạn Việt trẻ khi đến Mỹ được tái định cư ở các khu dân cư có cuộc sống chật vật và thiếu sự hỗ trợ cũng như các nguồn lực để đương đầu với những chấn thương lớn về tâm lý từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Do đó, theo họ, có những người đã phạm lỗi lầm để bị rơi vào vòng lao lý. Họ thúc giục chính quyền Trump "tôn vinh tinh thần di dân và mục đích được đề ra trong thỏa thuận hiện tại".
Cựu ngoại trưởng John Kerry gọi chính sách mới của chính quyền Trump là "hèn hạ". Người đứng đầu ngành ngoại giao dưới thời Tổng thống Barack Obama và từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam viết trên Twitter rằng "Sau khi nhiều người – từ (tổng thống) George H W Bush cho tới (cố thượng nghị sỹ) John McCain và (tổng thống) Bill Clinton – đã nỗ lực trong nhiều năm để hàn gắn vết thương chưa lành và để lại chiến tranh phía sau – thì chúng ta đang quay lưng lại với những người đã phải bỏ nước ra đi và nhiều người trong số đó đã chiến đấu bên cạnh chúng ta. Để làm gì ?".
Trâm Nguyễn, người có cha phục vụ trong chiến tranh cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo, cho rằng chính sách mới của chính quyền Trump sẽ không làm cho "chúng ta an toàn hơn, mà sẽ lại lần nữa trừng trị những người đã phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm của họ".
"Điều đó sẽ là trái với những gì thuộc về Mỹ", Trâm Nguyễn nói với VOA. "Chúng ta có thể vừa duy trì an toàn công cộng mà vẫn có thể thực hiện những gì chúng ta đã hứa".
**********************
Di dân Việt "dính" tiền án bị trục xuất khỏi Mỹ – Vấn đề "tế nhị" của "Little Saigon" (VOA, 20/12/2018)
"(Họ cho rằng- PV) mấy người này là mấy người tội phạm, qua bên Mỹ này làm nhục nhã người Việt Nam. Tại sao không lo sống đàng hoàng. Ở tù ra khám rồi bây giờ khóc lên khóc xuống rồi kêu cộng đồng cứu vớt".
Đây là quan điểm của rất nhiều người trong cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ, khi nói về những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995, nhưng do có tiền án nên không được nhập quốc tịch, và đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất trở lại Việt Nam. Tùng Nguyễn, người sáng lập Asians & Pacific Islanders Re-Entry of Orange County (APIROC) cho biết đang cố gắng để thay đổi cách nhìn này của cộng đồng.
Đó cũng chính là lí do mà anh cùng với những người bạn của mình trong mạng lưới Vietnamese Anti-Deportation Network (tạm dịch là Mạng lưới người Việt chống việc trục xuất) hôm 15/12 đã tổ chức một cuộc tuần hành mang tên "Bảo vệ người tị nạn" trước cửa trung tâm thương mại Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster, California, nơi được mệnh danh là Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn.
Tại đây, bằng cách kể lại những câu chuyện của chính bản thân mình, một người tới Mỹ từ khi còn nhỏ, phạm tội giết người cướp của năm 16 tuổi, hoàn lương làm lại cuộc đời sau khi được trả tự do, đối mặt với lệnh trục xuất, và cuối cùng được ân xá bởi Thống đốc bang Califronia Jerry Brown vào đầu năm nay ; anh Tùng hi vọng cộng đồng sẽ cảm thông và giúp cất lên tiếng nói để chính quyền Tổng thống Trump thay đổi chính sách cương quyết trục xuất những di dân dính tiền án như anh.
Theo luật di trú Mỹ, những di dân chưa nhập quốc tịch nếu phạm tội đại hình, sẽ bị trục xuất. Nhưng một thoả thuận kí năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, trong một thời gian dài, đã bảo vệ những người Việt qua Mỹ tị nạn trước năm 1995 khỏi bị trả ngược lại về nguyên quán, cho dù họ có phạm tội đi chăng nữa. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Trump đã cố gắng diễn giải lại thoả thuận này, và bắt đầu thương lượng, gây sức ép để phía Việt Nam nhận lại cả những người di dân phạm tội tới Mỹ trước năm 1995.
Buổi tuần hành của mạng lưới Vietnamese Anti-Deportation Network thu hút được hàng trăm người tham dự, chủ yếu là những người gốc Việt trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Đây cũng là những thành phần tích cực nhất lên tiếng chống lại việc trục xuất của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, khác với nhiều cuộc biểu tình thường thấy tại Little Saigon, không có nhiều các bậc cao niên tới ủng hộ cuộc tuần hành "Bảo vệ người tị nạn" này, và đặc biệt, theo anh Tùng, hầu như vắng bóng những gương mặt chính khách gốc Việt tiêu biểu trong vùng.
"Đây là vấn đề tế nhị"
Trả lời phỏng vấn của VOA Tiếng Việt, ông Trí Tạ, thị trưởng thành phố Westminster, nơi diễn ra cuộc tuần hành cho biết ông và lãnh đạo thành phố "do có quá nhiều công việc" đã không thể tới tham dự. Nhưng ông cho rằng bản thân cộng đồng người Việt cũng có những quan điểm trái chiều về vấn đề những người di dân có tiền án bị trục xuất.
"Những người gốc Việt trẻ tuổi thì rất quan tâm, muốn tranh đấu để giúp cho những người này (di dân Việt có lệnh trục xuất- PV) có thể có cơ hội ở lại Hoa Kỳ. Còn những người Việt trung và cao niên thì giữ quan điểm cho rằng đã sang tới Hoa Kỳ thì tuân thủ luật pháp tại đây là vô cùng cần thiết".
"Đây là một vấn đề phải nói là vô cùng tế nhị đối với tập thể người Việt tị nạn tại đây",ông Trí Tạ cho biết thêm.
Trong khi đó, một số luật sư, nhà văn, thẩm phán di trú gốc Việt có tiếng trong cộng đồng lại lên án chính sách của chính quyền Tổng thống Trump kiên quyết trục xuất những di dân người Việt có tiền án, tới Mỹ trước năm 1995 là vô nhân đạo, bất công.
Sự chia rẽ này cũng thể hiện khá rõ nét trên các trang mạng xã hội. Cụ thể tại Facebook của VOA Tiếng Việt hay trên những trang báo cộng đồng như Người Việt, dưới những bài viết về vấn đề trục xuất di dân người Việt thu hút được rất nhiều bình luận của khán giả, mà phần lớn trong số đó chỉ trích những di dân phạm tội, ủng hộ đối với việc trục xuất những người di dân có tiền án, dù cho họ tới Mỹ trước hay sau năm 1995.
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, luật sư Nguyễn Quốc Lân - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Học khu Garden Grove cho biết :
"Thực tế những người này không hẳn là những người phạm tội không, họ là những người trẻ ra đi trong thời kì ngay sau chiến tranh Việt Nam, thiếu sự chuẩn bị để đối phó với sự hội nhập vào xã hội của Hoa Kỳ. Hầu hết những chuyện phạm tội này đã diễn ra từ lâu rồi, mấy chục năm nay rồi, họ đã hội nhập với xã hội, đã thành công, có gia đình, có cơ sở thương mại, rồi đùng một cái đòi trục xuất họ thì nó rất là vô lý".
"Chính phủ Hoa Kỳ cần có chính sách đặc biệt để đối phó trong trường hợp này, hoặc tối thiểu cần phải xét lại tất cả những hồ sơ này để coi tuỳ trường hợp của mỗi người xem có đáng hay không đáng bị trục xuất, dựa trên những tiêu chuẩn về luật di trú hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ", ông Lân nói thêm.
Chính sự chia rẽ này khiến cho nhiều chính khách gốc Việt, còn khá dè dặt trong việc thể hiện quan điểm về vấn đề này, một chính khách gốc Việt giấu tên nói với VOA Tiếng Việt. Ngoại trừ trường hợp của Dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy, người đại diện cho một khu vực chỉ có một lượng nhỏ cử tri gốc Việt.
Trong một Twitter bà Murphy nói : "Là một người Mỹ, tôi lo ngại sâu sắc việc [chính quyền Trump] cố gắng tái đàm phán Bản ghi nhớ 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, liên quan đến khả năng trục xuất những người tị nạn Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 1995".
"Tôi yêu cầu chính quyền [Trump] hãy chú ý đến các hậu quả của việc đề xuất chính sách này đối với hàng ngàn gia đình", bà Murphy nói tiếp.
Còn theo luật sư Nguyễn Quốc Lân, sự dè dặt này còn do áp lực đến từ những cử tri không phải gốc Việt :
"Nếu họ (những dân biểu gốc Việt) là thành viên của đảng Cộng Hòa, họ sẽ phải đối phó với những di dân không phải là gốc Việt, mà là cư dân gốc địa phương. Họ sẽ cho rằng những vị dân cử này cũng dung túng những thành phần di dân bất hợp pháp, đồng nghĩa với việc không cứng rắn với người di dân giống như chính sách của đảng Cộng Hòa".
Tuy nhiên, vị luật sư theo đảng Cộng Hòa này cũng tin rằng trong thời gian ngắn tới, một số vị trí dân cử gốc Việt tại khu vực Quận Cam, California sẽ phối hợp cùng với những dân biểu cấp liên bang như Dân biểu Alan Lowenthal lên tiếng ủng hộ cuộc tranh đấu của những người di dân nằm trong diện trục xuất giống như anh Tùng trước đây.
Và đó cũng là những gì mà Tùng và những người bạn của mình mong đợi - những tiếng nói ủng hộ từ các chính khách gốc Việt, những người có khả năng tác động lên Bộ Ngoại giao cũng như Toà Bạch Ốc để có được một chính sách nhân đạo hơn đối với những di dân Việt trong diện trục xuất.
"Cái lầm lỗi của tuổi vị thành niên không thể đeo bám người ta suốt đời được. Người Việt nam mình rất là vị tha, hi vọng người Việt Nam sẽ thương xót, và giúp đỡ cho thiểu số không có tiếng nói, không dám nói" anh Tùng chia sẻ.
Đông Hải