Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/01/2019

Tài sản tham nhũng, tiền mệnh giá nhỏ, quốc gia nông nghiệp

Tổng hợp

Công bố kết quả kiểm tra thu hồi tài sản tham nhũng tại Thái Nguyên (RFA, 07/01/2019)

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng công bố báo cáo kết quả kiểm tra việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, gây thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Thái Nguyên.

in1

Buổi công bố báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng tỉnh Thái Nguyên. Screen Capture

Truyền thông trong nước vào ngày 7 tháng 1 loan tin dẫn lời ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, cho biết như vừa nêu tại buổi làm việc với Ban lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Theo báo cáo kết quả, qua hai năm thực hiện việc phòng chống tham nhũng giai đoạn từ 2016-2020 tại tỉnh Thái Nguyên, tỷ lê thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng tăng so với trước kia, trong đó việc thu hồi tài sản qua điều tra là 69% và thi hành án là 27%. Cơ quan điều tra đã khởi tố, giải quyết 196 vụ án với hơn 300 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế. Khởi tố điều tra 30 vụ án tham nhũng với 59 bị can, kết thúc điều tra chuyển viện kiểm sát truy tố 24 vụ với 44 bị can. Trong đó việc thu hồi tài sản là hơn 9,5 tỷ đồng trên tổng số hơn 30 tỷ tham nhũng.

Cũng theo báo cáo, các cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi các tài sản tham nhũng kinh tế với tỷ lệ thu hồi tài sản đạt tới hơn 89%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thu hồi vẫn thấp so với số tài sản chiếm đoạt, thất thoát mới đạt 21% số tiền phải thu hồi, hơn 31% tài sản thất thoát trong quá trình điều tra.

Sau khi báo cáo kết quả, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phòng chống tham nhũng để tránh oan sai, bỏ sót đối tượng, lọt tài sản có được do tham nhũng. Ông yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh trong việc tiến hành điều tra cần phải làm rõ, chứng minh tội phạm, không để xảy ra án hình sự về tham nhũng.

Ngoài ra, ông Bình cũng cho hay mặc dù tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa xảy ra các vụ đại án tham nhũng nhưng ông cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc phòng chống tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các bị can tham nhũng, đồng thời truy tìm và thu hồi các tài sản bị thất thoát.

*****************

Không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ cho dịp Tết 2019 (RFA, 07/01/2019)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng nhân dịp Tết nguyên đán năm nay. Đây là năm thứ sáu liên tiếp NHNN đưa ra chủ trương này. Báo chí trong nước loan tin hôm 7/1/2019.

in2

Tiền mệnh giá 100.000 VNĐ - AFP

Báo Mới dẫn lời ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ khẳng định dù không phát hành tiền lẻ mới nhưng tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng vẫn được cung ứng đầy đủ với lượng tiền đã qua lưu thông. Ông cho biết thêm dự trữ tiền mặt cả nước đã tăng thêm 25% trong năm qua. Ông khẳng định chủ trương của NHNN là vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt chính đáng của người dân. Việc không cung ứng tiền lẻ mới trong dịp Tết sẽ không ảnh hưởng tới nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế.

Theo báo chí trong nước thì NHNN có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng từ tháng 4 đến hết tháng 11/2018, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Việc không đưa tiền lẻ mới in ra lưu thông trong dịp Tết này, ước tính sẽ giúp NHNN tiết kiệm khoảng 390 tỷ đồng. Nâng tổng số tiền tiết kiệm được sau 6 năm thực hiện chủ trương này lên con số gần 2.600 tỷ đồng.

Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ mới dịp Tết 2019 thì tại thị trường chợ đen hay đổi tiền online, dịch vụ này được cho biết hiện rất nhộn nhịp và cam kết "bao nhiêu cũng có". Tuy nhiên, phí đổi tiền mới cho các mệnh giá thấp khá cao.

Nhiều ngân hàng cho biết hiện vẫn chưa có nguồn tiền mới để đổi nhưng cận Tết chắc chắn số tiền mới mệnh giá nhỏ sẽ không nhiều và chỉ có mệnh giá cao, từ 100.000 đến 500.000 đồng.

*****************

10 năm Việt Nam vào top 15 nước nông nghiệp phát triển có khả thi ? (RFA, 07/01/2019)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn trong 10 năm nữa, nông nghiệp Việt Nam vào top 15 quốc gia phát triển nhất thế giới. Liệu việc này có khả thi ?

in3

Ảnh minh họa : Ruộng lúa bị ngập úng tại Nam Định, Việt Nam, hồi tháng 10 năm 2017. AFP

Nông dân tự vươn lên có đủ ?

Vị Thủ tướng Việt Nam đưa ra mục tiêu vừa nêu cho ngành nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm 3 tháng 1 năm 2019 ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chính trị, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng :

"Ước mong Việt Nam trở thành một nền nông nghiệp tiên tiến là có khả thi. Nhưng vấn đề là chúng ta phải thay đổi từ một nền sản xuất dựa trên mở rộng diện tích, lấy sản lượng làm chính, lấy giá rẻ làm chính, khai thác tài nguyên của tự nhiên và lao động làm chính, cạnh tranh bằng giá rẻ, hướng vào các thị trường dễ tính… sang thành một nền nông nghiệp hướng về giá trị vững bền, công bằng, dựa trên khoa học công nghệ và quản lý. Đây là một bước chuyển có thể nói là hết sức căn bản".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam có thể thực hiện ước mơ trở thành nền nông nghiệp có thứ hạng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào việc có tái cơ cấu nông nghiệp thành công hay không ? Theo ông, muốn làm được việc đó, phải tác động vào nhiều mặt :

"Thứ nhất là phải thay đổi được khâu tổ chức sản xuất : chín, mười triệu hộ nông dân nhỏ lẻ phải thu hẹp lại thành vài triệu thôi và số này phải là các trang trại lớn. Các hộ nông dân Việt Nam phải liên kết lại với nhau thành các hợp tác xã mạnh. Thứ nữa là phải hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp này phải trong cả sản xuất, chế biến và kinh doanh".

in4

Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội năm 2017. AFP

Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thì cho rằng, những rào cản thể chế, làm kéo dài tình trạng đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam là vấn đề hạn điền :

"Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần hạn điền, nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy là 20 hecta và 30 hecta".

Giáo sư Đặng Hùng Võ còn cho biết, một quy định cản trở sự phát triển nông nghiệp quy mô lớn là người nông dân không được chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Theo ông, việc bảo vệ an ninh lương thực là cần thiết, nhưng cần phải xem xét lại.

Những vướng mắc

Khi tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về "tam nông" hôm 27 tháng 11 năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, sử dụng công nghệ lạc hậu… dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng muốn nông nghiệp Việt Nam vào top 15 quốc gia phát triển thì ngoài yếu tố cơ cấu đất nông nghiệp, nguồn vốn cho nông dân, thì khoa học công nghệ phải rất là mạnh, không những nông dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, mà cả cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học cũng phải thay đổi, coi nông dân, doanh nghiệp là khách hàng, đưa ra các khoa học kỹ thuật tiến bộ hiện đại. Ngoài ra theo ông, vấn đề vướng mắc nhất đối nông nghiệp Việt Nam hiện nay là việc kết nối với thị trường, ông nói :

"Khâu đang vướng mắc nhiều nhất, đó là sản xuất phải kết nối với thị trường, phải hình thành các chính sách chung. Doanh nghiệp phải nắm vững luật chơi quốc tế, phải có thương hiệu, phải có tiêu chuẩn… Các tham tán thương mại Việt Nam phải giúp cho người dân Việt Nam liên kết với thị trường quốc tế. Các cơ quan công quyền phải tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, kiểm dịch, ngoại giao… để nông sản Việt Nam đi vào thị trường thế giới với giá và chi phí thấp nhất".

Cũng tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cũng trong 10 năm, lĩnh vực chế biến nông sản của Việt Nam phải vào nhóm 10 nước của thế giới. Tuy nhiên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, đây không chỉ là việc của riêng nền nông nghiệp Việt Nam :

"Chế biến nông sản theo tính thống kê và cách phân chia nền kinh tế của Việt Nam thì nó thuộc nhóm công nghiệp. Mà chiến lược công nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào chế biết nông sản. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xác định một trong những lợi thế mạnh nhất là nông nghiệp. Muốn phát triển kinh tế thì cả dịch vụ và công nghiệp phải xoay quanh nông nghiệp, dưa vào thế mạnh đó để đưa đất nước đi lên. Rõ ràng chúng ta phải có thay đổi một cách quyết liệt về chiến lược công nghiệp. Tóm lại chúng ta phải bàn đến việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế chứ không phải đơn thuần chỉ có nền nông nghiệp".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, những rào cản phải được sửa trong luật để tạo ra một thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp linh động hơn, linh hoạt hơn. Từ đó mới hy vọng tạo ra được nền nông nghiệp đại điền, quy mô lớn, công nghệ cao.

Còn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nếu quyết tâm thay đổi, quyết tâm hành động, thì 10 năm là rất đủ. Tuy nhiên thời gian dù có kéo dài thêm đến 20 năm, 30 năm, nếu quyết tâm chính trị không đủ mạnh, nếu không huy động được tính sáng tạo, nội lực từ trong dân, thì không thể nào có được sự thay đổi to lớn. Còn nếu Việt Nam cứ giữ cách làm như hiện nay, chậm thay đổi như hiện nay, thì 10 năm chắc chắn là không đủ.

Trung Khang

Quay lại trang chủ
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)