Bất hợp pháp nhưng vẫn tiến hành, vì sao ? (VOA, 09/01/2019)
Một luật sư khẳng định với VOA rằng việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn "trái pháp luật" và cảnh báo về một "ngòi nổ Tiên Lãng" ngay giữa lòng Sài thành, sau khi chính quyền "ra quân" rầm rộ và san bằng khoảng 200 ngôi nhà vào ngày 8/1.
Một góc tan hoang của Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế ngày 8/1/2019.
Theo chuyên gia pháp lý này, hành động cưỡng chế "phi pháp" đã "triệt tiêu" quyền khiếu kiện của người dân, đồng thời cho thấy tình trạng thực tế là doanh nghiệp lợi ích nhóm đang "mượn tay" chính quyền để cướp đất của người dân.
Phi pháp
Phân tích về khía cạnh pháp lý trong việc tiến hành cưỡng chế tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với VOA :
"Tôi cho rằng việc lực lượng cưỡng chế của chính quyền kết hợp với doanh nghiệp tiến hành cưỡng chế là không đúng trình tự pháp luật theo quy định về Thu hồi đất, hoặc Cưỡng chế tháo dỡ".
Theo ông, nếu chính quyền muốn thu hồi đất thì trước đó phải có quyết định thu hồi, giải quyết việc bồi thường cho người dân và bố trí tái định cư cho họ trong trường hợp họ không có chỗ ở.
"Khi tháo dỡ công trình xây dựng được gọi là trái phép thì cũng phải theo trình tự. Phải có biên bản vi phạm hành chính, phải có quyết định xử phạt hành chính yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì có quyết định cưỡng chế. Tất cả phải theo trình tự và tống đạt cho người vi phạm", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói.
Nhiều người dân trong khu vực cho biết họ hoàn toàn không nhận được bất cứ quyết định thu hồi nào cho tới khi chứng kiến hàng trăm cảnh sát cơ động, an ninh, lực lượng chức năng cùng xe ủi, thiết bị tháo dỡ ập đến tiến hành cưỡng chế "bất ngờ" vào ngày 4/1, và bắt đi hàng chục người phản đối việc cưỡng chế.
Phi nhân
Sau đợt cưỡng chế lần 2 vào ngày 8/1, tổng cộng có khoảng 200 căn nhà, trị giá hơn 200 tỷ đồng, của người dân đã bị san phẳng.
Ông Cao Hà Trực, người vừa trả lời phỏng vấn của VOA vào ngày hôm trước, đã bị lực lượng chức năng bắt đi ngay vào sáng 8/1, trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế. Sau đó, vợ ông cũng bị bắt đi, để lại những đứa con thơ gào khóc bên căn nhà bị phá nát của họ.
Trong số hàng trăm người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau ngày 8/1, có vợ chồng tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú-Phạm Thanh Nghiên và gần 20 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Do liên tục bị "tra tấn tinh thần" sau khi mãn hạn tù, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống vài năm gần đây sau khi kết hôn với cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú. Họ vừa mới có đứa con gái đầu lòng khoảng 1 năm nay.
"Vợ chồng tôi góp hết vốn liếng có được và đi vay mượn thêm để liều mua đất, xây nhà ở đây. Tôi cũng đã biết trước và nói rằng đây như là một canh bạc, nhưng vì quá thương con và nghĩ rằng phải cho nó một ngôi nhà và hy vọng con tôi sẽ có 1, 2 năm đầu đời được đi lại, bi bô trong ngôi nhà của chính nó…", bà Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với VOA.
Trước tình hình cưỡng chế căng thẳng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", bà Nghiên đã phải ôm con cùng hàng trăm người dân khác rời khỏi khu vực, mà chưa biết sắp tới họ sẽ ngủ ở đâu, trong khi cái Tết Nguyên Đán lại đang cận kề.
Một băng rôn trong khu vực Vườn rau Lộc Hưng.
"Cưỡng chế rầm rộ, bất kể sự ổn định, quyền sống, chỗ cư trú, tính mạng, tài sản của bao nhiêu người cho thấy hành động đó quyết liệt đến mức thô bạo. Theo tôi, việc đó rõ ràng không phù hợp cả về góc độ pháp lý lẫn đạo lý", Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.
Quyền lợi nhóm lợi ích ?
Chuyên gia pháp lý này cho rằng việc cưỡng chế "bất hợp pháp" của lực lượng chức năng đã "triệt tiêu" quyền khiếu kiện của người dân và cho thấy quyết tâm lấy đất của nhà chức trách và doanh nghiệp có quyền lợi liên quan. Ông giải thích :
"Thu hồi đất không có quyết định, cưỡng chế không có quyết định là vì họ muốn tránh bị người dân khiếu kiện. Họ triệt tiêu quyền khiếu kiện đã được pháp luật quy định của người dân. Như vậy, người dân sẽ gặp khó khăn như dựa vào đâu, khiếu nại về hành động gì, khi mà họ ập tới làm và không để lại biên bản, quyết định, thông báo, giấy tờ gì hết. Tất cả hành động đều bất ngờ, cấp thời, không để lại bất cứ giấy mực, tài liệu ghi nhận sự việc, thì việc khiếu kiện của người dân cũng rất khó".
Trong trường hợp này, theo Luật sư Phúc, người dân chỉ còn cách tố cáo về việc cơ quan nhà nước đã làm sai, không đúng trình tự quy định của pháp luật.
"Về mặt nguyên tắc, nếu vi phạm rõ ràng như vậy thì phải bị xử lý hành chính cho tới có thể bị xử lý hình sự", Luật sư Phúc nói. "Tuy nhiên, có bị xử lý hay không lại là một vấn đề chưa thể biết được vì sự việc xảy ra nhưng không thấy có sự can thiệp nào từ các cơ quan cấp cao hơn khi người dân kêu cứu, cộng đồng mạng dậy sóng, báo chí nước ngoài phỏng vấn…".
Trong lúc một số ý kiến trên mạng nêu nghi ngờ về khả năng Vườn rau Lộc Hưng có thể là "lại quả" cho sân sau của một số quan chức, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét trên trang Facebook cá nhân rằng vụ cưỡng chế cho thấy việc doanh nghiệp lợi ích nhóm đang mượn tay chính quyền để cướp đất của dân đang là "một thực tế rành rành" và "Ai sẽ là người tháo ngòi nổ cho một vụ Tiên Lãng giữa Sài Gòn ? !", giữa bối cảnh "đại án Thủ Thiêm" vẫn còn chưa được giải quyết.
Khánh An
********************
Chính quyền thông báo tiếp tục cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng (VOA, 08/01/2019)
Qua loa phát thanh công suất lớn, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những ngôi nhà còn lại trong khu "xóm đạo" Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế lần đầu tiên vào ngày 4/1, bất chấp phản đối của người dân, theo lời người dân địa phương nói với VOA hôm 7/1.
Việc cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Xuất thân từ một trong những gia đình đã có mặt trên mảnh đất chuyên nghề trồng rau từ năm 1954 đến nay, ông Cao Hà Trực cho biết khu đất rộng gần 5 ha ở quận Tân Bình là nơi cư trú của cả xóm đạo di cư từ Bắc vào Nam theo con "tàu há mồm" của "cụ Diệm" (Tổng thống Ngô Đình Diệm).
Vào thời điểm đó, khu đất thuộc quyền sở hữu của Hội Thừa Sai Paris.
"Hội Thừa Sai Paris giao [đất] cho Tổng Giám mục để cấp cho chúng tôi. Người thì lấy để xây nhà, người thì dùng để trồng rau sinh sống trong lúc mới di cư vào Nam chưa biết làm gì", ông Trực nói với VOA.
"Chúng tôi sinh sống mãi đến năm 1999, theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi được biết là chúng tôi được kê khai đất đai. Nhưng khi chúng tôi đi kê khai thì bị phường, quận lừa. Ông Tâm nói với chúng tôi rằng ‘Thôi, đi về đi. Chưa có dự án gì đâu’ nên không cấp. Đến năm 2001, ông thông báo với chúng tôi là ông thu hồi đất của chúng tôi theo Nghị định 11 của chính phủ", vẫn theo lời ông Trực.
"Mờ ám" ?
Vào ngày 4/1, chính quyền đã tiến hành đợt cưỡng chế đầu tiên. Những hình ảnh, video trên mạng cho thấy người dân đã phản đối mạnh mẽ việc cưỡng chế, có người đã nằm ngay trước xe ủi để phản đối. Hàng chục người đã bị công an bắt đi và được thả ra sau khi công việc cưỡng chế trong ngày hoàn tất.
Một số cư dân địa phương nói vụ cưỡng chế hôm 4/1 đã xảy ra rất "bất ngờ" mà không hề có thông báo trước cho người dân.
"Đến bây giờ tôi chưa nhìn thấy quyết định thu hồi trong Nghị định 11CP", ông Trực cho biết.
Nhiều người dân cũng đồng ý kiến với ông Trực và cho rằng chính quyền "mờ ám" trong việc giải quyết vấn đề đất đai ở khu vực vườn rau.
Theo họ, chính quyền đã "cố tình" gộp chung khu đất đã giao trước đó cho Bưu điện Thành phố sở hữu (12 ha) với phần đất mà người dân đã trồng rau sinh sống bấy lâu nay (48 ha) hòng "chiếm đoạt" đất của họ.
Cụ thể, theo một báo cáo của UBND thành phố gửi cho Thanh tra chính phủ vào năm 2016 mà VOA đọc được, chính quyền cho rằng toàn bộ khu đất diện tích 48 ha "được chính quyền Pháp sử dụng làm bãi Ăng-ten", và Linh mục Đinh Công Trình đã làm giấy "mượn đất" vào năm 1955 để cho bà con giáo dân cư ngụ.
Vì vậy, năm 1991, Ban Quản lý ruộng đất Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyền sở hữu và sử dụng đất khu vực này cho Bưu điện Thành phố để đầu tư hạ tầng khu nhà ở dân dụng và nhà ở cho cán bộ, công nhân viên của bưu điện.
"Vì các chủ đầu tư (Bưu điện Thành phố, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành) không đủ năng lực thực hiện dự án, trong quá trình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm phát sinh khiếu kiện đông người làm cho khu vực trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn quận Tân Bình. Do đó, ngày 25 tháng 4 năm 2008, Ủy ban nhân dân thành phố có Quyết định số 1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất, giao cho Ủy ban nhân dân quận Tân Bình thực hiện Dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của Thành phố và của quận Tân Bình", trích báo cáo.
Tuy nhiên, theo lời ông Trực nói với VOA : "Vào năm 1954, tôi được biết Tổng nha Viễn thông của Pháp đã mượn của ông bà chúng tôi 12.000 m2 để làm phát tín [bãi Ăng-ten]. Sau đó, năm 1975, Cộng sản vào và đánh vào các đồn bốt, nghĩa là 12.000 m2 đó. Còn chúng tôi bên này là 48.000 m2vẫn trồng rau như thường. 12.000 m2 đó mấy ông đánh nhau rồi lấy. Lấy xong rồi chia nhau. Chia nhau hết rồi thì bây giờ đòi lấy đất của chúng tôi".
Ông Trực khẳng định người dân vẫn còn lưu trữ giấy tờ chứng minh việc mượn đất của Tổng nha Viễn thông Pháp.
VOA Tiếng Việt đã cố gắng liên lạc với các lãnh đạo phường 6 và quận Tân Bình để xác minh vấn đề, nhưng không ai trả lời. Một lãnh đạo đã cúp điện thoại ngay khi biết cuộc gọi đến từ VOA Tiếng Việt.
"Nhà nước cố tình không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng tôi nhằm chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chà đạp lên pháp luật luôn. Khi chúng tôi đến các cơ quan chức năng, họ đều đánh lừa chúng tôi. Họp thì không lập biên bản, còn nếu có lập biên bản thì lại không giao cho chúng tôi. Quyết định cũng không giao cho chúng tôi. Tất cả những tờ thông báo đều thảy như truyền đơn, lượm được thì người ta đưa cho chúng tôi đem về nhà", ông Trực nói.
Bị "dồn đến đường cùng"
Vẫn theo lời ông Trực, người dân khu vực phường 6 là khu vực nghèo, chuyên sống bằng nghề trồng rau từ năm 1954. Nhưng vài năm gần đây, họ bị "cắt đường sống" khi toàn bộ khu vực thường xuyên rơi vào tình trạng ngập nước, khiến cây cối chết hết.
"Nhà nước đang triệt đường sống của chúng tôi. Đầu tiên, họ công bố quy hoạch. Chúng tôi đi tìm công lý không được. Rồi các đường cống thoát nước xung quanh thì họ không moi móc, cải thiện, cố tình để nước ở các nơi chảy vào vườn rau chúng tôi, gây ngập lụt. Mỗi lần ngập cả mét, đến cả nửa tháng, một tháng mới rút. Cây cối, gà, chó, rau cỏ đều chết hết. Chúng tôi muốn cải thiện đời sống mà họ lại tiếp tục giết chết chúng tôi", ông Trực nói, đồng thời cho biết đợt cưỡng chế hôm 4/1 đã san phẳng khoảng 40 phòng trọ cấp 4, hàng quán mà người dân xây dựng để kiếm sống sau khi không thể sống bằng nghề trồng rau, và một vài căn nhà của người dân.
Người dân nói họ "hoàn toàn mất lòng tin vào chính quyền" sau hàng chục năm "gõ cửa quan" để xin được giải quyết vấn đề đất đai.
"Tôi chẳng còn tin tưởng vào việc nhà nước sẽ giải quyết cho chúng tôi. Đơn chúng tôi đưa lên, Trung ương đề nghị thành phố có câu trả lời mà họ im luôn, không thèm trả lời. Ông Lê Hoàng Quân có công văn gửi chúng tôi cam kết sẽ họp với tập thể bà con chúng tôi nhưng tới bây giờ có họp đâu ? Đánh lừa, bảo chờ. Đến nay đã 10 năm rồi. Trốn biệt tăm", ông Trực nói.
Qua thông báo trên loa phát thanh, chính quyền nói sẽ tiếp tục tiến hành cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà "xây dựng bất hợp pháp" còn lại trong khu vực. Theo lời ông Trực, các trường học lân cận đã được thông báo cho nghỉ vào ngày 8/1 để thuận tiện cho việc cưỡng chế.
https://youtu.be/nv2oxWCib3c
Khánh An