Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/01/2019

Tin về cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng lọt ra nước ngoài

Tổng hợp

Dân biểu Úc và Giám mục Úc gốc Việt lên tiếng về vụ Lộc Hưng (RFA, 11/01/2019)

Dân biểu Chris Hayes của Quốc hội Úc nói rằng những hành động đàn áp như vụ cưỡng chế đất đai tại khu vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2019 chống lại những cộng đồng tôn giáo là ví dụ cho thấy tự tự do tôn giáo ở Việt Nam đang xuống cấp.

tin1

Thiết bị cơ giới đang đập phá nhà cửa để cưỡng chế tại Lộc Hưng 4/1/2019. RFA

Ông Chris Hayes viết như vậy trong một bức thư đề ngày 11/1/2019 gửi Bộ trưởng Ngoại giao Úc và Thượng nghị sĩ Marise Payne, nói rõ là ông biết vụ Lộc Hưng qua kênh Vietnam Sydney Radio, một cộng đồng những nhà hoạt động người Việt sống trong khu vực mà ông là dân biểu.

Một số chi tiết cũng được ông Hayes nêu lên như là thời gian hình thành cộng đồng Công giáo tại khu vườn rau Lộc Hưng là từ năm 1954 với những người Việt theo Công giáo di cư, trên khu đất của Giáo hội Thừa sai Pháp, cũng như giá cả đền bù cho người dân là không thỏa đáng.

Ông cũng nhắc lại những vụ việc có tính chất giống như vụ Lộc Hưng xảy ra ở Hà Nội và Huế trong nhiều năm qua, và kết luận rằng Việt Nam đang thiếu một nền cai trị bằng luật pháp.

Ông Chris Hayes khuyến nghị đưa vấn đề vườn rau Lộc Hưng vào chương trình nghị sự của Đối thoại nhân quyền Việt Úc hàng năm.

Cũng từ nước Úc, Giám mục Vincent Nguyễn Văn Long gửi một bức thư về vụ Lộc Hưng đến Bộ Ngoại giao Úc, Tòa thánh Vatican, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Úc, và Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trong thư ông chỉ trích rằng những việc cưỡng chế như tại Lộc Hưng thực sự là do những nhóm lợi ích muốn chiếm đoạt những khu đất đai có tiềm năng kinh tế mà bỏ qua cuộc sống của người dân nghèo.

Ông kêu gọi chấm dứt tình trạng cưỡng chiếm đất đai bất hợp pháp, phải tiến hành đối thoại minh bạch với người dân. Đồng thời ông kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội và tôn giáo trong ngoài nước đồng lên tiếng về việc này.

*******************

Phạm Thanh Nghiên : Từ nhà hoạt động thành 'dân oan' (BBC, 10/01/2019)

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên nói với BBC rằng bà "không biết dẫn con gái đi về đâu khi Tết sắp đến" trong lúc căn nhà mới xây của vợ chồng bà vừa bị giật sập tại Vườn rau Lộc Hưng.

tin2

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên và chồng (giữa) tại nơi từng là căn nhà mới xây của vợ chồng bà ở Vườn rau Lộc Hưng

Nhưng bà nói thêm : "Tôi là người Công giáo nên có niềm tin rằng có thể Chúa thấy những tai ương giáng xuống cuộc đời tôi chưa đủ nên muốn thử thách tôi thêm, lần này và có thể những lần sau nữa".

Blogger, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, tác giả của cuốn Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, từng chịu 4 năm tù, 3 năm quản chế về tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước", theo Điều 88 Bộ luật Hình sự trong một phiên tòa hồi năm 2010.

Chồng bà, cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú mãn án 14 năm tù hồi năm 2013.

Sau khi kết hôn, cuối năm 2015, vợ chồng bà dọn vào Sài Gòn và sống tại Vườn rau Lộc Hưng.

Sau một thời gian ở trọ tại nơi này, vợ chồng bà quyết định dành tiền tích cóp và vay mượn thêm mua một mảnh đất 42m2 để xây nhà.

Căn nhà vừa xây xong sau Giáng sinh 2018. Vợ chồng bà kịp ngủ lại một đêm trước khi căn nhà nằm trong số những nhà cuối cùng ở Vườn rau Lộc Hưng bị giật sập hôm 8/1.

tin3

Căn nhà của bà Phạm Thanh Nghiên trước và sau khi bị phá dỡ

'Mảnh đất của lòng tốt'

Hôm 9/1, bà Phạm Thanh Nghiên nói với BBC : "Khi mua đất cất nhà ở đây, vợ chồng tôi đã dự liệu được sớm muộn Vườn rau Lộc Hưng cũng bị chính quyền cho phá dỡ, dù theo như tôi hiểu, đây là đất có quyền sử dụng hợp pháp của người dân từ năm 1954".

"Nhưng tôi nghĩ rằng chuyên đó ít ra cũng phải hai, ba năm nữa mới xảy đến, và trong thời gian đó, đứa con gái mới 13 tháng tuổi của chúng tôi ít nhất sẽ có nhà mới đón Tết, rồi có dịp đi xe đạp trong sân nhà".

"Còn bây giờ, căn nhà đã bị giật sập. Tôi không biết dẫn con gái đi về đâu khi Tết sắp đến, trong lúc nó bị bệnh hen suyễn và mấy đêm nay đã phải đi ngủ nhờ nhà người quen".

"Chúng tôi chọn dựng nhà ở Vườn rau Lộc Hưng vì đây là mảnh đất của lòng tốt".

"Là người có hoạt động đấu tranh đến nay là năm thứ 13 và nhiều lần bị sách nhiễu khi còn ở miền Bắc, tôi cảm nhận được sự ấm áp, bình an, được che chở khi dọn vào Sài Gòn, sống cùng những người dân Lộc Hưng, phần đông trong số họ là người Bắc 1954 và theo đạo Công giáo".

"Có thể nói, Vườn rau Lộc Hưng là một phần ký ức đẹp của những người từng sống ở đây".

"Mọi người dù làm nghề trồng rau hay cho thuê nhà trọ, lao động chân tay nhưng đều có niềm tin Tôn giáo, sống đùm bọc nhau".

"Khi nhìn những gương mặt thất thần sau biến cố hôm 8/1 và những ngày cưỡng chế trước đó, bỗng dưng tôi liên tưởng được nỗi đau của người dân miền Nam hôm 30/4/1975".

"Dù việc mất nhà là cú sốc quá nặng đối với vợ chồng tôi, tôi vẫn hy vọng những gì mình đã phải chịu đựng là chịu thay cho con gái mình về sau".

"Tôi là người Công giáo nên có niềm tin rằng có thể Chúa thấy những tai ương giáng xuống cuộc đời tôi chưa đủ nên muốn thử thách tôi thêm, lần này và có thể những lần sau nữa".

tin4

Bà Phạm Thanh Nghiên nói trường hợp của vợ chồng bà là "từ cựu tù lương tâm trở lại làm dân oan"

Từ nhà hoạt động thành 'dân oan'

Trong cuộc trò chuyện với BBC, bà Phạm Thanh Nghiên cũng cho biết thêm : "Lâu nay người ta chỉ thấy những người thoạt đầu là dân oan mất đất, đi khiếu kiện, đấu tranh rồi bị cầm tù, như trường hợp của bà Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng".

"Còn trường hợp của vợ chồng tôi bây giờ sao "ngược" quá : từ cựu tù lương tâm trở lại làm dân oan".

"Căn nhà đó với chúng tôi là tài sản quá lớn, vì đã phải tích cóp cả chục năm rồi phải mượn nợ".

"Nhất là trong bối cảnh một nhà hoạt động ở Việt Nam luôn gặp thử thách về chuyện mưu sinh do bị làm khó dễ".

"Bản thân tôi dù rất cố gắng, muốn sống cuộc sống bình thường như bao phụ nữ khác cũng khó, thậm chí dù làm việc chân tay cũng bị ngăn cản".

"Do vậy, tôi quyết định dành toàn thời gian cho việc tranh đấu, viết blog, viết sách".

tin5

Bà Phạm Thanh Nghiên từng mong đứa con gái mới 13 tháng tuổi "ít nhất sẽ có nhà mới đón Tết"

"Thật ra, trong những năm đầu khi mới bước vào con đường hoạt động, có lúc tôi cũng nghĩ, hay là mình chọn cuộc sống bớt nghĩ về nhân quyền, chính trị thì sẽ yên ổn hơn".

"Nhưng rồi sau đó, tìm hiểu những người chung quanh, tôi nhận ra trong xã hội này, bất cứ người dân nào muốn yên thân cũng khó".

"Rồi sẽ đến lúc họ nhận ra những việc xảy đến với họ đều có yếu tố chính trị".

"Trong giờ phút này, có thể nói mong muốn lớn nhất của tôi là con gái mình được lớn lên trong một môi trường có tự do, quyền con người được đảm bảo và phẩm giá của nó được tôn trọng".

"Và cũng trong tai ương mất nhà, tôi càng thương chồng tôi hơn bao giờ hết. Anh ấy đã trải qua phần lớn cuộc đời sống lưu vong ở Campuchia, Thái Lan, tù đày ở Việt Nam và bây giờ sống lưu vong trên chính quê hương mình, không nhà cửa và giấy tờ tùy thân..".

********************

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng vụ Vườn rau Lộc Hưng (RFA, 11/01/2019)

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa lần đầu lên tiếng về vụ việc Vườn rau Lộc Hưng sau 2 cuộc cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019 khiến nơi này trở thành đống hoang tàn.

tin6

Hình minh họa. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến Đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/01/2016 - AFP

Mạng báo Vnexpress dẫn lời ông Nhân nói nguyên văn "Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu.

Theo Ông Nguyễn Thiện Nhân thì vào năm 2017, quận Tân Bình đề nghị cưỡng chế công trình không phép trên đất lấn chiếm nhưng chưa thực hiện được.

Đến năm 2018, tình trạng "nhảy dù" xây nhà không phép khá phức tạp nên quận xây dựng kế hoạch giải tỏa theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông này lần đầu cưỡng chế, nhiều hộ dân tự giác di chuyển đồ đạc ra khỏi công trình. Hiện còn khoảng chục người ở đây gây rối, khi có hiện tượng là công an mời về làm việc.

Tuy nhiên, người dân phản ánh với Đài Á Châu Tự Do về văn bản thông báo của UBND phường 6, quận Tân Bình ký ngày 29/12/2018 cho biết sẽ cưỡng chế trong vòng 90 ngày và chỉ cưỡng chế với các hộ xây dựng sau ngày 1/1/2018.

Kết quả là khoảng 200 căn nhà đã thành bình địa sau 2 đợt cưỡng chế bất thình lình kể cả những nhà đã xây trên 8 năm.

********************

"Nói giọng Bắc, nhưng không gạt bà con" (RFA, 11/01/2019)

Liên tục trong nhiều ngày, những nạn nhân của vụ cưỡng chiếm đất đai tại phường 6, Tân Bình, Sài Gòn xuất hiện trên các video - tự tố cáo và được phỏng vấn - đã mô tả khá rõ những gì đang diễn ra. Dĩ nhiên, giờ đây không còn một tên gọi nào khác, ngoài việc khẳng định sự bất lương của kẻ cầm quyền là điều cần phải ghi nhớ.

Hầu hết những người xuất hiện trên video đều nói giọng Bắc. Chỉ có một số ít người nói giọng Nam. Nhưng nguồn gốc của họ, là những người đã tìm cách di cư khỏi một chế độ đang âm mưu một cuộc đại cướp bóc và giết hại dân lành. Đấu tố, xét lại... ở miền Bắc sau 1954 là những minh chứng bằng lịch sử của máu và nước mắt Việt Nam, trên phông nền rầm rập tiếng hô vang chủ nghĩa quốc tế cộng sản, đậm màu Trung Quốc.

tin7

Một người dân ở vườn rau Lộc Hưng - Courtesy FB Maiky

Những người nói giọng Bắc ở vườn rau Lộc Hưng hôm nay cũng run rẩy và đau đớn, không khác gì cha ông của họ vào những ngày ôm con gà, tượng chúa cùng niềm hy vọng vào Nam, rồi nghe người thân của mình bị chôn sống, bị chặt đầu ở quê mình mà bàng hoàng vì thấy mình may mắn còn sống sót. Những người nói giọng Bắc thật thà, chỉ mong được sinh sống làm ăn. Khốn khó mấy cũng cam, bắt đầu lại mọi thứ cũng thuận. Trên tay của họ là cái cuốc, hạt giống và mồ hôi thấm đất. Họ không chọn cầm AK, hay bao bố để bắt cóc ai đi trong đêm khuya vì lý tưởng đại đồng.

Chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm đã làm mọi thứ để có thể an cư gần một triệu người ở miền Nam, những người không chọn chế độ cộng sản làm bạn đường, tự nguyện xuống tàu để có thể bắt đầu lại cuộc đời. Mọi thứ ổn định cho đến năm 1975, khi nước VNDCCH ở phía Bắc mở cuộc chiến vào nước VNCH và hoàn tất. Và dù muốn hay không, tất cả những gì thuộc về hành chính, tài sản và sở hữu của người miền Nam đều phải được công nhận khi chính quyền mới gọi là thống nhất và hòa bình. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Đã có ít nhất 3 lần, chính quyền mới mở các đợt cướp bóc tài sản và xóa quyền sở hữu của hàng triệu người dân một cách vô lương, gọi là đánh tư sản. Cướp và âm mưu cướp từ chính quyền mới là những điều có thật.

Trải qua những ngày tháng ấy, tưởng chừng mọi thứ sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Non nửa thế kỷ của một nước Việt Nam tuyên bố giàu mạnh, công bằng và văn minh, vườn rau Lộc Hưng may mắn còn sót lại, vì mảnh đất có vẻ nghèo nàn ấy chưa có dịp lọt vào mắt xanh những kẻ cầm quyền cơ hội. Và vào lúc đất nước "cường thịnh", ai đó đã chợt nhận ra vài ngàn mét vuông giữa lòng Sài Gòn là một món lợi khổng lồ. Một món lợi phải được khai thác như thường lệ, nhân danh dự án, quy hoạch vườn hoa, trường học, quảng trường, tượng đài... Những kẻ cơ hội và cướp ngày nhân danh mọi thứ, nhưng không hề thât sự có gương mặt hay số phận con người.

tin8

Các lực lượng được huy động để cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng hôm 4/1/2019 Photo : RFA

Hàng trăm nhân viên đủ loại của nhà nước giàu mạnh, công bằng và văn minh ấy đã bịt mặt, mở cuộc cướp đất, phá nhà của hơn 100 gia đình, khi Tết Nguyên Đán 2019 chỉ còn vài tuần lễ nữa. Khắp nơi, trong nhịp phát triển hào hùng của Việt Nam, văng vẳng tiếng khóc, tiếng kêu giọng Bắc quen thuộc về nỗi đau và căm giận. Tiếng kêu có của cả những người không là nạn nhân, mà chỉ là người chứng kiến.

Mới đây thôi, một quan chức của chính quyền đã nói rằng "tôi nói giọng Bắc, nhưng không gạt bà con" để cố thuyết phục về tính liêm chính trong vụ cướp đất của hàng ngàn người dân tại Thủ Thiêm, quận 2. Nhưng lẫn trong tiếng quát tháo bắt người, đập nhà vào đầu tháng 1/2019 ở vườn rau Lộc Hưng cũng không thiếu những giọng Bắc hung hăng, công khai hiện hình là bọn cướp đất phá nhà dân lành. Những giọng Bắc từ nhà cầm quyền, gợi nhớ biết bao điều.

Ôi đất nước những ngày huy hoàng, "có bao giờ được như thế này đâu", nhưng bên tai, sao chỉ còn nghe thấy những giọng Bắc hốt hoảng và đau thương với cuộc đời của mình. Những giọng Bắc của con trẻ, người già, phụ nữ, và của những người thương phế binh yếu ớt không còn nơi nương tựa. Những nỗi đau thương sao như di sản cha truyền con nối. Chỉ khác là họ hôm nay, không may mắn bằng cha mẹ mình ở thế kỷ trước, vì không biết phải bước chân xuống chuyến tàu nào để thấy được hy vọng.

Những giọng Bắc nạn nhân ấy, không thể gạt chúng ta. Những giọng Bắc nghẹn ngào như cào cấu vào tim người. Nó mãi mãi nhắc chúng ta - những người Việt - về một sự thật được ghi lại trong lịch sử của đất nước này về những loại giọng Bắc được biết : của người dân chân chất và của bọn trá nguỵ.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 11/01/2019

*********************

Phó thủ tướng thường trực yêu cầu làm rõ sai phạm ở các dự án đất vàng tại trung tâm Sài Gòn (RFA, 11/01/2019)

Phó thủ tướng Thường trực chính quyền Việt Nam, ông Trương Hòa Bình có chỉ thị cho Thanh tra chính phủ yêu cầu các bộ ngành phối hợp cùng cơ quan chức năng liên quan kiểm tra phản ánh thông tin những sai phạm tại một số dự án đất vàng tại trung tâm Sài Gòn. Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu ngày 11/1.

tin9

Một trong số khu đất vàng tại trung tâm Sài Gòn. Screen Capture of Tienphong.vn

Theo truyền thông trong nước, văn phòng Chính phủ ký ban hành văn bản yêu cầu Thanh tra chính phủ phối hợp cùng với các Bộ ngành và các cơ quan địa phương liên quan tiến hành kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí và khiếu nại của người dân về việc sai phạm tại các dự án bất động sản được xem là đất vàng tại trung tâm Sài Gòn. Cụ thể là tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh tại khu vực quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phản ánh của báo chí, hai khu đất vừa nêu là khu tập thể của cán bộ công nhân viên của Tổng công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý. Khu đất này có tổng diện tích lên tới hơn 6000 m2 và được cấp giấy quyền sử dụng đất vào năm 2010.

Trước đó, vào năm 2008 khu đất được Ủy ban Nhân dân Thành phố đồng ý phê duyệt giải tỏa làm dự án khách sạn cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Nhưng gần 10 năm qua dự án này đến nay vẫn chưa thực hiện. Nguyên nhân được đưa ra vì chưa hoàn thành việc đền bù và giải tỏa mặt bằng. Một số người dân cho rằng giá đền bù cho các hộ dân nằm trong khu đất này thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Qua đó, thanh tra chính phủ yêu cầu các Bộ ngành và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và đồng thời báo cáo thủ tướng trước ngày 1/3/2019.

**********************

Chính quyền bác bỏ vụ cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng (RFA, 10/01/2019)

Vụ cưỡng chế, đập phá nhà của người dân tại khu vực Vườn Rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình bắt đầu xuất hiện trên hệ thống truyền thông chính thức của Nhà nước Việt Nam.

tin10

Cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng ngày 4/1/2018 - Photo : RFA

Hai mạng báo Tuổi Trẻ và Lao Động vào ngày 10 tháng 1, loan tin cho rằng không có biện pháp cưỡng chế thu hồi đất tại Vườn Rau Lộc Hưng. Hai mạng báo này dẫn nguồn từ một Lãnh đạo Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh nhưng không nêu tên rằng từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 1, Ủy Ban Nhân Dân Quận này phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tháo dỡ tổng cộng 112 công trình xây dựng bị cho là không phép tại Vườn Rau Lộc Hưng. Trong đó có 42 trường hợp xây trái phép trong năm 2018. Các công trình này được cho biết thuộc các loại nhà ở, nhà trọ, nơi kinh doanh mua bán, tiệm tạp hóa, rửa xe…

Cụ thể vị lãnh đạo này cho rằng quận thực hiện cưỡng chế nhà xây dựng không phép chứ không có chuyện thu hồi cưỡng chế đất mà người này cho là từ một số nguồn dư luận khác.

Cũng theo truyền thông trong nước, vào ngày 9/1, lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh thông báo đã hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp bị cho là xây dựng nhà trái phép tại khu Vườn rau Lộc Hưng. Biện pháp này đã được báo cáo, xin chủ trương và được thành phố chấp thuận.

Trước việc người dân phản ảnh việc cưỡng chế không đúng pháp luật, Lãnh đạo Quận khẳng định với báo trong nước rằng chính quyền đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình như lập biên bản, ban hành quyết định, thông báo, niêm yết trước khi cưỡng chế.

Cơ quan chức năng Quận Tân Bình phản ảnh rằng trong quá trình cưỡng chế có một số hộ dân không hợp tác, cản trở thi hành công vụ, và vì vậy chính quyền đã mời một số đối tượng quá khích về trụ sở công an phường làm việc.

Cũng theo lãnh đạo Quận Tân Bình, quận đã thuê xe tải và lực lượng bốc vác hỗ trợ di chuyển đồ đạc của người dân không kịp di dời trước ngày cưỡng chế đến địa điểm người dân yêu cầu.

Những trường hợp đồ đạc không kịp đưa ra trong khi cưỡng chế được chính quyền nói đã tập hợp, đóng gói, bảo quản, cất giữ và sẵn sàng trao trả cho người dân khi họ có nhu cầu.

Quận Tân Bình cho biết đã chuẩn bị trung tâm văn hóa quận để đón người dân bị cưỡng chế không có nơi cư trú vào ở tạm ; và hỗ trợ mỗi hỗ dân 3 triệu đồng mỗi tháng trong vòng 3 tháng để tìm kiếm nơi ở mới.

Lãnh đạo địa phương khẳng định khu đất Vườn rau Lộc Hưng là để thực hiện dự án nên người dân bị cưỡng chế chỉ được hỗ trợ chứ không bồi thường ; nhưng vị này hứa hẹn Quận đang kiến nghị thành phố áp dụng mức hỗ trợ bằng giá bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho các hộ bị cưỡng chế.

Văn bản của Ủy Ban Nhân Dân Quận Tân Bình xác định khu đất này trước năm 1975 được sử dụng làm đài ăng ten cho Nha giám đốc Viễn thông chế độ cũ. Sau năm 1975 được giao cho Trung Tâm Viễn Thông 3 quản lý và làm đài phát tín và được giao cho Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991.

Qua 3 đợt kê khai đất vào những năm 1991, 1995 và 2005, chính quyền địa phương nói hiện có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực này.

Đến năm 2008, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng và chung cư cao tầng, từ đó xảy ra các tranh chấp với người dân sinh sống tại đây.

Hiện nay, Quận Tân Bình lại xác định đây là khu vực được quy hoạch làm đất giáo dục, và tương lai sẽ xây cụm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Người dân thuộc các hộ bị cưỡng chế nhà đất ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 1 nói chính quyền đã huy động lực lượng chức năng ‘cướp’ sắt vụn và xà bần của họ sau hai vụ cưỡng chế vào ngày 4/1 và 8/1.

Quay lại trang chủ
Read 596 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)