Người dân Vườn rau Lộc Hưng phản đối chính quyền tự động cắm cọc phân lô đất cưỡng chế (RFA, 21/01/2019)
Vào ngày 21/1, chính quyền địa phương ở phường 6, quận Tân Bình đã cho người đến cắm cọc phân lô trên khoảng đất 4,8 ha Vườn rau Lộc Hưng mà không được sự đồng ý của người dân ở đây.
Khu đất Vườn rau Lộc Hưng bị phân lô cắm cọc - Photo : RFA
Ông Cao Hà Chánh, đại diện những hộ dân Vườn rau Lộc Hưng đã bị chính quyền cưỡng chế vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình hình xảy ra vào hôm 21/1 như sau :
"Ngay bây giờ trên đất của bà con thì họ đã cưỡng chế nhà hết rồi, xong rồi họ cứ cào xới lên. Cuối cùng qua nay thấy họ cắm mốc phân lô, cứ 5 mét 20 gì đó. Bà con kéo ra đề nghị gặp người chỉ đạo, gặp lãnh đạo phường quận nhưng không được. Bà con phản ứng và yêu cầu không được làm gì trên đất này vì đây là đất vẫn thuộc bà con mà lãnh đạo các cấp chưa đối thoại với dân".
Vào các ngày 4/1 và 8/1 vừa qua, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động lực lượng và máy móc đến cưỡng chế, tháo dỡ hàng trăm căn nhà trên mảnh đất 4,8 ha Vườn rau Lộc Hưng. Chính quyền quận Tân Bình cho báo chí trong nước biết việc cưỡng chế được thực hiện đối với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, những người dân Lộc Hưng mà đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết, chính quyền đã phá dỡ khoảng 200 căn nhà, cào xới đất, xoá sạch các ranh giới giữa các lô đất, phá bỏ hoa màu của người dân. Trong số này có nhiều căn nhà đã được xây dựng tại đây từ 9 đến 10 năm. Những người dân Lộc Hưng nói với đài Á Châu Tự do rằng họ đã sống ở đất vườn rau nhiều đời, từ thời ông bà cha mẹ vì đất vườn rau thuộc hội Thừa sai Paris cho người dân dùng để sống và canh tác từ thời Pháp. Thậm chí sau vụ cưỡng chế, người dân ở đây đã đưa lên mạng hình ảnh những khế ước đất có từ thời Pháp của họ. Người dân cũng cho biết họ đã nhiều lần yêu cầu địa phương cho họ đăng ký quyền sử dụng đất nhưng không được trả lời. Điều này đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài của nhiều hộ dân ở đây lên chính quyền thành phố từ năm 1999 đến 2008 mà không có câu trả lời dứt khoát.
Trong khi đó, chính quyền địa phương nói với truyền thông trong nước rằng mảnh đất này thuộc Bưu điện thành phố cho bà con mượn trồng rau và đã được quy hoạch để xây trường học.
Trước sự phản ứng của người dân, vào ngày 13/1, chính quyền quận Tân Bình cho biết địa phương quyết định hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất vườn rau và từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho các hộ trồng hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế. Báo chí trong nước đến hôm 20/1 cho biết đã có 8 hộ trong số 124 đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền địa phương, nhận được khoảng 8 tỷ đồng tiền hỗ trợ.
Ông Cao Hà Chánh nói với đài ACTD rằng 8 hộ này là những hộ có người trong gia đình làm cho chính quyền, còn những người dân Lộc Hưng khác vẫn kiên quyết không nhận tiền bồi thường.
Chị Trần Minh Thi, một người có hơn 1.000 m2 đất vườn rau từ thời ông bà, cho đài ACTD biết :
"Họ xuống và họ nói là họ là tổ vận động. Tức là họ vận động chúng tôi ký trên 7.055.000 đồng. Có người đã ra rồi nhưng đó là những người từ trước đến nay không đồng hành cùng chúng tôi. Đường mương mà những người này chiếm thì giờ họ cấu kết với chính quyền để họ ra phường lấy tiền vì đất đó không phải của họ thì họ lãnh là được. Họ nói là nếu dụ được ai thì họ cho tiền thưởng 5 triệu chứ người dân chúng tôi hoàn toàn không nhận gì hết".
Sau vụ cưỡng chế, chính quyền quận Tân Bình nói với báo chí trong nước rằng việc cưỡng chế chỉ phá nhà xây trái phép nhưng không lấy đất. Tuy nhiên, chị Thi cho biết, sau ngày 8/1, người dân Vườn rau đã không thể quay lại đất của mình vì bị cấm, và cuộc sống của họ giờ hết sức khó khăn, phải đi tìm nhà ở thuê, ở trọ, trong khi Tết cổ truyền đang đến gần.
*****************
Người dân Vườn rau Lộc Hưng nói gì về tin 8 hộ đã nhận hỗ trợ 8 tỷ đồng ? (RFA, 20/01/2019)
Báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 20/1 cho hay đến chiều 19/1/2019 đã có 8 hộ dân ở Vườn rau Lộc Hưng đã nhận hỗ trợ 8,03 tỷ đồng từ UBND phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho diện tích 2.273m2 đất canh tác trồng rau lâu năm.
Hình ảnh đổ nát sau cưỡng chế ở Vườn rau Lộc Hưng -Courtesy FB Tin Mừng Cho Người Nghèo
Thông tin trên báo SGGP cho hay, đây là số tiền hỗ trợ đợt 1 (50%), và các hộ dân này sẽ tiếp tục nhận một số tiền tương ứng sau Tết Nguyên đán 2019.
Đồng thời mỗi gia đình nhận được 6 triệu đồng hỗ trợ Tết nguyên đán và thưởng 5 triệu đồng/hộ vì đã đồng thuận với chủ trương, chính sách hỗ trợ của địa phương, tiến hành kê khai trước Tết Nguyên đán 2019.
Riêng các hộ có hoa màu bị hư hỏng trong đợt tháo dỡ công trình xây dựng trái pháp luật vừa qua, phường cũng hỗ trợ 5 trường hợp với tổng số tiền 66 triệu đồng.
Tối ngày 20/1/2019, ông Cao Hà Chánh, một người thuộc ban đại diện Vườn rau Lộc Hưng xác nhận thông tin này trên báo chí là chính xác, nhưng nói thêm đây là những hộ dân có người nhà làm cho chính quyền.
"Như anh vừa nói, rõ ràng là có thể là những hộ khác, vì bên này khoanh vùng số lượng người rồi. Từ trước năm 1999-2001 thì rõ ràng số như họ cung cấp (có 8 hộ nhận hỗ trợ 8,03 tỷ đồng - PV) là 5 nhà có đất là cán bộ phường và quận. Sau đó có nhân lên do họ chia cho con thì không biết số lượng như thế nào, cộng với 7 hộ bên phía đường Chánh Hưng.
Trước đây có mương tập thể để cho chảy nước qua đó (đường Chánh Hưng) thì lúc sau này không xài con mương nữa, vì chính quyền quận làm một cống hộp lớn trên đường Bắc Hải và họ lấp con mương này lại, các hộ dân đối diện đó qua chiếm và bán vớ vẩn.
Năm 2001-2003, phường có chủ trương dụ những người này ra và hợp thức hóa cho họ những việc lấn chiếm đó. Ngay lập tức là những cuộc họp sau đó đưa họ vào để làm đối lập với bên này, họ ký hợp đồng với bên chính quyền", ông Cao Hà Chánh nói qua điện thoại.
Đài Á Châu Tự Do chưa liên hệ được với nhận hộ dân chấp nhận tiền đền bù để nghe ý kiến của họ.
Tuy nhận được tiền hỗ trợ, nhưng theo ông Cao Hà Chánh, những người dân này không nhận được biên nhận hay hóa đơn cho số tiền đã ký nhận.
Như chúng tôi đã thông tin, trong 2 ngày 4 và 8/1, chính quyền phường 6 quận Tân Bình đem lực lượng cưỡng chế xuống Vườn rau Lộc Hưng tháo dỡ 112 căn nhà mà theo chính quyền là "xây dựng trái phép".
Tuy nhiên người dân cho hay có khoảng 200 căn nhà bị đập nát, chính quyền sau đó cũng cho người dọn sạch xà bần, sắt vụn và đồ đạc của người dân với lý do là "sẽ để người dân nhận lại sau đó".
Xà bần, sắt thép cũng được nhà nước dọn sạch sau đó, đồng thời cắm bảng dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia trên khu đất của người dân.
Ngày 16/1/2019 nhóm 17 luật sư nhận hỗ trợ pháp lý cho 20 hộ dân Vườn rau Lộc Hưng ra Thông cáo báo chí số 1 khẳng định "trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan", đồng thời người dân tại đây cũng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về sự việc "bị cưỡng chế thu hồi đất và bị đập phá tháo dỡ nhà trái pháp luật".
Qua ngày hôm sau, các hộ dân này đem đơn kêu cứu khẩn cấp đi gửi các cơ quan công quyền, tuy nhiên Văn phòng Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh từ chối nhận đơn mà không nêu lý do.
Văn phòng tiếp công dân của UBND thành phố có nhận đơn và thống kê có 172 hộ dân ký tên kêu cứu về các hành động của chính quyền quận Tân Bình.
******************
Bộ Tài nguyên và môi trường : Người dân Lộc Hưng không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất (RFA, 17/01/2019)
Bộ Tài nguyên và môi trường hôm mới đây đã có công văn xác định người dân ở Vườn rau Lộc Hưng không đủ điều kiện công nhận là người sử đụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất với bưu điện.
Cận cảnh lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế khu vực vườn rau Lộc Hưng. RFA
Truyền thông trong nước loan tin này hôm 17/01/2019 và cho biết đây là công văn trả lời Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến giải quyết khiếu nại của người dân Lộc Hưng.
Trả lời công văn liên quan đến khu đất vườn rau Lộc Hưng, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, vào thời Pháp, 4,8ha đất mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất tại phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số 6,8 ha đất do Quốc gia Việt Nam và Hội đồng quản trị công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ được chính quyền Pháp sử dụng làm nơi dựng anten cho đài phát tín. Thời gian sau đó, Nha Giám đốc viễn thông (Việt Nam Cộng Hòa) trực tiếp quản lý, sử dụng.
Năm 1975, Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản đài phát tín. Đến năm 1987, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bãi anten này. Từ năm 1988 đến 1991, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần xin giải tỏa vườn rau xung quanh khu đất để xây dựng hàng rào bảo vệ anten. Tuy nhiên theo Bộ Tài nguyên và môi trường, việc xây dựng hàng rào không thực hiện được do chưa thống nhất mức bồi thường hoa màu cho người dân.
Cũng trong theo công văn của Bộ Tài nguyên và môi trường, vào năm 2001, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định giao đất cho Công ty Sài Thành và Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng khu nhà ở cán bộ. Nhưng không thể thực hiện vì người dân khiếu nại vì có quá trình sử dụng đất này từ năm 1955 đến thời điểm đó.
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, việc sử dụng đất của các hộ dân ở Lộc Hưng để trồng rau là tận dụng phần đất trống giữa các cột anten. Do đó các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất với bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì vậy Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, việc đền bù, hỗ trợ di dời khi thu hồi đất thì người dân chỉ được hỗ trợ với mức tối đa không vượt quá mức bồi thường.
Trong hai ngày 4/1 và 8/1, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
Sau đó, vào ngày 13/1, chính quyền quận Tân Bình đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/ m2 đất vườn rau và 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng đối với các hộ trồng hoa màu bị ảnh hưởng bởi vụ cưỡng chế.
Trung Khang
******************
Hơn 100 dân Lộc Hưng đi nộp đơn kêu cứu không được tiếp (BBC, 17/01/2019)
Khoảng hơn 100 người dân vườn rau Lộc Hưng sáng 17/1 tới văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để gửi đơn kêu cứu nhưng không được tiếp.
Hơn 100 người dân vườn rau Lộc Hưng đi nộp đơn kêu cứu sáng 17/1/2019 nhưng không được các cơ quan công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp
"Chính quyền cho một lực lượng hàng chục người tới bao vây chúng tôi, làm như chúng tôi là một nhóm tội phạm, trong khi từ chối nhận đơn của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi phải bỏ lại đơn ở chỗ bảo vệ rồi ra về", ông Cao Hà Chánh nói với BBC hôm 17/1.
Nhóm người dân vườn rau Lộc Hưng hơn 100 người, do ông Cao Hà Chánh làm đại diện, có kế hoạch đi nộp đơn kêu cứu tại ba cơ quan công quyền của Nhà nước, gồm Văn phòng tiếp công dân của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Quốc hội, và Ủy ban Thành ủy.
Theo lời ông Chánh thuật lại, chỉ có Văn phòng tiếp công dân chịu nhận đơn của họ, "nhưng đây cũng là cơ quan mà hơn 20 năm nay người dân vườn rau Lộc Hưng chúng tôi đã tới hàng chục lần để nộp đơn đề nghị chính quyền xác minh và chứng nhận đất đai cho chúng tôi, nhưng chưa bao giờ được giải quyết", ông Chánh nghẹn ngào nói.
"Đây là cơ quan có trách nhiệm chuyển tiếp giấy tờ, công văn lên lãnh đạo thành phố, chứ họ không có quyền quyết định. Cơ quan có quyền lực cao nhất là Ủy ban Thành ủy thì lại không tiếp chúng tôi".
"Một số người ăn vận như cán bộ, nhưng khi chúng tôi tiếp cận thì họ nói họ chỉ là bảo vệ. Sau đó họ lấy điện thoại chụp lại đơn rồi đi vào trong. Sau đó họ cho người đóng cổng, bấm khóa".
"Tôi không hiểu pháp luật Việt Nam nữa. Chúng tôi làm đúng pháp luật, chúng tôi đi gửi đơn khiếu nại, tại sao lại không nhận đơn, và lại cho người tới bao vây, không chế chúng tôi" ?
"Trước đây, Văn phòng tiếp công dân của thành phố từng ra văn bản đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp người dân vườn rau Lộc Hưng. Nhưng chưa có cuộc tiếp xúc nào của lãnh đạo thành phố với bà con chúng tôi được thực hiện cho tới nay".
Ông Chánh nói đơn kêu cứu này có chữ ký của 172 hộ dân mất nhà ở vườn rau Lộc Hưng. Ông cũng nói họ đã bị đẩy vào đường cùng, không còn nguồn sống, nên "dù phải chết chúng tôi cũng làm đến cùng", ông nói.
Cũng theo ông Chánh, việc chính quyền đưa thông tin về việc sẽ xử lý 20 người chống đối khiến người dân ở đây tổn thương thêm một lần nữa. Ông cũng nói báo chí đề cập đến "kẻ cầm đầu", ông không rõ là ai, nhưng nhiều năm nay ông vẫn là một trong những người đại diện, hướng dẫn bà con ở khu vườn rau Lộc Hưng trong việc đi xin chứng nhận đất đai.
"Đến nay chính quyền vẫn im lặng. Trong khi người dân chúng tôi mất đất, mất nhà, bị đàn áp, bị coi như tội phạm, tổn thương hết lần này đến lần khác. Mong muốn của chúng tôi hiện giờ chỉ là họ ra mặt đối chất với chúng tôi", ông Chánh nói với BBC.
BBC từng nhiều lần liên lạc qua điện thoại với các cơ quan công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thông tin vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhưng không được.
Nhóm luật sư nói gì ?
"Ý kiến trên của người dân vườn rau Lộc Hưng là có căn cứ pháp lý", nhóm luật sư vừa mới thành lập để hỗ trợ cho những gia đình mất nhà ở Lộc Hưng cho hay trong thông cáo báo chí phát đi hôm 16/1.
Nhiều người dân mất nhà sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng
Đây là nhóm luật sư 17 người, trong đó có nhiều luật sư thường bào chữa cho người bất đồng chính kiến như Luật sư Trần Vũ Hải, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, được thành lập để trợ giúp pháp lý của 20 hộ dân ở Vườn Rau Lộc Hưng.
Thông cáo báo chí số Một của nhóm luật sư nêu hai vấn đề chính mà người dân Lộc Hưng muốn khiếu nại.
Thứ nhất là vụ cưỡng chế phá nhà từ ngày 4 - 8/1 theo người dân ở đây là trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần cho hàng trăm người dân.
Thứ hai là việc dân ở đây cho rằng đất vườn rau Lộc Hưng đã được họ (phần lớn là người miền Bắc di cư năm 1954) khai thác, sử dụng hợp pháp liên tục từ năm 1955 đến nay. Sau năm 1975 họ đã nhiều lần đề nghị chính quyền cấp các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai nhưng không được giải quyết dứt điểm. Người dân muốn các luật sư yêu cầu chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và trung ương tổ chức tiếp dân đối thoại công khai với họ về vấn đề này.
Các luật sư mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho họ làm việc với người dân Lộc Hưng "trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp" của họ theo Hiến pháp.
Ngoài ra, nhóm 17 luật sư cũng phản ánh việc một số báo Việt Nam vừa qua đưa thông tin một chiều, không khách quan về vụ việc cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng. Theo họ, việc đưa tin mà không hề hỏi thêm bên liên quan, không tiếp cận với các tài liệu liên quan từ chính người dân khiến "nhiều người mất nhà, mất việc, mất tài sản, thu nhập, sống vất vưởng, càng bị tổn thương thêm về tinh thần".
Nhân việc này, nhóm luật sư đề nghị báo chí, mạng xã hội đưa tin về vụ việc một "cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng sự thật, đặc biệt cần ghi nhận những ý kiến và tình cảnh hoạn nạn của người dân VRLH hiện nay sau vụ cưỡng chế phá nhà".
Nhiều người quyên góp giúp dân Lộc Hưng
Trong khi đó, đã có những phong trào quyền góp để giúp người dân vườn Rau Lộc Hưng. Như phong trào Góp gạch xây nhà cho bé Tôm và nạn nhân Lộc Hưng từ 11/14/1 đã thu hút được sự ủng hộ của hàng trăm cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, theo thông tin từ Facebook nhà báo Sương Quỳnh.
Vợ chồng cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh Nghiên mất nhà mới xây sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng
Bé Tôm là con của cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên - người có căn nhà mới xây sau nhiều năm dành dụm bị đập nát trong vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Họa sĩ Vĩnh Trần vẽ lại cảnh tàn phá ở Vườn Rau Lộc Hưng, bức tranh sơn dầu mang tên "Nỗi đau Lộc Hưng" để bán đấu giá nhằm quyền tiền giúp người dân mất nhà.
Truyền thông trong nước nói gì ?
Sau vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhiều báo chính thống của Việt Nam đưa tin rằng chính quyền đã "hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép" hôm 9/1.
Một số tờ báo cũng đưa tin chính quyền sẽ xử lý 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối, chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng. Hiện cơ quan công an đang củng cố hồ sơ và đã xác minh được "đối tượng cầm đầu".
Ngoài ra, sau khi tháo dỡ các căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, báo Việt Nam cho hay công an phát hiện có "phòng cách âm và thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ cho các hoạt động truyền thông, tài liệu có nội dung tuyên truyền xấu".
Nhưng cũng có tờ, như Pháp luật Việt Nam, có bài "Không nên cưỡng chế vào ngày đoàn viên", trong đó không bàn đến khía cạnh pháp lý mà đề cập đến vẫn đề tình nghĩa, văn hóa của người Việt, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.
Vườn rau Lộc Hưng sau khi bị san phẳng sẽ được dùng để xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, và công viên, theo báo Việt Nam.