Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/02/2019

Điểm báo Pháp - Việt Nam được lợi nhờ Thượng đỉnh Trump-Kim

RFI tiếng Việt

Báo Pháp : Việt Nam được lợi nhờ Thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội

Dù không được chọn làm tựa lớn trang nhất, nhưng Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội mở ra hôm nay, 27/02/2019 là đề tài được toàn bộ các báo Pháp chú ý dưới những khía cạnh khác nhau.

vietnam1

Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 27/02/2019. Luong Thai Linh/Pool via Reuters

Việt Nam trong vai trò nước đón tiếp cuộc họp giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên cũng rất được quan tâm, đặc biệt với bài viết trên báo Le Figaro : "Trong vai trò nhà môi giới tận tình, Việt Nam hy vọng thu hoạch được nhiều lợi ích từ hội nghị thượng đỉnh".

Theo đặc phái viên Sébastien Falletti của Le Figaro, việc Hà Nội trở thành nơi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một "sự trả thù đẹp đẽ" của một thành phố từng là biểu tượng của một cuộc chiến trường kỳ, quyết liệt chống lại đạo quân Mỹ hùng hậu dưới thảm bom của những chiếc pháo đài bay B52.

Năm 2019 này, Hà Nội đã nhiệt tình đóng vai một người mai mối tận tình giữa tổng thống Mỹ và nhà độc tài ngỗ nghịch của Bắc Triều Tiên, chào đón hơn 2.500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới cho lần gặp tay đôi thứ hai giữa hai người, sau lần đầu vào tháng 6 năm 2018 tại Singapore.

Theo Le Figaro : "Con rồng mới của Đông Nam Á - một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ 7% trong năm 2018, mạnh nhất trong hơn một chục năm nay - đang muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh rất được truyền thông chú ý này để thu hoạch những lợi ích về mặt ngoại giao".

Cơ may phô trương trước quốc tế sự ổn định của Việt Nam

Theo Benoit de Tréglodé, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Inserm thuộc Trường Quân Sự Pháp, Thượng đỉnh Trump-Kim quả là một dịp may ngàn năm có một cho Việt Nam, giúp Việt Nam phô trương trước quốc tế hình ảnh của một đất nước ổn định, xứng đáng trở thành một lần nữa một ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2020-2021.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Pháp, Việt Nam có thể đồng thời bắn đi một tín hiệu đến Bắc Kinh, qua việc khẳng định tính trung lập của mình, giảm bớt tác động từ đà gia tăng quyền lực của Trung Quốc.

Trên vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, đặc phái viên Le Figaro cho rằng "Sự trở lại Việt Nam của tổng thống Donald Trump cho phép Việt Nam khẳng định đà xích lại gần hơn với kẻ thù cũ là Mỹ nhằm kháng lại sự lấn lướt của Trung Quốc". Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội cho phép Việt Nam khẳng định điều đó mà không trực tiếp đụng chạm Bắc Kinh.

Hà Nội vẫn thích Seoul hơn Bình Nhưỡng

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng nhân dịp Thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội tìm hiểu thêm "Vì sao những người cộng Sản Việt Nam lại thích Seoul hơn Bình Nhưỡng", tựa của một bài báo đi kèm theo bài viết chính về cuộc họp Mỹ-Triều.

Nhận xét của đặc phái viên báo Les Echos tại Hà Nội rất rõ ràng : "Cho dù giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng có một sự gần gũi nào đó về mặt ý thức hệ, cũng như một tình đoàn kết tương trợ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước đây, nhưng Việt Nam lại bị các khoản đầu tư khổng lồ của Samsung và các đại tập đoàn Hàn Quốc khác chinh phục".

Đối với Les Echos, quan hệ giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên đã có phần bớt chặt chẽ từ những năm 1970, với việc Việt Nam xích lại gần Liên Xô hơn, và rời xa Trung Quốc vốn quan hệ mật thiết với Bắc Triều Tiên. Vào năm 1979 chẳng hạn, quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng đã lạnh giá hẳn đi sau khi Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ ở Cam Bốt được Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ủng hộ.

Từ lúc đó đến nay, quan hệ Hà Nội-Bình Nhưỡng đã cải thiện trở lại, nhưng độ nồng ấm không còn được như xưa, nhất là khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc vào năm 1992, sáu năm sau khi Hà Nội mở cửa kinh tế. Với thời gian, Seoul đã dần dần nổi lên như một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho tăng trưởng của Việt Nam.

Thượng đỉnh Hà Nội không thể chung chung như Singapore

Như nói ở trên, Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un mở ra hôm nay 27/02/2019 là đề tài được tất cả các báo chú ý, và cũng xuất hiện trên trang nhất của Le Monde, Libération Les Echos, dù không nhất thiết là tựa chính.

Trong một hàng tựa nhỏ trang nhất : "Tại Hà Nội, Trump và Kim bắt đầu lao vào phần gai góc", Libération cho biết đã dành 4 trang báo cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Việt Nam.

Trong bài viết chính mang tựa đề "Thượng đỉnh Trump-Kim : Vũ khí thương thảo hàng loạt", chơi chữ trên thành ngữ Vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhật báo Pháp ghi nhận là tám tháng sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore, hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên gặp nhau trong hai ngày kể từ hôm nay tại Hà Nội. Đối với tờ báo, trong lần gặp thứ hai này, hai ông Trump và Kim sẽ phải lao vào giải quyết vấn đề tiến trình phi hạt nhân hóa một cách cụ thể, chứ không còn chung chung như lần đầu. Đây sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh giới chuyên gia đang đặt nghi vấn về thực tâm giải trừ hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng.

Bên cạnh bài viết chính đó, Libération còn kèm theo hai bài phân tích khác liên quan đến Mỹ và Bắc Triều Tiên. Bài thứ nhất đề cập đến quan hệ lạ thường gọi là "anh em thắm thiết" - bromance - giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều.

Bài thứ hai cũng phân tích điều có thể gọi là nghịch lý trong chính sách hạt nhân của chính quyền Donald Trump : Tương nhượng đối với Bình Nhưỡng những khe khắt đối với Teheran. .

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành cho Hội Nghị Hà Nội một tựa nhỏ trên trang nhất mang tính chất thông tin khô khan : Trump và Kim Jong-un gặp lại nhau ở Hà Nội. Tuy nhiên, ở bài viết trang trong, tờ báo Pháp cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ cố đưa ra được những cam kết cụ thể hơn so với những nguyên tắc chung chung đạt được ở Singapore. Hệ quả của cố gắng có được một cái gì đó cụ thể sẽ là một thỏa thuận tối thiểu.

Nhật báo Pháp Le Monde khẳng định là "Tại Hà Nội, Donald Trump đặt cược trong việc tin tưởng vào Kim Jong-un", cho rằng tổng thống Mỹ hy vọng là cuộc gặp song phương ở Việt Nam sẽ thúc đẩy lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra những thông báo cụ thể.

Dù không đưa lên trang nhất, Le Figaro đã dành cho sự kiện Thượng đỉnh Trump Kim một vị trí quan trọng ở trang Quốc tế. Tờ báo khá châm biếm khi chạy tựa : Kim và Trump gặp nhau trở lại nhân hồi II của "cuộc chuyện trò về hạt nhân". Đối với Le Figaro, ở Việt Nam, hai lãnh đạo Mỹ-Triều chỉ "hy vọng cụ thể hóa được thỏa thuận giữa hai bên tại Singapore về việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Nhật báo La Croix có lẽ là tờ báo có nhận định tương đối lạc quan nhất về hội nghị mở ra tại Hà Nội. Dưới tựa đề ; "Các niềm hy vọng mới của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim", tờ báo Pháp cho rằng hai ngày họp ở Hà Nội kể từ hôm nay có thể giúp cụ thể hóa "cuộc tái ngộ", bằng cách có những quyết định rõ ràng trên một số vấn đề.

Tựa chính trang nhất các báo Pháp

Tựa chính trang nhất các báo Pháp ra hôm nay, 27/02/2019 rất đa dạng từ tình hình nền công nghiệp Pháp đang gặp khó khăn, cho đến các hồ sơ quốc tế như Venezuela và Syria.

Libération chú ý đến tình hình xã hội Pháp, nêu bật trong tựa lớn trang nhất : "Nhà nước bất lực" trước sự kiện hàng loạt tập doàn lớn như Ascoval, Ford, Alcatel… đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân. Theo tờ báo, tình trạng này chứng tỏ là chính quyền hiện tại không có khả năng lèo lái giúp nền công nghiệp Pháp phát triển trong tương lai.

Không hẹn mà gặp, Les Echos cũng chú ý đến các khó khăn đang đe dọa tương lai nền công nghiệp Pháp với hàng tựa lớn "Ascoval, diesel, tương lai công nghiệp : Các câu trả lời của Bruno Lemaire". Tờ báo công bố bài phỏng vấn của bộ trưởng kinh tế Pháp, trong đó ông Lemaire cho biết trong vòng một tháng sẽ tìm ra một người mua lại Ascoval, tập đoàn luyện thép ở miền Bắc Pháp đang gặp khó khăn. Bộ trưởng Pháp cũng đồng thời bảo vệ quan điểm của ông trên các hồ sơ nóng khác như ngành sản xuất accu điện cho xe hơi, hay vấn đề giảm thuế…

La Croix nêu bật tình hình Venezuela : "Tại Cucuta, nỗi hoang mang tuyệt vọng của dân Venezuela. Tờ báo giải thích : Quân đội của tổng thống Maduro ngăn không cho tổng thống lâm thời Juan Guaido trở về nước, trong lúc nhiều người dân Venezuela đã vượt biên qua Colombia trong những ngày cuối tuần.

Le Figaro nhìn sang Syria, ghi nhận "Những giờ phút cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Đặc phái viên tờ báo Pháp đã sang tận Baghouz, một địa phương của Syria ở vùng tận cùng biên giới với Iraq, nơi Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ yểm trợ sắp sửa chiếm được cứ địa cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của Daesh.

Riêng Le Monde dành tựa lớn nói về sự kiện "Một sĩ quan Pháp cao cấp phê phán chiến thuật của liên minh quốc tế tại Syria".

Sĩ quan này là đại tá François-Regis Legrier, một trong những người chịu trách nhiệm điều hành các chiến dịch quân sự của Pháp tại Syria và Iraq. Theo ông thì vì không muốn đưa quân lính phương Tây tham chiến trên bộ, liên minh đa quốc gia đã dùng đến phương thức oanh kích gây tàn phá và thiệt hại nhân mạng quá lớn.

Bài viết của ông đăng trên tạp chí quốc phòng "Défense nationale" đã bị thu hồi trong bối cảnh cấp trên của ông là tướng Cholley bảo vệ chiến thuật của liên quân.

Tranh cãi giữa giới sĩ quan quân đội Pháp bùng lên vào lúc Paris đang xem xét lại chính sách ngoại giao khu vực của mình, và chủ trương dựa vào chính quyền Baghdad để chống lực lượng thánh chiến.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 455 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)