Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/02/2019

Bình luận về hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim II tại Hà Nội

RFI tiếng Việt

Khai mạc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội (RFI, 27/02/2019)

Sau khi hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, tối nay, 27/02/2019, tổng thống Donald Trump đã gặp riêng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Metropole, Hà Nội, trước khi lãnh đạo hai nước ăn tối với nhau cùng với các cố vấn thân cận. Trao đổi ngắn với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước báo chí, tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng là thượng đỉnh sẽ thành công hơn thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 06/2019 tại Singapore. Về phần ông Kim Jong-un cũng tuyên bố "chắc chắn" lần này hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được những kết quả tích cực.

dientien1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trước khi họp thượng đỉnh tại Hà Nội ngày 27/02/2019. Reuters/Leah Millis

Từ Hà Nội, đặc phái viên Thanh Hà tường trình :

"Vào lúc 18 giờ 28 phút tại khách sạn Metropole, Hà Nội, tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gặp lại nhau, khai mạc thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhì. Trái với một số dự báo, nguyên thủ hai nước trong những giây phút đầu đã không vồn vã hay ân cần. Ông Kim Jong-un thậm chí tỏ ra hơi căng thẳng. Mãi tới gần một phút sau khi xuất hiện trước ống kính của các phóng viên quốc tế, lãnh đạo Bắc Triều Tiên mới nở nụ cười. Donald Trump có vẻ cởi mở hơn.

Sau khi bắt tay nhau, tổng thống Mỹ và chủ tịch Bắc Triều Tiên, qua trung gian hai thông dịch viên, trao đổi một cách xã giao. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết ông "hân hạnh" gặp lại Kim Jong-un lần này và nhất là cuộc gặp gỡ thứ nhì lại diễn ra ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ cảm ơn Việt Nam tổ chức trọng thể sự kiện này. Khi đề cập tới Việt Nam, Ông Trump đã tranh thủ để trực tiếp nói với lãnh đạo Bắc Triều Tiên rằng ông in tưởng vào tiềm năng phát triển kinh tế "rất to lớn" của Bắc Triều Tiên.

Về phía Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un tuyên bố kỳ vọng thượng đỉnh lần này sẽ đem lại những "kết quả tích cực". Trong lúc trao đổi, hai ông Kim và Trump có vẻ bớt căng thẳng hơn và đôi bên dành cho nhau những lời khen tặng. Tổng thống Mỹ đánh giá chủ tịch Bắc Triều Tiên là một nhà lãnh đạo "lớn". Ông Kim Jong-un thì đề cao chính sách của Donald Trump trên hồ sơ Bắc Triều Tiên là một "quyết định can đảm".

Vài giờ trước khi gặp lại "bạn" Kim Jong-un của ông, trên mạng Twitter, tổng thống Trump đã một lần nữa hứa hẹn một sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, quốc gia cộng sản đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành nước bạn của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ viết : "Ít có quốc gia nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam. Bắc Triều Tiên sẽ làm được như thế nếu nước này quyết định phi hạt nhân hóa".

Thanh Hà, Thanh Phương

**********************

Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim ? (RFI, 27/02/2019)

Là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc dĩ nhiên là nước phải theo dõi nhất cử nhất động của hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên nhân hội nghị thượng đỉnh mở ra hôm nay, 27/02/2019 tại Hà Nội. Trong bài phân tích ngày 23/02 vừa qua mang tựa đề "Hàn Quốc được gì và mất gì từ thượng đỉnh Trump–Kim", trang mạng đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera đã cho rằng : "Dù đã góp phần cải thiện quan hệ Seoul–Bình Nhưỡng, cuộc gặp Trump-Kim ở Việt Nam có thể khiến Hàn Quốc lo lắng".

dientien2

Biểu tình ủng hộ cuộc họp thượng đỉnh Trump- Kim, chấm dứt chiến tranh gần đại sứ quán Mỹ tại Seoul, ngày 26/02/2019. Reuters/Kim Hong-Ji

Bài viết trên trang Al Jazeera mở đầu với mối quan tâm của So Seung Lee, một người Seoul 78 tuổi, trước cuộc gặp "đầy ý nghĩa" giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore năm ngoái. Ông Lee đã chăm chú theo dõi những đoạn trích trên truyền hình, trong đó có cái bắt tay ngoạn mục giữa hai lãnh đạo.

Nhưng từ đó đến nay, ông đã cảm thấy thất vọng : "Từ Singapore đến nay không thấy chuyển biến gì trên vấn đề phi hạt nhân hóa hay hiệp định hòa bình. Tôi cho rằng đó chỉ là một cuộc gặp mang tính biểu tượng mà thôi và vô dụng. Lần này hy vọng là họ sẽ đạt được một cái gì đó mang lại thay đổi thật sự".

Hy vọng một kết quả cụ thể

Đối với tác giả bài viết, không chỉ có ông Lee là mong muốn mọi việc tiến triển với cuộc gặp Trump-Kim lần thứ hai. Sau khi phá được băng giá trong quan hệ với Bình Nhưỡng vào năm 2018, Seoul cũng hy vọng là đàm phán Mỹ-Triều lần này đạt được một cái gì đấy quan trọng.

Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, Kim Eui Kyeom cho rằng : "Hai lãnh đạo Mỹ-Triều đã có những bước đi đầu tiên để kết thúc lịch sử 70 năm thù nghịch. Lần này chúng tôi hy vọng họ có những hành động cụ thể hơn ở Việt Nam… Chúng tôi chờ đợi là Việt Nam sẽ là bối cảnh để Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ viết nên trang sử mới".

Cách đây 3 năm quan hệ hai miền Triều Tiên xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Bắc Triều Tiên đã năm lần thử nghiệm hạt nhân, đe dọa bắn hỏa tiễn sang đảo Guam của Mỹ và cho nổ một quả bom mà họ gọi là khinh khí.

Thế nhưng vào năm ngoái diễn ra những bước tiến ngoạn mục : vào tháng Tư năm 2018, Kim Jong-un đã băng qua biên giới để gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm. Trước đó vận động viên Bắc Triều Tiên đã tham gia Thế Vận Hội mùa đông, tổ chức ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Trong phái đoàn Bắc Triều Tiên, có nhiều quan chức cao cấp, đặc biệt là có cô em của lãnh đạo Kim Jong-un.

Hàn Quốc cũng hy vọng thời kỳ hòa bình được kéo dài, và nhất là hy vọng chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo, bởi vì cuộc chiến Triều Tiên chỉ kết thúc với một lệnh ngưng bắn.

Trong cuộc gặp với viên chức cao cấp Hàn Quốc vào thượng tuần tháng 2 này, tổng thống Moon Jae-in đánh giá : "Đối với chúng ta thời kỳ hòa bình và thịnh vượng của bán đảo đang đến gần hơn. Tôi hy vọng là thượng đỉnh sắp tới sẽ là một thượng đỉnh lịch sử, sẽ biến bán đảo Triều Tiên từ một vùng còn vết tích chiến tranh lạnh, còn mang dấu ấn của thù hằn, tranh chấp, thành một vùng hòa bình trù phú".

Với quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng được cải thiện, viễn cảnh về một Hàn Quốc thống nhất một lần nữa đã khiến Kyung Hee Lee, một thanh niên 27 tuổi phấn khởi trước cuộc đàm phán mới giữa hai ông Trump và Kim.

Thanh niên này khẳng định : "Tôi rất thích việc họ gặp lại nhau. Họ đang làm những điều chưa từng được thực hiện trước đây… Mặc dù còn quá sớm để nghĩ đến việc thống nhất đất nước, nhưng tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh có thể là bước đầu tiên để biến điều đó thành hiện thực. Nếu là như vậy, thì các con tôi có thể sống trên một đất nước Triều Tiên thống nhất".

Lá bài kinh tế

Ông Moon được dân chúng ủng hộ đáng kể sau cuộc gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Với cuộc bầu lại Quốc Hội vào năm tới, tỏng thống Hàn Quốc rất mong muốn một kết quả tốt ở cuộc gặp ở Hà Nội, có thể dẫn đến những cuộc đàm phán tiếp theo trong tương lại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Tại Singapore vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo là ưu tiên hàng đầu. Nhưng vào tuần qua, ông Trump cho biết rằng ông không vội thực hiện mục tiêu này. Thay vào đó, ông tìm cách ngăn Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Ông Moon thì đã nói với ông Trump là Seoul muốn hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên, xem đó là một động thái "nhượng bộ" nếu nó có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.

Ông Moon cho là ông sẵn sàng thực hiện bất kỳ đề án mới nào về đường sắt hay đường lộ nối liền hai miền, cũng như những đề án hợp tác kinh tế liên Triều khác.

Nhiều người ở Hàn Quốc cũng hy vọng phục hồi lại quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là mở lại khu công nghiệp Kaesong mà hoạt động bị ngưng từ 3 năm nay.

Kim Hak Gwon, một chủ nhà máy ở Kaesong giải thích : " Mở lại khu công nghiệp, tạo môi trường cho các công ty tại chỗ sản xuất sản phẩm thô hay sản phẩm phụ có thể có lợi… và đồng thời giúp tạo công việc làm ở Hàn Quốc. Đã có 54.000 người Bắc Triều Tiên lao động ở Kaesong, nhưng có đến 300.000 nhân công ở phía Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất".

Mở lại Kaesong sẽ giúp Hàn Quốc nhiều hơn là bất kỳ hợp tác kinh tế nào khác với Bắc Triều Tiên, theo đánh giá của ông Park Jee Hyeong, giáo sư kinh tế Đại Học Quốc Gia Seoul.

Theo giáo sư Park : "Nếu không có ‘đầu tư trực tiếp’vào Bắc Triều Tiên, tác động kinh tế trên nền kinh tế Hàn Quốc từ việc khởi động lại thương mại dự kiến sẽ rất ít và giới hạn, nhưng sẽ giúp Bắc Triều Tiên rất nhiều về kinh tế và sẽ có tác động tích cực lớn. Nếu đề án hợp tác như Khu Phức Hợp Công Nghiệp Gaesung được tiến hành, điều đó có thể mang lại lợi ích cho miền Nam nhiều hơn".

Kỳ vọng vào Thượng đỉnh nhưng cũng lo ngại cho Liên minh Mỹ- Hàn

Theo Al Jazeera, dân Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào Thượng đỉnh Hà Nội. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng Hai này, hơn 62% người được hỏi tỏ ý lạc quan về một kết quả tích cực.

Giáo sư chính trị Yul Shin tại Đại Học Myongji ở Seoul nhận xét : "Quan hệ liên Triều là điều duy nhất có lợi cho chính phủ Moon Jae-in… Tuy nhiên, sự phấn khởi sẽ nhanh chóng tan biến nếu người ta chỉ thấy hết thượng đỉnh này đến thượng đỉnh khác mà không thấy bất kỳ thay đổi thực sự nào về phi hạt nhân hóa".

Bên cạnh đó, cũng có những chỉ trích về việc chính phủ bỏ bê các vấn đề trong nước, trong khi lại tập trung quá nhiều vào Bắc Triều Tiên.

Với 1,22 triệu người Hàn Quốc thất nghiệp vào tháng Giêng - con số cao nhất trong 19 năm qua - Min Jung Ahn, một thanh niên 23 tuổi cho rằng cho rằng đó là điều mà chính quyền nên tập trung thời gian và nỗ lực để giải quyết thay vì chỉ chú ý đến Kim Jong-un.

Thanh niên này cho biết "không mong đợi gì nhiều" từ Thượng đỉnh Hà Nội và xác định : "Tôi không nói là vấn đề Bắc Triều Tiên không quan trọng nhưng cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn nhiều".

Giới phân tích cũng lo ngại rằng, sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, liên minh quân sự Washington-Seoul có thể bị đe dọa, trong đó có vấn đề số lượng gần 28.500 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.

Vào đầu tháng Hai này, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận mới với Hoa Kỳ về việc Seoul phải chi phí bao nhiêu cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc trong bối cảnh tổng thống Mỹ Doanald Trump đòi Hàn Quốc phải trả thêm.

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng việc triển khai lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc quá tốn kém. Sau cuộc hội đàm Trump-Kim ở Singapore, một số cuộc tập trận Mỹ-Hàn đã bất ngờ bị đình chỉ, điều được coi là hành động nhượng bộ của ông Trump đối với ông Kim.

Kim Taewoo, nguyên lãnh đạo Viện Thống Nhất Quốc Gia Hàn Quốc, một định chế do chính phủ tài trợ, nhận định bi quan : "Liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ hiện đang bị bệnh nặng".

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết là không có kế hoạch giảm quân nào, nhưng một số người đã cho biết là họ sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump đặt vấn đề giảm quân tại Hàn Quốc lên bàn đàm phán với ông Kim.

Ngoài ra, thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong dân chúng Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, về quyết tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Mai Vân

******************

Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân : Tổng thống Mỹ "hài lòng", chuyên gia lo ngại (RFI, 27/02/2019)

Trước khi lên đường đến Hà Nội, dự thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, hôm thứ Hai 25/02/2019, tổng thống Mỹ tuyên bố ông không vội vã trong các thương thuyết giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên, và Hoa Kỳ "hài lòng" chừng nào mà Bình Nhưỡng không tiến hành các vụ thử hạt nhân mới. Phát biểu của tổng thống Trump khiến nhiều chuyên gia và nhà hoạt động trong lĩnh vực phi hạt nhân hóa lo ngại.

dientien3

Biểu tình chống lãnh đạo Bắc Triều Tiên và ủng hộ Mỹ, gần đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul, ngày 26/02/2019. Reuters/Kim Hong-Ji

Trả lời RFI, ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân), ghi nhận là, kể từ thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore tháng 6/2018 đến nay, chưa có "bất cứ một tiến bộ thực sự nào" trong các đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, và các chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh lần thứ hai này dường như không có nhiều tiến triển. Thành viên Ican nhấn mạnh :

"Với kiểu ứng xử này của ông Donald Trump, người ta có thể đặt câu hỏi là chính quyền Mỹ có thực sự dấn thân cho việc giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không. Việc ngừng các vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo chỉ có thể coi là bước đi đầu tiên hướng đến việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy, chúng ta không thể chấp nhận một hiệp ước hòa bình, cho phép Bắc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân. Một nền hòa bình với vũ khí hạt nhân là điều không thể chấp nhận được".

Về phần mình, nhà địa chính trị học Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) không chờ đợi việc Washington và Bình Nhưỡng đạt được các cam kết cụ thể về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, nhà địa chính trị học Viện IRIS đánh giá là việc Bắc Triều Tiên ngừng thử hạt nhân, cùng với một số cam kết khác từ phía Bình Nhưỡng, có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến tranh với Bắc Triều Tiên :

"Việc Bắc Triều Tiên đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân là một trong những điều rất được chính quyền Washington hoan nghênh. Điều này có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ giảm nhẹ một số trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, đưa Bắc Triều Tiên trở lại nhóm các quốc gia có thể giao hảo. Trong thượng đỉnh lần này, một trong số những điều mà Bình Nhưỡng có thể đưa ra để thương lượng, và cũng chính là một trong những đòi hỏi chủ yếu của Washington, đó là cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tương đối ít mơ hồ hơn và cởi mở hơn, đối với toàn bộ hoặc ít nhất là một phần các cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời hứa hẹn để ngỏ cửa cho việc trở lại của thanh tra quốc tế đối với các cơ sở này. Bắc Triều Tiên cũng có thể cam kết sẽ đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Với các cam kết này từ phía Bình Nhưỡng, Washington có thể chấp nhận như một thứ đánh đổi cho một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên".

Theo nhiều nhà quan sát, nếu đàm phán về phi hạt nhân hóa thất bại, tổng thống Mỹ có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chính trị, mở ra khả năng có được một thỏa thuận hòa bình với Bắc Triều Tiên, hơn là có một tuyên bố chấm dứt chiến tranh chính thức, bởi nếu tuyên bố chấm dứt chiến tranh được đưa ra mà không có cam kết phi hạt nhân hóa cụ thể, thì Washington sẽ mất đi một phương tiện gây áp lực.

Trọng Thành

********************

Trump lại hứa hẹn một tương lai "tươi sáng" cho Bắc Triều Tiên (RFI, 27/02/2019)

Theo hãng tin AFP, sau khi hội kiến các lãnh đạo Việt Nam, tối nay, 27/02/2019, tổng thống Donald Trump gặp riêng chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, trước khi lãnh đạo hai nước ăn tối với nhau tại khách sạn Metropole cùng với các cố vấn thân cận. Theo các quan chức Nhà Trắng, dự bữa ăn tối này có thể có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và ông Kim Yong Chol, cựu lãnh cơ quan tình báo Bắc Triều Tiên. Ngày mai, tổng thống Mỹ và chủ tịch Bắc Triều Tiên sẽ gặp lại nhau, có thể là cũng tại khách sạn Metropole.

dientien4

Ảnh chụp trên đường phố Hà Nội, trước cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, ngày 27/02/2019. Reuters/Jorge Silva

Vài giờ trước khi gặp lại "bạn" Kim Jong-un của ông, trên mạng Twitter, tổng thống Trump đã một lần nữa hứa hẹn một sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, quốc gia cộng sản đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành nước bạn của Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ viết : "Ít có quốc gia nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam. Bắc Triều Tiên sẽ làm được như thế nếu nước này quyết định phi hạt nhân hóa".

Về phần Kim Jong-un, hôm qua sau khi đến khách sạn Melia ở Hà Nội, ông đã thăm sứ quán Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong-un sau đó đã trở về khách sạn họp với các quan chức Bắc Triều Tiên đã tham gia những cuộc đàm phán chuẩn bị cho thượng đỉnh với tổng thống Trump.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 484 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)