Hai nữ tù chính trị Việt Nam được CPJ nêu danh nhân dịp 8/3 (RFA, 08/03/2019)
Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết tổ chức này ghi nhận hiện có 32 nữ nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới, trong đó có 26 người đưa tin tức liên quan đến lãnh vực chính trị tại quốc gia của họ.
Nhà hoạt động nhân quyền HUỳnh Thục Vy bị tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam vào ngày 30/11/18. RFA
Trong báo cáo phổ biến nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, 08/03/19, CPJ xếp Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong danh sách giam giữ đến 14 nữ nhà báo trong tổng số 68 nhà báo bị buộc tội chống chính quyền.
Trung Quốc xếp thứ nhì với 6 trong 7 nữ nhà báo bị tuyên án tù với tội danh "chống nhà nước".
Việt Nam đứng thứ 4 với hai nhà báo được nêu tên, bao gồm Trần Thị Nga và Huỳnh Thục Vy bị tuyên án tù do những công việc đăng tải thông tin về vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ vào hạ tuần tháng 1 năm 2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam. Hiện tại, bà Nga đang bị giam giữ ở trại tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Vào tối ngày 8 tháng 3, thân nhân của bà Trần Thị Nga, ông Lương Dân Lý cho biết về tình hình của bà Nga :
"Nga bị áp lực là bị giam riêng. Tuy không bị cùm chân tay, không bị nhốt trong tối nhưng bị ở phòng riêng, không được tiếp xúc chuyện trò với ai cả. Tôi nghĩ thì cũng giống như một hình thức biệt giam. Nga bảo rất bị áp lực về chuyện này vì giống như mình bị đày ra ngoài hoang đảo. Sức khỏe thì Nga mới bị thoái hóa đốt sống lưng nên cũng bị đau nhức. Vì bị giam riêng nên lúc trước họ không cho chữa bệnh gì đâu. Nhưng vừa rồi, Nga gọi điện về bảo là đột xuất cách đây khoảng độ 1 tuần thì họ cho đi khám bệnh. Thấy hơi lạ !"
Blogger Huỳnh Thục Vy, thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ" theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, cô Huỳnh Thục Vy chia sẻ với RFA :
Mình không phân biệt đàn ông hay phụ nữ trong cuộc đấu tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam thì ai có chút sức lực nào thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy điều này là bình thường. Ai đã lên tiếng chống lại chính quyền thì chính quyền ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình thường luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ tù thì chính quyền đó không phải là độc tài. Và nếu đó không phải là chính quyền độc tài thì mình cũng không phải đấu tranh cho nhân quyền gì cả".
Vào ngày 7 tháng 3 Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng ra thông cáo báo chí nêu trường hợp những nữ tù chính trị đang bị giam giữ trên khắp thế giới. Trường hợp của bà Trần Thị Nga của Việt Nam được nêu ra.
Ngoài ra trường hợp nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được nêu trong thông cáo báo chí về nhóm bị ngược đãi.
**************
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi hành động khẩn cho tù chính trị Huỳnh Trương Ca (RFA, 08/03/2019)
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 8 tháng 3 kêu gọi cộng đồng viết thư cho Ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về trường hợp tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Hà Nội và Bộ Công An trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân chính trị Huỳnh Trương Ca.
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an - Courtesy of Vietnamnet
Theo Ân Xá Quốc Tế, tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đang bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của người này.
Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.
Bản thân Ông Huỳnh Trương Ca có một số bệnh ; tuy nhiên không được chữa trị theo yêu cầu của ông. Gia đình cho biết ông này bị bệnh phổi, vấn đề bao tử, cao huyết áp và tiểu đường. Gia đình nhiều lần gửi thuốc vào tù cho ông nhưng bị từ chối.
Ân Xá Quốc Tế còng cho biết thêm là Bộ Công An sẽ chuyển Ông Huỳnh Trương Ca đến một nhà tù xa địa phương nơi gia đình ông sinh sống.
Nội dung thư mà Ân Xá Quốc Tế đế nghị cộng đồng viết gửi đến Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về trường hợp tù chính trị Huỳnh Trương Ca.
Theo đó thì ông Ca bị bắt tù chỉ vì thực thi một cách ôn hòa quyền tự do lập hội và hội họp.
Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, là thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp. Mục tiêu của nhóm này là giúp bảo đảm quyền người dân được qui định trong Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam.
Ông Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Cùng ngày, có 8 thành viên khác của nhóm cũng bị bắt giữ.
Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm 2018 và bị kết án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Trước khi bị bắt, an ninh địa phương từng nhiều lần sách nhiễu và đe dọa yêu cầu Ông Huỳnh Trương Ca phải ngưng dùng Facebook để nói về vấn đề nhân quyền và chỉ trích chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Ông Huỳnh Trương Ca từ chối yêu cầu của an ninh tỉnh Đồng Tháp, nơi ông cư ngụ.
*****************
Việt Nam : Một chuyên gia về Biển Đông bị khai trừ đảng (RFI, 09/03/2019)
Ngày 08/03/2019, trang mạng Đà Nẵng Online, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, loan tin là Ông Trần Đức Anh Sơn, một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông ở Việt Nam, đã bị khai trừ khỏi đảng ngày 05/03/2019.
Chuyên gia Trần Đức Anh Sơn trong một chương trình hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa tại Đà Nẵng. Capture d'ecran Youtube.
Hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng do bị cáo buộc đã viết, đăng tin bài "sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước" trên mạng xã hội Facebook. Đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, "sai phạm" của ông Trần Đức Anh Sơn là "rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan nơi ông làm việc".
Thông báo nói trên không nêu rõ là ông Trần Đức Anh Sơn đã có những sai phạm gì, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, cho tới nay nhà sử học này vẫn thường chỉ trích chính quyền Hà Nội quá mềm yếu trước Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã thu thập nhiều tài liệu mà ông cho rằng có thể chứng minh yêu sách chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phản ứng về việc khai trừ ông khỏi đảng, cũng trong ngày 08/03, trên trang Facebook cá nhân, ông Trần Đức Anh Sơn đã trích một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh : "Đây là giây phút hạnh phúc".
Việc khai trừ một chuyên gia hàng đầu về Biển Đông xảy ra vào lúc Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức Việt Nam, xin được giấu tên vì không được phép trả lời báo chí, hôm qua khẳng định chính một tàu của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 06/03/2019, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi tàu bị đâm chìm năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi của tàu này cho đến khi được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 07/03 đã bác bỏ cáo buộc của phía Việt Nam, và khẳng định là chính một tàu của Trung Quốc đã cứu năm người trên một tàu đánh cá Việt Nam gặp nạn ở Biển Đông "sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu" từ tàu cá này vào sáng ngày 06/03.
Thanh Phương
*******************
Đảng khai trừ học giả đăng bài 'đi ngược quan điểm' lên Facebook (VOA, 08/03/2019)
Chính quyền Việt Nam cho hay hôm 8/3 rằng một học giả mới bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản cầm quyền vì đăng lên Facebook những ý kiến bị xem là chỉ trích đảng.
Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, bị cáo buộc đã viết các bài trên Facebook "không đúng sự thật" và "đi ngược lại quan điểm của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước", chính quyền nói trong một tuyên bố.
Ông Sơn đã phê phán điều mà ông cho là "cách tiếp cận mềm yếu của Việt Nam về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc". Việt Nam và Trung Quốc lâu nay có những tranh chấp ở vùng biển nhiều tiềm năng về năng lượng.
Dù đang chỉ đạo các cải cách sâu rộng và một nền kinh tế ngày càng có định hướng thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không khoan dung những lời chỉ trích.
Chính quyền nói rằng vi phạm của ông Trần Đức Anh Sơn "rất nghiêm trọng, gây ra dư luận tiêu cực... và làm tổn hại đến uy tín của đảng".
Ông Sơn bị khai trừ sau khi cách đây hơn bốn tháng đảng đã công khai chỉ trích ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng khoa học công nghệ, đồng thời là giám đốc một nhà xuất bản, vì ông đã xuất bản các cuốn sách được dịch mà chính quyền cho là phê phán chủ nghĩa xã hội và chế độ độc đảng.
Theo Reuters
******************
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng (RFA, 08/03/2019)
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn trong một lần giới thiệu sách trước đây. Courtesy FB Trần Đức Anh Sơn
Theo AFP, Ông Trần Đức Anh Sơn được nhiều người biết đến về những công trình nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này trong tranh chấp với Trung Quốc.
Theo truyền thông trong nước, Ông Trần Đức Anh Sơn bị kỷ luật khai trừ đảng, do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Tin cho biết chính quyền cáo buộc những vi phạm của ông Trần Đức Anh Sơn là rất nghiêm trọng, tạo ra dư luận tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông cũng bị buộc tội "phỉ báng uy tín của... tổ chức đảng và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nơi ông làm việc từ năm 2009 đến nay".
Tuy nhiên tin không nêu rõ về nội dung những cáo buộc sai trái của Ông Trần Đức Anh Sơn, mặc dù trước đó, ông đã chỉ trích chính phủ Việt Nam đã không đứng lên công khai chống Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp kéo dài về chủ quyền trên biển.
Ông đã thu thập các tài liệu chứng minh chủ quyền của Hà Nội trong tuyến đường thủy có từ thế kỷ 19, cụ thể là trên các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Các bài đăng trên Facebook của con trai ông đã ủng hộ những tuyên bố đó và chống lại cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc, khi đó đã gây ra một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu.
Ông Sơn đã không có bình luận nào, tuy nhiên trích lời nhà sư Thích Nhất Hạnh : "Đây là một khoảnh khắc hạnh phúc".