Quốc hội thông qua một Luật đảm bảo cho người dân mở miệng, nhưng… nó lạ lắm
Khoảng 25 năm nay tôi không đi họp tổ dân phố.
Bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng không nốt.
Vì tôi chẳng còn tin vào những kết quả bầu cử được loan báo trên báo chí. Nó chưa bao giờ thể hiện đúng nguyện vọng và sự lựa chọn của người dân.
AFP
Thường thì dân quan tâm đến họp tổ dân phố hơn. Đó là cấp hành chính nhỏ và sát sườn nhất với tất cả người dân Việt Nam. Trước kia tổ dân phố thường họp mỗi tháng một lần, các thông tin người dân cần biết thường được thông báo tại đó. Nhưng sau này, cuộc sống quần quật lôi người ta đi mất, ở đô thị hầu như chẳng còn tổ chức họp dân phố nữa. Thay vào đó, chính quyền dùng loa phường, hoặc tổ trưởng dân phố phải đến tận nhà thông báo những việc cấp bách nhất, ví dụ đóng tiền công ích hàng năm.
Các hoạt động khác như khai điều tra dân cư, báo hàng xóm nuôi chó cho đi ị bừa ngoài lối đi chung, tố cáo hàng xóm gánh mẹ từ sáng đến tối chưa đặt xuống hay đắp mộ cuộc tình suốt một ngày chưa xong gây nhức đầu khôn tả… cũng báo qua tổ trưởng dân phố.
Hình như ở đô thị chỉ có thế.
Tổ dân phố có ích nhất là ở miền Trung, những tỉnh nhiều thiên tai. Tổ trưởng sẽ nhận và phân chia vật phẩm từ thiện. Hay vào năm ngoái, trong cao điểm dịch Covid-19, khi mỗi gia đình chỉ được đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm ba lần/tuần tại các chợ hay siêu thị được chỉ định. Khi đi phải mang theo phiếu do chính quyền cấp, ghi rõ ngày giờ địa điểm, có con dấu phường. Tổ trưởng dân phố đến từng nhà phát phiếu đi chợ, phiếu đăng ký test, phiếu đăng ký tiêm vắc xin, thông báo lịch test, việc nhận quà tiếp tế của các tổ chức thiện nguyện, v.v.
Thậm chí thời điểm đó báo chí Việt Nam còn hàng loạt bài viết ca ngợi các tổ trưởng dân phố tận tụy, giàu hy sinh, điển hình của tình làng nghĩa xóm, tỏa sáng rực rỡ trong những thời điểm đen tối nhất như trận đại dịch, làm rơi nước mắt nhiều người.
Dịch qua, các tổ trưởng dân phố vẫn tận tụy như xưa, nhưng họ không còn là tiêu điểm truyền thông nữa.
Hình như chẳng ai buồn quan tâm đến giá trị nền tảng và có giá trị nhất trong hoạt động của tổ dân phố, từng được pháp luật trịnh trọng quy định trong một văn bản của Bộ Chính trị.
Đó là Chỉ thị số 30-CT/TW, ra đời vào tháng 2/1998, quy định về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mở ngoặc ủa sao Bộ Chính trị mà lại ban hành văn bản chỉ đạo hoạt động thuộc về Nhà nước ? Ừ thì là vậy đó, đất nước có một đảng lãnh đạo toàn diện về mọi mặt thì Nhà nước chỉ là từ vai trở xuống thôi ; từ cổ trở lên chính là Bộ Chính trị. Chịu không chịu phải chịu !
Tóm lại, bộ não hết sức sáng suốt của một quốc gia, vào cách đây 24 năm đã quyết định một chủ trương ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động trong cả nước, trong mọi lĩnh vực, mọi ngành, phủ kín mọi cấp độ tổ dân phố trở lên đến cấp trung ương. Giá trị đó phổ quát, quan trọng và là hòn đá tảng của xã hội văn minh, cao hơn rất nhiều việc đi phát phiếu đi chợ và lên danh sách phát quà thiện nguyện. Nó chính là nội dung của một luật vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua vào 10/11/2022 vừa qua. Luật này theo lý thuyết là để đảm bảo quyền được mở miệng của người dân.
Tuy nhiên, tôi cho rằng người dân thực sự cũng chẳng ai quan tâm đến nó, giống như cách chúng tôi không hề quan tâm đến việc họp tổ dân phố và bầu cử đại biểu quốc hội.
Đẹp như trong mộng
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định nội dung, phương thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở (cấp hành chính nhỏ nhất) cũng như quyền và nghĩa vụ của tất cả công dân - không trừ một ai- trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thực hiện việc này.
Mục đích của nó cũng tuyệt đẹp : phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để tất cả mọi người được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tuyệt đẹp ! Như một giấc mộng !
Với giấc mơ này, những người làm luật mong muốn người dân tại xã phường phải được biết "các số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã, dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính ; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách định kỳ, quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn".
Thế chưa đủ. Họ còn muốn người dân phải được biết :
- Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã ; các khoản huy động nhân dân đóng góp ;
- Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý ; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã.
Quy định ở doanh nghiệp, các đơn vị, các tổ chức Nhà nước… cũng tương tự.
Và tôi đã choáng váng không biết tôi là ai, đây là đâu rồi. Việt Nam chúng ta thật sự tiến lên thiên đường rồi sao ?
Thực tế
Cách đây tám năm, từ điển Việt Nam được thêm một cụm từ mới : "cong mềm mại". Ban đầu, nó chỉ việc ông Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội mô tả con đường Trường Chinh thay vì thẳng tắp đã được nắn thành cong. Nhưng không phải cong hẳn mà là "một đường cong mềm mại". Cứ như là cái sự cong mềm mại theo ý ông mới chính là mục đích của con đường.
Cứ tưởng sau sự kiện được cả xã hội chế giễu và báo chí chất vấn kịch liệt đó, ít ra các vị quan chức cũng rút được vài sợi dây kinh nghiệm. Nào có dè, mới đầu tháng 3 năm nay lại một vụ cong mềm mại nữa được thực hiện.
Sau hai lần UBND thành phố điều chỉnh đường giao thông, mảnh đất gần 4.000 m2 của vợ Bí thư Thành ủy Kon Tum cũng được điều chỉnh thành bốn mặt tiền, được Thanh tra Chính phủ đánh giá có "vị trí, lợi thế đặc biệt". Cho thuê làm trung tâm thương mại hay khách sạn thì thôi, chả phải lao động đến thối móng tay vẫn yên tâm gánh vác thật tốt trọng trách đầy tớ của nhân dân.
Lần này không chỉ mềm mại mà là cong bật ngửa, cong hết hồn, cong gục ngã.
Nhưng ai gục ngã thì gục ngã, với các quan thì đó chỉ là vài nét vẽ, cứ thế mà mần. Ai ý kiến mặc kệ, ai bảo làm dân ?
Báo cáo tổng kết 10 năm chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 vào tháng bảy vừa qua cho biết 10 năm qua, 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.400 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Chỉ tính riêng vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã có đến ngót 1.000 vụ.
Nhìn theo góc độ cụ Tổng Trọng, đây là con số tích cực, phản ánh sự đấu tranh quyết liệt cao độ vân vân của Đảng và Nhà nước với tham nhũng. Nhưng, nhìn với hướng gần 100 triệu đôi mắt của người dân Việt Nam bình thường thì đó chỉ là tấm vải hoa phủ lên sự thất bại bẽ bàng. Bắt bớ và bỏ tù hàng ngàn quan chức tham nhũng tận cấp cao nhất tuy có làm giảm số sâu bọ thật đấy, nhưng đồng thời cũng càng làm lộ ra sự thật là cơ chế vận hành bộ máy đã mục ruỗng, thối nát từ tận xương tủy.
Bức tranh tham nhũng cũng chứng minh rằng hơn hai thập kỷ thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ là chiếc bánh vẽ. Có viên chức nào dám tố cáo lãnh đạo cơ quan tham nhũng nếu không muốn bị trù dập ? Người lao động nào dám tố cáo chủ doanh nghiệp nếu muốn giữ công ăn việc làm ? Thử tưởng tượng một bà nông dân ra trụ sở ủy ban xã yêu cầu đem báo cáo hoạt động thu chi ngân sách cho mình xem xét "theo quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở" xem ! Nguyên dàn cán bộ xã không xúm lại chụp hình bà úp phây viết caption "Cả thế giới ra mà xem hôm nay ở phường có người hành tinh khác đến thăm" thì tôi đi đầu xuống đất.
Trong quân đội, nơi tưởng như kỷ luật gắt gao nhất mà hai vị thiếu tướng Tư lệnh Cảnh sát biển hai vùng trọng điểm đều ăn hối lộ trực tiếp, thậm chí chẳng thèm che giấu hành tung qua một đường dây nhiều cấp kín kẽ nào, thì ai tố cáo nổi họ ? Ngay cả Phó tổng thanh tra Nhà nước, chức vụ tưởng như chỉ được dành cho những vị á thần giữa loài người, cũng bị kỷ luật vì dây dính hối lộ. Thì ai mở miệng đòi các quyền trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đúng là đang nằm mơ giữa ban ngày.
Đấy là nói chuyện công khai, theo pháp luật. Thực tế thì người dân ở nông thôn nếu muốn biết từng con số thu chi trong sổ sách của các ông bà quan xã, quan huyện… họ đều có cách biết tường tận. Con cháu của người dân làm việc trong tất cả các cơ quan, đơn vị từ lớn đến nhỏ, chẳng có gì che nổi mắt họ. Tuy nhiên, điều đó thuộc về phạm trù "xã hội du kích, chiến tranh nhân dân". Hệ quả của những bất bình chất chứa lâu ngày, cộng với sự tuyệt vọng vào hiệu quả xử lý của hệ thống pháp luật là những bùng vỡ tan nát, thúc đẩy người dân đến những phản kháng cực đoan như đã từng xảy ra.
Từ Thái Bình đến Tiên Lãng
Năm 1997, vụ Thái Bình nổ ra. Theo báo chí, sự kiện Thái Bình 1997 là một cuộc biểu tình của 43.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của nhóm cựu chiến binh – công chức – đảng viên hưu trí tỉnh Thái Bình, diễn ra vào khoảng tháng 4 đến tháng 8 năm 1997. Người dân tố cáo công chức địa phương tham nhũng, vi phạm dân chủ và công bằng xã hội. Tỉnh ủy Thái Bình khi đó cáo buộc "địch phá hoại, cán bộ hưu trí bất mãn chống đối", đồng thời đề nghị công an và quân đội trấn áp biểu tình tại Thái Bình. Đề nghị của chính quyền địa phương bị bác bỏ khi những sai phạm nghiêm trọng bị phát hiện, hơn 2.000 công chức bị xử lý và hơn 70% tổ chức Đảng bị thay thế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (1935-2014) khi đó được phân công nhiệm vụ Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Bộ Chính trị, trực tiếp giải quyết vụ Thái Bình. Từng nhiều năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, sau này là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Tạn chứng tỏ rằng ông rất hiểu người nông dân.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn của Báo Nông nghiệp vào năm 2012, thời điểm vụ ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gài mìn tự chế trong vườn, dùng súng hoa cải tự chế chống lại hơn 100 người tham gia cưỡng chế tháo dỡ nhà đất trái pháp luật :
"Những năm tôi làm Phó Thủ tướng đi xử lý khiếu kiện rất nhiều nơi, kéo dài, từ Bắc chí Nam. Ở nơi nào có vụ phức tạp tỉnh nghe huyện một chiều, huyện nghe xã một chiều, không nghe phía trái lại, đặc biệt không nghe ý kiến của dư luận đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Có những vụ kéo dài hàng chục năm, có vụ đến giờ vẫn không xong, tôi về hưu lâu rồi mà vẫn đến nhờ giúp đỡ, giải quyết vì chính quyền cơ sở làm không đầy đủ, không nghiêm".
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí về cách giải quyết khiếu kiện của người dân thời điểm 1997, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhận định : "Nhiều người (lãnh đạo) không biết xung quanh chiếc ghế của họ, lửa đã cháy lên rồi".
Theo Tổng bí thư thời điểm là ông Đỗ Mười, nguyên nhân của vụ Thái Bình bắt nguồn từ bộ máy quan liêu xa dân, người dân bất bình khiếu kiện không được giải quyết, vi phạm tinh thần dân chủ lắng nghe ý kiến thẳng thắn.
Chỉ thị 30 về Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời sau sự kiện Thái Bình chỉ sau một năm. Có thể thấy sức ép từ thực tế mất dân chủ cực kỳ nghiêm trọng ở địa phương này đã đã là chất xúc tác cực mạnh. Việc tiếp công dân được quy định thành tiêu chí bắt buộc cho các lãnh đạo địa phương. Lịch tiếp dân được niêm yết công khai tại Trụ sở tiếp dân của các địa phương ; báo chí và các tổ chức dân cử giám sát hoạt động này. Tại TP HCM, nhiều vụ việc khiếu nại về đất đai lâu dài và phức tạp đến hàng chục năm đã dần dần được giải quyết với sự đồng thuận của người dân, ngay tại các buổi tiếp dân định kỳ của lãnh đạo thành phố.
Nông dân Hưng Yên tập trung về văn phòng Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/2/2012 phản đối việc chính quyền địa phương lấy đất. AFP
Lịch tiếp dân công khai trong cơ quan nhưng bên ngoài bảo vệ gác cổng thì ai đến được
Thế nhưng, khi các đời lãnh đạo thay đổi thì yêu cầu thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng mờ nhạt, cuối cùng gần như chỉ còn là hình thức. Tháng 9/2022, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu con số khảo sát qua tám năm : Tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp dân đạt 38%, Chủ tịch tỉnh đạt 56%, Chủ tịch huyện đạt 94%, Chủ tịch xã đạt 49% so với quy định. Nhưng lịch tiếp công dân công khai mà không có người dân đến là do "lịch công khai trong cơ quan nhưng bên ngoài bảo vệ gác cổng thì ai đến được, biết tiếp lúc nào"-ông Định nói.
Việc tiếp dân để lắng nghe và đối thoại về các thắc mắc hay bất bình của họ, hay công khai các thông tin người dân có quyền được biết và giám sát… có tác dụng như chiếc van xả trên nồi áp suất. Nếu dồn nén, bị phớt lờ quá lâu, một chiếc dằm nhỏ có thể mưng mủ và gây hoại thư trên toàn cơ thể.
Tại sao các thời lãnh đạo trước kia hiểu rõ và tìm cách tháo gỡ ngòi nổ từ phía người dân càng sớm càng tốt, nhưng thời gian càng qua lâu thì một chủ trương đúng đắn càng ngày càng trở thành hình thức, không thể thực hiện hoặc không ai muốn thực hiện ?
Rõ ràng, chỉ khi trong xã hội có các tổ chức đối trọng nhằm giám sát và kiểm soát lẫn nhau, thì sự độc đoán chuyên quyền mới có khả năng bị triệt tiêu. Dân chủ chỉ có thể thực hiện khi mọi người dân được chính quyền bảo đảm an toàn và tự do khi muốn bày tỏ chính kiến và quan điểm trong khuôn khổ pháp luật.
Vì thế, sự ra đời của một luật quan trọng như Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đã không được người dân đón nhận như lẽ ra nó phải thế. Thay vào đó, ngoài các đại biểu Quốc hội phải đọc để bấm nút ra thì xã hội hầu như chẳng có gợn sóng nào.
Nguyễn Phương
Nguồn : RFA, 1/11/2022
Tham khảo :
https://vnexpress.net/doanh-nghiep-lo-ngai-du-thao-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-4530332.html
https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/-toan-van-bo-truong-pham-thi-thanh-tra-giai-trinh-ve-du-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-47638.html
https://nongnghiep.vn/nguyen-pho-thu-tuong-nguyen-cong-tan-ve-voi-dan-dung-mang-sung-d90198.html
https://baotintuc.vn/goc-nhin/tiep-dan-can-thuc-chat-20211102190707878.htm
https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/6510/tong-ket-10-nam-thuc-hien-chi-thi-so-30-ct-tw-ve-xay-dung-va-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so.aspx
Berlin : Biểu tình cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam trước trụ sở của Facebook
Tường An, RFA, 21/09/2021
Vào ngày 21 tháng 9, tại thủ đô Bá Linh (Berlin) - Đức, trước trung tâm thương mại Sony, nơi đặt văn phòng của Facebook (FB) đã diễn ra một cuộc biểu tình để phản đối việc FB xóa những bài hoặc đóng tài khoản của một số người Việt trong và ngoài Việt Nam sử dụng mạng xã hội này để chuyển tải thông tin, đặc biệt những đề tài liên quan đến Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam.
Nhà báo Lê Trung Khoa tại cuộc biểu tình trước trụ sở Facebook ở Berlin, Đức hôm 21/9/2021 - Photo : RFA
Nhà báo tự do Lê Trung Khoa, Giám đốc trang thoibao.de, sống tại Bá Linh, Đức quốc, người tổ chức cuộc biểu tình, cho biết từ đâu ông có ý tưởng này :
"Trang thoibao.de hàng ngày sản xuất rất nhiều tin tức về tình hình Việt Nam, tình hình trên thế giới. Chúng tôi truyền tải những thông tin đó trên YouTube, trên Facebook và các nền tảng xã hội khác nhau. Đặc biệt trên FB, sức lan tỏa của nó rất là lớn, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam dùng những biện pháp kỹ thuật, những sức ép để bắt FB phải khóa những bài báo của chúng tôi tại Việt Nam. Điều này đem lại những thiệt hại cho người xem, người ta không biết, không truy cập được những thông tin sự thật và đối với chúng tôi thì thông tin cũng bị kém lan tỏa hơn.
Chính vì vậy chúng tôi cùng với Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kết hợp để tổ chức một cuộc biểu tình tại Berlin, ngay trước trụ sở của FB để đưa tiếng nói của những người viết và đặc biệt là đưa đến cho công luận Đức và quốc tế biết về việc nhà cầm quyền Việt Nam đang thúc ép, ép buộc FB phải làm những việc không hợp pháp đối với phía Đức để có thể khóa những bài viết của chúng tôi ở phía Việt Nam".
Để cuộc biểu tình gây được tiếng vang quốc tế, nhà báo Lê Trung Khoa đã mời Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cùng hợp tác. Ông Christian Mihr, Giám đốc điều hành Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới tại Đức, cho biết lý do ông nhận lời tham gia biểu tình :
"Hôm nay chúng tôi đứng ở đây, ngay trước trụ sở của Facebook tại Berlin, vì Facebook đã hứa rằng họ ủng hộ tự do báo chí trên toàn thế giới, nhưng đối với Việt Nam thì điều này đã không được bảo đảm.
Chính phủ cộng sản độc tài tại Việt Nam đã lạm dụng Facebook để khóa những bài viết mang tính chỉ trích, hành động đó là không thể chấp nhận.
Hoạt động báo chí độc lập trên Facebook hoặc YouTube cần phải được đảm bảo, hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để nhắc nhở Facebook điều họ cần phải làm, họ không được che giấu điều đó.
Họ cũng không phải chỉ coi trọng mỗi luật pháp của Nhà nước Việt Nam và cũng không vin vào cái cớ chỉ là một công ty tư nhân. Facebook là một công ty hoạt động trên toàn cầu nên họ cần tôn trọng nhân quyền. Tự do báo chí, tự do biểu đạt cũng là những quyền căn bản của con người trên toàn thế giới nên Facebook cần đảm bảo cho điều đó.
Chính vì vậy, chúng tôi có mặt ở đây để phản đối Facebook những điều họ đã vi phạm và nhắc nhở họ cần phải lưu ý điều này".
Christian Mihr, Giám đốc điều hành Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới tại Đức và nhà báo Lê Trung Khoa tại cuộc biểu tình hôm 21/9/2021 ở Berlin, Đức
Chỉ số Tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp Việt Nam vào thứ 175 trên 180 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2021, tổ chức Freedom House cũng xếp tự do báo chí Việt Nam ở thang điểm 0/4. Freedom House cũng tố cáo việc Luật an ninh mạng tại Việt Nam năm 2019 bao gồm một số điều khoản hạn chế quyền truy cập vào thông tin chưa được kiểm duyệt của Nhà nước Việt Nam. Cũng theo Freedom House, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các công ty như Facebook và Google lưu trữ thông tin về người sử dụng, đồng thời cho phép Việt Nam chặn quyền truy cập vào những nội dung có thể được coi là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia. Dưới áp lực của Hà Nội, Facebook đã đồng ý tăng cường xóa những nội dung bị cho là bất hợp pháp tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đe dọa sẽ chặn mạng xã hội này nếu họ không hạn chế thêm nội dung được cho là nguy hiểm với chế độ.
Trang thoibao.de của nhà báo Lê Trung Khoa hỗ trợ việc báo cáo cho những người viết bị FB xóa hay đóng tài khoản. Ông cho biết, ông đã có danh sách hàng trăm người sử dụng FB mà đa số là những FB có hàng chục ngàn người theo dõi, nhà báo Lê Trung Khoa nói :
"Vô vàn… Số lượng Facebooker mà bị khóa thì có hàng ngàn. Rất là nhiều người Việt Nam ở nước ngoài và ngay cả trong Việt Nam cũng bị rất nhiều là luôn luôn bị khoá, đóng và bị báo cáo dưới những hình thức ồ ạt. Thật ra, phía sau lưng đó có thể là đội ngũ dư luận viên của Đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách đánh lừa "trí thông minh nhân tạo" của FB để khóa và xóa những bài viết của người sử dụng FB. Chính vì vậy mà chúng tôi phải đấu tranh cho việc này".
Cuộc biểu tình kéo dài từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa, thu hút được nhiều cơ quan truyền thông lớn như DPA, Reuters.v.v… Tham gia cuộc biểu tình cũng có luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện đang định cư tại Đức. Ông cũng cho biết, ông cũng là nạn nhân của việc chặn bài viết cũng như những YouTube của ông :
"Tôi biết chắc chắn 100% là những nhà hoạt động xã hội dân sự hay những người sử dụng mạng xã hội FB để bày tỏ những quan điểm khác biệt thôi chứ chưa nói là đối lập, thì cũng đã bị đóng FB rồi. Tôi theo dõi tất cả những người hoạt động ở Việt Nam thì 100%… không phải là 99% nữa mà là 100%.
Bản thân tôi thì trong vòng 8 tháng của năm 2021 tôi bị đóng bốn lần/tháng. Như vậy là mất bốn tháng rồi.
Những video của tôi chủ yếu và về Nhân quyền Việt Nam cũng như nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về Tự do, Dân chủ. Nhưng mà hầu như tháng nào tôi cũng bị chặn từ 15 đến 20, 30 video hoặc là các bài viết. Anh Lê Trung Khoa, anh Bùi Thanh Hiếu cũng vậy, thường xuyên bị ngăn chặn bài viết hay đóng FB. Chúng tôi là người hoạt động ở nước Đức, chúng tôi tuân thủ luật pháp của nước Đức cũng như là luật pháp quốc tế, chúng tôi không dính dáng gì đến luật pháp Việt Nam cả. Cho nên chúng tôi tổ chức biểu tình trước trụ sở FB với mục đích thứ nhất là lên án những sự vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam, thứ hai là kêu gọi Chính phủ Đức cũng như các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với chúng tôi trong việc tố cáo tội ác của họ. Còn điểm thứ ba là chúng tôi khích lệ, kêu gọi công ty FB, Google không nên chịu áp lực của chính quyền cộng sản Việt Nam mà họ cần phải giải thích cho phía Việt Nam biết rằng tất cả những gì họ làm là tuân thủ luật pháp quốc tế".
Những bằng chứng cụ thể về việc FB dưới sức ép của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của những người trong vả cả ngoài Việt Nam là những tin nhắn của FB đến người sử dụng được nhà báo Lê Trung Khoa in ra, phóng lớn và dán chung quanh địa điểm biểu tình để mọi người có thể nhìn thấy :
"Hàng trăm bằng chứng khác nhau được chúng tôi phóng to lên, gắn vào trên những cái cột rất là lớn ngay tại trung tâm Sony Center, trước cửa Facebook để họ nhìn thấy dễ dàng, bằng những tiếng Đức, bằng những dòng chữ tiếng Anh và cả tiếng Việt do FB gửi cho chúng tôi, gửi cho luật sư Nguyễn văn Đài, gửi cho blogger Người Buôn Gió và nhiều người khác nữa, yêu cầu FB phải đóng những status này của chúng tôi tại Việt Nam, thì đấy là những bằng chứng rất là rõ ràng".
Cuộc biểu tình được bắt đầu với phần phát biểu của đại diện Phóng viên Không Biên Giới tại Đức, ông Christian Mihr. Ngoài ra, còn có sự tham gia của những người từng bị FB xóa bài tại Việt Nam cũng như một số chính trị gia tại Đức. Đặc biệt một vở kịch được diễn lại với ba nhân vật chính là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an với trang phục công an, một nhân vật đại diện cho Facebook và một nhân vật nữa đại diện cho giới sử dụng Fabebook. Màn kịch diễn lại cuộc trao đổi thú vị giữa bên đàn áp tự do ngôn luận và người bị đàn áp, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết thêm :
"Chúng tôi tổ chức cuộc biểu tình dưới hình thức rất mới là chúng tôi đóng một vỡ kịch là bộ công an và cộng sản Việt Nam đã áp đặt FB và YouTube như thế nào để khóa và xóa những bài của chúng tôi. Và thế giới, qua đây cũng biết được bộ mặt thật của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam như thế nào khi họ đàn áp tự do báo chí, tự do biểu đạt tại Việt Nam. Đặc biệt cũng sẽ có những chính trị gia của Đức, những tổ chức quốc tế khác cũng đến tham dự và họ chứng kiến và họ sẽ có những lời phát biểu về vấn đề này".
Vở kịch tại buổi biểu tình hôm 21/9/2021 ở Berlin.
Sau nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên FB, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, vấn đề hầu như không được giải quyết rốt ráo, vì thế ông nghĩ rằng phải tổ chức một cuộc biểu tình :
"Tại trụ sở FB ở Berlin, tôi có nhiều lần đến làm việc, nhưng cách giải quyết vấn đề của họ rất chậm chạp và đặc biệt là có thể họ né tránh về phía Việt Nam cho nên họ không tích cực hợp tác với các bloggers, các người viết trong và ngoài nước để giải tỏa chuyện bài viết của họ luôn luôn bị chính quyền Việt Nam yêu cầu xóa hoặc làm cho ít truy cập".
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng nói rằng, những báo cáo của ông không hề được phản hồi của FB :
"Có những giai đoạn FB có những cơ chế để phản hồi lại họ. Thế nhưng mà những phản hồi đó hầu như không kết quả, Google thì cũng vậy thôi, họ cũng có cơ chế phản hồi. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ một hồi đáp từ hai công ty này. Rất là bất công cho những người sử dụng dịch vụ của họ".
Sau khi không có sự hợp tác từ văn phòng FB tại Bá Linh, nhà báo Lê Trung Khoa đã phải lên tiếng với các tổ chức quốc tế để đánh động về vấn đề của ông cũng như nhiều FB khác, việc này đã đem đến những kết quả nhất định :
"Nhiều năm qua, chúng tôi cũng liên tục có những trao đổi với tổ chức Phóng viên Không Biên giới, với FB và những tổ chức khác để họ tác động lên các công ty lớn như Google để họ có sự nhìn nhận đúng hơn và có thái độ rõ ràng hơn trước sức ép của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khi mà họ bắt buộc phải xóa status của chúng tôi tại Việt Nam.
Thì việc đó cũng có tác dụng rất nhiều, trong thời gian vừa qua, cụ thể là sau khi làm việc xong thì chúng tôi thấy khoảng 1-2 năm vừa qua tài khoản của tôi và những người mà tôi đã làm việc với FB không bị khóa nữa. Tức là FB biết chúng tôi đã lên tiếng mà sự lên tiếng đó không chỉ chỉ có chúng tôi biết mà quốc tế biết, Quốc hội Đức cũng biết, Nghị viện Châu Âu cũng biết và họ cũng đã trực tiếp gửi thư và họ trao đổi với FB để yêu cầu FB tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân sống tại Đức và Châu Âu, đó là những người viết và rất nhiều cộng tác viên của chúng tôi".
Sau nhiều nổ lực vận động, và đặc biệt, qua cuộc biểu tình này, nhà báo Lê Trung Khoa hy vọng :
"Sau cuộc biểu tình này thì tôi nghĩ rằng, chắc chắn FB sẽ phải có những phản ứng, một thái độ cụ thể, rõ ràng và đúng hướng hơn đối với những người viết như chúng tôi. Bởi vì thông qua những bài báo, những bài viết của những bloggers và của những người khác đã làm phong phú hơn cho mạng xã hội của FB, qua đó họ thu được rất là nhiều tiền. Nhưng, họ cũng phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do biết đạt của mọi công dân sống tại Đức cũng như Châu Âu, kể cả tại Việt Nam. Và chắc chắn là FB phải trả lời trước công luận, trước truyền thông, báo chí quốc tế. Và hy vọng rằng FB cũng sẽ có thái độ tích cực và hợp tác hơn đối với những người viết trong và ngoài Việt Nam".
Riêng luật sư Nguyễn Văn Đài thì không hy vọng nhiều ở ngắn hạn. Ông nghĩ rằng cần có sự đấu tranh bền bỉ, lâu dài thì mới đưa đến kết quả :
"Thực sự là tôi hoàn toàn không hy vọng gì cả vì chúng ta đã biết rồi, doanh thu từ quảng cáo của FB và Google tại Việt Nam rất là lớn, khoảng từ 300 đến 500 triệu USD/năm. Cho nên để giữ được thị trường ở Việt Nam thì họ phải chấp hành yêu sách của nhà cầm quyền Việt Nam. Cho nên chúng tôi tổ chức cuộc biểu tình này cũng chỉ là để cho nước Đức cũng như Châu Âu thấy rõ là những người đang sử dụng hai dịch vụ này đều bị vi phạm quyền tự do ngôn luận theo điều 19 của công ước quốc tế. Nhưng mà chúng tôi cũng hy vọng các tổ chức quốc tế cùng với những nhà dân biểu của Đức, của Châu Âu quan tâm và lên tiếng về vấn đề Nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta hy vọng vào một tiến trình dài, ngắn hạn thì tôi không tin là sẽ có sự thay đổi".
Về dài hạn, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết sẽ không dừng lại ở Bá Linh mà sẽ có những cuộc biểu tình được tổ chức thêm ở một số nước khác tại Châu Âu. Trong khi chờ đợi sự lan tỏa của các cuộc biểu tình ở hải ngoại, Luật sư Nguyễn Văn Đài kêu gọi những người trong nước :
"Nếu như tất cả mọi người Việt Nam, mỗi người viết một tin nhắn hay viết thư khích lệ Facebook hay Google là hãy can đảm lên, hãy dũng cảm để không chấp nhận những yêu sách phi lý, bất công cũng như vi phạm luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì tôi tin rằng tiếng nói của chính người dân trong nước sẽ có giá trị rất nhiều. Tôi mong tất cả mọi người cùng lên tiếng".
Tường An
Nguồn : RFA, 21/09/2021
*********************
Việt Nam tiếp tục bị xếp vào nhóm không có tự do Internet
RFA, 21/09/2021
Việt Nam tiếp tục bị xếp vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng Internet trong báo cáo năm 2021 của tổ chức Freedom House vừa được công bố ngày 21/9.
Người chơi games trên internet ở Hà Nội - AFP
Báo cáo mang tên The Global Drive to Control Big Tech, tạm dịch ‘Nỗ lực Toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ’.
Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.
Trong phần về chủ quyền dữ liệu là cớ để giám sát, báo cáo nêu ra dự thảo nghị định do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo và đưa ra hồi tháng hai năm nay nhằm qui định chi tiết một số điều của Luật An Ninh Mạng của Việt Nam. Nghị định có thêm những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam. Những dữ liệu phải lưu trữ bao gồm tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, các thông tin sinh trắc, sức khỏe.
Báo cáo của Freedom House cho rằng những lý cớ mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội được đưa ra trong dự thảo nghị định nhằm cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng.
Việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những qui định của Việt Nam, giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng.
Chính phủ Hà Nội là một trong ít nhất 55 nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng chính sách điều tra, bắt giữ và kết tội những người đưa lên mạng xã hội những bài viết của họ.
Nguồn : RFA, 21/09/2021
Ngày 17/06/2021, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy đây chỉ là một văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó được ban hành trong bối cảnh chính quyền Việt Nam bị tố cáo là đang siết chặt kiểm soát các mạng xã hội, hạn chế hơn nữa quyền tự do ngôn luận trên Internet.
Ở Việt Nam, những người sử dụng các mạng xã hội như Facebook được yêu cầu chỉ đăng những "thông tin chính thống, đáng tin cậy". AP - Richard Drew
Theo chính phủ Việt Nam, mục tiêu của việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là "nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia".
Bộ Quy tắc còn được mô tả là nhằm "hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam". Theo thông báo của Bộ Thông tin và truyền thông, văn bản này được áp dụng cho 3 đối tượng : Cơ quan nhà nước, công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội ; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội ; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Người sử dụng các mạng xã hội được khuyên là nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan, đồng thời được yêu cầu là chỉ chia sẻ những thông tin "có nguồn chính thống, đáng tin cậy", không đăng tải những nội dung "vi phạm pháp luật", các thông tin "xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân"
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 23/06/2021, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam, cho rằng thật sự thì Bộ Quy tắc ứng xử không nhằm những mục tiêu nói trên, mà là nhằm hạn chế tự do ngôn luận của người dân :
"Nếu mà có một Bộ Quy tắc tử tế thì tốt, không sao cả. Mục tiêu mà họ nêu ra là rất tốt, nếu Bộ Quy tắc ứng xử đó làm sao cho những người sử dụng mạng xã hội tiến đến sự đồng thuận về những giá trị, về những cung cách ứng xử. Nhưng xem kỹ nội dung thì đáng tiếc là điều mà người ta khuyến khích (vì đây là Bộ Quy tắc ứng xử, chứ không phải là văn bản pháp luật) lại không đạt được mục tiêu mà họ đặt ra, mà gần như là những quy tắc để hạn chế tự do ngôn luận của người dân.
"Thông tin chính thống" là thế nào, nếu đó là thông tin của cơ quan nhà nước hay của báo chí Nhà nước, thì trong chính những nguồn thông tin đó cũng đầy dẫy thông tin giả hay thông tin bậy bạ. Nhưng Bộ Quy tắc lại yêu cầu đừng chia sẻ những thông tin khác, ví dụ như của RFI, RFA, BBC, hay của một cá nhân nào đó. Theo tôi đó là những cái không thể thực hiện được và mang tính áp đặt. Chưa nói đến ‘ theo các giá trị tốt đẹp", hay của "văn hóa truyền thống dân tộc". Định nghĩa những cái đó như thế nào ? Và những cái đó có những mặt dở thì cấm người ta nói à ?
Mục tiêu đề ra thì OK, nhưng cách làm cụ thể thì không đạt được mục tiêu đó và còn nhiều vấn đề cần tranh cãi".
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quang A, Bộ Quy tắc ứng xử không phải là một văn bản pháp luật, nhưng nó vẫn có thể được "toàn bộ hệ thống chính trị" ở Việt Nam vận dụng để trấn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng :
"Cái đấy là chắc chắn. Tuy rằng họ nói cái này là khuyến nghị thôi, tức là không bắt buộc, nhưng những lực lượng thực thi pháp luật như cảnh sát, hay những lực lượng của cái mà họ gọi là "toàn bộ hệ thống chính trị" của họ, từ Mặt trận, cho đến thanh niên, phụ nữ, những tổ chức mà thật sự là lan đến từng người dân. Tưởng rằng nó không phải là cái gì ghê gớm, nhưng thật sự là những bộ phận cấu thành của một bộ máy đàn áp rất là tinh vi. Toàn bộ bộ máy thực thi pháp luật và bộ máy đàn áp đấy có thể vin vào Bộ Quy tắc ứng xử này để hành hạ những người vi phạm, tuy chưa đến mức bắt vào tù, nhưng cái khoản "nửa mù mờ", "xám" của sự trấn áp mới là cái kinh khủng, đụng đến hàng chục triệu con người. Nó tạo thành cơ sở trên một cái nền chung và đến một lúc nào đó, họ sẽ ra một thông tư, hay nghị định của chính phủ và lúc đó nó sẽ trở thành một cái bắt buộc, thu hẹp, hạn chế các quyền dân sự một cách hết sức nguy hiểm".
Theo nhận định của trang mạng The Diplomat ngày 21/06/2021, thật dễ hiểu vì sao Đảng cộng sản Việt Nam lại quan tâm như thế đến những gì mà các công dân mạng ở Việt Nam viết trên Internet. Việt Nam đứng hàng thứ 7 thế giới về số người sử dụng Facebook (hơn 66 triệu). Mạng xã hội này đã phá bỏ thế độc quyền của Đảng về thông tin, trở thành nơi mà người dân Việt Nam có thể chỉ trích chính phủ, hoặc đòi cải tổ dân chủ.
The Diplomat nhắc lại là trong khoảng một năm rưỡi trở lại đây, chính quyền Hà Nội đã gia tăng áp lực nhắm vào các mạng xã hội để buộc họ gỡ bỏ những nội dung nhạy cảm về chính trị. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã tố cáo Facebook và YouTube có trách nhiệm trong việc "kiểm duyệt và trấn áp với quy mô công nghiệp" ở Việt Nam.
Trong báo cáo này, Ân Xá Quốc Tế còn nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á mà Facebook "chính thức nhìn nhận đã đáp ứng ngày càng nhiều yêu cầu của chính phủ về kiểm duyệt quan điểm chính trị trên mạng xã hội".
Theo ghi nhận của The Diplomat, ngoài việc gia tăng kiểm soát Internet, chính phủ Việt Nam còn đã tỏ là "năng động" hơn trên mạng để phổ biến rộng rãi quan điểm của họ. Vào cuối năm 2017 họ đã thành lập lực lượng 47 gồm 10.000 người để tham gia tuyên truyền, sách nhiễu những nhà bất đồng chính kiến và chống những quan điểm "sai trái" trên mạng.
Theo hãng tin Reuters hôm 10/07, lực lượng 47 nay sử dụng cả các quân nhân để đăng lên mạng xã hội những bài viết có lợi cho Nhà nước, chống những quan điểm "sai trái" trên mạng. Reuters trích một nguồn tin từ Facebook cho biết tập đoàn này hôm thứ Năm tuần trước đã xóa bỏ một nhóm mang tên "E47" chuyên huy động các thành viên cả trong quân đội lẫn ngoài quân đội báo cáo với Facebook những bài viết mà họ không thích để yêu cầu gỡ bỏ những bài đó.
Ngoài lực lượng 47, theo ông Nguyễn Quang A, nay còn có một đội ngũ khác gọi là lực lượng 35 :
"Đấy là một chủ trương rất sâu rộng của Đảng cộng sản Việt Nam từ trên chóp bu. Bộ Chính Trị có một nghị quyết gọi là nghị quyết 35. Có thể nói là lực lượng 35 được tổ chức từ trung ương đến các bộ, các tỉnh, các huyện, các xã. Đội ngũ này chủ yếu là các công tác viên gồm các giáo viên của các trường, nhân viên, công chức của các công sở, các thành viên của Mặt trận, hội thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Đó là lực lượng hàng trăm ngàn người, hoạt động hàng ngày, hàng giờ. Ban chỉ đạo 35 đó chỉ đạo một cách rất chặt chẽ hàng ngày, bởi vì bây giờ việc chỉ đạo tập trung như thế rất dễ. Giống như việc chính phủ hô hào người dân góp tiền cho quỹ vac-xin chẳng hạn. Một ngày có thể đến hàng chục triệu người nhận được hàng chục mẫu tin như thế.
Cũng với công nghệ như thế, ban chỉ đạo 35 này ra lệnh tập trung đánh bài nào trên mạng xã hội, tập trung đả phá, bêu xấu người nào. Tôi nghĩ lực lượng gọi là dư luận viên chỉ là một bộ phận nhỏ, bộ phận tiên phong của một đội ngũ lớn hơn rất nhiều trong các ban chỉ đạo 35 ngày. Từng bộ, từng tỉnh, từng huyện đều có ban chỉ đạo 35 đấy. Ngay cả giáo viên cũng nhận được lệnh là phải đồng lòng đánh một blogger hay một Facebooker nào đấy trong một giai đoạn nhất định.
Rất đáng tiếc, mạng xã hội, Internet là một công cụ rất hữu hiệu cho một chính quyền độc tài để kiểm soát người dân, bịt miệng người dân bằng việc sử dụng hàng chục, hàng trăm ngàn người theo lệnh tập trung của họ".
Cũng theo The Diplomat, những biện pháp kiểm soát các mạng xã hội và Internet nằm trong khuôn khổ một chiến dịch trấn áp rộng lớn, với nhiều nhà báo độc lập và nhà hoạt động nhân quyền lãnh án tù nặng nề.
The Diplomat cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử đi xa hơn nữa, từ những biện pháp răn đe mang tiêu cực (cấm những điều mà cư dân mạng viết), đến việc phổ biến những thông tin "tích cực" hơn. Nói cách khác, có vẻ như Đảng cộng sản Việt Nam đang cố "nhào nặn" mạng thông tin toàn cầu Internet theo mô hình Lê Nin - Khổng Tử của họ.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 12/07/2021
Thêm facebooker bị án tù với cáo buộc tuyên truyền, chống Nhà nước (RFA, 17/09/2019)
Công dân Nguyễn Văn Công Em vào ngày 17 tháng 9 bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Facebooker Nguyễn Văn Công Em Photo by cand.com.vn
Mạng báo Tin Tức dẫn cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Bến Tre nêu ra rằng từ giữa năm 2017, ông Nguyễn Văn Công Em đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau như ‘Vệ Quốc Đoàn’, ‘Tấn Lê’, ‘Tân Nguyên’, ‘Lê Thành Bạc’… để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp (livestream) những video với nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là ‘xuyên tạc, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Hà Nội, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, kích động, kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia biểu tình nhân kỳ thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Công Em sinh năm 1971 và cư ngụ tại xã Mỹ Thạnh, huyện, Giồng Trồm, tỉnh Bến Tre. Ông bị bắt hôm 28 tháng 2 vừa qua.
Đây là trường hợp công dân sử dụng Facebook bị tuyên án tù mới nhất tại Việt Nam.
Vào ngày 5 tháng 9 vừa qua Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tuyên án tù 5 năm đối với ông Lê Văn Sinh (sinh năm 1965) về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 52 và điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Báo Ninh Bình trích cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết từ tháng 5/2018 đến tháng 2/2019, ông Lê Văn Sinh đã sử dụng 2 tài khoản Facebook mang tên Sinh Lê và Sinh Levansinh (Sinhle) để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các nội dung nói xấu, bôi nhọ đảng, nhà nước và lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Cáo trạng cho biết ông Sinh đã viết 16 bài có nội dung nói xấu chế độ, xuyên tạc, chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.
Cáo trạng cũng cáo buộc ông Sinh đã chia sẻ 25 bài có nội dung bịa đặt, nói xấu, áp đặt, quy chụp sai phạm đối với 14 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, huyện Hoa Lư và lãnh đạo các phòng, ban khác của huyện Hoa Lư.
Ông Lê Văn Sinh bị bắt giữ hôm 15/2/2019.
Theo thống kê của RFA, từ đầu năm đến nay các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 40 người với các cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí và khủng bố.
*********************
Kết thúc điều tra hình sự đối với nhà hoạt động (RFA, 17/09/2019)
Công an Nghệ An hôm 17/9 cho biết cơ quan này đã kết thúc quá trình điều tra hình sự đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh sau hơn 3 tháng ông này bị bắt tạm giam.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị công an dẫn đi Courtesy of Báo Nghệ An
Ông Tĩnh, 43 tuổi, giáo viên dạy thanh nhạc trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Nghệ An và cũng là một nhà hoạt động, bị bắt với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Ông Tĩnh bị công an Nghệ An bắt ngày 29/5/2019 khi đang trên đường cùng hai con từ thành phố Vinh về Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Thời điểm ông Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt, bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông, nói với Đài Á Châu Tự Do : "Anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Còn đảng Việt Tân thì em là vợ của anh, em xác định 100% là anh không bao giờ có trong danh sách. Anh thì ai cần việc mà anh cảm thấy việc đó là tốt là anh làm đúng lương tâm. Bây giờ nói đảng Việt Tân thì chứng cứ đâu ra ? Mà đảng Việt Tân có gì xấu em cũng không biết… Anh đâu có làm gì phạm tội đâu".
Việt Nam xếp đảng Việt Tân, một đảng có trụ sở và hoạt động hợp pháp tại Mỹ, vào danh sách khủng bố.
Tháng 8/2018, tòa án Tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt một giáo dân khác thuộc Giáo Phận Vinh là ông Lê Đình Lượng – một nhà hoạt động môi trường, 20 năm tù. Truyền thông trong nước viết rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức Việt Tân. Ông bị kết tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tổ chức Amnesty International mới đây công bố báo cáo, cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm. Trong số này chừng 10% bị kết án tù vì những bình luận đăng trên mạng xã hội như Facebook.
Hôm 17/9, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong ba luật sư nhận bào chữa cho ông Tĩnh, nói với RFA rằng ông chưa thể trả lời vụ này vì chưa cầm bản Kết luận điều tra trong tay.
Hai nữ tù chính trị Việt Nam được CPJ nêu danh nhân dịp 8/3 (RFA, 08/03/2019)
Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết tổ chức này ghi nhận hiện có 32 nữ nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới, trong đó có 26 người đưa tin tức liên quan đến lãnh vực chính trị tại quốc gia của họ.
Nhà hoạt động nhân quyền HUỳnh Thục Vy bị tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam vào ngày 30/11/18. RFA
Trong báo cáo phổ biến nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, 08/03/19, CPJ xếp Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong danh sách giam giữ đến 14 nữ nhà báo trong tổng số 68 nhà báo bị buộc tội chống chính quyền.
Trung Quốc xếp thứ nhì với 6 trong 7 nữ nhà báo bị tuyên án tù với tội danh "chống nhà nước".
Việt Nam đứng thứ 4 với hai nhà báo được nêu tên, bao gồm Trần Thị Nga và Huỳnh Thục Vy bị tuyên án tù do những công việc đăng tải thông tin về vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ vào hạ tuần tháng 1 năm 2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam. Hiện tại, bà Nga đang bị giam giữ ở trại tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Vào tối ngày 8 tháng 3, thân nhân của bà Trần Thị Nga, ông Lương Dân Lý cho biết về tình hình của bà Nga :
"Nga bị áp lực là bị giam riêng. Tuy không bị cùm chân tay, không bị nhốt trong tối nhưng bị ở phòng riêng, không được tiếp xúc chuyện trò với ai cả. Tôi nghĩ thì cũng giống như một hình thức biệt giam. Nga bảo rất bị áp lực về chuyện này vì giống như mình bị đày ra ngoài hoang đảo. Sức khỏe thì Nga mới bị thoái hóa đốt sống lưng nên cũng bị đau nhức. Vì bị giam riêng nên lúc trước họ không cho chữa bệnh gì đâu. Nhưng vừa rồi, Nga gọi điện về bảo là đột xuất cách đây khoảng độ 1 tuần thì họ cho đi khám bệnh. Thấy hơi lạ !"
Blogger Huỳnh Thục Vy, thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc "xúc phạm quốc kỳ" theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, cô Huỳnh Thục Vy chia sẻ với RFA :
Mình không phân biệt đàn ông hay phụ nữ trong cuộc đấu tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam thì ai có chút sức lực nào thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy điều này là bình thường. Ai đã lên tiếng chống lại chính quyền thì chính quyền ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình thường luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ tù thì chính quyền đó không phải là độc tài. Và nếu đó không phải là chính quyền độc tài thì mình cũng không phải đấu tranh cho nhân quyền gì cả".
Vào ngày 7 tháng 3 Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng ra thông cáo báo chí nêu trường hợp những nữ tù chính trị đang bị giam giữ trên khắp thế giới. Trường hợp của bà Trần Thị Nga của Việt Nam được nêu ra.
Ngoài ra trường hợp nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được nêu trong thông cáo báo chí về nhóm bị ngược đãi.
**************
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi hành động khẩn cho tù chính trị Huỳnh Trương Ca (RFA, 08/03/2019)
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 8 tháng 3 kêu gọi cộng đồng viết thư cho Ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về trường hợp tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Hà Nội và Bộ Công An trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân chính trị Huỳnh Trương Ca.
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an - Courtesy of Vietnamnet
Theo Ân Xá Quốc Tế, tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đang bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của người này.
Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.
Bản thân Ông Huỳnh Trương Ca có một số bệnh ; tuy nhiên không được chữa trị theo yêu cầu của ông. Gia đình cho biết ông này bị bệnh phổi, vấn đề bao tử, cao huyết áp và tiểu đường. Gia đình nhiều lần gửi thuốc vào tù cho ông nhưng bị từ chối.
Ân Xá Quốc Tế còng cho biết thêm là Bộ Công An sẽ chuyển Ông Huỳnh Trương Ca đến một nhà tù xa địa phương nơi gia đình ông sinh sống.
Nội dung thư mà Ân Xá Quốc Tế đế nghị cộng đồng viết gửi đến Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về trường hợp tù chính trị Huỳnh Trương Ca.
Theo đó thì ông Ca bị bắt tù chỉ vì thực thi một cách ôn hòa quyền tự do lập hội và hội họp.
Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, là thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp. Mục tiêu của nhóm này là giúp bảo đảm quyền người dân được qui định trong Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam.
Ông Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Cùng ngày, có 8 thành viên khác của nhóm cũng bị bắt giữ.
Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm 2018 và bị kết án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Trước khi bị bắt, an ninh địa phương từng nhiều lần sách nhiễu và đe dọa yêu cầu Ông Huỳnh Trương Ca phải ngưng dùng Facebook để nói về vấn đề nhân quyền và chỉ trích chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Ông Huỳnh Trương Ca từ chối yêu cầu của an ninh tỉnh Đồng Tháp, nơi ông cư ngụ.
*****************
Việt Nam : Một chuyên gia về Biển Đông bị khai trừ đảng (RFI, 09/03/2019)
Ngày 08/03/2019, trang mạng Đà Nẵng Online, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, loan tin là Ông Trần Đức Anh Sơn, một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông ở Việt Nam, đã bị khai trừ khỏi đảng ngày 05/03/2019.
Chuyên gia Trần Đức Anh Sơn trong một chương trình hội thảo về Hoàng Sa và Trường Sa tại Đà Nẵng. Capture d'ecran Youtube.
Hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng do bị cáo buộc đã viết, đăng tin bài "sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước" trên mạng xã hội Facebook. Đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, "sai phạm" của ông Trần Đức Anh Sơn là "rất nghiêm trọng, làm mất uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan nơi ông làm việc".
Thông báo nói trên không nêu rõ là ông Trần Đức Anh Sơn đã có những sai phạm gì, nhưng theo hãng tin Pháp AFP, cho tới nay nhà sử học này vẫn thường chỉ trích chính quyền Hà Nội quá mềm yếu trước Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã thu thập nhiều tài liệu mà ông cho rằng có thể chứng minh yêu sách chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phản ứng về việc khai trừ ông khỏi đảng, cũng trong ngày 08/03, trên trang Facebook cá nhân, ông Trần Đức Anh Sơn đã trích một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh : "Đây là giây phút hạnh phúc".
Việc khai trừ một chuyên gia hàng đầu về Biển Đông xảy ra vào lúc Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Theo hãng tin Mỹ AP, một quan chức Việt Nam, xin được giấu tên vì không được phép trả lời báo chí, hôm qua khẳng định chính một tàu của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 06/03/2019, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi tàu bị đâm chìm năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi của tàu này cho đến khi được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 07/03 đã bác bỏ cáo buộc của phía Việt Nam, và khẳng định là chính một tàu của Trung Quốc đã cứu năm người trên một tàu đánh cá Việt Nam gặp nạn ở Biển Đông "sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu" từ tàu cá này vào sáng ngày 06/03.
Thanh Phương
*******************
Đảng khai trừ học giả đăng bài 'đi ngược quan điểm' lên Facebook (VOA, 08/03/2019)
Chính quyền Việt Nam cho hay hôm 8/3 rằng một học giả mới bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản cầm quyền vì đăng lên Facebook những ý kiến bị xem là chỉ trích đảng.
Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, bị cáo buộc đã viết các bài trên Facebook "không đúng sự thật" và "đi ngược lại quan điểm của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước", chính quyền nói trong một tuyên bố.
Ông Sơn đã phê phán điều mà ông cho là "cách tiếp cận mềm yếu của Việt Nam về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc". Việt Nam và Trung Quốc lâu nay có những tranh chấp ở vùng biển nhiều tiềm năng về năng lượng.
Dù đang chỉ đạo các cải cách sâu rộng và một nền kinh tế ngày càng có định hướng thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam hầu như không khoan dung những lời chỉ trích.
Chính quyền nói rằng vi phạm của ông Trần Đức Anh Sơn "rất nghiêm trọng, gây ra dư luận tiêu cực... và làm tổn hại đến uy tín của đảng".
Ông Sơn bị khai trừ sau khi cách đây hơn bốn tháng đảng đã công khai chỉ trích ông Chu Hảo, một cựu thứ trưởng khoa học công nghệ, đồng thời là giám đốc một nhà xuất bản, vì ông đã xuất bản các cuốn sách được dịch mà chính quyền cho là phê phán chủ nghĩa xã hội và chế độ độc đảng.
Theo Reuters
******************
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng (RFA, 08/03/2019)
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Trần Đức Anh Sơn trong một lần giới thiệu sách trước đây. Courtesy FB Trần Đức Anh Sơn
Theo AFP, Ông Trần Đức Anh Sơn được nhiều người biết đến về những công trình nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này trong tranh chấp với Trung Quốc.
Theo truyền thông trong nước, Ông Trần Đức Anh Sơn bị kỷ luật khai trừ đảng, do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Tin cho biết chính quyền cáo buộc những vi phạm của ông Trần Đức Anh Sơn là rất nghiêm trọng, tạo ra dư luận tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông cũng bị buộc tội "phỉ báng uy tín của... tổ chức đảng và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nơi ông làm việc từ năm 2009 đến nay".
Tuy nhiên tin không nêu rõ về nội dung những cáo buộc sai trái của Ông Trần Đức Anh Sơn, mặc dù trước đó, ông đã chỉ trích chính phủ Việt Nam đã không đứng lên công khai chống Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp kéo dài về chủ quyền trên biển.
Ông đã thu thập các tài liệu chứng minh chủ quyền của Hà Nội trong tuyến đường thủy có từ thế kỷ 19, cụ thể là trên các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Các bài đăng trên Facebook của con trai ông đã ủng hộ những tuyên bố đó và chống lại cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc, khi đó đã gây ra một cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu.
Ông Sơn đã không có bình luận nào, tuy nhiên trích lời nhà sư Thích Nhất Hạnh : "Đây là một khoảnh khắc hạnh phúc".
Ngày 20/9 vừa qua, trong buổi Hội thảo góp ý dự án Luật An ninh mạng do đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Trần Quốc Tú, Phó phòng Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị thêm tội danh "xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ" vào luật của Việt Nam.
Băng rôn in hình ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh chụp tháng 8/2014, tại Hà Nội. AFP
Giải thích về lý do đưa ra đề nghị nghiêm cấm xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ, ông Tú nói rằng gần đây trên các trang mạng, các phần tử phản động chống phá đang ra sức xuyên tạc, bôi nhọ các lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tung hô và ca ngợi các nhân vật tay sai, cộng tác với đế quốc, thực dân trước đây. Theo ông Tú thì mục đích của việc này là để hạ bệ thần tượng, gây hoang mang, hoài nghi và bất mãn trong quần chúng nhằm tiến đến mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy ông kết luận rằng đây là hành vi nguy hiểm, trực tiếp ảnh hưởng đến chế độ và an ninh quốc gia.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Tạ Văn Tài, giảng viên Khoa Luật tại đại học Havard, Mỹ nhận định rằng một số người trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất hoang mang và lo sợ thần tượng của chế độ sẽ sụp đổ. Ông phân tích :
Theo tôi nghĩ, đó là do họ lo sợ việc chỉ trích ông Hồ Chí Minh, được một số Đảng viên Đảng Cộng sản cho là thần tượng của chế độ. Tuy nhiên nhiều người trong nước vẫn thấy ông cụ có nhiều khuyết điểm nên họ muốn xem xét lại thần tượng.
Giáo sư Tạ Văn Tài nhắc đến một vụ việc từng xôn xao dư luận liên quan đến Giáo sư Ngô Bảo Châu. Vào hôm 19/05/2016, cũng là sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, trên Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Châu viết : "Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".
Bình luận này nhận được trên dưới 20.000 người "thích", hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.
Ngay sau đó trên mạng xã hội đã lan truyền những bài viết lên án Giáo sư Ngô Bảo Châu như "Tiếc cho nhân tài Ngô Bảo Châu" ; "Ngô Bảo Châu - một con trâu biết làm toán" hay "Ngô Bảo Châu - một con chó phản chủ…".
Một bài trong số này đăng trên blog có đoạn viết : "Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm..".
Theo quan điểm của Giáo sư Tạ Văn Tài thì những câu nói của Giáo sư Ngô Bảo Châu được cho là có liên quan đến ông Hồ Chí Minh không có gì là nặng nề. Ấy vậy mà đã bị một bộ phận dư luận "ném đá" dữ dội. Huống chi là những người bị cho là bôi nhọ lãnh tụ thì người ta muốn hình sự hóa tội danh này cũng là dễ hiểu.
Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc đoàn luật sư Hà Nội nêu ra những vấn đề trong đề xuất thêm tội bôi nhọ lãnh tụ và luật pháp Việt Nam :
Thứ nhất, theo tôi, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm ai là lãnh tụ cả. Thứ hai, theo Hiến pháp 2013 của Việt Nam thì các công dân đều bình đẳng như nhau, không phân loại là lãnh tụ là công dân loại 1 hay các công dân khác là công dân loại 2. Còn về chuyện bảo vệ uy tín, danh dự cá nhân của công dân thì trong Bộ luật Dân sự người ta đã quy định rồi. Cho nên ý kiến đó tôi thấy là vô lý !
Đầu tháng 7 vừa qua, nhà hoạt động dân chủ nhân quyền Trần Hoàng Phúc, cũng là một thành viên của YSEALI- nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập, đã bị bắt theo điều 88 Bộ luật hình sự. Sau khi anh Phúc bị bắt, trên mạng xuất hiện nhiều bài viết nói rằng anh đã xúc phạm tới ông Hồ Chí minh, kèm theo một bức hình cho là của nhà tranh đấu trẻ, đang đạp chân vào chân dung ông Hồ.
Tuy nhiên mẹ của anh Phúc, và các nhà hoạt động thân quen với anh đều khẳng định rằng người trong hình không phải là Trần Hoàng Phúc.
Trang vntb.org viết : "Việc Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt giam Trần Hoàng Phúc tiếp tục là bài học đắt giá cho những kẻ chống chế độ, chống Nhà nước. Đặc biệt, đối với những kẻ xúc phạm anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân Việt Nam không bao giờ tha thứ !"
Dòng status trên Facebook của Giáo sư Ngô Bảo Châu hôm 19/5/2016.hoangsaparacels.blogspot
Luật sư Võ An Đôn, đoàn Luật sư Phú Yên cho rằng việc bổ sung thêm luật cấm bôi nhọ lãnh tụ là không nên và không cần thiết. Ông cho biết hiện tại luật của Việt Nam đã nói rõ nếu ai thấy mình bị xúc phạm thì có thể kiện ra tòa. Theo ông, nếu cho điều này vào luật sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quyền của người dân :
Lãnh tụ thì mỗi người có quyền tôn trọng trong tấm lòng của mình. Nhưng một người nào đó không tôn trọng thì không thể bắt buộc người ta phải tôn trọng hay có cái nhìn khác hay đánh giá khác. Đó là quyền cá nhân của họ. Luật mà bắt buộc người ta phải tôn trọng, không được nói ra sự thật là vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi rằng liệu quốc tế có luật nào quy định người dân không được bôi nhọ lãnh tụ không, Giáo sư Tạ Văn Tài nói rằng ở các nước văn minh không hề có luật kiểu này và ông khẳng định đây là quyền phê phán lịch sử của nhân dân. Ông nói Việt Nam nếu muốn phát triển văn minh hơn, cũng không nên đưa những điều như vậy vào luật :
Các xã hội văn minh họ có chủ trương là một người đã quá vãng thì coi như một nhân vật lịch sử và người ta hay nói là để lịch sử phán xét. Cho nên các nước văn minh như Hoa Kỳ chẳng hạn họ không cho là nói xấu hay phê bình một cách thẳng thắn người đã chết rồi là mắc tội phỉ báng. Phỉ báng chỉ dành cho người còn sống vì họ cần danh dự của họ để sống một cách hiên ngang, thì nói xấu hay nói sai sự thật về người đó mới là phỉ báng. Còn khi người đó đã chết rồi thì người ta có quyền phê bình thẳng thắn để tạo dư luận lịch sử.
Nói xấu hay nói tốt cho người đã chết rồi, dù là nhân vật vĩ nhân đi chăng nữa là quyền phê phán lịch sử của nhân dân.
Cho nên nếu làm ra luật như vậy sẽ bị thế giới văn minh cười cho chết luôn.
Không chỉ với lãnh tụ, từ đầu năm nay, Việt Nam liên tục có nhiều hành động nhằm bảo vệ uy tín của lãnh đạo cấp cao. Trong phiên họp Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, một số đại biểu đã đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm xúc phạm, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trước đó Việt Nam cũng yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.200 video nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng yêu cầu Facebook loại bỏ những tài khoản giả mạo lãnh đạo Nhà nước.
Nhận xét về hành động "ráo riết" bảo vệ hình ảnh lãnh đạo và lãnh tụ của Việt Nam, luật sư Võ An Đôn cho rằng họ lo sợ một khi hình ảnh tốt đẹp về người đứng đầu không còn nữa, điều đó có thể ảnh hưởng đến cả chế độ. Giống như trong một tôn giáo, người ta xây dựng một hình tượng đẹp đẽ để mọi người tin tưởng và noi theo. Khi mọi người không còn tin vào hình tượng đó nữa, thì tôn giáo đó cũng không thể tồn tại :
Người ta không muốn làm xấu đi hình ảnh lãnh đạo hay lãnh tụ của mình. Cứ nói là bôi nhọ chứ thực ra nhiều người nói sự thật. Lãnh đạo Nhà nước nếu cảm thấy mình bị xúc phạm thì cứ khởi tố người nói xâu mình ra tòa. Yêu cầu người đó công khai xin lỗi, bồi thường. Nếu vụ việc mang tính hình sự thì cứ khởi tố vì luật có sẵn hết rồi.
Giáo sư Tạ Văn Tài cũng có quan điểm tương đồng, ông nói rằng nhiều người trong Đảng Cộng sản đang lo sợ và hoảng hốt trước sự rung rinh của chế độ. Nếu càng ngày sự thật càng phơi bày ra, thì nhân dân có thể sẽ nổi loạn lật đổ. Ông cho rằng Việt Nam nếu muốn được coi là quốc gia dân chủ thì phải để người dân được quyền phê bình, và chỉ sử dụng luật phỉ báng để ngăn chặn trường hợp phê bình bừa bãi.
*******************
An ninh ‘sách nhiễu’ các nhà hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh (VOA, 25/09/2017)
Nhà hoạt động/blogger Nguyễn Đình Hà (trái) mới bị an ninh Việt Nam sách nhiễu ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cáo buộc bị "sách nhiễu" ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Cùng bị "sách nhiễu" là hai học viên của một lớp về hoạt động xã hội dân sự.
Ông Hà cho VOA biết, vụ việc xảy ra tối hôm 23/9 với việc các sĩ quan an ninh Việt Nam mặc thường phục thừa lúc ông đi vắng đã "đột nhập" vào và "lục soát" căn hộ nơi ông tạm trú ít ngày ở phường 5, quận 11.
Khi ông quay lại căn hộ, các nhân viên an ninh vẫn ở trong đó và ép buộc ông phải trả lời các câu hỏi của họ. Ông Hà, người đã có nhiều bài viết trên Internet về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nói rằng ông đã bị các nhân viên an ninh đánh nhiều lần vào đầu, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Phía an ninh nói với ông Hà rằng họ nghi ông có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia dạy về hoạt động xã hội dân sự trong chương trình do một nhà hoạt động khác là ông Nguyễn Hồ Nhật Thành điều hành.
Ông Thành xác nhận với VOA rằng căn hộ nơi ông Hà tạm trú là nơi diễn ra các "buổi chia sẻ kiến thức căn bản về dân chủ".
Hai học viên của các buổi học học gồm một nữ và một nam đã đến căn hộ không lâu sau khi ông Nguyễn Đình Hà bị an ninh "phục kích", và họ cũng đã bị đưa về một đồn công an phường gần đó cùng với ông Hà.
Quát nạt và đe dọa dùng vũ lực, các nhân viên an ninh khăng khăng cáo buộc ông Hà tham gia dạy cho các lớp "chống phá chính quyền" của ông Nguyễn Hồ Nhật Thành.
Nhưng ông Hà khẳng định "không biết", "không liên quan" đến các lớp học như vậy, ông chỉ ở tạm thời trong căn hộ trước khi tìm nơi ở mới. Nhà hoạt động từng tự ứng cử đại biểu quốc hội nhận định :
"Chứng tỏ ở đây là họ muốn đánh phá một lớp học về xã hội dân sự. Cái đó chính là nguyên nhân họ ‘phục kích’ trong căn hộ đó. Họ sợ người dân biết kiến thức liên quan đến pháp luật, chính trị, truyền thông. Đó là những kỹ năng rất cơ bản giúp con người nói thật, biết những quyền cơ bản của mình, từ đó thức tỉnh những ý thức chính trị, từ đó bước qua nỗi sợ hãi và dấn thân vào con đường đưa Việt Nam trở thành nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền".
Hồi tháng 12 năm ngoái, một vụ sách nhiễu tương tự với một lớp về xã hội dân sự cũng đã xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người đóng vai trò chủ chốt thực hiện các lớp học đã bị đe dọa và tạm giữ khi đó.
Hơn nửa năm trôi qua không có vấn đề gì với các lớp học này, nên ông Thành "khá bất ngờ" về sự việc vừa xảy ra với ông Hà. Ông Thành đưa ra ý kiến :
"Tư duy ‘ta và địch’ họ vẫn giữ cho đến hôm nay. Đối với những hoạt động có tính chất không vâng phục nhà cầm quyền thì họ luôn đánh giá những hoạt động như vậy là mang tính thù địch. Họ luôn kiếm mọi cách họ ngăn chặn, đàn áp, mặc dù tất cả những hoạt động đó đều ôn hòa và hợp pháp".
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cho biết tại đồn công an, các nhân viên an ninh đã buộc ông phải cho họ tiếp cận các dữ liệu trong máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh, các thẻ nhớ của ông, sau khi họ "tịch thu" các thiết bị này mà không giao cho ông Hà biên bản.
Theo lời ông Hà, trong máy ảnh và các thẻ nhớ có các cuộc phỏng vấn giữa ông và một số nhà hoạt động.
Phía an ninh đã in ra các bài viết của ông dành cho đài Á Châu Tự do (RFA) và các tin nhắn trong tài khoản Facebook cá nhân của ông, ông Hà cho hay.
Đã có hai nhân viên tự xưng là sĩ quan hình sự mặc thường phục ép ông Hà viết một "bản thú tội" rằng ông là "phản động" cũng như tham gia và nhận tiền từ các tổ chức chống phá Việt Nam.
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, người cũng là luật gia, nói :
"Đối với tôi, an toàn sức khỏe của cá nhân là quan trọng hơn, nên tôi thực hiện theo yêu cầu của họ. Tôi vẫn khẳng định một điều trong đầu mình rằng những tờ giấy đó mình ghi nó như giấy gói xôi ấy. Nó không có giá trị pháp lý đối với tôi hay cộng đồng quốc tế".
Ông Hà cũng bị ép phải viết rằng ông đồng ý "làm cơ sở cho cơ quan an ninh" – thuật ngữ để chỉ người làm chỉ điểm hoặc hoạt động ngầm để thu thập thông tin cho Bộ Công an Việt Nam. Riêng về điều này, ông cho VOA biết ông chỉ viết trong "bản thú tội" rằng ông sẽ "không làm điều gì gây phương hại đến an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc".
Sau 20 tiếng bị tạm giữ và thẩm vấn, ông Hà đã được thả nhưng ông sẽ phải "làm việc tiếp" với Tổng cục An ninh - Chi nhánh phía Nam của Bộ Công an ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/9 tới, ông cho hay.
Chiều tối ngày 25/9, VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với cơ quan an ninh này để hỏi ý kiến về trường hợp liên quan tới ông Hà.
Hơn nửa thế kỷ trước Phong trào Tự do Phát biểu (Free Speech Movement, FSM) được khai sinh từ Đại học Berkeley và đã lan tỏa đến khắp các sân trường đại học Mỹ.
Không được vào sân trường nên đoàn biểu tình tụ họp trước cổng trên đường Bancroft. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Cùng thời điểm, chiến tranh tại Việt Nam leo thang cường độ với sự tham gia chiến đấu của lính Mỹ nên đã đưa đến những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc chiến từ sân trường đại học này.
Phim tài liệu "Berkeley in the Sixties" có nhiều cảnh Sproul Plaza với hàng nghìn sinh viên biểu tình đã bị cảnh sát và vệ binh quốc gia dùng hơi cay giải tán.
Liên quan đến Việt Nam, từ năm 1963 có Madame Nhu, phu nhân của cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai của Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã đến đây nói chuyện vào tháng 8 nhằm giải độc dư luận cho rằng chính quyền của ông Diệm đàn áp tôn giáo. Khi bà Nhu diễn thuyết trong thao trường Harmon, bên ngoài có nhiều người biểu tình phản đối.
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt với sự rút lui của người Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Từ đó những sôi động của sinh viên cũng lắng xuống, tuy sân trường vẫn có những cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ can dự quân sự hay viện trợ cho các chính phủ độc tài ở Nam Mỹ như El Salvador, Chile, Nicaragua, hay ở Trung Đông như Iran, nhưng không đông và cường độ không thường xuyên hay sôi nổi như thời còn chiến tranh Việt Nam.
Đầu năm 1983 Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, là Jeane Kirkpatrick, đã bị sinh viên phản đối khi bà đến nói chuyện về chính sách của Hoa Kỳ ở Châu Mỹ Latinh nói chung và cuộc chiến ở El Salvador nói riêng. Tổ chức sinh viên có tên "Students Against Intervention in El Salvador" đã la ó, sỉ vả bà làm náo động cả thính đường Wheeler khiến bà phải tạm ngưng nhiều phút và sau đó hủy bỏ một buổi diễn thuyết khác cũng do nhà trường tổ chức.
Vùng Vịnh San Francisco được biết đến là khu vực có khuynh hướng chính trị tự do phóng khoáng nhất nước Mỹ (the most liberal), có thể gọi là cực tả. Các vị dân cử ở đây hầu hết theo Đảng Dân chủ và thường nhận được trên dưới 70% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử từ cấp tiểu bang đến liên bang.
Tuy đa số ủng hộ Đảng Dân chủ nhưng tiếng nói của Đảng Cộng hòa không vì thế mà bị ngăn cấm vì đó là tinh thần sinh hoạt dân chủ.
Nhưng từ khi Donald Trump lên làm Tổng thống, vấn đề tự do phát biểu quan điểm lại được đặt ra, với tâm điểm là Đại học Berkeley vì trong nửa năm qua đã có nhiều bạo động khi những diễn giả cực hữu (alt Right) đến diễn thuyết đã bị thành phần cực tả kéo đến tấn công.
Đáng chú ý nhất là diễn giả Milo Yiannopoulos, với quan điểm cực kỳ bảo thủ, được Hội Sinh viên Cộng hòa (Berkeley College Republicans) của trường mời nói chuyện hôm 1/2/1017 và đã xảy ra bạo động, đốt phá ngay tại Sproul Plaza do một nhóm người mặc đồ đen, bịt mặt gây ra khiến buổi diễn thuyết bị hủy vào phút chót.
Đoàn biểu tình giơ tay hô to những khẩu hiệu phản đối chính sách của Tổng thống Trump. (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Sau vụ bạo động là đôi lần nữa có biểu tình nữa mà cảnh sát không can thiệp khi có tấn công nhắm vào người ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump, cùng với việc hủy bỏ buổi nói chuyện của nhà bình luận bảo thủ Ann Coulter vào tháng Tư, vì thế đã có chỉ trích cảnh sát và lãnh đạo trường đã không làm nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do phát biểu của người dân, của sinh viên.
Quyết thể hiện quyền tự do phát biểu, Hội Sinh viên Cộng hòa đã mời diễn giả Ben Shapiro đến nói chuyện vào lúc 7 giờ tối ngày 14/9. Tức thì có phản đối từ phe tả và lời kêu gọi biểu tình chống Ben Shapiro.
Chiều ngày 13/9, một ngày trước buổi diễn thuyết, ngay lối vào trường đã có những áp-phích lớn được dựng lên và tờ rơi được phát với cáo buộc Ben Shapiro và những diễn giả Milo Yiannopoulos, Ann Coulter, Steve Bannon là theo chủ trương phát-xít. Những tài liệu này do một tổ chức mới ra đời từ khi Trump thắng cử là refusefascism.org bảo trợ in ấn.
Refuse Fascism được thành lập bởi Sunsara Taylor, một người có khuynh hướng chính trị Mao-ít và là thành phần lãnh đạo của Đảng Cách mạng Cộng sản Mỹ.
Ben Shapiro tốt nghiệp Đại học U.C. Los Angeles 2004 và trường luật Đại học Harvard 2007. Ông là cựu biên tập viên của báo mạng Breitbart News với khuynh hướng bảo thủ do Steve Bannon lập ra.
Hiện nay Ben có diễn đàn mạng riêng. Ông không ủng hộ phá thai và gọi những người phụ nữ đã làm việc này là "kẻ giết trẻ thơ", một quan điểm của những người Mỹ bảo thủ.
Ben cho rằng môi trường đại học Mỹ thường nghiêng về cánh tả và có khuynh hướng truyền đạt cho sinh viên những tư tưởng và sinh hoạt chính trị phóng khoáng (liberal) của Đảng Dân chủ, trong khi những quan điểm bảo thủ bị ngăn cấm.
Theo dự định, tiếp theo buổi diễn thuyết của Ben Shapiro, sẽ có "Free Speech Week" từ ngày 24 đến 27/9. Hội sinh viên Berkeley Patriot đứng ra tổ chức sự kiện này và đã mời các diễn giả bảo thủ đến nói chuyện, trong số đó có Milo Yiannopoulos, Ann Coulter và chiến lược gia của Tổng thống Donald Trump là Steve Bannon.
Sinh hoạt này đã gặp phản đối của một số nhân viên nhà trường. Theo báo sinh viên Daily Californian, trên 130 giáo sư và nhân viên đã ra thư ngỏ tẩy chay "Free Speech Week" và kêu gọi sinh viên không đến lớp trong tuần lễ có sự kiện.
Tân Hiệu trưởng Carol Christ, với ba thập niên làm việc cho trường, đã có quyết tâm bảo vệ quyền tự do phát biểu tại Đại học Berkeley sau những thất bại và thiếu sót của người tiền nhiệm trong những tháng đầu năm nay.
Tiếp xúc với sinh viên và ban giảng huấn bà đã hứa sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền tự do phát biểu tại đại học này. Trả lời phỏng vấn của báo Los Angeles Times, đăng trong số báo ra ngày 14/9, Hiệu trưởng Christ phát biểu : "Tôi tin tưởng sâu xa vào quyền được diễn thuyết trong khuôn viên trường của Ben Shapiro, dù không đồng ý với ông. Thực ra tôi có bất đồng sâu sắc với ông. Nhưng ông ấy được một hội đoàn sinh viên mời đến nói chuyện theo đúng luật lệ của trường. Đó thật sự là một tình huống khó xử".
Theo lời bà, trong những biến cố gần đây trường đã phải chi ra khoảng 800 nghìn đôla để ngăn chặn gây rối và bảo đảm an ninh cho diễn giả.
Địa điểm diễn thuyết của Ben Shapiro cũng đã là kết quả tranh đấu của Hội Sinh viên Cộng hòa. Lúc đầu nhà trường chỉ định ở thính đường Wheeler, với khoảng 700 chỗ. Ban tổ chức muốn có nơi rộng hơn và được chuyển qua Zellerbach Hall, với 2.000 chỗ, nhưng vì lý do an ninh nhà trường chỉ cho tầng dưới, với sức chứa khoảng 1.000 người.
Vé nghe diễn thuyết đã được phân phối hết ngay chỉ trong vòng chưa đến một giờ đồng hồ, theo ban tổ chức cho biết.
Từ chiều ngày 14/9 cảnh sát đã đưa ra các phương án ngăn chặn bạo động. Khu vực bao quanh Zellerbach Hall bị phong toả bằng những khối chắn bê tông và đội hình cả trăm cảnh sát.
Chỉ những ai có vé mới được vào thính đường, sau khi qua trạm dò vũ khí và kiểm soát an ninh. Cảnh sát cũng cho giữ một khoảng cách chừng 50 mét giữa đoàn biểu tình và những người xếp hàng vào nghe diễn thuyết.
Nơi có thể tụ họp biểu tình, cảnh sát không cho mang vào gậy hay những vật dụng có thể dùng để tấn công. Những người đeo mặt nạ hay bịt mặt cũng không được phép vào khu vực biểu tình.
Đối diện với những chỉ trích gần đây, ban điều hành trường cũng như giới chức thành phố Berkeley đã có quyết tâm để nơi đây không phải mang tiếng là nôi sinh của phong trào tự do phát biểu quan điểm mà lại không bảo vệ được quyền tự do biểu đạt của sinh viên và của người dân.
Trong phiên họp tối thứ Ba 12/9, hội đồng thành phố cũng đã biểu quyết cho phép cảnh sát dùng hơi cay để khống chế những kẻ chủ trương gây bạo động.
Với tất cả những biện pháp phòng ngừa được triển khai và với sự vắng mặt của thành phần Antifa và Black Clad, buổi nói chuyện của Ben Shapiro đã diễn ra tốt đẹp, trong tinh thần tôn trọng tự do phát biểu vốn là truyền thống của Đại học Berkeley.
Để bảo đảm cho sự kiện được diễn ra trong ôn hòa, tốn phí nhà trường đã phải chi ra là 600 nghìn đôla. Không rẻ.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 22/09/2017