Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/04/2019

Tù nhân chính trị, sổ đỏ, bồi thường Thủ Thiêm, xây chùa Ba Vàng

Tổng hợp

Tình hình tù nhân chính trị Phan Kim Khánh và nhà hoạt động Lê Anh Hùng (RFA, 01/04/2019)

The 88 Project, tiếng Việt là Dự án 88 vào ngày 1 tháng tư thông báo tình hình của anh Phan Kim Khánh tại Nhà tù Hà Nam. Theo đó tù nhân chính trị này đang bị phía trại giam đe dọa đưa đi biệt giam và từ chối cho anh nhận thư từ cũng như gọi điện thoại về gia đình với lý do bị cho là ‘cứng đầu và không chịu hợp tác’.

VIETNAM-ENVIRONMENT-FISHING-TAIWAN

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng (trái) và tù nhân chính trị trẻ Phan Kim Khánh (phải). RFA Edited

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với em gái của tù nhân chính trị Phan Kim Khánh, chị Phan Thị Trang và được thuật lại những gì được biết:

"Anh Khánh từ hôm Tết xong cũng có làm đơn gửi lên tòa án Thái Nguyên để nói về việc anh làm đơn kháng cáo mà họ không cho và giải quyết cho anh, họ không mở phiên tòa kháng cáo. Anh làm đơn kêu oan không nhận tội và họ cũng gây khó dễ cho anh em: trước tết thì một tháng gọi điện về nhà một lần và tháng vừa rồi thì anh không điện, vừa rồi anh có điện về thì hai hôm sau bố em lên thăm và anh có dặn là từ bây giờ có thể là họ sẽ không cho gặp không cho gọi điện về, không cho nhận thư từ và không cho gia đình đến thăm gặp nữa thì có thể trong khoảng thời gian ấy em lo sợ anh ấy có thể gặp nguy hiểm và có chuyện gì đó sẽ xảy ra".

Ngoài ra, chị Phan Thị Trang còn cho biết thêm sau khi gia đình lên thăm anh Khánh, thì bên phía trại giam có cử một cán bộ người Phú Thọ ra làm việc với gia đình và bảo rằng khi gặp anh Phan Kim Khánh thì khuyên Khánh đừng chống đối công an, vì nếu cố tình chống đối hoặc làm gì ở trong đấy thì họ sẽ nhốt anh vào phòng riêng và không cho gia đình thăm gặp nữa.

Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho anh Phan Kim Khánh trong phiên tòa sơ thẩm hôm 25/10/2017 cho biết, tại trại giam có những quy định riêng của trại tuy nhiên với trường hợp này luật sư cho rằng nó trái với luật thi hành án nhưng đây cũng mới chỉ là lời đe dọa nên cần phải làm rõ.

"Theo luật tố tụng của Việt Nam sau khi kết thúc phiên tòa thì theo luật vai trò của tôi không còn gì nữa nhưng theo tôi thấy thì nó có gì đó uẩn khúc trong giai đoạn sau phiên sơ thẩm. Theo như người nhà nói Phan Kim Khánh có kháng cáo nhưng mà trại tạm giam họ không chuyển đơn cho tòa thì tôi nghĩ sự việc này cần phải làm rõ".

Phan Kim Khánh sinh năm 1993 thường trú ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Năm 2015, Phan Kim Khánh được học bổng của Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) để tham gia khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. Anh bị bắt ngày 21/3/2017 khi đang học năm cuối chương trình đại học và bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước

Trường hợp khác cũng bị phía nhà cầm quyền Việt Nam không cho gia đình gặp mặt, được Dự án 88 nêu ra trong báo cáo ngày 1 tháng 4 là ông Lê Anh Hùng. Ông này bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 5 tháng 7 năm 2018 lúc đang đi ăn sáng, rồi bị đưa về nơi cư ngụ tại nhà số 19, ngõ 120/22/2 đường Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Tại đó lực lượng chức năng đọc lệnh bắt và khởi tố ông này theo điều 331 Bộ luật hình sự Việt Nam

tunhan2

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng. Courtesy of FB Nguyễn Vũ Bình

Bà Trần Thị Niệm, mẹ của anh Lê Anh Hùng cho Đài Á Châu Tự Do biết :

"Họ nói là không thực hiện nội quy nên không cho gia đình gặp vì không mặc đồng phục và không chịu đeo còng nhưng thằng con trai thứ hai của tôi bảo rằng nó chưa xử thì chưa có tội thì bắt nó còng tay sao được. Nó không chịu thì đúng thôi nhưng ở trong trại thì họ muốn làm gì thì họ làm chứ mình có nói được đâu"

Bà Trần Thị Niệm cho biết được gặp con trong trại tạm giam lần cuối cách đây 3 tháng.

Ngoài ra, bà Niệm còn cho hay gia đình có hỏi về thời gian khi nào sẽ tiến hành vụ xử đối với nhà hoạt động Lê Anh Hùng; thế nhưng phía cơ quan chức năng không cho biết mà nói rõ là đang tiếp tục điều tra.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội và cũng là một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam cho chúng tôi biết, anh không hiểu nguyên nhân vì sao lại yêu cầu Ông Lê Anh Hùng mặc đồng phục và đeo còng trong khi vẫn chưa tiến hành xét xử vụ án.

"Mẹ của anh Lê Anh Hùng đã yêu cầu an ninh cho gặp và trước đó đã cho gặp một lần rồi và khi gặp lúc đó cũng không phải mặc áo tù hay bị còng tay nhưng lần thứ hai thì không hiểu lý do vì sao họ lại yêu cầu Hùng là mặc áo và còng tay thì Hùng phản ứng lại không đồng ý, họ bảo là khi nào mặc áo tù và còng tay thì mới được gặp gia đình, Hùng bảo không gặp thì thôi".

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từ lúc anh Hùng bị bắt đến nay vẫn chưa khai báo hay khai nhận điều gì nên có thể đó là những cớ mà chính quyền làm nhằm gia tăng gây sức ép với Hùng.

Đồng thời nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn cho hay, đối với vụ Lê Anh Hùng bị chính quyền ghép vào tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước thì nó hoàn toàn không đúng, bởi vì đây là vụ kiện do chính anh Lê Anh Hùng khởi kiện và việc đúng sai chưa cần biết và cần khởi tố vụ án đó nếu Hùng mắc tội vu khống thì anh Hùng sẽ chập nhận tôi và xử theo luật nhưng chính quyền họ đã không làm và khi dùng biểu ngữ băng rôn yêu cầu chính quyền xem xét vụ án thì bị ghép vào tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’.

*********************

Công an điều tra vụ 1000 người dân đòi sổ đỏ ở Quảng Nam (RFA, 01/04/2019)

Công an tỉnh Quảng Nam đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các bên liên quan trong vụ 1000 người dân đòi sổ đỏ. Báo Người lao động đưa tin hôm nay.

tunhan3

Dự án Hera Complex Riverside. Photo courtesy of tinbatdongsan.com

Theo người dân trình bày với ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại buổi họp hôm 20/3 thì Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam cam kết với họ trong tháng 1/2019 sẽ ra sổ đỏ nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được vì Công ty Bách Đạt An cắt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam.

Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, công ty Hoàng Nhất Nam là đơn vị phân phối của ba dự án tại thị xã Điện Bàn là dự án khu đô thị Bách Đạt 1, khu đô thị 7B mở rộng và Hera Complex Riverside.

Sau buổi họp, ông Thanh kết luận tỉnh có trách nhiệm tiếp cận, giải quyết vụ việc đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Ngoài việc công an đang tiến hành điều tra, thanh tra tỉnh cũng đang thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Bách Đạt An để xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan.

Hôm 30/3, công ty Hoàng Nhất Nam cũng có buổi làm việc với 1000 khách hàng này và khẳng định công ty luôn đồng hành vì quyền lợi của khách hàng và cam kết sẵn sàng bổ sung tài chính giúp chủ đầu tư.

Tờ Việt Báo đưa tin này là dẫn lời một đại diện khách hàng rằng tranh chấp giữa Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An là tranh chấp giữa 2 công ty tại tòa. Khách hàng chỉ cần biết quyền lợi của mình được giải quyết như thế nào?.

Ông Lê Trí Thanh đề nghị trong thời gian chờ kết luận của các cơ quan chức năng, người dân phải bình tĩnh, không làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

*********************

Thủ tướng sẽ kết luận chính sách bồi thường dân Thủ Thiêm trong tuần này (RFA, 01/04/2019)

Ông Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong tuần này sẽ có ý kiến chính thức về chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nằm trong khu vực 4,3 ha – khu được xác định ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

tunhan4

Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA

Thông tin vừa nói được Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân vào chiều ngày 30 tháng 3 đưa ra tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nhân cho biết, sau khi có kết luận của Thủ tướng, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân Thủ Thiêm.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án với gần 15.000 hộ dân thuộc diện phải di dời. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch nhưng hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm vẫn ròng rã khiếu kiện những quyết định đền bù và di dời mà họ cho là không hợp lý suốt hơn 20 năm qua.

********************

Bí thư Quảng Nam lên tiếng về dự án chùa Ba Vàng Quảng Nam (RFA, 01/04/2019)

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vào ngày 1 tháng tư được truyền thông trong nước dẫn lời về dự án Chùa Ba Vàng tại khu vực ở Hồ Phú Ninh.

tunhan5

Lễ khởi công xây dựng chùa Ba Vàng tại Quảng Nam. Screen Shot from vtc.vn

Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, rằng việc xây dựng cái gọi là Khu Du lịch Tâm linh ở khu vực hồ Phú Ninh do công ty Ba Vàng làm chủ đầu tư đã dừng hẳn và công ty này đã rút khỏi địa phương.

Ông Cường nhấn mạnh rằng không có tiếp tục đầu tư việc gì hết. Ngoài ra, trong thời gian tới ban lãnh đạo sẽ có cuộc họp để bàn phương án hợp lý cho dự án này.

Trước đó vài ngày, sau khi công ty Ba Vàng rút khỏi dự án xây dựng khu du lịch tâm linh với vốn đầu tư được nói lên tới 1000 tỷ đồng ở hồ Phú Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn sẽ tiếp tục dự án và kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đầu tư nghiên cứu phát triển văn hóa du lịch tại khu vực này. Ủy ban tỉnh cũng đã có kế hoạch kêu gọi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến Quảng Nam và có gợi ý đầu tư xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm tại khu vực hồ Phú Ninh này.

Sau vụ tai tiếng ‘thỉnh vong’, cúng ‘oan gia trái chủ’ tại Chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, tin tức về dự án Chùa Ba Vàng tại tỉnh Quảng Nam cũng được loan đi gây chú ý trong dư luận.

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)