Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/04/2019

Việt phủ Thành Chương, thanh tra BOT, xỉ thép Formosa

RFA tiếng Việt

Lý do kết luận thanh tra không nhắc tới Việt Phủ Thành Chương (RFA, 01/04/2019)

Vì sao kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội không đề cập đến việc xử lý đối với trường hợp Việt phủ Thành Chương?

thanhtra1

‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn từ năm 2001. Photo courtesy of soha

Đó là câu hỏi được báo chí trong nước nêu lên đối với đại diện lãnh đạo Thanh tra thành phố Hà Nội sau khi kết luận thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn được thành phố công bố tuần trước.

Tin ngày 1 tháng 4 cho biết trong trả lời truyền thông Việt Nam, Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, theo kết luận ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ về đất rừng huyện Sóc Sơn, khu đất Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng, theo quy hoạch hiện nay là rừng phòng hộ môi trường và kiến nghị xử lý đối với trường hợp này.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân Huyện Sóc Sơn chưa thiết lập hồ sơ vi phạm để tiến hành xử lý đối với trường hợp Việt phủ Thành Chương.

Cũng theo vị đại diện này, Thanh tra Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 đã không thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, vào ngày 21/3, Thanh tra Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn, yêu cầu cưỡng chế hàng trăm công trình, nhưng không bao gồm công trình của  Việt phủ Thành Chương và nhà của ca sĩ Mỹ Linh vốn đang bị dư luận chú ý.

Trong đợt công bố vừa nêu, Thanh tra Hà Nội đã công bố một lúc 2 kết luận thanh tra gồm: Kết luận thanh tra toàn diện về đất đai và xây dựng tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn từ năm 2008 đến nay; và việc thực hiện các nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, thuộc huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra không có đề cập cụ thể nào đến công trình Việt phủ Thành Chương nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

*******************

Cục Đường Bộ sẽ giám sát doanh thu của nhà đầu tư BOT (RFA, 01/04/2019)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có phần mềm quản lý dữ liệu độc lập tại các trạm BOT để giám sát doanh thu của các nhà đầu tư, tránh tình trạng chủ BOT kê khai gian dối.

thanhtra2

Anh Nguyễn Minh Hùng kiểm đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc. Courtesy of FB Nguyễn Minh Hùng

Truyền thông trong nước loan tin hôm 1/4/2019, trích lời ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ba trạm BOT là Bắc Ninh, Bến Thủy 1 và Toàn Mỹ 14 đã được đưa vào sử dụng thí điểm hệ thống giám sát dữ liệu của chính quyền.

Ông Huyện nói hệ thống này sẽ được triển khai đồng loạt, chính thức vào quý II năm nay tại 66 trạm thu phí trên 54 dự án BOT sau khi có đánh giá kết quả thí điểm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dữ liệu mà hệ thống thu thập được sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm giám sát tại Tổng cục Đường bộ một cách độc lập, được mã hóa và đảm bảo an toàn; giúp kiểm soát lưu lượng và chủng loại phương tiện qua trạm thu phí.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh những dữ liệu thu thập được rất quan trọng, không thể sửa, xóa mà chỉ được xem là cơ sở để Nhà nước đối chiếu với doanh thu của nhà đầu tư BOT.

Tình trạng người dân, giới tài xế trên khắp Việt Nam phản đối các trạm thu phí BOT đã xảy ra khoảng hai năm gần đây vì cho rằng các chủ đầu tư móc nối với cơ quan chức năng, đưa ra giá thu phí cao hoặc đặt vị trí các trạm thu phí không hợp lý.

Hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ tại các trạm BOT đã được ghi nhận trong suốt thời gian qua. Giới tài xế còn phản đối bằng cách trả tiền lẻ gây ra tình trạng ùn ắc giao thông khiến các chủ BOT phải xả trạm.

Một số người dân còn tự lập nhóm kiểm đếm xe qua trạm như tại BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa vì nghi ngờ chủ đầu tư gian lận kê khai, nâng cao mức phí và thời gian thu tiền.

Mới hôm 28/3 vừa qua, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã phải yêu cầu Vụ đối tác Công-Tư rà soát tất cả nội dung hợp đồng của các dự án BOT đã ký kết giữa Bộ và nhà đầu tư để đưa ra phương án xử lý những bất cập.

Cùng lúc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được nói đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, chậm nhất hoàn thành trong tháng 4/2019.

******************

Xỉ thép của Formosa được phép dùng để san lấp gây quan ngại về môi trường (RFA, 01/04/2019)

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh hiện đang tồn đọng hàng trăm ngàn tấn xỉ thép chưa có đầu ra. Mới đây công ty này gây hoang mang khi dùng xỉ thép này để làm vật liệu san lấp, làm đường. Việc này có an toàn và đúng quy trình ?

thanhtra3

Xỉ thép của Formosa được phép dùng để san lấp gây quan ngại về môi trường. Photo courtesy of Zing

Sau 3 năm kể từ khi Formosa gây ra thảm họa môi trường biển khiến cá và hải sản chết hàng loạt, nổi trắng ven biển tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ của Việt Nam, hiện nhà máy Formosa Hà Tĩnh tiếp tục làm dư luận lo lắng khi đang tồn đọng gần 1 triệu tấn xỉ thép.

Theo báo chí trong nước ghi nhận, Formosa không hề xử lý xỉ thép, chỉ để nguyên vậy, chất lên thành những bờ đê, những núi cao cả chục mét bao quanh khuôn viên của nhà máy, tức là than xỉ thép thải ra bao nhiêu là được chất lên cao bấy nhiêu.

Vào cuối tháng 3, Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề xuất Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép dùng xỉ thép thải ra khi sản xuất để san nền trong khuôn viên nhà máy.

Cụ thể, Formosa Hà Tĩnh cho biết sẽ dùng 960.000 tấn xỉ thép để san nền tại khu lưu giữ ngoài trời của nhà xưởng luyện thép, với tổng diện tích 14,5 ha. Công ty này khẳng định xỉ thép phát sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn được áp dụng cho mục đích làm vật liệu san lấp công trình xây dựng và giao thông !?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 4 năm 2019, đưa ra nhận định :

"Thật ra thì xỉ thép lấy làm vật liệu xây dựng thì có một số công trình trên thế giới họ làm rồi. Tức là xỉ thép sau khi nấu thì họ đập ra còn những viên như viên đá, vì đã nung mấy nghìn độ rồi nên cái đấy nó không tan được nữa, không có vấn đề gì nữa thì có thể dùng. Tuy nhiên, tất cả các loại xỉ họ phải phân tích trước xem thành phần có chất thải nguy hại không? Nếu không có chất thải nguy hại thì mới dùng được. Trong trường hợp này thì nơi khác làm rồi, còn đây chắc họ nghĩ nơi khác làm được thì họ làm được, cho nên họ không phân tích, chứ đúng ra phải phân tích xem còn thành phần nguy hại hay không thì mới dùng được".

Theo một số chuyên gia, chất thải của nhà máy thép ngay cả sau khi xử lý vẫn còn những chất độc với hàm lượng lớn, như phenol, xyanua, rodanit. Nguy cơ lượng chất độc hại thải ra môi trường sống vẫn rất lớn và liên tục.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 1 tháng 4 năm 2019 liên quan vấn đề này, Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường Đầu tư và Khu công nghiệp thuộc Đại học Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, cho biết về quy chuẩn xỉ than nói chung có thể được tái sử dụng nếu không chứa phóng xạ, không chứa chất thải nguy hại :

"Tất cả các xỉ than có nhà máy thì có quy định, loại xỉ nào là được sử dụng để làm vật liệu xây dựng san nền .v.v… Nhà máy đó phải đăng ký kiểm định đối với cái xỉ than của họ, xem có tái sử dụng được hay không. Nói chung từ tiêu chí do Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ra là an toàn rồi tức là loại than xỉ đó không phải là chất thải nguy hại".

Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, lo ngại nhất là trong xỉ than bao hàm các chất phóng xạ, thủy ngân, chì. Những loại vừa nói nếu nằm trong giới hạn cho phép thì có thể sử dụng bình thường. Tuy nhiên ông nói nói rõ, đó là xỉ than của các nhà máy như nhiệt điện, phân bón, v.v… Còn quy chuẩn cho xỉ thép thì theo ông chưa có quy định rõ ràng cụ thể :

"Xỉ của nhà máy thép Formosa như thế nào thì tôi cũng chưa rõ lắm, nhưng nói chung xỉ than của thép thì không thấy bàn luận nhiều ở Việt Nam, còn quy chuẩn xỉ than của Bộ Khoa học - Công nghệ vừa qua thì chỉ dành cho nhà máy nhiệt điện chạy than thôi, chứ không phải cho nhà máy luyện thép".

thanhtra4

Hình ảnh nhà máy luyện gang thép Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh ở thị xã Kỳ Anh. AFP

Trong đề xuất, công ty Fomosa Hà Tĩnh khẳng định xỉ thép phát sinh tại nhà máy đạt tiêu chuẩn được áp dụng cho mục đích làm vật liệu san lấp công trình xây dựng và giao thông.

Ông Hoàng Văn Thức - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – khi trả lời báo Tuổi Trẻ cho biết, xỉ thép là chất thải rắn thông thường, không phải chất thải nguy hại, hoàn toàn đáp ứng hợp chuẩn, hợp quy về vật liệu xây dựng nên được phép làm.

Theo ông Thức, pháp luật bảo vệ môi trường quy định tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, sau khi được phân định, phân loại là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì được khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu nếu đáp ứng hoặc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành.

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, hiện chỉ có quy định rõ ràng về xỉ than do các nhà máy nhiệt điện thải ra, còn xỉ thép thì vẫn chưa có quy định cụ thể :

"Thật ra thì xỉ than của nhà máy thép, của nhà máy phân bón, nhà máy hóa chất thì chính phủ khuyến khích làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, vì hiện nay rất là nan giải, tồn đọng hàng chục tấn xỉ than. Thậm chí chính phủ còn nghiên cứu cho việc tái sử dụng tro xỉ cho vật liệu xây dựng. Tuy nhiên quy chuẩn than xỉ là do Bộ Xây dựng ban hành, chứ không phải Bộ Tài nguyên - Môi trường. Theo tôi biết thì hiện nay Bộ Xây dựng chưa ban hành quy chuẩn này, còn hiện nay nhiều nơi vẫn đang chuẩn bị thôi chứ chưa đưa vào sử dụng rộng rãi. Còn xỉ thép thì hiện nay chưa có bộ nào ban hành quy chuẩn về sử dụng xỉ thép làm vật liệu xây dựng cả".

Theo nhà báo Mai Quốc Ấn viết trên trang các nhân của mình, các nhiệt điện lại phát tán ô nhiễm, và thay vì ngăn chặn, thì có một số thành viên Chính phủ lại "thúc đẩy" cho ô nhiễm lan rộng hơn. Khi một loạt các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ về việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Duyên Hải để san lấp đường giao thông, san lấp công trình xây dựng. Nếu đồng ý triển khai rộng khắp thì các độc chất được xác định trong tro xỉ sẽ phát tán ngày càng rộng hơn và phơi nhiễm, lây nhiễm bệnh tật do ô nhiễm là không thể tránh khỏi.

Nhưng theo ông, tro xỉ nhiệt điện than độc hại vẫn không thể bằng tro xỉ các nhà máy thép !

Việc Formosa Hà Tĩnh đề xuất dùng gần 1 triệu tấn xỉ thép để san nền hoàn toàn không có trong đánh giá tác động môi trường của dự án này. Theo nhà báo Mai Quốc Ấn, chức năng của Tổng cục Môi trường là thẩm định đánh giá tác động môi trường thì tại sao đề xuất bất hợp lý, không có trong đánh giá tác động môi trường của Formosa lại được tạo điều kiện đến vậy ?

Xin nhắc lại, vào tháng 4 năm 2016, tại khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ của Việt Nam đã xảy ra thảm họa môi trường biển khiến cá và hải sản chết hàng loạt, nổi trắng ven biển. Công ty Formosa sau đó đã nhận trách nhiệm xả thải ra biển gây ra thảm họa và chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la cho phía Việt Nam. Thảm họa môi trường này đã khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế, nhiều người phải bỏ xứ đi tha hương.

Quay lại trang chủ
Read 675 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)