Bộ Quốc phòng : Thi hài Hồ Chí Minh được bảo vệ an toàn (VOA, 03/04/2019)
Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 3/4 cho biết thi hài của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh "được giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn trong suốt 50 năm qua".
Lãnh tụ Triều Tiên đặt vòng hoa trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội hôm 2/3. Bộ Quốc phòng cho biết thi hài ông Hồ được bảo vệ an toàn trong suốt 5 thập kỷ qua.
Năm nay sẽ đánh dấu 50 năm ngày ông Hồ, nhà lãnh đão cách mạng của Việt Nam, từ trần (1969-2019).
Tại buổi họp báo ở trụ sở Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, đồng thời là Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết bộ của ông được "Đảng, Nhà nước và Nhân dân" giao cho nhiệm vụ "giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người". Trang web chính thức của Bộ Quốc phòng trích lời vị thiếu tướng này cho biết bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong đó có bảo đảm an ninh và tổ chức đón tiếp nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Ông Hồ mất ngày 2/9/1969 và "theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân", như Tiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng quyết định "giữ gìn thi thể Hồ Chủ tịch lâu dài".
Tuy nhiên có những thông tin cho rằng trong di chúc viết năm 1969, Hồ Chí Minh mong muốn được hỏa táng và đặt tro tại 3 miền đất nước. Trong toàn văn di chúc đăng trên báo điện tử Chính Phủ, ông Hồ viết : "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".
Theo Reuters, Hồ Chí Minh được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi thể ông Hồ.
Bộ Quốc phòng cho biết "thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua đó là : Dù bất kỳ trong điều kiện, hoàn cảnh nào nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc" và đội ngũ cán bộ và y, bác sĩ Việt Nam đang tiến tới việc "làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài" Hồ Chủ tịch.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được bắt đầu xây dựng vào năm 1973 với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ. Nhưng trong thời gian chiến tranh, thi hài ông Hồ được đưa đến những nơi bí mật để tránh bom đạn của Mỹ.
Sau năm 1991, khi Liên Xô cũ tan rã, các cán bộ, chuyên gia vận hành kỹ thuật rút hết về nước nhưng đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật của Việt Nam đã thay thế để thực hiện công tác kiểm tra và bảo dưỡng lăng, theo Dân Trí.
Kể từ năm 1975, năm mà chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã có 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu khách quốc tế, đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo Bộ Quốc phòng.
Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.
Hồ Chí Minh là một trong những lãnh đạo cộng sản được ướp xác và trưng bày, trong đó bao gồm Lenin của Nga, Mao của Trung Quốc, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên.
Theo nhận định của Alexei Yurchak, giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, "thi thể ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới".
********************
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng : chỉ nựng bé gái (RFA, 03/04/2019)
Người đàn ông sàm sỡ, ép hôn một bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9, ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) vào tối ngày 1 tháng 4 được xác định danh tính là ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng xác nhận với truyền thông chính là người đàn ông trong camera ghi hình của chung cư Galaxy vào tối ngày 01/04/19.- Courtesy : Ảnh chụp màn hình plo.vn
Vào chiều ngày 3 tháng 4, nguyên Phó Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng-ông Nguyễn Hữu Linh xác nhận với Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh rằng mình chính là người đàn ông xuất hiện trong clip ghi hình, được trích xuất từ camera an ninh trong thang máy của chung cư Galaxy.
Hai ngày qua, dư luận lên án và yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra tung tích của người đàn ông trong đoạn clip đã ép hôn, sàm sỡ một bé gái trong tháng máy, khi ông này đến thăm gia đình ở chung cư Galaxy.
Truyền thông trong nước cho biết trước đó, vào tối ngày 2 tháng 4, Công an quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã mời ông Nguyễn Hữu Linh lên làm việc do tính chất nghiêm trọng và nhạy cảm của vụ việc cũng như theo yêu cầu của gia đình bé gái đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc đã xảy ra.
Tuy nhiên, lên tiếng với Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Linh cho rằng ông chỉ nựng bé gái và cũng đã có thương lượng với gia đình của bé gái này, rồi sau đó ông trở về Đà Nẵng.
Báo Lao Động Online dẫn lời của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng công an cần yêu cầu gia đình đưa bé gái đi giám định pháp y để xác định có tế bào nam ở các vùng nhạy cảm hay không vì trong trường hợp có hành vi dùng tay sờ vào vùng nhạy cảm thì chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự tội "dâm ô".
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy còn nhận định rằng việc các cơ quan chức năng xử phạt đối tượng cưỡng hôn nữ sinh viên trong thang máy ở Hà Nội số tiền 200.000 đồng sẽ tạo tiền lệ cho những vụ tương tự về sau.
*********************
Dân Phú Thọ biểu tình phản đối khai thác cát gây sạt lở (RFA, 03/04/2019)
Nhiều người dân thôn 2, xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ trong nhiều ngày qua tập trung trước Ủy Ban Nhân Dân xã để phản đối tình trạng khai thác các làm sạt lở đất canh tác của họ ven sông.
Hình ảnh được cắt từ clip, người dân đang chỉ khu vực khai thác cát quá mức tại xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng.
Báo pháp luật xã hội loan tin ngày 3 tháng 4 nói rõ người dân mang theo băng rôn và gõ trống, khua chiêng trước trụ sở UBND xã Đông Khê. Dân yêu cầu các cơ quan chức năng đối thoại và có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở khu vực đất sản xuất của người dân.
Người dân cho biết, từ khi chính quyền Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác cát sỏi trên bờ sông Chảy cho Công ty xây dựng đô thị Phú Thọ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn hàng chục hecta diện tích bờ bãi do phù sa bồi đắp hằng trăm năm đến nay đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến người dân không còn đất canh tác để sinh sống. Người dân đã nhiều lần trình báo với cơ quan chức năng tuy nhiên cả năm trời vẫn chưa được giải quyết.
Một cán bộ xã Đông Khê trả lời xác nhận với báo Pháp luật xã hôi về thực tế nhiều người dân tập trung tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để phản đối hoạt động khai thác cát xảy ra tại địa phương. Ủy ban Nhân dân xã đã làm đơn báo cáo sự việc đến cơ quan cấp cao để xem xét xử lý vụ việc.
Vào ngày 3 tháng 4, một cuộc họp diễn ra tại Văn Phòng Chính phủ Hà Nội với các bộ ngành về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát. Cuộc họp do phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì. Ông này thừa nhận do cầu sử dụng cát sỏi xây dựng tăng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình khai thác cát trái phép đã bùng phát trở lại, nhiều địa phương buông lỏng việc quản lý, bao che khiến tình trạng này diễn ra công khai và lộng hành gây bức xúc trong nhân dân.
Do đó, ông yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung rà soát và xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo con số thống kê của Bộ Công an, từ năm 2017 cho tới nay việc xử lý khai thác cát trái phép phát hiện gần 14.000 vụ với hơn 4200 người vi phạm, tịch thu hơn 140 tàu hút cát và phạt tiền lên tới gần 70 tỷ đồng, nhưng chỉ có 7 vụ và 7 bị can bị khởi tố.
Trong khi từ đầu năm 2019 đến hiện nay, tại 14/20 địa phương phát hiện gần 700 vụ với hơn 420 đối tượng bị bắt, và phạt tiền hơn 12 tỷ đồng, hơn 70 tàu và mới chỉ có 2 vụ ở Thanh Hóa và Đồng Nai đã bị khởi tố.