Thủ tướng Phúc đi Bắc Kinh giữa 'bão' tin đồn ông Trọng ngã bệnh nặng (RFA, 22/04/2019)
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi dự diễn đàn ‘Vành đai Con đường’ lần thứ hai diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27 tháng 4.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc -baochinhphu.vn
Tin chính thức do Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra và truyền thông trong nước loan đi ngày 22 tháng 4 vào khi đồn đãi tiếp tục về tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam kiêm chủ tịch nước ngã bệnh nặng trong chuyến làm việc tại tỉnh Kiên Giang vào hai ngày 13 và 14 tháng 4 vừa qua.
Trước đó cũng có thông tin nói ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc và sau đó là chuyến đi Hoa Kỳ ; tuy nhiên suốt thời gian qua từ ngày 14 trở đi, ông Nguyễn Phú Trọng không hề xuất hiện trước công chúng.
Trong khi đó thì truyền thông trong nước vào ngày 18 tháng 4 loan tin ông Nguyễn Phú Trọng gửi điện mừng đến Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội Nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae.
Điện mừng được gửi đi nhân kỳ họp thứ nhất Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14 nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên bầu lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên.
Vào ngày chủ nhật 21 tháng 4 khi xảy ra những vụ đánh bom tại Sri Lanka, truyền thông Việt Nam cũng loan tin tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến tổng thống nước này.
Một số phim ảnh về ông Nguyễn Phú Trọng mà truyền thông trong nước loan đi được cư dân mạng chỉ ra là từ năm 2018.
*******************
Carl Thayer : Việt Nam có truyền thống bí mật tin lãnh đạo (BBC, 22/04/2019)
Ngay sau có khi tin tức về các vụ tấn công nghiêm trọng ở thủ đô Colombo, truyền thông Việt Nam đăng tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời chia buồn tới chính phủ Sri Lanka.
Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Trong lúc đó, sức khỏe của nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp tục là chuyện được nhiều người quan tâm, với các 'phiên bản tin đồn'.
Từ Canberra, Úc, Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, bình luận với BBC Tiếng Việt quanh những đồn đoán gần đây.
Carl Thayer : Đầu tiên, tôi phải nói rằng cả Đảng Cộng sản lẫn Chính phủ Việt Nam đều chưa đưa ra một tuyên bố chính thức nào về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Cho nên những gì tôi nêu ra sau đây hoàn toàn là dựa vào những đồn đoán mà chúng ta có thể nghe được trong những ngày qua. Mà bởi đó là những đồn đoán, cho nên tất cả đều có thể sẽ là không chính xác.
Chúng ta biết rằng hôm 14/4, ông Nguyễn Phú Trọng có mặt ở Kiên Giang. Có vẻ như ông ấy bị xuất huyết não và phải nhập viện, đầu tiên là ở bệnh viện địa phương rồi sau đó là bệnh viện ở Sài Gòn.
Tiếp sau đó thì những lời đồn đoán trở nên khó xác định hơn. Có đồn đoán là ông ấy được đưa sang Nhật và đã trở về, nhưng tôi không chắc là tin này có chính xác hay không.
Tin tức mới nhất nói rằng ông ấy đang phục hồi và vẫn bị liệt một tay.
Chúng ta không biết là tình hình nghiêm trọng đến đâu, ông ấy sẽ mất bao lâu để phục hồi.
Việt Nam không có hàng ngũ kế cận rõ rệt trong trường hợp Tổng bí thư Đảng trở nên không đủ khả năng đảm nhiệm công tác.
Với vị trí Chủ tịch nước thì người thay thế được xác định rõ là Phó Chủ tịch. Như trong trường hợp Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, bà Phó Chủ tịch [Đặng Thị Ngọc Thịnh] lên làm quyền Chủ tịch nước.
Thông cáo báo chí của văn phòng Thượng nghị sỹ Leahy ra hôm 12/4/2019 nói ông sẽ gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam trong chuyến công du
Trở lại với vấn đề chúng ta đang nói đến, thì ông Nguyễn Phú Trọng đang phục hồi, còn Đảng và chính phủ chọn cách không nhắc gì tới bệnh trạng của ông ấy.
Có một điểm đáng chú ý là Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Patrick Leahy đang tới thăm Việt Nam, liên quan tới việc Mỹ giúp Việt Nam tẩy hóa chất da cam ở khu vực sân bay Biên Hòa.
Trang web của ông ấy ra thông cáo báo chí nói rằng ngay từ đầu chuyến thăm tới Việt Nam, ông ấy sẽ gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng mà điều đó đã không xảy ra. Điều đó phải được giải thích rằng ông Trọng bị ốm bệnh.
Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương Đảng sẽ diễn ra trong tháng Năm. Theo thông lệ thì Tổng bí thư sẽ là người đọc diễn văn khai mạc cũng như bế mạc hội nghị. Cho nên chúng ta chưa biết hội nghị sắp tới thì sẽ thế nào.
Ông Patrick Leahy dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng Hoa Kỳ, gồm chín thượng nghị sỹ tới thăm Việt Nam từ 17 đến 22/4
BBC : Ông có nhắc tới chi tiết ông Trọng bị liệt một cánh tay và đang hồi phục. Ông biết từ nguồn tin nào đó hay chỉ nghe các đồn đoán ?
Carl Thayer : Không, tôi không nhận được nguồn tin chính thức nào xác nhận việc này. Tôi phải nói rõ là những thông tin tôi nêu ra đều chỉ là các đồn đoán.
BBC : Trong tuần này, tại Bắc Kinh sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng về Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, với nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới có mặt. Với những gì đang diễn ra hiện nay, thì ông đánh giá thế nào về sự tham gia của Việt Nam tại diễn đàn lần này ?
Carl Thayer : Tôi cho rằng đó phải là một người giữ vị trí cao trong hệ thống lãnh đạo, mà cái tên đầu tiên tôi nghĩ tới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bởi đây là sự kiện quan trọng, có sự tham dự của khoảng 40 nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia.
Nhìn vào các sự kiện như diễn đàn Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh trong tuần này, Hội nghị Trung ương trong tháng Năm, và lời mời của Tổng thống Trump, mời ông Trọng tới thăm Mỹ trong năm nay, cùng nhiều sự kiện nữa lấp kín lịch, tôi không rõ là Việt Nam sẽ hướng ra toàn thế giới bên ngoài bằng cách giữ im lặng được bao lâu.
Chuyện này thực ra không liên quan gì tới sự thành, bại của Đảng Cộng sản.
Ông Nguyễn Phú Trọng là một con người. Ông ấy ở cùng độ tuổi với tôi, ở tuổi này chúng tôi lúc nào cũng có thể phát sinh bệnh tật. Chính ông ấy cũng đưa vấn đề sức khỏe vào làm một trong các tiêu chí đánh giá đối với các lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản thân ông Trump cũng phải đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, rồi kết quả y tế cũng gây phát sinh tranh cãi. Vậy tại sao Việt Nam lại không làm được điều tương tự ? Chẳng có gì phải xấu hổ khi tuyên bố rằng Tổng bí thư Đảng bị ốm bệnh.
Nhưng mà điều không rõ ràng ở Việt Nam là khi Tổng bí thư Đảng ngã bệnh, thì ai sẽ là người lên thay, khác với vị trí Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh không có chân trong Bộ Chính trị, mà đó lại là một trong những điều kiện cần thiết để được trao một trong bốn vị trí 'tứ trụ, Giáo sư Thayer nhận xét
BBC : Gần đây, ông có nhắc tới tên bà Tòng Thị Phóng và ông Nguyễn Thiện Nhân. Vì sao ông lại đề cập tới những cái tên này trong bối cảnh đang có các đồn đoán tại Việt Nam hiện nay ?
Carl Thayer : Tôi chú ý tới các quan chức chủ chốt trong hệ thống chính trị hiện nay. Tôi cũng chú ý tới cả những người khác nữa, chẳng hạn như ông Trần Quốc Vượng, ông Phạm Minh Chính.
Việt Nam thường trao các chức vụ hàng đầu cho những người có kinh nghiệm dày dạn. Khi ông Trần Đại Quang qua đời, tôi nhận được những email gợi ý rằng Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng có thể lên thay. Nhưng rồi kết quả là họ đã hợp nhất vị trí Chủ tịch nước với vị trí Tổng bí thư. Họ không thể trao một chỗ trống cho một người bất kỳ.
Cho nên dự đoán của tôi là để đảm nhận vị trí tổng bí thư hay chủ tịch nước, tức là một trong bốn tứ trụ của Việt Nam, thì ứng viên phải có ít nhất là tròn một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị trước đây có 19 ủy viên, giờ thì ít hơn.
Bà Tòng Thị Phóng, [Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội] hiện là người duy nhất đạt tiêu chuẩn dày dạn kinh nghiệm đó.
Có một thế hệ mới nổi lên trong Đại hội Đảng, và ông Nguyễn Thiện Nhân [Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh] là một người trong số đó. Cho nên tôi thử suy nghĩ xem liệu đó có phải là những ứng viên có thể được cân nhắc không, nhưng đây là điều có lẽ là rất khó xảy ra. Nếu bệnh tình của Tổng bí thư là nghiêm trọng, thì Việt Nam phải ra quyết định.
Nhìn lại lịch sử, thì trước khi có Đại hội Đảng VI, 12/1986, Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời. Họ đã bổ nhiệm ông Trường Chinh, người từng là tổng bí thư, lên thay. Nhưng ông Trường Chinh chỉ giữ chức trong sáu tháng, rồi Đại hội Đảng sau đó đã bầu chọn ông Nguyễn Văn Linh.
Tôi cho rằng vào thời điểm này, họ cũng có thể làm điều tương tự.
Việt Nam vẫn chưa quyết định là việc nhất thể hóa chức danh tổng bí thư với chức danh chủ tịch nước sẽ trở thành chính thức, dài hạn hay không.
Nếu ông Trọng không thể đảm đương chức vụ được trong một thời gian, thì họ có thể đưa Phó Chủ tịch lên làm Quyền Chủ tịch nước, mà trong trường hợp này sẽ là 20 tháng chứ không phải chỉ bảy tháng.
Còn với vị trí Tổng bí thư, họ có thể đưa lên một người trông coi tạm (caretaker). Chuyện ai sẽ là người kế nhiệm ông Trọng với nhiệm kỳ 5 năm kể từ 2021 là vấn đề rất nhạy cảm. Nếu nhìn lại cách lựa chọn của Đảng trong quá khứ, nhìn vào mức độ dày dạn kinh nghiệm của các gương mặt trong Đảng lúc này, thì khó đoán đó là ai.
BBC : Nếu nhìn vào thông tin về các hoạt động được cho là của Tổng bí thư trong mấy ngày qua, thì ta thấy ông Trọng tích cực gửi thư chúc mừng, thư chia buồn tới lãnh đạo các nước, từ Bắc Triều Tiên cho tới Indonesia hay Sri Lanka, trong lúc có nhiều đồn đoán về vấn đề sức khỏe của ông ấy. Liệu có thể đánh giá các tín hiệu mà Việt Nam đưa ra thông qua các hoạt động này như thế nào ?
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng là người có đủ nhiệm kỳ 5 năm kinh nghiệm là ủy viên Bộ Chính trị, Giáo sư Thayer nói
Carl Thayer : Chúng ta hiểu rằng những lá thư như thế là do văn phòng soạn thảo, mà hiển nhiên là phải được cấp cao duyệt.
Nhìn lại chuyện xưa, chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng trước kia, người đã tổ chức cuộc tấn công Đại thắng Mùa xuân 1975, thì ông ấy đã biến mất một thời gian để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công, nhưng họ lại cố đưa tin là ông ấy vẫn đang chơi bóng chuyền.
Việt Nam có truyền thống che giấu thông tin về lãnh đạo khi vị lãnh đạo đó hoặc là ốm bệnh, hoặc là ở trong tình thế cần giữ kín hành tung để làm nhiệm vụ bí mật.
Các thư gửi đi thì do văn phòng soạn thảo, và việc ghi tên ông Trọng là người gửi sẽ khiến báo chí phải im lặng về chuyện ông ấy có ốm bệnh hay không. Đó cũng là cách khiến người dân thường tin rằng mọi chuyện diễn ra vẫn bình thường.
Nhưng mà trừ một chuyện không bình thường, như tôi đã nêu ở trên, là Thượng nghị sỹ Patrick Leahy ra thông cáo báo chí nói ông ấy đi Việt Nam từ 17 đến 22/4, sẽ gặp Tổng bí thư và các quan chức cao cấp khác. Thế nhưng ông Thượng nghị sỹ đã không gặp ông Trọng.
Trong trường hợp sức khỏe của ông Trần Đại Quang, ông Đinh Thế Huynh [ủy viên Bộ Chính trị] và các lãnh đạo khác, Việt Nam luôn thích chọn cách im lặng thay vì tuyên bố thông tin.
Tôi phải nhắc lại là ở Việt Nam không có người thay thế rõ ràng cho Tổng bí thư trong trường hợp người đứng đầu Đảng bị mất khả năng làm việc.
Có một số cái tên được người ta nhắc đến. Chẳng hạn như Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, người đang có vị trí quan trọng trong Đảng. Nhưng, như tôi đã đề cập, vấn đề kinh nghiệm là điều rất quan trọng. Tôi cho rằng họ sẽ để lại vấn đề ai thay thế ông Trọng cho đến 2021, còn trong lúc này họ sẽ chỉ sắp xếp ai đó trông nom tạm.
Từ những gì tôi theo dõi được, thì lần xuất huyết não này của ông Trọng không quá nghiêm trọng. Ông ấy có thể hồi phục sau vài tháng.
Sẽ phải có ai đó thay mặt ông ấy khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương sắp tới. Có thể diễn giải rằng đó sẽ là người sẽ thay thế ông ấy không ? Tôi không nghĩ thế. Hiện vẫn còn quá sớm để nói.
*****************
Kêu gọi trước ‘im lặng’ về tin ông Trọng ngã bệnh (RFA, 22/04/2019)
Trong bức thư kêu gọi cảnh giác, nhóm nhân sĩ gồm những nhân vật được biết đến như các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, giáo sư Tương Lai… đề cập đến vấn đề tin đồn trong những ngày vừa qua về việc ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị lâm bệnh.
Thư kêu gọi cảnh giác của các nhan sĩ Việt Nam. Courtesy from FB, RFA Edited
Giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam, thành viên tổ tư vấn thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhắc lại :
"Thì vừa rồi có tin ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ trong chuyến thăm tại Kiên Giang rồi đưa về bệnh viện tỉnh, rồi về thành phố và rồi đưa về Hà Nội. Thì tất cả cũng chỉ là tin đồn mà nhà nước và giới truyền thông không hề có một lời giải thích nào cả. Chính vì điều đó làm cho lòng dân trong nước bấn loạn hơn, không phải vì vai trò uy tín gì to lớn của ông Nguyễn Phú Trọng đâu mà bản thân ông Trọng thì người dân cũng không tin tưởng gì. Nhìn qua dư luận trên đường phố và ý kiến của các tầng lớp nhân dân ta tạm gọi là thông tấn vỉa hè và qua những thống kê của nhiều trang mạng uy tín có trách nhiệm thì thấy số người truy cập vào tin tức ấy thì rất cao. Trong khi nhân dân như vậy mà giới lãnh đạo lại không có thông tin chính thức gì cả. Điều đó nói lên rằng trong nội tình của ban lãnh đạo có nhiều vấn đề rất là lôi thôi, xoay quanh cái ghế quyền lực bị bỏ trống".
Bức thư cho rằng tin đồn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng khó kiểm chứng và càng khó hơn khi cả một bộ máy truyền thông từ Trung ương đến địa phương đều giữ một sự im lặng tuyệt đối về việc này.
Theo nhận định trong thư thì chính vì sự im lặng đó nói lên những mâu thuẫn gay gắt giữa các thế lực trong nội bộ Đảng và nhà nước. Thực trạng đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội trên nhiều mặt.
Các nhân sĩ cho rằng họ là những người chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nay mạnh dạn nói lên nỗi lo cho vận mệnh của quốc gia bằng Lời Kêu Gọi Cảnh Giác gửi đến nhân dân và giới lãnh đạo hiện nay.
Giáo sư Tương Lai chia sẻ rằng trong lịch sử của đất nước Việt Nam kẻ thù phương Bắc luôn rình rập những biến động xã hội ở lân bang để thực hiện mưu toan xâm lược phương Nam. Ông lý giải :
"Thế thì bây giờ đây thông tin về người đứng đầu đảng và nhà nước vị trí cao nhất nhưng vẫn bị bưng bít, không biết ông ta bệnh tình nặng tới đâu, sống chết thế nào và có tiếp tục được công việc nữa không… Lúc bấy giờ lòng dân hiện nay lo sợ rằng có thế lực nhắm vào ghế quyền lực đang bị bỏ trống ấy là cuộc tranh giành đấu đá nhau thì nó tạo ra một thế cho Tập Cận Bình ra tay, bởi vì họ không dại gì ngồi yên trong một thời cơ thuận lợi như thế này. Chính vì như thế chúng tôi mới ra lời kêu gọi cảnh giác".
Sau khi lời kêu gọi được lan truyền trên mạng xã hội, ngoài những ý kiến đồng thuận cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình bởi vì họ cho rằng, bức thư kêu gọi được viết không rõ ràng khiến nhiều người không hiểu là đang cảnh giác cái gì và cần cảnh giác ai như lời nhà báo Phạm Thành :
"Bây giờ phải nói là cảnh giác trước kẻ thù Trung Quốc, nói cho rõ ràng ra chứ nói phương Bắc là nước nào, phương Bắc bao nhiêu nước đâu chỉ một mình Trung Quốc, cho nên cái bọn đó là vừa đéo vừa run chả dám rõ ràng gì cả. Tôi đọc bài kêu gọi tôi rất là khó chịu, tôi không biết do tôi ngu hay những người kêu gọi ngu chẳng hiểu kêu cảnh giác cái gì, cảnh giác ai và sao lại cảnh giác các ông phải nói rõ ra chứ. Mấy ông cứ lập lờ nói chung chung chả đâu vào đâu trong khi bây giờ nó tràn ngập thông tin trên mạng anh mà viết rõ ràng không cụ thể thì hiệu quả của nó sẽ không có tác dụng gì hết bởi vì người ta sẽ không tin".
Phó giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và cũng là người tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam năm hôm 26/10/2018, nói với chúng tôi rằng, ông đồng ý với lời kêu gọi ; nhưng có thể do hơi vội vã nên 4 vị nhân sĩ đã viết nội dung kêu gọi không được rõ ràng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
"Tôi nghĩ rằng các vị này cũng hơi vội vã viết nội dung nó hơi rườm rà, văn phong thì không được giản dị nên người ta không biết là đang kêu gọi cái gì và phải làm gì, nhiều người đặt ra vấn đề như vậy. Tôi cũng góp ý là có lẽ nội dung nó chưa thật sự rõ và văn phong nó chưa được giản dị vì lời kêu gọi thì phải ngắn gọn thôi, có thể do vội vã nên sự chuẩn bị không được tốt".
Sau chuyến làm việc trong hai ngày 13 và 14 tháng 4 tại tỉnh Kiên Giang của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 4 các trang mạng xã hội ở Việt Nam đồng loạt đưa tin cho rằng ông này bị ngã bệnh trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kiên Giang.
Trong khi đó, các báo trong nước không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Truyền thông trong nước tiếp đó còn loan tin ông Nguyễn Phú Trọng gửi điện văn chúc mừng đến gửi điện mừng đến Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội Nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae nhân kỳ họp thứ nhất Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14 nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bầu lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên.
Vào ngày chủ nhật 21 tháng 4 khi xảy ra những vụ đánh bom tại Sri Lanka, truyền thông Việt Nam cũng loan tin tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến tổng thống nước này.
Cư dân mạng vào ngày 22 tháng 4 phát hiện Truyền hình Việt Nam loan tin về ông Nguyễn Phú Trọng nhưng sử dụng những thước phim cũ năm 2018.
*********************
Đổi lịch trình, Nguyễn Phú Trọng không gặp đoàn thượng nghị sĩ Mỹ thăm VN (VOA, 21/04/2019)
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không đón tiếp phái đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam như lịch trình ban đầu, một phụ tá của một thượng nghị sĩ cho VOA biết, giữa lúc có nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam.
Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong một cuộc gặp gỡ đã được lên lịch với phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ giữa lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông.
Ông Trọng đã không được nhìn thấy ở nơi công cộng kể từ chuyến thăm tỉnh Kiên Giang vào ngày 13 và 14 tháng 4. Kể từ đó tin tức về ông trên truyền thông chính thống chỉ là việc ông được nói là gửi điện mừng Indonesia bầu cử thành công và mừng các lãnh đạo Triều Tiên sau kỳ họp Hội nghị Nhân dân Tối cao.
Nhưng mạng xã hội tuần qua xôn xao với tin tức nói rằng ông bị "xuất huyết não" trong chuyến thăm Kiên Giang và được gấp rút đưa về điều trị ở thành phố Hồ Chí Minh rồi Hà Nội.
VOA không thể kiểm chứng một cách độc lập tin tức này. Một yêu cầu bình luận của VOA gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam không được hồi đáp.
Trong khi đó một tờ báo thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng những website ủng hộ chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực phản bác những đồn đoán và đe dọa xử lý nghiêm những người "tung tin đồn thất thiệt".
Nhưng có những chỉ dấu về sự vắng mặt bất thường của ông Trọng, ít nhất là trong một sự kiện công khai đã được hoạch định.
Thông cáo của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy công bố vào ngày 12 tháng 4 cho biết phái đoàn chín thượng nghị sĩ lưỡng đảng do ông dẫn đầu đến Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước "sẽ hội kiến Chủ tịch và Tổng bí thư, Bộ trưởng Quốc phòng cùng các quan chức Việt Nam khác và sẽ thăm Quốc hội".
Một phụ tá của ông nói với VOA vào ngày 19 tháng 4 rằng cuộc gặp của phái đoàn với ông Trọng đã không diễn ra.
"Thượng nghị sĩ Leahy đã từng gặp ông ấy hai lần trước đây nhưng không phải lần này vì những lý do về sắp xếp tổ chức", phát ngôn viên David Carle nói trong một email gửi cho VOA mà không cung cấp thêm chi tiết nào khác.
Không rõ phái đoàn Mỹ biết về sự thay đổi lịch trình vào lúc nào và lý do mà họ được cho biết là gì. VOA liên lạc với một số thượng nghị sĩ khác để hỏi về sự thay đổi này nhưng không nhận được hồi đáp.
Đoàn thượng nghị sĩ Mỹ rốt cục được đón tiếp bởi Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại trụ sở Trung ương Đảng vào chiều ngày 18 tháng 4, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin. Các cuộc gặp với các quan chức Việt Nam khác vẫn diễn ra theo lịch trình.
Trong khi những đồn đoán không có dấu hiệu suy giảm, báo Quân đội Nhân dân ngày 18 tháng 4 đăng một bài báo dài đả kích điều mà họ gọi là "nấm độc thông tin" nảy nở xung quanh tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Bài báo không nhắc đến tên ông Trọng nhưng đả kích những người "ác tâm ‘gắp lửa bỏ tay người’, bịa đặt trắng trợn" nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân các nhà lãnh đạo.
Tờ báo của Bộ Quốc phòng cũng chỉ trích những cán bộ, đảng viên "thích hiếu kỳ, chia sẻ, bình luận để câu ‘like’" và cảnh báo họ về điều bị cho là những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", trước khi kêu gọi "xử lý nghiêm minh" về mặt pháp lý và đạo lý những người đứng sau tin đồn.
"Dư luận mong chờ và kiến nghị các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan pháp luật phải mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm minh các đối tượng đơm đặt, tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt", tờ báo nói.
"Phải nhanh chóng sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt, quy trách nhiệm tới cùng đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho cộng đồng".
Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước trong đó quy định thông tin sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được xem là một trong những bí mật nhà nước cần được bảo vệ.
*****************
Ông Nguyễn Phú Trọng ‘chia buồn’ với Sri Lanka (VOA, 21/04/2019)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 21/4 đã "gửi điện chia buồn" tới Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena về các vụ đánh bom chết chóc xảy ra tại quốc gia nằm ở Ấn Độ Dương, theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng trong đám tang ông Trần Đại Quang năm 2018.
Điện chia buồn của ông Trọng cũng như của các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam được gửi đi ít giờ sau khi Sri Lanka trải qua các vụ tấn công tại các nhà thờ và khách sạn làm hàng trăm người thiệt mạng.
Trong khi đó, VnExpress dẫn lời đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka cho biết đã "liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam bị ảnh hưởng".
Tin tức về ông Trọng được phát đi trong bối cảnh hiện vẫn có các đồn đoán trên mạng xã hội về tình trạng sức khỏe của ông sau khi có tin chưa được kiểm chứng rằng nhà lãnh đạo này phải "nhập viện" trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.