Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh qua đời, thọ 99 tuổi (VOA, 22/04/2019)
Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh, người cuối cùng trong Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, qua đời hôm 22/4 sau một thời gian lâm bệnh, thọ 99 tuổi, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.
Năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Vị chủ tịch nước thứ 4 của Việt Nam vừa qua đời hôm 22/4. (Ảnh TTXVN chụp từ màn hình Dân Việt)
Bản tin của TTXVN trích dẫn thông tin từ Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Đại tướng Lê Đức Anh "sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 20 giờ 10 phút, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A Hoàng Diệu, Hà Nội".
Lễ viếng, truy điệu và an táng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ được thông báo sau, theo VnExpress.
Tờ báo này trích dẫn lời ông Lê Mạnh Hà, con trai duy nhất của ông Lê Đức Anh, khẳng định thông tin bố ông trừ trần tối ngày 22/4.
Trước đó nhiều giờ, ông Hà, trong một dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân với tựa đề "Tiến về Sài Gòn" cho biết bố ông "đang được các bác sỹ bệnh viện 108 chăm sóc tận tình" và "sẽ là người cuối cùng trong Bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy (tức chiến dịch Hồ Chí Minh) ra đi mãi mãi".
Thông tin về việc Đại tướng Lê Đức Anh, người giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ 1992-1997, qua đời bắt đầu được lan truyền trên một số trang điện tử và Facebook trong ngày 22/4 trước khi truyền thông nhà nước loan tin.
Trang Facebook có tên "Sự Kiện" và "Tin Chính Trị" trích dẫn nguồn tin từ trang web Baolua.info cho biết "Nguyên chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh vừa từ trần ngày 22/4/2019", với dòng trạng thái "Vô cùng thương tiếc sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh" và "Vĩnh biệt Đại tướng, nguyên chủ tịch nước. Lại thêm một quốc tang ?"
Trước đó trong ngày 22/4, trang điện tử báo Thanh Niên đăng 1 bài viết dài về sự đóng góp của ông Lê Đức Anh vào các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Báo Thanh Niên cho biết ông Lê Đức Anh là một trong số ít những vị tướng đã trải qua các cuộc chiến tranh, trong đó có cuộc chiến tranh chống Mỹ, từ 1945 đến 1989. Ông là một trong những vị tướng tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh trong chiến tranh Việt Nam.
Trang tin Info.net trong ngày 22/4 cũng đăng tải một bài viết "nhìn lại công lao của Đại tướng Lê Đức Anh" nhân kỷ niệm 30/4.
Cách đây 44 năm, ông Lê Đức Anh "chỉ huy một cánh quân trong đội quân huyền thoại tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc", theo ông Hà cho biết trong phần đăng tải trên Facebook.
Trong một đăng tải khác trên trang mạng xã hội này vào ngày 1/12/2018, ông Hà viết về ngày "sinh nhật ba năm 2017" khi ông Lê Đức Anh tròn 97 tuổi và là "vị tướng duy nhất còn sống của Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định".
"Ông nằm trong số ít người đã trải qua cả 4 cuộc chiến : đánh Pháp, đánh Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và đánh Trung Quốc", ông Hà nói về ba của mình.
Ông Lê Đức Anh là người chỉ huy trận đánh của quân Việt Nam trước quân Trung Quốc ở đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Vẫn còn những tranh cãi xoay quanh việc liệu ông Lê Đức Anh, lúc đó là bộ trưởng bộ Quốc phòng, có phải là người ra lệnh "không được nổ súng" như Thiếu tướng Lê Mã Lương nói hay không. 64 binh sỹ Việt Nam đã bị Trung Quốc giết hại trong trận hải chiến Gạc Ma và quân Trung Quốc đã chiếm đóng hòn đảo này từ đó đến nay.
Ông Lê Đức Anh từng bị tai biến nặng khi đang giữ chức chủ tịch nước năm 1996, theo Thanh Niên. Tờ báo này cho biết sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng vào đầu năm 2018 nhưng "một lần nữa ông đã vượt qua cơn nguy kịch một cách thần kỳ".
Trong tuần qua, trên mạng xã hội cũng đã rộ lên tin đồn về việc Tổng Bí Thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện khi đang đi công tác ở Kiên Giang. Chính phủ Việt Nam cho đến lúc này vẫn chưa đưa ra phản ứng gì trước những tin đồn đó.
Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam thông qua một bộ luật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước trong đó quy định các thông tin, bao gồm sức khỏe của các nhà lãnh đạo cao nhất nước, là "bí mật quốc gia" và phải được giữ kín.
*****************
Cựu chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh từ trần (RFA, 22/04/2019)
Ông Lê Đức Anh, đại tướng cựu chủ tịch nước Việt Nam, từ trần vào lúc chiều tối ngày 22 tháng 4 tại nhà Công vụ số 5A, phố Hoàng Diệu, Hà Nội.
Cựu chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh viếng cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Dinh Thống Nhất hôm 14 tháng 6 năm 2008. AFP
Thông tấn xã Việt Nam dẫn nguồn từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương loan tin cho biết ông này tuổi cao, sức yếu nên không thể qua khỏi dù được chăm sóc tận tình trong suốt thời gian lâm bệnh.
Ông Lê Đức Anh có hàm cao nhất trong quân đội là đại tướng và ông giữ chức chủ tịch nước Việt Nam nhiệm kỳ 1992-1997. Ông được phong hàm đại tướng vào năm 1984.
Từ năm 1987 đến 1991, Ông Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng ; ông cũng từng là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong thời gian 1986-1987.
Ông Lê Đức Anh cũng là ủy viên bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam các khóa V,VI, VII ; bí thư trung ương đảng khóa VII, ủy viên thường vụ bộ chính trị khóa VIII…
Tin cho biết Ông Lê Đức Anh từng tham gia chiến dịch ở Campuchia, là tư lệnh quân Việt Nam tại Xứ Chùa Tháp.
Trong cuộc Trung Quốc tấn công cưỡng chiến đảo Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988, Ông Lê Đức Anh bị thiếu tướng Lê Mã Lương trong một cuộc hội thảo vào năm 2015 ở Hà Nôi nói là người ra lệnh không cho binh sĩ Việt Nam nổ súng chống lại phía Trung Quốc . Quyết định này khiến 64 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng tại Gạc Ma lúc đó.
Ông Lê Đức Anh sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ông trở thành đảng viên đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1938, tức năm 18 tuổi.