Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/06/2019

Trại giam số 6, truất hữu đất Long Hưng

Tổng hợp

Báo động tình trạng các tù nhân lương tâm trại 6, Nghệ An bị "thiêu đốt" giữa cái nóng lịch sử (RFA, 29/06/2019)

Hai nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng và Nguyễn Thuý Hạnh vừa tọa kháng giữa trời nắng nóng tại Hà Nội vào trưa ngày 29/6/2019 để phản đối việc ngược đãi những Tù nhân lương tâm (tù nhân lương tâm) Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Những tù nhân này hiện đã tuyệt thực được 19 ngày vì bị cắt quạt điện giữa thời tiết nắng nóng lịch sử.

tu1

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc tại tòa án tỉnh Thái Bình hôm 10/4/2018 - Hình minh hoạ. AFP

Có ít nhất 4 tù nhân lương tâm gồm Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực, Ngô Viết Dũng cùng nhau tuyệt thực vì yêu cầu được sử dụng quạt điện không được đáp ứng.

Ông Trương Văn Dũng nói với RFA từ Hà Nội rằng "Với cái nắng nóng này, dù có được sử dụng quạt điện thì cũng chưa ăn thua gì, huống gì những người tù phải ở trong nhà tôn mà còn bị cắt quạt thì phải nói đây là những đòn tra tấn, hành hạ những tù nhân lương tâm của nhà cầm quyền".

"Chúng tôi chỉ ngồi một lúc còn không chịu nổi huống gì các anh em tù nhân lương tâm họ phải chịu đựng cái nắng như thiêu như đốt gần một tháng nay rồi thì ko biết họ sẽ chịu đừng thế nào, tính mạng họ ra sao".

Theo dự báo thời tiết ở Việt Nam, những ngày qua, miền Bắc và Trung Việt Nam phải chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ trung bình từ 31 đến 34 độ, có nơi trên 40 độ C.

Ông Dũng nhận thấy sự kiện các tù nhân lương tâm tuyệt thực lần này ít được quan tâm. Vì vậy, việc tọa kháng nhằm kêu gọi mọi người cũng như các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự trong và ngoài nước cùng lên án hành động này của Trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An - "Chúng tôi tọa kháng với mong muốn sự kiện này sẽ được lan tỏa cho mọi người nhìn thấy và cùng đồng loạt lên tiếng để cứu các tù nhân lương tâm đang bị "thiêu đốt" trong trại giam. Nếu có thể, hãy đề nghị đại diện của các Đại sứ quán trực tiếp xuống trại giam để kiểm tra tình hình thực tại anh em trong đó sống ra sao".

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở hai nước ở Việt Nam và Campuchia bình luận qua điện thoại với RFA rằng họ đã theo dõi vụ việc này từ khi thông tin về cuộc tuyệt thực vừa được đưa ra ngoài.

"Đối với Ân Xá Quốc Tế, đây là hành động ngược đãi nhằm trừng phạt các tù nhân lương tâm đang bị glam ở trại số 6. Nếu sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của các tù nhân lương tâm này bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sẽ có cơ sở để cho rằng Trại giam số 6 đang thực hiện hành vi tra tấn mà luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp Quốc tế đều nghiêm cấm các hành vi tra tấn dưới bất cứ hình thức nào.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách tại Trại giam số 6 phải chấm dứt các hành vi ngược đãi ngay lập tức và Ân Xá Quốc Tế hối thúc Bộ Công An ngay lập tức phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm này".

Đài Châu Á Tự Do không liên lạc được với công an Trại giam số 6 để tìm hiểu về vụ việc.

Cập nhật tình hình sức khỏe hiện nay của các tù nhân lương tâm đang tuyệt thực, bà Nguyễn Thị Kim Thanh là vợ của ký giả Trương Minh Đức viết trên trang facebook cá nhân cho hay, vợ của thầy giáo Đào Quang Thực đi thăm nuôi chồng vào ngày 28/6/2019 và cho biết những người tù vẫn đang tuyệt thực và yếu dần, kiệt sức nghiêm trọng, nguy cơ huyết áp cao và bị nhồi máu cơ tim.

Hôm 23/6/2019, Bà Thanh cũng đã gởi đơn khiếu nại đến Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, yêu cầu cán bộ Trại giam số 6, Thanh Chương Nghệ An "giải quyết khếu nại, tố cáo của các Tù Nhân Chính Trị, đối xử nhân đạo với các Tù Nhân Chính Trị bằng cách trang bị quạt điện cho họ sớm nhất trong thời gian nắng nóng quá khắt nghiệt".

Như RFA đã đưa tin, ngày 21/6/2019, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đi thăm chồng định kỳ hàng tháng thì nhận thấy sức khỏe tù nhân lương tâm Trương Minh Đức sụt giảm hẳn, đầu chúi xuống đất và mắt mở không nổi.

Cuộc thăm gặp diễn ra được khoảng 30 phút thì ông Đức thông báo rằng cán bộ trại giam đột ngột tháo tất cả quạt điện mang đi lúc thời tiết ở Miền Trung Việt Nam đang ở vào giai đoạn nắng nóng khắc nghiệt. Vì vậy, các tù nhân lương tâm trong trại đã đồng loạt tuyệt thực hơn 10 ngày để phản đối sự "ngược đãi" và yêu cầu phía trại giam phải giải quyết khiếu nại.

Theo Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam hiện vẫn giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam về vấn đề đối xử bất công với tù nhân lương tâm. Việt Nam thường bác bỏ những cáo buộc này trước quốc tế.

*******************

Dự án Long Hưng, lo ngại là đại ‘Thủ Thiêm’ ở Đồng Nai (Người Việt, 28/06/2019)

Sáng 25/6/2019, cử tri tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến với Dân biểu quốc hộiVõ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, về việc "đôn đốc Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra hai dự án Sơn Tiên, Long Hưng".

tu2

Một cử tri bật khóc khi nói việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất. (Hình : Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, tại buổi tiếp xúc ở xã Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa), cử tri Trịnh Thị Nhàn cho hay dự án Khu Kinh Tế Mở Long Hưng (xã An Hòa) đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra từ lâu. Dân có đất bị thu hồi cũng khiếu nại từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi đang xảy ra các vụ cưỡng chế thu hồi đất của dân.

Nhiều người dân có đất ở khu vực này cho hay sẽ chuyển tâm thư của khoảng 200 gia đình cho Tổ Dân biểu quốc hộivề dự án này và mong muốn "công bố kết luận thanh tra vì đã vào cuộc hai năm rồi".

Bà Nhàn nói : "Dự án này đang là điểm nóng của Đồng Nai. Nếu trung ương không quan tâm giải quyết, làm rõ các kiến nghị của cử tri thì có thể xảy ra những mất mát như vụ Thủ Thiêm ở Sài Gòn".

tu3

Người dân xã An Hòa, biểu tình chống đối. (Hình : Facebook)

Ông Thưởng nói : "Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm cá nhân làm việc với cơ quan trung ương, tôi sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, nhắc nhở để kiên trì sao cho vấn đề cử tri nêu ra được giải quyết. Ngoài trách nhiệm của đại biểu Quốc Hội, tôi còn trách nhiệm trong tập thể lãnh đạo của đảng nên nhiều việc không chỉ chuyển đơn mà còn gặp gỡ, trao đổi trực tiếp".

Thế nhưng, hôm qua 27 tháng Sáu, trên mạng xã hội Facebook cho thấy người dân xã Long Hưng đã có những phản ứng quyết liệt chống bị cướp đất. Có gia đình còn mang cả quan tài ra chắn ngay trước cửa nhà, thề tử thủ giữ đất. Tình hình căng như dây đàn.

Theo quy hoạch mà chính phủ đã phê duyệt, các tuyến xa lộ tỏa đi các ngã đều đi qua hoặc chạy bên cạnh địa phương này. Long Hưng giáp ranh, chỉ cách quận 9 (Sài Gòn) một con sông Đồng Nai, cách trung tâm Biên Hòa 7 cây số, cách trung tâm Sài Gòn 20 cây số và cách phi trường quốc tế Long Thành trong tương lai 15 cây số…

tu4

Người dân đặt cả quan tài trước nhà thề quyết tử để giữ nhà đất của mình. (Hình : Facebook)

Chính vị trí đắc địa, rất thuận lợi về mặt giao thông này "mảnh đất vàng" Long Hưng đã khiến những nhóm "lợi ích" chuyên "ăn đất" đã lưu ý từ hơn 10 năm trước.

Ngày 8/8/2016, siêu Dự án Dreamland City-Khu đô thị Long Hưng của Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) cùng hai đối tác là Kepppel Land và VinaCapital, có diện tích gần 1.300 hécta, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD được công bố. Phần đất của Long Hưng phải giao cho dự án lên tới hơn 899 hécta (xấp xỉ 86% tổng diện tích toàn xã).

Phần lớn nhất dự án thuộc về Dona Coop. Tập đoàn đầy tai tiếng này vốn chỉ là một Hợp Tác Xã được thành lập vào năm 2002 với số vốn chỉ 450 triệu đồng (19.293 USD) do 30 xã viên đóng góp. Nhưng, được sự giới thiệu và ủng hộ của Ban Kinh tế Tỉnh ủy Đồng Nai, chỉ năm năm sau đó, khi chính thức trở thành Dona Co.op với 5 tỷ đồng (214.370 USD) vốn, nó đã được Đồng Nai ưu ái giao tới 11 triệu mét vuông đất.

tu5

Cử tri nán lại gặp ông Võ Văn Thưởng và trình bày thêm những bực tức chưa được giải quyết. (Hình : Tuổi Trẻ)

Đến thời điểm 2016, với siêu Dự án Dreamland City, Dona Coop tiếp tục được giao thêm 13 triệu mét vuông đất nữa. Cùng với các siêu dự án, Dona Coop cũng trở thành một siêu thế lực, "có thể vẽ lại toàn bộ bản đồ quy hoạch đất đai ở Đồng Nai".

Để lấy đất của dân, Dona Coop chỉ đưa ra giá đền bù "cho có". Người dân Long Hưng được đền bù, tùy loại, có khi chỉ 60.000 đồng (2,5 USD)/mét vuông đất để giật sập nhà, chặt vườn, đào ruộng, san dời mồ mả tổ tiên.

Sau đó, Dona Co.op bán lại nền đất trong khu dân cư mới đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng với giá từ 14-17 triệu đồng (600 USD -728 USD)/mét vuông. Khu đắt nhất, có thể trùng vị trí nền nhà hoặc mảnh vườn cũ đã bị thu hồi, giá có thể lên tới 29 triệu đồng (1.243 USD)/mét vuông, đắt gấp 483 lần giá được đền bù. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)