Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/07/2019

Lỗ cũng làm đường sắt Bắc Nam, đại gia Mường Thanh, váo buộc trốn thuế

BBC tiếng Việt

Đường sắt cao tốc Bắc Nam : Lỗ cũng nên làm ? (BBC, 12/07/2019)

Báo cáo về kế hoạch đường sắt cao tốc Bắc Nam giữa hai cơ quan cấp bộ của Việt Nam chênh nhau tới 32 tỷ đồng.

bacnam1

Bao giờ Việt Nam có đường sắt cao tốc ?

Bộ Giao thông Vận tải đưa ra mức đầu tư 58,7 tỷ đô la cho tàu tốc độ 350 km/h.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi đó, nói loại tàu 200 km/h hiệu quả hơn, kinh phí chỉ 26 tỷ đô la.

Chênh nhau 32 tỷ

bacnam2

Tàu cao tốc Shinkansen thế hệ mới của Nhật Bản (Ảnh chụp năm 2010)

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận Tải, toàn tuyến đường sắt dự kiến dài 1.559 km, gồm 24 ga, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng, tốc độ thiết kế 350 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.344.459 tỷ đồng, tương đương 58,7 tỷ đô la, trong đó vốn Nhà nước chiếm 80%, còn lại là vốn tư nhân.

Giai đoạn một của dự án từ 2020-2032 xây tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh ; Giai đoạn hai 2032-2050 xây tuyến Vinh - Nha Trang.

Nhưng Bộ Kế hoạch và đầu tư không đồng tình, nói tốc độ 350km/h là 'không cần thiết', chi phí 'đắt đỏ'. Và đề xuất chỉ thiết kế ở mức 200 km/h vì 'hiệu quả hơn' và 'rẻ hơn', 'giống các nước' và chi phí chỉ 26 tỷ đô la, giảm hơn 32 tỷ đô la so với Bộ Giao thông và vận tải đề xuất. Với thiết kế này, đi Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất 8 tiếng 'là hợp lý'.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng chỉ ra rằng báo cáo của Bộ Giao thông và vận tải nói năng lực khai thác hai tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2032 đạt 364.000 hành khách/ngày nhưng dự báo chỉ đạt từ 55.000 - 58.000 hành khách/ngày (chỉ gần 16% công suất đầu tư). Mức đầu tư như vậy cho thấy dư thừa và lãng phí ngay từ giai đoạn 1.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng nói kiến thức và thực nghiệm của Việt Nam chưa đầy đủ để triển khai một tuyến đường sắc cao tốc nên sẽ không chủ động mà 'lệ thuộc công nghệ nước khá' nên rất nguy hiểm cho khả năng tự chủ của Việt Nam.

'Liệu cơm gắp mắm'

Báo cáo của 2 bộ vênh nhau tới 32 tỷ cùng với đề xuất tốc độ thiết kế tàu khác biệt gây nhiều ý kiến trong cộng đồng.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nói với báo Dân Trí rằng bà ủng hộ phương án của Bộ Kế hoạch và đầu tư là cải tạo dần đường sắt Bắc Nam để chuyển thành đường sắt cao tốc, rồi sau đó tính phương án xây dựng đường mới chạy song song.

Bà Lan nói không nên làm đường sắt cao tốc chỉ chở khách (như đề xuất của Bộ Giao thông và vận tải) mà không chở hàng vì như vậy sẽ làm giảm 2/3 hiệu quả kinh tế, do hiện nay nhiều người dân có nhu cầu đi lại làm ăn kinh tế chứ không chỉ đi chơi.

Bà Chi Lan cũng phân tích rằng nếu đi tàu Bắc Nam mà mất 8 tiếng, vé lại đắt, thì người ta sẽ chọn máy bay, vừa rẻ hơn lại chỉ mất 2 - 3 tiếng.

Bà Chi Lan cũng nói hiện tại ta đã có rất nhiều dự án giao thông, như đường bộ cao tốc Bắc Nam, rồi đường thủy ven biển nên trước khi bỏ hơn 58 tỷ đồng ra làm đường sắt cao tốc, cần xem có chịu nổi sự cạnh tranh hay không.

Tàu cao tốc Shinkasen của Nhật Bản giá vé rất đắt nên không phổ biến cho toàn dần mà chỉ dành cho người có thu nhập cao và "chúng ta cần phải liệu cơm, gắp mắm mới phát triển được đất nước", theo bà Chi Lan.

Lỗ cũng nên làm ?

Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói với Zing.vn rằng nếu làm đường sắt tốc độ 200 km/h như theo đề xuất của Bộ Khoa học và công nghệ thì sau này phải đập đi xây lại nếu muốn nâng lên 350 km/h. Trong khi Bộ Giao thông và vận tải đã nghiên cứu từ lâu và xác định 'làm cho lâu dài' nên muốn làm ngay từ đầu loại 350 km để .

Ông Đông cũng thừa nhận rằng điểm chung trong lĩnh vực đầu tư đường sắt trên thế giới là 'rất khó thu hồi vốn'.

"Giống như đường bộ, Nhà nước thường bỏ ra 40-50% vốn đầu tư, trong khi đường sắt lại đắt gấp 3-4 lần nên Nhà nước phải can thiệp rất nhiều", ông Đông nói.

Cây bút Lê Kiến thì viết trên Facebook cá nhân : "Đường sắt tốc độ cao, lỗ cũng phải làm".

"Quan điểm của tôi là Việt Nam phải làm đường sắt hiện đại. Nhưng quý vị cần thận trọng khi dùng chữ "tiết kiệm" để so sánh phương án của Bộ Giao thông và vận tải (hơn 58 tỉ đô la) với phương án của Bộ Kế hoạch và đầu tư (26 tỉ đô la). Bởi hai phương án đó hoàn toàn khác nhau, một bên là tham vọng làm hẳn tuyến đường sắt "cao tốc" 350km/h hoàn toàn mới theo công nghệ Nhật Bản (nổi tiếng với các đoàn tàu Shinkansen), một bên là đề xuất làm đường sắt "tốc độ cao" trên cơ sở vừa cải tạo vừa thêm tuyến bên đường sắt cũ, với khổ 1,435m".

"Cao tốc với tốc độ cao nó khác hẳn nhau về công nghệ đấy quý vị ạ. Tất nhiên, tôi ủng hộ xây tốc độ cao thôi, đỡ rủi ro phương án tài chính, chạy 200km/h được rồi".

"Vậy thì nếu làm xong với việc chi 26 tỉ đô la thì có lỗ vốn không ? Tôi mà còn sống được dăm chục năm nữa thì vẫn khẳng định với quý vị là làm đường sắt sẽ lỗ, lỗ và lỗ. Hiện nay đường sắt lỗ trên toàn thế giới, từ Anh, Pháp, Đức, Nhật…, lỗ hết, Nhà nước phải trợ giá hoặc phải "ôm" lấy hạ tầng".

"Vậy lỗ thì có làm không ? Lỗ vẫn phải làm quý vị ạ. Đó là bài toán tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội phải cân đối thôi. Quý vị có nhớ không, cách đây một thập kỷ, tổng số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam có năm lên đến gần 13.000 người. Chính phủ quyết tâm làm xong Quốc lộ 1, số người chết giảm đi, giờ khoảng 8.000. Nhưng một thập kỷ trôi qua, tốc độ phát triển kinh tế tăng đều trên 6% mỗi năm, bây giờ hạ tầng giao thông lại trở thành điểm nghẽn. Tết đến giờ, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại xảy ra thường xuyên hơn".

"Một quốc gia muốn phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, thì không thể không đầu tư làm đường sắt. Thế còn quản lý thế nào cho dự án nó hiệu quả, lại là câu chuyện khác nữa".

Trong khi đó, kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường, trong một bài viết trên Vietnamnet, cho rằng nên "mở thêm diễn đàn cho các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước góp ý".

"Đường sắt tốc độ cao cực kỳ tốn kém và thường chỉ dành cho những quốc gia có sẵn nguồn lực và nền kinh tế mạnh, GDP gấp nhiều lần Việt Nam, đều đã hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm chủ công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha…".

"Không phải quốc gia nào giàu có, làm chủ khoa học công nghệ kỹ thuật cũng làm đường sắt tốc độ cao nếu nhận thấy không phù hợp hay ít hiệu quả hơn phương án đầu tư khác".

"Chọn sai phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao dẫn đến lãng phí là có tội với dân, với nước".

*****************

Khởi tố ông Lê Thanh Thản từ tập đoàn Mường Thanh (BBC, 10/07/2019)

Một đại gia trong lĩnh vực địa ốc của Việt Nam, ông Lê Thanh Thản, vừa bị khởi tố vụ án và khởi tố bị can.

bacnam3

Địa ốc, bất động sản là một lĩnh vực có nhiều phát triển mạnh ở Việt Nam thời gian qua

Hôm 10/7/2019, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho hay cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Lê Thanh Thản để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.

Báo này ghi rõ ông Thản là - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh với nhiều dự án bất động sản ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

"Bước đầu cơ quan điều tra xác định, nhiều dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh vướng sai phạm lớn là xây dựng vượt tầng - phá vỡ quy hoạch được duyệt và có các sai phạm trong quá trình chuyển nhượng, thâu tóm dự án.

"Trước đó, kết luận thanh tra của UBND Thành phố Hà Nội nói về hàng loạt dự án sai phạm của tập đoàn này và đã được chuyển Cơ quan điều tra làm rõ. Những vấn đề nổi cộm chủ yếu liên quan đến việc nhiều người dân đã mua căn hộ tại các dự án xảy ra sai phạm không được cấp sổ đỏ vì Tập đoàn Mường Thanh chưa khắc phục triệt để các sai phạm".

Trước đó, vẫn theo tờ báo này, năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng của Việt Nam đã ban hành Kết luận về dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 có quy mô 388 ha, theo đó cơ quan này đã chỉ rõ 'vi phạm xây thêm' diện tích tại tầng áp mái của chín tòa chung cư thuộc các hai ô đất.

'Vỏ bọc kinh doanh'

Tờ báo thuộc Cơ quan công an Thành phố Hồ Chí Minh dùng từ 'vỏ bọc kinh doanh' khi đưa tin về vụ việc :

"Ngoài ra, đơn vị này cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án. Trên thực tế, Cienco 5 Land chỉ là vỏ bọc khi Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty con của Tập đoàn Mường Thanh - sở hữu đến 92,82% cổ phần tại Cienco 5 Land và là ông chủ thực của dự án Thanh Hà - Cienco 5", vẫn theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo Tuổi trẻ cùng hôm thứ Tư cũng đưa tin về vụ khởi tố với nhân vật có biệt danh là "đại gia điếu cày", và cho biết thêm chi tiết :

bacnam4

Tin tức về vụ việc trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/7/2019

"Liên quan tới khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, đơn vị này cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án. Trên thực tế, Cienco 5 Land chỉ là vỏ bọc khi Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - công ty con của Tập đoàn Mường Thanh - sở hữu đến 92,82% cổ phần tại Cienco 5 Land và là ông chủ thực của dự án Thanh Hà - Cienco 5.

"Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã thanh tra việc xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng tại một số dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu (sau đổi tên thành Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) và phát hiện nhiều sai phạm, phải chuyển sang Cơ quan an ninh điều tra làm rõ".

Vẫn chỉ là tin đồn ?

Cùng ngày, trên nhiều báo Việt Nam đã xuất hiện nhiều tin tức liên quan vị đại gia này. Một số tờ báo cho biết một số thông tin chưa được kiểm chứng về việc 'bắt giữ' với đại gia, cũng như cho hay bản thân ông Thanh Thản 'chưa có thông tin' về các lệnh khởi tố liên quan tới ông.

bacnam5

Báo Infonet thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đưa tin về đại gia

Chuyên mục Kinh doanh của báo điện tử Infonet chạy tin nói "Lê Thanh Thản bị bắt vẫn chỉ là tin đồn", với bài báo có đoạn cho hay : "Ông Lê Thanh Thản cười khi nghe nói trên mạng xã hội đang rộ tin đồn ông bị bắt, nói mình vẫn bình thường và cho biết đang đi công tác tại Phú Quốc (Kiên Giang)".

Báo Đất Việt cho hay từ vài năm trước cũng đã có tin đồn về việc đại gia này bị khởi tố :

"Trưa ngày 10/7/2019, trao đổi với báo chí về thông lan truyền trên mạng xã hội, đại gia "điếu cày" Lê Thanh Thản - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mường Thanh nói bản thân vẫn bình thường và đang đi công tác tại Phú Quốc - Kiên Giang chứ không bị công an bắt như dư luận đồn thổi.

"Lời khẳng định của đại gia Lê Thanh Thản đã bác bỏ thông tin dư luận đồn thổi vào sáng cùng ngày khi nói rằng ông bị khởi tố, bắt giam. Trước đây vài năm, mạng xã hội cũng từng xuất hiện những thông tin đồn thổi về việc ông Thản và Tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố liên quan đến những sai phạm về xây dựng. Tuy nhiên, sau đó các thông tin đều chỉ dừng ở mức đồn thổi".

bacnam6

Tin tức về vụ việc trên báo Người Lao động

Tuy nhiên, tờ báo dẫn lời Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Giám đốc Công an Thành phố, phát biểu hôm 09/7 :

"Liên quan đến các dự án do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư, vào chiều 9/10, phát biểu tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, chung cư HH Linh Đàm là một trong những chung cư có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch.

"Hiện nay, người dân ở đây mong mỏi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy đây là vấn đề khó", ông Chung được trích thuật nói.

Ngoài ra, nhiều dự án do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư còn được cho là vi phạm quy định về Phòng cháy, chữa cháy, vẫn theo báo trong nước.

Báo Đất Việt cho hay ông Lê Thanh Thản từng giữ chức Phó Chánh Văn phòng huyện ủy Lai Châu, nhưng sau đó thành lập xí nghiệp để kinh doanh tư nhân.

"Ông Thản nổi tiếng với lối sống dàn dị, đi dép tổ ong, hút thuốc lào", báo này bình luận.

Cùng ngày, báo Người Lao động dẫn một nguồn tin từ ban lãnh đạo cơ quan công an Thành phố Hà Nội cho hay :

"Chiều 10/7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công an Thành phố Hà Nội cho biết hiện đơn vị đang xác minh, điều tra những sai phạm liên quan tới các dự án xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch Hội động quản trị.

"Khi nào có kết quả sẽ thông tin vụ việc", nguồn được cho là lãnh đạo Công Thành phố Hà Nội được tờ báo mạng này trích thuật nói.

******************

Việt Nam chỉ cáo buộc tội trốn thuế với một số người ? (BBC, 10/07/2019)

Một nữ luật sư ở Hà Nội đặt câu hỏi về "trách nhiệm của cán bộ thuế" trong các vụ cáo buộc "trốn thuế", trong khi đó một đồng nghiệp của bà nói với BBC rằng còn những điểm "mâu thuẫn, lờ mờ" trong luật và thông tư về thuế nhà đất.

bacnam7

Có ý kiến cho rằng đại đa số người dân khi mua bán bất động sản đều ghi giá thấp so với giá thực tế nhưng hiếm khi thấy ai bị xử lý

Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải "được xác định có dấu hiệu phạm tội trên do đã ký giấy tờ mua bán nhà, đất giá thấp hơn giá giao dịch thực tế cả chục lần nhằm giúp người bán trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng".

Ông Hải cùng vợ và hai người khác trong vụ này bị khởi tố tội "Trốn thuế" theo Điều 161 Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

'Trách nhiệm của cán bộ thuế'

Hôm 9/7, Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, Đoàn Luật sư Hà Nội bình luận với BBC :

"Nếu Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố về tội trốn thuế với vai trò đồng phạm giúp cho bên bán trốn thuế thu nhập trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất như dư luận mà tôi nghe được từ mấy hôm nay, tôi cho là không công bằng với họ. Và chưa có sức thuyết phục".

"Bởi lẽ nếu cho điều tra rà soát tình hình thu thuế từ hoạt động mua bán chuyển nhượng nhà đất trong cả nước sẽ thấy việc kê khai để giảm thuế trong hoạt động này còn phổ biến. Có nhiều trường hợp giá trị giao dịch còn lớn hơn vụ này nhiều mà đâu có thấy vụ án nào bị khởi tố".

"Ấy là còn chưa nói đến trách nhiệm liên đới của cán bộ thuế. Hàng năm Nhà nước có ban hành khung giá đất cho từng địa phương để làm căn cứ tính thuế".

"Đành rằng theo Luật quản lý thuế quy định trách nhiệm khai thuế trung thực của người nộp thuế, nhưng họ làm sao biết hết được khung giá đất thế nào mà khai đúng !"

"Nếu họ khai không đúng thì trách nhiệm của cán bộ thuế phải kiểm tra và thông báo cho công dân mức thuế nộp cho đúng".

"Nếu có nộp thiếu mà kiểm tra phát hiện ra thì báo cho họ nộp bổ sung (truy thu). Trong vụ này chưa thấy nói gì đến trách nhiệm của cán bộ thuế. Nếu họ vô can thì càng không công bằng với vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải".

bacnam8

Nha Trang là nơi xảy ra cáo buộc trốn thuế nhắm vào Luật sư Trần Vũ Hải

'Mâu thuẫn, lờ mờ'

Cùng ngày, Luật sư Nguyễn Duy Bình nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh :

"Theo văn bản hướng dẫn trong trường hợp hợp đồng công chứng ghi giá thấp hơn bảng giá, cơ quan thuế có quyền áp dụng bảng giá để ấn định thuế nhằm mục đích thu đủ".

"Trong trường hợp Luật sư Trần Vũ Hải, tôi thấy cơ quan thuế đã áp theo giá 2,14 tỷ đồng (hợp đồng ghi 1,8 tỷ đồng) và đã thu theo mức này thì không thể cho rằng chưa thu đủ thuế".

"Nếu đã thu đủ thuế thì cơ quan tiến hành tố tụng không thể tính thêm khoản thuế trên 2,14 tỷ đồng để làm cơ sở xác định vi phạm".

"Trong khi đó, Điều 161, Bộ luật Hình sự 2009 chỉ quy định chung chung ai có hành vi trốn thuế đủ 100 triệu đồng thì bị xử lý về tội trốn thuế nhưng trước nay hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cho phép cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thuế có quyền tính thêm phần thuế trên mức bảng giá quy định - trên mức 2,14 tỷ đồng để xác định vi phạm".

"Đây chính là điểm mà tôi nhận thấy giữa Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý thuế, thông tư hướng dẫn đang còn mâu thuẫn".

"Nói cách khác, trường hợp này hiện trước nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể cho phép cơ quan thuế hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tính thêm phần thuế trên mức bảng giá quy định để xác định vi phạm".

"Do vậy, người dân có quyền hiểu họ chỉ phải tuân thủ theo hướng dẫn áp giá theo bảng giá và vì vậy dù hợp đồng có ghi giá cao hơn nhiều họ cũng không vi phạm vì Nhà nước đã thu đủ".

"Mặt khác, cũng chính vì điểm mâu thuẫn, lờ mờ này nên từ trước đến nay đại đa số người dân khi mua bán bất động sản đều ghi giá thấp so với giá thực tế nhưng chưa thấy ai bị xử lý, dù đã có rất nhiều trường hợp đã được tòa án nhận định ghi giá thấp trong các bản án dân sự".

"Nói tóm lại, khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thì không thể kết tội".

Luật sư Nguyễn Duy Bình nói thêm :

"Tôi nhận thấy nếu hiểu theo cách hiểu của cơ quan tiến hành tố tụng và xử lý Luật sư Hải thì sẽ không đảm bảo sự công bằng xã hội và người dân sẽ cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng cố tình xử lý để triệt hạ Luật sư Hải vì quá trình hành nghề luật sư này đã tham gia rất nhiều các vụ khiếu kiện tập thể của người dân".

"Theo quy định hiện hành, người ta có cảm tưởng rằng phía cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý hoặc không xử lý tội trốn thuế đối với một số người tùy theo cách hiểu và mục đích của họ".

Quay lại trang chủ
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)