Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/08/2019

Nhật tặng tàu kiểm ngư, 4 nữ hoàng, trường học thành đặc khu du lịch

Tổng hợp

Cục Kiểm ngư Việt Nam nhận 2 tàu được nâng cấp trong gói tài trợ của Nhật (VOA, 02/08/2019)

Cục Kiểm ngư Việt Nam đã được bàn giao hai tàu kiểm ngư được sửa chữa, nâng cấp, với tài trợ của Nhật Bản.

vn1

Tư liệu : Tàu kiểm ngư Vùng 1 tăng tốc xua đuổi tàu cá vỏ thép Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ảnh Chi cục Kiểm ngư Vùng 1/Thanh Niên.

Trang mạng tin tức quốc phòng Jane’s Navy International hôm 1/8 cho biết 2 tàu mang ký hiệu KN-595 và KN-596 đã được công ty đóng tàu Hồng Hà giao cho Cục Kiểm ngư vào ngày 30/7.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản trả lời phỏng vấn của trang mạng Jane, xác nhận hôm 2/8 rằng hai tàu kiểm ngư này là một phần trong gói viện trợ gồm 6 tàu kiểm ngư mà chính phủ Nhật Bản đã thông báo vào năm 2014, và được Ngoại Trưởng Nhật lúc bấy giờ, ông Fumio Kishida, phê chuẩn vào tháng 8/2014.

Trang tin tức quốc phòng Jane dẫn lời người phát ngôn Nhật bản nói rằng Tokyo viện trợ các tàu kiểm ngư cho Việt Nam theo nguyện vọng của các nhà lãnh đạo Việt Nam yêu cầu Nhật Bản hỗ trợ trong nỗ lực tăng cường khả năng chấp pháp, giám sát việc tuân thủ luật pháp trên các vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam.

Trang thông tin điện tử của Tổng Cục Thủy sản cho biết Tổng Cục đã nhận hai tàu KN 595 và KN 596 và xác nhận rằng hai chiếc "tàu được sửa chữa, cải hoán và nâng cấp từ hai chiếc tàu do Chính phủ Nhật Bản viện trợ".

Tổng Cục Thủy sản cho biết hai tàu KN 595 và KN 596 sẽ được bàn giao lại cho Chi cục Kiểm ngư Vùng V Kiên Giang sử dụng.

Lễ bàn giao tàu kiểm ngư có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Dương Thanh Chương và lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Công ty đóng tàu Hồng Hà.

Phát biểu trong buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến nêu bật vai trò của lực lượng kiểm ngư là "bảo đảm thực thi pháp luật chuyên ngành thủy sản, phối hợp cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước".

Theo trang tin điện tử của Tổng cục Thủy sản, hai tàu kiểm ngư vừa được bàn giao, mỗi tàu có chiều dài lớn nhất hơn 56 m, chiều rộng lớn nhất 9m, lượng giãn nước khoảng 1.073,65 tấn, vận tốc từ 12–14 hải lý/h, thời gian hoạt động trên biển tối đa 45 - 50 ngày đêm trên biển.

Hà nội gần đây đã có những động thái công khai bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt sau khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Dizhi 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tổng Cục Thủy sản, hôm 29/7 cho biết Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị triển khai "Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển" để giúp ngư dân bám biển và "cùng với các lực lượng khác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, và thềm lục địa" Việt Nam.

****************

Nhà giáo kỳ cựu nói về 'Bốn nữ hoàng' Việt Nam và 'nỗi đau giáo dục' (BBC, 02/08/2019)

"Nước ta có bốn nữ hoàng : nữ hoàng Mít, nữ hoàng Dép, nữ hoàng Lon và nữ hoàng Lu. Đấy là điều mà người ta cười và chế nhạo", một cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà nội, trả lời BBC Tiếng Việt bên lề một hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha, hồi trung tuần tháng 7/2019.

vn2

Nhà giáo Phạm Chi Mai trả lời câu hỏi của nhà báo Quốc Phương về một số lãnh đạo, quan chức nữ Việt Nam

Trả lời câu hỏi của nhà báo Quốc Phương về một số lãnh đạo, quan chức nữ Việt Nam và ý kiến của dư luận, nhà giáo Phạm Chi Mai nói tiếp :

"Chế nhạo thứ nhất là óc đậu phụ của những người phụ nữ như vậy mà lại đi làm quan chức. Thứ hai, họ chế nhạo những người đưa những phụ nữ đó lên và để họ ở vị trí như vậy với những câu nói ngớ ngẩn đến như thế.

"Chúng tôi vừa buồn cười mà vừa đau cho người phụ nữ Việt Nam.

"Họ lại đưa cả mặt lên. Nói thật, tôi là phụ nữ mà trông thấy những gương mặt đó tôi cũng thấy phản cảm. Đó là điều rất bất lợi cho lãnh đạo của chính quyền".

Bình luận về tình hình nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhà giáo Phạm Chi Mai chia sẻ :

"Đây cũng là một điều làm chúng tôi buồn quá đi. Vì ngay cả người đứng đầu cao nhất của Bộ Giáo dục cũng làm cho dân chúng tôi trong ngành không thấy phục - không thấy phục về cách ứng xử, về thái độ đối với công việc chung, về cái cảnh mà trong khi họp quốc hội ông ngồi ngủ gật…chưa kể việc ông dung túng những sai trái cực kỳ nhiều".

Bà nói thêm về những vụ việc như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo bắt học sinh tát bạn và kết luận : "Bộ trưởng Bộ giáo dục mà không nghiêm khắc dạy những người làm công tác giáo dục thì sẽ tạo ra những chuyện như thế này thôi".

"Tất nhiên đây là số nhỏ vì đây chỉ là một trong số hàng triệu giáo viên nhưng nó là tha hóa đến mức cùng cực về đạo đức nghề nghiệp. Đó là cái tôi thấy không thể nào chấp nhận được với tư cách một người làm giáo dục".

*****************

Trường học ở Nha Trang biến thành ‘đặc khu du lịch’ cho người Trung Quốc (Người Việt, 02/08/2019)

Một trường dạy nghề thuộc Sở Lao Động-Thương Binh và Xã Hôi tỉnh Khánh Hòa đã bị biến thành "đặc khu" thu nhỏ giữa lòng thành phố Nha Trang để phục vụ du khách và làm nơi sinh sống cho người Trung Quốc.

vn3

Khu đất Trường Trung Cấp Nghề Nha Trang biến thành nơi kinh doanh phục vụ khách Trung Quốc. Hình : Pháp Luật Việt Nam

Ngày 1/8/2019, ông Võ Bình Tân, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hộitỉnh Khánh Hòa, xác nhận với báo Người Lao Động, rằng trường Trung Cấp Nghề Nha Trang (ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) đã trở thành địa điểm phục vụ khách Trung Quốc.

"Sở đã thu hồi giấy chứng nhận ghi danh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa thu hồi khu đất vì sử dụng không đúng mục đích giáo dục", ông Tân cho biết.

Tin cho biết, khu đất trường Trung Cấp Nghề Nha Trang rộng cả hécta vốn là cơ sở dạy nghề cho phụ nữ thuộc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa, bị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh này lấy cho Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Đại Việt thuê dài hạn 50 năm, với giá thuê chỉ hơn 2.100 đồng (9 cent) mét vuông một năm để xây dựng trường dạy nghề theo chủ trương "xã hội hóa". Sau đó, công ty xây thêm trường Trung Học Phổ Thông Đại Việt.

Thế nhưng hơn một năm nay, khu trường học trên đã trở thành trung tâm mua sắm dành cho khách Trung Quốc. Cụ thể bên trong khuôn viên trường, khu vực học tập được đổi thành nơi đón tiếp khách mua sắm, khu vực sân banh trở thành bãi xe, nhiều công trình biến thành nhà xưởng gia công hàng mỹ nghệ, ngọc trai…

Một người dân sống cạnh trường cho biết trước đây trường có mở lớp giảng dạy nhưng hơn một năm qua, khách Trung Quốc cứ đến Nha Trang là đổ về đây mua sắm. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe đò 45 chỗ ra vào tấp nập.

vn4

Mỗi ngày có hàng chục xe đò 45 chỗ đưa khách Trung Quốc đến mua sắm. Hình : Pháp Luật Việt Nam

Không chỉ đón du khách, cơ sở này còn có khoảng vài chục người Trung Quốc ăn ở, sinh sống tại chỗ để giới thiệu, hướng dẫn, bán hàng cho du khách Trung Quốc.

Giải thích với báo Người Lao Động, ông Bùi Quốc Tuấn, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Đại Việt, phân bua "Do hoạt động giáo dục dạy nghề khó khăn, nhiều năm liền không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, không hiệu quả kinh tế nên doanh nghiệp cải tạo, chuyển sang phục vụ khách du lịch".

"Thực ra, chúng tôi đã xin phép nhiều lần nhưng các cấp chính quyền thành phố Nha Trang nói không đủ thẩm quyền, còn cấp tỉnh lại đề nghị cấp thành phố xem xét. Chuyền qua chuyền lại cả năm vẫn không có giấy phép nên chúng tôi mới xây đại. Khi nào chính quyền cần thì chúng tôi tự nguyện tháo dỡ", ông Tuấn biện minh.

Cũng theo báo Người Lao Động, ngoài "đặc khu" trên, chạy dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành còn có hàng chục cơ sở phục vụ du khách Trung Quốc có quy mô rộng hàng ngàn mét vuông, được xây dựng không phép, hoạt động công khai. Từ đầu năm 2018, báo chí đã có nhiều bài phản ảnh tình trạng này cho thấy hàng loạt công trình nằm trong quy hoạch đất trồng rừng, đất vườn, đường giao thông nhưng đến nay Ủy Ban Nhân Dân thành phố Nha Trang vẫn làm ngơ bỏ mặc. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)