Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/08/2019

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, hàng rong Hội An, thủy điện Đồng Nai

Tổng hợp

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Trung Quốc xây : Chưa biết khi nào chạy thật (Người Việt, 11/08/2019)

Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam đổ lỗi phần lớn cho nhà thầu Trung Quốc nhưng đồng thời cho thấy cái kém cỏi các quan chức nhà nước khi xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông ở thành phố Hà Nội.

vn1

Tàu điện chạy trên đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do Tập Đoàn Đường Sắt Số 6 Trung Quốc thầu xây dựng chạy thử hồi tháng Chín năm ngoái, không biết đến bao giờ chạy thật. (Hình : Getty Images)

Một bản báo cáo do Bộ Giao thông và vận tải gửi "Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội" (trong đó có cả ông Nguyễn Phú Trọng là đại biểu) để giải thích lý do không biết bao giờ tuyến đường sắt trên cao đầy tai tiếng Cát Linh-Hà Đông có thể chạy thật, nêu cả "nguyên nhân chủ quan" cũng như "khách quan".

Nổi bật trong đó là "trách nhiệm chính khi dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư thuộc về phía tổng thầu EPC Trung Quốc là công ty hữu hạn Tập Đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc", theo báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật, 10/08/2019.

Tờ Thanh Niên thuật lại thông tin của Bộ Giao thông và vận tải liệt kê ra 12 nguyên nhân "chủ quan và khách quan" dẫn đến "chậm tiến độ" của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Trong đó Bộ Giao thông và vận tải đổ cho việc tài trợ tín dụng của nhà thầu Trung Quốc nhiều trục trặc, rồi sự kém cỏi, thiếu kinh nghiệm của nhà thầu từ thiết kế đến thực hiện rùa bò, phẩm chất tồi tệ.

Một trong những việc dẫn đến hệ quả như ngày nay là các quan chức cộng sản Việt Nam khi ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc lại không có những điều khoản chế tài chặt chẽ nếu vi phạm hợp đồng mà Bộ Giao thông và vận tải nói là tránh là "còn chưa đầy đủ".

Cái công ty được thuê làm "Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng" thì trong trường hợp này có cũng như không.

Bên cạnh đó, các quan chức của chế độ chịu trách nhiệm về quản lý điều hành dự án lại bất lực trước sự chậm trễ, sai hỏng kỹ thuật. Cho nên đến nay, nhiều người lo ngại sự an toàn của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Động khi báo chí trong nước đưa tin và những hình ảnh về nứt vỡ, rỉ sét, trên tuyến đường sắt và trạm lên xuống của hành khách.

Ngày 9/7/2019, tờ Đất Việt đã cho biết đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cũng chưa biết bao giờ bắt đầu đưa đón hành khách dù vừa phải xin "rót thêm vốn" hơn 98 triệu USD cho "1%" công việc còn lại.

vn2

Báo của Bộ Xây Dựng đưa tin và hình ảnh nêu phẩm chất tồi tệ của dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông. (Hình : Báo Xây Dựng)

"Hội đồng" thành phố Hà Nội thông qua kế hoạch "vay lại" từ nhà cầm quyền trung ương hơn 2.300 tỷ đồng (hay 98,35 triệu USD). Số tiền nay, được thấy giải thích là để giái quyết "một số hạng mục nhỏ (khoảng 1% của toàn bộ dự án) liên quan đến công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống".

Ông Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thế giải thích như vừa kể khi điều trần ở Quốc hội hồi tháng Sáu, nhưng "không ai biết 1% khối lượng công việc" còn sót lại sẽ kéo dài đến bao lâu, mà "ngay chủ đầu tư là Bộ Giao thông và vận tải cũng không đưa ra được một mốc thời gian cụ thể bao giờ tàu chạy sau khi dự án đã có tới 8 lần lỡ hẹn", tờ Đất Việt kể.

Rất nhiều đại dự án từ thủy điện đến nhiệt điện, xơ sợi, bô-xít, sắt thép, hóa chất dính đến nhà thầu Trung Quốc, đều có đủ loại vấn đề "đội vốn", "chậm tiến độ" "máy móc lạc hậu" mà nằm bên dưới các dự án này là các cơ hội để đám quan chức đảng viên móc ngoặc với tư bản đỏ Trung Quốc chia chác, ăn hối lộ.

"Không chỉ ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hủy hợp đồng… Tuy nhiên, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Thế nhưng, hợp đồng của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào… không được công khai nên người ngoài không thể nói gì được", ông Bùi Danh Liên nói trên tờ Đất Việt.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chiều dài chỉ có 13,5km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD, làm dở đang, nhà thầu Trung Quốc đòi phải tăng vốn mới làm tiếp. Bộ Giao thông và vận tải chấp nhận nên dự án bị đội lên thành 891,9 triệu USD. Trong đó sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam.

Dự án khởi công tháng 10/2011. Tin tức lúc đầu nói dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ tháng tháng 6/2015. Ì ạch làm được ít lâu thì có tin đến tháng 6/2016 thì xong. Nhưng hẹn lần lữa đến tháng 12/2016 rồi tháng 2/2017. Sau đó hẹn tiếp đến tháng 10/2017, rồi quý II năm 2018, nhưng lại lỡ hẹn. Đến cuối năm 2018 nói sẽ xong xuôi, rồi lại hẹn tháng 4/2019 là bắt đầu "vận hành". Tuy nhiên, bây giờ là tháng 8/2019 nhưng vẫn lặng im.

Khi ra trả lời chất vấn ở Quốc hội, tờ Đất Việt ngày 6/6/2019 thuật lời ông Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thế về khoản vay tín dụng Trung Quốc là "ta ký vay vốn, Trung Quốc chỉ định thầu".

Nhà thầu Trung Quốc không phải là một công ty có vốn lớn và chuyên môn về thiết kế và xây dựng đường sắt. Thêm nữa, các điều kiện thỏa thuận thực hiện dự án lại được mô tả là "bất lợi" cho phía Việt Nam nhưng không hề thấy được cho công chúng biết sự thật. (TN)

*****************

Nhiều người bán hàng rong bức xúc đội Quy tắc đô thị ở Hội An (VNTB, 11/08/2019)

Lực lượng quy tắc đô thị có thể nói đây là "cánh tay nối dài" của chính quyền cơ sở với nhiệm vụ chính là thực thi quản lý trật tự đô thị, trật tự vỉa hè, giữ gìn vệ sinh, môi trường xã hội thuộc địa hạt của mình. Tuy nhiên, thay vì thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của nhà nước thì đã có không ít cá nhân trong đội quy tắc đô thị ứng xử cứng nhắc trong công việc khiến người dân bức xúc. Lực lượng quy tắc đô thị phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là đối tượng mà bài viết dưới đây muốn nhắc đến...

vn3

Người bán hàng rong bức xúc đội Quy tắc đô thị ở Hội An

Vừa đặt chân vào khu phố cổ Hội An tầm khoảng 13h vào một ngày trung tuần tháng 7/2019, người viết ghé mua chai nước lọc từ một người bán hàng rong thì bất chợt có vài người bán hàng rong khác lảng vảng xung quanh xì xầm đại khái với nội dung là canh chừng đội quy tắc đô thị phố cổ Hội An đi qua. Người viết thắc mắc điều này và được người hàng rong giải đáp là tầm đầu giờ chiều mỗi ngày đội quy tắc đô thị thường đi tuần quanh khu vực Phố cổ, sẵn sàng ngăn chặn và mạnh tay tịch thu những gánh, sạp, hàng hóa của người bán hàng rong khiến nhiều người bán hàng rong khá sợ.

Qủa thật, thoáng thấy đội quy tắc đô thị đi từ đằng xa là những người bán hàng rong xung quanh liền hốt hả bê những sạp, gánh hàng của mình chạy đi kiếm chổ trốn.

Chia sẻ với tôi, bà Qúy bán tào phớ nhiều năm tại khu Phố cổ cho biết bà khá bức xúc với cách làm việc của đội quy tắc đô thị nơi đây.

"Hốt kinh lắm !"

"Cứ ngó chừng chừng chứ không thôi nó lên bất thình. Nó không cho mình nói, làm như nó cấm mình nói. Nó chỉ biết bắt mà thôi. Cứ bắt về đó, nói cứ về đó làm việc".

Theo bà Qúy, có đợt bà vào khu Phố cổ ăn cơm nhưng bị đội quy tắc đô thị nhầm tưởng là vào thực hiện việc buôn bán nên đã có cuộc giằng co để tịch thu gánh tào phớ của bà đến nổi đổ hết đồ đạt xuống mặt đường. Bà Qúy nói từ trước giờ đã hơn một lần bị đội quy tắc đô thị phố cổ Hội An tịch thu đồ đạt buôn bán. Bà Qúy chia sẻ :

"Bị hoài. Bị miết đó chứ. Hồi đuổi chạy không kịp, hồi nó thu gánh. Hồi lễ APEC, công an họ ăn đây nề, ngồi đây công an họ nói thôi chị ngồi đó bán xong rồi tụi em vào làm việc thì chị gánh đi. Mình cũng nghe lời nhưng đến một giờ chiều những người khách trong chùa Ông ra ăn thì tụi nó đi xe máy lên, hai thằng túm hai cái gánh của mình, mình đâu có bán được".

Không bức xúc nhiều như bà Quy bán tào phớ, ông Sơn bán bánh bao cho biết đội quy tắc đô thị Phố cổ có nhiều việc làm khiến ông không mấy thiện cảm. Bán hàng rong là một trong những nét đẹp của Phố cổ nhưng đội quy tắc đô thị cho rằng việc buôn bán thế này là mất mỹ quan nên ông Sơn không tán thành điều này.

"Lý do là tại vì mình đi bán quanh đây mất thẩm mỹ, mất thẩm mỹ khu Phố cổ. Mà tôi thấy cái rong là làm đẹp cho Phố cổ chứ không phải mất thẩm mỹ. Giờ chừ họ xây dựng ra cái đội quy tắc như vậy mà họ không làm cũng không được"

Bản thân ông Sơn cho biết, xe bán bao của ông khi dạo bán quanh khu Phố cổ đã bị đội quy tắc đô thị đuổi hoặc nhắc nhở nhiều lần. Mỗi lần bị đuổi, ông Sơn thường hay bức xúc nói mình đi bán buôn, kiếm đồng tiền chính đáng nhưng bị đuổi như đuổi trộm vậy.

Không có chổ bán cố định, dù đã có thâm niên buôn bán bánh đập ở phố cổ Hội An nhưng bà Hiểu nói bản thân cũng không ít lần bị đội quy tắc đô thị Phố cổ đuổi, gánh đi tránh khá vất vả. Bà Hiểu chia sẻ :

"Lâu lâu thì cũng có quy tắc họ kiểm tra, họ biểu mình gánh đi chổ khác vì mình là hàng rong chứ không phải chổ cố định mình bán. Họ cho bán thì mình bán, còn họ không cho bán thì mình gánh đi"

Được biết, do số lượng hộ kinh doanh đến từ địa phương khác tăng nhanh cùng với các loại hình kinh doanh không phù hợp với cảnh quan khu phố cổ Hội An làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh-trật tự xã hội trên địa bàn, do đó theo thông tin của báo Tài nguyên& Môi trường thì Chính quyền Thành phố Hội An quy định : Các hộ, cá thể tham gia buôn bán vỉa hè, hàng rong trong khu vực Phố cổ phải là người địa phương có hộ khẩu thường trú tại Hội An ; người đã từng tham gia bán vỉa hè và đóng lệ phí cho địa phương ; người của các gia đình có truyền thống và uy tín về bán hàng rong địa phương ; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở Hội An…

Ngoài ra, Chính quyền Thành phố Hội An còn nghiêm cấm việc bán rong bằng xe máy, xe đẩy, các hình thức trải bạt, chiếu… xuống vỉa hè, lòng đường trong Khu phố cổ. Đối với trường hợp đi bộ, xe đạp có thể giải quyết bán rong một số mặt hàng ăn vặt nhưng phải đảm bảo xe đạp không có gắn giỏ bội, thùng và các phụ kiện quá to làm ảnh hưởng đến giao thông, không gắn loa và phát âm thanh điện tử để rao, bán hàng…

Cách làm này của Chính quyền Thành phố Hội An được khá nhiều hộ kinh doanh tán thành.

Ông Phi bán bánh xoài, mắc dù đang phải bê sạp bánh đi trốn đội quy tắc đô thị nhưng khi chia sẻ với người viết ông Phi nói bản thân tán thành cách làm của đội quy tắc đô thị.

"Buôn bán hàng rong này mà không dẹp ấy, Thứ nhất trong phố cổ này mà không dẹp thì nó thành cái chợ, thứ hai nữa là đánh lộn ngày một. Họ dẹp là đúng"

Tuy nhiên, qua dò hỏi ý kiến của khoảng chục hộ buôn bán hàng rong thì người viết thấy số hộ tán thành cách làm của đội quy tắc đô thị phố cổ Hội An như chia sẻ ông Phi là không nhiều. Nhiều hộ cho rằng, họ không phản đối chủ trương đưa ra của chính quyền Thành phố Hội An mà họ bức xúc cách làm việc quá "nhiệt tình", cứng nhắc của đội quy tắc đô thị rất "tích cực" tịch thu đồ đạc bán hàng rong. Bà Qúy nói :

"Cũng mấy cậu đó thôi chứ có ai làm gì đâu. Mấy cậu muốn làm trời làm đất"

"Có lần cả hai chục cái ghế tụi nó thu hết mười cái, mua mười cái khác thì nó thu tiếp năm cái, người nào cũng bị thu hết. Chạy không kịp là bị thu như cô già rồi chạy chi kịp được, sáu mươi mấy tuổi rồi chạy chi được mà chạy ?"

Ngoài ra, người viết ghi nhận thêm thắc mắc của nhiều hộ buôn bán hàng rong rằng ; nhiều người trong số họ buôn gánh bán bung ở khu phố cổ Hội An này cả chục năm nay tuy không phải là người địa phương Hội An nhưng họ đến từ các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam. Vậy phố cổ Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam, tại sao họ lại bị phân biệt đối xử so với người Hội An ? Tại sao họ không được hưởng quyền lợi chính đáng từ Phố cổ đem lại như người Hội An ?

 "Cha mẹ họ đói, không lẽ họ bảo con họ đi ăn trộm, ăn cắp hoặc đi bụi đời. Giờ xã hội đang phát triển mà họ đi ăn cắp ăn trộm, xì ke, ma tý là vì sao ? Vì con cái nó không có việc làm với lại nghèo quá, không có việc làm nên họ nản" - Lời của bà Qúy. 

Minh Hải

*******************

Thủy điện xả lũ : Người thiệt mạng, cá chết trắng sông Đồng Nai (Người Việt, 11/08/2019)

Hai người thiệt mạng và hàng tấn cá nuôi của người dân trên sông Đồng Nai chết nổi trắng mặt nước, khi thủy điện ở thượng nguồn xả lũ.

vn4

Cá của người dân nuôi trên sông Đồng Nai chết nổi kín mặt nước vì thủy điện xả lũ. (Hình : Thanh Niên)

Tờ Người Lao Động thuật theo tin của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Đồng Nai, hôm Chủ Nhật cho biết "lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể ông Phạm Văn Lâm (quê tỉnh Bến Tre) bị nước cuốn mất tích trong mưa lũ xảy ra hơn hai ngày trước đó. Trưa cùng ngày, anh Nguyễn Đức Ngọc Tiến (ngụ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) bị điện giật tử vong lúc đang sửa chữa hệ thống điện do nước lũ làm ngập".

Báo Người Lao Động tường thuật tiếp rằng "những ngày qua, mưa lớn cùng với thủy điện Đồng Nai 5 xả lũ gây ngập gần 3,000 hécta đất nông nghiệp, thiệt hại về tài sản ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện mưa ở thượng nguồn sông Đồng Nai đã giảm, thủy điện Đồng Nai 5 ngừng xả tràn, lũ rút dần tuy vẫn ở mức khá cao. Hơn một nửa trong tổng số gần 900 hộ dân di dời tránh lũ đã trở về dọn dẹp nhà cửa".

Hôm Thứ Bảy, 10 tháng Tám, 2019, tờ Thanh Niên cho biết "Nhiều hộ dân ở Đồng Nai bỗng lâm cảnh trắng tay, chỉ vì thủy điện Đồng Nai 5 (Lâm Đồng) xả lũ". Khu vực nuôi cá bè bị thiệt hại nặng nề nhất "phải kể đến người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) và Phú Vinh (huyện Định Quán)".

Nguồn tin mô tả với nỗi đau xót : "Sáng ngày 10 tháng Tám, tại hai điểm nuôi cá bè nói trên, nước sông Đồng Nai vẫn cuồng cuồng chảy, màu đỏ ngầu. Ở trong bờ quang cảnh tất tả của hàng trăm người dân đến đánh bắt cá (trong lồng bè xổng ra ngoài). Còn tại các lồng bè, ai cũng mang một nỗi u buồn vì tài sản lớn đã mất mát trong cơn lũ. Một số hộ thì gắng gượng lội xuống lồng vớt cá chết lên bán gỡ gạc, nhưng có người vì thiệt hại quá lớn nên buồn chán, chỉ ngồi một chỗ nhìn xa xăm…".

Thượng nguồn sông Đồng Nai có thủy điện Đồng Nai 5 và thủy điện Đắk Kar, tỉnh Đắk Nông.

"Nước bắt đầu chảy xiết và dâng cao từ đêm 8 tháng Tám. Nước chảy mạnh đến nỗi xé rách lưới hai lồng cá của tôi. Gần 100 tấn cá không chịu nổi sức nước đã chết, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng", tờ Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Hồng Dân (xã Phú Thịnh) một trong những nạn nhân cho biết, gia đình ông nuôi 5 lồng nuôi cá điêu hồng (khoảng 20 tấn/hồ) được 8 tháng và đã đến lúc chuẩn bị bán, nhưng đến nay xem như mất trắng.

Tờ Thanh Niên thuật theo thống kê sơ khởi của Ban Chỉ Huy Phòng Chống Thiên Tai-Tìm Kiếm Cứu Nạn tỉnh Đồng Nai, nói lũ dâng trong những ngày qua đã "gây ngập 1.590 hécta đất nông nghiệp và hàng ngàn căn nhà, cuốn trôi 99 vèo nuôi cá ; hơn 110.000 con gà bị chết ; một người bị nước cuốn mất tích, là ông Phạm Văn Lâm. Trong hai đêm 8 và 9 tháng Tám, các lực lượng chức năng di dời tổng cộng 869 hộ dân trong vùng ngập nước.

Thủy điện xả lũ hàng năm gây đại họa cho người dân ở các khu vực hạ du năm nào cũng tái diễn. Cuối tháng Tám năm ngoái, thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An xả lũ gấp rút để tránh vỡ đập đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cư dân một vùng rộng lớn, có nơi vườn ruộng nhà cửa ngập sâu hơn ba mét.

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn tức sông Lam, lớn nhất miền Trung với công suất 320MW. Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của đập thủy điện Bản Vẽ là vừa cung cấp điện vừa giúp các khu vực hạ du "cắt lũ", theo sự quảng cáo của nhà nước. Nhưng những gì đã xảy ra lại trái ngược.

Cũng vào dịp này, thủy điện Trung Sơn tại tỉnh Thanh Hóa xả lũ làm ba người bị lũ cuốn trôi.

Mùa bão lũ năm trước đó, tờ Đất Việt ngày 15 tháng Chín, 2017 thuật lời ra lệnh của ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cùng "đoàn công tác của Chính phủ đã tới Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão".

"Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện sớm có điện cho Quảng Bình và các địa phương khác. Bộ Công thương cần huy động các công ty thủy điện phối hợp đưa điện sớm trở lại cho người dân. Bộ cũng cần rà soát an toàn hiệu quả vận hành các hồ thủy điện để không xảy ra tình trạng xả lũ gây ra lũ sau bão. Không để các hồ thủy điện xả đập gây ra lũ…"

Lệnh thì thế, nhưng các đập thủy điện vẫn xả lũ hối hả gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, coi như ông thủ tướng chỉ tuyên truyền mị dân. (TN)

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)