Tù chính trị Hồ Đức Hòa yếu đi trong tù (RFA, 12/08/2019)
Tình hình sức khỏe của tù nhân chính trị Hồ Đức Hòa trong nhà giam Nam Hà sa sút khiến gia đình quan ngại sau chuyến thăm mới nhất.
Ảnh tù chính trị Hồ Đức Hòa và lá thư mới nhất gửi gia đình - RFA edit
Trong thư tay chuyển cho gia đình được đề ngày 25 tháng 7, tù chính trị Hồ Đức Hòa nêu ra nhiều chứng bệnh mà ông này đang mắc phải gồm bệnh trĩ nội, các chứng bệnh dạ dày, đau bụng dưới, huyết áp, cột sống, tê tay…
Đây là thực tế mà theo gia đình thì anh Hồ Đức Hòa giấu suốt 8 năm qua. Cụ thể là trong những lần thăm gặp trước đây anh Hồ Đức Hòa đều trấn an gia đình là không có gì mà gia đình phải lo lắng.
Gia đình tù chính trị Hồ Đức Hòa còn tiết lộ suốt hơn một năm qua, giám thị Trại giam Nam Hà, ông Vũ Hào Hiệp, ra lệnh cấm không cho người nhà tù nhân chính trị gửi đồ ăn vào trại mà phải mua toàn bộ của trại giam với giả cả đắt đỏ, trong khi đó chất lượng thì không thể kiểm chứng.
Tù chính trị Hồ Đức Hòa không được cho đi khám bệnh trong thời gian 3 tháng qua dù có đề nghị Trại giam Nam Hà đưa đi khám.
Hôm 12/8/2019, bà Hồ Thị Lũy, em gái ông Hòa kể lại cuộc thăm gặp của gia đình với ông Hòa hôm 11/8 ở trại giam như sau :
"Hôm trước em vào thấy anh vui lắm nhưng mà vừa rồi em ra thăm anh, anh ít nói mà anh không cười, nhìn thấy sức khỏe của anh sa sút.
Em đọc trong thư anh viết gửi cho gia đình thì thấy bệnh anh càng ngày càng nặng".
Theo lá thư đề ngày 25/7/2019 của ông Hồ Đức Hòa gửi em trai là ông Hồ Văn Lực, bác sĩ trại giam đã khám sơ bộ cho ông nhưng chưa biết kết quả thế nào.
"Từ khi anh tới trại giam tới nay anh đã điều trị nhiều đợt, nhiều lại nhiều loại thuốc khác nhau như em biết đó, nhưng các bệnh dạ dày, đại tràng, trĩ nội, huyết áp không giảm bớt mà còn nặng hơn ; sức khỏe cũng kém hơn trước. Sang năm nay anh thấy đau vùng gan, đau cột sống (đốt xương giữa xương sống và đốt áp chót) và cánh tay phải bị tê và lực yếu đi nhiều, yếu hơn tay trái ; cái nội lực yếu và mệt mỏi đoạn sức".
Đầu tháng 1/2013, ông Hồ Đức Hòa bị Tòa án nhân dân Nghệ An tuyên 13 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cùng với những người khác trong vụ "14 Thanh niên Công giáo - Tin lành".
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, ông Hồ Đức Hòa - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trần Đình tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã lôi kéo nhiều người khác ở các địa phương : Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Trà Vinh... tham gia tổ chức "Việt Nam Canh tân cách mạng Đảng" (gọi tắt là Việt Tân).
Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm tối cao tháng 5/2013 xác định, các bị cáo trong vụ án này đều đã tìm hiểu và biết về cương lĩnh, mục đích của tổ chức Việt Tân, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo đã tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch và hoạt động của tổ chức Việt Tân về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hoàn toàn có căn cứ pháp luật".
Hồi đầu tháng 8, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn trong cùng vụ án cũng đã mãn hạn tù sau 8 năm và trở về nhà ở Trà Vinh.
Sau khi có án, tù nhân chính trị Hồ Đức Hòa bị đưa ra Thái Nguyên ; nay chuyển về Trại Nam Hà nơi đang giam giữ một số tù chính trị được nhiều người biết đến gồm Lê Đình Lượng, Phạm Văn Trội, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh…
*******************
Tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại (RFA, 12/08/2019)
Công bố báo cáo tài chính quý II/2019 của các Ngân hàng cho thấy con số lợi nhuận cao kỷ lục và dư nợ mở rộng nợ xấu, đặc biệt nợ dưới tiêu chuẩn, nợ có khả năng mất vốn có xu hướng gia tăng so với cuối năm 2018.
Các loại mệnh giá đồng tiền Việt Nam - AFP (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước hôm 12 tháng 8, về tình hình hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối tháng 6/2019 là 1,91% so với cùng kỳ năm 2018 là 1,89%, tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại.
Số liệu thống kê của báo cáo tài chính quý II/2019 của 17 ngân hàng cả nước đang niêm yết trên sàn cho thấy, tổng nợ xấu ở mức hơn 81 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ có khả năng mất vốn tăng 5,5%, tức hơn 43,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 54% tổng nợ xấu so với cuối năm 2018 ở mức 55,8%.
Mặc dù tỷ lệ tăng không quá lớn dưới 2% nhưng thống kê cho thấy hướng tăng mở rộng tại nhiều ngân hàng thương mại.
Điển hình, ngân hàng Vietcombank có lợi nhuận cao nhất 6 tháng đầu năm, nợ nhóm dưới tiêu chuẩn tăng 5,7 lần lên mức hơn 1.600 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn ở mức trên 4,700 tỷ đồng chiếm tới 67% nợ xấu, tăng từ dưới 1% lên 1,03% so với đầu năm.
Ngân hàng SHB nợ xấu tăng từ 5,198 tỷ đồng lên gần 7000 tỷ đồng chiếm 72% tổng nợ xấu. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 700 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tang từ 2,4% lên 2,88% so với đầu năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có xu hướng "đi lùi" tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ trong 6 tháng đầu năm là : LienVietPostBank tăng từ 1,41% lên 1,48%, Kien Long bank từ dưới mức 1% lên 1,15%, VPBank từ mức 2,72% lên 2,89%, BIDV từ 1,9% lên 1,98%...
Các chuyên gia cho rằng số nợ xấu này chủ yếu đến từ việc các ngân hàng ngày càng đẩy mạnh phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, mở rộng cho vay cá nhân, tài chính tiêu dùng.
Bên cạnh đó một phần nợ xấu tăng còn do khối lượng nợ xấu tồn đọng chưa được giải quyết triệt để.
*****************
Hàng chục người chết, thiệt hại hơn 1 ngàn tỷ đồng sau bão Wipha tại Việt Nam (RFA, 12/08/2019)
Tính đến ngày 12 tháng 8, đã có 11 người chết sau cơn bão số 3 (Wipha) quét qua 6 tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ bao gồm Gia Lai, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng và Đồng Nai.
Khu vực quanh Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3 (Wifa). Courtesy : Facebook Nguyen Huynh Thuat
Số liệu vừa nêu được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai thống kê và công bố vào chiều ngày 12 tháng 8.
Bên cạnh số người thiệt mạng, còn có gần 3.900 căn nhà tại các tỉnh vẫn còn bị ngập nước, hàng chục héc-ta lúa, hoa màu và cây ăn quả bị thiệt hại, hơn một trăm ngàn con gia cầm bị chết và bị cuốn trôi…
Ngoài ra hệ thống đường giao thông, cầu cống bị hư hại nặng nề.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 1ngàn tỷ đồng.
Phó Chánh Văn Phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Đức Quang yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông cần phải khẩn trương có những biện pháp cần thiết không để xảy ra vỡ đập thủy điện và phải đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi đang bị sự cố ở Đắk Nông và Đắk Lắk cũng như cho dân cư ở vùng hạ du.
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám Đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 10, đồng thời tình hình xâm nhập mặn sẽ đến sớm và nghiêm trọng hơn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vào ngày 8 tháng 8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ghi nhận tỉnh Thanh Hóa bị hậu quả nặng nề do cơn bão Wipha gây ra, gồm có 16 người bị thiệt mạng và thiệt hại ban đầu được ước tính gần 700 tỷ đồng.