Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/08/2019

Vỡ đê bao Đắk Lắk, rác thải sinh hoạt đổ xuống nhà dân Đà Lạt

Tổng hợp

Vỡ đê bao ở Đắk Lắk, rác đổ ập xuống vườn nhà dân Đà Lạt (Người Việt, 13/08/2019)

Trong khi đê Quảng Điền, huyện Krông Ana, mới sử dụng năm năm bị vỡ khiến nước ồ ạt tràn vào làm ngập hàng ngàn hécta lúa sắp thu hoạch, thì tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, bãi rác Cam Ly đổ ập đẩy rác ra xa cả cây số, gây ô nhiễm trầm trọng.

vode1

Đê Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, mới sử dụng năm năm bị vỡ. (Hình : Tuổi Trẻ)

Báo VNExpress sáng 13/8/2019, dẫn lời ông Nguyễn Minh Đông, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk), cho biết do đợt mưa lớn vừa qua ở Tây Nguyên làm nước sông Krông Ana dâng lên cao khiến nhiều đoạn của đê Quảng Điền (huyện Krông Ana) bị tràn.

Ba ngày trước, người dân và nhà chức trách đã dùng hàng chục ngàn bao đất đắp đê cao thêm 0,5 mét, dài hai cây số để ngăn nước. Tuy nhiên, sau khi gia cố tuyến đê bao xong, chưa kịp vui mừng thì khuya ngày 12 rạng sáng 13/8, hơn 1.000 hécta lúa sắp thu hoạch người dân mất trắng. "Tôi không ngờ sáng nay đê bao bất ngờ vỡ toác, nước tràn dữ dội vào đồng ruộng", ông Đông nói.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Krông Na, hiện 200 hécta lúa của xã Quảng Điền thiệt hại gần hết. Nếu nước từ đoạn đê vỡ tiếp tục tràn vào, khoảng 570 hécta lúa thuộc xã Bình Hòa có nguy cơ mất trắng.

Báo này cho hay, tuyến đê bao Quảng Điền được xây dựng hơn 300 tỷ đồng (12,8 triệu USD), dài 70 cây số được đưa vào sử dụng năm 2014. Công trình này chạy dọc dòng sông Krông Ana, đi qua huyện Krông Ana và huyện Lăk.

vode2

Lớp rác đè lên vườn nhà dân ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, có chỗ dày đến 4-5 mét kéo dài cả cây số. (Hình : Tuổi Trẻ)

Trong khi đó tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), hàng ngàn tấn rác thải từ bãi rác Cam Ly đã đổ ập xuống vườn nhà người dân lấp dày đến 4-5 mét, biến nhiều nhà vườn trở thành bãi rác Cam Ly "mở rộng". Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp thành phố du lịch với gần 400.000 dân.

Theo báo Tuổi Trẻ, "Rác nằm trên đỉnh quả đồi cao khoảng 60 mét đổ xuống thung lũng, bao trùm lên vùng sản xuất nông nghiệp của người dân. Có những cuộn rác được máy ép dồn khối lăn thành vệt kéo dài hơn một cây số. Nước từ bãi rác đổ xuống vườn dân đen kịt, bốc mùi nồng nặc loang ra những khu vực lân cận, chảy xuống suối dồn về hạ lưu suối Cam Ly".

Rác từ bãi Cam Ly gây thiệt hại trực tiếp trên khoảng 1 hécta vườn, ảnh hưởng hàng chục hécta hoa màu các khu vực lân cận.

Trước đó, trận mưa lớn kéo dài ba ngày từ hôm 6 đến 8 Tháng Tám, ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 11 người chết. Hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, gần 20.000 hécta cây trồng bị thiệt hại, hơn 120.000 gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi, 124 hécta ao hồ nuôi cá và 4.300 khối lồng bè bị cuốn trôi.

Nhiều tuyến đường, kênh thủy lợi, đập bị hư hỏng, sạt lở. Hai hồ chứa Thủy Điện Đăk Kar và Đăk Sin 1 (cùng ở huyện Đăk R’lâp, tỉnh Đăk Nông) gặp trục trặc, hư hỏng. Thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỷ đồng (42,9 triệu USD), trong đó riêng Phú Quốc 107 tỷ đồng (4,6 triệu USD), chưa kể về tổn thất tinh thần, sức khỏe. (Tr.N)

*******************

Núi rác Đà Lạt đổ xuống đồng hoa của dân (RFA, 13/08/2019)

Hôm nay núi rác Đà Lạt đổ xuống đồng hoa của dân, ngày mai sẽ sập thẳng xuống phòng ngủ chúng ta.

vode3

Bãi rác Cam Ly vỡ đổ xuống phía dưới - Courtesy Báo MT-ĐT

Mấy ngày vừa qua, mưa to và kéo dài ở Đà Lạt đã kéo hàng ngàn tấn rác từ đỉnh đồi Cam Ly cao 60 m đổ xuống vùng trồng hoa màu của dân, ảnh hưởng đến hàng chục ha hoa màu. Nước rỉ rác đen ngòm chảy ra suối Cam Ly (còn gì cái tên thơ mộng ngày xưa). Báo Tuổi trẻ ngày 13/8/2019 dẫn lời vợ chồng bà Lê Thị Hồi và ông Vũ Duy Thoan cho hay hơn 2.000 m2 hoa cẩm tú cầu của họ đã bị rác vùi lấp toàn bộ. Vườn hoa này họ vừa bỏ ra 200 triệu đồng làm ống tưới, mua giống và trồng xuống đầu năm nay, mới chỉ thu hoạch bói được 2 lần. Nay thì mất trắng.

vode4

Sự kiện kể trên quả thật hy hữu, cho nên nó được bình phẩm và quan tâm khá nhiều trên dư luận Việt Nam sáng hôm qua. Thế nhưng bản chất sự việc đó lại chẳng hiếm có một tí nào, vì bao lâu nay các núi rác tương tự vẫn chung sống với người dân. Thậm chí ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), là vùng trung tâm nhưng vẫn sừng sững một núi rác lâu năm.

vode5

Núi rác đổ ra cánh đồng hoa và suối Cam Ly rồi sẽ được người dân dọn dẹp để còn lấy lại mảnh đất tiếp tục trồng trọt mưu sinh. Nhưng trong hiện tại và tương lai, những núi rác Cam Ly, Long Biên khác vẫn sẽ tiếp tục mọc lên và tiếp tục đổ sập.

Vì sao ? 

Đó chính là câu chuyện tôi muốn nói.

Vì sao lắm rác ?

Quý vị hãy nhìn kỹ lớp rác trong các tấm ảnh trên.

Quý vị thấy gì không ? Gọi là rác, nhưng chủ yếu là nilon, của các túi nilon siêu mỏng dùng một lần.

Dân Việt Nam bây giờ gần như không thể sống thiếu túi nilon loại này. Ngày trước mẹ tôi đi chợ luôn xách theo cái giỏ nhựa để đựng thực phẩm. Rau bó bằng sợi lạt. Thịt cá gói trong túi giấy hoặc miếng lá chuối, lá sen. Muốn ăn đậu phụ hay bún thì mang theo rá, hay hộp đựng. 

Thế rồi từ độ hai chục năm nay hình ảnh người phụ nữ xách giỏ đi chợ thưa dần rồi gần như không còn. Sáng ra người nội trợ chỉ việc hai tay không đi lơn tơn ra chợ. Giỏ làm gì nữa, vì mua bất cứ cái gì, rau quả cá thịt, thậm chí một vốc ớt thì người bán cũng rút xoẹt một cái túi nilon siêu mỏng nhét vào. Nếu mua cá tươi thì ngoài cái túi đựng cá lại bọc thêm một cái túi nữa, cho sạch tay. Cho nên mua xong một buổi chợ thì trên tay lỉnh kỉnh phải hàng chục cái túi. 

Từ chợ về đến nhà, cởi ra cái xoẹt, hàng chục túi nilon sống ngắn ngủi chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là cùng, lại vứt toẹt vào thùng rác.

Với những món thức ăn giao đến tận nơi, rác nhựa còn nhiềuhơn. Món phở giao đến cho một người ăn thường phải có đến 9 cái túi. Gồm một túi đựng bánh phở, một túi đựng nước dùng, một túi đựng rau giá, một túi đựng chanh ớt, một túi đựng tương đen, một túi đựng tương đỏ, một túi đựng nước mắm, một túi đựng đôi đũa dùng một lần, một cái thìa nhựa và một cái túi to nhất đựng tất cả các túi ấy.

Dân ta còn mua các thức uống dọc đường đi làm, đi chơi. Một ly cà phê nhựa gồm một cái ly, một cái nắp, một ống hút nhựa và một quai xách bằng nhựa nốt. Một người làm văn phòng, ăn bữa trưa ở nơi làm việc, uống hai ly cà phê thì một ngày sẽ thải ra khoảng 20 món đồ bằng nhựa, chủ yếu là túi nilon siêu mỏng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thống kê mỗi gia đình Việt Nam dùng khoảng 5-7 cái túi nilon một ngày. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thải ra môi trường mỗi ngày khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nilon.

Việc lạm dụng rác nhựa túi nilon cũng đáng nói. Nhưng đáng nói hơn là quá trình diễn ra sau khi cởi cái túi ấy.

Ba giây sau khi cởi, cái túi lao vào thùng rác

Nhưng Việt Nam lại không phân loại rác. Dù được kêu gọi, phát thùng phân loại và mưc độ phân loại mới chỉ dừng ở mức tối thiểu là để riêng chất thải hữu cơ và "chất thải còn lại" (bao gồm tất tật nilon, giấy, thủy tinh, gỗ, vải, sắt vụn loại nhỏ… v.v), thì dân ta vẫn chưa thèm phân loại. Hoặc cực cực cực ít, như muối bỏ biển.

Là vì, phân loại để làm gì ? Phân cho lắm thì đến chiều công nhân vệ sinh cũng trút xoẹt hai thùng rác vào nhau, đổ lên xe chở đi. Tốn công tốn sức, vô ích.

Rồi, ngay cả những người thường xuyên phân loại rác cũng không làm đúng cách thức. Như cái túi đựng phở bò nhé, dính đầy dầu mỡ và cặn vụn của thức ăn. Lẽ ra phải rửa sạch túi trước khi vứt vào thùng phân loại, thì chả ai làm chuyện ấy. Mỡ bò khó rửa bỏ xừ, lại còn đông quánh lại, rửa bao nhiêu lần mới gọi là tạm sạch ? Thôi vứt quách cho khỏe.

Thế là thành ông chẳng bà chuộc, làm mãi vẫn chẳng đạt được kết quả nào. Vì mục đích của việc phân loại rác thải đâu có phải chỉ là bảo vệ môi trường.

Ai nghiên cứu đôi chút về rác nhựa đều biết câu slogan thần chú của những ngành nghề liên quan đến rác : "Rác không phải đồ bỏ. RÁC LÀ TIỀN". Rác hữu cơ là nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ. Rác nhựa là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành tái chế. Vỏ hộp sữa giấy tái chế thành tấm lợp sinh thái, nhôm, giấy… Thế nhưng muốn rác thành tiền thì trước đó chúng phải được làm sạch tương đối, không dính dầu mỡ và các chất hữu cơ để máy móc có thể tiếp tục rửa sạch và tái chế. Rác hữu cơ cũng phải không lẫn nhựa vào thì mới xay, ủ, lên men… thành phân compost đi bón cây được chứ.

Cơ mà phân loại rác theo cái kiểu dân Việt Nam nội địa chúng mình như vừa kể ở trên thì nhà máy tái chế khóc thét. Vứt luôn cho xong, chứ tiền đâu thuê người lọc ra hàng tỷ cái túi nilon hay mảnh nhựa lẫn trong hàng núi xương cá, đầu gà, rau úa, cả cứt chó cứt mèo, tã lót đầy phân trẻ con… đang rữa nát ? Thôi thôi mặc kệ bọn keo kiệt thế giới tìm cách vắt tiền từ rác, với Việt Nam rừng vàng biển bạc nhà mình, rác chỉ là rác thôi. Là đồ bỏ !

Tái chế không được. Đốt cũng chẳng xong vì tỷ lệ hỗn tạp và độ ẩm đều cao (theo tiến sĩ Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam). Thế thì chỉ còn mỗi cách chôn lấp.

80% số bãi chôn lộ thiên, không xử lý nước rỉ, không phun khử mùi

Tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam là 85% tổng lượng rác.

Theo con số được Bộ Tài nguyên va Môi trường đưa ra vào cuối tháng 7/2019, ngoài các cơ sở xử lý rác tập trung, Việt Nam đang có 660 bãi chôn lấp rác sinh hoạt quy mô trên 1 ha. Mỗi ngày các bãi này tiếp nhận gần 53.000 tấn rác. Nhưng có đến 80% số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tức chôn lộ thiên, không có máy đầm nén, thu gom khí, xử lý nước rỉ rác, không phun hóa chất khử mùi, không có hệ thống quan trắc môi trường và kém cả về quản lý.

Tổng diện tích các bãi chôn lấp rác sinh hoạt của cả nước (chưa kể các bãi chôn lấp nhỏ rải rác ở các xã) chiếm diện tích khoảng 5.000 ha, tức 50 km2, rộng hơn toàn bộ các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh cộng lại.

Và đấy là vấn đề. Mặc kệ các đoàn công tác của chính phủ đi học giải pháp xử lý rác hết nước nọ đến nước kia, mặc kệ các nhà khoa học vỡ đầu nghĩ ra hết biện pháp xử lý rác mang tính công nghệ cao nọ công nghệ cao kia, mặc kệ các chính sách hò hét kêu gào từ trung ương đến địa phương, thì cái lỗ chân trâu khiến con voi chết đuối lại đang nằm ở cái khâu nhỏ nhặt đầu tiên là phân loại rác.

Với lượng rác thải ra ngày càng lớn và vẫn tiếp tục không được phân loại thì các bãi chôn lấp vẫn sẽ tiếp tục mọc lên. Cùng với mức độ gia tăng dân cư và để giảm chi phí vận chuyển, các bãi chôn lấp rác sẽ ngày càng gần khu dân cư, rồi sẽ tiến đến sát sàn sạt ngay cạnh nách.

Cứ nhìn bãi Đa Phước ở Thành phố Hồ Chí Minh thì biết. Bãi Đa Phước có công suất thiết kế xử lý 10.000 tấn rác/ngày (tức toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh), nằm cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng khoảng 15 km đường chim chạy. Đường chim bay thì chỉ năm bảy km.

vode6

Thế cho nên đừng ngạc nhiên ba cái vụ tai họa như núi rác Cam Ly trào xuống cánh đồng của người dân Đà Lạt làm gì. Nay mai thôi rác sẽ sập luôn xuống phòng ngủ của chúng ta ấy mà.

Con số được ngành chức năng đưa ra vào tháng 6/2019 cho biết hàng ngày Thành phố Hồ Chí Minh thải ra 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, tuyệt đại đa số là rác hỗn hợp. Trong đó rác thải nhựa chiếm 20% (1.800 tấn). Chỉ 11% lượng rác thải nhựa được thu hồi, tái chế (200 tấn). Tính chung trên tổng lượng rác thải sinh hoạt thì chỉ có 2% được tái chế.

Con số này, ở các nước đứng đầu về tái chế rác như sau : Bỉ tái chế trên 80%, Thụy Điển tái chế 99% toàn bộ lượng rác thải ; Na Uy tái chế trên 97% lượng chai nhựa ; Đức đặt kế hoạch đến 2020 (sang năm) xóa bỏ toàn bộ 300 bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng (nguồn : Moitruong.com.vn).

Tre

*********************

Đà lạt : Hàng trăm tấn rác ở Bãi rác Cam Ly đổ xuống nhà dân (RFA, 13/08/2019)

Tại Đà Lạt, truyền thông trong nước vào ngày 13 tháng 8 loan tin thiệt hại do bãi chứa rác Cam Ly vỡ hôm 8 tháng 8 chôn vùi nhiều héc ta đất đai, hoa màu của người dân.

vode7

Lở bãi rác Cam Ly, cả trăm tấn rác tràn xuống vườn nhà dân - Courtesy MTĐT

Tiền Phong mô tả hằng nghìn mét khối chất thải rắn từ bãi rác Cam Ly trên đỉnh một quả đồi cao khoảng 60 mét dựng đứng đã đổ xuống dưới thung lũng, bao trùm lên một vùng sản xuất nông nghiệp. Chất thải trên cao đổ xuống lăn thành một vệt dài hơn 1 kilomet.

Nước từ bãi rác chảy ra được mô tả là đen kịt, nồng nặc mùi hôi cũng theo suối chảy xuống khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân ; dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và lâu lan dịch bệnh.

Nguyên nhân vỡ bãi chứa rác Cam Ly được nói là do những trận mưa lớn trút xuống khu vực tỉnh Lâm Đồng vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua.

Vị đại diện của Ủy ban Nhân dân phường 5 cho biết thêm, diện tích hoa màu của các hộ dân nói trên nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng người dân đã tổ chức sản xuất ổn định từ nhiều năm qua.

Được biết, bãi rác Cam Ly từng bị đóng cửa hơn 1 năm do gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, năm 2016 bãi rác Cam Ly lại tái hoạt động do thành phố Đà Lạt thiếu cơ sở xử lý rác. Mỗi ngày khoảng 100 tấn rác thải được tập kết về bãi rác này.

Quay lại trang chủ
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)