Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/08/2019

Sân golf Tân Sơn Nhất, đặc khu Phú Quốc, ô nhiễm Bắc Giang

RFA tiếng Việt

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đi về đâu ? (RFA, 13/08/2019)

Sau hơn một năm kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Sơn Nhất) cả về phía Nam và phía Bắc, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, trong đó Thủ tướng từng khẳng định "cần đất ở phía nào thì lấy đất phía đó, cần đất sân golf thì lấy đất sân golf", nhưng, trong 2 cuộc họp gần đây về việc đầu tư các dự án giảm tải cho Tân Sơn Nhất (9/8) và thu hồi toàn bộ đất quốc phòng hoạt động sai phạm (8/8), cả Thủ tướng lẫn lãnh đạo thành phố HCM đều không hề đả động gì đến đất sân golf…

san1

Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. AP

Sân Golf Tân Sơn Nhất đã "bốc hơi" ?

Trong cuộc họp thứ nhất, Thủ tướng VN đã yêu cầu Bộ quốc phòng thu hồi toàn bộ các hợp đồng đất quốc phòng hết thời hạn, hoạt động sai phạm và sử dụng kém hiệu quả để trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định. Tại đây, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận qua kiểm tra rà soát khu đất Bộ Quốc phòng có phát hiện sai phạm trong sử dụng và còn nhiều thiếu sót. Do đó sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm đối với tổ chức, cá nhân sai phạm và không có vùng cấm, xử lý công khai, minh bạch và rõ ràng.

Tại cuộc họp thứ hai, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh công bố 7 dự án đầu tư 5.600 tỷ đồng để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 7 dự án đó có việc xây nhà ga T3, mở rộng đường dẫn vào sân bay… nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc lấy đất từ sân golf (chiếm diện tích 158 héc-ta của sân bay).

Phân tích về việc này, nhà báo Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn nhận định :

"Theo tôi thứ nhất luật đất đai của Việt Nam thì nó chỉ có cho vui thôi, mà một trong những các cứ nghiêm trọng nhất hiện nay đó là quân đội, nó gần như là một nơi, một địa chỉ bất khả xâm phạm. Không chỉ riêng sân golf mà rất nhiều đất ngay trung tâm Sài Gòn, ngay quận 10, quận 3 và Tân Bình mà hầu như bên quân đội từ trước tới nay họ đều là tự tung tự tác, tự tiện, họ bất chấp luật lệ. Không chỉ riêng ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là đương kiêm Thủ tướng đâu, mà trước đây thời ông Nguyễn Tấn Dũng còn là Thủ tướng hoặc trước nữa là ông Phan Văn Khải thì đều bất lực, vì vậy tôi không thấy làm lạ khi ông Nguyễn Xuân Phúc không hề dám đề cập đến sân Golf mà chỉ nói chung chung như vậy theo thiện ý của tôi là nhằm mục đích cho người dân thấy rằng họ chống tham nhũng không có vùng cấm nên tôi cho rằng điều đó bất khả thi".

Trong khi đó, Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho biết, hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất còn tồn tại ba vấn đề, việc trao trả đất sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm dụng hơn 10 năm qua, tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh sân bay ngày càng nghiêm trọng và vấn đề thủ tục giữa các ban ngành thành phố và Bộ Quốc phòng còn nhiều bất cập và dậm chân tại chỗ, khiến cho mọi quyết định của Thủ tướng cũng như Bộ Giao thông và vận tải vào thế như một trò đùa.

Ông phân tích thêm : "…tất cả mọi vấn đề tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ được giải quyết bởi sân bay Long Thành. Và từ rất lâu rồi và đặc biệt từ năm 2017 đến nay đã có những động tác của nhóm lợi ích vừa PR (quảng cáo) cho sân bay Long Thành vừa phá sân bay Tân Sơn Nhất để làm sao có thể dẹp luôn Tân Sơn Nhất chuyển toàn bộ tuyến bay về Long Thành. Như vậy sẽ đạt được ít nhất 2 mục đích, thứ nhất vừa kinh doanh sân bay Long Thành vừa đất đai 5.000 ha khu vực xung quanh Long Thành và thứ hai khi dẹp sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ lộ ra diện tích vàng rất lớn tới 800 ha và có thể nói đây là khu đất vàng khổng lồ và thậm chí nó còn lớn hơn cả khu Thủ Thiêm nữa thì lúc đó đất vàng đó sẽ rơi vào túi ai".

Ngoài ra, nhà báo khẳng định chắc chắn đã có những động tác cố tình dây dưa tất cả mọi vấn đề thủ tục liên quan đến việc mở rộng sân bay, chuyển trả đất sân golf.

Riêng tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS thì nhận định rằng :

"Có một chuyện thực là những tài sản công mà người ta mang đi sử dụng không đúng mục đích của nó. Đất của sân bay thì chật mà dùng cái đó để làm sân golf phục vụ cho việc kinh doanh cho một số người thực sự thì đây là cách tham nhũng ăn cắp của công một cách khá trắng trợn mà người ta không đặt vấn đề ra trong việc thu hồi. Thì những sai phạm như thế nó dính đến nhiều những người có chức có quyền cao mà có thể cả những người muốn thu hồi thì thật sự giờ há miệng bắt oai".

Trả hay không trả - câu chuyện còn dài

Trước đó, ngày 16/4/2018, theo kết luận mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngoài một nhà ga T3 được xây mới ở khu vực phía Nam, khu vực sân golf phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay. Chỉ đạo của Thủ tướng đã ban ra đến nay hơn một năm nhưng trong họp báo công bố 7 dự án giải quyết tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, Giám đốc Sở giao thông vận tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không đề cập đến khu vực sân golf !

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, không có phương án nào hiệu quả hết cho dù là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay xây dựng mới sân bay Long Thành cũng không hiệu quả.

"Quan trọng nhất hiện nay là họ nói vậy thôi chứ không có tiền. Sân bay Tân Sơn Nhất còn kinh khủng hơn bởi vì có tiền cũng không tài nào có thể dùng từ của họ là "giải tỏa, giải phóng mặt bằng" thì đụng vô đó là toàn đụng vô thứ dữ không, chứ không phải đụng vô dân oan Thủ Thiêm hay dân oan Vườn Rau Lộc Hưng đâu. Đụng vô sân bay Tân Sơn Nhất là vùng phụ cận và vùng đất dự trữ đó toàn là đất con ông cháu cha, toàn là Cộng sản máu mặt không đó. Tôi nói một câu tôi thách Nguyễn Xuân Phúc làm được điều đó mặc dù tôi rất muốn giữ lại sân bay Tân Sơn Nhất theo ý kiến của tôi".

san2

Hình ảnh hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.AFP

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì phương án nào được đưa ra mà được bàn tán nhiều thì phương án đó không giải quyết được vấn đề.

"Vấn đề hiện tại thật sự ở đây có những nhóm khác nhau hoặc những nhóm không khác nhau lắm vẫn trong nhóm đó thôi là họ muốn làm tình hình Tân Sơn Nhất ngày càng khó khăn hơn để thúc đẩy việc làm sân bay Long Thành. Làm sân bay Long Thành thì việc người ta có thể chiếm đất này đất kia tại Tân Sơn Nhất hay trong sân bay thì theo tôi nguy cơ này rất có thể dễ xảy ra".

Chưa biết sân bay Long Thành có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2020 như lời đại diện Tổng công ty cảng hàng không (ACV) công bố trên truyền thông trong nước hay không nhưng rõ ràng theo tính toán của ACV nếu lùi việc xây dựng sân bay Long Thành 5 năm sẽ đội vốn lên 10 tỉ USD. Mặc dù chưa ai dám khẳng định sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải và giảm kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất !

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định "Đây là một thời hạn hết sức là dây thun có nghĩa không có quy định thời gian hạn chót của nó là bao nhiêu. Từ năm 2015, 2016 cho đến nay đã đốc thúc đến hàng chục lần rồi mà Bộ Giao thông và vận tải vẫn ì ra đó, nói thẳng ra là Bộ Giao thông và vận tải là nhóm lợi ích khổng lồ cứ nhìn các BOT là nhận thấy, giờ tiến tới đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam thì cho thấy đó là nhóm lợi ích khổng lồ và sẵn sàng qua mặt cả Bộ Chính trị".

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định nếu các phương án không được minh bạch, không được bàn cải tranh luận nhất là các chuyên gia lên tiếng thì rất có thể dính líu vào đại án tham nhũng được xem là "động trời".

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng cho rằng, theo các chuyên gia am hiểu và có khách quan độc lập đều khẳng định rằng sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể nâng công suất lên gấp đôi để giải quyết tình trạng quá tải cả trong lẫn ngoài như hiện nay nhưng với điều kiện phải thu hồi đất sân golf.

Nhưng ông cũng nói thêm : "Thật sự mà nói không trả cũng không được bởi vì hoạt động sân golf cho đến bây giờ là lỗ với lỗ thôi và con số lỗ hiện nay là hơn 3.000 tỷ đồng rồi. Tôi nghĩ nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất không muốn bám víu sân golf làm gì nữa, nhưng muốn trả sân golf về cho sân bay họ lại đòi một điều kiện với chi phí lỗ hơn 3.000 tỷ đồng thì ai sẽ thanh toán cho họ. Hồi làm hợp đồng cho sân bay Tân Sơn Nhất thì đó là một hợp đồng vô pháp vô thiên và vô hiệu, hợp động ký trái pháp luật cho nên toàn bộ hợp đồng thuê và xây dựng sân golf là vô hiệu về mặt pháp luật. Chính ông Nguyễn Đức Kiên chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội đã khẳng định việc này từ năm 2017 rồi".

*******************

Tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu (RFA, 13/08/2019)

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu với lý do lập quy hoạch tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.

san3

Một phối cảnh quy hoạch đảo Phú Quốc - Courtesy of Baochinhphu.vn

Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/8 theo trích dẫn hai văn bản chính thức của Bộ xây dựng liên quan đến vụ việc.

Điều này có nghĩa việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ bị tạm dừng.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Chính phủ trong văn bản ký ngày 8/6/2018, nhằm định hướng phát triển không gian của đảo trong giai đoạn tới.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trả lời báo trong nước hồi đầu tháng này cho biết lý do là vì vướng mắc về cơ sở pháp luật. Theo lời ông Nhịn, Luật quy hoạch mới của đảo Phú Quốc sẽ tích hợp vào quy hoạch cả tỉnh từ đầu năm nay, và phải chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đủ cơ sở pháp lý.

Tin cũng cho hay chính quyền tỉnh Kiên Giang e ngại nếu chờ luật quy hoạch mới thì sẽ gặp khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng mục tiêu phát triển và kêu gọi đầu tư. Do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị được áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định tư vấn nước ngoài lập quy hoạch bằng cơ chế tự thỏa thuận.

Trước đó từ hồi năm 2010, Chính phủ đã xác định Phú Quốc sẽ là "khu hành chính - kinh tế đặc biệt".

Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 600km2, nằm trong khu vực Vịnh Thái Lan, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Gần đây tại Phú Quốc, nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường con hẻm ngập sâu nhiều mét, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn do cơn mưa lớn từ trưa ngày 8/8 kéo dài đến trưa ngày 9/8. Sân bay Phú Quốc đã phải đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy để bảo đảm an toàn do mưa lớn kéo dài.

******************

Bắc Giang & Thái Nguyên đùn đẩy trách nhiệm xử lý dòng kênh ô nhiễm (RFA, 13/08/2019)

Tình trạng xác động vật trên kênh Trôi tại điểm giáp ranh giữa Bắc Giang và Thái Nguyên đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này giữa hai tỉnh.

san4

Xác lợn mắc dịch bệnh trôi sông. (Ảnh minh họa) - RFA

Truyền thông trong nước hôm 13/8 loan tin cho biết như vừa nêu.

Tin cho biết, kênh Trôi thuộc hệ thống thủy lợi sông Cầu. Trước khi đổ vào địa phận Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, kênh Trôi chảy qua nhiều địa phương tỉnh Thái Nguyên trong đó có huyện Phú Bình với chiều dài hơn 30 cây số.

Nhiều năm qua tình trạng rác thải trên dòng kênh Trôi chảy từ Thái Nguyên về Bắc Giang ngày một nhiều hơn và nhất khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát từ đầu tháng 3/2019, khiến ngoài việc rác thải thì xác lợn trôi dạt về Bắc Giang mỗi ngày một nhiều.

Giám đốc trung tâm dịch vụ và kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang ông Nguyễn Quốc Mỹ xác nhận với báo giới rằng, trung bình mỗi ngày vớt khoảng 4 tấn lợn chết dưới dòng kênh mang đi tiêu hủy. Trong tháng 7, đơn vị của ông đã vớt gần 300 xác lợn tại đây.

Vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân hai tỉnh đã có buổi làm việc để bàn công tác phối hợp phòng, chống dịch tả lợn lây lan và xử lý rác thải trên kênh Trôi. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đề xuất xây dựng đăng chắn rác tại khu vực huyện Hiệp Hòa (điểm giáp ranh với huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Tuy nhiên, ban lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên không chấp nhận với lý do sẽ làm thay đổi dòng chảy mất ổn định cũng như sự an toàn …,

Ban lãnh đạo Thái Nguyên thừa nhận chỉ có rác từ tỉnh này đổ về chứ không có lợn vì chính quyền tỉnh đã chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh sớm nhất cả nước nên không có lý do gì xuất hiện xác lợn trôi dạt về Bắc Giang.

Nhiều cuộc thảo luận diễn ra nhưng không thành giữa hai tỉnh khiến lượng rác và xác lợn trôi về ngày càng nhiều hơn, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã cho xây dựng đăng chắn rác ngay vị trí giáp hai tỉnh khiến tình trạng rác và xác lợn ùn ứ khổng lồ lên tới hàng chục tấn, gây ô nhiễm trầm trọng.

Quay lại trang chủ
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)