Sau hơn một năm kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Sơn Nhất) cả về phía Nam và phía Bắc, đảm bảo các yêu cầu đặt ra, trong đó Thủ tướng từng khẳng định "cần đất ở phía nào thì lấy đất phía đó, cần đất sân golf thì lấy đất sân golf", nhưng, trong 2 cuộc họp gần đây về việc đầu tư các dự án giảm tải cho Tân Sơn Nhất (9/8) và thu hồi toàn bộ đất quốc phòng hoạt động sai phạm (8/8), cả Thủ tướng lẫn lãnh đạo thành phố HCM đều không hề đả động gì đến đất sân golf…
Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. AP
Trong cuộc họp thứ nhất, Thủ tướng VN đã yêu cầu Bộ quốc phòng thu hồi toàn bộ các hợp đồng đất quốc phòng hết thời hạn, hoạt động sai phạm và sử dụng kém hiệu quả để trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định. Tại đây, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng cũng thừa nhận qua kiểm tra rà soát khu đất Bộ Quốc phòng có phát hiện sai phạm trong sử dụng và còn nhiều thiếu sót. Do đó sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm đối với tổ chức, cá nhân sai phạm và không có vùng cấm, xử lý công khai, minh bạch và rõ ràng.
Tại cuộc họp thứ hai, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh công bố 7 dự án đầu tư 5.600 tỷ đồng để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 7 dự án đó có việc xây nhà ga T3, mở rộng đường dẫn vào sân bay… nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc lấy đất từ sân golf (chiếm diện tích 158 héc-ta của sân bay).
Phân tích về việc này, nhà báo Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn nhận định :
"Theo tôi thứ nhất luật đất đai của Việt Nam thì nó chỉ có cho vui thôi, mà một trong những các cứ nghiêm trọng nhất hiện nay đó là quân đội, nó gần như là một nơi, một địa chỉ bất khả xâm phạm. Không chỉ riêng sân golf mà rất nhiều đất ngay trung tâm Sài Gòn, ngay quận 10, quận 3 và Tân Bình mà hầu như bên quân đội từ trước tới nay họ đều là tự tung tự tác, tự tiện, họ bất chấp luật lệ. Không chỉ riêng ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là đương kiêm Thủ tướng đâu, mà trước đây thời ông Nguyễn Tấn Dũng còn là Thủ tướng hoặc trước nữa là ông Phan Văn Khải thì đều bất lực, vì vậy tôi không thấy làm lạ khi ông Nguyễn Xuân Phúc không hề dám đề cập đến sân Golf mà chỉ nói chung chung như vậy theo thiện ý của tôi là nhằm mục đích cho người dân thấy rằng họ chống tham nhũng không có vùng cấm nên tôi cho rằng điều đó bất khả thi".
Trong khi đó, Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho biết, hiện nay tại sân bay Tân Sơn Nhất còn tồn tại ba vấn đề, việc trao trả đất sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm dụng hơn 10 năm qua, tình trạng kẹt xe khu vực xung quanh sân bay ngày càng nghiêm trọng và vấn đề thủ tục giữa các ban ngành thành phố và Bộ Quốc phòng còn nhiều bất cập và dậm chân tại chỗ, khiến cho mọi quyết định của Thủ tướng cũng như Bộ Giao thông và vận tải vào thế như một trò đùa.
Ông phân tích thêm : "…tất cả mọi vấn đề tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chỉ được giải quyết bởi sân bay Long Thành. Và từ rất lâu rồi và đặc biệt từ năm 2017 đến nay đã có những động tác của nhóm lợi ích vừa PR (quảng cáo) cho sân bay Long Thành vừa phá sân bay Tân Sơn Nhất để làm sao có thể dẹp luôn Tân Sơn Nhất chuyển toàn bộ tuyến bay về Long Thành. Như vậy sẽ đạt được ít nhất 2 mục đích, thứ nhất vừa kinh doanh sân bay Long Thành vừa đất đai 5.000 ha khu vực xung quanh Long Thành và thứ hai khi dẹp sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ lộ ra diện tích vàng rất lớn tới 800 ha và có thể nói đây là khu đất vàng khổng lồ và thậm chí nó còn lớn hơn cả khu Thủ Thiêm nữa thì lúc đó đất vàng đó sẽ rơi vào túi ai".
Ngoài ra, nhà báo khẳng định chắc chắn đã có những động tác cố tình dây dưa tất cả mọi vấn đề thủ tục liên quan đến việc mở rộng sân bay, chuyển trả đất sân golf.
Riêng tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS thì nhận định rằng :
"Có một chuyện thực là những tài sản công mà người ta mang đi sử dụng không đúng mục đích của nó. Đất của sân bay thì chật mà dùng cái đó để làm sân golf phục vụ cho việc kinh doanh cho một số người thực sự thì đây là cách tham nhũng ăn cắp của công một cách khá trắng trợn mà người ta không đặt vấn đề ra trong việc thu hồi. Thì những sai phạm như thế nó dính đến nhiều những người có chức có quyền cao mà có thể cả những người muốn thu hồi thì thật sự giờ há miệng bắt oai".
Trước đó, ngày 16/4/2018, theo kết luận mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngoài một nhà ga T3 được xây mới ở khu vực phía Nam, khu vực sân golf phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay. Chỉ đạo của Thủ tướng đã ban ra đến nay hơn một năm nhưng trong họp báo công bố 7 dự án giải quyết tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất, Giám đốc Sở giao thông vận tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không đề cập đến khu vực sân golf !
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, không có phương án nào hiệu quả hết cho dù là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay xây dựng mới sân bay Long Thành cũng không hiệu quả.
"Quan trọng nhất hiện nay là họ nói vậy thôi chứ không có tiền. Sân bay Tân Sơn Nhất còn kinh khủng hơn bởi vì có tiền cũng không tài nào có thể dùng từ của họ là "giải tỏa, giải phóng mặt bằng" thì đụng vô đó là toàn đụng vô thứ dữ không, chứ không phải đụng vô dân oan Thủ Thiêm hay dân oan Vườn Rau Lộc Hưng đâu. Đụng vô sân bay Tân Sơn Nhất là vùng phụ cận và vùng đất dự trữ đó toàn là đất con ông cháu cha, toàn là Cộng sản máu mặt không đó. Tôi nói một câu tôi thách Nguyễn Xuân Phúc làm được điều đó mặc dù tôi rất muốn giữ lại sân bay Tân Sơn Nhất theo ý kiến của tôi".
Hình ảnh hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.AFP
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang A thì phương án nào được đưa ra mà được bàn tán nhiều thì phương án đó không giải quyết được vấn đề.
"Vấn đề hiện tại thật sự ở đây có những nhóm khác nhau hoặc những nhóm không khác nhau lắm vẫn trong nhóm đó thôi là họ muốn làm tình hình Tân Sơn Nhất ngày càng khó khăn hơn để thúc đẩy việc làm sân bay Long Thành. Làm sân bay Long Thành thì việc người ta có thể chiếm đất này đất kia tại Tân Sơn Nhất hay trong sân bay thì theo tôi nguy cơ này rất có thể dễ xảy ra".
Chưa biết sân bay Long Thành có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2020 như lời đại diện Tổng công ty cảng hàng không (ACV) công bố trên truyền thông trong nước hay không nhưng rõ ràng theo tính toán của ACV nếu lùi việc xây dựng sân bay Long Thành 5 năm sẽ đội vốn lên 10 tỉ USD. Mặc dù chưa ai dám khẳng định sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ giảm tải và giảm kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất !
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định "Đây là một thời hạn hết sức là dây thun có nghĩa không có quy định thời gian hạn chót của nó là bao nhiêu. Từ năm 2015, 2016 cho đến nay đã đốc thúc đến hàng chục lần rồi mà Bộ Giao thông và vận tải vẫn ì ra đó, nói thẳng ra là Bộ Giao thông và vận tải là nhóm lợi ích khổng lồ cứ nhìn các BOT là nhận thấy, giờ tiến tới đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt cao tốc Bắc Nam thì cho thấy đó là nhóm lợi ích khổng lồ và sẵn sàng qua mặt cả Bộ Chính trị".
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định nếu các phương án không được minh bạch, không được bàn cải tranh luận nhất là các chuyên gia lên tiếng thì rất có thể dính líu vào đại án tham nhũng được xem là "động trời".
Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng cho rằng, theo các chuyên gia am hiểu và có khách quan độc lập đều khẳng định rằng sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể nâng công suất lên gấp đôi để giải quyết tình trạng quá tải cả trong lẫn ngoài như hiện nay nhưng với điều kiện phải thu hồi đất sân golf.
Nhưng ông cũng nói thêm : "Thật sự mà nói không trả cũng không được bởi vì hoạt động sân golf cho đến bây giờ là lỗ với lỗ thôi và con số lỗ hiện nay là hơn 3.000 tỷ đồng rồi. Tôi nghĩ nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất không muốn bám víu sân golf làm gì nữa, nhưng muốn trả sân golf về cho sân bay họ lại đòi một điều kiện với chi phí lỗ hơn 3.000 tỷ đồng thì ai sẽ thanh toán cho họ. Hồi làm hợp đồng cho sân bay Tân Sơn Nhất thì đó là một hợp đồng vô pháp vô thiên và vô hiệu, hợp động ký trái pháp luật cho nên toàn bộ hợp đồng thuê và xây dựng sân golf là vô hiệu về mặt pháp luật. Chính ông Nguyễn Đức Kiên chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội đã khẳng định việc này từ năm 2017 rồi".
*******************
Tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu (RFA, 13/08/2019)
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu với lý do lập quy hoạch tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Một phối cảnh quy hoạch đảo Phú Quốc - Courtesy of Baochinhphu.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/8 theo trích dẫn hai văn bản chính thức của Bộ xây dựng liên quan đến vụ việc.
Điều này có nghĩa việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ bị tạm dừng.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Chính phủ trong văn bản ký ngày 8/6/2018, nhằm định hướng phát triển không gian của đảo trong giai đoạn tới.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trả lời báo trong nước hồi đầu tháng này cho biết lý do là vì vướng mắc về cơ sở pháp luật. Theo lời ông Nhịn, Luật quy hoạch mới của đảo Phú Quốc sẽ tích hợp vào quy hoạch cả tỉnh từ đầu năm nay, và phải chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đủ cơ sở pháp lý.
Tin cũng cho hay chính quyền tỉnh Kiên Giang e ngại nếu chờ luật quy hoạch mới thì sẽ gặp khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng mục tiêu phát triển và kêu gọi đầu tư. Do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị được áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định tư vấn nước ngoài lập quy hoạch bằng cơ chế tự thỏa thuận.
Trước đó từ hồi năm 2010, Chính phủ đã xác định Phú Quốc sẽ là "khu hành chính - kinh tế đặc biệt".
Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 600km2, nằm trong khu vực Vịnh Thái Lan, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Gần đây tại Phú Quốc, nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường con hẻm ngập sâu nhiều mét, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn do cơn mưa lớn từ trưa ngày 8/8 kéo dài đến trưa ngày 9/8. Sân bay Phú Quốc đã phải đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy để bảo đảm an toàn do mưa lớn kéo dài.
******************
Bắc Giang & Thái Nguyên đùn đẩy trách nhiệm xử lý dòng kênh ô nhiễm (RFA, 13/08/2019)
Tình trạng xác động vật trên kênh Trôi tại điểm giáp ranh giữa Bắc Giang và Thái Nguyên đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này giữa hai tỉnh.
Xác lợn mắc dịch bệnh trôi sông. (Ảnh minh họa) - RFA
Truyền thông trong nước hôm 13/8 loan tin cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, kênh Trôi thuộc hệ thống thủy lợi sông Cầu. Trước khi đổ vào địa phận Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, kênh Trôi chảy qua nhiều địa phương tỉnh Thái Nguyên trong đó có huyện Phú Bình với chiều dài hơn 30 cây số.
Nhiều năm qua tình trạng rác thải trên dòng kênh Trôi chảy từ Thái Nguyên về Bắc Giang ngày một nhiều hơn và nhất khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát từ đầu tháng 3/2019, khiến ngoài việc rác thải thì xác lợn trôi dạt về Bắc Giang mỗi ngày một nhiều.
Giám đốc trung tâm dịch vụ và kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang ông Nguyễn Quốc Mỹ xác nhận với báo giới rằng, trung bình mỗi ngày vớt khoảng 4 tấn lợn chết dưới dòng kênh mang đi tiêu hủy. Trong tháng 7, đơn vị của ông đã vớt gần 300 xác lợn tại đây.
Vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân hai tỉnh đã có buổi làm việc để bàn công tác phối hợp phòng, chống dịch tả lợn lây lan và xử lý rác thải trên kênh Trôi. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đề xuất xây dựng đăng chắn rác tại khu vực huyện Hiệp Hòa (điểm giáp ranh với huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Tuy nhiên, ban lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên không chấp nhận với lý do sẽ làm thay đổi dòng chảy mất ổn định cũng như sự an toàn …,
Ban lãnh đạo Thái Nguyên thừa nhận chỉ có rác từ tỉnh này đổ về chứ không có lợn vì chính quyền tỉnh đã chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh sớm nhất cả nước nên không có lý do gì xuất hiện xác lợn trôi dạt về Bắc Giang.
Nhiều cuộc thảo luận diễn ra nhưng không thành giữa hai tỉnh khiến lượng rác và xác lợn trôi về ngày càng nhiều hơn, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã cho xây dựng đăng chắn rác ngay vị trí giáp hai tỉnh khiến tình trạng rác và xác lợn ùn ứ khổng lồ lên tới hàng chục tấn, gây ô nhiễm trầm trọng.
Tháng 8 năm 2019, ngay sau khi chính quyền xứ Kiên Giang, với bí thư tỉnh này là Nguyễn Thanh Nghị - con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - thình lình có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ ngừng quy hoạch Phú Quốc làm đặc khu để chuyển sang hình thức khu kinh tế đơn thuần, giới đầu cơ bất động sản và những quan chức đã ôm đất giá rẻ nhưng chưa kịp ‘thoát hàng’ giá cao đành ôm nỗi hận thiên thu.
Phú Quốc trong cơn ngập lụt lịch sử tháng 8 năm 2019
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 được Trung Quốc cho thẳng tiến vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam và lì lợm ở đó đến hơn một tháng, gây ra một trận ‘vờn tàu’ và gấu ó ở mức độ vừa phải giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ khiến cộng đồng quốc tế phải chú ý.
Hẳn đó là nguồn cơn chính trị rất trực tiếp mà đã khiến ‘đảng em’ tìm cách phản pháo đối với ‘đảng anh’ bằng cách cho đóng sổ giấc mơ ‘lên đặc khu’ của Phú Quốc và Vân Đồn.
Trước khi dự luật Đặc khu được khởi sự ‘lobby’ Bộ Chính trị đảng vào ngay sau tết nguyên đán năm 2018 và được chính thức tung ra Quốc hội vào giữa năm 2018, quan chức Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (vào lúc còn chưa ‘mất tích dài hạn’) đã ký một thông báo thay mặt Bộ Chính trị kết luận về chủ trương ‘làm’ các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chính thức mở đường cho một khung pháp lý mà sau này bị dư luận xã hội phản ứng quyết liệt vì cho đó là ‘luật bán nước’.
Đáng chú ý, bản thông báo do Đinh Thế Huynh ký được dựa trên đề xuất của bí thư tỉnh Quảng Ninh - một địa phương giáp biên giới với Trung Quốc - vào thời đó là Phạm Minh Chính. Khi đó, sau những cuộc làm việc đầy ‘tình hữu nghị’ với Đào Nhất Đào - trợ lý của Tập Cận Bình về đặc khu,thậm chí Phạm Minh Chính còn nêu ra đề xuất cho thuê đất đặc khu đến 120 năm, chứ không chỉ là 99 năm !
Sau ‘thành tích’ đề xuất ý tưởng và cả kế hoạch về xây dựng đặc khu Vân Đồn dành nhiều ưu ái cho nhà đầu tư cùng giới tài phiệt Trung Quốc và lại khá tương thích với ý đồ lấn dần lãnh thổ Việt Nam của Bắc Kinh, không hiểu sao Phạm Minh Chính đã lọt vào Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tổ chức trung ương tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Dù đã được âm thầm chuẩn bị từ lâu, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.
Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc lợi dụng để di dân. Một cuộc biểu tình khổng lồ lên tới hàng trăm ngàn người phản đối ‘luật bán nước’ đã nổ ra ở Sài Gòn và lan ra đến một nửa trong tổng số 63 tỉnh thành ở Việt Nam.
Sau khi dự luật Đặc khu bị phản ứng dữ dội, người dân đã phát hiện ra nguồn cơn vì sao Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nhấn mạnh theo lối áp đặt ‘Bộ Chính trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…’ : vào thời gian hội thảo về chủ trương đặc khu Vân Đồn ở Quảng Ninh, Nguyễn Thị Kim Ngân nằm trong số quan chức VIP tham dự hội thảo này và đã ‘nhiệt tình vỗ tay’ dành cho ‘luật bán nước’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 12/08/2019
'Nước ta có bốn nữ hoàng' - nỗi đau cho phụ nữ Việt Nam (BBC, 04/08/2019)
Một cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nói bà 'vừa buồn cười vừa đau' về một số quan chức nữ ở Việt Nam bị dư luận chế nhạo trong thời gian qua.
Bà Phạm Chi Mai, cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên lề một hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha, hồi trung tuần tháng 7/2019, nhà giáo Phạm Chi Mai, người đã có thâm niên 55 năm trong nghề, bình luận với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt về bốn nhân vật quan chức nữ bị người dân cười nhạo vì có những hành động và lời nói 'phản cảm' hay 'ngớ ngẩn'.
"Ngoài trên mạng ra, ngay cả khi tôi đi chợ, các bà bán rau cũng đọc cho nhau nghe. [Họ nói] Việt Nam bây giờ hơn nước Anh rồi. Nước Anh có một nữ hoàng, còn Việt Nam chúng mình có bốn nữ hoàng".
Bà Phạm Chi Mai kể thêm chi tiết vì sao bốn nữ lãnh đạo lại được người dân mệnh danh là nữ hoàng Mít, nữ hoàng Dép, nữ hoàng Lon và nữ hoàng Lu.
Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được tôn là Nữ hoàng Mít
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được vinh danh là Nữ hoàng Dép
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch được tặng anh hiệu Nữ hoàng Lon
Bà Phan Thị Hồng Xuân, Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh được trao giải Nữ hoàng Lu
"Đấy là điều mà người ta cười và chế nhạo.
"Chế nhạo thứ nhất là óc đậu phụ của những người phụ nữ như vậy mà lại đi làm quan chức. Thứ hai, họ chế nhạo những người đưa những phụ nữ đó lên và để họ ở vị trí như vậy với những câu nói ngớ ngẩn đến như thế.
"Chúng tôi vừa buồn cười mà vừa đau cho người phụ nữ Việt Nam.
"Họ lại đưa cả mặt lên. Nói thật, tôi là phụ nữ mà trông thấy những gương mặt đó tôi cũng thấy phản cảm. Đó là điều rất bất lợi cho lãnh đạo của chính quyền".
Bốn 'nữ hoàng' là ai ?
- Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh : Hồi đầu tháng 1/2019, rất nhiều người xem và chia sẻ một clip có hình ảnh bà Thân Thị Thư bóc mít ăn và chăm chú xem điện thoại trong lúc ngồi ghế chủ tọa buổi gặp mặt báo chí đầu năm. Đây là chủ đề cho nhiều facebooker bình luận về cách văn hóa ứng xử của một người nữ lãnh đạo.
- Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh : trong một buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, một phụ nữ trong khán phòng do quá bức xúc đã rút chiếc giày đang đi và ném thẳng vào bà Tâm. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người ném giày, sau đó cho BBC biết bà và người dân bức xúc vì Ủy ban Nhân dân quận 2 mập mờ trong việc đền bù cho người dân khi xây trụ sở Ủy ban Nhân dân quận. Bà Dương cho biết bà đã bị phạt 750.000 đồng về tội "ném vật dụng vào người khác" và "đã nộp phạt rồi".
- Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch : Cuối tháng 6/2019, Bộ Văn hóa có công văn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola. Bà Ninh Thị Thu Hương giải thích đó là vì chiến dịch "Mở lon Việt Nam"của hãng này thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm. Trả lời báo Tuổi trẻ, bà Ninh Thị Thu Hương nói : "Hãy giả sử người người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề". Sau đó, có chuyên gia ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện và cho rằng tên chiến dịch quảng cáo này không có gì là phản cảm. Cộng đồng mạng cũng dậy sóng với nhiều bài viết chế nhạo cách giải thích của bà Hương.
- Bà Phan Thị Hồng Xuân, Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh : ngày 12/7, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15, Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất ý kiến các hộ gia đình nên trang bị một lu to để chứa nước nhằm chống ngập vào mùa mưa. Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, đa số là chế nhạo, trên mạng xã hội và truyền thông trong nước. Sau đó bà Hồng Xuân đã nộp đơn xin nghỉ phép dài ngày vì 'cần nghỉ ngơi sau biến cố quá lớn với bản thân', theo các báo Việt Nam.
'Cái tát cuối cùng là dành cho Bộ trưởng Bộ giáo dục'
Bình luận về tình hình nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhà giáo Phạm Chi Mai chia sẻ với BBC :
"Đây cũng là một điều làm chúng tôi buồn quá đi. Vì ngay cả người đứng đầu cao nhất của Bộ Giáo dục cũng làm cho dân chúng tôi trong ngành không thấy phục - không thấy phục về cách ứng xử, về thái độ đối với công việc chung, về cái cảnh mà trong khi họp quốc hội ông ngồi ngủ gật…chưa kể việc ông dung túng những sai trái cực kỳ nhiều".
Bà nói thêm về những vụ việc như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hay cô giáo bắt học sinh tát bạn.
"Chúng tôi bản thân là giáo viên, bản thân là người mẹ, và đặt mình vào tâm trạng một đứa bé 12 tuổi đứng giơ mặt cho các bạn tát, mỗi bạn tát 10 cái. Rồi cô giáo tát một cái cuối cùng là 231 cái. Và chúng tôi nói rằng cái tát cuối cùng là dành cho Bộ trưởng Bộ giáo dục.
"Bộ trưởng Bộ giáo dục mà không nghiêm khắc, không biết dạy những người làm công tác giáo dục thì sẽ tạo ra những chuyện như thế này thôi".
"Tất nhiên đây là số nhỏ vì đây chỉ là một trong số hàng triệu giáo viên nhưng nó là tha hóa đến mức cùng cực về đạo đức nghề nghiệp. Đó là cái tôi thấy không thể nào chấp nhận được với tư cách một người làm giáo dục".
****************
Vovinam-Việt Võ Đạo 80 năm : Vẫn đau đáu mơ ước một mái nhà chung (RFI, 04/08/2019)
Cách đây 80 năm, tháng 8 năm 1939 tại Nhà hát lớn Hà Nội, một vị võ sư trẻ tuổi đã tổ chức một buổi biểu diễn ra mắt công chúng, khi đó chủ yếu là người Pháp, môn võ mang cái tên thuần Việt Vovinam (Việt Võ Đạo).
Một thế võ Vovinam-Việt Võ Đạo do các võ sinh Bỉ biểu diễn. Wikipedia
Sự kiện này đánh dấu sự ra đời chính thức của một môn phái võ mới, giờ đây trở thành bộ phận không thể tách rời của làng võ Việt, và là niềm tự hào của người Việt Nam.
Ông là võ sư Nguyễn Lộc, khi đó tuổi mới ngoài 20, đã âm thầm tìm tòi đúc kết trong tinh hoa võ thuật để sáng tạo ra môn phái Vovinam Việt Võ Đạo từ năm 1936, để rồi đến năm 1938 đưa ra cho các môn sinh luyện tập. Kèm với Vovinam Việt Võ Đạo, võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc còn đề ra chủ thuyết "Cách mạng tâm thân" nhằm thúc đẩy các môn sinh luôn trau dồi canh tân bản thân, hương thiện về thể chất cũng như tinh thần.
Vovinam đã trải qua 8 thập kỷ phát triển đầy thăng trầm theo dòng lịch sử đất nước. Đó là 8 thập kỷ Vovinam Việt Võ Đạo dưới sự dẫn dắt của vị sáng tổ Nguyễn Lộc giàu lòng yêu nước cùng đông đảo các võ sư, chưởng môn tậm tâm tận lực đã vượt qua bao thách thức, hợp tan, để giờ đây Vovinam được phổ biến và đón nhận rộng rãi khắp năm Châu như tinh hoa võ thuật thế giới. Tuy vậy những người tâm huyết nhất với sự nghiệp phát triển Vovinam Việt Võ Đạo vẫn còn thách thức cuối cùng, đó là làm sao gia đình Vovinam hòa hợp dưới một mái nhà chung.
Từ ngày 15 đến 29 tháng 8 tới, một đoàn gồm các võ sư và môn sinh của Vovinam Việt Võ Đạo ở hải ngoại thuộc Tổng Liên đoàn Vivinam Việt Võ Đạo Thế giới, do Đại võ sư Trần Nguyên Đạo dẫn đầu, có chuyến về nguồn nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.
Chương trình Thể thao của RFI có cuộc phỏng vấn Đại võ sư Trần Nguyên Đạo, tại Paris. Ông là một trong những người đã dành hết tâm huyết cho gây dựng và giữ ngọn lửa Vovinam Việt Võ Đạo được tỏa sáng ở Pháp, và hải ngoại nói chung.
Đại võ sư Trần Nguyên Đạo, 04/08/2019 - Anh Vũ
Anh Vũ
*******************
Việt Nam loay hoay đặt tiêu chuẩn cho hàng hóa ‘Made in Vietnam’ (Người Việt, 04/08/2019)
Bộ Công thương Việt Nam vừa đưa ra một dự thảo thông tư để "lấy ý kiến" quy định thế nào là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được xác nhận sản xuất tại Việt Nam, "Made in Vietnam".
Công ty Asanzo mua tất cả các bộ phận rời ở Trung Quốc rồi lắp ráp lại thành chiếc TV và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Việt Nam "chất lượng cao". (Hình : VOV)
Từ trước tới nay, không hề có một bộ tiêu chuẩn hay quy định rõ rệt thế là là một sản phẩm "Made in Vietnam", xuất xứ từ Việt Nam với nguyên liệu hoặc bộ phận rời do Việt Nam sản xuất. Thậm chí hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc bán sang Việt Nam tiêu thụ hoặc mượn các công ty "tạm nhập tái xuất" của Việt Nam để xuất cảng sang Mỹ cũng in sẵn hàng chữ "Made in Vietnam" để né thuế quan trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Hôm thứ Sáu 2/8/2019, báo chí trong nước nói "Dự thảo thông tư" của Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam "được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam" hiện bị coi là "bất cập" nên bị Mỹ đánh thuế quan trừng phạt một số sản phẩm như sắt thép, ván ép.
Tuần qua, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer bắn tiếng Việt Nam đang có thể trở thành mục tiêu bị áp đặt thuế quan trừng phạt vì Mỹ bị thâm thủng mậu dịch 40 tỷ USD năm ngoái và năm nay đang có dấu hiệu thâm thủng nhiều hơn nữa.
Để tránh né hàng rào quan thuế Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc chạy sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất gia công, hoặc đưa các sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc sang cho công ty Việt Nam "gia công" như lắp ráp hoặc hoàn tất giai đoạn cuối từ các bộ phận rời sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất cảng đi Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không coi đó là những sản phẩm do Việt Nam sản xuất để gắn hàng chữ "Made in Vietnam" và trốn được thuế quan trừng phạt. Do đó, Việt Nam bị vạ lây.
Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), một trong những nội dung đang nhận được nhiều tranh cãi là việc hàng hóa được gia công, chế biến đơn giản như thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn lên sản phẩm, lắp ráp đơn giản để tạo sản phẩm hoàn chỉnh… "sẽ không được ghi là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc có xuất xứ Việt Nam".
Trong bản dự thảo, VOV nói "công thức tính do Bộ Công Thương đưa ra còn có nội dung "hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó". Tuy nhiên, VOV dẫn ý kiến một số chuyên gia, kêu rằng "cách quy định này còn có nhiều bất cập".
Nguồn tin vừa kể dẫn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – nguyên thành viên Ban Cố vấn Kinh tế chính phủ cho rằng, "quy định 30% sản phẩm được nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam".
Theo ông, nhiều mặt hàng hiện nay "dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng "qua mặt" các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam".
Ông Thành cho hay, trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng "Made in Vietnam" thì các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn "Made in…".
Như tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), một loại hàng hóa có thể được dán nhãn "Made in USA" phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Ông Bùi Kiến Thành được VOV dẫn lời cho rằng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để đưa ra bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm Made in Vietnam. "Vì vậy, Bộ Công thương cần tham khảo tài liệu từ các nước đã đi trước. Việc xây dựng bộ tiêu chí Made in Vietnam cũng cần có sự trợ giúp từ hội đồng tư vấn uy tín", ông nói.
Trong khi đó, vẫn theo VOV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên chủ tịch Hiệp Hội Siêu Thị Hà Nội lại cho rằng, để một sản phẩm gọi là hàng Việt phải xuất phát từ ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm. Ví dụ một chiếc xe gắn máy thì động cơ phải do doanh nghiệp trong nước sáng chế, có bản quyền mới nên gọi là hàng Việt.
Hồi tháng Sau, Mỹ đã đánh thuế quan trừng phạt đối với sắt thép nhập cảng từ Việt Nam 400% vì nghi ngờ là hàng Hàn Quốc và Đài Loan đội lốt hàng Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/06/2019 trả lời phỏng vấn của hệ thống truyền hình FOX Business Network đã chỉ trích Việt Nam "lợi dụng Mỹ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc".
Tháng Năm trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xếp tên Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về "thao túng tiền tệ". Hiện người ta chưa thấy các tín hiệu Hà Nội nhúc nhích cải thiện cán cân mậu dịch theo đòi hỏi của Washington. (TN)
*****************
Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế (Người Việt, 03/08/2019)
Khách du lịch đến đảo Phú Quốc. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị thủ tướng cộng sản Việt Nam cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế được Quốc hội thông qua. Truyền thông trong nước cho hay hôm thứ Bảy 3/8/2019.
Bên cạnh đó, Kiên Giang đề nghị chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu Kinh tế Phú Quốc.
Vào tháng 8/2018, chính phủ Việt Nam đồng ý với chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Dựa trên chủ trương này, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, đến nay dự án Luật Đặc Khu vẫn còn trong "án treo" của Quốc hội Việt Nam, chưa chính thức được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Do đó, việc quy hoạch tỉnh gặp trở ngại khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.
Phú Quốc là một trong ba khu vực nằm trong dự thảo Luật đặc khu kinh tế. Hai khu vực còn lại là Vân Đồn ở Quảng Ninh và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa. Phú Quốc, đảo lớn nhất nằm trên vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, cách vùng Sihanoukville và Bokor của Cambodia mấy chục cây số. Sihanoukville đã trở thành đặc khu kinh tế công nghiệp của Trung Quốc từ năm 2010, trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Cambodia và Trung Quốc. Sự thành công này đặt viên gạch mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu vào tháng Mười, 2016, về nông nghiệp.
Từ đây có thể dễ dàng nhận thấy, nếu Trung Quốc là "nhà đầu tư nước ngoài" thuê đất 99 năm ở Phú Quốc, thì Phú Quốc, Sihanoukville và Trung Quốc là một tam giác chiến lược kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ cho bên thuê đất.
Dự luật đặc khu kinh tế, hay Luật Đơn vị hành chính kinh tế đã bị hoãn vô thời hạn vào lúc 3 giờ sáng 9/6/2018, sau khi vấp phải sư chống đống rộng khắp cả nước Việt Nam. (C.Lynh)