Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/08/2019

Bốn nữ hoàng, Vovinam Việt Võ Đạo, Made in Vietnam, đặc khu Phú Quốc

Tổng hợp

'Nước ta có bốn nữ hoàng' - nỗi đau cho phụ nữ Việt Nam (BBC, 04/08/2019)

Một cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nói bà 'vừa buồn cười vừa đau' về một số quan chức nữ ở Việt Nam bị dư luận chế nhạo trong thời gian qua.

vn01

Bà Phạm Chi Mai, cựu giáo viên dạy tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bên lề một hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha, hồi trung tuần tháng 7/2019, nhà giáo Phạm Chi Mai, người đã có thâm niên 55 năm trong nghề, bình luận với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt về bốn nhân vật quan chức nữ bị người dân cười nhạo vì có những hành động và lời nói 'phản cảm' hay 'ngớ ngẩn'.

"Ngoài trên mạng ra, ngay cả khi tôi đi chợ, các bà bán rau cũng đọc cho nhau nghe. [Họ nói] Việt Nam bây giờ hơn nước Anh rồi. Nước Anh có một nữ hoàng, còn Việt Nam chúng mình có bốn nữ hoàng".

Bà Phạm Chi Mai kể thêm chi tiết vì sao bốn nữ lãnh đạo lại được người dân mệnh danh là nữ hoàng Mít, nữ hoàng Dép, nữ hoàng Lon và nữ hoàng Lu.

Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được tôn là Nữ hoàng Mít

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được vinh danh là Nữ hoàng Dép

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch được tặng anh hiệu Nữ hoàng Lon

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh được trao giải Nữ hoàng Lu

"Đấy là điều mà người ta cười và chế nhạo.

"Chế nhạo thứ nhất là óc đậu phụ của những người phụ nữ như vậy mà lại đi làm quan chức. Thứ hai, họ chế nhạo những người đưa những phụ nữ đó lên và để họ ở vị trí như vậy với những câu nói ngớ ngẩn đến như thế.

"Chúng tôi vừa buồn cười mà vừa đau cho người phụ nữ Việt Nam.

"Họ lại đưa cả mặt lên. Nói thật, tôi là phụ nữ mà trông thấy những gương mặt đó tôi cũng thấy phản cảm. Đó là điều rất bất lợi cho lãnh đạo của chính quyền".

Bốn 'nữ hoàng' là ai ?

- Bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh : Hồi đầu tháng 1/2019, rất nhiều người xem và chia sẻ một clip có hình ảnh bà Thân Thị Thư bóc mít ăn và chăm chú xem điện thoại trong lúc ngồi ghế chủ tọa buổi gặp mặt báo chí đầu năm. Đây là chủ đề cho nhiều facebooker bình luận về cách văn hóa ứng xử của một người nữ lãnh đạo.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh : trong một buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào sáng 20/10/2018, một phụ nữ trong khán phòng do quá bức xúc đã rút chiếc giày đang đi và ném thẳng vào bà Tâm. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người ném giày, sau đó cho BBC biết bà và người dân bức xúc vì Ủy ban Nhân dân quận 2 mập mờ trong việc đền bù cho người dân khi xây trụ sở Ủy ban Nhân dân quận. Bà Dương cho biết bà đã bị phạt 750.000 đồng về tội "ném vật dụng vào người khác" và "đã nộp phạt rồi".

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch : Cuối tháng 6/2019, Bộ Văn hóa có công văn chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola. Bà Ninh Thị Thu Hương giải thích đó là vì chiến dịch "Mở lon Việt Nam"của hãng này thể hiện sự không trang trọng, gây phản cảm. Trả lời báo Tuổi trẻ, bà Ninh Thị Thu Hương nói : "Hãy giả sử người người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề". Sau đó, có chuyên gia ngôn ngữ đã lên tiếng phản biện và cho rằng tên chiến dịch quảng cáo này không có gì là phản cảm. Cộng đồng mạng cũng dậy sóng với nhiều bài viết chế nhạo cách giải thích của bà Hương.

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa IX, Trưởng khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh : ngày 12/7, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15, Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân đã đề xuất ý kiến các hộ gia đình nên trang bị một lu to để chứa nước nhằm chống ngập vào mùa mưa. Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, đa số là chế nhạo, trên mạng xã hội và truyền thông trong nước. Sau đó bà Hồng Xuân đã nộp đơn xin nghỉ phép dài ngày vì 'cần nghỉ ngơi sau biến cố quá lớn với bản thân', theo các báo Việt Nam.

'Cái tát cuối cùng là dành cho Bộ trưởng Bộ giáo dục'

Bình luận về tình hình nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhà giáo Phạm Chi Mai chia sẻ với BBC :

"Đây cũng là một điều làm chúng tôi buồn quá đi. Vì ngay cả người đứng đầu cao nhất của Bộ Giáo dục cũng làm cho dân chúng tôi trong ngành không thấy phục - không thấy phục về cách ứng xử, về thái độ đối với công việc chung, về cái cảnh mà trong khi họp quốc hội ông ngồi ngủ gật…chưa kể việc ông dung túng những sai trái cực kỳ nhiều".

Bà nói thêm về những vụ việc như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng hay cô giáo bắt học sinh tát bạn.

"Chúng tôi bản thân là giáo viên, bản thân là người mẹ, và đặt mình vào tâm trạng một đứa bé 12 tuổi đứng giơ mặt cho các bạn tát, mỗi bạn tát 10 cái. Rồi cô giáo tát một cái cuối cùng là 231 cái. Và chúng tôi nói rằng cái tát cuối cùng là dành cho Bộ trưởng Bộ giáo dục.

"Bộ trưởng Bộ giáo dục mà không nghiêm khắc, không biết dạy những người làm công tác giáo dục thì sẽ tạo ra những chuyện như thế này thôi".

"Tất nhiên đây là số nhỏ vì đây chỉ là một trong số hàng triệu giáo viên nhưng nó là tha hóa đến mức cùng cực về đạo đức nghề nghiệp. Đó là cái tôi thấy không thể nào chấp nhận được với tư cách một người làm giáo dục".

****************

Vovinam-Việt Võ Đạo 80 năm : Vẫn đau đáu mơ ước một mái nhà chung (RFI, 04/08/2019)

Cách đây 80 năm, tháng 8 năm 1939 tại Nhà hát lớn Hà Nội, một vị võ sư trẻ tuổi đã tổ chức một buổi biểu diễn ra mắt công chúng, khi đó chủ yếu là người Pháp, môn võ mang cái tên thuần Việt Vovinam (Việt Võ Đạo).

vn1

Một thế võ Vovinam-Việt Võ Đạo do các võ sinh Bỉ biểu diễn. Wikipedia

Sự kiện này đánh dấu sự ra đời chính thức của một môn phái võ mới, giờ đây trở thành bộ phận không thể tách rời của làng võ Việt, và là niềm tự hào của người Việt Nam.

Ông là võ sư Nguyễn Lộc, khi đó tuổi mới ngoài 20, đã âm thầm tìm tòi đúc kết trong tinh hoa võ thuật để sáng tạo ra môn phái Vovinam Việt Võ Đạo từ năm 1936, để rồi đến năm 1938 đưa ra cho các môn sinh luyện tập. Kèm với Vovinam Việt Võ Đạo, võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc còn đề ra chủ thuyết "Cách mạng tâm thân" nhằm thúc đẩy các môn sinh luôn trau dồi canh tân bản thân, hương thiện về thể chất cũng như tinh thần.

Vovinam đã trải qua 8 thập kỷ phát triển đầy thăng trầm theo dòng lịch sử đất nước. Đó là 8 thập kỷ Vovinam Việt Võ Đạo dưới sự dẫn dắt của vị sáng tổ Nguyễn Lộc giàu lòng yêu nước cùng đông đảo các võ sư, chưởng môn tậm tâm tận lực đã vượt qua bao thách thức, hợp tan, để giờ đây Vovinam được phổ biến và đón nhận rộng rãi khắp năm Châu như tinh hoa võ thuật thế giới. Tuy vậy những người tâm huyết nhất với sự nghiệp phát triển Vovinam Việt Võ Đạo vẫn còn thách thức cuối cùng, đó là làm sao gia đình Vovinam hòa hợp dưới một mái nhà chung.

Từ ngày 15 đến 29 tháng 8 tới, một đoàn gồm các võ sư và môn sinh của Vovinam Việt Võ Đạo ở hải ngoại thuộc Tổng Liên đoàn Vivinam Việt Võ Đạo Thế giới, do Đại võ sư Trần Nguyên Đạo dẫn đầu, có chuyến về nguồn nhân dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa này.

Chương trình Thể thao của RFI có cuộc phỏng vấn Đại võ sư Trần Nguyên Đạo, tại Paris. Ông là một trong những người đã dành hết tâm huyết cho gây dựng và giữ ngọn lửa Vovinam Việt Võ Đạo được tỏa sáng ở Pháp, và hải ngoại nói chung.

Nghe

Đại võ sư Trần Nguyên Đạo, 04/08/2019 - Anh Vũ

Anh Vũ

*******************

Việt Nam loay hoay đặt tiêu chuẩn cho hàng hóa ‘Made in Vietnam’ (Người Việt, 04/08/2019)

Bộ Công thương Việt Nam vừa đưa ra một dự thảo thông tư để "lấy ý kiến" quy định thế nào là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được xác nhận sản xuất tại Việt Nam, "Made in Vietnam".

vn2

Công ty Asanzo mua tất cả các bộ phận rời ở Trung Quốc rồi lắp ráp lại thành chiếc TV và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm Việt Nam "chất lượng cao". (Hình : VOV)

Từ trước tới nay, không hề có một bộ tiêu chuẩn hay quy định rõ rệt thế là là một sản phẩm "Made in Vietnam", xuất xứ từ Việt Nam với nguyên liệu hoặc bộ phận rời do Việt Nam sản xuất. Thậm chí hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc bán sang Việt Nam tiêu thụ hoặc mượn các công ty "tạm nhập tái xuất" của Việt Nam để xuất cảng sang Mỹ cũng in sẵn hàng chữ "Made in Vietnam" để né thuế quan trừng phạt của chính phủ Mỹ.

Hôm thứ Sáu 2/8/2019, báo chí trong nước nói "Dự thảo thông tư" của Bộ Công Thương cộng sản Việt Nam "được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam" hiện bị coi là "bất cập" nên bị Mỹ đánh thuế quan trừng phạt một số sản phẩm như sắt thép, ván ép.

Tuần qua, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer bắn tiếng Việt Nam đang có thể trở thành mục tiêu bị áp đặt thuế quan trừng phạt vì Mỹ bị thâm thủng mậu dịch 40 tỷ USD năm ngoái và năm nay đang có dấu hiệu thâm thủng nhiều hơn nữa.

Để tránh né hàng rào quan thuế Mỹ, một số nhà sản xuất Trung Quốc chạy sang Việt Nam mở cơ sở sản xuất gia công, hoặc đưa các sản phẩm, hàng hóa Trung Quốc sang cho công ty Việt Nam "gia công" như lắp ráp hoặc hoàn tất giai đoạn cuối từ các bộ phận rời sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất cảng đi Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không coi đó là những sản phẩm do Việt Nam sản xuất để gắn hàng chữ "Made in Vietnam" và trốn được thuế quan trừng phạt. Do đó, Việt Nam bị vạ lây.

Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), một trong những nội dung đang nhận được nhiều tranh cãi là việc hàng hóa được gia công, chế biến đơn giản như thay đổi bao bì đóng gói, dán nhãn lên sản phẩm, lắp ráp đơn giản để tạo sản phẩm hoàn chỉnh… "sẽ không được ghi là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam hoặc có xuất xứ Việt Nam".

Trong bản dự thảo, VOV nói "công thức tính do Bộ Công Thương đưa ra còn có nội dung "hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó". Tuy nhiên, VOV dẫn ý kiến một số chuyên gia, kêu rằng "cách quy định này còn có nhiều bất cập".

Nguồn tin vừa kể dẫn chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành – nguyên thành viên Ban Cố vấn Kinh tế chính phủ cho rằng, "quy định 30% sản phẩm được nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ Việt Nam".

Theo ông, nhiều mặt hàng hiện nay "dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. Nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng "qua mặt" các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam".

Ông Thành cho hay, trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng "Made in Vietnam" thì các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn "Made in…".

Như tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), một loại hàng hóa có thể được dán nhãn "Made in USA" phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Ông Bùi Kiến Thành được VOV dẫn lời cho rằng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để đưa ra bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm Made in Vietnam. "Vì vậy, Bộ Công thương cần tham khảo tài liệu từ các nước đã đi trước. Việc xây dựng bộ tiêu chí Made in Vietnam cũng cần có sự trợ giúp từ hội đồng tư vấn uy tín", ông nói.

Trong khi đó, vẫn theo VOV, ông Vũ Vinh Phú, nguyên chủ tịch Hiệp Hội Siêu Thị Hà Nội lại cho rằng, để một sản phẩm gọi là hàng Việt phải xuất phát từ ý tưởng, thiết kế những bộ phận cơ bản nhất của sản phẩm. Ví dụ một chiếc xe gắn máy thì động cơ phải do doanh nghiệp trong nước sáng chế, có bản quyền mới nên gọi là hàng Việt.

Hồi tháng Sau, Mỹ đã đánh thuế quan trừng phạt đối với sắt thép nhập cảng từ Việt Nam 400% vì nghi ngờ là hàng Hàn Quốc và Đài Loan đội lốt hàng Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/06/2019 trả lời phỏng vấn của hệ thống truyền hình FOX Business Network đã chỉ trích Việt Nam "lợi dụng Mỹ còn tệ hại hơn cả Trung Quốc".

Tháng Năm trước đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xếp tên Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt về "thao túng tiền tệ". Hiện người ta chưa thấy các tín hiệu Hà Nội nhúc nhích cải thiện cán cân mậu dịch theo đòi hỏi của Washington. (TN)

*****************

Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế (Người Việt, 03/08/2019)

vn3

Khách du lịch đến đảo Phú Quốc. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị thủ tướng cộng sản Việt Nam cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế được Quốc hội thông qua. Truyền thông trong nước cho hay hôm thứ Bảy 3/8/2019.

Bên cạnh đó, Kiên Giang đề nghị chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu Kinh tế Phú Quốc.

Vào tháng 8/2018, chính phủ Việt Nam đồng ý với chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Dựa trên chủ trương này, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, đến nay dự án Luật Đặc Khu vẫn còn trong "án treo" của Quốc hội Việt Nam, chưa chính thức được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật. Do đó, việc quy hoạch tỉnh gặp trở ngại khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Phú Quốc là một trong ba khu vực nằm trong dự thảo Luật đặc khu kinh tế. Hai khu vực còn lại là Vân Đồn ở Quảng Ninh và Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa. Phú Quốc, đảo lớn nhất nằm trên vịnh Thái Lan, cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, cách vùng Sihanoukville và Bokor của Cambodia mấy chục cây số. Sihanoukville đã trở thành đặc khu kinh tế công nghiệp của Trung Quốc từ năm 2010, trở thành một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa Cambodia và Trung Quốc. Sự thành công này đặt viên gạch mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu vào tháng Mười, 2016, về nông nghiệp.

Từ đây có thể dễ dàng nhận thấy, nếu Trung Quốc là "nhà đầu tư nước ngoài" thuê đất 99 năm ở Phú Quốc, thì Phú Quốc, Sihanoukville và Trung Quốc là một tam giác chiến lược kinh tế mang lại lợi nhuận khổng lồ cho bên thuê đất.

Dự luật đặc khu kinh tế, hay Luật Đơn vị hành chính kinh tế đã bị hoãn vô thời hạn vào lúc 3 giờ sáng 9/6/2018, sau khi vấp phải sư chống đống rộng khắp cả nước Việt Nam. (C.Lynh)

Quay lại trang chủ
Read 902 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)