Hơn 1.200 đối tượng tội phạm Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài (RFA, 05/08/2019)
Bộ Công an cho biết, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam có hơn 1.200 đối tượng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 người đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ.
Ảnh minh họa. AFP
Báo trong nước đưa tin hôm 5/8/2019, trích dự thảo báo cáo của Bộ công an Tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 5/2019, có 317 đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol lẩn trốn vào Việt Nam, trong khi đó có hơn 1.200 đối tượng tội phạm trong nước bỏ trốn ra nước ngoài.
Cũng theo báo cáo này, Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gồm 21 yêu cầu dẫn độ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Úc, Séc ; 14 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại với Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Thụy Điển.
Tính đến tháng 7, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ.
Bộ Công an nhận định số lượng người nước ngoài đến Việt Nam và số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng và dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và ngược lại có xu hướng gia tăng. Do đó Bộ Công an kiến nghị Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ trên cơ sở tách quy định về dẫn độ trong Luật tương trợ tư pháp năm 2007 ; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động dẫn độ và xác định, phân định lại cơ quan quản lý nhà nước về dẫn độ…
Riêng về Luật tương trợ tư pháp 2007, Bộ Công an đánh giá nhiều quy định không phù hợp với các điều ước quốc tế có quy định về dẫn độ cũng như không phù hợp với thông lệ pháp lý quốc tế. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong luật dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
****************
Giảm phụ thuộc nguồn vải từ Trung Quốc, ngành dệt may Việt Nam sẽ thu lợi hàng tỉ đô (RFA, 05/08/2019)
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 3,8 tỉ USD mua vải từ Trung Quốc, tăng hơn 10 % so với năm ngoái, khiến Trung Quốc hiện đang là quốc gia cung cấp vải may mặc lớn nhất cho Việt Nam với 60% tổng lượng vải may mặc nhập khẩu.
Các công nhân tại một xưởng dệt ở Hà Nội ngày 24/5/2019. AFP
Truyền thông trong nước loan tin ngày 5 tháng 8 cho biết nước đứng thứ nhì cung cấp vải may mặc cho Việt Nam là Hàn Quốc với 16% tổng lượng, kế tiếp là Đài Loan với 12% tổng lượng, và cuối cùng là Nhật chiếm 5,8%.
Báo Thanh Niên đưa tin, trong nửa đầu năm 2019, nhóm hàng vải may mặc các loại nhập khẩu vào Việt Nam đạt hơn 6,5 tỉ USD, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước.
Theo đó, với tỷ lệ vải nhập từ nước ngoài lớn như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tận dụng được ưu đãi về thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU tại TP.HCM cuối tháng 7 qua cho rằng vướng mắc lớn nhất của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam là nguồn nguyên liệu vải phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, quốc gia không phải là thành viên EVFTA.
Theo EVFTA, để được cắt giảm thuế, nguyên liệu ngành may mặc phải đảm bảo được xuất xứ. Quy tắc cộng gộp của EVFTA chỉ chấp nhận sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng vải phải được làm từ Việt Nam.
Cũng theo ông Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu giảm phụ thuộc vải từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ thu hàng tỉ USD lợi từ đơn hàng dệt may của EU trong tương lai gần.
Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng chính phủ và các địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp nhằm phát triển phần cung bị thiếu hụt.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chỉ ra thực trạng các địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường đối với các dự án dệt, nhuộm hiện nay, nhưng mặt khác cũng tin tưởng có những nhà đầu tư công nghệ tiên tiến cho việc xử lý nước thải dệt, nhuộm.
***************
Hải quan Hải Phòng bắt giữ một container hàng Trung Quốc dán nhãn "Made in Vietnam" (RFA, 05/08/2019)
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng vừa bắt giữ một container chứa lô sản phẩm linh kiện điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn là hàng Việt Nam, với dòng chữ "Made in Vietnam" ghi trên bao bì.
Chi cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ một container chứa lô sản phẩm linh kiện điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng dán nhãn "Made in Vietnam". Courtesy : haiquanonline.com.vn
VTC News vào ngày 5 tháng 8 cho biết vụ bắt giữ này được tiến hành trong cùng ngày.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng cho biết cụ thể lô hàng vừa bị bắt giữ thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hoàng Bảo IMEX, có trụ sở tại thành phố Lạng Sơn nhập khẩu ủy thác cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Công ty Hoàng Bảo IMEX được nói là làm giấy tờ nhập khẩu lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc ; tuy nhiên thông tin in trên bao bì của sản phẩm là hàng Việt Nam và còn có thông tin bảo hành của một doanh nghiệp trong nước.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng được VTC News dẫn lời cho biết lô hàng này được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% vì trên giấy tờ khai xuất xứ từ Trung Quốc và khi doanh nghiệp bán hàng ra thị trường thì lại được hoàn thuế giá trị gia tăng 10% vì nhãn hàng ghi xuất xứ Việt Nam.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hải Phòng nhấn mạnh đây là một hình thức doanh nghiệp gian lận và chiếm dụng hàng trăm triệu đồng tiền thuế.
Trong thời gian gần đây, truyền thông quốc nội loan tin cơ quan Hải quan Việt Nam bắt giữ hàng chục lô hàng Trung Quốc dán mác "Made in Việt Nam", tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sang các thị trường khác trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ nhằm tránh mức thuế quan cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra căng thẳng.