Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/08/2019

Số phận của những lao động xuất khẩu bất hợp pháp

RFA tiếng Việt

Người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài cứ tiếp diễn : Vì sao ? (RFA, 15/08/2019)

Tình trạng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhưng sau đó lại phá bỏ hợp đồng, ra ngoài làm việc bất hợp pháp được nhắc đến tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng ngày 15/8.

laodong1

Ảnh minh họa : Công nhân Nghệ An lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009. Courtesy : vieclamvietnam.gov.vn

Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu và tìm hiểu nguyên nhân vì sao tình trạng vẫn tiếp diễn và Chính phủ Việt Nam không thể giải quyết dứt điểm.

Có quá nhiều kẻ hở

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vào sáng ngày 15/8, cho biết số liệu người Việt Nam đi xuất khẩu lao động gia tăng mỗi năm. Nếu như năm 2017 chỉ 127 ngàn người thì đến năm 2018 tăng lên 143 ngàn người.

Ông Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn cho biết tình trạng lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng, tự ý bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp chủ yếu ở Hàn Quốc và tỷ lệ này đã giảm từ 55% hồi năm 2016 xuống 33% ở hiện tại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã không đề cập đến nguyên nhân vì sao tình trạng nói trên vẫn cứ tiếp diễn qua nhiều năm như vậy.

Liên quan đến vấn đề phải chăng lao động Việt phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực do đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Bắc Giang nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận đúng. Ông giải thích nguyên nhân vì các công ty môi giới ở một số quốc gia chỉ đưa người lao động sang nước ngoài là hết trách nhiệm, trong khi các công ty môi giới ở Việt Nam còn phải quản lý và giải quyết vấn đề phát sinh của người lao động ở nước ngoài.

Theo số liệu của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, hiện có khoảng 350 công ty môi giới về xuất khẩu lao động ở Việt Nam và các công ty này được nói là đưa ra quy định mức tiền chi phí dịch vụ dựa theo pháp luật và hiệp định lao động ký kết giữa hai nước.

Đài RFA liên lạc và trao đổi với một số người Việt Nam đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và được cho biết có nhiều nguyên nhân khiến cho người lao động Việt Nam phải bỏ hợp đồng và làm việc bất hợp pháp, như bị chủ doanh nghiệp không trả lương, điều kiện lao động không tốt như theo hợp đồng ký kết… Nhưng nguyên nhân chính yếu nhất là đa số người Việt Nam quyết định ở lại làm việc bất hợp pháp sau khi kết thúc hợp đồng làm việc 4 năm 10 tháng theo quy định của Hàn Quốc. Một thanh niên đang làm việc ở thành phố Busan, không muốn nêu tên chia sẻ:

"Thực tế trong quá trình làm việc sau gần 5 năm ở đây thì người ta còn muốn ở lại thêm để kiếm tiền. Hơn nữa có rất nhiều người về phải chờ mất 3 năm mới sang lại được. Có những người may mắn và nhanh nhất thì cũng mất 7 tháng được sang lại, còn không đến những mấy năm. Tôi có một người bạn chuẩn bị sang nhưng phải đợi vừa tròn 3 năm đó. Tức là người bạn kết thúc hợp đồng rồi, về nước và bây giờ mới chuẩn bị trở lại. Cho nên người ta sẵn sàng ra ngoài làm việc 3 năm, sau 3 năm này thì người ta về Việt Nam lập nghiệp luôn. Còn bây giờ chờ cả 3 năm như vậy, suốt ngày không biết làm gì do cứ phải chờ vì không biết khi nào được đi lại lần nữa".

Người thanh niên đi xuất khẩu lao động ẩn danh này cho biết thêm số lượng người Việt Nam đến Hàn Quốc lao động trong thời gian gần đây thậm chí còn phải trả chi phí dịch vụ môi giới rất cao, kể từ sau khi Hàn Quốc ban hành thông báo ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2019 đối với 100 quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc. Người thanh niên trình bày vài trường hợp cụ thể :

"Ví dụ hiện tại có mấy chục huyện không cho đi xuất khẩu vì tỷ lệ bất hợp pháp bên này quá nhiều đấy thì có một số người ở Hà Tĩnh đi vào miền Nam thông qua dịch vụ làm hộ khẩu giả và thủ tục đi sang Hàn Quốc. Tôi có 2 người bạn mới sang, 1 người mất 9000 đô la Mỹ (USD), 1 người mất tới 11 ngàn USD".

laodong2

41 công dân Việt Nam trong số 1200 người bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét của Chính phủ Malaysia khởi động hồi đầu tháng 07/2018. Hình chụp ngày 11/07/18. AFP

Trong quản lý…

Theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, một tổ chức công đoàn độc lập thì tình trạng người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn cứ tiếp tục xảy ra và thường là tại các quốc gia Châu Á. Lý do vì họ dễ trà trộn với người bản xứ hơn là ở các quốc gia Trung Đông, Đông Âu hay Bắc Âu.

Bà Ca Dao, đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do nói với RFA rằng mặc dù người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị kiểm soát chặt chẽ, như họ bị giữ hộ chiếu trong thời gian làm việc ở nước sở tại; tuy nhiên họ vẫn chọn bỏ hợp đồng và làm việc bất hợp pháp bởi nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có những nguyên nhân phát sinh giữa chủ doanh nghiệp và người lao động Việt Nam mà công ty môi giới không có sự can thiệp nào.

Bà Ca Dao cho biết qua rất nhiều lần tiếp xúc và trao đổi với công nhân lao động Việt Nam ở các quốc gia khác nhau thì hầu hết 95% trong số họ đều phàn nàn về công ty môi giới ở Việt Nam, mà họ gọi là "đem con bỏ chợ" :

"Khi công ty môi giới đưa công nhân qua đến nước sở tại rồi thì hầu như là họ phủi tay. Một khi xảy ra bất cứ vấn đề gì tranh chấp với chủ lao động thì công nhân gọi cho công ty môi giới. Phần lớn công ty môi giới có thể lúc đầu hứa hẹn là họ sẽ giải quyết, tuy nhiên những lần sau đó thì họ không bắt điện thoại khi công nhân gọi đến nữa. Trường hợp này xảy ra rất thường xuyên đối với công nhân xuất khẩu lao động.

Chưa kể là công ty môi giới ở Việt Nam còn kết hợp với công ty môi giới ở các nước sở tại để bán công nhân. Có nghĩa là khi công nhân ký kết một hợp đồng với công ty môi giới ở Việt Nam, nhưng qua đến nước sở tại thì họ bị bán cho một công ty môi giới khác để công ty môi giới đó đem công nhân đến công ty khác làm việc. Đó là một mạng lưới chằng chịt giữa các công ty môi giới cũng như giữa các công ty thuê lao động với nhau mà Tòa Đại sứ Việt Nam ở những nơi đó không bao giờ can thiệp".

Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, bà Ca Dao còn cho biết thêm đa số những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do đó tất cả họ cần tận dụng thời gian làm việc ở nước ngoài để kiếm tiền. Một mặt để họ có thể trả các chi phí cho công ty môi giới, mặt khác họ gửi về cho gia đình cũng như dành dụm số vốn làm ăn khi trở về nước. Bà Cao Dao cho rằng với nhu cầu như vậy, người lao động Việt Nam không còn chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc, dù là làm việc bất hợp pháp…

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội hồi tháng 6/2018 cho biết tại thời điểm đó có khoảng 500 ngàn người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng).

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận từ trước đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức nào từ Chính phủ Việt Nam về số lượng người Việt Nam lao động bất hợp pháp ở nước ngoài được công bố cũng như số phận của những công nhân lao động bất hợp pháp bị chính quyền nước sở tại bắt giữ ra sao, mà điển hình như đến nay Việt Nam vẫn chưa có thông báo nào liên quan đến 41 công dân Việt Nam bị bắt giữ ở Malaysia trong đợt Cục nhập cư của nước này mở chiến dịch truy quyét người nhập cư bất hợp pháp hồi giữa năm 2018.

******************

33% người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc (RFA, 15/08/2019)

Tỷ lệ người lao động Việt Nam tự ý bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện giảm xuống còn 33% so với mức 55% được ghi nhận là cao nhất hồi năm 2016. Mức hiện nay được đánh giá là chấp nhận được.

laodong3

Quảng cáo lao động xuất khẩu tại một hội chợ việc làm ở Việt Nam (ảnh minh họa chụp trước đây). File photo

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông tin vừa nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào sáng ngày 15 tháng 8.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Bắc Giang đưa ra liên quan tình trạng người lao động Việt Nam phải trả chi phí môi giới cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á-ASEAN hay việc bảo vệ quyền lợi người lao động gặp nhiều khó khăn, thậm chí người lao động không thể liên lạc với công ty môi giới khi ra nước ngoài làm việc…Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng các công ty môi giới ở một số quốc gia chỉ đưa người lao động sang nước ngoài là hết trách nhiệm, trong khi các công ty môi giới ở Việt Nam còn phải quản lý và giải quyết vấn đề phát sinh của người lao động ở nước ngoài.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm hiện có khoảng 350 công ty môi giới về xuất khẩu lao động ở Việt Nam. Các công ty này được nói là đưa ra quy định mức tiền chi phí dịch vụ dựa theo pháp luật và hiệp định lao động ký kết giữa hai nước.

Theo số liệu của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, vào năm 2017 đã có xấp xỉ 127 ngàn người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và con số này tăng lên 143 ngàn vào năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết lao động Việt Nam tự ý bỏ hợp đồng làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài chủ yếu ở Hàn Quốc và tỷ lệ này đã giảm từ 55% năm 2016 xuống còn 33% ở hiện tại. Tuy nhiên, những nguyên nhân vì sao người lao động Việt Nam không làm việc theo hợp đồng mà bỏ trốn và lao động bất hợp pháp đã không được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến.

Quay lại trang chủ
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)