Biển Đông : Việt Nam có đang chạy đua vũ trang ? (BBC, 16/08/2019)
Giới quan sát phân tích khả năng các nước có quyền chủ quyền trên Biển Đông gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines đang tham gia chạy đua vũ trang để đối phó với Trung Quốc.
Cán bộ Hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ trong một khóa đào tạo về cứu hộ cứu nạn trên biển năm 2012
Kể từ khi vấn đề Biển Đông lại nóng lên vào khoảng năm 2008, nhiều chuyên gia, nhà báo và giới quan sát đã nói về một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia ven biển, như một xu hướng hay một mối đe dọa đáng báo động, theo một bài báo do AMTI mới cập nhật từ phiên bản đăng đầu tiên năm 2017.
Một tường thuật trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ nhận định : "Khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một cuộc chạy đua vũ trang đã hình thành giữa các quốc gia khác trong khu vực cũng có các yêu sách về chủ quyền".
Một bài xã luận trên The National Interest viết : "Khi căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục leo thang, cuộc chạy đua vũ trang này đặt ra mối đe dọa đáng kể cho an ninh khu vực".
Bài viết trên blog của Lawfare có tiêu đề : "Cuộc chiến tranh trên biển : Cuộc chạy đua vũ trang ở Biển Đông leo thang".
Một bài khác trên CNBC có tiêu đề : "Chi tiêu quốc phòng của Châu Á : Cuộc chạy đua vũ trang mới ở Biển Đông".
Ngoài các thông tin nêu trên do Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm (Alex Vuving) tổng hợp, còn có các thông tin gần đây hơn về một cuộc 'chạy đua vũ trang' trên Biển Đông.
Hải quân Việt Nam tập trận chung với hải quân Nhật Bản năm 2017
Một bài báo trên Financial Times năm 2018 bày tỏ lo ngại rằng các nước Đông Nam Á đang thua trong cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đó, tờ Forbes, trong bài viết "Cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông" năm 2017 viết : "Mặc dù Việt Nam chi tiêu tương đối ít hơn cho quốc phòng so với các quốc gia khác trong khu vực, khoản này vẫn chiếm 8% GDP của Việt Nam và đang tăng lên. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam đã tăng chi phí quốc phòng hơn 400% kể từ năm 2005".
Nhưng theo Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, nếu phân tích kỹ hơn thực tế và xu hướng hiện nay thì lại thấy không hẳn như vậy.
Nếu một cuộc chạy đua vũ trang là một nỗ lực để đạt vị thế ngang bằng hoặc vượt qua đối thủ, Malaysia, Philippines và Việt Nam không thể bắt kịp Trung Quốc. Cả ba nước Đông Nam Á có yêu sách về quyền chủ quyền trên Biển Đông này không có ý định đạt được sự ngang bằng hoặc ưu thế về quân sự, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm viết trên AMTI.
Thay vào đó, tham vọng dài hạn của các nước này là đạt được sự 'răn đe tối thiểu'. Họ muốn xây dựng năng lực quân đội ở mức vừa đủ để khiến những kẻ xâm lược tiềm năng phải suy nghĩ kỹ trước khi tấn công họ. Và mục tiêu răn đe tối thiểu này rõ ràng là một mục tiêu dài hạn, vì cả ba nước đều phải đi một chặng đường dài trước khi đạt được nó.
Chi phí cho quân sự của Việt Nam tăng nhẹ trong những năm gần đây, theo giới quan sát
Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm gọi những điều này là một 'cuộc đua tối giản' (minimalist competition), chứ không phải là một cuộc chạy đua vũ trang.
Để khẳng định điều này, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm đề nghị nhìn vào số liệu về tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chi cho quốc phòng của ba nước Malaysia, Việt Nam và Philippines.
Ước tính của SIPRI cho thấy trong 15 năm qua, không có nước nào trong số các quốc gia chính đang cạnh tranh trên Biển Đông tăng đáng kể tỷ lệ GDP cho quân sự. Ngoài ra, không có quốc gia nào trong số này chi hơn 2,5% GDP cho quân đội (một ngoại lệ là Malaysia năm 2003, với 2,6%).
Trung Quốc duy trì ổn định chi tiêu quân sự ở mức 1,9% GDP trong phần lớn thập kỷ 2007-2016, và chi nhiều hơn một chút, khoảng 2 và 2,1% GDP, trong bốn năm 2003-2006, khi căng thẳng ở Biển Đông không quá nóng.
Cả Malaysia và Philippines giảm tỷ lệ GDP cho quân sự trong 15 năm qua. Malaysia giảm nhiều nhất, từ 2,6% năm 2003 xuống còn 1,4% năm 2016. Philippines giảm từ 1,6% năm 2003 xuống còn 1,3% năm 2016. Việt Nam là ngoại lệ, tăng nhẹ từ 2,1% năm 2003 lên 2,4% năm 2016. Nhưng trong thập kỷ 2007-2016 Việt Nam gần như không tăng tỷ lệ GDP cho quân sự.
Một cách khác để xem có đúng là đang có 'cuộc đua vũ trang' hay không là nhìn vào tăng trưởng thực sự trong chi tiêu quân sự của các quốc gia này, theo Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm.
Nếu lấy năm 2007 làm mốc cho căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng 2,2 lần trong khoảng 2007-2016. Trong cùng thời gian đó, Việt Nam tăng 1,8 lần và của Philippines 1,4 lần, trong khi Malaysia gần như không thay đổi. Những con số này hầu như không cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang.
Hơn nữa, một cuộc chạy đua vũ trang thường liên quan đến phát triển vũ khí chiến lược. Không có bằng chứng rằng Malaysia, Philippines hay Việt Nam mua vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo.
Việt Nam, ví dụ, đang đầu tư vào hệ thống phòng thủ bờ biển, phòng không và tên lửa chống hạm, nhưng không phải là tên lửa có thể phóng tới các thành phố lớn của Trung Quốc.
Năng lực không chiến và tác chiến không gian mạng của Việt Nam, Malaysia và Philippines đều không nổi trội, và có rất ít bằng chứng về nỗ lực phát triển vũ khí chiến lược của họ trong các lĩnh vực này.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, chỉ bằng tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam, Philippines và Malaysia thì mới có thể cải thiện cán cân quyền lực hiện đang nghiêng về Trung Quốc và ngăn chặn bất cứ quốc gia nào thống trị Biển Đông.
*****************
Việt Nam đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc của Ấn Độ (RFA, 16/08/2019)
Việt Nam đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc của Ấn Độ và toàn bộ số tàu này sẽ được bổ sung cho lực lượng Biên phòng của Việt Nam.
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên Metal Shark Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Courtesy : Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Truyền thông trong nước cho biết Tập đoàn Larsen & Toubro vào ngày 14/8 đã làm lễ khởi công dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc mà Việt Nam đặt hàng tại xưởng đóng tàu Kattupalli.
Tập đoàn Larsen & Toubro là một trong những tập đoàn hàng hải quốc phòng có uy tín cao nhất ở Ấn Độ và từng đóng 46 tàu vỏ nhôm cung cấp cho lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ.
Báo giới quốc nội vào ngày 16/8 cho biết toàn bộ kinh phí của dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc này nằm trong khuôn khổ gói tín dụng Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam ; đồng thời phía Ấn Độ cam kết sẽ giao 12 chiếc tàu đặt hàng đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn cho Việt Nam.
Dự án 12 tàu tuần tra cao tốc mà Việt Nam đặt Ấn Độ đóng là loại tàu được thiết kế để kiểm soát và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp trên biển và tìm kiếm, cứu nạn biển.
*****************
Ấn Độ khởi đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam (VOA, 16/08/2019)
Tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ vừa khởi công dự án đóng 5 trong số 12 tàu tuần tra cho lực lượng Biên phòng Việt Nam.
Mẫu tàu tuần tra cao tốc do Tập đoàn Larsen & Toubro của Ấn Độ thiết kế cho lực lượng Biên phòng Việt Nam. Photo VietnamPlus/VNA.
Hôm 16/8, VnExpress cho biết dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Biên phòng Việt Nam nằm trong khuôn khổ gói tín dụng được chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam, trở thành dự án lớn cụ thể đầu tiên trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Trong một thông cáo, Larsen & Toubro cho biết hợp đồng được ký trên nguyên tắc với đối tác Việt Nam vào tháng 6/2016 có trị giá đến 99.7 triệu đôla.
Phát biểu tại lễ khởi công, chuẩn Đô đốc KJ Kumar, tư lệnh Vùng hải quân Tamil Nadu và Puducherry, cho rằng : "dự án này có tầm quan trọng chiến lược và cam kết bàn giao đúng thời hạn các tàu chất lượng cho Biên phòng Việt Nam".
Truyền thông Việt Nam cho biết tàu tuần tra cao tốc của L&T được thiết kế cho nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu và triển khai các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
TTXVN nói 5 tàu sẽ được đóng tại nhà máy Kattupalli, và 7 chiếc còn lại trong dự án sẽ được làm tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà của Việt Nam dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của L&T.
Kể từ khi Ấn Độ áp dụng chính sách ‘hướng Đông’, New Dehli đã dần dà tăng sự hiện diện, nâng cao hợp tác với các nước trong khu vực, và từng bước can dự nhiều hơn vào các vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở chính sách đối ngoại này, New Dehli trong nhiều năm qua đã tạo lòng tin, tăng cường hỗ trợ và hợp tác với Hà nội.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ hôm 29/7, ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), nói New Dehli muốn trở thành một lực đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, và coi Việt Nam là một đối tác ‘tự nhiên’.
Trước đó, Việt Nam thông báo cho Ấn Độ những diễn biến tại bãi Tư Chính, khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng với 35 tàu hộ tống vào vùng biển "thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/7", báo Economic Times của Ấn Độ trích lời một quan chức Việt Nam cho biết.