Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/08/2019

Tàu Trung Quốc trở lại Tư Chính, Việt Nam chỉ biết phản đối ?

Tổng hợp

Biển Đông : 'Nếu quá đà, Trung Quốc chỉ càng đẩy Việt Nam tới gần Mỹ hơn' (BBC, 16/08/2019)

Hành động ở bãi Tư Chính và khu vực lân cận của Trung Quốc để 'gây sức ép' khiến Việt Nam không dám tăng cường quan hệ với Mỹ là một 'sai lầm,' vì Bắc Kinh càng ép thì Hà Nội càng có lý do để tăng cường quan hệ với Washington nhằm 'cân bằng lại' trước sức ép đó, theo một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Singapore.

phandoi6

Hãng Rosneft của Nga có hoạt động hợp tác với Việt Nam ở khu vực mà Trung Quốc mới đưa tàu thăm dò địa chất vào và gây ra đối đầu căng thẳng từ đầu tháng 7/2019

Hành xử được cho là 'vô lối' ở khu vực đối đầu trong hai tháng Bảy và Tám năm 2019 của Trung Quốc đang làm Việt Nam 'xa' Trung Quốc nhiều hơn nếu 'nói một cách chính xác hơn'. Cũng nên nhắc lại là từ năm 2014, Trung Quốc đã 'làm mất niềm tin chiến lược' đối với Việt Nam, theo một nhà nghiên cứu chính trị khu vực từ Hà Nội.

Hôm 14/5, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Iseas Yusof Ishak, Singapore trước hết đưa ra bình luận với BBC News tiếng Việt về tham vọng bất biến của Trung Quốc qua việc điều tàu quay trở lại bãi Tư Chính và khu vực lân cận :

"Tham vọng của Trung Quốc với Biển Đông đã tồn tại từ rất lâu rồi và được Trung Quốc theo đuổi một cách rất kiên định và họ xác định Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc.

"Chính vì vậy bất chấp những vấn đề rắc rối mà Trung Quốc đang gặp phải, tôi cho rằng họ vẫn có nguồn lực và sự quan tâm để tiếp tục theo đuổi các yêu sách của mình ở Biển Đông, trong đó có việc quấy nhiễu các vùng Biển của Việt Nam.

"Điều này đã xảy ra nhất quán từ trước tới nay với rất nhiều sự kiện khác nhau và vụ này cũng không hoàn toàn là mới về mặt tính chất so với những vụ trước đây".

"Sai lầm, phản tác dụng !"

Giải mã động cơ và tính toán của Trung Quốc đằng sau sự kiện, nhà nghiên cứu này nêu quan điểm :

"Và bên cạnh đó cũng có thể kể tới các yếu tố ví dụ như là họ có thể muốn gửi tới các đối tác của Việt Nam, ví dụ như Nhật Bản hay Nga, hay là Mỹ v.v... đã tham gia cùng Việt Nam khai thác dầu.

"Là sẽ không thể tiến hành các hợp tác đó một cách suôn sẻ trong bối cảnh mà Trung Quốc cũng đưa ra một yêu sách trong đàm phán về Bộ tư cách ứng xử trên Biển Đông (COC) là các nước tranh chấp không được phép hợp tác với các nước bên ngoài khu vực để mà khai thác tài nguyên ở Biển Đông nếu như không có sự đồng ý của Trung Quốc cũng như các nước ở trong khu vực, thì họ có thể muốn nhấn mạnh yêu sách đó".

Cho rằng Trung Quốc còn có thông điệp khác với Việt Nam, nhưng có thể điều này lại có thể gây ra 'phản tác dụng' về mặt chính sách, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói :

"Bên cạnh đó, thì cũng có thể họ muốn gửi một thông điệp tới Việt Nam là họ muốn Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh và thời gian qua có sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam, hay là có động thái là Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam về mặt chiến lược để gây sức ép lên Trung Quốc.

"Tôi cho rằng đây cũng có thể là động cơ khiến Trung Quốc tiến hành các hoạt động lần này, tuy nhiên nếu như hành động của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Việt Nam để cho Việt Nam không dám tăng cường với Mỹ, thì tôi tin rằng Trung Quốc sẽ sai lầm.

"Tại vì Trung Quốc càng ép Việt Nam trên Biển Đông thì Việt Nam càng có lý do để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để mà cân bằng lại sức ép đó từ phía Trung Quốc. Cho nên tôi cho rằng hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển, nếu như để ép Việt Nam trong quan hệ Việt - Mỹ thì sẽ phản tác dụng.

"Nó giống như là tác dụng của sự cố khủng hoảng Giàn khoan năm 2014. Sau sự cố đó Việt Nam cũng có lý do để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ nhiều hơn và lần này tôi nghĩ cũng sẽ là như vậy".

'Đẩy Việt Nam ra xa'

Từ một góc nhìn khác, hôm 15/8 từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chủ tịch Think Tank Việt và thành viên nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh quốc) nêu quan điểm của mình :

"Nói chính xác hơn, thì hành xử vô lối của Trung Quốc đang làm Việt Nam xa Trung Quốc nhiều hơn. Năm 2014, Trung Quốc đã làm mất niềm tin chiến lược đối với Việt Nam.

"Từ đó đến vụ bãi Tư Chính năm nay, mọi nỗ lực để làm cho "canh ngọt'' trở lại, nước trà "ngon, đậm trở lại"", đều đã gần như vô ích ! Hành xử của Trung Quốc như lúc này, làm cho Việt Nam nhận thức rõ hơn, tích cực hơn về việc Mỹ, trong khi bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, thì cũng hợp tác và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn, khi mà lợi ích của Mỹ và của Việt Nam có các phần chung.

"Việt Nam luôn chủ động, đúng như người ta vẫn nói, thì đương nhiên, không ai "đẩy" Việt Nam gần lại với Mỹ.

"Nhân đây, tôi cũng muốn nói đến Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 24/7/2019, trong đó coi Biển Đông là bộ phận lãnh thổ "không thể bị tách rời" của Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố bảo vệ "chủ quyền" ở Biển Đông bằng mọi giá, thì chắc chắn Trung Quốc đã tính toán đến các hành động không hòa bình.

"Dọa nạt, đe dọa sử dụng vũ lực... là các chỉ dấu màu xám báo hiệu các hành động không hòa bình ! Việt Nam đang theo đuổi chính sách thực tiễn (realist), tức là chủ động tránh xung đột, trong khi vẫn giữ được lợi ích quốc gia của Việt Nam.

"Hy vọng rằng sẽ không có bất cứ nước nào dồn Việt Nam vào thế phải áp dụng chính sách thực dụng (realpolitik) để giáng trả đích đáng. Nói như vậy, ngoài lợi ích quốc gia là bất biến, mọi chính sách đều phải thay đổi sao cho lợi ích quốc gia được bảo đảm !"

Cần phải làm gì tiếp ?

Nhân dịp này, tại hội luận Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn bình luận thêm về điều mà ông gọi là cuộc 'khủng hoảng' trên Biển Đông, liên quan quan hệ Trung Quốc và Việt Nam và điều mà Việt Nam cần lưu ý trong xử lý, ông nói :

"Để giải quyết những khủng hoảng như thế này, theo tôi phải đẩy mạnh công tác truyền thông của nhà nước và muốn cho quốc tế ủng hộ Việt Nam, muốn cho các nhà bình luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, thì tự trí thức Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải được quyền lên tiếng một cách công khai để phản bác lại tất cả luận điểm sai trái của nhà nước Trung Quốc để họ xâm phạm chủ quyền của nhà nước Việt Nam".

Cũng từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Biển Đông và luật gia Hoàng Việt nêu quan điểm với Bàn tròn :

"Chính quyền Việt Nam cần phải xem xét lại chính sách đối ngoại, học thuyết đối ngoại của mình trên quan điểm thực tiễn đối với các quốc gia láng giềng của mình, đặc biệt là trong trường hợp này".

Còn từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận thêm :

"Theo tôi chính phủ Việt Nam và các cơ quan chính quyền của Việt Nam nên ủng hộ những việc mà Philippines đang làm. Philippines họ làm tốt. Có thể là khác với ông tổng thống Rodrigo Duterte lúc này lúc kia, nhưng họ gác sự thắng lợi của họ trên vấn đề luật pháp sang một bên để xem phía Trung Quốc làm gì.

"Bây giờ Trung Quốc bí quá thì họ bắt Trung Quốc phải nói rõ, phải cho ý kiến. Việt Nam nên ủng hộ họ (Philippines) vấn đề này và Việt Nam cũng nên xin các cơ quan trên thế giới cho ý kiến về vụ mà Trung Quốc đang đưa tàu vào vùng duyên hải của Việt Nam và bãi Tư Chính v.v...

"Bởi vì chúng ta (Việt Nam) cần vận động thế giới. Nước lớn có thể dùng bạo lực, nước nhỏ nên khôn ngoan, nước nhỏ nên dùng luật pháp", nhà nghiên cứu lịch sử và Trung Quốc học từ Mỹ nói với Bàn tròn thứ Năm.

****************

Biển Đông : Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa tàu khảo sát trở lại Bãi Tư Chính (RFI, 16/08/2019)

Hôm 16/08/2019, Hà Nội, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, đã phản đối việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động ở khu vực Bãi Tư Chính, Biển Đông, "xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam".

phandoi1

Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy sát tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa. Reuters/Nguyen Minh - Ảnh minh họa

Theo các dữ liệu của Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu trên biển, được hãng tin Reuters trích dẫn, chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc ngày 13/08/2019, với sự hộ tống của ít nhất hai tàu hải cảnh Trung Quốc, đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chưa tới một tuần sau khi rời khỏi khu vực này.

Thông tin này đã được báo chí quốc tế loan tải rộng rãi, nhưng báo chí Việt Nam những ngày qua hoàn toàn im lặng.

Trong cuộc họp báo hôm nay, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, xin trích : "Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói thêm : "Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế".

*****************

Việt Nam phản đối Trung Quốc sau mấy ngày tàu Hải dương 8 và tàu hải cảnh quay lại Bãi Tư Chính (RFA, 16/08/2019)

Truyền thông loan tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 16 tháng 8 khi bị báo giới trong và ngoài nước hỏi về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã lặp lại tuyên bố như những lần khác.

phandoi2

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam. AFP

Cụ thể theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì thông tin của các cơ quan chức năng cho biết vào ngày 13 tháng 8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Bà Hằng nhắc lại đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo các qui định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Cũng theo lời bà Lê Thị Thu Hằng thì Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp Quốc tế.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ tống vào ngày 3 tháng 7 đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính. Đến ngày 7 tháng 8 tàu này rút về Đá Chữ Thập và đến ngày 13 tháng 8 quay lại với các tàu hải cảnh hộ tống.

******************

Việt Nam ‘giao thiệp’ với Trung Quốc vụ tàu Hải Dương 8 quay lại bãi Tư Chính (VOA, 16/08/2019)

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 16/8.

phandoi3

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói : "Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".

"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam", trang baochinhphu.vn cho biết.

Bà Thu Hằng nói thêm rằng hiện nay các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trước đó, vào ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lần đầu tiên xác nhận tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

*****************

Bãi Tư Chính : Việt Nam phản đối Trung Quốc tái xâm phạm nghiêm trọng vùng biển (BBC, 16/08/2019)

Bốn ngày sau khi Trung Quốc điều tàu quay trở lại bãi Tư Chính và khu vực lân cận, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc "tiếp tục xâm phạm vùng biển", theo truyền thông chính thống của nhà nước.

phandoi4

Tái diễn vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là nghiêm trọng theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng

Báo Thế giới & Việt Nam hôm thứ Sáu đưa tin cho hay : "Ngày 16/8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ :

"Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay Việt Nam coi đây là hành vi 'tái diễn vi phạm nghiêm trọng' và Việt Nam đã có 'giao thiệp' với Trung Quốc :

"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

"Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

"Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế", Thế giới & Việt Nam hôm 16/8 cho hay.

Nhiều lần phản đối

Cùng ngày, báo điện tử VnExpress khi đưa tin về phản ứng trong vụ việc của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết :

"Nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam chỉ vài ngày sau khi dừng hoạt động khảo sát địa chấn trái phép và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam chiều 7/8.

"Nhóm tàu này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông từ đầu tháng 7. Bộ Ngoại giao đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

"Nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam".

Tờ báo thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ dẫn một số sự kiện phản ánh phản ứng quốc tế xung quanh vụ việc :

"Nhiều nước cũng đã lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam. Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam.

"Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel khẳng định các hành động của Trung Quốc là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Hà Nội trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch cùng ba thành viên cấp cao của ủy ban hôm 1/8 cũng lên án Bắc Kinh, cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu vào EEZ của Việt Nam là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng áp bức để khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông.

"Trong cuộc gặp của ASEAN tại Thái Lan hôm 2/8, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản, Australia ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài ở Biển Đông", VnExpres cho biết.

Báo mạng VietnamNet hôm thứ Sáu cũng tường thuật và dẫn ý của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh :

"Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế".

Tờ báo thu Bộ Thông tin & Truyền thông tường trình thêm về phản ứng và quan điểm của Việt Nam :

"Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

"Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của 2 nước, nhân dân 2 nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

"Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế".

Tin cho hay có ít nhất năm tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 có mặt ở khu vực, hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn dữ liệu từ trang Marine Traffic chuyên theo dõi việc di chuyển của các tàu thuyền cho biết.

Trong lúc đó, phía Việt Nam có ít nhất hai tàu hải quân đi theo nhóm tàu khảo sát vào cuối ngày thứ Sáu, 16/8, vẫn theo nguồn này.

******************

Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch ép Việt Nam dừng khai thác Bãi Tư Chính (RFI, 15/08/2019)

Việt Nam chưa kịp thở phào thì đã phải tiếp tục đối phó với vụ Trung Quốc, vào hôm 13/08/2019, đã cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 trở lại hoạt động trong khu vực Bãi Tư Chính ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Theo giới phân tích, việc chiếc tàu khảo sát được cả một đội tàu hải cảnh và dân quân biển hộ tống trở lại vùng này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch ép Việt Nam dừng khai thác một khu vực dồi dào dầu khí mà Trung Quốc cho là của mình.

phandoi5

Ảnh vệ tinh chụp một nhà giàn D.K của Việt Nam tại Bãi Tư Chính (Biển Đông) AMTI/CSIS

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 15/08/2019, chuyên gia Collin Koh, thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore, cho rằng Bắc Kinh có dấu hiệu đang áp dụng một kiểu ngoại giao pháo hạm với những đòn tấn công dai dẳng, để buộc Việt Nam phải lùi bước và ngừng các hoạt động thăm dò và khai thác năng lượng trong khu vực mà Trung Quốc nhòm ngó.

Đây cũng là ý kiến của giáo sư Hồ Ba, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Điều Tra Tình Hình Chiến Lược ở Biển Đông, thuộc Đại Học Bắc Kinh. Ông cho rằng chính công việc khai thác dầu khí của Việt Nam tại vùng Bãi Tư Chính mới là mục tiêu thực sự của chiến dịch Hải Dương Địa Chất 8.

Nhận định của hai chuyên gia nói trên có thể được kiểm chứng trong thực tế. Nhân lần thâm nhập khu vực Bãi Tư Chính vừa qua, trong lúc tàu Hải Dương Địa Chất 8 thực hiện công việc "khảo sát", thì các chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đi theo gọi là "hộ tống" chiếc tàu Trung Quốc đã đồng thời tỏa ra quấy phá công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam trong khu vực.

Chủ trương cản trở công việc khai thác dầu khí của Việt Nam trong khu vực Bãi Tư Chính càng lộ rõ khi trong đoàn hộ tống chiếc Hải Dương Địa Chất 8 lần đầu có chiếc tàu hải cảnh khổng lồ mang số hiệu 3901, có trọng tải 12.000 tấn, lớn gấp ba lần khu trục hạm mà Mỹ thường đưa vào tuần tra ở Biển Đông.

Theo những nguồn tin trùng hợp, trong thời gian qua, những cuộc đối đầu giữa lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam và Hải Cảnh Trung Quốc có lúc đạt quy mô 20 chiếc tàu từ cả hai phía.

Lần này, theo những thông tin ban đầu, Trung Quốc đã cử thêm hai chiếc tàu hải cảnh hiện đại từ Biển Hoa Đông xuống tăng viện cho lực lượng họ đã bố trí trong vùng Bãi Tư Chính.

Một lực lượng hùng hậu như vậy, lại không ngần ngại có hành vi khiêu khích, rõ ràng là nhắm mục tiêu phá rối, làm nản chí, không chỉ Việt Nam, và cả các đối tác của Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở khu vực.

Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc, theo hầu hết các nhà quan sát, là ép không cho Việt Nam hợp tác với các đối tác ngoài khu vực để khai thác dầu khí ở Biển Đông, để chỉ hợp tác với Trung Quốc mà thôi.

Ý đồ này lộ rõ trong đề nghị mà Trung Quốc muốn đưa vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông đang thảo luận với ASEAN, theo đó các đề án phát triển tại Biển Đông chỉ dành riêng cho các nước có tuyên bố chủ quyền, các nước ngoài vùng không có quyền tham gia.

Nói cách khác, các nước như Việt Nam, cũng như Malaysia hay Philippines, chỉ có thể hợp tác với Trung Quốc nếu muốn khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 446 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)