Tàu Trung Quốc vào gần bờ biển Việt Nam, cách Phan Thiết 185 km (VOA, 24/08/2019)
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc ngày thứ Bảy mở rộng hoạt động tới một khu vực gần bờ biển Việt Nam, theo dữ liệu theo dõi tàu biển, sau khi Mỹ và Úc bày tỏ lo ngại về các hành động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp.
Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh : China Geological Survey)
Tàu khảo sát này lần đầu tiên vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào đầu tháng trước, nơi nó bắt đầu một cuộc khảo sát địa chấn kéo dài nhiều tuần, gây ra đối đầu căng thẳng giữa các tàu quân sự và tàu hải cảnh từ Việt Nam và Trung Quốc.
Con tàu Trung Quốc tiếp tục tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày thứ Bảy và được hộ tống bởi ít nhất bốn tàu ở vị trí cách đảo Phú Quý ở đông nam Việt Nam khoảng 102 km và cách các bãi biển của thành phố Phan Thiết 185 km, Reuters đưa tin, dẫn ra dữ liệu từ Marine Traffic - một website chuyên theo dõi chuyển động của tàu biển.
Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc được theo sát bởi ít nhất hai tàu hải quân Việt Nam, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về diễn biến này.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm về việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn của bộ Lê Thị Thu Hằng gọi đó là "hành vi xâm phạm nghiêm trọng" và cho biết các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam "tiếp tục thực thi vào bảo vệ chủ quyền".
Vùng đặc quyền kinh tế của một nước thường mở rộng lên đến 200 hải lí (370 km) từ bờ biển của nước đó, theo một hiệp ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Nước đó có quyền chủ quyền khai thác bất kì tài nguyên thiên nhiên nào trong khu vực đó, theo thỏa thuận này.
Việt Nam và Trung Quốc nhiều năm qua đã vướng vào tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển có tiềm năng năng lượng và là một tuyến đường vận tải nhộn nhịp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền bằng một "đường chín đoạn" rộng lớn hình chữ U ở Biển Đông, chồng lên một phần lớn thềm lục địa Việt Nam nơi mà Việt Nam đã cấp phép khai thác dầu mỏ.
Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó trong tuần này, Mỹ nói họ rất lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu khí tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và việc điều động các tàu này là "một sự leo thang của Bắc Kinh trong những nỗ lực hăm dọa các nước có tuyên bố chủ quyền ngừng phát triển tài nguyên ở Biển Nam Trung Hoa" (tên quốc tế của Biển Đông).
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Washington đang "gieo sự chia rẽ và có động cơ mờ ám".
"Mục đích là để gây hỗn loạn cho tình hình ở Biển Đông và làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này", ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Sáu.
******************
Biển Đông : Tàu khảo sát Trung Quốc tiến gần hơn đến bờ biển Việt Nam (RFI, 24/08/2019)
Chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hôm nay, 24/08/2019, đã mở rộng hoạt động đến một khu vực gần bờ biển Việt Nam hơn, theo các dữ liệu của trang web Marine Traffic, chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu.
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS)
Theo hãng tin Reuters, các dữ liệu này cho thấy là tàu Hải Dương 8 hôm nay tiếp tục khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với sự hộ tống của ít nhất 4 tàu và hiện đang ở một địa điểm chỉ cách đảo Phú Quý (thuộc tỉnh Bình Thuận) 102 km và chỉ cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Cũng theo các dữ liệu của Marine Traffic, có ít nhất 2 tàu của Việt Nam đang bám sát tàu khảo sát của Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện chưa trả lời khi Reuters đề nghị cho biết phản ứng về hành động mới này của tàu Hải Dương Địa Chất 8.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc, vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia được tính trong phạm vi 200 hải lý (370 km) từ bờ biển của quốc gia này. Như vậy là chiếc Hải Dương Địa Chất 8 đang tiến ngày càng sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu khảo sát Trung Quốc tiến gần hơn đến bờ biển Việt Nam ngay sau khi hôm qua, tại Hà Nội, hai thủ tướng Việt Nam và Úc vừa bày tỏ quan ngại về các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Phát biểu với các phóng viên hôm qua tại thủ đô Việt Nam, thủ tướng Úc Scott Morrison còn kêu gọi các quốc gia Châu Á đứng dậy bảo vệ "độc lập và chủ quyền" trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc Biển Đông.
Trước đó, hôm thứ năm 22/08, phát ngôn bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, xem việc Bắc Kinh đưa tàu khảo sát xâm nhập vùng biển Việt Nam là một hành động "leo thang".
Thanh Phương
******************
Thủ tướng Úc và Việt Nam trao đổi về tình hình bất ổn ở Biển Đông (VOA, 23/08/2019)
Hôm 23/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, theo Reuters.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông ; nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc họp báo với người đồng cấp Úc ở Hà Nội.
Thủ tướng Úc Morrison nói rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế nên được duy trì trong khu vực.
"Các nguyên tắc đó là tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi cơ hội phát triển hiện có trong vùng biển của họ và quản lý việc kinh doanh theo cách mà luật pháp cho phép", Thủ tướng Australia nói.
Truyền thông Việt Nam hôm 23/8 trích thông cáo của Bộ Ngoại giao nói hai thủ tướng Việt Nam và Úc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa và bồi đắp các cấu trúc đang tranh chấp cũng như cản trở các dự án dầu khí.
"Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông", tuyên bố chung viết.
Vẫn tuyên bố chung có đoạn : "Hai nước sẽ mở rộng hợp tác an ninh song phương, bao gồm trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng, và phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm thông qua tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh biên giới và thực thi pháp luật".
Hãng tin ABC trích lời ông Morrison nói : "Úc và Việt Nam là bạn".
Theo Reuters, đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Úc kể từ khi quan hệ hai nước được nâng lên tầm hợp tác chiến lược.
TTXVN trích lời ông Morrison trước chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam, nói : "Việt Nam rất quan trọng đối với Australia. Chúng tôi bày tỏ sự cam kết đối với mối quan hệ quan trọng này và mong muốn phát huy hết tiềm năng của mối quan hệ này. Trọng tâm của tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này là tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Australia và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn tương tự nhau đối với khu vực và thế giới. Cả hai nước đều muốn có thương mại mở và tự do trên biển".
Trong diễn biến liên quan, hôm 22/8, Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói tình trạng này gây ngờ vực về những cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông, và về giải pháp ôn hòa cho các tranh chấp trên biển.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông.
*************************
Mỹ : Trung Quốc leo thang o ép hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông (VOA, 23/08/2019)
Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8. Bộ nói tnh trạng này gây ngờ vực về những cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông, và về giải pháp ôn hòa cho các tranh chấp trên biển.
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Thông cáo của Bộ nêu rõ việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ cùng với các tàu hộ tống vũ trang tới vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính hôm 13/8 là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực uy hiếp không cho các nước cùng có tuyên bố chủ quyền phát triển các nguồn tài nguyên tại Biển Đông.
Vẫn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong những tuần gần đây, Trung Quốc thực hiện một loạt các bước hung hăng can thiệp vào hoạt động kinh tế lâu nay của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhằm cưỡng ép các nước này bác bỏ cộng tác với các công ty dầu khí nước ngoài mà chỉ làm việc với các công ty quốc doanh Trung Quốc mà thôi.
Trong trường hợp Bãi Tư Chính, thông cáo nhấn mạnh, Trung Quốc đang áp lực Việt Nam về sự hợp tác giữa Hà Nội với một công ty năng lượng Nga và những đối tác quốc tế khác.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc phá hại hòa bình và an ninh khu vực, gây tổn thất kinh tế lên các quốc gia Đông Nam Á khi ngăn các nước này tiếp cận trữ lượng hydrocarbon chưa khai thác trị giá khoảng 2.500 tỉ đô la, và chứng tỏ rằng Trung Quốc bất chấp quyền của các quốc gia thực thi những hoạt động kinh tế trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của họ theo Công ước về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn vào năm 1996.
Thông cáo nói các công ty Mỹ đứng đầu trên thế giới trong việc thăm dò và khai thác các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông. Do đó Hoa Kỳ mạnh mẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc đe dọa hay cưỡng bách các quốc gia đối tác rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ.
Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ cam kết đẩy mạnh an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đảm bảo việc sản xuất dầu khí cho thị trường toàn cầu không bị gián đoạn.
(Nguồn Bộ Ngoại giao Mỹ)