Ngụy biện - kế phản hồi của quan chức thời nay (RFA, 25/09/2019)
Thời gian gần đây ngày càng nhiều quan chức, cơ quan chính phủ đưa ra lời giải thích, đính chính về những thông tin tiêu cực liên quan đến họ được người dân đưa lên mạng xã hội. Cụ thể như vụ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, sử dụng xe công đi ăn sáng hay vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã phải giải thích trước thông tin trên facebook về việc cả gia đình làm quan và gian lận thi Trung học Phổ thông năm 2018.
Lập luận của Kiểm sát viên và những cái cúi đầu nhận tội của những quan chức tham nhũng - Ảnh minh họa
Và, lần giải thích mới đây nhất của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam nói rằng, 9 người đi theo phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, đã tách đoàn, trốn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp từ hồi tháng 12 năm 2018, được cho là chỉ đi nhờ máy bay của đoàn ngoại giao, đã làm trò cười cho dư luận.
Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hôm 25/9 đưa ra nhận định với RFA :
"Trong đảng cầm quyền của Việt Nam hiện nay, hầu như chưa có não trạng về cách hành xử để chủ động ứng phó thông tin đưa trên mạng xã hội, mà thường thường họ đáp trả thông tin đó hết sức là bị động, và họ miễn cưỡng giải thích những thông tin đó một khi những thông tin đó đã lan tỏa quá lớn, quá rộng, thì họ mới phải giải thích, còn bình thường thì họ lơ đi. Chẳng hạn như vụ phản ứng nhanh mới cấp kỳ là vụ 9 người được cho là ‘đi nhờ’ chuyên cơ quốc hội".
Luật an ninh mạng 2018 đã được quốc hội thông qua vào tháng 6/2018 cấm cản người sử dụng mạng xã hội rất nhiều nhưng không ai phủ nhận được rằng sự tồn tại của mạng xã hội trong thời gian qua đã phần nào giúp ích và chuyển tải được tiếng nói của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Thông qua mạng xã hội nhiều sự vụ tiêu cực đã được phanh phui và chia sẻ nhiều hơn.
Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm đến các hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng cũng như lối sống của cán bộ công quyền.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng, khi trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 25/9 cho biết :
"Như trước đây nhiều năm, những người cầm quyền hay những người tự nhận là lãnh đạo, hầu như là bất khả xâm phạm. Ngay cả có những dư luận xã hội thì hầu như họ cũng coi là không cần để ý. Nhưng thứ nhất về mặt xã hội, do công nghệ phát triển, internet phát triển, thứ hai do việc làm của họ nhiều lúc đi quá quy chuẩn, họ không thể không để ý đến dư luận xã hội, và tôi cho đây là cách phản ứng với họ với nhiều lý do khác nhau".
Hay áp lực bầu bán trước Đại hội ?
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội cũng thừa nhận sức mạnh của mạng xã hội. Trước đây quan chức chỉ lờ đi, bây giờ họ không thể coi thường dư luận xã hội được.
Người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc. RFA Edited
Việc các quan chức lên tiếng giải thích đính chính được ông Lã Việt Dũng cho rằng có hai khía cạnh, thứ nhất nếu là tin đồn không chính xác, thì quan chức không trả lời. Còn tin mang tính xác thực một chút thì các quan chức vội vàng lên tiếng thanh minh, vội vã giải thích. Ông nói tiếp :
"Tôi thấy càng gần các kỳ đại hội, bầu bán, thì quan chức Việt Nam càng đưa lên các thông tin nghe nói thì có vẻ hay nhưng thực tế cuối cùng chỉ làm trò cười cho dân, là những cái mà họ nói nhưng họ không làm được gì cả. Tôi cho rằng đó là những động tác mà họ đấu đá nội bộ với nhau thôi, chứ không phải họ thực sự muốn làm cho người dân gì cả".
Đồng ý kiến với ông Lã Việt Dũng, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng, cứ gần đến các hội nghị trung ương quan trọng hay Đại hội đảng lại có thông tin không chính thức tung lên mạng xã hội từ những bàn tay bí ẩn, những cây bút ẩn danh. Ông cũng cho là ai cũng hiểu những cây bút này đều từ trong nội bộ đảng mới có thông tin như vậy. Chứ trên mạng xã hội, các facebookers, bloggers không thể có những thông tin như thế. Ông nói tiếp :
"Từ Đại hội 12 đến giờ, có nhiều bài viết như vậy được tung ra. Cho nên mới có câu trong nghị quyết liên quan kiểm soát quyền lực mà mới đây ông Nguyễn Phú Trọng ký là ‘không lợi dụng mạng xã hội để nâng người này, hạ người kia’. Bây giờ đảng phải thừa nhận thông tin không chính thức, thừa nhận có những bàn tay, nhân vật, quan chức… kể cả những thế lực chính trị tuồn những thông tin trong đảng ra bên ngoài và lên mạng xã hội để đấu đá trước Đại hội đảng".
Tại hội thảo khoa học đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Cộng sản tổ chức hôm 25/9/2019, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần cung cấp thông tin nhân sự Đại hội Đảng để tránh 'râm ran tin đồn'.
Trước đây, có bao giờ đảng cầm quyền thực sự chú ý đến tin đồn ? Hay thật sự đảng cộng sản bắt đầu quan tâm đến mong muốn nguyện vọng của dân ?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định :
"Vừa rồi có chuyện thú vị là lần đầu tiên các cơ quan tuyên giáo, cơ quan đảng, chính quyền thừa nhận một khái niệm mới là ‘thông tin không chính thức trên mạng xã hội’ trước đây họ chỉ nêu ‘thông tin xấu độc, thông tin phản động, thế lực thù địch…’ Mà thông tin không chính thức này liên quan rất nhiều đến nhân sự Đại hội đảng 13".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc cung cấp thông tin nhân sự Đại hội đảng là nói cho vui.
Hội nghị trung ương 11, một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019 và được coi là hội nghị quan trọng chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2020.
*******************
Cung cấp thông tin nhân sự đại hội Đảng để tránh 'râm ran tin đồn' (VietnamNet, 25/09/2019)
Tại hội thảo khoa học đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn do Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch quốc hội nhấn mạnh, Đảng cầm quyền thông qua Nhà nước.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội
Đổi mới bầu cử trong Đảng
Muốn vậy phải thông qua những cán bộ, đảng viên mà Đảng giới thiệu, cử vào làm việc trong bộ máy Nhà nước.
"Đây là nhân tố quyết định tính chính danh, cầm quyền của Đảng và hiệu quả cầm quyền của Đảng", ông Thông nhấn mạnh.
Muốn vậy phải chọn cán bộ cử vào nhà nước chứ không phải ai cũng nhân danh Đảng cầm quyền trong bộ máy Nhà nước được và cách lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là bầu cử.
"Bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng. Làm thế nào để chọn được người đủ tâm, đủ tầm, đủ độ tin cậy để thực hiện cầm quyền của Đảng trong bộ máy thực thi quyền lực của nhân dân", Phó Giáo sư Lê Minh Thông nhấn mạnh.
Ông cho rằng, đổi mới bầu cử trong Đảng là yếu tố then chốt nhất, đòi hỏi Đảng luôn hoàn thiện việc bầu cử của mình, lựa chọn chính xác nhất, hạn chế tối đa những sai lầm trong việc chọn người để thay mặt Đảng cầm quyền trong bộ máy nhà nước.
Ông Thông cũng lưu ý, Nhà nước có chế độ bầu cử riêng, theo luật nhưng riêng Đảng thì thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng. Đảng có 3 quy chế quan trọng được ban hành vào các năm 2008, 2009 và 2014 và cần tiếp tục đổi mới các quy chế này.
Quy chế bầu cử trong Đảng 2014 là rất quan trọng, giúp lựa chọn những người tham gia vào cấp ủy, từ cơ sở.
Giới nghiên cứu và quan sát cho rằng, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục suy nghĩ để thực hiện tốt bầu cử trong Đảng.
"Có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong Nhà nước. Vì hai điều này liên thông với nhau, nếu chọn tốt người vào cấp ủy, chính xác, thì khi giới thiệu bầu vào Hội đồng nhân dân, quốc hội, nhân dân tin tưởng. Còn nếu chọn không tốt thì khi đưa ra nhân dân chưa chắc đã trúng", ông lưu ý.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông nêu thực tiễn bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và quốc hội vừa rồi cho thấy, có những người được giới thiệu nhưng trượt, nhân dân không tín nhiệm. Cho nên phải đổi mới bầu cử trong Đảng thì mới có thể đổi mới bầu cử trong quốc hội, Nhà nước.
"Vừa rồi chúng ta thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Tuy nhiên, có địa phương lên kế hoạch rồi nhưng thực hiện lại không được. Có người trúng bí thư cấp ủy nhưng lại không trúng Hội đồng nhân dân. Nhiều người từ cấp ủy sang nhưng nhân dân không tín nhiệm", ông nêu thực tiễn.
Cần công khai quy hoạch trước đại hội
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông cũng nhấn mạnh đến việc bầu cử trong đại hội là thông qua đại cử tri. Như vậy quyền bầu cử, ứng cử của đảng viên bị hạn chế vì họ không được đi dự đại hội.
"Cứ vào đại hội là thẩm quyền bầu cử thuộc về đại biểu còn đại đa số đảng viên bị ảnh hưởng đến quyền ứng cử, đề cử, bầu cử".
Do đó, ông đề nghị cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, để tránh tình trạng "râm ran tin đồn" ông này, ông kia vào cấp ủy…
Có hai khâu cần thiết phải cung cấp thông tin cho đảng viên. Cụ thể là khâu quy hoạch cho đảng viên biết xem những ai quy hoạch vào đâu, chứ nếu quy hoạch mà chỉ cấp ủy biết, không công bố cho đảng viên thì đảng viên không thể kiểm soát được nhân sự sẽ đại diện cho mình cầm quyền. Vì vậy, cần công khai quy hoạch trước đại hội.
"Ví dụ chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện ủy viên trung ương khóa 13, 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết, giám sát", ông dẫn chứng.
Tránh trường hợp bầu mà không biết mặt
Nhắc đến quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền Bộ Chính trị vừa ban hành, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông nhấn mạnh kiểm soát quyền lực quan trọng là đảng viên kiểm soát. Đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin.
Ông cũng băn khoăn khi có quan điểm cạnh tranh là có số dư, nhưng còn vấn đề tranh cử thì như thế nào? Các đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội là phải đi vận động, tranh cử, trình bày trước cử tri nhưng trong Đảng, các ứng cử viên không thấy có chương trình hành động.
"Vậy khi tôi bầu anh thì anh sẽ làm gì sau khi trúng cử ? Trong điều kiện đại hội thì không thể như quốc hội nhưng trong hồ sơ bắt buộc của các ứng cử viên thì phải có chương trình hành động để các đại biểu nghiên cứu chương trình. Để xuyên suốt nhiệm kỳ người ta xem xét anh hứa như thế thì có làm không", ông nêu quan điểm.
Vì vậy theo ông, đại hội cần tổ chức các diễn đàn bầu cử, để các ứng cử viên có diễn đàn giao lưu với những người bầu, tiếp xúc trực tiếp với người dự đại hội để trao đổi, lắng nghe, giải trình, tránh trường hợp bầu mà không biết mặt.
Về số dư, theo quy định không quá 30%, còn nếu cấp ủy giới thiệu là không quá 15%, ông Thông cho rằng quá ít, tính cạnh tranh thấp, cơ bản giới thiệu là trúng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị cần có tổng kết về đại hội bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội.
"Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức đảng, vị thế sẽ rất khác. Đây là con đường chúng ta phải đi để tìm kiếm người tài trong Đảng hiệu quả hơn", ông đề xuất.
Thu Hằng
Nguồn : VietnamNet, 25/09/2019