Cung không đủ cầu về lao động lành nghề ở Việt Nam do thương chiến Mỹ-Trung (VOA, 11/10/2019)
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khiến các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, và họ lại lao vào một cuộc chiến khốc liệt giành giật người lao động lành nghề, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hiện nay, và thúc đẩy những lời kêu gọi cải cách giáo dục để giải quyết vấn đề.
Các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng cần nhiều người lao động Việt Nam tay nghề cao
Việt Nam nổi lên như là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Một số công ty trong đó có Alphabet Inc, hãng mẹ của Google, và Nintendo đã công bố kế hoạch mới sẽ mở các cơ sở của họ ở Việt Nam.
Các thỏa thuận thương mại mà Hà Nội đạt được, bao gồm cả hiệp định FTA gần đây ký với Liên hiệp Châu Âu, cũng đã trở thành yếu tố thu hút nước ngoài.
Jef Stokes thuộc hãng Maxport, một nhà sản xuất hàng may mặc có cơ sở ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục thiếu vắng sự cải cách là một phần của vấn đề : "Hệ thống giáo dục tạm ổn, nhưng không tạo ra đủ các học sinh, sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao. Đây chính là điểm nghẽn".
Hiện nguồn cung đã khá căng về các nhân viên IT (công nghệ thông tin), kỹ sư và nhà quản lý. Nhưng những hãng tị nạn chiến tranh thương mại làm nhu cầu càng trở nên cao hơn, dẫn đến chuyện những người lao động có tay nghề cao nhảy việc ngày càng nhiều hơn, theo lời của các chủ nhà máy, các chuyên gia tư vấn và các công ty tuyển dụng nói với Reuters.
Tình trạng cung không đủ cầu này không có gì đáng ngạc nhiên : Dân số Việt Nam chỉ bằng 7% của Trung Quốc ; Việt Nam vẫn thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và theo Ngân hàng Thế giới, nước này cần chi trung bình 6,7 tỷ đô la mỗi năm để tăng công suất phát điện hàng năm 10% từ năm 2016 đến 2030.
Michael Sieburg, thuộc công ty tư vấn YCP Solidiance, cho hay sự tăng tốc về đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, và việc các công ty xem xét lại chuỗi cung ở khu vực do cuộc chiến tranh thương mại đã khơi lại mối lo ngại về nguồn cung lao động kỹ năng cao có sẵn ở Việt Nam.
Chỉ có 12% lực lượng lao động gồm 57,5 triệu người của Việt Nam có tay nghề cao, theo công ty tuyển dụng Manpowergroup.
Điều này làm cho các nhà đầu tư mới ngày càng ráo riết cạnh tranh với nhau để giành giật người tài, theo ông Sieburg, nhà tư vấn cho các công ty nước ngoài đang xem xét việc thiết lập hoạt động tại Việt Nam.
Khoảng 28% số người trong độ tuổi từ 18-29 theo học đại học tại Việt Nam, so với 43% ở Thái Lan và 48% ở Malaysia đi học đại học.
"Nhiều nghiên cứu cho thấy các chương trình giáo dục ở Việt Nam đã lỗi thời, giáo viên bị quá tải và chỉ được trả lương thấp, và sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng sẵn sàng cho công việc mà khu vực tư nhân cần có", ông Adam Sitkoff thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết.
Chính phủ cần hành động nhiều hơn để hiện đại hóa hệ thống giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là ở cấp độ dạy nghề và đại học, ông Sitkoff nói thêm.
Hai bộ lao động và giáo dục Việt Nam không hồi đáp Reuters khi hãng tin đề nghị họ đưa ra bình luận.
******************
Thành phố Hồ Chí Minh có số dân đông nhất cả nước (RFA, 11/10/2019)
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số thành phố hơn 8,99 triệu người, tính đến 0 giờ ngày 1/4/2019, trở thành địa phương có dân số đông nhất cả nước, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009.
Với hơn 8,99 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đông dân nhất cả nước. Ảnh minh họa : TTXVN
Số liệu vừa nêu được ông Võ thanh Sang, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tại hội nghị Tổng kết kết quả sơ bộ công tác tổng điều tra dân số và nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 diễn ra ngày 11/10.
Trong đó, tỷ lệ dân số là phái nam chiếm 48,7%, nữ chiếm 51,3%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân 10 năm từ 2009 – 2019 của thành phố là 2,28%. Dân số thành phố phân bổ không đồng đều, tập trung nhiều nhất ở quận Tân Bình, huyện Bình Chánh và thấp nhất là huyện Cần Giờ.
Về nhà ở, diện tích trung bình 19,4 m2/người. Quỹ đất ở khu vực thành thị không còn nhiều nên các dự án sản xuất và nhà ở đều có xu hướng dời ra vùng ven, vùng nông thôn.
Theo ông Võ thanh Sang, cuộc Tổng điều tra dân số thực hiện bằng hình thức 100% thiết bị điện tử di động (CAPI) và điều tra internet (Webfrom).
Cũng tin liên quan, các nhà khoa học vừa đưa ra dự báo, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới và Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên, trên tổng dân số tăng lên với tốc độ nhanh chóng, từ 8,1% năm 1999, lên 8,6% năm 2009 và hiện nay là khoảng 12%, tương đương khoảng 11,9 triệu người.
*****************
10 năm chưa xác minh được sai phạm của cựu lãnh đạo Sở Y tế, khiến người dân bị thiệt hại (RFA, 11/10/2019)
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 4346 gia hạn giải quyết tố cáo đối với ông Huỳnh Văn Biết – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế, bị 83 công dân là bệnh nhân trại phong Thanh Bình ở Quận 2 tố cáo ông đã xác nhận sai thời điểm sử dụng đất khiến người dân bị thiệt hại trong quy chế đền bù, báo trong nước loan tin ngày 11/10.
Khu đô thị Thủ Thiêm. RFA
Tin cho biết, bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình đã được cấp nhà và đất để ở và sản xuất nhằm đảm bảo cuộc sống từ trước năm 1975. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Biết đã xác nhận sai thời điểm sử dụng, thay vì trước năm 1980 thì ông lại ghi sau ngày 20/12/2001 khiến người dân không được bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện giải tỏa, di dời trại phong Thanh Bình để thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Người dân trại phong Thanh Bình cho biết họ bức xúc vì phương án bồi thường số 65 được đưa ra ngày 27/3/2008 không cho họ được bồi thường nhà, đất.
Một cán bộ Hội đồng bồi thường quận 2 giải thích do Quyết định 336 của Ủy ban ban hành ngày 24/12/1979 thì Trại phong Thanh Bình chỉ là nơi trung chuyển bệnh nhân từ nơi khác về phân loại rồi chuyển đi Khu điều trị phong Bến Sắn điều trị, không phải nhà công vụ của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân cho bệnh nhân hoặc cán bộ quản lý. Vì thế việc bố trí nhà, đất cho các hộ gia đình bệnh nhân sử dụng là sai quy định.
Trong thực tế, các bệnh nhân cho biết họ được cấp nhà trước khi Quyết định 336 được ban hành và vẫn sử dụng ổn định tới thời điểm bị giải tỏa nên đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất theo Khoản 3, điều 48 của Nghị định 181. Vì vậy, theo quy định thì các hộ gia đình bệnh nhân này phải được bồi thường về đất ở.
Hồ sơ tố cáo của những gia đình bệnh nhân tại trại phong Thanh Bình đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng xác minh vào tháng 6/2009. Việc xác minh đến nay đã được gia hạn 2 lần.