Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/10/2019

Quốc hội bàn về tăng quyền lực, bất chấp khuyến nghị, kiện Trung Quốc, kỷ luật quan tham

Tổng hợp

Tăng quyền lực để làm gì ? (RFA, 31/10/2019)

Bộ trưởng không thể làm Đại biểu quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi tường Trần Hồng Hà hôm 31/10 có đưa ra kiến nghị rằng các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không nên là Đại biểu quốc hội.

qh1

Quốc hội xem xét đề xuất của Bộ Nội vụ về việc tăng quyền cho Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Nhiều đại biểu quốc hội tán thành với đề xuất này vì cho rằng một người không thể cùng lúc làm tốt được hai việc nặng nhọc mà chức năng và kỹ năng để thực hiện 2 việc ấy lại khác nhau. Trên thực tế,

Nhận xét về kiến nghị này, ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định :

"Anh làm 2 mang thì như thế anh đứng trên mang nào ? Anh đứng trên vị trí vai trò Quốc hội để giám sát việc của chính phủ hay đứng lên với Chính phủ để chống lại Quốc hội ? Hai vấn đề khác nhau và có từ xưa chứ không phải mới đây".

Còn luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lại có cách nhìn nhận của ông :

"Vì người ta bảo rằng mình vừa là đại biểu – cơ quan giám sát kiểm tra mà lại giám sát mình hay sao. Nên người ta đề nghị không nên làm để tăng đại biểu chuyên trách. Bây giờ có ý kiến đại biểu chuyên trách khoảng 30%, họ muốn tăng lên 30 mấy, 40%. Có lẽ các nước xung quanh, nước ngoài cũng đa số Đại biểu quốc hội là không chuyên trách".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cũng đồng tình về việc cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách chuyên nghiệp :

"Tôi thấy nên chú ý các chuyên gia luật gia, luật sư để họ vào Quốc hội làm luật nhằm tránh trường hợp khi xây dựng luật phải sửa rất nhiều lần do tính không chuyên nghiệp. Do đó tôi cho rằng trong Luật sửa đổi tổ chức Quốc hội năm nay chúng ta nên quy định (đại biểu) cơ quan hành pháp thấp đi và tăng số đại biểu chuyên trách. Không nên đưa đại biểu cơ quan hành pháp vào kiêm nhiệm bởi vì họ làm tốt ở cơ quan hành pháp thì phải có sự kiểm soát quyền lực, sự kiểm soát và giám sát cơ quan hành pháp trong việc thực thi Hiến pháp Việt Nam".

qh2

Hình minh họa. Quốc hội Việt Nam họp hôm 22/10/2018 AFP

Từ kiến nghị ‘Bộ trưởng không được làm Đại biểu quốc hội", có thể nhìn nhận lại vai trò hiện nay của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông vừa sức khỏe không cho phép lại đang giữ nhiều trọng trách ở các lĩnh vực khác nhau như : trưởng ban tham nhũng, trưởng ban chỉ đạo Tây nguyên ; trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương ; bí thư đảng ủy công an trung ương…Nhiều "chức" trách như vậy liệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có "đủ sức" để gánh vác ?

Chúng tôi có trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu để tìm hiểu thêm về việc liệu một người có thể nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt ở nhiều lãnh vực như vậy không thì được Luật sư Hậu cho biết là hiện tại trong luật không có điều khoản quy định việc này. Vì thế nên Quốc hội mới thảo luận về dự án bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ.

Bổ sung quyền hạn Thủ tướng : Có cần thiết ?

Trong phiên thảo luận ngày 25/10, Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền, có xem xét đề xuất của Bộ Nội vụ về việc tăng quyền cho Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Cụ thể, dự luật đề xuất bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện ; thành lập Hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết vai trò của Thủ tướng hiện nay được quy định trong Hiến pháp 2013 rất cụ thể ở chương 7 :

"Thủ tướng là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và Thủ tướng có những quyền mà trong Hiến định của chúng ta quy định đó là cơ quan hành chính cao nhất chịu sự giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chức năng quyền hạn của Thủ tướng cũng được quy định rất rõ trong Hiến pháp 2013, là người đứng đầu chính phủ, chịu trách nhiệm về hoạt động cơ quan hành chính của mình và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội như Chủ tịch nước".

Do đó, Luật sư Hậu cho biết ông ủng hộ những bổ sung mà Bộ Nội vụ đưa ra vì nó hoàn toàn phù hợp Hiến pháp 2013 vì chức năng nhiệm vụ của chính phủ mà người đứng đầu của chính phủ phải làm sao lãnh đạo công tác chính phủ, đồng thời xây dựng các chính sách và tổ chức thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn cá nhân, Luật sư Trần Quốc Thuận lại cho rằng việc bổ sung quyền lực này thực chất để xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo một cách cụ thể hơn :

"Thật ra các nước điều hành theo pháp luật thì vai trò của Thủ tướng, vai trò người đứng đầu Chánh phủ nhà nước, đất nước thì vai trò cá nhân rất quan trọng. Đôi khi người đó họ quyết nhưng khi tập thể bị hư hại thì họ thường chỉ thừa tập thể, nên việc tăng cường cái đó cũng là xác nhận trách nhiệm. Ở tất cả các nước cũng thế, có việc gì xảy ra thì ông Bộ trưởng ngành đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí cắt chức, còn không kể cả Thủ tướng cũng chịu trách nhiệm. Lãnh đạo của các cơ chế, thể chế chính trị của nước xã hội chủ nghĩa thường hay quy trách nhiệm lên tập thể mà ít chịu trách nhiệm cá nhân và cái hư hại đó ngày càng tiêu cực rất xấu".

Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết, việc bổ sung quyền lực của Thủ tướng hiện nay là không cần thiết :

"Thủ tướng nhiều quyền lực lắm mà làm có nổi hay không, có được hay không, bổ sung để làm gì ? Chuyện đó là hết sức không cần thiết, toàn bàn chuyện ruồi bu không. Chuyện đó đâu cần đặt ra cho Quốc hội để bàn bổ sung quyền lực cho Thủ tướng. Biết bao nhiêu quyền của Thủ tướng mà Thủ tướng có làm được gì đâu, bổ sung để làm gì ?"

Vẫn theo ông Lê Văn Triết, thay vì bàn thảo về những chuyện không cần thiết như trên, chính phủ Hà Nội cần trập trung vào luật cơ bản nhất :

"Luật cần thiết nhất cho đất nước là luật tôn trọng quyền làm chủ, dân chủ thật sự của nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của người dân trong vấn đề bảo vệ đất nước và trong vấn đề làm cho đất nước vững mạnh, thật sự vững mạnh chứ không phải làm cho đất nước phụ thuộc gì ai".

Nhiều nhà quan sát đánh giá cho rằng hiện nay, các lãnh đạo chóp bu của chính phủ Hà Nội đều đang choàng quá nhiều việc nặng nhọc mà kỹ năng đều "không có và không thể thực hiện được" vẫn tồn tại. Làm sao để giải quyết tình trạng này vẫn là một câu hỏi mà câu trả lời vẫn là một ẩn số.

********************

Lắng nghe ‘khuyến nghị’ có phải ‘rập khuôn’ ? (RFA, 30/10/2019)

Không thể thực hiện khuyến nghị của quốc tế

Tại Hội thảo khoa học ở Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng với chủ đề Lựa chọn, diễn ra vào ngày 26/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu rằng ông đồng tình với quan điểm của các nhà quản lý và của các chuyên gia kinh tế là "Việt Nam cần có con đường đi riêng với giải pháp khả thi chứ không rập khuôn theo bất cứ mô hình nào của thế giới".

qh3

Ảnh minh họa : Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại chất vấn của các Đại biểu quốc hội kỳ 5, khóa XIV. RFA video

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn được truyền thông quốc nội dẫn lời nhắc nhở của ông rằng với đặc điểm và trình độ phát triển xã hội của Việt Nam không cho phép thực hiện khuyến nghị của một số quốc gia và tổ chức quốc quốc tế là Việt Nam cần thiết tập trung phát triển kinh tế để có nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, mặc dù trong từng chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển với tiến bộ và công bằng xã hội.

Blogger Đỗ Ngà, người có nhiều bài viết về tình hình chính trị-xã hội Việt Nam lên tiếng với RFA rằng phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho thấy một sự mâu thuẫn của Chính quyền Việt Nam. Blogger Đỗ Ngà nêu lên lập luận của ông :

"Lời khuyến nghị của các tổ chức quốc tế thì tôi đọc thấy có hai nội dung : thứ nhất là tập trung phát triển kinh tế và thứ hai là để có nguồn lực cho chính sách xã hội. Vế thì nhất thì đối chiếu với câu khẩu hiệu ‘Tất cả vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh’ mà Chính quyền cộng sản Việt Nam thường hay nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông và trên các băng-rôn treo khắp đường. Rõ ràng, tất cả mục tiêu dân giàu nước mạnh là mục tiêu kinh tế và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu về chính sách xã hội. Do đó, nếu xét với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế thì hợp với mục tiêu của Chính quyền cộng sản Việt Nam. Nhưng không biết tại sao ông Vương Đình Huệ lại từ chối lời khuyến nghị đó ? Thật sự là tôi thấy bị mâu thuẫn !"

Blogger Đỗ Ngà và một số nhà quan sát tình hình Việt Nam còn khẳng định với RFA rằng Việt Nam đang rập khuôn theo chính sách về mô hình kinh tế-chính trị của Trung Quốc ; tuy nhiên ông Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tuyên bố như thế là nhằm để từ chối mô hình kinh tế mà Việt Nam buộc phải cải tổ chính trị như các nước tiến bộ và dân chủ đã trải qua.

Từ Paris, Pháp quốc, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu Phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, một nhà quan sát tình hình kinh tế thế giới nhận định với RFA :

"Nếu chúng ta nhìn vào những nét chính thì chúng ta thấy có sự sao chép. Thí dụ như Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra chính sách là ‘xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Quốc’ thì Việt Nam cũng tuyên bố theo chính sách ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’. Đấy là cũng là một. Mới gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc có một sự chuyển biến đó là khẳng định, có thể nói là thống nhất bộ máy nhà nước và bộ máy đảng thì Việt Nam cũng lập tức rập khuôn theo. Khi Trung Quốc tập hợp và thống nhất hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư đảng thì chỉ trong một thời gian ngắn là Việt Nam cũng lại theo mô hình đó. Cho nên phải nói là về mặt chính trị thì có thể nhận thấy mà nói một cách ôn hòa là Đảng cộng sản Việt Nam thiếu sáng kiến. Cho nên mỗi khi thấy Trung Quốc có một sáng kiến nào thì họ bắt chước ngay".

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng lời tuyên bố của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có thể được coi như là một lời khẳng định chính đáng của Chính quyền Việt Nam, bởi vì trên thực tế dù muốn theo một mô hình nào của một nước nào thì cũng không bao giờ theo được toàn vẹn hết, bởi vì điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau. Cho nên, Việt Nam có quyền nói là không rập khuôn theo mô hình nào của thế giới.

qh4

Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019 AFP

Không thực hiện khuyến nghị : Thì sao ?

Hồi đầu tháng 2 năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn với Báo Dân Trí Online, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng sau 1 thập niên, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng "nhanh nhất thế giới" khi đề cập đến bức tranh kinh tế năm 2018 của Việt Nam đã đạt được mức Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 7,08% và trong năm 2019, xu thế của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và tiếp tục khả quan, với mục tiêu đặt ra ở mức 6,86%.

Liên quan chính sách kinh tế của Việt Nam là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Nguyễn Gia Kiểng ghi nhận Việt Nam đang tỏ dấu hiệu không rập khuôn Trung Quốc, mà có những bước đi đúng hướng với kinh tế thị trường dù còn rất dè dặt :

"Riêng về mô hình kinh tế, Đảng cộng sản Việt Nam sau gần 45 năm cầm quyền trên cả nước thì đã rút ra một vài kinh nghiệm. Tình hình và kinh nghiệm mà họ đã rút ra không bi quan như mình tưởng. Bởi do tôi thấy qua những lời tuyên bố của họ và qua những việc làm chính thức của họ thì tôi thấy có một khuynh hướng là tư nhân hóa kinh tế Việt Nam và chuyển về kinh tế thị trường đích thực. Dĩ nhiên con đường đi còn dài. Nhưng chúng ta thấy có sự khởi hành về hướng đó. Tôi nhận thấy có những bước tiến tuy còn rụt rè, nhưng cái hướng khác với Trung Quốc là hướng về kinh tế thị trường một cách đích thực hơn".

Trong khi đó, từ trong nước, một vài chuyên gia kinh tế như Tiến sĩ Kinh tế Bùi Trinh với tính toán của ông dựa theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì thì ông tính ra GDP thực của Việt Nam chỉ vào khỏang 3%. Còn Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng khẳng định mức GDP của Việt Nam 7,08% là không trung thực và kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào suy thoái cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào thời điểm năm 2008, đồng thời vẫn hoàn toàn suy thoái cho đến cuối năm 2018.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh mặc dù Việt Nam hô hào thực hiện tư nhân hóa, nhưng :

"Trong nước về mặt phổ biến nghị quyết, chủ trương thì luôn luôn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi các quan chức cao cấp đi nước ngoài để xin tiền, vay tiền thì luôn luôn chỉ nói kinh tế thị trường và đề nghị Mỹ, các nước Phương Tây-Liên minh Châu Âu linh hoạt cho Việt Nam sớm được chấp nhận quy chế kinh tế thị trường, bỏ luôn cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’".

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam nếu cứ tiếp tục khư khư giữ kinh tế nhà nước làm chủ đạo và vẫn say sưa với thành tích của GDP tăng trưởng kỷ lục thì nền kinh tế của Việt Nam không thể phát triển được.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng nếu như Việt Nam bắt chước theo Trung Quốc không "dân chủ hóa", mà Hà Nội có thể thực hiện được thì con đường đi riêng của Việt Nam sẽ còn dài và chậm trên lộ trình kinh tế thị trường để được thế giới công nhận.

*****************

Biển Đông : Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế (BBC, 01/11/2019)

Vụ việc Trung Quốc đưa tàu tới bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lại nóng nghị trường Quốc hội Việt Nam hôm 31/10.

qh5

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự họp Quốc hội hôm 21/10/2019

'Đưa ra tòa quốc tế'

Trong phiên họp Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.

Ông Nguyễn Lân Hiếu nói rằng đó là nguyện vọng của 'nhiều ý kiến cử tri', và rằng cần phải công khai các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc để nhân dân toàn thế giới được biết đến, theo truyền thông Việt Nam.

Ông Hiếu nhận định rằng Trung Quốc sau khi khai thác cạn kiệt tài nguyên biển nước họ thì sẽ vươn sang các nước lân cận trên Biển Đông, và lưu ý khả năng Trung Quốc sẽ tập trung quân sự hóa sau khi bồi đắp xong các đảo nhân tạo.

Ông Hiếu cũng cho rằng đối sách mà Việt Nam vẫn duy trì xưa nay là vừa hợp tác vừa đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình không làm giảm lòng tham của Trung Quốc. Do đó, liên quan tới 'độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ' của Việt Nam thì 'không bao giờ nhân nhượng', ông Hiếu nhắc lại lời của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam.

Trong khi đó, phát biểu của ông Dương Trung Quốc trước Quốc hội sáng 31/10 được cho là 'thẳng thắn' khi ông đặt câu hỏi 'sao báo cáo trước Quốc hội lại né tránh gọi tên Trung Quốc' ?

Đề cập đến báo cáo của chính phủ gửi Quốc hội về tình hình đối ngoại của nhà nước trong năm 2019 trong phiên họp đầu tiên, trong đó có đề cập đến tình hình Biển Đông, ông Quốc nói lẽ ra không cần họp kín mà nên công khai cho dân biết.

Ông Quốc cũng nói trong báo cáo này có 'hạt sạn mang vị đắng', đó là việc chính phủ tránh nhắc đến Trung Quốc khi nói về hành động vi phạm nghiêm trọng trên vùng biển của Việt Nam. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trước đó đã nói rõ chính Trung Quốc là nước vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Ông Quốc cho rằng việc này khiến không chỉ dân Việt Nam mà dân Trung Quốc cũng sẽ lấy làm khó hiểu.

'Giải pháp phù hợp' theo 'từng tình huống' ?

Trong khi đó, một số ý kiến của các Đại biểu quốc hội khác thì vẫn chủ trương 'hòa hiếu, hòa bình' với Trung Quốc.

Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Việt Nam cần có sách lược phù hợp trong từng tình huống cụ thể và nhấn mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của nhà nước Việt Nam.

Cũng nhắc lại lời ông Trọng rằng với vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì 'không nhân nhượng', nhưng ông Nghĩa đồng thời cho rằng 'phải có đối sách phù hợp bởi vì truyền thống văn hóa của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình', và nhấn mạnh việc đấu tranh bằng hình thức tuyên truyền và 'kết hợp đấu tranh với thực địa'.

Quan điểm của ông Nghĩa giống với trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng.

Trước đó, trung tướng Trần Việt Khoa từng phát biểu rằng Việt Nam cần 'cảnh giác, tỉnh táo' trong bối cảnh 'tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng an ninh, an toàn khu vực'.

Tướng Khoa nhắc đến việc Trung Quốc điều chỉnh các chính sách, chiến lược quốc phòng, tăng chi ngân sách và tăng diễn tập quốc phòng quy mô lớn. Ông Trung cũng nhắc lại việc Trung Quốc đưa tàu tới Bãi Tư Chính của Việt Nam, có thời điểm tới 35-40 tàu 'là hết sức phi lý' và 'không chấp nhận được'.

Tuy nhiên các biện pháp để đối phó mà ông Khoa nhắc tới chỉ là việc các lực lượng hải quân, biên phòng 'tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam'.

Ông Khoa cũng đề cập tới việc 'phải có các giải pháp phù hợp để đấu tranh trong điều kiện mới, giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước' và liệt kê các chiến lược mà Bộ Chính trị đã thông qua từ năm 2018. Gồm chiến lược bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia - với việc Bộ Quốc phòng đã lên kế hoạch mua sắm vũ khí 'tinh, gọn, mạnh' để 'đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tình hình mới'.

Trước đó nữa, vào phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, truyền thông Việt Nam cho hay từ "Biển Đông" đã xuất hiện ít nhất 6 lần trong phát biểu của các nhà lãnh đạo.

Trong phiên họp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết "tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường", trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc được tường thuật là đã '3 lần đề cập vấn đề Biển Đông' trong chỉ một giờ phát biểu về tình hình kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Phúc nói rằng Việt Nam 'không bao giờ nhân nhượng' vấn đề độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng không thấy báo Việt Nam tường thuật ông có đề cập kế sách gì mới cho việc này cũng như không thấy nói đến việc có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không.

****************

Cựu tướng công an Việt Nam và hàng loạt lãnh đạo ngành xăng dầu bị kỷ luật (BBC, 31/01/2019)

Trung tướng Trình Văn Thống, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, vừa bị Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cảnh cáo vi phạm bảo vệ bí mật nhà nước, theo truyền thông Việt Nam.

qh6

Nhiều lãnh đạo cấp cao ngành công an và dầu khí bị kỷ luật thời gian gần đây (Ảnh minh họa)

Việc cảnh cáo ông Thống được UBKT công bố trong phiên họp thứ 40, từ 28-30/10.

Nguyên nhân được thông báo là do ông Thống "đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản về đơn vị nghiệp vụ không đúng quy định, vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước".

Như vậy, ông Thống là trường hợp mới nhất trong số các tướng công an cao cấp bị 'sờ gáy.' Trước ông Thống, hàng loạt các tướng công an kỳ cựu khác đã bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, bị cách chức, có người đang ngồi tù.

Những tướng công an bị kỷ luật năm 2019 gồm có hai cựu thứ trưởng Bộ Công an là trung tướng Bùi Văn Thành và thượng tướng Trần Việt Tân, trung tướng Phan Hữu Tuấn nguyên phó tổng cục trưởng tổng cục Tình báo, đại tá Nguyễn Hữu Bách.

Năm 2018, tướng Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) bị đưa ra xét xử tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ," liên quan tới đường dây đánh bạc nghìn tỷ.

Nhiều lãnh đạo xăng dầu bị đề nghị kỷ luật

Cũng tại kỳ họp lần này, UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận việc thi hành kỷ luật với nhiều lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex.

Các vi phạm của Ban thường vụ Đảng ủy Petrolimex và các cá nhân liên quan được đánh giá là "ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam".

Do đó, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên Tổng giám đốc Petrolimex ; đề nghị Ban thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Petrolimex Singapore, bị đề nghị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng ; ông Trần Văn Thịnh, nguyên Tổng giám đốc bị cảnh cáo ; ông Trần Minh Hải, Phó bí thư thường trực Đảng ủy và ông Nguyễn Thanh Sơn, ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Petrolimex bị khiển trách.

Trước đó, UBKT Trung ương xác định Ban thường vụ Đảng ủy Petrolimex đã "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ ; trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản ; hoạt động kinh doanh xăng dầu ; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước".

Hàng loạt các lãnh đạo cao cấp trong ngành dầu khí đã bị đưa ra xét xử trong công cuộc 'đốt lò' của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong vài năm gần đây.

Vụ nổi bật nhất năm 2018 là vụ xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Ông Thăng đã nhận án 30 năm tù với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh của PVN.

Cũng năm 2018, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên án chung thân với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "tham ô tài sản".

Quay lại trang chủ
Read 423 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)