Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/11/2019

Công đoàn độc lập ở Việt Nam : thực hư như thế nào ?

Tổng hợp

Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập (RFI, 22/11/2019)

Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi luật lao động, cho phép thành lập các công đoàn độc lập ở cấp cơ sở.

congdoan1

Một xưởng may ở Hải Dương, Việt Nam.Reuters

Bộ luật Lao động sửa đổi đã được các đại biểu Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019 và đã được đại sứ quán Mỹ ca ngợi là một "đạo luật lịch sử", vì đây là một bước quan trọng "đưa hệ thống pháp luật của Việt Nam đến gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế".

Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2021, cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay. Đây được coi là một thay đổi quan trọng nhất trong luật lao động mới. Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, Chang Hee Lee, nhắc lại tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Đối với ông Chang Hee Lee, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là "một tiến bộ quan trọng" do những sửa đổi trong luật "sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng."

Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, bộ Lao Động Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng việc cho phép thành lập công đoàn độc lập chính là nhằm "bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế".

Trên thực tế, Hà Nội không thể làm khác hơn, vì đó là yêu cầu của các hiệp định tự do mậu dịch mà Việt Nam đã ký kết, như hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Trong các cuộc đàm phán về các hiệp định đó, các vấn đề về lao động vẫn là những hồ sơ gay go nhất đối với Việt Nam.

Sau nhiều năm đàm phán, Liên Hiệp Châu Âu đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào tháng 6/2019, nhưng hiệp định này còn phải chờ sự phê chuẩn của các nghị sĩ Châu Âu, vốn rất quan tâm đến vấn đề quyền lợi của người lao động và nhân quyền nói chung.

Ngoài việc cho phép lập công đoàn độc lập ở cấp cơ sở, Bộ luật Lao động sửa đổi còn cải thiện quyền thương lượng tập thể của người lao động, tăng cường bảo vệ người lao động chống phân biệt đối xử trong công việc và bảo vệ người lao động vị thành niên.

Theo tổ chức ILO, cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là bốn nguyên tắc được đặt ra trong tám Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trên 8 công ước này, hai công ước còn lại là Công ước số 105 về lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về tự do hiệp hội dự kiến sẽ được phê chuẩn lần lượt vào năm 2020 và 2023.

Bộ luật Lao động sửa đổi đã được thông qua, nhưng còn phải chờ xem luật sẽ được áp dụng trên thực tế như thế nào. Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11/2019, đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công."

Giám đốc ILO Việt Nam lưu ý là quyền tự do hiệp hội trong Bộ Luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây "để song hành với những nỗ lực của chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023". Tuy nhiên, theo ông, vấn đề cần chú trọng trước mắt là việc giải thích các điều khoản mới thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai những điều khoản mới đó.

Thanh Phương

********************

Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập vì người lao động hay vì mục đích thương mại (RFA, 21/11/2019)

Bộ luật lao động sửa đổi của Việt Nam vào ngày 20/11 đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối tới 90,6%. Trong Bộ luật sửa đổi có 17 chương, 220 điều và có 10 điều mới áp dụng cho người lao động và 6 điều cho các doanh nghiệp sử dụng lao động.

congdoan2

Người lao động đang làm việc tại một công ty dệt may. (Ảnh minh họa) AFP

Cho phép thành lập công đoàn độc lập nhưng vẫn hạn chế

Một điểm sửa đổi mà được người lao động quan tâm đó là việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điều này cho thấy, Bộ luật lao động sửa đổi đã có những bước chuyển biến quan trọng đưa khuôn khổ pháp luật Việt Nam gần hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Luật sư Đặng Hùng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố HCM nói với RFA hôm 21/11/2019 rằng, công đoàn trước đây không làm được gì cho người lao động nên nếu nghiệp đoàn do chính người lao động lập ra thì hy vọng nó sẽ cải thiện tốt hơn.

"…không tin tưởng là nó sẽ cải thiện được tuyệt đối nhưng đó có thể là một phương thức mới và cần thời gian để trải nghiệm qua thực tế thì mới biết chính xác được nó có hiệu lực hay không. Tôi thì tôi tin chắc chắn nó sẽ tốt hơn trước. Tôi nghĩ rằng dần dần nhà nước mình cũng nghĩ thoáng hơn và khi đã chấp nhận những nghiệp đoàn như vậy là môt cách nào đó chấp nhận một hoạt động của xã hội dân sự. Đó là hình thức của một hội đoàn mới và nó đặt ra nhiều vấn đề và cần có luật để điều chỉnh những vấn đề này. Chúng ta nên mừng là nhà nước đã ghi nhận những điều mà thế giới họ đã quan tâm và trong các điều ước mà mình ký kết nó có nhiều điều khoản chặt chẻ hơn".

Nhận định về Bộ luật sửa đổi này, ông Đoàn Huy Chương, phó chủ tịch Phong trào Lao động Việt cho rằng, việc cho phép thành lập tổ chức công đoàn không thuộc tổ chức của nhà nước và được gọi là công đoàn thực sự là một điều rất có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, muốn có công đoàn độc lập tại Việt Nam là điều rất khó thực hiện vì trong bộ luật có nhiều điều ràng buộc. Anh lý giải :

"Ví dụ như yêu cầu phải là 50% là đoàn viên thì mới cho thành lập, thì những người lao động đâu phải ai cũng là đoàn viên ai cũng là được đề cử đâu, cho nên họ nói cho vui thôi chứ tại Việt Nam muốn có một công đoàn độc lập thì rất là khó thực hiện. Muốn có được tổ chức công đoàn thực sự phải do chính người lao động bầu ra, chính họ đóng góp và cử người đại diện của họ và người được chọn không liên quan gì đến những cái đoàn thể của nhà nước, họ phải độc lập và không bị chi phối của giới chủ, giới công đoàn của nhà nước".

Ngoài ra, ông Chương còn cho biết thêm một yêu cầu trong bộ luật về việc thành lập công đoàn độc lập mà ông cho là cần phải được xem xét lại :

"Họ yêu cầu nhưng người tham gia tổ chức công đoàn độc lập không được làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà chúng ta thấy cái từ an ninh quốc gia rất là mơ hồ. Họ sử dụng từ xâm phạm an ninh quốc gia hay nói xấu chế độ là họ bắt họ bỏ tù. Cho nên họ nên xem xét lại những điều khoảng họ đưa ra không được viết mơ hồ vậy mà phải rõ ràng cái nào là xâm phạm và cái nào không, chứ không nói chung chung như vậy nên đối với bộ luật này còn nhiều bất cập lắm".

Bản thân ông Đoàn Huy Chương, người đấu tranh cho quyền lợi của người lao động, cũng từng hai lần bị chính quyền bắt giam với các cáo buộc theo các điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến an ninh quốc gia như tuyên truyền chống nhà nước.

Điều 172 chương 13 của Bộ luật Lao Động về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Blogger Gió Bấc trong một bài viết về dự thảo Luật Lao động trước đó cho rằng : "Quy định nghe rất êm tai nhưng cụm từ "quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký" là một khái niệm mệnh mông có thể kéo dài hàng trăm năm mới được cụ thể hóa. Quy định của pháp luật là quy định nào ? Cơ quan thẩm quyền là cơ quan nào tại sao không quy định ngay trong dự thảo này mà phải chờ quy định khác ?"

Trong một lần trao đổi với Đài Á Châu Tự Do trước đây liên quan vấn đề quy định thành lập công đoàn theo Dự thảo Luật Lao động, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng chủ tịch hội nhà báo độc lập Việt Nam còn đặc biệt lưu ý về quy định "cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký" là quy định chung chung vì đã không nêu rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào ; do đó khi thực hiện sẽ tạo ra bức tường thành về thủ tục hành chính khi người lao động thành lập hồ sơ và đăng ký cho tổ chức của người lao động hoạt động.

Cũng có đồng quan điểm này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho rằng, nhà nước cho phép thành lập nhưng chưa chắc việc thực thi nó đạt được hiệu quả tốt, bởi vì đến bây giờ nhà nước vẫn coi công đoàn tổ chức cũng chỉ là "vai phụ" thôi.

"Nói chung chính sách của Việt Nam thì rất là đầy đủ, đúng và thỏa đáng nhưng khâu quan trọng nhất và gây mất niềm tin nhất cho người dân là khâu thực thi. Ngay chính các doanh nghiệp khi phát biểu với các cơ quan thực thi pháp luật thì người ta cũng nói thẳng chính sách nhà nước đầy đủ, toàn diện rất là tốt nhưng vấn đề thực thi thì nữa vời, chưa đến nơi đến chốn thì đó là thực tế phổ biến hiện nay".

Mục đích thương mại hay vì người lao động

Sau khi Quốc hội thông qua Luật lao động sửa đổi hôm 20/11, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng đã đánh giá việc Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi đại diện cho một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Phía Hoa Kỳ nhấn mạnh trong thông cáo về tầm quan trọng của những điều luật mới như việc thành lập các tổ chức công đoàn độc lập cơ sở, tăng cường sự bảo vệ chống lại tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc, việc mở rộng phạm vi bảo vệ pháp luật tới người lao động không có hợp đồng.

Theo giới quan sát tình hình kinh tế xã hội Việt Nam thì cho rằng, việc Quốc hội thông qua việc thành lập công đoàn độc lập cũng chỉ vì sức ép từ Châu Âu cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với EU. Đồng thời, việc chấp thuận thành lập công đoàn độc lập là để hợp thức hóa các mục đích về thương mại mà Việt Nam mong chờ.

Ông Đoàn Huy Chương cho rằng, luật là luật nhưng đối với Việt Nam thì khi viết một bộ luật nào đó thì luôn luôn có một điều mơ hồ được gọi là văn bản dưới luật :

"…không như các nước khác luật là luật nhưng tại Việt Nam các văn bản dưới luật nó còn cao hơn luật nữa vì có quyền dùng văn bản dưới luật, hoặc thông tư hướng dẫn, nghị định có quyền "phủ" bộ luật đó. Cho nên đối với luật pháp Việt Nam thì tôi chẳng bao giờ tôi tin, chẳng qua họ sửa bộ luật mới này để họ lừa thế giới, với các nước sắp tham gia vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định tư do thương mại Việt Nam EU) để họ đạt được các kết quả mong muốn của họ".

Luật sư Đặng Hùng Dũng thừa nhận Việt Nam đang có nhiều áp lực từ bên Âu Châu và nhiều quốc gia khác được thể hiện rất rõ nên nếu không có những áp lực đó thì chính phủ Việt Nam cũng chỉ sửa đổi bộ luật lao động ở mức độ nào đó mà thôi :

"Thế nhưng đây là những điều kiện của Âu Châu, của các nước khác, các hiệp định CPTPP nên nếu không sửa đổi thì sẽ có những chế tài với hình thức này hình thức khác, thành ra nhà nước mình cũng nghiên cứu và chấp nhận những sự thay đổi đó theo hướng ngày càng mở và tốt hơn cho người lao động".

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, khi tham gia hiệp định thương mại tự do, các nước không chỉ nghe lời cam kết mà còn muốn thấy việc thực thi luật pháp cụ thể để làm bằng chứng. Vì vậy ông nhận định đây không phải là hình thức che mắt quốc tế, nhưng vẫn cần phải sửa đổi và bổ sung.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)