Các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho Phạm Chí Dũng (RFI, 23/11/2019)
Trong thông báo đưa ra ngày 22/11/2019, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), trụ sở tại New York, kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
Ảnh minh họa : Logo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ.Reuters
Nhà báo Phạm Chí Dũng, người sáng lập và cũng là chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã bị bắt ngày 21/11 với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Với tội danh này ông có thể lãnh án đến 20 năm tù. Trước mắt, nhà báo Phạm Chí Dũng sẽ bị tạm giam trong 4 tháng để điều tra.
Trong bản thông cáo, ông Shawn Crispin, đại diện vùng Đông Nam Á của CPJ viết : "Chính quyền phải thả ngay lập tức ông Phạm Chí Dũng và hủy bỏ mọi cáo buộc chống nhà nước đối với ông. Nếu Việt Nam muốn được xem là một tác nhân có trách nhiệm và đáng tin cậy trên thế giới, họ phải chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu báo chí".
Về phần Phóng Viên Không Biên Giới RSF, trụ sở tại Paris, tổ chức này hôm 22/11/2019 cũng đã ra thông cáo lên án vụ bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, mà cách đây 5 năm đã được xếp vào danh sách "các anh hùng thông tin" của RSF.
Trong bản thông cáo, ông Daniel Bastard, đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF viết : "Vụ bắt giữ Phạm Chí Dũng là bằng chứng mới cho thấy chính quyền hoàn toàn không dung thứ mọi thông tin không đến từ chính bộ máy tuyên truyền của họ. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà báo này".
RSF ghi nhận là ông Phạm Chí Dũng, một người rất am tường về tình hình nội bộ đảng, hôm 17/11 có viết trên trang mạng của báo Người Việt một bài nói về những đồn đoán liên quan đến sức khỏe của đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy có thể ông Trọng sẽ không thể nắm quyền đến đại hội đảng kỳ tới vào năm 2021, và như vậy là những đấu đá giữa các phe trong đảng có thể sẽ rất gay gắt trong năm tới. Theo RSF, việc đăng bài viết là có thể giải thích vì sao nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt vào lúc này.
Thanh Phương
******************
Quốc tế kêu gọi EU và Mỹ đóng băng các thỏa thuận với Việt Nam sau vụ bắt nhà báoPhạm Chí Dũng (RFA, 22/11/2019)
Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 21/11 lên tiếng kêu gọi EU và Hoa Kỳ phải có tiếng nói sau khi chính quyền Việt Nam bắt và khởi tố Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào cùng ngày.
Hình minh họa. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng trong một lần tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn - Courtesy of RFI
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, v ật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW trong tuyên bố của mình viết rằng: "Bây giờ là lúc mà chiến dịch của Hà Nội cho một hiệp ước thương mại với EU đã có kết quả trực tiếp là những vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến. EU cần phải lên tiếng về trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người chỉ kêu gọi Châu Âu phải đòi hỏi có những cải thiện thực sự về tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương Mại Việt Nam EU".
"Với việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang cho thấy mình không chấp nhận bất cứ tiếng nói trái ngược nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực đòi hỏi nền báo chí độc lập cho quốc gia".
HRW kêu gọi EU, Hoa Kỳ và những quốc gia khác cần phải lên tiếng yêu cầu Hà Nội bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Chí Dũng.
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) hôm 22/11 cũng ra thông cáo báo chí lên án việc bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã từng nằm trong danh sách các anh hùng thông tin của RSF 5 năm về trước. Ông Daniel Bastard, người đứng đầu bộ phận Châu Á Thái Bình Dương của RSF được trích lời trong thông cáo nói rằng:
"Việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng là một xác nhận mới nhất về việc chính quyền hoàn toàn không có khả năng chấp nhận bất cứ thông tin nào không được đưa ra bởi chính hệ thống tuyên truyền của họ".
"Chúng tôi yêu cầu việc trả tự do ngay lập tức cho nhà báo này. Vào lúc mà Việt Nam đang muốn hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU và thảo thuận về quốc phòng với Mỹ. Chúng tôi thúc giục Brussels và Washington đóng băng tất cả các tiến trình chừng nào Hà Nội còn tiếp tục cho thấy những vi phạm về tự do báo chí".
*****************
HRW chỉ trích việc bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng (RFI, 22/11/2019)
Hôm 22/11/2019, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tuyên bố việc bắt giữ nhà báo tự do Phạm Chí Dũng chứng tỏ Việt Nam "trấn áp không dung thứ tất cả những tiếng nói đối lập".
Nhà báo Phạm Chí Dũng và tờ triệu tập của công an. Ảnh chụp ngày 03/03/2015 - RFI/Capdevielle
Hôm qua 21/11 báo chí nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin một nhà báo ở Sài Gòn đã bị bắt giam vì các hoạt động "chống Nhà nước". Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, 53 tuổi, cựu sĩ quan quân đội, cựu cán bộ Ban An ninh Nội chính Thành ủy, bị khởi tố vì cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam" theo Điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.
Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc ông Phạm Chí Dũng lập ra Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là "trái với pháp luật", không đăng ký tên miền của trang "Việt Nam Thời Báo" có các bài viết "chống Đảng, Nhà nước".
Ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cho biết trang web "Việt Nam Thời Báo" đã tạm thời mất quyền kiểm soát, nhưng sẽ được khôi phục trong thời gian ngắn.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã viết rất nhiều bài báo phê phán chính quyền, cũng như trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, trong đó có đài RFI. Thời gian gần đây nhiều blogger, fabooker ở Việt Nam đã bị bắt và tuyên những bản án nặng nề vì chỉ trích Nhà nước.
Được biết Điều 117 Luật Hình sự năm 2015 quy định ba khung hình phạt chính, từ 1 đến 20 năm tù. So với Điều 88 Luật Hình sự năm 1999, điều 117 được mở rộng hơn, với ba khung hình phạt chính. Khung 1 (nghiêm trọng và rất nghiêm trọng) có mức án từ 5 đến 12 năm, khung 2 (đặc biệt nghiêm trọng) từ 10 đến 20 năm, còn khung 3 (chuẩn bị phạm tội) từ 1 đến 5 năm tù.
Thụy My
******************
Khi "hạt giống đỏ" đổi màu và bài học cảnh tỉnh (CAND, 23/11/2019)
Theo thông báo của Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Chí Dũng để điều tra về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cái tên Phạm Chí Dũng không hề xa lạ trong giới "dân chủ". Phạm Chí Dũng thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn của các báo, đài nước ngoài như Việt Tân, BBC, RFA… với những nội dung sai lệch tình hình thực tiễn, vu khống, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, Phạm Chí Dũng là một "tay viết" khá lão luyện trong giới "dân chủ".
Thậm chí, để thuận tiện trong việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm chống phá nhà nước, Phạm Chí Dũng và đồng bọn đã tự lập nên cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Đồng thời, Phạm Chí Dũng cũng tham gia xây dựng nội dung, điều hành trang mạng Việt Nam Thời Báo – một trang mạng có nhiều bài viết sai lệch thực tế về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Vậy nhưng có lẽ ít ai biết, trước khi được kết nạp vào giới "dân chủ", Phạm Chí Dũng từng là một "hạt giống đỏ". Sinh năm 1966, tại Đồng Tháp, cha đẻ của Phạm Chí Dũng là ông Phạm Văn Hùng (còn gọi là Ba Hùng), cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản thân Phạm Chí Dũng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, có học vị tiến sĩ về kinh tế. Trong một thời gian dài, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, không nối tiếp truyền thống gia đình, Phạm Chí Dũng đã tự chuyển hóa, trở thành một đối tượng cơ hội chính trị nguy hiểm. Năm 2012, khi vẫn công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Chí Dũng đã bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đến năm 2013, Phạm Chí Dũng chính thức ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam và kể từ đây, ông ta bắt đầu quá trình chống đối quyết liệt. Ông ta lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để sản xuất, đăng tải nhiều bài viết có nội dung kích động chống đối, công kích Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bản chất chế độ. Tần suất viết bài diễn ra một cách liên tục.
Lợi dụng tâm lý tò mò của quần chúng nhân dân, Phạm Chí Dũng thường xuyên viết những bài có hơi hướng, màu sắc "thâm cung bí sử" về giới chính trị và lồng ghép trong đó những quan điểm, tư tưởng, nội dung sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người đọc. Trước các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là trước Đại hội Đảng các cấp, Phạm Chí Dũng cùng đồng bọn hoạt động với tần suất dày đặc hơn nhiều lần, đưa ra các thông tin trái chiều khiến dư luận hoang mang.
Những bài viết sai lệch của Phạm Chí Dũng có thể kể đến như : "Thư kiến nghị hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA", "Nghị viện Châu Âu sẽ treo giò EVFTA ?", "Bị xóa cấp tổng cục, Bộ Công an thất thế nặng nề trước Bộ Quốc phòng ?" hay "Dầu cạn kiệt đếm ngược tuổi thọ chế độ"... Thông qua ngòi bút của mình, Phạm Chí Dũng đã xâm phạm đến những lợi ích chung của cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
Qua trường hợp của Phạm Chí Dũng, một lần nữa chúng ta không khỏi giật mình khi những "hạt giống đỏ" không còn đỏ ; một lần nữa chúng ta thấy được sự nguy hiểm khi cán bộ, đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hóa. Khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước tự thoái hóa, biến chất, "trở cờ" quay sang chống phá chế độ, tính chất nguy hiểm rất khó lường. Đây là mầm mống của những nguy cơ đe dọa đến an ninh, ổn định của đất nước.
Trước hết, hành động của những người này ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, việc họ đưa ra các bài viết nói xấu chế độ, xuyên tạc tình hình đất nước gây ra tâm lý lo ngại trong quần chúng nhân dân. Ở một khía cạnh khác, cần phải khẳng định khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước thoái hóa, biến chất, có hành động chống phá đất nước, chống đối chế độ thì hệ quả mà nó để lại nặng nề hơn nhiều lần so với các đối tượng khác trong xã hội. Bởi họ là những người có hiểu biết về tổ chức bộ máy, có chuyên môn, trình độ về kiến thức và đồng thời cũng từng có vị thế nhất định trong xã hội nên sự chống đối diễn ra vô cùng tinh vi, tiếng nói của số này cũng gây chú ý hơn.
Ngay khi Phạm Chí Dũng bị Cơ quan điều tra bắt giữ, khá nhiều trang báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt và các trang mạng tuyên truyền của các tổ chức phản động, chống đối đã đăng tải những bài viết phiến diện, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết chụp mũ như "đàn áp nhà hoạt động dân chủ", "chính quyền bắt nhà cải cách"… Những thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội, trở thành chủ đề để các đối tượng cơ hội chính trị xuyên tạc, đả phá chính quyền.
Đi liền với việc tích cực điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của Phạm Chí Dũng, cơ quan chức năng sẽ củng cố hồ sơ, cung cấp thông tin về vụ án để mọi người được biết và hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh tình trạng các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Chí Dũng tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vụ án một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho những ai đã, đang có ý định "trở cờ", suy thoái chính trị tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa, trở thành tay sai cho các thế lực thù địch, phản động, làm những điều phản dân, hại nước – một vấn đề lớn đã được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
Trần Anh Tú