Tài xế taxi chết trong thời gian bị tạm giam (RFA, 22/11/2019)
Tài xế taxi Đặng Thanh Tùng, 26 tuổi đã tử vong trong thời gian bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam ngày 21/11.
Vết bầm trên thi thể anh Đặng Thanh Tùng. FB Lan Lan
Truyền thông trong nước loan tin ngày ngày 22/11, trích xác nhận của Đại tá Nguyễn Văn Trung – Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chiều cùng ngày.
Theo thông tin chị Nguyễn Thị Lan – vợ anh Tùng đăng tải trên Facebook cá nhân, gia đình chị nhận được tin anh Tùng tử vong liền vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, nhưng khi đến cổng viện thì thấy anh Tùng đã bị đắp chiếu kín người và đưa từ xe cấp cứu xuống.
Vẫn theo chị Lan, phía công an còn gây khó dễ, cản trở không để chị quay lại những vết tím bầm dập trên người chồng chị ở trước ngực, sau lưng, tay, chân, mông và đùi. Ngoài ra, miệng anh Tùng cũng bị sưng, dính máu và không nhắm mắt.
Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam nói với báo trong nước hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân tử vong của anh Đặng Thanh Tùng và đang chờ kết luận từ Cơ quan pháp y Bộ Công an.
Công an tỉnh Hà Nam cho biết anh Tùng bị bắt tạm giam vào ngày 22/9 để điều tra về tội môi giới mại dâm người chưa thành niên.
Còn theo vợ anh Tùng, khoảng 12g10 phút đêm 21/9/2019 công an tỉnh Hà Nam tới gặp anh Tùng cho biết khách đi xe anh báo để quên đồ trên taxi, yêu cầu chiếc xe 90A - 07429 đứng tên anh Tùng và anh Tùng về cơ quan công an tỉnh Hà Nam làm việc 1 lúc là được về nên không có biên bản hay giấy tờ.
Tuy nhiên sau đó công an bắt tạm giam anh Tùng ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam nói chưa điều tra xong đồng thời bắt chị Trang phải bán xe ô tô trong lúc anh Tùng đang bị tạm giam. Phía công an nói với chị nếu không sẽ bị thu trắng vào tài khoản của công an tỉnh Hà Nam. Nên chị Trang đã bán xe và chi ra 10 triệu để có thể lấy xe ra từ phía công an.
Truyền thông trong nước trích lời Công an Hà Nam cho biết sau 7 ngày bị tạm giam, anh Tùng có sức khỏe yếu và được đưa đến bệnh viện thăm khám. Đến ngày 21/11 thì tử vong ngay sau khi đưa đến bệnh viện.
Trong cùng ngày, ông Đặng Văn Hiệp, bố anh Đặng Thanh Tùng, đã gửi đơn kêu cứu đến Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng (Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị điều tra về cái chết của con trai ông mà ông nghi là anh Tùng có dấu hiệu bị ép cung, dùng cực hình để lấy lời khai dẫn đến tử vong.
Đến 8 giờ sáng ngày 22/11 thì công an bàn giao thi thể anh Đặng Thanh Tùng về cho gia đình để mai táng.
Những vụ người dân chết trong đồn công an khá phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều trường hợp được gia đình nạn nhân xác định là do bị công an tra tấn. Công an thường cho biết những nạn nhân bị chết là do sức khỏe yếu hoặc tự tử. Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị hồi đầu năm nay, đại diện Bộ Công an cho biết tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,3% số phạm nhân đang chấp hành án. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công An nói trước Liên Hiệp Quốc rằng các trường hợp chết do bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại chiếm hơn 98%, chỉ có khoảng 1,4% là chết do tại nạn hoặc rủi ro.
*********************
Các công ty khởi nghiệp Hàn Quốc lấn sân sang Việt Nam (VOA, 21/11/2019)
Các công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc đang tận dụng những nét tương đồng của nước họ với Việt Nam - đề cao giáo dục, có cùng chung những nghi lễ, lịch sử nội chiến chia rẽ và hiện đang tập trung vào sản xuất và hội nhập với thương mại quốc tế - để mang lại lợi thế trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trong khi Việt Nam theo bước của Hàn Quốc để trở thành một trong những con hổ Châu Á tiếp theo.
Một công ty khởi nghiệp Hàn Quốc thuyết trình trước các nhà đầu tư ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hàn Quốc vốn đã là một nhà đầu tư lớn ở quốc gia Đông Nam Á này, nhưng giờ đây các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như mỹ phẩm và ứng dụng điện thoại thông minh cho khách sạn đang tham gia đầu tư.
"Tôi nghĩ rằng đầu tư khởi nghiệp Việt Nam đang thực sự gia tăng vào lúc này", Jisoo Kang, giám đốc điều hành của Fluto, một công ty khởi nghiệp Hàn Quốc đang tiến hành thử nghiệm người dùng trên các sản phẩm kĩ thuật số, cho biết.
Cuộc chinh phục tiếp theo
Trong khi các đại công ty Hàn Quốc đã chinh phục thị trường truyền hình và ô tô quốc tế, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam là 7% hàng năm, so với tốc độ tăng trưởng 2% của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, con đường mà các đại công ty Hàn Quốc đã đi cũng có thể giúp các công ty khởi nghiệp. Một công ty khởi nghiệp logistics của Hàn Quốc có tên 2Luck cho biết họ sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty đã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam.
"Có rất nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc ở đây", Kim Seungyong, giám đốc điều hành của 2Luck, cho biết.
Công ty của anh nhắm mục tiêu tăng hiệu năng cho dịch vụ logistics bằng cách kết nối các tài xế xe tải đã giao hàng với khách hàng cho các chuyến đi trở về của họ.
Các công ty khởi nghiệp khác đang xem xét những tương đồng giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Người Việt Nam đánh giá cao tất cả mọi thứ từ nhạc pop Hàn Quốc đến các phim truyền hình Hàn Quốc, và việc người dân hai nước kết hôn với nhau là chuyện phổ biến.
Phương sách giáo dục
Một điểm chung là giáo dục. Giống như học sinh Hàn Quốc, học sinh Việt Nam cũng đặt nặng chuyện thi cử và dành nhiều thời gian đi học thêm sau giờ học chính quy. Điều này được phản ánh ở điểm số cao mà Việt Nam đạt được trong các kì thi quốc tế.
KEII Platform, một công ty giáo dục, tự gọi mình là công ty "edtech" (công nghệ giáo dục) đầu tiên ở Hàn Quốc. Các dịch vụ của họ bao gồm dạy toán cho học sinh qua video và để học sinh tự học toán trên ứng dụng điện thoại thông minh.
"Chúng tôi muốn trở thành nền tảng giáo dục số 1 tại Việt Nam", Peter Lee, giám đốc điều hành của KEII Platform, cho biết vào tháng 10.
Tuy nhiên, họ đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh — họ không phải là công ty khởi nghiệp đầu tiên tìm kiếm cơ hội trong thị trường dịch vụ giáo dục. Các công ty Việt Nam như Topica, Elsa và Yola đã có mặt trên thị trường ở đây từ lâu.
Hạ Nguyên
*******************
Làng đạo Thạch Bích ở Thanh Oai, Hà Nội cắm lều đòi chính quyền trả đất (RFA, 21/11/2019)
Cắm lều đòi đất
Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 11 vừa qua, hơn 100 người dân ở làng đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội cắm lều đòi chính quyền xã phải trả đất canh tác cho dân. Vụ việc đã khiến công an phải huy động lực lượng được người dân cho biết là đông gấp 10 lần người dân đến để giải tán. Một người dân tham gia phản đối bị bắt giữ và trả về nhà sau 1 ngày là bà Nguyễn Thị Tuyết.
Cư dân làng đạo Thạch Bích, trong ba ngày 5-8/11/19 cắm lều yêu cầu Chính quyền xã Bích Hòa trả đất. RFA
Bà Tuyết thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do sự việc bà bị bắt giữ như sau :
"Công an bắt, một người bóp mồm, một người bấm huyệt tím hết, không thở được, một người bóp hầu còn một người khóa tay, một người khóa chân và ghì xuống. Họ nói ‘mày mồm to thì cho mày chết’".
Tranh chấp đất đai giữa cư dân làng đạo Thạch Bích với chính quyền xã Bích Hòa xảy ra là do người dân cáo buộc chính quyền địa phương đã gạt họ trong việc lấy đất bắt đầu từ năm 2003.
Các hộ dân làng đạo Thạch Bích nói rằng năm 2003, họ được thông báo miệng từ chính quyền xã Bích Hòa là cho thuê đất trong 10 năm thì nhận được 19.500.00 đồng/sào đất hoa màu. Đến năm 2006, họ nhận thêm một thông báo rằng có luật thu hồi đất để giãn dân nhằm đảm bảo cuộc sống và một sào đất (360 m2) bị thu hồi thì người dân được nhận lại đất dịch vụ 10% (36 m2). Đồng thời, cả hai ông Chủ tịch và ông Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai lúc bấy giờ đến Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Bích Hòa để vận động cư dân làng đạo Thạch Bích giao đất cho doanh nghiệp thuê và cả trong hai đợt giao đất năm 2003 và năm 2006 đều được nhận lại đất dịch vụ 10%.
Những cư dân làng đạo Thạch Bích cho biết tổng cộng số đất đã giao trong hai đợt là xấp xỉ 16 ngàn héc-ta và tổng số 500 lô đất dịch vụ 10% mà đến nay họ vẫn chưa được chính quyền xã Bích Hòa đưa lại là 79.404,68 m2.
Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết hành trình đòi đất của 1800 hộ dân ở 4 thôn thuộc làng đạo Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đã kéo dài từ năm 2006 đến nay mà vẫn chưa có kết quả nào. Bà Tuyết cho biết thêm chính quyền UBND xã Bích Hòa đã gửi thư mời đích danh của bà cùng một phụ nữ nữa, tên Điểm đại diện cho các hộ dân làng đạo Thạch Bích đến dự hội nghị đối thoại về giải quyết đất dịch vụ (đất tái định cư) vào lúc 13 :30 ngày 5/11/19.
Bà Nguyễn Thị Tuyết và người dân làng đạo có mặt ở UBND xã Bích Hòa vào đúng ngày giờ hẹn trong thư mời. Tuy nhiên :
"Hôm ấy chúng tôi đến chẳng được các cấp của huyện đến để đối thoại gì cả. Trong khi đó, họ đã hứa rất nhiều lần bằng văn bản là đối thoại với nhân dân. Tổng cộng đã 3 lần. Thế là lần thứ 4 nhận được giấy mời, nhân dân hoan hỉ để đi gặp chính quyền đối thoại. Ngày nào người dân cũng xuống Ủy ban đợi chờ đến 10-11 giờ để lấy kết quả của việc yêu cầu các cấp lãnh đạo trực tiếp lên UBND xã Bích Hòa trả lời cho chúng tôi về trả tiền cho chúng tôi. 3 lần hứa và lần thứ 4 đưa giấy mời mà chúng tôi không được giải quyết nên nhân dân bức xúc đã ùa lên chỗ doanh nghiệp, là chỗ đất của mình mà họ lấy, cắm trại để đòi đất dịch vụ 10% cho nhân dân, nếu không trả đất dịch vụ thì trả lại ruộng".
Sau khi vụ việc cắm lều đòi chính quyền trả đất, bà con làng đạo Thạch Bích nói với RFA rằng họ liên tục nhận nhiều tin nhắn đe dọa liên quan việc đòi đất, thậm chí đe dọa đến tính mạng của họ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết còn cho biết thêm rằng vào hôm 20/11 bà đã mang đơn đến đồn công an xã Bích Hòa để trình báo các tin nhắn đe dọa đó.
Đài RFA vào ngày 21/11 liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa để hỏi thăm thông tin liên quan về mối lo ngại các tin nhắn đe dọa mà cư dân làng đạo Thạch Bích đã trình báo, cũng như Chính quyền xã Bích Hòa sẽ tiến hành giải quyết rốt ráo vấn đề phản ánh của người dân ra sao ; tuy nhiên ông Bùi Tiến Dũng tuy rằng bắt máy nhưng ông im lặng, không trả lời câu hỏi của chúng tôi.
Người dân làng đạo Thạch Bích kêu gọi chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm giao đất đất dịch vụ cho họ. RFA
Chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội không được thực hiện
Bà Dung, một người dân ở làng đạo lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do :
"Lấy đất của chúng tôi đợt 1 là năm 2003 và đợt 2 là năm 2006. Khi đấy, ông Tuấn Anh làm Chủ tịch bên Giải phóng Mặt bằng của huyện lên gặp chúng tôi ở 6 thôn, tại 6 nhà văn hóa. Họp dân lại và ông Tuấn Anh nói trả đất dịch vụ cho dân. Đợt đầu thu thì trả cho chúng tôi hơn 18 triệu mấy trăm ngàn thôi. Đợt hai là có 30 triệu/sào. Họ hứa mỗi sào đất trả cho chúng tôi 10% là được 36 mét dịch vụ. Thế mà suốt từ năm 2003 đến năm 2019, chúng tôi đòi hỏi mà vẫn không nhận được".
Những người dân làng đạo Đài RFA tiếp xúc được cho biết rằng mặc dù ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Chính quyền xã Bích Hòa giải quyết vấn đề này đến hạn chót vào cuối năm 2018, thế nhưng thông báo sau cùng của Chính quyền xã Bích Hòa là theo Quyết định 3017 của thành phố Hà Nội thì chỉ đền bù đất dịch vụ cho những hộ dân trong số 1800 hộ có đất thu hồi hơn 30% trong đợt thu hồi năm 2006 và đợt thu hồi đất năm 2003 không được đền bù đất dịch vụ, với lý giải rằng đất ruộng cho thuê vẫn còn thuộc về của người dân.
Cư dân làng đạo Thạch Bích bức xúc trước thông báo vừa nêu, và cho rằng họ bị chính quyền xã Bích Hòa lừa gạt vì thông báo sau cùng bằng văn bản ghi người dân đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất 50 năm, trong khi trước đó thông báo miệng chỉ có 10 năm.
Theo nội dung thông báo sau cùng của Chính quyền xã Bích Hòa, chỉ có hơn 100 hộ trong số 1800 hộ cư dân làng đạo Thạch Bích được đền bù đất dịch vụ. Hiện đã có 170 lô đất dịch vụ 50 m2 đã giao cho người dân và Chính quyền xã Bích Hòa đang rao bán 330 lô đất dịch vụ mà họ gọi là "dư thừa".
Bà Nguyễn Thị Nhận kêu gọi các cấp chính quyền thành phố và Trung ương giải quyết trả đất cho cư dân làng đạo Thạch Bích :
"Chúng tôi có ý kiến đề đạt với cấp trên là giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi lấy sự công bằng. Bây giờ tôi không có một vuông đất nào để nuôi tấm thân già. Bây giờ chúng tôi xin nhờ và trông cậy vào Đảng và Nhà nước giúp đỡ trả lại đất dịch vụ cho chúng tôi".
Các hộ dân làng đạo Thạch Bích vào tối ngày 21/11 khẳng định với RFA rằng họ sẽ tiếp tục tranh đấu quyết liệt để đòi lại sự công bằng và dân làng sẽ đến văn phòng Ủy ban xã Bích Hòa trong nay mai.