Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/12/2019

Sông Tô Lịch : Nguyễn Đức Chung lưỡi không xương hay vì lợi ích nhóm ?

Tổng hợp

JEBO xin lỗi chủ tịch Hà Nội do hiểu lầm ý công văn 142 (RFA, 10/12/2019)

Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.

Theo tờ Thanh Niên, trong thông báo của JEBO có viết "JEBO Nhật Bản thông tin khẳng định Chủ tịch Hà Nội nói đúng và gửi lời xin lỗi chân thành tới Ngài Chủ tịch Hà Nội vì gây ra vụ việc hiểu lầm vừa qua, ảnh hưởng đến uy tín của Ngài Chủ tịch và Thông tin khẳng định Nhật Bản, Việt Nam không hề kỳ thị Tổ chức phi chính phủ/chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước/tư nhân".

jebo1

Chuyên gia JEBO tham gia làm sạch môi trường nước một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ nano bioreactor từ tháng 5 (ảnh minh họa) - Courtesy of Thanhnien -edited by RFA

Thông báo của JEBO cũng ghi rõ do hiểu lầm công văn chấp thuận của Hà Nội nên mới xảy ra chuyện JEBO ra thông cáo khẳng định "100% chủ tịch Hà Nội thông tin sai sự thật". Thực tế, trong công văn 142/TB do phó chủ tịch Hà Nội ký vào ngày 9/5/2019 có ghi rõ đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện thí điểm làm sạch sông Tô Lịch. Nghĩa là, về mặt pháp lý Hà Nội chỉ cho phép JVE thực hiện theo văn bản xin phép của JVE chứ không phải cho phép JEBO thực hiện việc thí điểm trên.

Cũng trong thông báo phát đi ngày 10/12, JEBO không phủ nhận thông tin cho rằng JEBO chỉ là công ty, tổ chức tư nhân, không phải tổ chức Chính phủ, tuy nhiên đơn vị này cho rằng Nhật Bản phát triển chủ yếu nhờ các tập đoàn, công ty tư nhân và không phân biệt tổ chức chính phủ hay phi chính phủ hoặc công ty nhà nước hay tư nhân mà chỉ đánh giá thông qua thực tế, kết quả công việc đạt được, góp phần phát triển xã hội. Đồng thời khẳng định công nghệ nano -bioreactor được thử nghiệm ở sông Tô Lịch là công nghệ "đã được phát minh cách đây hơn 30 năm và là công nghệ rất tốt trong việc cải thiện chất lượng nước sông...

Được biết, việc thử nghiệm làm sạch môi trường nước một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản được JEBO và JVE tiến hành từ tháng 5. Tuy nhiên đến ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành xả nước từ Hồ Tây vào Sông Tô Lịch nơi hệ sinh vật có lợi được các chuyên gia Nhật Bản kích hoạt tại khu thí điểm bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, hôm 3/12 vừa qua, JEBO thông báo sẽ đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ Sông Tô Lịch, Hồ Tây ; và sẽ chuyển giao cho Hà Nội vận hành nếu thành công.

*********************

Chủ tịch Hà Nội vẫn nói JEBO chưa xin phép làm sạch sông Tô Lịch (RFA, 09/12/2019)

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, vào ngày 9 tháng 12 bảo lưu ý kiến và phân trần lý do khiến ông vào tuần rồi phát biểu rằng Tổ chức Xúc tiến Thương Mại - Môi trường Nhật Bản (JEBO) chưa xin phép thành phố làm sạch sông Tô Lịch là vì dựa theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.

jebo2

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, tại Pháp ngày 26/10/2019. AFP

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày, trích lời của ông Chung nói ông này chỉ ‘đọc đúng như trong thông báo’ của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, trong đó chỉ có Công ty Cải thiện Môi trường Nhật - Việt (JVE) được nói đã xin phép.

Trước đó hôm 7/12, JEBO đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định thông tin nói JEBO dùng thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép thành phố là sai sự thật 100%.

JEBO dẫn thông tin từ một báo cáo đề ngày 9/5/2019 của UBND Thành phố Hà Nội nói rõ việc đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật – Việt thực hiện thí điểm làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Thông cáo trên của JEBO phát đi một ngày sau khi ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nói tổ chức này tiến hành công việc mà chưa xin phép.

Việc thử nghiệm làm sạch môi trường nước một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản được JEBO và JVE tiến hành từ tháng 5. Tuy nhiên đến ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành xả nước từ Hồ Tây vào Sông Tô Lịch nơi hệ sinh vật có lợi được các chuyên gia Nhật Bản kích hoạt tại khu thí điểm bị cuốn trôi.

Ngày 8/8, chuyên gia Nhật Bản khẳng định hiệu quả của việc thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ thử nghiệm của nước này.

Hôm 3/12 vừa qua, JEBO thông báo sẽ đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ Sông Tô Lịch, Hồ Tây ; và sẽ chuyển giao cho Hà Nội vận hành nếu thành công.

*******************

Nguyễn Đức Chung ‘trở mặt’ vụ giúp làm sạch sông Tô Lịch, chuyên gia Nhật bất bình (Người Việt, 07/12/2019)

Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Môi trường Nhật Bản bất bình về thái độ trở mặt của Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội liên quan tới việc "thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch".

tolich1

Tiến Sĩ Tadashi Yamamura, chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Môi trường Nhật Bản, bất bình trước thái độ gian trá của Nguyễn Đức Chung. (Hình : Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động, trong thông cáo sáng 7/10/2019, Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Môi trường Nhật Bản (JEBO) phản bác thông tin cho rằng "Thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch chưa xin phép thành phố Hà Nội".

"Chúng tôi xin lấy danh dự ra bảo đảm và khẳng định 100% đây là thông tin sai sự thật. Thực tế ngày 26/04/2019, chúng tôi đã có buổi làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tham dự cuộc họp do ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các sở như : Xây dựng, Ngoại vụ, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Ban quản lý Dự án Công trình cấp nước thoát nước và môi trường, Công ty Thoát nước Hà Nội… để xem xét về việc đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) đề nghị tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây", thông cáo nêu.

Sau khi nghe ý kiến của đoàn chuyên gia Nhật Bản, JVE và của các cơ quan dự họp, ông Nguyễn Thế Hùng kết luận, chỉ đạo : "Đồng ý cho đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty JVE thực hiện thí điểm giải quyết làm sạch môi trường nước trên một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng nguồn tài trợ của bên Nhật Bản. Thống nhất thời điểm triển khai thí điểm dự kiến bắt đầu từ 16/05/2019".

"Vì vậy, chúng tôi không rõ thông tin đưa ra về việc chúng tôi không xin phép thành phố là căn cứ như thế nào ? Nếu nói rằng chúng tôi không xin phép vậy thì chúng tôi cũng xin hỏi là vậy văn bản thông báo 142/TB-VP đã ban hành có giá trị pháp lý không ? Có còn hiệu lực không ? Nội dung văn bản đã ghi rất rõ ràng là ‘đồng ý’ cho chúng tôi thực hiện thì chúng tôi không hiểu là chúng tôi còn phải làm thủ tục xin phép Ủy ban nhân dân thành phố nào nữa ?", thông cáo của JEBO nêu rõ.

tolich2

Quá trình thí nghiệm giải quyết nước thải của JEBO tại một đoạn sông Tô Lịch. (Hình : Tuổi Trẻ)

Cũng theo JEBO, mỗi lần đến Hà Nội, nhìn dòng sông Tô Lịch chảy giữa thành phố và những "dòng sông chết" khác bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, JEBO đã luôn ấp ủ về việc có thể mang công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giúp người dân Hà Nội bớt khổ hơn nhưng có lẽ lòng tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng ?

"Thật lòng mà nói, đến giờ phút này biết bao công sức, tiền của, thời gian của chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện ‘Dự án tài trợ miễn phí thí điểm giải quyết sông Tô Lịch’ này. Nhưng Tổ Chức JEBO Nhật Bản chúng tôi thấy buồn vì ngài chủ tịch thành phố Hà Nội lại thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép thành phố, như kiểu chúng tôi ‘làm chui’ trong khi thực tế là thực hiện theo văn bản thông báo của chính Ủy ban nhân dân thành phố nêu rõ đồng ý cho phép JEBO thực hiện", kết luận trong thông cáo nêu.

Theo báo Zing, trước đó chiều 6/12, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, trả lời về việc làm sạch sông Tô Lịch, ông Nguyễn Đức Chung cho biết phía đơn vị thử nghiệm không hề xin phép thành phố mà đã thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội để thử nghiệm giải quyết.

tolich3

JEBO công bố văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho làm thí điểm tại sông Tô Lịch. (Hình : Tuổi Trẻ)

"Trong quá trình thực hiện, JEBO và JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố. Cụ thể, việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuyếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm. Không phối hợp với các cơ quan khi giải quyết thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Hà Nội đã đề nghị phía tổ chức này và JVE rút kinh nghiệm, đồng thời nghiên cứu kỹ pháp luật về xử lý môi trường.

Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bất bình xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế", ông Chung nói.

Theo VnExpress, "Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor" bắt đầu từ ngày 16 Tháng Năm trên một đoạn sông khoảng 300 mét. Sau gần sáu tháng, ngày 10 Tháng Mười Một, 2019, các thiết bị phục vụ thí điểm đã được tháo dỡ. Đơn vị tổ chức thí điểm công bố đạt được sáu mục tiêu : Giải quyết mùi hôi thối ; phân hủy một phần bùn hữu cơ tồn đọng lâu năm dưới lòng sông ; bảo tồn hệ sinh thái…

Đến ngày 29 Tháng Mười Một, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây Dựng Hà Nội, cho biết chính quyền Hà Nội đã "nghiên cứu ba phương án làm sạch sông Tô Lịch" nhưng rồi chọn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để giải quyết. (Tr.N)

***********************

Dự án làm sạch nước sông Tô Lịch : ông Chung bị dân mạng chỉ trích (BBC, 08/12/2019)

Những ý kiến tranh cãi giữa lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và lãnh đạo Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) liên quan tới dự án thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch trong tuần qua đang gây chú ý lớn trong dư luận Việt Nam.

tolich4

Bùn dưới đáy đã tích tụ dưới đáy sông Tô Lịch lưu cữu hàng chục năm qua.

Hôm 1/12, tổ chức JEBO ra thông cáo về việc chính quyền Hà Nội đánh giá dự án thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản thất bại.

Sau đó hôm 6/12, trả lời câu hỏi một cử tri phường Tràng Tiền, Hà Nội về dự án này, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định JEBO đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố và nói thêm Hà Nội không phải để cho "một ông, một công ty nào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ", theo truyền thông Việt Nam.

Sự việc lại tiếp tục nóng khi sáng 7/12, JEBO lại ra thông cáo phản bác lại ông Nguyễn Đức Chung và cho rằng ông đã "thông tin sai sự thật".

tolich5

"Vừa qua, chúng tôi có nhận được thông tin, tại Hà Nội có thông tin không chính xác liên quan đến JEBO... Chúng tôi chính thức phản bác thông tin sai sự thật nêu trên với đầy đủ tài liệu chứng minh ở dưới đây", thông cáo của JEBO nêu rõ.

"Với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của một người Nhật, chúng tôi thấy cần công bố rõ thông tin chi tiết, tài liệu bằng chứng liên quan để rộng đường dư luận".

"Thật lòng mà nói, đến giờ phút này, biết bao công sức, tiền của, thời gian của Chuyên gia Nhật Bản chúng tôi vì người dân Hà Nội để thực hiện Dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý sông Tô Lịch này. Nhưng Tổ chức JEBO Nhật Bản chúng tôi thấy buồn vì Ngài Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép TP như kiểu chúng tôi "làm chui" mà không xin phép UBND TP", thông cáo có đoạn viết.

'Phản pháo như thể cái tát giữa mặt'

Nhiều người không ngần ngại bày tỏ quan điểm và bức xúc trước phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung trên mạng xã hội.

Nhà văn, blogger Đoàn Bảo Châu viết trên Facebook hôm 8/12 :

"Người có lòng tự trọng phát ngôn ra một câu là phải chuẩn, không hơn không kém. Phát ngôn chuẩn thì kẻ khác có muốn phản biện cũng không làm được.

Tại sao chủ tịch tp Hà Nội lại để đại diện tổ chức JEBO phản pháo như thể một cái tát giữa mặt như vậy ?

Việc này các vị còn phải tiếp tục làm rõ, công luận sẽ biết trắng đen ra sao. Thời đại thông tin, không có chỗ cho sự mập mờ hay dối trá.

Nhưng điều tôi quan tâm nhất và cũng là điều quan trọng nhất với người dân thủ đô là môi trường sống.

Tôi đề nghị để tổ chức JEBO được tiến hành công việc mà họ đã hứa hẹn.

Không được để lợi ích hay sự nhỏ nhen nào được chen vào công việc, khiến người dân chúng tôi phải chịu thiệt thòi, không được hưởng thiện chí của các nhà khoa học Nhật Bản.

Tôi rất tâm đắc khi các bạn đề cập tới trách nhiệm, nhân cách và khí phách của người Nhật, điều mà quan chức ở Việt Nam rất thiếu, thiếu trầm trọng. "

'Hành xử không giống ai'

Bình luận của Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên về "Ông Chung Hà Nội" hôm 8/12 được rất nhiều người chia sẻ :

"Tôi vốn ít chỉ trích cá nhân ai trên fb, nhưng lần này thì chịu hết nổi rồi ông Nguyễn đức Chung, Chủ tịch Hà Nội ạ.

Ông Chung cho rằng các chuyên gia của tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật- Bản (Jebo) dùng công nghệ Nano Bioreactor làm sạch sông Tô lịch do Nhật Bản tài trợ, mà không xin phép TP Hà Nội. Ông Chung lại dám to tiếng giữa một cuộc tiếp xúc cử tri mới lạ đời chứ...

Tôi không thể nào hiểu được, Chủ tịch của một Thành phố lớn như Hà Nội, mà hành xử kiểu không giống ai như vậy. Mọi việc bắt đầu từ công tác nhân sự thôi. Tôi đã từng nghe về việc bổ nhiệm nhân sự cho Hà Nội khóa vừa rồi. Có dịp, tôi sẽ hầu chuyện thêm cùng các bạn. Buồn thay !".

'Xấu hổ với thái độ của đô trưởng'

Blogger Kiều Thị An Giang từ Berlin nhân vụ việc này có bài viết trên Facebook về văn hóa nhặt rác và dân trí :

"Cho nên, mình, với tư cách một người dân Hà Nội, xấu hổ vô cùng với động thái lật lọng của vị đô trưởng. Xấu hổ vì cái tâm thức vô trách nhiệm, hành động lật lọng của cái đất nước được xếp vào bảng vàng những quốc gia xả thải nhiều rác nhựa nhất trên thế giới.

Xin lỗi các bạn Nhật. Chúng tôi đang sống thời của rác và chừng nào vẫn còn những lãnh đạo vô trách nhiệm, những kẻ bất tài, loạn tâm, vô trí vô lực ngồi ở những vị trí trọng yếu, chừng đó, nước Việt còn nặng mùi xú uế".

Quá trình công tác của ông Nguyễn Đức Chung

Sinh năm 1967 tại Phú Thọ, ông Nguyễn Đức Chung có hai bằng cử nhân : Chuyên ngành điều tra tội phạm - Đại học Cảnh sát, và ngành Quản trị kinh doanh - Đại học Thương mại.

Trước khi về làm việc ở UBND Thành phố Hà Nội, ông có nhiều năm công tác trong ngành công an.

Ông Chung giữ chức Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội từ 2012-1016.

Tháng 12/2015, ông được bầu làm Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hà Nội của ông Chung được dư luận chú ý đến bởi vụ tranh chấp đất kéo dài ở Đồng Tâm.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 459 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)