Công an nói nhiều người ‘nước ngoài’ chọn Đà Nẵng làm địa bàn phạm tội (RFA, 12/12/2019)
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, hôm 12/12 nói tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân TP. Đà Nẵng rằng có nhiều người ‘nước ngoài’ chọn thành phố làm địa bàn phạm tội và thừa nhận có những sơ hở trong quản lý lưu trú của cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng bắt giữ năm người Trung Quốc bị truy nã lẩn trốn tại Đà Nẵng hôm 21 và 22 tháng 11/2019 Courtesy of Ủy Ban Nhân Dân TP Đà Nẵng
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời ông Giám đốc Công an Đà Nẵng nói người nước ngoài đến thành phố ngoài mục đích du lịch, một số đã lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất, nhập cảnh để vi phạm pháp luật.
Ông Viên khẳng định những người nước ngoại vi phạm ‘gần như không thiếu hành vi nào’, từ trộm cắp, ma túy, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo công nghệ cao, đánh bạc, sản xuất phim đồi trụy phát tán lên Internet.
Một điểm đáng chú ý được ông Viên nói là hiện nay có một số phụ nữ trẻ sinh năm 1993 – 1994 từ địa phương khác đến Đà Nẵng xin lập doanh nghiệp và sau vài tháng thì chuyển cho người ‘nước ngoài’. Việc này được đánh giá có dấu hiệu người ‘nước ngoài’ núp bóng người Việt Nam để kinh doanh trái phép.
Tuy nhiên, báo trong nước không cho biết người đứng đầu ngành Công an Đà Nẵng nói những người ‘nước ngoài’ phạm tội là từ nước nào.
Thực tế cho thấy Đà Nẵng đang là điểm đến của nhiều khách du lịch Trung Quốc và là địa bàn của nhiều tội phạm từ Hoa Lục đến.
Hôm 15/10, chính quyền Đà Nẵng công bố có hơn 400 người Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm đã bị trả về Hoa Lục.
Nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm tại Đà Nẵng được mô tả giống lời ông Giám đốc Công an thành phố như vụ bắt 5 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc đang bị truy nã hôm 24/11, vụ 5 người Trung Quốc thuê các em gái vị thành viên quay phim khiêu dâm hồi giữa tháng 9, vụ 34 người Trung Quốc dùng công nghệ cao thao túng chứng khoán bị phát hiện hôm 14/9.
****************
Hacker ‘được nhà nước Việt Nam hậu thuẫn' tấn công hãng xe BMW và Huyndai (VOA, 11/12/2019)
Truyền thông Đức hôm 11/12 dẫn một báo cáo cho biết nhóm tin tặc APT32, được cho là có sự hậu thuẫn của nhà nước Việt Nam, đã tấn công vào hệ thống mạng của các đại gia sản xuất xe hơi là BMW và Huyndai, để "đánh cắp bí mật thương mại".
Dây chuyền sản xuất xe hơi Vinfast của tập đoàn Vingroup. Truyền thông Đức nói nhóm tin tặc bắt đầu tấn công vào thời điểm Vingroup mở nhà máy sản xuất xe hơi, mà hầu hết thiết kế xe là xuất phát từ các công ty Đức.
Theo tiết lộ của đài phát thanh truyền hình Đức BR, nhóm tin tặc Việt Nam, còn có tên Ocean Lotus, được cho là đã xâm nhập vào hệ thống mạng của các đại gia ô tô toàn cầu là BMW và Huyndai để truy cập vào các bí mật thương mại của họ, nhưng những nỗ lực trên đã bị các nhóm bảo mật của công ty chặn đứng.
Tin cho hay các cuộc tấn công bắt đầu vào mùa xuân năm nay khi các tin tặc thuộc nhóm APT32 cố cài đặt một công cụ độc hại có tên Cobalt Strike, có khả năng chiếm quyền kiểm soát các máy tính trong mạng, và từ đó truy cập vào các tệp tin được lưu trữ trong các hệ thống mạng đã bị tấn công.
Một mánh khoé khác của nhóm tin tặc này là lập ra một số trang web giả danh trang web của chi nhánh BMW ở Thái Lan và của Hyundai.
BMW không đưa ra bình luận về sự cố cụ thể này nhưng nói với đài BR rằng họ có hệ thống và quy trình để phát hiện các cuộc tấn công mạng và để phục hồi sau các cuộc tấn công này.
Hậu thuẫn từ nhà nước Việt Nam ?
Đài phát thanh truyền hình Đức còn nói rằng "có bằng chứng mạnh mẽ về việc nhà nước Việt Nam hậu thuẫn cho nhóm APT32".
Theo đó, BR dẫn lời ông Dror-John Röcher, thành viên của Tổ chức An ninh mạng của Đức (DCSO), nói rằng nhóm tin tặc bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công mạng vào thời điểm tập đoàn Vingroup mở một nhà máy sản xuất xe hơi, mà hầu hết thiết kế xe là xuất phát từ các công ty Đức.
Việt Nam từ lâu đã đưa ra chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế tạo xe hơi, nhưng tất cả những nỗ lực trong hơn một thập niên qua đều không thành công.
"Có thể cuộc tấn công mạng mới nhất nhằm mục đích giành quyền truy cập vào tài sản trí tuệ thuộc về các công ty ô tô Đức", tờ Teiss nhận định.
Chuyên gia Dror-John Röcher cho biết thêm rằng công cụ độc hại Cobalt Strike đã được nhóm APT32 sử dụng thường xuyên, và quá trình xem xét các sự cố liên quan cũng như phân tích các mục tiêu của nhóm tin tặc này cho thấy có bằng chứng mạnh mẽ về sự bảo trợ của nhà nước Việt Nam đối với nhóm này.
Theo BR, hồi đầu năm nay, Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) đã đưa ra cảnh báo cho tất cả các công ty xe hơi về các cuộc tấn công mạng do nhóm tin tặc Ocean Lotus phát động nhắm vào hệ thống thông tin của họ. Hiệp hội này đã mô tả chi tiết các công cụ và kỹ thuật của nhóm hacker, từ đó giúp cho các nhà sản xuất ô tô tăng cường các giao thức bảo mật không gian mạng của họ.
Nhóm tin tặc Việt Nam lâu nay được biết tiếng về các hoạt động gián điệp không gian mạng và nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp nước ngoài liên kết với sản xuất, sản phẩm tiêu dùng và khách sạn của Việt Nam.
Các chuyên gia của công ty an ninh mạng của Mỹ FireEye cho biết nhóm này cũng từng nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động chính trị và những người ủng hộ tự do ngôn luận ở Việt Nam và trên khắp Đông Nam Á.
***************
Quảng Ninh dừng việc biểu diễn trang phục của hơn 600 người Trung Quốc ở Việt Nam (RFA, 11/12/2018)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra công văn yêu cầu tạm dừng việc hơn 600 du khách Trung Quốc tụ tập tại Cung Quy hoạch - Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát…
Nhiều phụ nữ mặc trang phục dân tộc Trung Quốc đến thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) trình diễn - Photo : Thanh niên
Báo trong nước ngày 11 tháng 12 trích lời bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ngay sau khi có ý kiến cho rằng sự kiện này diễn ra khi chưa được phép của các cơ quan chức năng, Sở đã đề xuất cho tạm dừng chương trình đến khi vụ việc được làm sáng tỏ. Bà Hạnh cũng cho hay qua kiểm tra ban đầu không phát hiện có hình lưỡi bò trên các trang phục mà đoàn khách mặc.
Trong khi đó, ông Lê Thế Hùng - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Quảng Ninh cho hay công ty tổ chức sự kiện này đã có công văn xin phép các cơ quan chức năng, trong đó có công văn gửi Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự cũng như các nội dung khác. Ông Hùng nói thêm rằng đây chỉ là buổi sinh hoạt nội bộ của du khách, cũng giống như du khách trong nước đi du lịch thường mặc đồng phục để check-in, sau đó ăn uống, ca hát.
Nếu không bị dừng, chương trình hoạt động của nhóm du khách này diễn ra trong buổi chiều, từ ngày 10 đến 12 tháng 12.
Cũng theo truyền thông trong nước, hơn 600 người Trung Quốc trên nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức "tour 0 đồng" qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long để tham gia sự kiện trên.
********************
Đình chỉ hoạt động trình diễn sườn xám của 600 người Trung Quốc tại Quảng Ninh (VOA, 11/12/2019)
Hơn 600 người Trung Quốc được cho là "tụ tập, trình diễn trang phục trái phép ở Hạ Long" vào ngày 10/12/2019.
Hàng trăm người Trung Quốc tụ tập, trình diễn trang phục trái phép ở Hạ Long (Thanh Niên) - Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Một lượng lớn du khách Trung Quốc lên đến khoảng 600 người đã tập trung tại một trung tâm hội trợ-triển lãm ở tỉnh Quảng Ninh để tham gia hoạt động trình diễn áo dài sườn xám và các trang phục dân tộc thiểu số của nước này vào ngày 10/12 khiến người dân địa phương chú ý và báo cho chính quyền.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản yêu cầu giới hữu trách đình chỉ hoạt động dự kiến kéo dài đến ngày 12/12 và "xác minh làm rõ nội dung" của hoạt động "có sự tham gia của du khách người nước ngoài" này.
Theo tường thuật của Dân Việt, sự kiện được tổ chức một cách "quy mô", với nội dung là trình diễn và trao giải trang phục sườn xám, trong đó ban giám khảo, người dẫn chương trình, người tham gia và nhân viên phục vụ đều là người Trung Quốc.
Sự kiện còn được quay video và fly cam mà không có giấy phép của cơ quan chức năng.
Tin cho hay tất cả những người tham gia đều nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ qua cửa khẩu Móng Cái, sau đó tập trung tới Hạ Long để tham gia sự kiện, theo Thanh Niên.
Khoảng 600 người trong bộ sườn xám và các trang phục dân tộc đủ màu sắc của Trung Quốc bước xuống từ hàng chục chiếc xe 45 chỗ ngồi đã khiến người dân địa phương "choáng ngợp", theo Dân Việt.
Số người này đã đến Việt Nam theo hình thức "tour 0 đồng", "núp bóng một sự kiện tổ chức nội bộ của doanh nghiệp", báo Thanh Niên cho biết thêm.
Một lãnh đạo của Sở Văn hoá-Thể thao tỉnh Quảng Ninh nói với tờ báo rằng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại và lữ hành quốc tế Quảng Ninh, đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện, có gửi văn bản xin được tổ chức "hoạt động văn hoá nội bộ" và không bán vé. Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện với "yếu tố nước ngoài" mà chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng thì bị xem là hoạt động "chui".
Trong văn bản gửi ra cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu đình chỉ hoạt động này vì chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xét duyệt chương trình và cấp phép biểu diễn.
Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu giới hữu trách địa phương "kiểm tra, giám sát" và không để tổ chức các hoạt động tập thể của đoàn khách khi chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan.
Trung Quốc lâu nay vẫn được xem là quốc gia đang nỗ lực "bành trướng" không những về mặt quân sự mà còn qua các công cụ "quyền lực mềm" như kinh tế, văn hoá…
Hồi tháng trước, tờ báo nhà nước Trung Quốc China Daily đăng bài viết thời trang về "phong cách Trung Quốc", trong đó chụp ảnh nhiều người mẫu nữ mặc trang phục y hệt áo dài Việt Nam, đầu đội mấn, nón lá và gọi đây là những thiết kế "sáng tạo" theo phong cách Trung Quốc.
Bài viết đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng Việt Nam khi họ cho rằng nhà thiết kế Trung Quốc đã "ăn cắp" quốc phục của Việt Nam.
*********************
Nhiều tội phạm người Trung Quốc gây bất ổn ở miền Trung Việt Nam (Người Việt, 11/12/2019)
Trong số hơn 550 người ngoại quốc, đa số là người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Đà Nẵng, có nhiều người đang bị lệnh truy nã quốc tế.
Công An tỉnh Khánh Hòa bắt giữ một ổ cờ bạc tại thành phố Nha Trang do người Trung Quốc tổ chức. (Hình : Người Lao Động)
Phúc trình tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân Đà Nẵng ngày 10 Tháng Mười Hai, 2019, ông Phan Thanh Long, trưởng Ban Pháp Chế Hội Đồng Nhân Dân thành phố, cho biết các cơ quan hữu trách đã phát giác 556 người ngoại quốc, hầu hết là Trung Quốc "có hành vi vi phạm pháp luật ở địa bàn", tăng 279 trường hợp so với năm ngoái. Đặc biệt, trong số những người bị bắt giữ có đến chín người bị lệnh truy nã quốc tế.
Báo Zing dẫn lời ông Long cho biết : "Đà Nẵng đang phát triển mạnh về du lịch, kéo theo đó là những hệ lụy nhiều người ngoại quốc đến đây để ẩn náu, trốn lệnh truy nã. Trong số này, có những nhóm người Trung Quốc tiếp tục thực hiện việc phạm tội như tàng trữ, sử dụng ma túy, đánh bạc hoặc dụ dỗ các cô gái Việt Nam sản xuất clip sex".
Tương tự, theo báo Người Lao Động, cùng ngày tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Nhân Dân tỉnh này đã giải trình các ý kiến cử tri liên quan đến tình trạng người ngoại quốc, nhất là Trung Quốc vi phạm pháp luật ở địa phương trong thời gian qua.
Theo đó từ đầu năm 2019 đến nay, giới hữu trách tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện 651 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 41 vụ so với cùng kỳ 2018. Trong đó có nhiều vụ liên quan đến người ngoại quốc. Điển hình là việc người Trung Quốc thuê nhà, sử dụng mạng internet để đánh bạc xuyên quốc gia.
Về tình trạng cướp giật tài sản của du khách, Ủy ban tỉnh cho biết trong năm 2019 đã xảy ra 55 vụ, tăng chín vụ so với năm 2018.
Riêng tình trạng người Trung Quốc giao dịch mua bán đất đai ở tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài, phó chủ tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh, cho biết cơ quan hữu trách chỉ phát giác ba trường hợp người Trung Quốc thuê đất của người Việt Nam để sản xuất kinh doanh.
Nói về biện pháp quản lý, Ủy ban tỉnh Khánh Hòa cho biết thời gian tới "sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh du lịch, cư trú, tạm trú của khách du lịch ngoại quốc để xử lý các vi phạm nếu có. Đồng thời, tỉnh sẽ xem xét việc lắp đặt thêm camera trên các tuyến đường, khu phố để giám sát". (Tr.N)