Trung Quốc trong Sách Trắng Quốc phòng ‘bốn không' của Việt Nam (VOA, 11/12/2019)
Trung Quốc nhiều lần được đề cập tới trong Sách Trắng Quốc phòng "bốn không" của Việt Nam, nhất là trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, và Hà Nội cũng thừa nhận "sự khác biệt" với nước láng giềng phương bắc về tranh chấp từng nhiều lần gây sóng gió trong quan hệ song phương.
"Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển của hai nước", Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam có đoạn.
"Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Hai bên cần tiếp tục đàm phán, hiệp thương tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Tài liệu quan trọng về chính sách quốc phòng của Việt Nam mới chính thức xuất hiện trên mạng của Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 10/12, nửa tháng sau khi được Thứ trưởng của Bộ này, ông Nguyễn Chí Vịnh, công bố ở Hà Nội.
Tài liệu lần đầu tiên xuất bản trong vòng một thập kỷ này viết thêm rằng "trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông" cũng như "tuân thủ luật pháp quốc tế" và "không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định rằng "về chính sách quốc phòng, Sách Trắng không tiết lộ bất kỳ thay đổi đáng kể nào, ngoại trừ một điều chỉnh nhỏ đối với chính sách ‘ba không' nổi tiếng lâu nay".
Việt Nam từng tuyên bố "chủ trương không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác", và nay, theo Sách Trắng Quốc phòng 2019, chính quyền Hà Nội thêm cái "không" thứ tư, đó là "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Ông Hiệp cho rằng "việc bổ sung nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực rõ ràng là nhằm làm nổi bật bản chất phòng thủ và hòa bình của chính sách quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang liên tục nỗ lực nâng cao năng lực quân sự của mình".
"Đồng thời, nguyên tắc này cũng có thể nhằm góp phần nhấn mạnh tính phi pháp của các hành vi gây hấn ở Biển Đông, nơi Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực và sự cưỡng ép ngày càng tăng, kể cả các lời đe dọa sử dụng vũ lực, từ Trung Quốc", ông Hiệp nhận định thêm.
Sách Trắng Quốc phòng của Việt Nam cũng nói rằng Hà Nội "ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông".
Hoa Kỳ thời gian qua nhiều lần đưa tàu tới gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông để thực hiện các hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ.
Liên quan tới việc "tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung", Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam viết rằng "tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế".
Ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với VOA tiếng Việt rằng với tuyên bố như trên, Hà Nội "phát đi tín hiệu tới Bắc Kinh rằng Việt Nam buộc phải mở rộng các mối quan hệ quốc phòng nếu Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Việt Nam".
Bên cạnh vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng được nhắc tới trong Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam liên quan tới các hiệp định về biên giới giữa Hà Nội và các nước láng giềng, trong đó có "Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc", vốn "chính thức có hiệu lực từ tháng 6 năm 2016".
Tháng Bảy vừa qua, Trung Quốc công bố "Bạch thư Quốc phòng", trong đó có cũng nhắc tới Việt Nam và Biển Đông, đồng thời nói rằng các lực lượng vũ trang của quốc gia đông dân nhất thế giới "quyết tâm bảo vệ chủ quyền" ở vùng biển tranh chấp.
Tài liệu có tựa đề "Quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới" viết rằng "tình hình Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] nhìn chung ổn định và cải thiện trong khi các nước trong khu vực đang xử lý phù hợp các rủi ro và khác biệt".
Trong tuyên bố cho thấy Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, "Bạch thư Quốc phòng" nói rằng "mục tiêu cơ bản" của chính sách phòng thủ quốc gia của quốc gia đông dân nhất thế giới là nhằm bảo vệ "các quyền lợi và chủ quyền hàng hải của Trung Quốc".
Viễn Đông
**********************
Việt Nam tiếp tục nêu quan ngại về căng thẳng Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc (RFA, 11/12/2019)
Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm 10/12, Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục nêu quan ngại về tình hình căng thẳng Biển Đông với những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9/2019 - AP - Hình minh họa.
Đây là lần thứ hai trong năm nay Việt Nam nói đến những hành động xâm phạm của tàu Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam nhưng tránh không nên tên Trung Quốc trực tiếp.
Hôm 28/9, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong bài phát biểu của mình nhưng không nêu tên Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đại diện Việt Nam Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Phạm Hải Anh cũng kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa khu vực Biển Đông, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời khẳng định lập trường của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng tại phiên họp lần này, đại diện một số nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia cũng đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đề cao vai trò của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến khoảng cuối tháng 10, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và cả tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của Bắc Kinh và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu.
Hoa Kỳ và EU cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Bãi Tư Chính mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là hành động bắt nạn Việt Nam của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó khẳng định vùng nước gần Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động đơn phương tại khu vực này.
Mặc dù có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, Hà Nội và Bắc Kinh vẫn duy trì các đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, bao gồm việc tuần tra chung ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Đợt tuần tra mới nhất giữa hải quân hai nước vừa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10 tháng 12.
Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ quyền trên biển với đường đứt khúc này qua các ấn phẩm sách báo, phim ảnh và ứng dụng bản đồ, gây ra các phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng.
Hôm 10/12, truyền thông trong nước đưa tin công ty Điện lực Long Thành (Đồng Nai) mới đây đã từ chối mua điện mặt trời áp mái của một khách hàng trên địa bàn vì phần mềm được cài đặt có bản đồ đường lưỡi bò.
Các bộ ngành của Việt Nam thời gian gần đây đã đồng loạt chỉ đạo việc kiểm tra chặt chẽ, cấm nhập những mặt hàng vào Việt Nam có bản đồ lưỡi bò.
****************
Nhà ngoại giao Việt Nam phản đối Mỹ can thiệp vào Hong Kong (RFA, 11/12/2019)
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI hôm 9/12/2019 dẫn lời ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Cố vấn cấp cao Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế Việt Nam phản đối việc Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện Hồng Kông.
Hình minh họa. Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang - Courtesy of CRI
Theo đó, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang cho biết, tình hình Hồng Kông không ổn định không những không lợi đối với người dân Hồng Kông, mà còn gây ảnh hưởng tới các nước liên quan trong đó có Việt Nam, mong Hồng Kông sớm khôi phục ổn định.
Ông Nguyễn Vinh Quang cho hay, Hồng Kông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, vấn đề Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, chúng tôi phản đối hành động can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh tôn trọng "Một nước hai chế độ" của Trung Quốc, tôn trọng "Luật Cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông", cũng tôn trọng nguyện vọng của người dân Hồng Kông, đúng như Trung Quốc nêu ra chế độ "Người Hồng Kông quản lý Hồng Kông".
Ông Nguyễn Vinh Quang nói, các biện pháp áp dụng của Trung Quốc như tạm dừng phê duyệt tàu chiến Mỹ vào Hồng Kông và trừng phạt "Quỹ dân chủ Quốc gia Mỹ", là những quyết định được đưa ra theo nhu cầu bản thân của chính phủ Trung Quốc.
Hôm 27/11/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật 2 đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.
Bắc Kinh sau đó lên tiếng phản đối và cho rằng đây là việc làm can thiệp vào nội bộ Trung Quốc và cảnh báo Mỹ sẽ lãnh hậu quả.